Thánh An-tôn Padua. Ngày 13 tháng 6
Thánh An-tôn Padua là một trong những vị Thánh được nhiều người yêu mến nhất. Ngay lúc Ngài còn sinh thời thì cũng đã có rất nhiều người muốn đến gần Ngài rồi. Không thể thống kê nổi những người đã đến để nghe Ngài giảng, và những người hoán cải sau khi nghe những lời của Ngài. Họ đã rời xa những cuộc tranh cãi cũng như từ bỏ lối sống bê tha trụy lạc. Nhiều người đã tái đứng dậy để đi theo Chúa Giê-su Ki-tô. Hồng ân mà nhờ đó, những lời của Thánh Nhân lọt vào được tâm hồn của nhiều người, đó là một trong những hồng ân lớn nhất mà Thiên Chúa đã ban cho Thánh An-tôn.
Thánh An-tôn sinh ngày 15 tháng 08 năm 1195 tại Lissabon, Bồ-đào-nha, nên Ngài còn được gọi là An-tôn Lissabon. Tên khai sinh của Ngài là Fer-nan-đô Martim de Bulhões e Taveira (Thực ra, năm sinh của Thánh An-tôn không được rõ ràng và có nhiều khác biệt: người thì cho là năm 1193, người khác thì cho là năm 1191; người khác nữa thì cho rằng Ngài sinh vào năm 1188). Ngài xuất thân từ một gia đình quý tộc giầu có, và được hưởng một nền giáo dục cao cấp. Ngay từ hồi 16 tuổi Ngài đã gia nhập Dòng Kinh Sĩ Thánh Au-gus-ti-nô. Ngài được gửi đi học Thần Học, và được chịu chức Linh mục vào năm 1220. Một biến cố đặc biệt đã xảy ra với Ngài, khi xương cốt của 5 người Anh Em đồng tu đã chết tại Marokko với tư cách là những vị Tử Đạo, được mai táng. Chính Ngài đã làm quen với năm người Anh Em ấy ngay trước khi họ khởi hành tới Marokko, và đã bị gây ấn tượng rất mạnh bởi thái độ sẵn sàng của họ trong việc đi theo Chúa Giê-su Ki-tô. Sau đó Thánh Nhân đã gặp gỡ một số Anh Em của Thánh Phan-xi-cô Assisi. Đối diện với cách sống của những người Anh Em đó, Fer-nan-đô cảm thấy rằng, đời sống hiện tại của mình trong Tu Viện chỉ là một cuộc đi theo Chúa Giê-su cách nửa vời và xoàng xĩnh.
Vì thế Ngài đã muốn khởi đầu một cuộc sống mới. Ngài rời khỏi Tu Viện của mình, và gia nhập đời sống của những Anh Em Dòng Thánh Phan-xi-cô. Ngay sau đó, Ngài lên đường tới Marokko, nhưng Ngài đã bị cảm nặng ngay khi vừa tới Malaria, và vì thế buộc lòng phải quay về. Nhưng những con đường của Chúa thì nhiệm mầu, và Thiên Chúa đã dẫn đưa Cha Fer-nan-đô đi theo con đường của Ngài. Trong chuyến trở về Lissabon, con tàu của Ngài đã bị một trận bão đẩy tới đảo Sizilia của nước Ý. Dù vẫn còn đang bị đau, nhưng Cha Fer-nan-đô đã mau chóng rời khỏi Sizilia để đến Assisi. Vào Ngày Đại Lễ Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 1221, Cha Fer-nan-đô đã được gặp trực tiếp Thánh Phan-xi-cô, và được gây ấn tượng bởi sức mạnh toát ra từ vị Thánh thành Assisi. Kể từ đó Ngài đổi tên thành An-tôn, có nghĩa là người luôn đứng ở phía trước.
Trong suốt một năm, Cha An-tôn đã rút vào nơi cô tịch. Sau năm đó, hồng ân đặc biệt của Ngài về việc rao giảng đã được khám phá. Trong một Thánh Lễ truyền chức Linh Mục, vị giảng Lễ đã không tới, và vì thế người ta đã mời Cha An-tôn nói một đôi lời với các tín hữu. Ngài khiêm tốn nhận lời và bước lên bục giảng và giảng Lễ. Bài giảng của Ngài đã làm cho tất cả những người hiện diện đều phải chăm chú lắng nghe, như thể là chưa hề có ai giảng cho họ nghe bao giờ vậy!
Trong những năm sau đó, theo sứ mạng của Dòng, Cha An-tôn đã được cử đi giảng dậy ở nhiều nơi, đặc biệt là cho những người đã từ bỏ Đức Tin chân thật. Trong mối liên hệ này, có một tích truyện rất nổi tiếng về sự kiện Thánh An-tôn giảng cho cá nghe. Sự thể như sau: Cha An-tôn muốn đi tới Rimini để thuyết phục một số đông các tín hữu đang bị lầm đường lạc lối, hầu đưa họ quay về với đường ngay nẻo chính. Ngài đã giảng cho họ nghe trong suốt nhiều ngày. Tuy nhiên, con tim của họ chai đá và ngoan cố, nên họ đã coi thường những lời của Ngài cũng như đã khước từ những lời ấy. Vì thế Ngài đã đi ra bờ biển và giảng cho cá nghe. Ngài nói vọng xuống biển như sau: „Anh chị em cá biển thân mến, anh chị em hãy lắng nghe Lời Thiên Chúa, vì những kẻ bất tín và những tín hữu lầm lạc không muốn nghe Lời của Ngài!“ Ngay lập tức, một bầy cá rất đông đã bơi tới. Chúng ngoi đầu lên khỏi mặt nước và thành kính lắng nghe Ngài giảng. Khi người ta chứng kiến phép lạ này, họ đã quỳ gối xuống, đấm ngực thống hối, và quay trở về với Đức Tin chân thật.
Thánh An-tôn còn làm một phép lạ khác khi có một người kia phủ nhận sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh An-tôn đã cho phép ông ta mang con la của ông đến. Con la này đã bị để nhịn đói và không được ăn uống bất cứ thứ gì trong suốt ba ngày. Khi Thánh An-tôn giơ Mình Thánh Chúa ra trước mặt con la đó, thì ngay lập tức nó đã quỳ gối xuống trước mặt Ngài mà không màng ngó ngàng gì tới thức ăn được mang đến cho nó.
Tuy nhiên, không phải chỉ nhờ vào những phép lạ mà Thánh An-tôn đã làm cho nhiều người lầm lạc hối cải, nhưng tiên vàn là do đời sống cầu nguyện và lối sống đầy gương mẫu của Thánh Nhân. Và chính nhờ vào cách sống của mình, Thánh Nhân đã làm cho những lời mà Ngài nói trở nên đáng tin cậy. Bên cạnh hoạt động giảng dậy của mình, Thánh An-tôn còn phải chu toàn vô vàn những trách vụ khác. Ngài được trao phó cho việc giám sát các tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn thuộc vùng Bắc Ý, thành lập Học Viện Thần Học trong Dòng và dậy Thần Học tại các thành phố như Bologna, Montpellier, Toulouse và Padua. Vì thế Ngài đã viết vô vàn các khảo luận Thần Học, mà nhờ vào những khảo luận Thần Học đó, sau này Ngài đã được Giáo hội tôn phong lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh. Một trong những người sống cùng thời với Ngài nói về Ngài rằng: „Thường xuyên xảy ra chuyện, vì lo giảng giải, dậy học và giải tội, nên Thánh Nhân không tìm được thời giờ để ăn.“ Người ta có thể nói rằng, những cố gắng của Thánh Nhân đã làm cho khuôn mặt của Châu Âu trong thời gian ấy được thay đổi. Ngài là một con người luôn kiên định trong sự phục vụ chân lý.
Những nỗ lực của Thánh An-tô đã làm suy sụp thân xác của Ngài, và vì thế, trong năm 1230, Thánh Nhân đã phải tạm gác các trách vụ của mình lại để về sống tại một lãnh địa bên cạnh Padua. Ở đó Ngài đã thực hiện một phép lạ khác. Câu chuyện diễn ra thế này: Viên bá tước của lãnh địa đó ước ao muốn đến gặp Thánh An-tôn một lần, vì ông thấy bên dưới cửa phòng của ông có một ánh sáng chói chang phát ra. Nghĩ rằng đó là một đám lửa đang bắt đầu bùng cháy, nên ông đã đạp cửa chạy ra. Nhưng sau đó ông đã đứng yên đầy ngỡ ngàng: Ông nhìn thấy người đang đứng đối diện với ông là một vị Thánh đang ẵm Chúa Hài Đồng trên tay.
Những bài giảng Mùa Chay của Thánh An-tô tại Padua vào năm 1231 đã có một kết quả gây chấn động. Hầu như toàn bộ khu vực đều được biến đổi: tất cả những ai mắc nợ đều được xóa nợ; mọi gia đình chia rẽ đều được giao hòa; những kẻ trộm cướp trả lại những tài sản mà chúng đã ăn trộm; những cô gái điếm trở về với cuộc sống đoan trang; mọi tiền tô, tiền cho vay nặng lãi cách bất hợp pháp và quá mức đều được trả lại cho các con nợ.
Thánh An-tôn qua đời vào thứ Sáu ngày 13 tháng 06 năm 1231. Ngay trước khi qua đời, Ngài đã lãnh nhận các Bí Tích dành cho giờ chết. Trong khi Ngài cầu nguyện cùng Mẹ Thiên Chúa với giọng yếu ớt, ánh mắt của Ngài bỗng rực sáng lên. „Cha thấy cái gì vậy?“ – Thầy Lu-ca - một người anh em trong Dòng và cũng là người luôn đồng hành với Ngài – hỏi Ngài. „Tôi thấy Chúa!“ – người đang bước vào giờ lâm chung nói nhỏ nhẹ. Vị Đại Thánh đã từ giã cõi đời như thế trong lúc Ngài mới chỉ 36 tuổi đời.
Ngay trong buổi chiều mà người ta tổ chức an táng cho Thánh An-tôn, một số phép lạ khác cũng đã diễn ra bên mộ của Ngài. Thông tin về những phép lạ này đã loan truyền với tốc độ chóng mặt đến độ không thể tin nổi, và càng ngày càng có thêm nhiều người hành hương tuốn về bên mộ của Ngài, trong khi con số các phép lạ vẫn không ngừng gia tăng. Chỉ 11 tháng sau khi Cha An-tôn qua đời tại Arcella, thuộc vùng Padua, nước Ý, Ngài đã được Đức Thánh Cha Grê-gô-ri-ô IX tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Ngay sau đó, các Tu Sĩ của Dòng Anh Em Hèn Mọn, với sự hỗ trợ của cư dân thành phố Padua, đã khởi công xây dựng một Vương Cung Thánh Đường để kính Thánh An-tôn.
Mộ của Thánh Nhân thường xuyên được mở để các tín hữu đến kính viếng. Bộ hài cốt của Ngài vẫn còn được bảo quản, và điều gây ngạc nhiên cách đặc biệt đó là chiếc lưỡi và những dây thanh quản của Ngài, tất cả vẫn còn được bảo quản cách rất tốt. Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đã bảo vệ cho tới tận ngày nay những điều mà với chúng, Thánh An-tôn đã diễn tả về hồng ân thuyết giảng đặc biệt do Thiên Chúa ban tặng cho Ngài. Thánh An-tôn còn nổi tiếng với tư cách là Bổn Mạng của „những người luộm thuộm“: Ngài có khả năng giúp người ta tìm thấy những đồ vật bị đánh mất. Liên quan đến điều này, có một tương truyền cho rằng, có một Tu Sĩ trẻ đã đến lấy cuốn Sách Kinh của Thánh An-tôn mà không được Ngài cho phép. Sau đó vị Tu Sĩ này đã bị tấn công thường xuyên bởi những cuộc hiện ra, đến độ anh phải tức khắc mang cuốn sách trả lại chỗ cũ.
Cho tới ngày nay, mộ của Thánh An-tôn tại Padua vẫn luôn là đích đến của vô vàn người hành hương. Nhờ vào vị Thánh này, càng ngày càng có nhiều người tìm thấy con đường trở về với Thiên Chúa. Những người tôn kính Ngài luôn trao phó cho Ngài những nỗi lo lắng thầm kín nhất cũng như những nỗi khốn cùng, và cả những niềm vui của họ nữa. Nhờ lời bầu cử của Thánh Nhân, tất cả những ai tôn kính Ngài đều nhận được hồng ân của Thiên Chúa cách dồi dào, cũng như đều nhận được phúc lành của Chúa.
"Qua Thánh An-tôn đến cùng Chúa Giê-su“ – đó là những lời mà Đức Pi-ô XI đã nói vào ngày 13 tháng 06 năm 1930 nhân kỷ niệm lần thứ 700 ngày qua đời của Thánh Nhân. Ơn gọi của Ngài với tư cách là nhà giảng thuyết cũng như là nhà giáo dục thiêng liêng, chính là việc dẫn con người tới với Chúa Ki-tô. Nhưng không chỉ nhờ vào những lời của Ngài, mà đặc biệt là nhờ vào gương sống thánh thiện và đức hạnh của Ngài, Thánh An-tô đã trở thành gương mẫu cho tất cả mọi người chúng ta, và là Đấng Cầu Thay Nguyện Giúp đầy uy quyền trước mặt Thiên Chúa.
Vào ngày 16 tháng Giêng năm 1946, Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã tôn phong Thánh An-tôn lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh.
Giáo hội Công giáo cử hành Lễ kính Thánh An-tô Padua ở bậc Lễ Nhớ Buộc, tức Lễ Bậc III, vào ngày 13 tháng 06.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – (tổng hợp và biên dịch)
Nguồn: simonhoadalat.com
13/06 – Thứ Hai. Thánh Antôn Pađôva, Linh mục, Tiến sĩ Hội thánh.
BÀI ĐỌC I: 1 V 21, 1-16
“Noboth đã bị ném đá chết”.
Bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Khi ấy, ông Naboth, người Giêrahel, có một vườn nho, sát cạnh đền của Acáp vua xứ Samaria. Acáp nói với Naboth rằng: “Hãy nhượng vườn nho cho ta, để ta làm vườn rau, vì nó gần đền ta: bù lại, ta sẽ đổi cho ngươi vườn nho khác tương đương”. Nhưng Naboth thưa lại rằng: “Xin Chúa đừng để tôi nhượng cho đức vua phần gia nghiệp của tổ tiên tôi”. Acáp tức giận bỏ về nhà, và căm hờn vì lời ông Naboth, người Giêrahel đã nói: “Tôi sẽ không nhượng cho đức vua phần gia nghiệp của tổ tiên tôi”. Vua nằm lăn xuống giường, quay mặt vào vách và không ăn uống gì. Giêzabel, vợ vua, đến cùng vua và nói rằng: “Tại sao đức vua buồn phiền, và không ăn uống gì?” Vua đáp: “Tôi đã nói với Naboth người Giêrahel rằng: “Hãy bán vườn nho lại cho ta, hoặc nếu ngươi muốn, ta sẽ đổi cho vườn nho khác tốt hơn”. Nó lại nói: “Tôi không thể nhượng vườn nho tôi cho đức vua”. Giêzabel vợ vua liền nói với vua rằng: “Quyền thế nhà vua cao cả biết bao, và nhà vua cai trị nước Israel khéo như thế nào! Thôi, dậy ăn uống đi, và cứ yên tâm. Thiếp sẽ tặng cho nhà vua vườn nho của Naboth người Giêrahel”. Bà ta nhân danh Acáp mà viết thơ, lấy ấn vua đóng vào, và gởi cho các bậc kỳ lão và chức sắc ở cùng thành với Naboth. Nội dung bức thư như thế này: “Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh, và đặt Naboth ngồi giữa hàng nhân sĩ trong dân. Hãy xúi hai đứa gian ác thuộc phường Bêlial đến trước mặt nó và cáo gian nó thế này: “Nó đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua”. Các ngươi hãy điệu nó đi mà ném đá cho nó chết”. Vậy dân chúng ở cùng thành với Naboth, các kỳ lão và chức sắc cùng ở một thành với ông, làm như Giêzabel đã truyền, đúng như đã viết trong thư bà gởi cho họ. Họ công bố một thời kỳ chay tịnh, đặt ông Naboth ngồi giữa hàng nhân sĩ trong dân. Họ dẫn đến hai thằng con cái ma quỷ, đặt chúng ngồi đối diện với ông. Và hai đứa này, đúng là hạng quỷ sứ, đã cáo trước mặt dân chúng rằng: “Naboth đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua”. Nghe thế, họ liền điệu ông ra khỏi thành, và ném đá hạ sát ông. Rồi họ sai người đi nói với Giêzabel rằng: “Naboth đã bị ném đá chết rồi”. Khi nghe tin Naboth đã bị ném đá chết, Giêzabel liền nói với Acáp rằng: “Nhà vua hãy chỗi dậy và chiếm lấy vườn nho của Naboth người Giêrahel, kẻ đã không muốn theo ý nhà vua nhượng lại vườn nho mà lấy tiền: Naboth không còn sống nữa, nhưng đã chết rồi”. Khi hay tin Naboth đã chết, Acáp chỗi dậy và xuống chiếm lấy vườn nho của Naboth người Giêrahel.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 5, 2-3. 5-6. 7
Đáp: Lạy Chúa, xin lưu tâm đến tiếng con than thở (c. 2b).
1) Xin lắng tai nghe lời con, thân lạy Chúa, xin lưu tâm đến tiếng con than thở. Xin để ý nghe tiếng con cầu khẩn, ôi Đại Vương và Thiên Chúa của con!
2) Ngài không phải là Chúa tể ưa điều gian ác; kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài; đứa bất nhân không thể đứng trước thiên nhan; Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác.
3) Ngài tiêu diệt những đứa nói man; người độc ác và gian xảo thì Chúa ghê tởm không nhìn.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
All. All. – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Chúa có lời ban sự sống đời đời. – All.
PHÚC ÂM: Mt 5, 38-42
“Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe bảo: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ”.
Đó là lời Chúa.