Tài liệu huấn luyện: Thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ

Thứ bảy - 16/11/2024 10:15  411

Tài liệu huấn luyện: Thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ

Bia Tai lieu huan luyen TTV 1536x1024

GIÁO LUẬT VÀ PHỤNG VỤ

Mục lục

I – Thừa tác viên cho rước lễ
II – Chầu Mình Thánh Chúa
III – Trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân

I
— o0o —
THỪA TÁC VIÊN CHO RƯỚC LỄ

I. Thừa tác viên thông thường

Thừa tác viên thông thường cho rước lễ là Giám mục, Linh mục và Phó tế, vì các ngài đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh[1]

II. Thừa tác viên ngoại thường

Ngoài các thừa tác viên thông thường, các chủng sinh đã lãnh nhận Tác vụ Giúp lễ là thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, kể cả ngoài lúc cử hành Thánh lễ. Hơn nữa, nếu có lý do thật cần thiết[2], Giám mục Giáo phận cũng có thể cử một số giáo dân làm thừa tác viên ngoại thường, từng lần (ad actum) hay một thời gian (ad tempus), theo các quy tắc của Giáo luật[3].

1. Lịch sử

– Thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ là đặc ân mà Giáo Hội ban cho một số tín hữu (nam nữ tu sĩ và giáo dân) để họ phục vụ dân Chúa theo mẫu gương của chính Chúa Giêsu, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10,45) 

– Thời Giáo Hội sơ khai, việc trao Mình Thánh Chúa có ít ràng buộc hơn hiện nay, chẳng hạn: một bệnh nhân có thể nhờ bạn mình mang Mình Thánh về nhà cho mình.

– Từ thế kỷ 8-20, Giáo Hội giới hạn, thừa tác viên thông thường cho rước lễ là Giám mục và Linh mục; Phó Tế là thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Trong một vài trường hợp đặc biệt, giáo dân mới được rước Máu Thánh, và họ không được rước Mình Thánh bằng tay.

– Năm 1969, vì nhu cầu mục vụ, công đồng Vatican II đã nới rộng và thay đổi qui tắc mục vụ Thánh Thể, Phó tế được nhận vào hàng thừa tác viên thông thường cho rước lễ. Giáo dân có thể trở thành thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ khi họ được ủy nhiệm.  

– Năm 1972 vì thiếu tu sĩ và vì nhu cầu của mục vụ, Giáo hội cho phép các thừa tác viên ngoại thường được phép mang Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân ở nhà họ hoặc ở bệnh viện.

2. Tên gọi

Chức vụ này phải được hiểu, theo nghĩa hẹp của nó, có tên gọi là thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, chứ không phải “thừa tác viên đặc biệt cho rước lễ”, cũng không phải là “thừa tác viên ngoại thường của Thánh Thể”, hoặc là “thừa tác viên đặc biệt của Thánh Thể”. Thật vậy, các tên gọi đó có tác dụng nới rộng nghĩa của chức vụ đó một cách vừa không đúng phép vừa không thích hợp[4].

3. Thừa tác viên từng lần (ad actum)

Trong một trường hợp đặc biệt, và không thể tiên liệu trước, linh mục chủ tế có thể cho phép một tín hữu đạo đức, có uy tín cho rước lễ trong lần đó[5].

4. Thừa tác viên lâu dài (ad tempus)

Vì nhu cầu thực sự cần thiết[6] mà lại thiếu các thừa tác viên thông thường cho rước lễ, cha xứ có thể đệ đơn xin Đấng Bản quyền địa phương ủy nhiệm những thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ[7]trong thời gian ba năm[8].

5. Các điều kiện cần thiết

Người được tuyển chọn làm thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ phải là tín hữu có đời sống đức tin tốt, bản thân và gia đình không có điều tiếng xấu trong giáo xứ hoặc giáo họ. Nếu là giáo dân, thì thường là nam giới, tuổi đời từ 55 đến 70, có sức khỏe thể lý và tâm lý đủ để chu toàn công việc được giao phó. 

Thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ phải được Đức Giám mục cho phép, nếu là thừa tác viên lâu dài (ad tempus), buộc phải được đào tạo cách thích hợp và cần thiết để chu toàn nhiệm vụ của mình cách xứng đáng, và buộc phải hoàn thành nhiệm vụ này một cách ý thức, tận tâm và cần mẫn[9]

6. Y phục

Các thừa tác viên giúp lễ, đọc sách, và các thừa tác viên giáo dân khác có thể mặc áo trắng dài hay một kiểu áo khác được Hội đồng Giám mục chấp thuận cách hợp pháp cho mỗi miền. Tại Việt Nam, ngoài áo trắng dài chung cho các thừa tác viên phụng vụ, các thừa tác viên nam không có chức thánh, có thể mặc âu phục với cà vạt hoặc áo dài khăn đóng; nữ có thể mặc áo dài thông thường hoặc áo dài với khăn vành truyền thống Việt Nam[10].

Người giáo dân không bao giờ được phép đảm trách các chức vụ của phó tế hay linh mục, và mặc những y phục dành riêng cho các ngài, kể cả những y phục tương tự[11].

Vì vậy, quy định y phục dành cho các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ trong Tổng Giáo phận Hà Nội như sau:

  • Áo dài khăn đóng, màu xanh hoặc trắng (nam).

  • Áo dài thông thường hoặc áo dài với khăn vành truyền thống Việt Nam (nữ).

  • Các tu sĩ và chủng sinh sẽ mặc tu phục theo hội dòng của mình.  

7. Một số điều phải tuân giữ khi thi hành công việc 

1. Thừa tác viên ngoại thường cần phải tham dự Thánh lễ mà họ cho các tín hữu rước lễ cũng như chuẩn bị tâm hồn cách xứng đáng nhất cho việc phục vụ thánh mà họ sẽ thi hành. 

2. Thừa tác viên ngoại thường chỉ có nhiệm vụ trao Mình Thánh cho giáo dân, vì thế họ chỉ tiến tới bàn thờ sau khi linh mục đã rước lễ[12].

3. Thừa tác viên ngoại thường không được tự mình rước lễ như các linh mục đồng tế, và luôn phải nhận bình đựng Mình Thánh từ tay linh mục[13].

4. Thừa tác viên ngoại thường cung kính mỗi khi cầm bình đựng Mình Thánh, không cầm thấp ngang bụng hay ngang thắt lưng, nhưng phải cầm cao ngang ngực hay ngang với cằm.

5. Mỗi lần trao Mình Thánh cho giáo dân, thừa tác viên nâng Mình Thánh lên và xướng “Mình Thánh Chúa Kitô” rồi trao cho người rước lễ[14]. Lưu ý không cầm nhiều Mình Thánh một lần và đưa liên tục cho các người rước lễ. Đây là hành vi bất kính đối với Mình Thánh Chúa.

6. Các thừa tác viên ngoại thường không cho rước lễ khi có đủ các thừa tác viên có chức thánh.

7. Các thừa tác viên ngoại thường, trong mọi hoàn cảnh, không được phép nhờ người khác không phải là thừa tác viên ngoại thường thay thế mình cho rước lễ trong Thánh lễ và ngoài Thánh lễ[15].

8. Các tín hữu có thể rước lễ bằng miệng hoặc bằng tay. Nếu họ rước lễ bằng tay, họ phải rước lễ trước mặt thừa tác viên, và họ chỉ được rời đi sau khi họ đã đưa Mình Thánh vào miệng. Vì vậy, khi cho các tín hữu rước lễ bằng tay, thừa tác viên phải giám sát việc này[16].

9. Thừa tác viên ngoại thường không được dồn Mình Thánh từ các bình đựng Mình Thánh và tráng chén hay tráng bình. Đây là việc dành riêng cho các linh mục, phó tế và thầy đã nhận tác vụ giúp lễ[17].

10. Ngoài việc trao Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ, các thừa tác viên ngoại thường còn được phép (nếu được cha xứ giao) kiệu Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân. Khi kiệu Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, thừa tác viên ngoại thường phải nhận Mình Thánh Chúa từ tay linh mục, không được tự ý mở cửa nhà chầu rồi lấy Mình Thánh Chúa. Sau khi nhận Mình Thánh Chúa phải kiệu ngay tới nhà hoặc nơi bệnh nhân đang ở và cho bệnh nhân rước Mình Thánh Chúa. Khi kiệu Mình Thánh Chúa phải ăn mặc xứng đáng, không cười cợt hoặc nói chuyện với người khác. Mình Thánh Chúa phải được đựng trong hộp được làm để đựng Mình Thánh Chúa thường được gọi là “luna”, có dây, và thừa tác viên ngoại thường đeo hộp đựng Mình Thánh Chúa vào cổ. Không bỏ hộp đựng Mình Thánh Chúa vào túi quần hoặc túi áo…

8. Các câu hỏi thường gặp

1. Thừa tác viên ngoại thường có được phép bẻ Bánh Thánh hay không?

Trong thực tế có thể xảy ra như sau: khi thừa tác viên ngoại thường đang cho rước lễ, chỉ còn 2-3 Mình Thánh nữa, trong khi còn khoảng 5-6 người muốn rước lễ nữa mà không còn Mình Thánh. Trong trường hợp này, có thể bẻ Mình Thánh Chúa.  

2. Khi thừa tác viên ngoại thường cho giáo dân rước lễ hết bình đựng Mình Thánh, có thể tự động tiến lên bàn thờ để lấy bình đựng Mình Thánh khác hay không?

Có thể tự lên lấy bình đựng Mình Thánh khác. 

3. Một ngày, thừa tác viên ngoại thường được phép rước lễ mấy lần?

Hiện nay, Giáo Hội cho phép mỗi ngày, các tín hữu được rước lễ hai lần, tuy nhiên chỉ trong Thánh Lễ mà họ tham dự: “Người nào đã rước lễ rồi, thì có thể rước lễ lần nữa trong cùng một ngày, nhưng chỉ trong buổi cử hành Thánh Thể mà họ tham dự” (GL, điều 917). Tuy nhiên, Ủy ban giải thích giáo luật đã tuyên bố rằng “lần nữa” phải hiểu là lần thứ hai mà thôi. Không có nghĩa là tham dự bao nhiêu Thánh Lễ thì rước lễ bấy nhiêu lần[18].

4. Nhà chầu và đèn chầu là gì?

– Nhà chầu

Giải thích về sự hiện diện của đèn chầu, Giáo hội dạy như sau: “Tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ và theo thói quen chính đáng của mỗi địa phương, nên lưu giữ Mình Thánh Chúa trong một nhà tạm đặt trong một nơi trang trọng xứng đáng, dễ thấy, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện. Thông thường thì chỉ có một nhà tạm, không thể di chuyển, làm bằng vật liệu cứng, chắc chắn, không trong suốt và phải được khóa kỹ để ngăn ngừa tối đa nguy cơ bị xúc phạm[19].

Nhà chầu là nơi Chúa ngự, vì vậy không được phép đặt hoa trên nhà chầu. Tuy nhiên, có thể đặt hoa bên cạnh nhà chầu để diễn tả lòng tôn kính. 

– Đèn chầu

Đèn chầu được thắp sáng diễn tả việc tôn kính Chúa Giêsu Thánh Thể đang ngự trong nhà chầu. Đèn chầu còn được diễn tả như người lính canh gác Chúa Giêsu.

Giải thích về sự hiện diện của đèn chầu, Giáo hội dạy như sau: “Bên cạnh nhà tạm phải có một ngọn đèn luôn cháy sáng, bằng dầu hay sáp, để chỉ rõ và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô”[20].

5. Bàn thờ, khăn bàn thờ, khăn thánh, khăn lau tay

Khăn bàn thờ

“Bàn thờ phải phủ ít là một khăn màu trắng”[21].

Khăn thánh, khăn lau chén

“Bàn thờ hay bàn ăn của Chúa, tâm điểm nơi diễn ra toàn bộ phần phụng vụ Thánh Thể, phải trải trên đó một khăn thánh, đặt khăn lau chén, sách lễ và chén lễ, trừ khi chén lễ được dọn ở bàn phụ”[22].

II
— o0o —
CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA

1. Ý nghĩa việc chầu Thánh Thể

Việc chầu Thánh Thể nhằm hai mục đích căn bản sau đây: biểu lộ đức tin công khai vào sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể; và mời gọi các tín hữu sống hiệp thông với Ngài trong bí tích này.

2. Những lưu ý khi chầu Thánh Thể

Để biểu lộ ý nghĩa đích thực của việc chầu Thánh Thể, Giáo Hội đưa ra một số quy định cụ thể như sau (EM, số 82-86):

1. Có thể chầu Thánh Thể mọi ngày trong tuần. Tuy nhiên, nếu không thể chầu Thánh Thể hằng ngày, thì ngày Chúa Nhật và thứ Năm là hai ngày được ưu tiên để chầu Thánh Thể. Vì ngày Chúa Nhật kính nhớ Chúa Giêsu Phục Sinh, ngày thứ Năm kính nhớ Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể.

2. Các giáo xứ, giáo họ nên tổ chức Chầu Thánh Thể vào các ngày Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

3. Về thời gian chầu Thánh Thể: chầu Thánh Thể lâu giờ và ngắn giờ. Chầu Thánh Thể lâu giờ kéo dài một hoặc nhiều ngày. Ví dụ: Ngày chầu lượt của giáo xứ. Ngày chầu “24 giờ cho Chúa”. Chầu Thánh Thể ngắn giờ thường kéo dài trên dưới một giờ.

4. Không được phép vừa cử hành Thánh lễ vừa chầu Thánh Thể vào cùng một lúc, trong cùng một nhà thờ (x. RS, số 140).

5. Chầu trọng thể: với chủ sự là thừa tác viên có chức thánh và khi kết thúc chầu có xông hương, đọc lời nguyện và ban phép lành với Mình Thánh Chúa. Khi đọc lời nguyện cầu cho Đức Giáo Hoàng, chủ sự quỳ; khi đọc lời nguyện Thánh Thể, chủ sự đứng.

6. Chầu đơn giản: với chủ sự là thừa tác viên không có chức thánh (giáo dân, nam nữ tu sĩ), không xông hương, không đọc lời nguyện (cầu cho Đức Giáo hoàng và lời nguyện Thánh  Thể) và không ban phép lành với Mình Thánh Chúa.

7. Trong lãnh thổ Tổng Giáo phận Hà Nội, những người không có chức thánh (nam nữ tu sĩ, chủng sinh, giáo dân đã được ủy quyền cách hợp pháp) chỉ được Đức Tổng Giám mục cho phép chủ sự chầu Mình Thánh với hình thức đơn giản, tức là mở và đóng cửa Nhà chầu. Trong một vài trường hợp cụ thể, được phép riêng của Đức Giám mục, người không có chức thánh (tu sĩ) được đặt Mình Thánh vào hào quang (mặt nhật) để chầu Mình Thánh trong nhà nguyện của dòng tu. Dĩ nhiên, khi những người không có chức thánh chủ sự chầu Thánh Thể, họ không được đọc lời nguyện, xông hương và ban phép lành với Mình Thánh Chúa như các thừa tác viên có chức thánh.

8. Không được đặt Mình Thánh Chúa chỉ nhằm mục đích ban phép lành mà thôi.

9. Đối tượng chính của việc chầu Mình Thánh là Chúa Giêsu, nên những lời nguyện và suy niệm tập trung vào Chúa Giêsu và các mầu nhiệm của Ngài. Vì thế, không suy niệm về Đức Mẹ, thánh Giuse, hoặc các thánh.

10. Khi chầu Mình Thánh Chúa có thể đọc kinh, lần hạt Mân Côi (x. RS, số 137) đọc các bài suy niệm… đồng thời cũng cần lưu tâm tới thời gian thinh lặng trước Thánh Thể.

11. Các tín hữu làm dấu Thánh giá trên mình khi thừa tác viên ban phép lành với Mình Thánh Chúa. 

12. Khi đọc lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, thừa tác viên quỳ và không đọc “chúng ta dâng lời cầu nguyện”.

13. Khi đọc lời cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, các thừa tác viên đứng và đọc “chúng ta dâng lời cầu nguyện”.

  1.  

III
— o0o —
TRAO MÌNH THÁNH CHÚA CHO BỆNH NHÂN

Thừa tác viên ngoại thường nói vài lời thăm hỏi và nhắc nhở bệnh nhân hay người già cả về sự hiện diện của Chúa, rồi mời gọi mọi người làm dấu Thánh giá và đọc kinh: 

Chủ sự: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. 

Chủ sự: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Ma-ri-a trọn đời đồng trinh, các Thiên Thần, các Thánh, và anh chị em khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta. 

Chủ sự: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

Chủ sự mời gọi mọi người: Giờ đây chúng ta cầu nguyện bằng chính lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. 

Chủ sự và mọi người: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

Sau đó, thừa tác viên ngoại thường cầm Mình Thánh Chúa nâng cao và đọc (XD 59-63):

  • Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.

Mọi người: Lạy Chúa, con chẳng đáng…

Thừa tác viên ngoại thường cho bệnh nhân rước lễ. Rước lễ xong, mọi người dành một vài phút thinh lặng tạ ơn Chúa. Tùy nghi, có thể đọc một vài kinh: Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, Lạy Nữ Vương, cũng có thể hát một bài.

Biên soạn: Lm. Giu-se Đào Hữu Thọ

Nguồn: TGP Hà Nội  (15/11/2024)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập180
  • Máy chủ tìm kiếm44
  • Khách viếng thăm136
  • Hôm nay19,267
  • Tháng hiện tại603,016
  • Tổng lượt truy cập54,503,425

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây