BỐN BỨC CHÂN DUNG
Mẹ của Kim miêu tả Kim theo cách này; giáo viên của Kim lại miêu tả Kim theo cách khác; bạn thân của Kim theo cách thứ ba; trong khi đó, huấn luyện viên bóng chuyền của Kim lại theo cách thứ tư. Thế là, chúng ta có một Kim, nhưng có tới bốn bức chân dung.
Điều tương tự xảy ra nơi các sách Tin mừng. Chúng ta có một Đức Giêsu, nhưng có tới bốn bức chân dung.
Tin mừng Bức chân dung Đức Giêsu
Maccô Đấng Mêsia đau khổ
Matthêu Đấng Mêsia thầy dạy
Luca Đấng Mêsia cảm thông
Gioan Đấng Mêsia trao ban sự sống
Maccô vẽ chân dung Đức Giêsu chủ yếu cho các Kitô hữu Rôma bị bách hại. Ngài làm rõ điều này: cũng như chính Đức Giêsu chịu đau khổ, họ cũng có thể mong đợi để chịu đau khổ.
Matthêu vẽ chân dung Đức Giêsu chủ yếu cho các Kitô hữu gốc Do thái. Ngài nhấn mạnh rằng giáo huấn của Đức Giêsu ăn khớp với giáo huấn của Môsê và các ngôn sứ Cựu ước. Đức Giêsu đến không phải để xóa bỏ nhưng kiện toàn lề luật (Mt 5, 17).
Luca vẽ chân dung Đức Giêsu chủ yếu cho dân ngoại Hy Lạp (không Do thái giáo). Nhiều người trong họ thuộc số những kẻ bị loại khỏi xã hội. Ngài nhấn mạnh đến sự đồng cảm của Đức Giêsu dành cho những công dân hạng hai vào thời của ngài. Ví dụ, Luca minh chứng mối quan tâm đặc biệt của Đức Giêsu đối với phụ nữ bằng nguồn liệu không thể tìm thấy nơi bất kì Tin mừng nào (Lc 7, 11-17; 8, 1-3; 18, 8-10; 18, 1-8).
Cuối cùng, Gioan vẽ chân dung Đức Giêsu cho Kitô hữu trên mọi nẻo đường đời. Vì thế, Gioan nhấn mạnh đến khía cạnh trao ban sự sống của Đức Giêsu. Đức Giêsu đến để làm phong phú sự sống trên thế giới và để bảo đảm sự sống trong thế giới sẽ đến. “Ta đến … để các con có thể có sự sống – sự sống dồi dào” (Ga 10, 10). Bởi vì Gioan viết muộn hơn các thánh ký khác, nên chân dung ngài vẽ phản ánh một cái nhìn chín mùi hơn về Đức Giêsu.
Tóm lại, các sách Tin mừng trình bày cho chúng ta không chỉ một bức chân dung của Đức Giêsu, nhưng là bốn.
(Dịch từ bài Four Portraits trong cuốn Bible 2000 – Genesis to Revelation – for Busy People của Mark Link, S.J.)