Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây, trong buổi công bố Sứ điệp Giáng sinh và ban phép lành, với ơn toàn xá, cho Roma và toàn thế giới, trưa ngày lễ Giáng sinh 25/12/2020.
Những năm trước đây, buổi công bố này diễn ra từ bao lơn chính của Đền thờ thánh Phêrô, nhìn xuống Quảng trường, trước sự hiện diện của hàng chục ngàn tín hữu Roma và khách hành hương, và có sự tham dự của ban nhạc cùng với đội quân danh dự của Vệ binh Thụy Sĩ, Hiến Binh Vatican và liên quân Italia. Nhưng năm nay vì đại dịch và nước Ý đang ở trong những ngày giới nghiêm toàn diện, dân chúng không được đi lại, nên buổi công bố sứ điệp được Đức Thánh cha cử hành tại Hội trường Phép lành ở lầu trên, phía cuối Đền thờ thánh Phêrô, cạnh bao lơn của Đền thờ thánh Phêrô, trước sự hiện diện của khoảng năm mươi giáo dân và nữ tu.
Buổi lễ được các cơ quan truyền thông Vatican và nhiều nước trực tiếp truyền hình và truyền thanh.
Trong sứ điệp Giáng sinh, Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chúc mừng lễ Giáng sinh!
Tôi muốn gửi đến tất cả mọi người sứ điệp mà Giáo hội loan báo trong lễ này, với những lời của ngôn sứ Isaia: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một người con được ban cho chúng ta” (Is 9,5).
Một Hài Nhi đã sinh ra: sinh ra luôn luôn là nguồn hy vọng, là sự sống nở ra, là lời hứa tương lai. Và Hài Nhi này, Giêsu, đã “sinh ra cho chúng ta”: một “chúng ta” không biên cương, không đặc ân và cũng chẳng có loại trừ. Hài Nhi mà Đức Trinh Nữ Maria đã sinh hạ ở Bethlehem, đã sinh ra cho tất cả mọi người: là “người con” mà Thiên Chúa đã ban cho toàn thể gia đình nhân loại.
Nhờ Hài Nhi này, tất cả chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa và gọi Người là “Cha”, là “Ba”. Chúa Giêsu là Con duy nhất; không ai biết Chúa Cha, trừ ra Ngài. Nhưng Ngài đã đến trong trần thế chính là để tỏ lộ cho chúng ta tôn nhan Chúa Cha trên trời. Và thế là nhờ Hài Nhi này, tất cả chúng ta có thể gọi nhau là anh chị em thực sự: thuộc mọi đại lục, thuộc bất kỳ ngôn ngữ và văn hóa nào, với những căn tính và khác biệt, nhưng tất cả chúng ta đều là anh chị em.
Trong thời điểm lịch sử này, bị khủng hoảng về môi sinh và những chênh lệch trầm trọng về kinh tế và xã hội, bị đại dịch Covid-19 làm cho nặng nề thêm, hơn bao giờ hết chúng ta cần tình huynh đệ. Và Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta tình huynh đệ ấy, khi ban cho chúng ta Chúa Giêsu Con của Người: không phải một tình huynh đệ bằng những lời hoa mỹ, những lý tưởng trừu tượng, những tình cảm vu vơ... Không phải vậy. Đó là một tình huynh đệ dựa trên tình yêu đích thực, có khả năng gặp gỡ người khác biệt tôi, cảm thông với những đau khổ của họ, xích lại gần và chăm sóc họ, tuy họ không thuộc gia đình, bộ tộc, tôn giáo của tôi; họ khác với tôi nhưng là anh chị em của tôi. Và điều này cũng có giá trị trong các tương quan giữa các dân tộc và quốc gia.
Những người yếu thế
Ước gì Hài Nhi Bethlehem giúp chúng ta sẵn sàng, quảng đại và liên đới, nhất là với những người mong manh nhất, các bệnh nhân và những người bị thất nghiệp trong thời kỳ này hoặc gặp khó khăn trầm trọng vì những hậu quả kinh tế của đại dịch, cũng như những phụ nữ trong những tháng bị phong tỏa này đã chịu những bạo hành trong gia đình.
Các vị trách nhiệm
Ước gì Con Thiên Chúa soi sáng cho những người có trách nhiệm chính trị và chính quyền một sự cộng tác quốc tế được đổi mới, bắt đầu từ lãnh vực y tế, để tất cả được bảo đảm có vắc-xin và được săn sóc. Đứng trước một thách đố vô biên, ta không thể dựng lên những hàng rào. Tất cả chúng ta ở trên cùng một con thuyền. Mỗi người là anh chị em của tôi. Nơi mỗi người, tôi thấy phản ánh tôn nhan của Thiên Chúa và nơi những người đau khổ, tôi nhận ra Chúa đang xin tôi giúp đỡ. Tôi thấy Chúa nơi bệnh nhân, người nghèo, người thất nghiệp, người bị gạt ra ngoài lề, người di cư và tị nạn.
Siria, Irak, Yemen, Trung Đông
Trong ngày Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành một hài nhi, chúng ta hãy hướng nhìn quá nhiều trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt tại Siria, Irak, Yemen, đang còn trả giá đắt đỏ vì chiến tranh. Ước gì khuôn mặt của họ đánh động lương tâm những người thiện chí, để họ giải quyết những nguyên nhân gây ra xung đột và can đảm cố gắng xây dựng một tương lai hòa bình.
Ước gì đây là thời điểm thuận tiện để giảm bớt những căng thẳng trên toàn Trung Đông và miền Đông Địa Trung Hải.
Đặc biệt Siria, Irak, Libia
Xin Chúa Hài Đồng Giêsu chữa lành những vết thương của nhân dân Siria yêu quí, từ mười năm nay kiệt lực vì chiến tranh và những hậu quả của nó, gần đây lại bị nặng thêm vì đại dịch. Xin Chúa an ủi nhân dân Irak và tất cả những người đang dấn thân trên con đường hòa giải, đặc biệt là những người Yezidi, bị thương tổn nặng nề vì những năm chiến tranh gần đây. Xin Chúa ban hòa bình cho Libia, và ban cho giai đoạn mới trong các cuộc thương thuyết hiện nay đưa tới sự chấm dứt mọi hình thức xung đột tại nước này.
Israel và Palestine
Xin Chúa Hài Đồng Bethlehem ban tình huynh đệ cho phần đất đã thấy Ngài sinh ra. Ước gì người Israel và Palestine có thể phục hồi sự tín nhiệm nhau để tìm kiếm một nền hòa bình công chính và lâu bền qua một cuộc trực tiếp đối thoại, có khả năng chiến thắng bạo lực và vượt thắng những tâm tình oán hận kinh niên, để chứng tỏ cho thế giới thấy vẻ đẹp của tình huynh đệ.
Liban
Ước gì ngôi sao soi sáng đêm Giáng sinh hướng dẫn và khích lệ nhân dân Liban, để, giữa những khó khăn họ đang phải đương đầu, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, họ không mất hy vọng. Xin Vị Vua Hòa Bình giúp các vị trách nhiệm đất nước này gạt qua một bên những tư lợi và nghiêm túc dấn thân trong sự lương thiện và minh bạch để Liban có thể tiến bước trên con đường cải tổ và tiếp tục bước đi trong ơn gọi tự do và sống chung hòa bình của mình.
Nagorno-Karabakh và Ucraina
Ước gì Con Đấng Tối Cao nâng đỡ sự dấn thân của cộng đồng quốc tế và các nước liên hệ, theo đuổi cuộc ngưng bắn tại miền Nagorno-Karabakh, cũng như tại các vùng ở miền đông Ucraina, và hỗ trợ cuộc đối thoại như con đường duy nhất dẫn đến hòa bình và hòa giải.
Các nước Phi châu
Xin Chúa Hài Đồng thoa dịu đau khổ của dân chúng tại Burkina Faso, Mali và Niger, bị khủng hoảng trầm trọng về nhân đạo, vì nạn cực đoan và những xung đột võ trang, cũng như vì đại dịch và các thiên tai khác; xin Chúa chấm dứt bạo lực tại Etiopia, nơi mà nhiều người bị bó buộc phải trốn chạy vì những cuộc đụng độ; xin Chúa an ủi những người dân tại miền Cabo Delgado ở miền bắc Mozambique, nạn nhân của bạo lực khủng bố quốc tế; xin Chúa thúc đẩy các vị trách nhiệm tại Nam Sudan, Nigeria, Camerun theo đuổi con đường huynh đệ và đối thoại đã khởi sự.
Mỹ châu
Xin Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha là nguồn hy vọng cho Mỹ châu, đặc biệt bị Coronavirus, càng gia tăng bao nhiêu đau khổ vốn đè nặng trên châu lục này, thường bị nạn tham nhũng và buôn bán ma túy. Xin Chúa giúp vượt thắng những căng thẳng xã hội gần đây tại Chile, chấm dứt những đau khổ của nhân dân Venezuela.
Philippines, Việt Nam và người Rohingya
Xin Vua Trời Cao bảo vệ dân chúng đang bị thiên tai ở miền Đông Nam Á, đặc biệt tại Philippines và Việt Nam, nơi mà nhiều trận bão đã gây ra lụt lội, với những hậu quả tàn hại trên các gia đình ở các lãnh thổ ấy, mất mát về nhân mạng, thiệt hại về môi trường, với những hậu quả gây ra cho nền kinh tế địa phương.
Và khi nghĩ đến Á châu, tôi không thể quên dân tộc Rohingya: xin Chúa Giêsu, sinh ra nghèo giữa những người nghèo, mang lại hy vọng giữa những đau khổ của họ.
Vượt thắng nghịch cảnh và sự ác
Anh chị em thân mến,
“Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta” (Is 9,5). Ngài đã đến để cứu độ chúng ta! Ngài loan báo cho chúng ta rằng đau khổ và sự ác không phải là tiếng nói cuối cùng. Cam chịu bạo lực và bất công có nghĩa là từ khước vui mừng và hy vọng của lễ Giáng sinh.
Trong ngày lễ này, tôi đặc biệt nghĩ đến những người không để cho mình bị đè bẹp với những nghịch cảnh, nhưng nỗ lực để mang lại hy vọng, an ủi và giúp đỡ, cứu trợ những người đau khổ và đồng hành với người lẻ loi.
Chúa Giêsu đã sinh ra trong một hang súc vật, nhưng Ngài được tình thương của Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse bao bọc. Khi sinh ra trong xác phàm, Con Thiên Chúa đã thánh hiến tình yêu gia đình. Trong lúc này, tôi nghĩ đến các gia đình: những gia đình ngày hôm nay không thể đoàn tụ, cũng như những người buộc lòng phải ở nhà. Đối với tất cả mọi người, ước gì lễ Giáng sinh này là cơ hội để tái khám phá gia đình như chiếc nôi của sự sống và niềm tin; nơi yêu thương đón nhận, đối thoại, tha thứ, liên đới huynh đệ và vui mừng được chia sẻ, nguồn mạch an bình cho toàn thể nhân loại.
Chúc mừng tất cả lễ Giáng sinh tốt đẹp!
Đức Hồng y Angelo Comastri, Giám quản Đền thờ thánh Phêrô, đã thông báo cho mọi người chủ ý của Đức Thánh cha ban phép lành Tòa Thánh, với ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới, với điều kiện thường lệ là xưng tội và cầu nguyện theo ý Đức Thánh cha.
Tiếp đến, Đức Thánh cha đã long trọng đọc công thức ban ơn toàn xá cho các tín hữu:
“Nhờ lời cầu nguyện và công phúc của Đức Trinh Nữ Maria, Tổng lãnh thiên thần Micae, thánh Gioan Tẩy Giả và các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót và, sau khi mọi tội lỗi của anh chị em được tha thứ, xin Chúa Kitô dẫn đưa anh chị em đến sự sống đời đời.
“Xin Chúa toàn năng và thương xót ban cho anh chị em ân xá, sự xá giải và tha thứ mọi tội lỗi của anh chị em, cơ hội thống hối chân thực và phong phú, một con tim luôn thống hối và một đời sống hoán cải, ơn phúc và an ủi của Chúa Thánh Linh, và sự kiên trì đến cùng trong các công việc lành”.
“Và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần xuống trên anh chị em và ở cùng anh chị em luôn mãi. Amen”.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn