Đức Hồng y Parolin bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp video được phổ biến trong khóa họp đặc biệt, hôm 3/12/2020 vừa qua, của Liên Hiệp Quốc về những thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra cho thế giới. Các vị tổng thống, thủ tướng và các vị lãnh đạo cao nhất của 141 quốc gia cũng được mời đóng góp qua Video trong dịp này. Đầu phiên họp, mọi người đã dành một phút thinh lặng để tưởng niệm một triệu rưỡi nạn nhân bị thiệt mạng vì Coronavirus.
Trong sứ điệp, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh khẳng định rằng: “Những thách đố do cuộc khủng hoảng hiện nay cần được đối phó trong tinh thần đồng trách nhiệm và với sự đóng góp của mỗi người, và khi đối diện với thách đố hoàn vũ này, Liên Hiệp Quốc cần đáp ứng hy vọng mà các dân tộc đặt nơi tổ chức quốc tế này”.
Đức Hồng y Parolin nhận xét rằng “Không quốc gia nào có thể giải quyết đại dịch riêng cho mình. Đây là một lãnh vực đòi phải có tình liên đới hoàn cầu, và cần bảo đảm sao cho việc săn sóc sức khỏe thích hợp cũng như các vắc-xin phù hợp luân lý đạo đức, và được dành cho mọi người, với số lượng đầy đủ, để mọi người, cả những người dân ở các nước đang phát triển, cũng được vắc-xin.
Đức Hồng y Parolin nói thêm rằng một quan tâm chủ yếu khác trong câu trả lời của thế giới cho đại dịch, là cần phải dành ưu tiên nhiều hơn cho người nghèo, các bệnh nhân, người di dân, trẻ em và những người dễ bị tổn thương khác, nhất là vì đại dịch chỉ làm cho các vấn đề xã hội trở nên trầm trọng hơn và những người ở ngoài lề đang phải gánh phần lớn hậu quả của cuộc khủng hoảng hiện nay”.
Đức Hồng y Quốc vụ khanh cũng liệt kê nhiều vấn đề kinh niên có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn vì đại dịch như nạn đói, lạm dụng, khai thác bóc lột, hôn nhân trẻ em, nạn nghèo và sự cô lập của những người già và người khuyết tật. Các trẻ em và người trẻ phải chịu tình trạng các trường bị đóng cửa. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề trên những người di dân, người xin tị nạn và người tị nạn. Nó đe dọa những con đường định cư an toàn và an ninh sức khỏe của những người đang ở trong các trại quá chật chội và thiếu phương tiện”.
Sau cùng, Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh rằng: Nay là lúc rất thích hợp để cộng đồng quốc tế loại bỏ kiểu mẫu kinh tế chủ yếu hoặc chỉ dựa trên lợi nhuận, và quan niệm cho rằng các công nhân có thể bị khai thác hoặc tùy tiện sử dụng để đạt mục tiêu ấy.
(Crux 4-12-2020)
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn