Án Tử Hình Và Sự Thay Đổi Về Lập Trường Của Giáo Hội Công Giáo - Lm Trần Mạnh Hùng

Chủ nhật - 22/10/2023 03:30  1231
ÁN TỬ HÌNH VÀ SỰ THAY ĐỔI VỀ LẬP TRƯỜNG CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Lm Trần Mạnh Hùng
 


Lời giới thiệu: 
Đức Thánh Cha Phanxicô từ khi được bầu lên ngôi vị Giáo hoàng, Đấng kế vị Thánh Phêrô để điều hành và cai quản Giáo hội Công giáo hoàn vũ, đã không ngừng lên tiếng kêu gọi bãi bỏ hình phạt tử hình, cũng như tù chung thân mà Ngài đã mô tả nó như là một bản án tử hình ẩn dấu.[1] Mặc dù Ngài ghi nhận rằng trong khi các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội Công Giáo không loại trừ án tử hình, nhưng điều đó chỉ được chấp nhận khi không có cách nào khác để bảo vệ xã hội, một lập trường mà dường như không tồn tại ngày nay, nơi các hệ thống công lý và nhà tù hiện đại đã tỏ ra rất có hiệu quả trong việc bảo vệ cộng đồng chống lại bọn tội phạm nguy hiểm. Đồng thời, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gợi ý rằng: các xã hội hiện đại đã sử dụng quá mức hình phạt dành cho các tội hình sự, điều này xảy ra, một phần vì được bắt nguồn từ xu hướng cổ xưa muốn trừng trị và hiến tế các tội nhân đã bị cáo buộc tấn công vào cộng đồng.
Thêm vào đó, ngày nay người ta ngày càng ý thức rằng phẩm giá của một người không bị mất đi ngay cả sau khi người ấy phạm những tội ác rất nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có thêm hiểu biết về ý nghĩa của các án phạt hình sự do nhà nước tuyên án. Cuối cùng, các hệ thống giam giữ hiệu quả hơn đã được phát triển, nhằm bảo đảm cho các công dân sẽ được bảo vệ, nhưng đồng thời không nhất thiết phải tước mất khả năng đền tội của kẻ phạm tội.[2]
Song song như thế những gì đã diễn ra tại Úc về sự kiện chính quyền Nam Dương (Indonesia) cương quyết xử tử hai tội phạm người Úc, đó chính là Andrew Chan và Myuran Sukamaran về tội danh buôn lậu ma túy mà họ đã vi phạm.
https://giaophankontum.com/wp-content/uploads/2019/06/%C3%A1n-t%E1%BB%AD.jpg

A file photograph of Andrew Chan and Myuran Sukumaran being escorted by police after their verdict from a court in Denpasar. Jakarta has signalled that execution preparations were almost complete. Photograph: Bay Ismoyo/AFP/Getty Images.
Báo chí và các cơ quan truyền thông khắp nơi trên nước Úc đã loan tin về các cuộc họp mặt được tổ chức ở các Tiểu Bang nhằm cầu nguyện và cổ võ cho phong trào chống lại án tử hình,[3] đặc biệt hơn cả là lời kêu gọi của Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, bà Julian Bishop và cựu Bộ Trưởng Bộ Di Trú, ông Philip Ruddock,[4] đề nghị chính phủ Nam Dương hãy bày tỏ lòng thương xót đối với hai tội nhân trên và nhất là kêu gọi Tổng Thống Nam Dương, ông Joko Widodo, hãy ân xá cho hai tội phạm ấy được thoát khỏi án tử hình.[5]
Mục đích chính của bài viết này nhằm thảo luận về một số vấn đề liên quan đến khía cạnh luân lý, các lý do thực tiễn và ý nghĩa thần học, khi bàn về án tử hình. Chính những điều này đã dẫn tới sự thay đổi trong cách tư duy của Giáo Hội Công Giáo về án tử hình và đã thay đổi lập trường của Giáo hội và coi án tử hình là điều không thể chấp nhận được.[6]
 DẪN NHẬP:
Án tử hình” là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong thời hiện đại, như đã được trích dẫn trong bài viết được mô tả trong phần ghi chú. Thẩm quyền của Nhà nước trong việc đưa ra án tử hình trước các tội ác khủng khiếp chống lại lợi ích chung của cá nhân và xã hội đã có truyền thống từ lâu và được sự hỗ trợ từ nguồn Thánh Kinh và thần học trong các cộng đồng Kitô hữu.
Giáo hội luôn rõ ràng và nhất quán dạy rằng án tử hình về nguyên tắc phù hợp với luật tự nhiên và Tin mừng. Điều này được chỉ dẫn xuyên suốt Kinh thánh – từ St 9 đến Rm 13 và nhiều điểm khác trong đó – và Giáo hội khẳng định Kinh thánh không sai lầm về luân lý.[7]
Sự hỗ trợ như vậy không phải không vấp phải những lời chỉ trích, và ngày nay những suy tư của Giáo hội Công giáo về vấn nạn này đã đặt ra một số vấn đề quan trọng về mặt luân lý. Bài viết này sẽ cẩn trọng xem xét những luận cứ biện minh cho án tử hình và các lập luận chống lại nó. Những lập luận này sẽ được xem xét dưới ánh sáng và quan điểm của Thánh Kinh và từ giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.
Một số người ủng hộ án tử hình bởi vì nó giúp bảo vệ những người vô tội khỏi những tên tội phạm, trong khi những người khác tin rằng nó có thể làm giảm tỷ lệ tội phạm bằng cách ngăn ngừa các hoạt động bất hợp pháp.[8] Tuy nhiên, hầu hết mọi người không chấp nhận bản án tử hình,[9] vì xem đó như là một hình thức giết người và là một sự ô nhục về mặt luân lý.[10]
Những người tin rằng án tử hình có hiệu quả ngăn ngừa việc cố sát (giết người) thường viện dẫn một câu trong Cựu Ước: “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân.” (Đnl 19:21) Trong khuôn khổ đó, lập luận ủng hộ án tử hình có thể được xây dựng như sau: có một số hành vi quá tàn ác và quá hủy hoại cộng đồng đến mức chúng triệt tiêu và tước đoạt tư cách thành viên của kẻ tội phạm và thậm chí là mạng sống của y. Đây là những gì mà Thánh Thomas Aquinas đã lập luận. Ngài cho rằng thật là hợp pháp để tiêu diệt những tội phạm nguy hiểm như một cách thức duy trì lợi ích chung.[11] 
Truyền thống thần học Kitô giáo cũng hỗ trợ tương tự như vậy việc đưa ra các hình phạt tử hình qua các lập luận sau đây:
1. Thẩm quyền của nhà nước đã được khẳng định trong Tân Ước (Rm 13: 1-4),[12] và nhà nước được trao ban quyền hành để hành động với tư cách đại diện cho lợi ích chung của xã hội. Khi lợi ích chung bị đe dọa, đặc biệt là khi mạng sống của con người bị tấn công trực tiếp, nhà nước phải có biện pháp thích hợp để bảo vệ mạng sống của người dân vô tội. Việc bảo vệ như vậy đôi khi đòi hỏi nhà nước phải đưa ra các biện pháp trừng trị thích đáng đối với những kẻ phạm pháp và không tộn trọng luật pháp.
2. Án tử hình được dùng như một sự ngăn chặn và góp phần vào việc giữ gìn trật tự công cộng.
3. Án tử hình là sự thực thi một sự phán xét chứ không phải do lòng hận thù. Đức Giáo Hoàng Innocent III nói: Liên quan đến thẩm quyền của nhà nước, chúng tôi khẳng định rằng, nhà cầm quyền có thể thực hiện một phán quyết tước bỏ mạng sống, mà không gây ra tội trọng, miễn là họ đưa ra một sự trừng phạt không phải vì căm ghét, nhưng sau khi đã cân nhắc và suy xét kỹ lưỡng (Anti-Waldensians Profession, DS, số. 795).
Có lẽ lý do thuyết phục nhất để chống lại án tử hình được xây dựng trên cơ sở là liệu nhà cầm quyền hay các cơ quan hành pháp có đủ khả năng để thi hành và áp dụng án tử hình một cách triệt để, không sai sót và thực sự công bằng. Trong lịch sử con người đã có những bằng chứng cụ thể chứng minh cho thấy nhiều kẻ vô tội đã bị tử hình một cách oan uổng. Họ bị kết tội dù họ đã không vi phạm. Một cuộc nghiên cứu tại Mỹ, được đăng trên báo The Guardian (29 tháng 4 năm 2014) đã cho chứng minh tỏ tường điều này.[13] Vì các cơ quan hành pháp và các công tố viên có thể bị sai lầm và họ đã kết án kẻ vô tội.
Thêm vào đó, án tử hình cũng đã được áp dụng một cách thiếu công bằng, theo như thống kê cho thấy, án tử hình phần lớn được áp dụng một cách không tương xứng, phần đông tội phạm là người nghèo và dân da màu hoặc dân thiểu số. Những lời tuyên bố cho rằng án tử hình có hiệu lực làm giảm các hành vi trộm cắp và bạo hành cũng đã được chứng minh là không có những bằng chứng hoàn toàn có sức thuyết phục, vì họ không thể đưa ra các kết luận mang tính xác quyết.[14]
Trong khi đó, những người khác tin rằng, thực sự không có hoàn toàn công bằng khi bắt các tội nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về các việc làm sai trái của mình; vì phần đông các kẻ phạm pháp hay gây nên tội trạng thường bị cam chịu sự bỏ rơi, không được quan tâm đến, họ bị chấn thương về mặt tình cảm, họ thiếu tình thương, bị bạo lực, bị tàn ác, hoặc đàn áp và một loạt các điều phá hoại khác do xã hội gây nên.
Gần đây, có một xu hướng ngày càng gia tăng ở cả phía Giáo Hội và xã hội nhằm hạn chế việc sử dụng án tử hình chỉ được dành cho những tội trạng và những hoàn cảnh đặc biệt, hoặc thậm chí muốn xóa bỏ nó hoàn toàn. Trong bài giảng tại thành phố Saint Louis vào ngày 27 tháng 1 năm 1999, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói,
Một dấu hiệu của hy vọng là sự công nhận ngày càng gia tăng, rằng phẩm giá của cuộc sống con người không bao giờ phải bị tước đi, ngay cả trong trường hợp một người đã làm điều trọng ác. Xã hội hiện đại có các phương tiện để bảo vệ chính nó mà đồng thời không dứt khoát phủ nhận cho tội nhân có cơ hội để hối cải. Tôi xin lập lại lời thỉnh cầu nhằm kêu gọi sự đồng thuận của cộng đồng thế giới để chấm dứt án tử hình, vì đó là hành vi dã man và không cần thiết.”[15]
Tương tự lập trường như thế, Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài phát biểu của Ngài vào ngày 23 tháng 10 năm 2014 với nhóm đại diện của Hiệp hội Quốc tế về Luật hình sự, Ngài cũng đã kêu gọi bãi bỏ án tử hình:
Tôi thiết nghĩ đó là điều không thể tưởng tượng rằng các quốc gia ngày nay không thể sử dụng một phương tiện khác hơn là hình phạt tử hình để bảo vệ mạng sống của người dân từ một kẻ gây hấn bất công.”[16]
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại tính ưu việt của sự sống và phẩm giá của con người, tái khẳng định sự lên án tuyệt đối về án phạt tử hình, vì việc sử dụng án này đã bị từ chối bởi các Kitô hữu.[17] Theo sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2267 (trước khi được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn để thay đổi vào tháng 8 năm 2018)[18], các giáo huấn truyền thống của Giáo Hội không loại trừ việc nại đến các hình phạt tử hình, nếu đây là cách duy nhất có thể bảo vệ hiệu quả mạng sống con người nhằm chống lại những kẻ có ý đồ hãm hại người khác một cách bất công, nhưng những tiến bộ hiện đại trong việc bảo vệ xã hội khỏi những tội phạm nguy hiểm, không nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải xử tử những tội  nhân đã vi phạm các tội ác ghê ghớm, nếu có đi chăng nữa thì điều này rất hiếm và tưởng chừng không bao giờ xảy ra.[19] 
Cùng với một lối suy tư như thế, các nhà thần học đương đại đã biện luận và yêu cầu xóa bỏ hình phạt án tử hình với những lý do sau đây:
  1. Các hình phạt tử hình là vô dụng và không cần thiết. Tỷ lệ tội phạm bằng bạo lực gây nên, có lẽ đã không giảm bớt, ngay cả khi ta lưu giữ hình phạt tử hình. Một cách khác có thể được áp dụng để ngăn chặn người vi phạm bằng cách giam giữ họ trong một thời gian dài.
    2. Áp dụng hình phạt ántử hình có thể biến xã hội trở nên vô nhân đạo, bằng cách hợp pháp hóa bạo lực như là một chiến lược để đối phó với các hành vi sai trái của con người. Bầu khí hiện nay của bạo lực phản ánh sự thiếu vắng đích thực của công bằng xã hội và sự đoàn kết, đây chính là vấn nạn hiện nay vẫn đang tồn tại và chưa được giải quyết, thay vào đó, ta lại dựa vào bản án tử hình như là một phương tiện để ngăn chặn tội phạm.
    3. Hình phạt ántử hình không phản ánh trung trực sự tha thứ, niềm hy vọng, và ơn cứu chuộc, đó chính là trọng tâm của Kinh Thánh. Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu hướng dẫn các môn đệ, không nên tìm kiếm sự trả thù cho việc làm sai trái.[20] 
QUAN ĐIỂM KINH THÁNH
Những người ủng hộ án tử hình thường xuyên trích dẫn Cựu Ước để biện minh cho lập trường của họ. Trong Sáng thế ký 9:6, chúng ta đọc: “Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa.” Bất kỳ kẻ nào cố sát người khác là bị giết chết. “Các ngươi sẽ không được làm nhiễm uế đất các ngươi ở, vì chính máu làm nhiễm uế đất ấy, và không có gì có thể tẩy rửa đất ấy khỏi máu đã đổ ra tại đó, ngoài máu của người đã làm đổ máu. (Các) ngươi sẽ không gây ô nhục cho đất (các) ngươi ở, cũng là nơi Ta ngự; vì Ta là Đức Chúa, Ta ngự giữa con cái Ít-ra-en.” (Ds 35:33-34). Máu của các nạn nhân bị sát hại làm ô uế đất. Cách duy nhất nó được làm sạch lại là ban hành án tử hình cho kẻ giết người. Sau đó, khi Thiên Chúa ban luật pháp cho Môi-sê, một số các vi phạm khác đã được coi như là trọng tội.
Đồng thời, luật Môi-sê và sau đó là truyền thống của các Thầy Luật Sĩ Do Thái đã thiết lập một thủ tục tố tụng hết sức nghiêm ngặt đối với các trường hợp liên quan đến án tử hình. Các tiêu chuẩn của bằng chứng cần thiết để kết tội một người nào đó trong trường hợp như vậy, đòi hỏi vượt qua các nghi ngờ, so với các tiêu chuẩn của chúng ta hiện nay, và yêu cầu là nó phải đạt tới sự chắc chắn tuyệt đối. Để buộc tội một người nào đó, yêu cầu ít nhất là có hai người làm chứng và tận mắt họ thấy được sự kiện xảy ra,[21] trước khi kẻ bị buộc tội giết người có thể bị hành quyết, và những nhân chứng nào mà làm chứng gian (hoặc nói dối) thì họ cũng lãnh chung một bản án tử hình như bị cáo vậy (xem sách Đệ Nhị Luật, chương 17 và 19). Lẽ đó, trong thực tế, hệ thống luật pháp của người Do Thái rất nghiêm ngặt và chặt chẽ, cho nên rất ít người bị kết án tử hình. Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ haián tử hình ít được thực hiện.
 Trong Tân Ước, câu trả lời của Chúa Giêsu về án tử hình vốn là để làm suy yếu các hình phạt bằng cách đòi hỏi, cả các thẩm phán lẫn đao phủ phải là người vô tội. “Hãy để bất cứ ai trong các ngươi là người vô tội sẽ là người đầu tiên ném đá cô ta.” Ngài nhắc nhở thính giả của mình phải cẩn thận khi họ lên án người khác, bởi vì bản án và sự phán xét của Thiên Chúa không nhất thiết trùng với chúng ta (ví dụ: Mat-thê-ô 25, Luca 6). Nếu phán quyết của chúng ta rất có thể sai lầm, làm thế nào chúng ta có thể đưa ra quyết định để tước đoạt một mạng sống? Thêm vào đó, sự tha thứ của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ bị bắt ngoại tình quả tang (một hành vi phạm tội dân sự yêu cầu án tử hình) là một ví dụ về lòng thương xót của Ngài. Bằng cách này, Chúa Giêsu thách thức giả định cho rằng, con người có quyền để đưa ra các bản án tử hình, vì họ là Thẩm Phán hay là kẻ hành quyết.[22]
Ngoài ra, Tân Ước cũng nhấn mạnh rằng các khía cạnh hiến tế của việc tước đi mạng sống đã được hoàn tất “một lần và thay cho tất cả” ngang qua sự hy sinh của Chúa Kitô. Cái chết của Đức Kitô trên thập giá, chính nó là một ứng dụng hình phạt tử hình, xóa đi những nghi lễ thời Cựu Ước và là cơ sở luân lý cho án tử hình (ví dụ như trong thư Do Thái, chương10).[23] Không cần phải đổ máu thêm nữa để làm chứng cho sự thánh thiêng của sự sống. Chúa Kitô đã chết để cho những người khác có thể sống.
Chúa Giêsu cũng liên tục nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của mình, là chúng ta cần nhìn thấy Chúa Kitô qua những người anh em nghèo khổ, và những người bạn láng giềng đang cần sự giúp đỡ, ngay cả những kẻ thù của chúng ta; chúng ta được dạy bảo và khuyến khích là hãy yêu thương và tha thứ cho những ai đã hãm hại và bách bớ mình.
 Khi Chúa Giêsu Kitô bị xử tử, Ngài đã đưa ra một mô hình về cách ứng xử đối với kẻ thù, ngang qua những lời lẽ của Ngài trong khi hấp hối: “Lạy Cha, xin tha cho họ.” Bằng cách đó, Chúa Giêsu thay thế luật pháp của sự trừng phạt với lề luật hòa giải (Mt 5:23-4). Ngài cũng dạy rằng, là chúng ta cần yêu thương những ai cố ý hãm hại chúng ta, “Ta nói với các con, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại các con, để các con có thể trở thành con cái của Cha các con trên trời” (Mt 5:43-45).
SUY TƯ VÀ KẾT LUẬN
Các quan điểm Thánh Kinh về án tử hình là thích hợp đối với xã hội chúng ta và đặt ra một loạt câu hỏi quan trọng: Nếu hình phạt tử hình không thực sự tiếp tục hổ tương cho các nỗ lực để duy trì trật tự, nếu nó thực sự có thể ảnh hưởng đến các trật tự tốt, thì liệu chính quyền nhà nước sử dụng quyền hạn của họ có thích hợp? Khi Nhà nước trừng phạt tùy tiện và có vẻ phân biệt trong cách thi hành các bản án, đặc biệt là với một hình phạt mang tính cách chung cuộc (ví dụ: án tử hình), thì thử hỏi nhà cầm quyền có thực hiện đúng vai trò mà Thiên Chúa đã ban cho họ hay không?
Chúa Giêsu dạy rằng, sự sống thuộc về Thiên Chúa và không phải là của chúng ta để mình hoàn toàn tự quyết định. Chúng ta nên phủ nhận và tẩy chay bản án tử hình, vì nó không phù hợp và tương xứng với các trọng tâm cơ bản của Tin Mừng – đó là sự hòa giải và ơn cứu chuộc. Mối quan tâm của Đức Kitô là cứu chuộc, và Ngài đã cung cấp cho chúng ta một mô hình để làm gương, là chính Ngài đã bằng lòng trao nộp mạng sống ngài cho kẻ thù của mình. Chúng ta cần cho các tội nhân một cơ hội để họ có thể làm lại cuộc đời và chuộc lại những lỗi làm mà họ đã gây nên và điều này không có ngoại lệ, ngay cả đối với kẻ giết người mà chính họ đã không làm điều đó cho nạn nhân của mình. Chúa Giêsu đã không chết chỉ cho một số tội nhân nào đó, Ngài đã chết thay cho tất cả. Việc từ chối tội nhân cái cơ may và khả năng để họ có thể giao hòa với Thiên Chúa và với anh chị em đồng loại của mình, hoặc kết thúc mạng sống của ai đó mà họ đã thực lòng ăn năn thống hối và đã hòa giải thì đó chính là một bi kịch thê lương của án tử hình.
 Cuối cùng, cuộc tranh luận về án tử hình đã làm cho chúng ta dễ dàng tránh né những vấn đề sâu sắc hơn: nguyên nhân của bạo lực và ý nghĩa của nó đối với cả nạn nhân và người phạm tội. Trước khi chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời cho những vấn nạn trên, chúng ta cần phải duyệt xét tận thâm cung của chính mình. Chúng ta phải nhận thức rằng: mỗi người trong chúng ta đã gánh chịu nhiều đau khổ, và mỗi chúng ta, theo một khía cạnh nào đó, đều là nạn nhân. Nhưng chúng ta cũng cần phải xác định được nguồn gốc và cội rễ của bạo lực và của sự bất công đó đang tiềm ẩn và hiện diện bên trong tất cả chúng ta. Chúng ta cần phải thừa nhận sự thất bại và phần đồng lõa của chúng ta, tất cả chúng ta đều phạm tội và trở nên dị dạng so với mẫu người mà chúng ta có thể trở nên và hoàn chỉnh. Vì vậy, chúng ta đều là những người phạm tội và chúng ta đồng thời cũng là các nạn nhân; tất cả chúng ta đều cần ơn cứu rỗi. Chỉ nó khi nào mà chúng ta ý thức và nhận rõ điều này thì chúng ta mới có thể xây dựng một thế hệ tương lai tốt đẹp, mà trong đó, không cần sử dụng đến bạo lực hoặc bạo lực sẽ không cần thiết.
 “Liệu gia đình nhân loại sẽ hoàn thiện hơn, liệu nhân vị con người sẽ trở nên yêu thương nhiều hơn, trong một xã hội mà mạng đòi mạng, mắt đền mắt, răng đền răng?” Đức Hồng Y Joseph Bernardintự hỏi.
Tác giả:  L.m. Trần Mạnh Hùng, STD.
Email: hungteaching@gmail.com

TÀI LIỆU THAM KHẢO.
 
 

[1] . Xem Francis X. Rocca, “Đức Giáo Hoàng Francis kêu gọi bãi bỏ án tử hình và tù chung thân,” Catholic News Service. Được đăng vào ngày 23 Tháng 10 năm 2014. http://www.catholicnews.com/data/stories/cns/1404377.htm (truy cập 28 tháng 10 năm 2014).
[2] . Xem Nội dung mới của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo về án tử hình: “Án tử hình là điều không thể chấp nhận” https://tgpsaigon.net/bai-viet/noi-dung-moi-cua-sach-giao-ly-hoi-thanh-cong-giao-ve-an-tu-hinh-an-tu-hinh-la-dieu-khong-the-chap-nhan-45206 (Truy cập ngày 19/10/2023).
 
[3] . Xem Capital Punishmenthttp://www.theguardian.com/world/capital-punishment (accessed 5 March 2015).
[4] . Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng tham khảo: Philip Ruddock, who was the attorney-general in 2005 when the Bali Nine were arrested, said Australia needs to campaign worldwide for the abolition of the death penalty, not just when its own citizens are on death row.
[5] . Xem Bali Nine: Foreign Minister Julie Bishop makes eleventh-hour bid to save Andrew Chan and Myuran SukumaranBy Helen Brown and Eliza Borrello.  Thursday, 5 March 2015. ABC News.http://www.abc.net.au/news/2015-03-05/bali-nine-executions-not-this-week-indonesian-president/6281690  (accessed 5 March 2015).
[6] . Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định: “Án tử hình là điều không thể chấp nhận được vì nó tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”. Bộ Giáo lý Đức tin cho biết Bộ đã sửa đổi về án tử hình nơi số 2267 của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, theo đó án tử hình là điều không thể chấp nhận được. Quyết định này được Bộ Giáo lý Đức tin công bố trong “Thư gửi các Giám mục” đề ngày 01 tháng 8 năm 2018, do Đức Hồng y Bộ trưởng Luis Francisco Ladaria ký tên. X. https://tgpsaigon.net/bai-viet/noi-dung-moi-cua-sach-giao-ly-hoi-thanh-cong-giao-ve-an-tu-hinh-an-tu-hinh-la-dieu-khong-the-chap-nhan-45206.
 
[7] . Xem Edward Feser, “Pope Francis and Capital Punishment,” First Things, 8/13/2018.
[8] . See R. Michael Dunnigan, JD, JCL., “The Purposes of Punishment.” Source: http://www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?recnum=7453 (accessed 06.10.2012).
[9] . The death penalty is outlawed in most of Europe, Canada, Australia, and most other countries in the world; more than 135 nations have abolished capital punishment. “The death penalty: A flawed system we can’t afford to keep.” Published By Times Herald. Posted online 07 October 2012. Source: http://www.timesheraldonline.com/opinion/ci_21719050/death-penalty-flawed-system-we-cant-afford-keep(accessed 08.10.2012).
Theo báo trực tuyến – Times Herald, đăng ngày 7 tháng 10 năm 2012, thì án tử hình đã được loại bỏ ra khỏi đạo luật hình sự ở hầu hết Châu Âu, Canada, Úc và hầu hết các quốc gia khác trên thế giới; hơn 135 quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình.
 
[10] . See “A Good Friday Appeal to End the Death Penalty.” By the United States Conference of Catholic Bishops, April 2, 1999. Source: http://old.usccb.org/sdwp/national/criminal/appeal.shtml (accessed 07.10.2012).
[11] . Thomas Aquinas,   Summa theologiae  II-II, q. 64, a.2.
 
[12] . While some argue that St. Paul affirms the right of governing authorities to punish offenders (see John Berkman and Stanley Hauerwas, “Capital Punishment,” in Paul Barry Clarke and Linzey (eds.) Dictionary of Ethics, Theology and Society.  (New York: Routledge: 1996), 102),  this view has been rejected by Jean Lasserre: “No Christian justification of the death penalty can be deduced from Roman 13, so there is no single text in the New Testament which approves it.” Cited by Peter Black, “Do Circumstances Ever Justify Capital Punishment?” Theological Studies 60(1999), 342-3.
[13] . At least 4.1% of all defendants sentenced to death in the US in the modern era are innocent, according to the first major study to attempt to calculate how often states get it wrong in their wielding of the ultimate punishment. See US death row study: 4% of defendants sentenced to die are innocent.By Ed Pilkington in New York. Tuesday 29 April 2014. http://www.theguardian.com/world/2014/apr/28/death-penalty-study-4-percent-defendants-innocent  (accessed 5 March 2015).
[14] . During a visit to Bali in February, Victorian Supreme Court judge Lex Lasrytold ABC TV’s 7.30 that the death penalty does not deter crime. See Fact check: No proof the death penalty prevents crime.ABC News 26 Feb. 2015.http://www.abc.net.au/news/2015-02-26/fact-check3a-does-the-death-penalty-deter3f/6116030       (accessed 01 March 2015)
 
[15] . Jewish-Catholic Consultation, “To End the Death Penalty,” Origin 29 (1999), 463.
[16] . Xem Francis X. Rocca, “Đức Giáo Hoàng Francis kêu gọi bãi bỏ án tử hình và tù chung thân,” Catholic News Service. Được đăng vào ngày 23 Tháng 10 năm 2014. http://www.catholicnews.com/data/stories/cns/1404377.htm (truy cập 28 tháng 10 năm 2014).
[17] . Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định: “Án tử hình là điều không thể chấp nhận được vì nó tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”.  Bộ Giáo lý Đức tin cho biết Bộ đã sửa đổi về án tử hình nơi số 2267 của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, theo đó án tử hình là điều không thể chấp nhận được. Quyết định này được Bộ Giáo lý Đức tin công bố trong “Thư gửi các Giám mục” đề ngày 01 tháng 8 năm 2018, do Đức Hồng y Bộ trưởng Luis Francisco Ladaria ký tên. X. https://tgpsaigon.net/bai-viet/noi-dung-moi-cua-sach-giao-ly-hoi-thanh-cong-giao-ve-an-tu-hinh-an-tu-hinh-la-dieu-khong-the-chap-nhan-45206.
[18] . Xem tài liệu đã trích dẫn ở trên, cước chú số 17.
[19] . See Pope Francis calls for abolishing death penalty and life imprisonment.By Francis X. Rocca, Catholic News Service. Published on 23 October 2014. http://www.catholicnews.com/data/stories/cns/1404377.htm  (Accessed 28 Oct. 2014) and also Pope to Association of Penal Law: Corruption is Greater Evil than Sin. By Vatican News – 23 October 2014. http://www.news.va/en/news/pope-to-association-of-penal-law-corruption-is-gre  (Accessed 28 October 2014).
 
[20] . John Berkman and Stanley Hauerwas, “Capital Punishment,” in Paul Barry Clarke and Linzey (eds.) Dictionary of Ethics, Theology and Society.  (New York: Routledge: 1996), pp.100-105.
[21] . “Trong mọi trường hợp đánh chết người, người ta sẽ dựa vào lời khai của các chứng nhân mà xử tử kẻ sát nhân. Nhưng lời khai của một chứng nhân duy nhất sẽ không thể làm cho ai bị kết án tử hình.” (Sách Dân số 35:30).
[22] . God alone is the author of life, therefore only God has the dominion of life, says the National Jewish-Catholic Consultation in a Dec. 6, 1999, report – Origins 29 (1999), 463; Similarly, John Berkman and Stanley Hauerwas, in the same way, would claim it also, “all life, guilty or not, belongs to God and is to be given and taken only by God.” (p. 104).
[23] . John Berkman and Stanley Hauerwas, “Capital Punishment,” in Paul Barry Clarke and Linzey (eds.) Dictionary of Ethics, Theology and Society.  (New York: Routledge: 1996), p.102.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại681,889
  • Tổng lượt truy cập52,850,837

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây