Phụng vụ Lời Chúa: Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Thứ ba - 31/05/2022 22:04  810

(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
d

Chủ đề: KHỞI ĐẦU MỚI VỚI THÁNH THẦN

“Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác,
tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” 
(Cv 2,4)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Chúa Giêsu đã hứa ban Thánh Thần đến để trợ lực và hướng dẫn cho các môn đệ. Quả thật, Chúa Thánh Thần đến đã làm thay đổi cuộc sống của các môn đệ. Từ những con người sợ sệt nhút nhát, các môn đã trở nên mạnh mẽ, can trường. Từ những con người “đóng kín” trong chính mình, các môn đệ trở nên những người “ra đi” loan báo Tin Mừng của Đức Kitô Phục Sinh.

1. Bài đọc 1 (Cv 2,1-11)

Chúa Giêsu biết trước rằng sau khi Người được phục sinh và lên trời, Người sẽ để lại một khoảng trống trong đời sống của các Tông Đồ, nên đã hứa ban Thánh Thần để hướng dẫn họ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Đoạn sách Công Vụ hôm nay là sự hiện thực hóa lời hứa của Chúa Giêsu.

Trước hết, đó là việc các Tông Đồ nhận được Thánh Thần. Quả vậy, Thánh Thần như “cơn gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà” (Cv 2,2). Thánh Thần là sức mạnh “từ trời”, từ nơi Thiên Chúa, đến lấp đầy tâm hồn trống trải, hoang mang của các Tông Đồ, làm cho các ông nhớ lại và hiểu mọi điều Chúa Giêsu đã dạy (x. Ga 14,26). Thánh Thần trở nên cầu nối kịp thời và hiệu quả giúp các Tông Đồ không cảm thấy mồ côi (x. Ga 14,18) vì một khi đến, Thánh Thần sẽ là Đấng Bảo trợ và ở với các ông luôn mãi (x. Ga 14,16).

Sau nữa, các Tông Đồ trở nên chứng nhân cho Đức Giêsu Phục Sinh. Dấu hiệu nhận biết Thánh Thần là lưỡi lửa đậu xuống từng người một (Cv 2,3). Lưỡi là bộ phận quan trọng dùng để nói, để thông truyền; “lưỡi” (dùng để nói và rao giảng) và “lửa” (là Thánh Thần) mà Thánh Thần ban không chỉ giúp các Tông Đồ mạnh dạn và có khả năng nói các thứ tiếng để giúp người ta hiểu, mà còn loan truyền sứ điệp chân lý của Thiên Chúa, vừa khơi dậy niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Nếu xưa biến cố Tháp Baben thời Cựu Ước làm cho loài người phân tán chia lìa với những ngôn ngữ chống lại nhau (x. St 11,1-9), thì nay Thánh Thần làm cho muôn người hiểu được nhau để hợp nhất lại làm một trong dân mới là Dân Thiên Chúa.

2. Bài đọc 2 (1Cr 12,3b-7.12-13)

Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu Côrintô về những ân huệ của Thánh Thần. Trong hoàn cảnh cộng đoàn đang có những chia rẽ (1Cr 11,18) và việc lạm dụng những ân huệ Thánh Thần theo kiểu những lễ hội ngoại giáo, gây ra những xáo trộn trong cộng đoàn (1Cr 12,2-3), thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò hiệp nhất của Thánh Thần.

Trước hết, Thánh Thần (hay Thần Khí) là tác động liên kết Ba Ngôi. Thánh Phaolô khẳng định rằng dù có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần; dù có nhiều công việc phục vụ nhưng chỉ có một Đức Kitô; dù có nhiều hoạt động khác nhau nhưng chỉ có một Thiên Chúa (1Cr 12,4-6). Và chỉ những ai ở trong Thánh Thần mới có thể nhận ra rằng Đức Giêsu là Chúa (1Cr 12,3b). Như thế, Thánh Thần chính là tác động liên kết và hiệp nhất Ba Ngôi.

Sau nữa, Thánh Thần là tác động liên kết trong cộng đoàn. Thánh Thần được ban nơi mỗi người khác nhau, và mỗi người đều nhận được ân huệ và đặc sủng riêng, nhưng đều có một gốc chung là Thánh Thần (1Cr 12,7). Tuy Thánh Thần tỏ ra nơi mỗi người dưới những hình thức khác nhau, bằng những ân huệ khác nhau để phục vụ cho những nhu cầu khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ cho lợi ích chung của cộng đoàn là sự hiệp nhất. Như thế, dấu chỉ để nhận biết những ân huệ của Thánh Thần là sự hiệp nhất mà những ân huệ đó mang lại cho cộng đoàn.

Cuối cùng, thánh Phaolô dùng hình ảnh của thân thể để cho thấy sự hiệp nhất mà Thánh Thần mang lại (1Cr 12,12-13). Dù người ta có khác nhau về chủng tộc, địa vị xã hội hay giai cấp, một khi chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần, thì đều được hiệp nhất với nhau như các chi thể trong cùng một thân thể. Các bộ phận trong thân thể dù khác nhau về hình dáng, chức năng, nhưng được liên kết và hiệp nhất với nhau trong cùng một thân thể. Đức Kitô cũng vậy: bản thân Người là nguyên lý thống nhất, làm cho các Kitô hữu được hợp nhất nên một (1Cr 12,12).

Tóm lại, Thánh Thần là tác động hợp nhất Ba Ngôi và hiệp nhất các Kitô hữu trong cộng đoàn. Dù các Kitô hữu khác biệt nhau như các bộ phận khác nhau trong thân thể, nhưng dưới tác động của Thánh Thần, tất cả đều được liên kết với nhau trong cùng một thân thể Đức Kitô.

3. Bài Tin Mừng (Ga 20,19-23)

Sau khi Đức Giêsu bị bắt, và đóng đinh trên thập giá, các môn đệ hoang mang, sợ hãi. Các ông thu mình lại trong những căn phòng đóng kín. Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, ban bình an và Thánh Thần cho các ông, và sai các ông ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Trước hết, Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an cho các môn đệ. Khi còn sống với Thầy Giêsu, các môn đệ luôn được Thầy hướng dẫn và bảo vệ. Các ông sống trong bình an vì luôn có Thầy bên cạnh. Vậy nên khi Thầy bị bắt, đánh đòn và giết chết, các ông không còn chỗ nương tựa và luôn sống trong tâm trạng hoang mang, sợ hãi. Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lo lắng, bất an của các ông, nên ngay khi sống lại, lời an ủi đầu tiên Người dành cho các môn đệ là “bình an cho anh em” (Ga 20,19.21). Sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh là nguồn bình an, mang lại niềm vui cho các môn đệ (Ga 20,20). Đây là sự bình an đích thực, bình an cứu độ.

Sau nữa, Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi. Sứ mạng của các môn đệ phát xuất từ biến cố phục sinh (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-18.20; Lc 24,46-48; Cv 1,7-8). Sứ mạng này là một diễn tiến liên tục với sứ mạng của Đức Giêsu bắt nguồn từ Chúa Cha: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21; x. Ga 17,18). Tin Mừng Gioan nhắc đi nhắc lại nhiều lần việc Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến thế gian (x. Ga 5,23-24.30; 6,38-39; 7,29; 8,18.29.42; 11,42.44-45; …), nhưng đây là lần duy nhất Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi, theo cùng một mô thức như Người đã được Chúa Cha sai đi. Như thế, theo cái nhìn của Tin Mừng thứ tư, biến cố phục sinh là mốc điểm quan trọng của sứ mạng các môn đệ.

Cuối cùng, Đức Kitô phục sinh ban Thánh Thần cho các môn đệ. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Mátthêu và Máccô không hề nhắc đến Thánh Thần Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ đi, còn theo Luca thì Chúa Giêsu chỉ nhắc các môn đệ hãy chờ “quyền năng từ trời cao ban xuống” mà Người “sẽ gửi” (Lc 24,49). Luca chỉ muốn chuẩn bị để trình bày điều này rõ hơn trong sách Công Vụ Tông Đồ. Trái lại, Tin Mừng Gioan nối kết vai trò của Thánh Thần với sứ mạng được sai đi của các môn đệ (Ga 20,21-22). Chính Chúa Kitô Phục Sinh sai các môn đệ ra đi và ban Thánh Thần cho các ông, cùng với những thẩm quyền kèm theo (Ga 20,23).

Như thế, chính Chúa Kitô Phục Sinh ban bình an và niềm vui cho các môn đệ, sai các ông ra đi và ban Thánh Thần, cùng với những thẩm quyền kèm theo, để các ông thực thi sứ mạng. Sứ mạng này thật sự khởi nguồn từ biến cố phục sinh.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại việc các Tông Đồ nhận được Thánh Thần để trở thành chứng nhân cho Chúa Kitô Phục Sinh cho đến tận cùng trái đất. Giờ đây họ “mở tung” mọi cánh cửa đang khép kín để “ra đi” loan báo sứ điệp Tin Mừng của Đức Kitô Phục Sinh đến mọi người và mọi nơi. Qua bí tích Rửa Tội và nhất là Thêm Sức, rồi trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, tôi cũng đã nhận được Thánh Thần, vậy tôi có sẵn sàng “ra đi” để loan báo cho người khác về kinh nghiệm đức tin? ĐGH Phanxicô nói trong sứ điệp ngày Thế Giới Truyền Thông được công bố ngày 24-1-2020 rằng “Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, mọi câu chuyện, ngay cả những câu chuyện bị lãng quên nhiều nhất, thậm chí cả câu chuyện dường như được viết với những dòng quanh co nhất, đều có thể được truyền cảm hứng, có thể được tái sinh thành kiệt tác, và trở thành phụ lục của Tin Mừng”. Đời sống đức tin của tôi có tỏa hương thơm Tin Mừng? Và tôi có ý thức cùng với Chúa Thánh Thần kể lại câu chuyện cuộc đời mình như một bằng chứng tuyệt vời về cuộc gặp gỡ giữa tự do của Thiên Chúa và tự do của con người hay không?

2/ Thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò hiệp nhất của Thánh Thần. Sự hiệp nhất và yêu thương là dấu chỉ của những người môn đệ đã nhận được Thánh Thần của Đức Kitô. CĐ Vatican II cũng dựa vào đó mà khẳng định: Chúa Thánh Thần thống nhất Hội Thánh bằng kết hiệp và phục vụ. Người xây dựng và dẫn dắt Hội Thánh bằng nhiều ân sủng khác nhau theo phẩm trật và đoàn sủng (x. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 4). Tôi có nhận ra rằng đời sống và sứ vụ của mỗi Kitô hữu và Hội Thánh đều do một Thánh Thần Chúa duy nhất tác động? Tôi có ý thức rằng mỗi thành viên trong Hội Thánh/ Dòng tu/ giáo xứ/ hội đoàn, nhóm… như là một chi thể trong thân thể, tuy khác nhau nhưng cần sự đoàn kết, phối hợp và bổ túc cho nhau để xây dựng đời sống cộng đoàn mình?

3/ Đức Giêsu Phục Sinh đã ban “bình an-là ơn cứu độ” cho các môn đệ để các ông vượt qua được nỗi thất vọng, lo âu, sợ hãi; đồng thời, ban Thánh Thần và sai các ông đi loan báo sự bình an cứu độ đó cho người khác. Mỗi Kitô hữu cũng được mời tiếp nối bước chân rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, nối dài bàn tay của Đức Giêsu để đem sự bình an cho mọi người. Tôi có để cho ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi sáng tâm hồn và mở rộng con tim cho Thiên Chúa mỗi ngày trong đời sống để có sự bình an đích thực của Chúa? Tôi có nỗ lực thi hành sứ vụ đem bình an, loan truyền ơn cứu rỗi của Đức Kitô Phục sinh cho những anh chị em đang sống trong mặc cảm, cô đơn, lo âu, tuyệt vọng, sợ sệt bằng sự viếng thăm chia sẻ rao giảng Tin Mừng với họ hay không?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tếAnh chị em thân mến! Chúa Thánh Thần là quà tặng mà Đấng Phục Sinh đã xin Chúa Cha ban cho Hội Thánh và từng người chúng ta. Trong Chúa Thánh Thần, cộng đoàn chúng ta hãy tin tưởng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ chân thành và cầu xin tha thiết.

1. Chúa Phục Sinh nói với các môn đệ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, được đầy tràn Thánh Thần của Đấng Phục Sinh, luôn can đảm và trung thành diễn tả khuôn mặt của Đấng Cứu Thế cho con người thời đại.

2. Bình an là quà tặng của Chúa Kitô Phục Sinh dành cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các anh chị em tại những nơi đang có chiến tranh mau thoát khỏi bạo lực, tại những vùng dịch bệnh được an ủi chữa lành, để tất cả mọi người luôn vui sống trong bình an đích thực.

3. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Kitô hữu, cách riêng các nhà truyền giáo ở khắp nơi, biết ý thức sứ mạng cao quí do Thiên Chúa ủy thác, luôn nỗ lực loan báo Tin Mừng và chia sẻ niềm vui cứu độ cho mọi người.

4. Thánh Phaolô khẳng định: “Có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn sống xứng đáng với ân huệ Thánh Thần đã lãnh nhận, và làm trổ sinh nhiều hoa trái trong cuộc sống hằng ngày.

Chủ tếLạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Chúa đã ban Thánh Thần thánh hóa và dạy dỗ chúng con trong đời sống đức tin. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện cùng giúp chúng con biết mở lòng đón nhận và luôn vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 

Ban Mục vụ Phụng tự
Nguồn: tgpsaigon.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập75
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay28,545
  • Tháng hiện tại714,924
  • Tổng lượt truy cập52,883,872

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây