CÁC Á BÍ TÍCH
Thứ hai - 07/01/2019 05:15
3547
CÁC Á BÍ TÍCH
351. Các á Bí tích là gì ?
1667-1672
1677-1678
Đó là những dấu chỉ thánh thiêng do Hội thánh thiết lập để thánh hóa một số hoàn cảnh trong cuộc sống. Các á Bí tích gồm một lời cầu nguyện, kèm theo là dấu thánh giá và những dấu chỉ khác. Trong số các á Bí tích, quan trọng nhất là các phép lành. Các phép lành này là một lời ca ngợi Thiên Chúa và một lời khẩn nguyện để kêu xin những hồng ân của Thiên Chúa; cũng có những việc thánh hiến con người cũng như các đồ vật được dùng vào việc thờ phượng Thiên Chúa.
- Nghi thức Trừ tà là gì ?
1673
Người ta gọi là nghi thức Trừ tà, khi Hội thánh, với thẩm quyền của mình, nhân danh Chúa Giêsu, kêu xin để một người hay một vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó. Trong cử hành Bí tích Rửa tội, có một nghi thức Trừ tà đơn giản. Nghi thức Trừ tà trọng thể chỉ được thực hiện bởi một linh mục, với sự cho phép của Giám mục.
353. Đâu là những hình thức đạo đức bình dân kèm theo đời sống Bí tích của Hội thánh ?
1674-1676
1679
Cảm thức tôn giáo của dân Kitô giáo trong mọi thời đại đều có những cách diễn tả lòng đạo đức của mình qua nhiều hình thức khác nhau luôn đi kèm theo đời sống Bí tích của Hội thánh, như việc tôn kính các di tích thánh, kính viếng các đền thánh, những cuộc hành hương, những cuộc rước kiệu, chặng đàng thánh giá, kinh Mân côi. Dưới ánh sáng đức tin, Hội thánh soi sáng và cổ võ những hình thức chính đáng của lòng đạo đức bình dân.
LỄ NGHI AN TÁNG THEO KITÔ GIÁO
- Có tương quan nào giữa các Bí tích và cái chết của người Kitô hữu ?
1680-1683
Người Kitô hữu, chết trong Đức Kitô, khi kết thúc cuộc đời trần thế của mình, đạt đến sự viên mãn của đời sống mới được bắt đầu nơi Bí tích Rửa tội, được củng cố bằng Bí tích Thêm sức và được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể, là tham dự trước vào bàn tiệc thiên quốc. Ý nghĩa cái chết trong Kitô giáo được biểu lộ dưới ánh sáng sự Chết và sự Phục sinh của Đức Kitô, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta. Người Kitô hữu chết trong Đức Kitô, là ra đi để “cư ngụ nơi Chúa” ( 2 Cr 5,8).
355. Lễ nghi an táng diễn tả ý nghĩa gì ?
1684-1685
Dù được cử hành theo nhiều nghi thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và truyền thống địa phương, lễ nghi an táng của Kitô giáo luôn làm nổi bật đặc tính Vượt qua của cái chết theo Kitô giáo trong niềm hy vọng sống lại, cũng như ý nghĩa của sự hiệp thông với người đã qua đời, đặc biệt là trong lời cầu nguyện cho linh hồn họ được thanh luyện.
- Những giai đoạn chính của lễ nghi an táng là gì ?
1686-1690
Lễ nghi an táng thường gồm bốn phần chính : cộng đoàn đón tiếp quan tài với những lời an ủi và hy vọng, Phụng vụ Lời Chúa, Hy tế Thánh Thể, và lễ nghi từ biệt, trong đó linh hồn người quá cố được phó dâng lên Thiên Chúa, Đấng là nguồn sống vĩnh cửu, trong khi thân xác được an táng trong niềm hy vọng phục sinh.
Bức tranh minh họa trình bày bữa Tiệc Ly với việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, trong một phòng lớn trên tầng cao, được phủ đầy những tấm thảm (x. Mc 14,15) : “Cũng đang bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói : “Anh em nhận lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói : “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết : từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,26-28).
Trong ảnh, Chúa Giêsu và các Tông đồ ngồi quanh một cái bàn hình chén rượu. Trên bàn có các hình bánh và rượu. Căn phòng mở ra một hậu cảnh kiến trúc rất tỉ mỉ, với các lâu đài và một Nhà tạm tròn có bảy cột, biểu trưng cho Hội thánh, nơi trú ngụ của Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Gioan đưa ra một chi tiết có ý nghĩa, ngài nghiêng đầu vào ngực Chúa Giêsu (x. Ga 13,25). Ngài chỉ cho thấy sự hiệp thông tình yêu mà Bí tích Thánh Thể thực hiện trong người tín hữu. Đó là câu trả lời của người môn đệ đối với lời mời của Thầy : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái… Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,5.9-10).
Bí tích Thánh Thể là sự hiệp thông với Chúa Giêsu và là lương thực thiêng liêng để nâng đỡ người tín hữu trong cuộc chiến đấu hằng ngày; họ là người được mời gọi để tuân giữ các giới răn : “Đấng Cứu Thế […] luôn hiện diện trọn vẹn nơi những kẻ sống trong Người : Người chăm lo cho mỗi người đầy đủ các nhu cầu; Người là tất cả cho họ và Người không cho phép họ hướng cái nhìn về bất cứ một cái gì khác, cũng như tìm một cái gì khác ngoài Người. Thật vậy, các Thánh không cần gì ngoài Người : Người ban cho họ cuộc sống, giúp họ lớn lên và nuôi dưỡng họ, trong họ Người là ánh sáng và hơi thở; Người tạo cho họ có khả năng để nhìn Người, soi sáng họï ngang qua chính Người và cuối cùng để cho họ nhìn thấy Người. Người chính là Đấng dưỡng nuôi và cũng là lương thực; Người là Đấng trao ban Bánh sự sống và điều Người trao ban chính là Người : sự sống của những người sống, hương thơm cho những người thở, y phục cho những ai muốn mặc lấy. Chính Người là Đấng cho phép chúng ta tiến lên, vì Người chính là con đường và cũng là nơi chúng ta an nghỉ, là đích điểm cuối cùng. Chúng ta là chi thể và Người là Đầu. Nếu như chúng ta phải chiến đấu, thì Người sẽ chiến đấu bên cạnh chúng ta và chính Người sẽ đem lại chiến thắng cho ai được vinh dựï. Nếu như chúng ta là những kẻ chiến thắng, thì Người sẽ là vòng hoa chiến thắng. Như thế Người sẽ hướng dẫn tâm trí chúng ta về với Người và không cho phép chúng ta hướng về điều gì khác, cũng không yêu điều gì khác {…] Từ những điều chúng ta đã nói, ta thấy rõ cuộc sống trong Đức Kitô không chỉ hướng về tương lai, nhưng đã có ngay lúc này đối với các thánh đang sống và hoạt động trong đời sống đó” (Nicolas Cabasilas, Đời sống trong Đức Kitô, 1 , 13-15)
Jacob Copiste, Tranh minh họa về Phúc Âm thứ tư, Thư viện của các cha dòng Méchitaristes, Vienne.
Trích trong sách TOÁT YẾU GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
CHƯƠNG BỐN
NHỮNG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ KHÁC