Suy Niệm Thánh Vịnh 22 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ ba - 06/10/2020 22:25  660
Suy Niệm Thánh Vịnh 22
Thánh Vịnh 22: Chúa ở cùng tôi.
1          CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
2          Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
3          và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người. 
4          Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
5          Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
6          Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.

Cùng Đọc Với dân Ítraen
Thánh vịnh nói lên kinh nghiệm sống thân tình với Thiên Chúa, sử dụng hai hình ảnh rất được ưa chuộng: đồng cỏ…bữa tiệc…(Người chăn chiên….và Người chủ nhà…). Ở những nơi mà đời sống còn rất bình dị tự nhiên, loại ngôn ngữ này mang tính thi vị.
Chủ đề “mục tử” được Kinh Thánh đề cập nhiều. Dân Do thái sống trong một nền văn minh nông nghiệp và du mục. Đối với người dân, đàn chiên là tài sản chính, cả cuộc sống nhằm lo lắng cho đàn chiên: tìm đồng cỏ xanh tươi, dẫn chiên đến dòng nước trong, cho chiên nằm nghỉ nơi bóng mát, biết dẫn chiên đi trong những lối đường an toàn tránh xa những nẻo đường nguy hiểm, với gậy trong tay bảo vệ chúng khi có thú dữ tấn công. Thiên Chúa được trình bày như người mục tử quan tâm ấy: (Ed 34; Hs 4,16; Gi 23,1; Mc 7,14; Is 40,10-49)
Chủ đề “Người của Thiên Chúa” cũng rất phổ biến. Ở những nền văn minh càng thô sơ chừng nào, con người càng hiếu khách chừng ấy. Càng nghèo, càng biết cho đi thường xuyên hơn. Ở đây, tính hiếu khách được tóm gọn trong ba điểm cụ thể: bàn đầy thức ăn, chén tràn đầy, dầu thơm chảy trên đầu vị khách mời từ xa đến. Trong Kinh thánh chủ đề này cũng luôn được áp dụng cho Thiên Chúa: đó là chủ đề nhà của Thiên Chúa, là nơi mà người ta khao khát đến cư ngụ, như các Lêvi đã được diễm phúc sống suốt đời trong nhà Chúa. Đừng quên rằng Đền Thờ Giêrusalem là nơi dâng các hy lễ: các con vật sát tế, được dâng kính Chúa (phải được đốt bằng lửa, tượng trưng cho Chúa) sau khi đã chín, được chia phần cho những người tham dự như bữa tiệc thánh. Đối với dân Ítraen, bàn ăn, chén rượu không chỉ là những biểu trưng nhưng thực chính là bữa tiệc thánh.

Cùng đọc Với Đức Giêsu
Đức Giêsu đọc Thánh vịnh này với lòng sốt sắng đặc biệt. Hãy nghĩ rằng Đức Giêsu đang đọc những lời của Thánh vịnh này: “Tôi chẳng thiếu thốn gì…. Người dẫn tôi… dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn… ly rượu con đầy tràn chan chứa…Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người” Có ai sống tình thân mật với Chúa Cha cho bằng Chúa Giêsu. Ý Cha là của ăn nuôi Ngài.
Ta biết rằng nhiều lần Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình với người mục tử yêu thương và chăm sóc các con chiên: “Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10,11) Cái chất giọng thân tình của Thánh vịnh này làm ta nghĩ đến một con chiên, một con chiên duy nhất, quý yêu nhất của người mục tử: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”. Điều này gợi lên cho ta hình ảnh Chúa Giêsu nói về người mục tử “để 99 con nơi hoang địa mà đi tìm con chiên lạc” (Mt 18,12) Chính trong bầu khí thân tình đó mà Thánh Gioan diễn tả mối liên kết với Đức Kitô phục sinh, bằng việc dùng hình ảnh bữa ăn: “Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta”.(Kh3,20)
Các kitô hữu thường xuyên hát Thánh vịnh này vì nhận thấy đây là một bài tụng ca phép rửa tuyệt vời: chính đây là Thánh vịnh được đề nghị cho những người tân tòng, vào đêm lễ phục sinh, khi ra khỏi giếng nước “làm cho họ được tái sinh”… họ tiến đến nơi cử hành bí tích Thêm Sức, được “xức dầu thơm trên đầu” trước khi tiến “đến bàn tiệc dành sẵn cho họ” lãnh nhận Thánh Thể lần đầu tiên. Quả thật nhờ những hình ảnh mang tính mục tử, ta có được những tâm tình cầu nguyện với Chúa thật kỳ diệu; chính Đức Giêsu Kitô là vị mục tử duy nhất có thể làm cho nhân loại chẳng còn thiếu thốn gì…chính Ngài cho ta tái sinh trong dòng nước rửa tội…chính Ngài dọn bàn sẵn cho ta dùng là chính Mình Ngài và Máu Ngài đổ ra…chính Ngài dẫn đưa nhân loại qua thung lũng âm u tiến về nhà Cha, nơi đầy ân sủng và hạnh phúc.

Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Hạnh Phúc. Người thời nay dường như hổ thẹn khi được hạnh phúc, và hết lòng tìm kiếm khi không có nó. Chúng ta biết có nhiều người nam, nữ đang đói, đang đau khổ, đang trong tình trạng chậm tiến, thiếu thốn những chăm sóc y tế. Chúng ta không thể hạnh phúc một mình! Vậy phải chăng ta cần khước từ “niềm vui nội tâm”? Sư Huynh Roger, sáng lập viên trung tâm cầu nguyện Taizé, không ngừng kêu mời các kitô hữu hãy chống lại sự dữ và luôn vui tươi như ngày đại lễ. Ông viết: Chúng ta khám phá ra nơi sâu thẳm con người của ta, Đức Giêsu Kitô sống lại, Ngài chính là nguồn vui của ta! Những thảm cảnh hiện nay, chiến tranh, những sắc tộc thiểu số bị xúi dục, thật là khủng khiếp…Vì đối với ta, mỗi con người đều mang tính linh thánh. Làm sao con người lại trở thành nạn nhân của con người? Nhưng, trong niềm khát mong thông hiệp vào một sự công bình lớn lao hơn, lẽ nào chúng ta, các kitô hữu, lại khước từ niềm vui trong tâm hồn chúng ta? Đừng để mình bị đè bẹp bởi thất vọng và cũng đừng sống với bộ mặt sầu nảo. Sống vui tươi có ngăn cản ta chiến đấu để dành sự công minh đâu? Trái lại là đàng khác. Đây không chỉ là niềm vui chóng qua. Niềm vui này được linh hoạt nhờ Đức Kitô trong mọi người đang quan tâm đến những cảnh huống cuộc đời và có thể đảm nhận những trọng trách lớn lao nhất…”
Vâng, có một loại bổn phận trong niềm vui. Với điều kiện phải đặt niềm hạnh phúc này trong điều chính yếu và mong muốn mọi người cũng thông hiệp.
Sống thân tình với Chúa. Thật là tình trạng trọng bịnh khi các kitô hữu tỏ ra thất vọng và buồn chán, họ, là những người có bí quyết của niềm vui tròn đầy: mọi người đều quy về Thiên Chúa là hạnh phúc bất tận. Vậy tại sao không bắt đầu ngay từ bây giờ? “Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên”. Bầu khí khô cháy của xã hội tiêu thụ đẩy nhiều bạn trẻ đi tìm những nguồn “suối” tuơi mát. Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, nhờ vào các siêu thị, bằng các thú vui…nhưng con người còn khám phá ra nhiều nguồn vui khác sâu xa hơn. Kinh nghiệm cuộc sống “với Chúa” là nguồn của chính những niềm vui sâu kín  này: “vì có Chúa ở cùng… tôi chẳng thiếu thốn gì”.
Quay về cùng thiên nhiên. Đây cũng là một trong những khát vọng của con người thời nay. Chúa Giêsu nói: “Hãy nhìn xem hoa huệ ngoài đồng”. Và Thánh vịnh này mời ta ngắm xem các đồng cỏ, nguồn suối nước, sinh hoạt của các mục tử, các bữa tiệc chuẩn bị đón các bạn hữu, ngôi nhà nơi ta trú ngụ. Thật nhiều niềm vui bình dị, trong tầm tay chúng ta. Sao chúng ta không nắm lấy? Sao chúng ta không biết trao ban cho người khác?

Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome II
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập70
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm57
  • Hôm nay20,309
  • Tháng hiện tại668,587
  • Tổng lượt truy cập53,653,622

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây