Thánh Timôthê & thánh Titô, Giám mục, ngày 26.01
Thánh Timôthê (c. 97?):
Qua Tân Ước, những gì chúng ta biết được về cuộc đời Thánh Timôthê thì giống như của một Giám mục bận rộn ngày nay. Ngài được vinh dự tháp tùng thánh Phaolô, và cả hai đều được ưu tiên rao giảng Phúc Âm và chịu đau khổ.
Thánh Timôthê có cha là người Hy Lạp và mẹ là người Do Thái tên là Eunice. Là kết quả của một hôn nhân "hỗn hợp", nên ngài bị người Do Thái coi là bất hợp pháp. Chính bà ngoại thánh nhân, bà Lois, là người đầu tiên trở lại Kitô giáo. Sau đó, Timôthê được thánh Phaolô rửa tội khoảng năm 47, và sau đó cùng tiếp tay với ngài trong công cuộc tông đồ. Chính ngài và thánh Phalô cùng sáng lập Giáo hội Côrintô. Trong 15 năm làm việc với thánh Phaolô, Timôthê trở nên người bạn trung tín nhất của Phaolô. Ngài được thánh Phaolô gửi đi truyền giáo, thường phải đương đầu với những xáo trộn trong các giáo đoàn mà thánh Phaolô thành lập.
Khi Timôthê đang ở với Phaolô thì bị bắt tại Rôma. Trong một thời gian, chính Timôthê cũng bị tù (Dt 13,23). Và thánh Phaolô đã bổ nhiệm Timôthê làm đại diện cho ngài ở Êphêsô.
Timôthê quá trẻ so với trách nhiệm nặng nề phải đảm trách. "Ðừng để ai coi thường anh vì sự trẻ trung," trong thư I thánh Phaolô viết cho Tm 4,12a). Một vài đoạn khác cho chúng ta biết dường như Timôthê hay bẽn lẽn. Và một trong những câu của thánh Phaolô thường được trích dẫn là câu viết cho Timôthê: "Ðừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn" (1Tm 5,23).
Thánh Titô (c. 94?):
Titô có nét đặc biệt là người bạn thân và là môn đệ của thánh Phaolô cũng như tiếp tay trong công cuộc truyền giáo. Ngài là người Hy Lạp, hiển nhiên xuất thân từ Antiôkia. Mặc dù ngài là Dân Ngoại, thánh Phaolô đã không để ngài phải chịu cắt bì ở Giêrusalem. Titô được coi như người hòa giải, người quản đốc, người bạn rất tốt. Trong lá thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô cho chúng ta thấy tình bạn sâu đậm giữa ngài với Titô, và tình đồng đội giữa hai người khi rao giảng Tin Mừng: "Khi tôi đến Troas... Tinh thần tôi không được khuây khỏa vì không gặp được Titô, người anh em của tôi. Do đó tôi từ giã họ và tiếp tục đến Macedonia... Ngay cả khi đến Macedonia, thể xác chúng tôi cũng chưa được yên, mà phải chịu đau khổ đủ mọi cách, xung đột bên ngoài, lo sợ bên trong. Nhưng Thiên Chúa, Ðấng an ủi những kẻ yếu hèn, đã an ủi chúng tôi bằng cách sai Ti-tô đến..." (2 Cr 2,12a, 13; 7, 5-6).
Trong Thư Gửi Titô, lúc ấy Titô được coi như quản đốc của cộng đồng Kitô giáo trên đảo Crete, có trách nhiệm tổ chức, chấn chỉnh những lạm dụng và bổ nhiệm các giám mục phụ tá.
Lời Bàn
Qua đời sống của Thánh Titô, chúng ta có được chút hiểu biết về đời sống Giáo Hội thời tiên khởi: hăng say trong việc tông đồ, kết hợp mật thiết với Ðức Kitô, triển nở tình bạn. Tuy nhiên, luôn luôn có những vấn đề của bản tính con người và những chi tiết không hấp dẫn chút nào trong đời sống hàng ngày: cần phải sống bác ái và kiên nhẫn trong "sự cãi cọ với người khác, lo sợ trong tâm hồn." Qua tất cả những điều ấy, tình yêu của Ðức Kitô đã gìn giữ họ.
Nguồn: tgpsaigon.net
26/01 – Thứ bảy. Thánh Timôthê và thánh Titô.
BÀI ĐỌC I: 2 Tm 1, 1-8
"Nhớ lại đức tin trung thành của con".
Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Timôthêu.
Phaolô, Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, bởi ý định của Thiên Chúa, theo lời hứa ban sự sống trong Chúa Giêsu Kitô, gởi lời thăm Timôthêu, người con yêu dấu. Nguyện chúc ân sủng, lòng từ bi và bình an của Thiên Chúa Cha, và Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Cha cảm tạ ơn Chúa, Đấng cha phụng sự như tổ tiên cha, với tâm hồn trong trắng, khi cha đêm ngày hằng nhớ đến con trong kinh nguyện, nhớ đến nước mắt con đã chảy ra. Cha mong ước gặp con, để được đầy lòng vui mừng. Cha nhớ lại đức tin trung thành của con, đức tin mà bà ngoại của con là Lois đã có trước, rồi đến mẹ con là Êunikê, và cha tin chắc con cũng có đức tin đó. Vì vậy, cha nhắc nhở con điều này, là hãy làm sống động ơn Chúa trong con, ơn mà con lãnh nhận qua việc cha đặt tay trên con. Thật vậy, Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần trí nhát sợ, mà là thần trí dũng mạnh, mến yêu và độ lượng. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì cha là tù nhân của Người; nhưng hãy cộng tác với Tin Mừng dựa theo quyền lực của Thiên Chúa.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 10
Đáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa muôn dân (c. 3).
1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa đi, toàn thể địa cầu! Hãy ca mừng Chúa, hãy chúc tụng danh Người.
2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa muôn dân và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.
3) Hãy kính tặng Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Chúa quyền thế với vinh quang; hãy kính tặng Chúa vinh quang xứng với danh Người. Hãy mang lễ vật, tiến vào hành lang nhà Chúa.
4) Người giữ vững địa cầu cho khỏi lung lay, Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.
ALLELUIA: Mt 28, 19-20
All. All. – Chúa phán: “Hãy đi dạy dỗ các dân tộc: Ta ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. - All.
PHÚC ÂM: Mc 1, 14-20
"Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Ngài nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến, anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc âm”. Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Ngài thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức bỏ lưới, các ông theo Ngài. Đi xa hơn một chút nữa, Ngài thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Ngài liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Ngài.
Đó là lời Chúa.
Thứ bảy tuần 2 Thường Niên C
BÀI ÐỌC I: Dt 9, 2-3, 11-14
"Nhờ chính máu Mình mà Người vào Cung Thánh chỉ một lần".
Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, nhà tạm được cất lên trong gian thứ nhất, có đặt chân nến, bàn, và bánh tiến. Gian này gọi là Cung Thánh. Sau tấm màn thứ hai thì đến gian gọi là Cực Thánh. Còn Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê bò và tro bò cái mà người ta rảy trên kẻ ô uế, còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ càng tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).
1) Hết thảy chư dân hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối Cao, Khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian.
2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta!
3) Vì Thiên Chúa là vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người.
ALLELUIA: Ga 14, 5
All. All. - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - All.
PHÚC ÂM: Mc 3, 20-21
"Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: "Người đã mất trí".
Ðó là lời Chúa.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn