LỄ THÁNH GIA THẤT
Chúa nhật liền kề lễ Giáng Sinh Phụng vụ mừng lễ kính thánh gia thất. Chúa Giêsu đã muốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Gia đình này cũng có đủ ba thành phần: người con là Chúa Giêsu, người mẹ là Đức Maria và người cha là thánh Giuse. Cuộc đời Chúa kéo dài 30 năm thế mà Chúa đã sống trong gia đình này tới 30 năm. Điều này đáng cho chúng ta trân trọng thánh gia biết bao nhiêu!
Tuy Chúa Giêsu sống trong gia đình và Tin Mừng cho biết Chúa hằng vâng phục cha mẹ trần gian là thánh Giuse và Đức Mẹ nhưng Chúa cũng luôn ý thức Chúa có Chúa Cha trên trời và Chúa đặt ý Chúa Cha lên trên ý của cha mẹ trần gian nên Chúa đã nói với Đức Mẹ và thánh Giuse khi hai ông bà phải vất vả đi tìm Chúa thất lạc 3 ngày trong chuyến đi hành hương đền thờ Giêrusalem lúc Chúa được 12 tuổi. Chúa nói với hai ông bà khi trả lời câu nói của Đức Mẹ: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha con và mẹ đây đã đau khổ tìm con!” Thay vì một lời xin lỗi, Chúa lại nói: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con. Cha mẹ không biết rằng Con phải lo việc của Cha Con ư?”. Khi đó Tin mừng cho biết hai ông bà không hiểu được lời Chúa Giêsu nói.
Ngày nay Giáo lý công giáo cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu có bản tính Thiên Chúa và là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Con Chúa Cha trên trời và Chúa luôn phải tìm thi hành ý Chúa Cha. Chính vì thế sau này Chúa đã nói với các môn đệ: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người (Ga 4,34)”
Trong cuộc sống gia đình Chúa Giêsu đã được thánh Giuse và Đức Mẹ hết tình chăm sóc và lo lắng cho. Gia đình này chỉ có cuộc sống trung bình nhờ bàn tay lao động nghề thợ mộc của thánh Giuse cùng với công việc nội trợ hằng ngày của Đức Mẹ là cô thôn nữ ở làng quê khó nghèo ở Nazareth. Nay Đức Mẹ đang mang thai Chúa đã qua tháng thứ chín. Bình thường thì Mẹ sẽ sinh Chúa ở Nazareth tuy không được đầy đủ tiện nghi bằng bà Elisabeth sinh hài nhi Gioan tại tư gia nhưng cũng khá tốt đẹp. Nhưng hoàn cảnh lại không thuận lợi: bất ngờ xảy đến với cái lệnh kiểm tra hộ khẩu của hoàng đế Roma nên ông Giuse phải đưa Đức Mẹ về Belem quê quán ông để cuối cùng như chúng ta đã biết Đức Mẹ đã sinh Chúa nơi hang bò lừa! Rồi khó khăn này tiếp nối khó khăn khác: Vua Hêrôđê ra lệnh giết các hài nhi ở Belem và vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống. Được Thiên thần báo mộng cho biết cái nguy cơ lớn lao đó, ông Giuse đã phải cấp tốc đang đêm đem hài nhi và mẹ trốn sang Ai cập.
Trở về lại Nazareth, Chúa Giêsu được sống những ngày tháng êm ấm tốt đẹp nơi gia đình. Chúa học nghề và làm nghề thợ mộc cùng với thánh Giuse; Chúa chuẩn bị tốt đẹp cho thời gian đi rao giảng Tin Mừng. Nói chung cuộc sống gia đình Nazareth tuy có những gian nan bất trắc nhưng cũng là thời gian quí báu tốt đẹp giúp Chúa có những trải nghiệm về đời sống gia đình và thánh gia đã nêu lên những đức tính gia đình cho chúng ta noi theo bắt chước để giúp cho gia đình được hạnh phúc và chu toàn sứ mệnh Chúa trao cho mỗi gia đình chúng ta.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn về gia đình đã có lời đáng ghi nhận như sau: “Hôn nhân và gia đình là tài sản quí báu của nhân loại”. Vì thế các đôi bạn nam nữ cần phải gìn giữ và phát huy gia sản quí báu này. Gia đình truyền thống tốt đẹp theo chương trình của Thiên Chúa từ ban đầu là một vợ một chồng và không rãy bỏ nhau, giữ lòng chung thuỷ với nhau cho tới chết. Chúng ta hãy mạnh tay loại bỏ những hình thức gia đình không theo đúng ý định của Thiên Chúa về hôn nhân như gia đình đồng tính, gia đình đa thê đa phu, gia đình sống thử, gia đình li hôn, li dị: những hình thức gia đình này không phát xuất từ tình yêu chân thực và sẽ làm suy thoái đời sống gia đình và xã hội.
Một gia đình hạnh phúc khi có được những yếu tố như sau: Người chồng người cha được tôn trọng, người vợ người mẹ có quyền lợi và các đứa con sinh ra có môi trường tốt đẹp để lớn lên và trưởng thành. Gia đình chính là cái vườn thích hợp cho con cái vui chơi và lớn lên.
Câu chuyện: Gia đình Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Đêm ngày 18-5-1920, khi lễ kính Đức Mẹ đang diễn ra tại nhà thờ Wadowice, thì ở nhà, bà Emilia Wojtyła 36 tuổi đã hạ sinh đứa con thứ ba, đặt tên là Karol, hay thường gọi ở nhà là Lolek. Sau khi sinh nở tốt đẹp, dù giọng quá yếu ớt, nhưng bà Emilia liền bảo bà đỡ: “Bà mở cửa sổ được không? Cháu muốn Lolek được nghe một bài dâng kính Đức Mẹ.” Karol có chị và anh trai. Chị gái chết sớm còn anh trai qua đời khi Karol mới 12 tuổi.
Gia đình Công giáo này sốt sắng, khởi đầu ngày sống bằng thánh lễ ban sáng, cầu nguyện trước mọi bữa ăn, và ban tối thì con cái quây quần nghe cha đọc các đoạn Kinh thánh.
Từ khi còn nhỏ, Karol ảnh hưởng nhiều từ mẹ mình. Nhưng sau bà mất sớm thì việc nhà và nuôi nấng cậu con út Karol đè nặng lên vai người chồng là ông Karol Wojtyla. Ông toàn tâm chăm sóc cho cậu bé Karol khi đó mới chín tuổi. Để có thêm thời gian ở với con, ông nghỉ hưu sớm và không bao giờ tái hôn. Và quyết định này của ông Wojtyla đã gắn bó hai cha con như hình với bóng. Sau giờ học hoặc vào ngày Chúa nhật, ngày lễ, hai cha con rong ruổi trên những con đường Wadowice, leo lên những ngọn núi gần đó, thưởng ngoạn phong cảnh và trò chuyện. Chẳng lạ gì khi nhiều năm sau, Đức Gioan Phaolô nhớ lại: “Những năm tháng thơ ấu và thanh niên của tôi, chủ yếu gắn bó với cha tôi.” Và ngài nói thêm, “Tôi ở gần cha, và tôi có thể thấy cha là người rất nghiêm khắc với bản thân… bố nghiêm khắc với bản thân, nhưng không đòi hỏi nhiều ở con mình. Từ bất kỳ góc nhìn nào, phải công nhận cha mẹ của Đức Gioan Phaolô đã thành công trong việc nuôi dạy con. Thành công này là nhờ đời sống cầu nguyện và gương mẫu của họ, cùng với tinh thần lạc quan và lối sống kỷ luật, nhưng trên hết, là nhờ một tình yêu thương con cái đến quên mình. Đức Gioan Phaolô nói: có đêm khi bất chợt thức dậy, tôi thấy cha tôi còn quì cầu nguyện ở bên giường ngủ.
Chúng ta nguyện noi gương đời sống đạo đức của thánh gia Nazaret để gia đình được hạnh phúc tốt đẹp trong cuộc sống tại thế và sau này được hưởng vinh quang trong gia đình Chúa Ba ngôi trên thiên quốc.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn