Suy niệm Lời Chúa hằng ngày tuần XXVIII TN B - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 14/10/2018 03:56  897
Thứ Hai tuần XXVIII Tn
Thánh nữ Têrêxa Avila
Thánh nữ Têrêxa Avila được tôn phong tiến sĩ Hội Thánh vì trong những tác phẩm, Ngài đã diễn tả và giải thích cho mọi người những bí quyết của đời sống thiêng liêng, với tất cả tâm hồn. Người ta thích thú đọc các tác phẩm của Ngài, vì lối văn tự nhiên, không phải như những sách thần học, nhưng như một cuộc đối thoại sống động với một phụ nữ đầy tràn Thiên Chúa, lối văn ấy thuật lại làm thế nào mà Ngài đã gặp gỡ Thiên Chúa trên mọi nẻo đường, làm thế nào Ngài đã hoạt động cùng với Chúa để thiết lập các cộng đoàn dòng Kín mọi nơi, là những trung tâm của đời sống thiêng liêng.
Đoạn thư Roma (Rm 8, 26-27) gợi lên sự phong phú nội tâm của thánh nữ và chúng ta hiểu rằng tất cả giáo thuyết của ngài xuất phát từ một tâm hồn đã được Thánh Thần uốn nắn. Chính ngài nói về sức mạnh của những khao khát thiêng liêng; thật giống như những tiếng rên, mà Phaolo nói đến: ‘Thần khí đến trợ giúp sự yếu hèn của chúng ta, cầu thay cho chúng ta bằng những tiếng rên khôn tả’. Sự sống ‘thuộc linh’ này kết hiệp thánh nữ với Ba Ngôi.
Lời nguyện cầu của chúng ta là chính hoạt động của Thiên Chúa, của Thần Khí, nếu đó là lời cầu nguyện chân thực và mang tính kitô. Không phải là những lời của sự khôn ngoan loài người, không phải là sáng tạo của con người: là hoạt động của Thần Khí trong chúng ta, đấng thấm nhập vào con người chúng ta, biến đổi chúng ta để hướng về Thiên Chúa, để gia tăng trong ta lòng khát khao Thiên Chúa. Tiếng kêu của Thánh Thần trong ta được diễn tả qua lời ca nhập lễ: ‘Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống’, vì chúng ta đã cảm nếm được sống trong Thiên Chúa. ‘Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì: có mối tương quan giữa điều Thiên Chúa ước muốn nơi ta và điều Thần Khí thực hiện nơi ta theo ý Thiên Chúa.
Tất cả những điều đó là để chúng ta nên giống Người Con, vì ‘những ai Ngài đã biết, thì Ngài đã tiền định để họ nên đồng hình đồng dạng với Con Ngài’. Thần Khí được ban cho ta qua Chúa Con. Nhờ Lời của Con mà ta có thể nhận lãnh Thần khí; và nhờ hy lễ của Chúa Con mà ta nhận được sự sống của Thiên Chúa, sự sống của Thần Khí: nước hằng sống, biểu tượng của Chúa Thánh Thần, từ nay kết hiệp nên một với máu chảy ra từ cạnh sườn của Đức Kitô; nên qua Đức Kitô, ta nhận được Thần Khí, để hướng lòng ta về với Chúa Cha, biến ta nên giống Chúa Con.
Như thế tâm hồn chúng ta là nơi ngự của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cầu xin Chúa cho ta biết sống tín thác nơi Ngài như thánh nữ Têrêxa, để mở lòng ra cho tác động của Thánh Thần từ Đức Giêsu mà đến và dẫn đưa ta đến cùng Chúa Cha.
+++
Ơn gọi làm tông đồ
Hôm nay khởi đầu thư thánh Phaolô gởi tín hữu Roma. Ta biết rằng Phaolô viết thư này từ Corintô, khoảng mùa đông 57-58, trong khi sắp trẩy đi Giêrusalem để mang về những của bố thí cho kẻ nghèo. Đồng thời ngài đang nghĩ đến những cuộc hành trình sắp đến, có ý định đến Roma và Tây Ban Nha. Tại Roma, trước khi Phêrô và Phaolô đến, đã có cộng đoàn kitô, ta không biết được thành hình như thế nào và Phaolô ước ao hết sức được tiếp xúc với các kitô hữu này mà ngài chưa hề biết. Lối mở đầu long trọng cho thấy tầm quan trọng mà vị Tông Đồ dành cho cộng đoàn này. Phaolô không để ý chải chuốt văn phong của ngài, nhưng đoạn mở đầu thư này là một ngoại lệ, vì ngài muốn nói nhiều điều quan trọng. Ngài hãnh diện vì được làm tông đồ: ‘Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, được gọi làm tông đồ và dành riêng để loan báo tin mừng của Thiên Chúa’. Thiên Chúa cũng chọn chúng ta, những người kitô, chúng ta được gọi để loan báo tin mừng của Thiên Chúa, có lẽ với cách thức khiêm tốn hơn vị Tông đồ dân ngoại. Chúng ta nên tự hào cách thánh thiện về ơn gọi này Thiên Chúa dành cho ta.
Phaolô khai triển tư tưởng của ngài. Tâm điểm của ơn gọi này không phải là chính ông, nhưng là Đức Kitô, mà ông trình bày cả hai bình diện: Đức Kitô- con người và Đức Kitô- Thiên Chúa: ‘Xét như một người phàm, Đức Giêsu xuất thân từ dòng dõi Đavít’. Và rồi ta thấy cả mầu nhiệm của Đức Kitô, thập giá của Ngài; tuy nhiên: ‘Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng’. Đức Giêsu Kitô, tâm điểm của tất cả tư tưởng của Phaolô. Bức thư cho thấy rõ đức tin là nền tảng cả cuộc sống của Phaolô, cả sứ vụ tông đồ của ông.
Ông kêu gọi mọi người vâng phục đức tin, dựa vào Đức Kitô, vì chỉ dựa vào Đức Kitô chứ không phải trên chính mình, trên sứ vụ riêng của ta, công trạng của ta, nhưng trên tình yêu của Đức Kitô, tình yêu của Thiên Chúa đến với ta qua Đức Kitô.
Với những tâm tình đó, Phaolô ngỏ lời cho ‘Tất cả anh em ở Roma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh’. Là những lối diễn tả cho ta thấy được ý nghĩa của niềm vui, dù ở Roma hay ở nơi nào khác, bởi lẽ đối với các kitô hữu, Roma là ‘thành đô của chúng ta’. Ngay đầu lễ, phụng vụ thường nhắc lại lời chào của Phaolô: Ân sủng và bình an của Đức Kitô ở cùng anh chị em. Đó là lời chào kitô, vừa gói trọn vừa biến đổi lời chào của người hy lạp và do thái. Người do thái chào: ‘Bình an’ và Phaolô đã nói ‘bình an’, bình an đến từ Chúa Cha và từ Đức Giêsu Kitô. Người hy lạp cầu chúc cho nhau niềm vui, và Phaolô cầu chúc ân sủng. Cũng giống nhau nhưng có ý nghĩa sâu xa hơn.
 Chúng ta hãy đón nhận lời cầu chúc của Phaolô và cùng vui sướng hơn bao giờ hết vì ơn gọi của chúng ta.
Họ nghe những lời rao giảng của Giona mà hoán cải.
Ta phải hoán cải để thực hành tốt. Ta có thể là công giáo, hồi giáo, vô thần, ấn giáo hoặc một tôn giáo nào khác, nhưng ta không thể sống một cuộc sống ích kỷ, chỉ lo tìm kiếm tiền bạc, thỏa mãn nhục dục và quyền lực. Biết bao người khuyên chúng ta tiến bước với những nguyên tắc tốt, nếu ta không muốn tin vào một tôn giáo, thì hãy tin vào chỉ một người nói những điều đúng đắn với tình yêu và sự đơn sơ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã được nhiều người biết đến như một con người can đảm, khiêm tốn, đơn sơ, thanh sạch, không tìm khẳng định chính mình, không có ý cải đạo người không có đức tin. Ngài đề cao những giá trị căn bản cách đặc biệt của gia đình, là những giá trị không phải chỉ riêng cho đạo công giáo. Dưới mắt của mọi người sự sụp đổ của các đôi hôn nhân gây vấn đề và đau khổ cho biết bao nhiêu người, nhất là cho con cái, cho trẻ thơ mà ta yêu thương, mà Thiên Chúa gởi đến cho ta, những trẻ thơ mà ta bồng ẳm trong tay, nuối nấng dạy dỗ. Vâng, chúng ta yêu chúng, nhưng đến mức độ nào? Có hơn chính sự sống của ta không? Không, vì nếu như thế ta đã chẳng từ chối đối thoại vợ chồng với nhau vì sự thiện hảo của con cái, ta đã chẳng làm gương xấu cho con cái vì việc vợ chồng tranh cãi nhau, đã phải làm tất cả để mang lại sự bình yên cho gia đình hiệp nhất. Đức Thánh Cha chỉ cho ta ba từ thật lạ lùng, hết sức đơn sơ nhưng thường ta hay quên: Xin phép, Xin lỗi, Cám ơn.
Xin phép. Ta phải tôn trọng sự riêng tư của người khác, không nhòm ngó, không ghé mắt nhìn tin nhắn trên điện thoại di động của họ, tin tưởng họ.
Xin lỗi. Trong một ngày biết bao lần ta làm điều sai, biết bao lỗi lớn nhỏ với những người mà ta yêu quý. Ta có biết xin lỗi không? Ta có biết nhận những lời xin lỗi không? Đừng bao giờ lên giường ngủ mà chưa làm hòa với người khác.
Cám ơn. Tất cả đều nhờ và do người khác. Người vợ sắp xếp giường, chuẩn bị bữa ăn, chỉ cần một nụ cười, một cái vuốt yêu, một lời cám ơn. Người chồng mỗi ngày phải làm việc, bỏ hết mọi vấn đề khi ra khỏi nhà, chỉ cần một tiếng cám ơn.
Chỉ cần một chút, nhưng cái một chút đó thường chúng ta lại khó làm, và do đó mà những tương quan không chỉ giữa vợ chồng, phai nhạt dần.
+++
Chúng ta cũng thuộc về một thế hệ gian tà đòi những dấu lạ và muốn thách thức Đức Giêsu? Có lẽ thế. Ta quá tin tưởng vào những khả năng con người, nhất là những khả năng kỹ thuật. Do đó ta ít tin vào những dấu chỉ khác, đặc biệt là những dấu chỉ của Thiên Chúa. Nên những lời này dành cho ta: ‘sẽ không được thấy dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Giona’. Nghĩa là gì? Theo tin mừng Luca đó là lời kêu gọi sám hối đối với dân thành Ninivê. Trái lại theo tin mừng Matthêô là sự sống lại. Đối với ta dấu lạ Giona là chính Đức Giêsu Kitô, đấng kêu gọi chúng ta sám hối ăn năn. Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần: ‘Hãy ăn năn sám hối và tin vào tin mừng’.
Trước mặt chúng ta có nhiều chứng nhân đã đón nhận những dấu chỉ mời gọi sám hối: nữ hoàng Saba đã nhìn nhận Salomon như dấu chỉ của Thiên Chúa, các cư dân thành Ninivê đã nghe theo lời Giona mà sám hối và nhiều người khác như thế. Cho thế giới hôm nay ta nghe lời của Chúa đã phán cùng tổ phụ Ápraham: Giả như Ta tìm thấy được người công chính, thế giới chắc không bị hủy diệt. Biết thực hiện lời mời gọi sám hối, ta có thể sẽ ở trong số mười người công chính đó!
+++
Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa’.
Tự do là một quyền lợi, một cơ hội của con người. Là một giá trị mà trong dòng lịch sử người ta đã phải khó nhọc để phân biệt nó khỏi những giải thích ác độc và thiên vị. Tự do được hiểu không phải trong nghĩa trừu tượng, cần phải được diễn tả bên trong những tương quan, tự bản chất nó là một dây liên kết. Do đó phát sinh những mâu thuẫn: điều giải phóng tôi lại khiến bạn nên nô lệ và ngược lại. Sự tự do của tôi luôn được trả giá bằng sự không tự do của kẻ khác.
Chúng ta tất cả đều được tạo dựng nên. Được định hình do Đấng dựng nên ta có khả năng rút ra từ những liên kết như thế. Nhưng trong dây liên kết ta có thể khám phá một chiều kích mới về tự do: ta có thể nhận biết đấng Tạo Hóa và chọn lựa giữ mối tương quan với Ngài, bằng cách khám phá ra khả năng một tương quan thiết yếu với tất cả những tạo vật khác. Đó là sự tự do được giải thoát mà Đức Giêsu loan báo, trong thư gửi tín hữu Galát, sự tự do cũng cho thấy khả năng của ta tự bảo vệ mình khỏi mọi hình thức nô lệ.
Lạy Chúa, cộng đoàn huấn giáo mà mọi ngày chúng con cố gắng xây dựng, xin hãy giúp tất cả chúng con, nhất là các bạn trẻ, để binhận ra và quý trọng sự tự do của mình, bằng cách diễn tả nó qua những hành động có trách nhiệm của tình liên đới và phục vụ
Thứ Ba tuần XXVIII Tn
Được cứu nhờ lòng tin
Thánh Phaolô, trong đoạn mở đầu thư Roma, cho ta thấy thái độ sẵn sàng của người được sai đi, người có sứ vụ truyền giáo: ‘Thưa anh em, tôi không hổ thẹn vì tin mừng’. Đó là lời đầu tiên của ngài. Quả thật, tin mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người do thái, sau là người hy lạp. Phaolô hãnh diện vì tin mừng: đó là điều kiện đầu tiên để ngài có thể thi hành sứ vụ của mình. Nếu ngài hổ thẹn vì tin mừng, ngài không thể loan báo, có lẽ ngài sẽ giữ trong lòng chứ không đi đến với kẻ khác để kêu gọi họ tin vào. Lý do hỗ thẹn, trong một bức thư khác Phaolô nói rằng, khi nói về thập giá, đó là điều điên rồ đối với người hy lạp và là kỳ chướng (cớ vấp phạm) đối với người do thái. Là điên rồ khi nói rằng Đức Kitô đã thất bại khi để mình bị đóng đinh và là một cớ vấp phạm cho người do thái, những người mong chờ các phép lạ, vì chẳng thấy phép lạ nào xảy ra giây phút Đức Giêsu chết. Nhưng Phaolô biết rằng tin mừng là quyền năng của Thiên Chúa, rằng Đức Kitô đã chiến thắng.
Thật kinh ngạc khi đọc thấy tin mừng là quyền năng của Thiên Chúa để cứu những ai tin. Làm thế nào một lời nói lại có quyền năng? Tin mừng là một lời đặc biệt, chứa đựng tất cả quyền năng của Thiên Chúa. Ta có tin thật như vậy không? Nhiều lần ta đón nhận tin mừng như một lời mệnh lệnh để chúng ta cố gắng phục vụ Ngài. ‘Hãy làm việc này’. Chứ không phải như là những lời ban cho chúng ta sức mạnh.
Phaolô nói rằng tin mừng không phải là một lời như thế, chỉ biết yêu sách. Lời tin mừng có sức mạnh. Ta đón nhận như một sức mạnh, chứ không như một mệnh lệnh, bởi vì tin mừng truyền tải đức tin và toàn bộ đời sống của ta dựa trên đức tin; chúng ta kín múc sức mạnh từ đức tin chứ không từ sự tin tưởng nơi chính mình. Nhờ đức tin chúng ta mở rộng cho quyền năng của Thiên Chúa và chúng ta xây dựng cuộc đời chúng ta trên ân sủng, trên hồng ân nhưng không Ngài ban tặng. Tiếp sau mới đến những công việc của chúng ta làm, được linh hoạt nhờ ân sủng ban cho.
Trong đoạn thư ta đọc hôm nay, Phaolô loan báo ơn cứu độ nhờ đức tin: ‘Vì trong tin mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mạc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống’.
Nhân loại đang ở trong tình trạng lo âu, khốn khổ và nô lệ: do tội lỗi và đáng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, không có lối thoát. Do đó Thiên Chúa đã thiết lập phương cách cứu độ: không phải do công việc của con người, vì tất cả đã bị hư hoại do tội, nhưng là nhờ niềm tin vào Đức Kitô. Sứ vụ của Phaolô là rao giảng đức tin và ơn cứu độ do ân huệ nhưng không của Thiên Chúa.
Trong tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng loan báo: cần phải thay đổi não trạng, phải hối cải. Ngài mời gọi các biệt phái vượt qua tôn giáo chuyên lo giữ sự thanh sạch bên ngoài để đến với một tôn giáo của lòng nhân hậu, khiêm nhu, và của sự hiệp thông. Người biệt phái mời Đức Giêsu về nhà mình, lên tiếng kết án Ngài ngay lập tức, vì đã không rửa tay trước khi dùng bữa. Đối với các biệt phái, đây là những nghi thức thanh tẩy quan trọng, vì không phải chỉ như những cử chỉ giữ vệ sinh, mà còn là một bảo đảm sự thanh sạch trước mặt Thiên Chúa nữa. Đức Giêsu chống lại quan niệm tôn giáo ấy và tuyên bố rằng những điều ấy là cần làm, nhưng sự thanh sạch nội tâm mới đáng kể: ‘Này nhóm biệt phái các ngươi, bên ngoài chén dĩa thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc gian tà’. Lau rửa bên ngoài thì dễ dàng, nhưng thanh tẩy tâm hồn, con người không thể làm được. Cần phải đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, nghĩa là loại trừ cái kiêu căng tự cứu mình nhờ việc làm và khiêm tốn trước mặt Ngài, đồng thời yêu thương nhân hậu với người khác, vì Thiên Chúa không ban ân sủng cho kẻ không sẵn sàng phục vụ kẻ khác.
‘Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người’. Khi tâm hồn con người (bên trong) được canh tân nhờ sám hối, con người sẽ trở nên tốt, quảng đại, vượt qua khỏi một tôn giáo ‘tách biệt’ để đến một tôn giáo của ân huệ, của hiệp thông.
+++
Quả thật, trong Đức Kitô Giêsu, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái.
Vào thời thánh Phaolô, có nhiều người cải đạo từ do thái giáo nên vẫn còn cho rằng việc cắt bì là quan trọng: một nghi lễ đưa đứa bé vào trong thế giới tôn giáo của Israel.
Ngày nay cũng xảy ra điều tương tự: đánh giá quá cao những thực hành đạo đức nhỏ nhặt trong khi đó đánh mất chiều sâu và việc thực hành đức tin chân thật.
Chính khi ‘đức tin hành động nhờ đức ái’ mới đúng là đức tin chân thực. Ngược lại khi đức tin chỉ là tranh luận ngôn từ hoặc thực hành qua những thái độ mê tín, không có gì thay đổi cả: hãy học biết tin mừng và sống tin mừng với sự trợ giúp của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một trái tim đơn sơ được Thánh Thần soi chiếu, để đức tin của con trở thành chứng từ hiển nhiên việc con gắn kết với Chúa hết lòng. Xin luôn cho con biết can đảm thực thi đức ái đối với mọi người, bắt đầu từ những người sống cùng với con, dưới chung một mái nhà.
Thứ Tư tuần XXVIII Tn
Thánh Inhaxiô thành Antiokia
Đức trông cậy là một trong ba nhân đức đối thần (tin, cậy, mến): cậy dựa vào niềm tin để dấn thân trong tình mến. Trông cậy chẳng khác nào người hướng về đỉnh núi cao: muốn đạt đến đỉnh, phải vượt mọi trở ngại để có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp từ trên cao.
Thánh Inhaxiô thành Antiokia tràn đầy hy vọng; không giống như những người Phaolô nói đến trong thư gởi tín hữu Philiphê, không có niềm hy vọng vì họ chỉ ‘nghĩ đến những sự thế gian’. Thánh nhân ngời sáng trước mắt chúng ta như một vị thánh đầy lòng nhiệt thành và tình yêu. Đôi lúc làm ta phải hổ thẹn vì cách ứng xử của chúng ta trước những thử thách trong cuộc sống. Những đau khổ xảy đến không phải là nguyên cớ làm suy giảm nhưng để gia tăng lòng cậy trông vào Chúa. ‘Tôi là hạt lúa mì của Đức Kitô. Chớ gì hàm răng thú dữ nghiền nát để trở nên tấm bánh tinh tuyền’.
Các Tông Đồ, chứng nhân loan loan báo ơn cứu độ mà Đức Kitô thực hiện bằng cái chết và sự sống lại của Ngài. Là chứng nhân ngay cả trước tòa án, khi bị cấm không được nói đến danh Đức Giêsu: ‘Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm’. Thánh Thần sẽ được ban tặng để trợ giúp họ can đảm bác bỏ mọi sai lạc và sống trong sự thật.
+++
Xét đoán anh em
Phần thứ nhất thư Roma, Phaolô minh chứng cho thấy rằng mọi người đều cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong chương hai, Phaolô ngỏ lời với những người tưởng mình là công chính, không cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, bởi vì họ đã sống đúng như điều họ phải sống. Phaolô nói rằng: ‘Dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình’.
Là ảo tưởng chung: người ta tưởng mình công chính khi lên tiếng xét đoán kẻ khác. Thường tình, nếu thấy ai sai lỗi, ta hay nghĩ rằng giả như ở vào địa vị của họ, mình sẽ làm tốt hơn nhiều, ngay cả những điều mà chúng ta không có khả năng. Chúng ta không nghĩ rằng là người lên tiếng chỉ trích, phê phán, chúng ta có khi còn tệ hại hơn đối tượng mà chúng ta xét đoán nữa. Trên bình diện đạo đức và tinh thần cũng thế. Nhìn thấy một ai đó làm một việc không đúng, chúng ta nghĩ trong lòng, nếu mà là tôi, trong hoàn cảnh đó tôi sẽ làm điều đúng đắn.
Phaolô nói: ‘Hỡi bạn, người xét đoán những kẻ làm những điều đó, trong khi chính mình cũng làm như vậy, bạn tưởng mình sẽ khỏi bị Thiên Chúa xét xử sao? Chúng ta tất cả cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa: là con đường duy nhất mang lại ơn cứu độ. Cần phải đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, ban tặng cho tất cả mọi người. Nguời do thái cũng như hy lạp, kitô hữu cũng như lương dân, kẻ tội lỗi cũng như người công chính, cần phải đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Hãy nhớ rằng đó là thái độ căn bản để được cứu độ. Chúng ta đều là những tội nhân được Chúa tha thứ và không ai có thể tự tách mình ra để xét đoán nghiêm khắc anh em mình, nếu muốn đẹp lòng Thiên Chúa.
Các Perushim, những kẻ thanh sạch, như họ thường được kính trọng như thế, muốn trở thành những người tốt hơn nữa. Dân chúng kính trọng họ và sợ họ, khâm phục việc họ tuân giữ cách tỉ mỉ tất cả các điều khoản của Luật. Qua thời gian, thanh danh của họ càng ngày càng lớn đến độ những người Sadducêô, giới quý tộc thời ấy, đã phải chấp nhận họ vào trong Thượng Hội Đồng và đền thờ mới phải thích nghi theo những chỉ dẫn phụng vụ của họ. Họ là một sức mạnh, mà các tư tế phải gờm, còn dân chúng thì thán phục. Đức Giêsu, trái lại, nêu lên những trái nghịch của họ: tại sao họ quan tâm đến những điều nhỏ nhặt mà lại bỏ qua điều chính yếu? Tại sao họ có thể quan tâm đến những điều riêng biệt mà sai lạc trong cái tầm nhìn tổng quát? Tại sao họ có thể gạn lọc con muỗi mà lại nuốt trửng cả con lạc đà? Không bằng lòng các biệt phái, nhưng không một ai dám nói ngược lại họ: đôi lúc những người đạo đức, ngay cả thời nay, không thích những chỉ trích. Còn đối với các tiến sĩ luật Đức Giêsu tố cáo là những người đặt gánh nặng trên vai người khác còn mình thì dù một ngón tay cũng không động vào.
+++
Hãy lắng nghe cách khiêm tốn những lời nghiêm khắc mà Đức Giêsu nói với các biệt phái và tiến sĩ luật. Hôm nay những lời ấy ngỏ với chúng ta. Ta thấy thật đúng với mình? Nộp thuế thập phân nghĩa là nhìn nhận mình lệ thuộc vào người mà mình phải nộp thuế, trong trường hợp này là Thiên Chúa. Và Thiên Chúa hôm nay nói với ta: ‘Ta không cần của cải của các ngươi, vì tất cả đều là của ta. Trái lại ta không ngừng kêu gọi các ngươi thực thi công chính và tình yêu thương’. Trong xã hội của ta công chính và tình thương có vị trí nào?
Các chết tâm hồn thì đáng sợ hơn cái chết thể lý, vì cái chết tinh thần để lại hậu quả đời đời. Quả đáng sợ những người đang sống mà lại như những nấm mồ, nên cần phải thay đổi nhiều vì con người cứ thích kiên trì mãi trong điều tiêu cực. Làm sao thoát khỏi tình trạng ấy? Đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô.
Thật dễ dàng làm quan tòa xét xử kẻ khác. Thật dễ dàng chỉ cho người khác những sai lầm và thiếu sót của họ. Trái lại, đối với chính mình, chúng ta miễn giảm: ta tìm cho mình những luật lệ mềm dẻo hơn, với nhiều lối thoát và quyền miễn trừ để có thể thanh minh cho thái độ của mình. Đức Kitô đã nói rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Cần phải học cách đối xử với chính mình cũng như tha nhân bằng cũng một luật lệ: lề luật của Đức Kitô.
Thứ Năm tuần XXVIII Tn
Thánh Luca
Thánh sử Luca đối với ta thật thân tình vì là vị thánh sử về Đức Mẹ. Chỉ có nơi tin mừng của Ngài những trình thuật về truyền tin, thăm viếng, Giáng sinh, dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Và người ta cũng có thể nói ngài là vị thánh sử của trái tim Đức Giêsu, vì ngài cho ta thấy rõ hơn ai hết lòng thương xót của Chúa: là thánh sử của dụ ngôn đứa con hoang đàng (là viên ngọc chỉ tìm thấy trong sách tin mừng của Luca), đồng bạc đánh mất được tìm thấy. Là thánh sử của tình bác ái: chỉ có ngài thuật lại dụ ngôn người Samariatnô nhân hậu, và diễn tả tình yêu của Đức Giêsu dành cho người nghèo cách đặc biệt hơn các vị khác: ngài diễn tả Chúa Giêsu động lòng trước nổi khổ của bà góa Naim; đã đón nhận người phụ nữ tội lỗi trong nhà ông Simêon biệt phái với hết sức tế nhị và tha thứ cho bà; đã đón nhận ông Giakêu với hết lòng yêu thương để hoán cải con tim bủn xỉn của người thu thuế thành con tim sám hối và quảng đại.
Thánh Luca còn là thánh sử của lòng tin, của bình an, của niềm vui; tắt một lời ta có thể nói rằng ngài là vị thánh sử của Thánh Thần. Trong sách Công Vụ Tông Đồ chính ngài đã nêu lên công thức thật gần gủi với cộng đoàn kitô hữu: ‘Họ đồng tâm nhất trí với nhau’, được lấy lại trong lời nguyện nhập lễ hôm nay: ‘Lạy Chúa, Chúa đã chọn thánh Luca sai đi rao giảng và viết sách tin mừng để làm cho mọi người nhận biết Chúa đặc biệt yêu thương những kẻ khó nghèo. Xin cho những người mang danh kitô hữu được đồng tâm nhất trí với nhau hầu muôn dân thấy được ơn cứu độ’. Là cộng đoàn kitô, dựa trên tình yêu thương của Đức Giêsu và tinh thần khó nghèo: chỉ những người không bám víu vào của cải trần gian vì tình yêu Chúa mới có thể làm nên một lòng một ý với nhau.
Tin mừng của thánh Luca còn cho thấy đầy tràn lòng nhiệt thành. Chỉ có ngài ghi lại việc sai bảy mươi hai môn đệ đi truyền giáo (các nhà chú giải nghĩ rằng đây là một con số biểu tượng cho bảy mươi hai quốc gia trên thế giới lúc bấy giờ) và những chỉ dẫn thật đặc biệt cho sứ vụ: ‘Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ từng hai người một ra đi trước Người, đến những thành phố mà Người sắp đến’. Thánh Grêgôriô giải thích: các môn đệ phải là những sứ giả đức ái của Đức Kitô. Muốn thực thi đức ái phải có ít nhất hai người, vì là tình yêu đối với người khác chứ không phải đối với chính mình.
Thật có nhiều kho tàng quý giá trong tác phẩm của thánh Luca và ta có thể kín múc với lòng tri ân, đừng quên khía cạnh mà thánh sử có ý nhấn mạnh: hiến thân tất cả cho Chúa, là môn đệ sẵn sàng vác thập giá mỗi ngày mà đi theo ngài. Như thế tình yêu của ta sẽ chân thực và mang nhiều hoa quả của Thánh Thần: bình an, hoan lạc, nhân từ.
+++
Sau khi quở trách các biệt phái và luật sĩ (Lc 11,42-46) Đức Giêsu, trong đoạn tin mừng hôm nay khiển trách các tiến sĩ luật và chỉ trích thói giả hình của họ. Ta chỉ cần xét lời khiển trách sau cùng (Lc 11,52). Các tiến sĩ luật tự cho mình là người nắm giữ sự hiểu biết về Thiên Chúa, lẫn lộn sự hiểu biết về Thiên Chúa với những quan điểm và tư lợi riêng mình. Ta cần phải lưu ý đừng giới hạn và cản trở việc truyền bá lời Thiên Chúa và sứ điệp của Người.
Sự đối nghịch của Đức Giêsu đối với nhà cầm quyền Israel bắt nguồn từ Cựu Ước, vẫn còn kéo dài đến nay trong thời đại của Giáo hội. Cựu Ước trình bày số phận của các ngôn sứ: nạn nhân bạo hành của chính dân mình.
Lịch sử Israel có thể tóm tắt bằng những từ sau: một đàng, Thiên Chúa gởi các ngôn sứ của Người đến để dạy dỗ con người con đường cứu độ; đàng khác, dân chúng lên án chết cho các ngôn sứ của họ (Lc 4,24-28; 20.2-5).
Xét theo quan điểm này, lịch sử và số phận của Đức Giêsu, chứng nhân bị bách hại, làm nên đỉnh cao của việc bách hại chân lý ngay từ khởi thủy (điển hình là Abel). Đoạn tin mừng này cho ta nghiệm ra rằng các môn đệ của Đức Giêsu đã không chịu đau khổ cách luống công, bởi lẽ việc này đạt đến đỉnh điểm nơi Đức Giêsu nơi lễ Vượt Qua. Ngài sai các tông đồ (ngày nay các nhà rao giảng và các kitô hữu) loan báo lời của ngài và thế giới tiếp tục bách hại và khước từ họ.
Trong đoạn tin mừng này Đức Giêsu ngỏ lời với dân Israel chối từ sứ điệp của ngài, nhưng một cách phổ quát hơn với toàn thể nhân loại đang khép kín trong một chân lý cục bộ mà họ bảo vệ bằng bạo lực. Do đó các tín hữu cần phải đương đầu với những đau khổ và bách hại, làm chứng cho chân lý của Thiên Chúa, chiếu soi đời sống chúng ta.
+++
Đoạn tin mừng hôm nay Đức Giêsu quở trách các tiến sĩ luật: 1) Họ xây dựng mồ mả của các ngôn sứ mà các cha ông của họ đã giết vì các vị này đã loan báo Lời Thiên Chúa; họ cũng tìm cách để giết vị ngôn sứ cao trọng hơn hết, Đức Giêsu. 2) Các tiến sĩ luật tự hào vì chỉ mình họ mới có quyền giải thích Kinh Thánh và cho biết ý muốn của Thiên Chúa. Họ tin rằng mình là thẩm quyền duy nhất đưa con người đến sự nhận biết Thiên Chúa và sự sống vĩnh hằng; vậy mà họ chối từ Đức Giêsu và ngăn trở người khác tìm đến với Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu. Lý do các lời quở trách của Đức Giêsu đối với các tiến sĩ luật là vì họ khước từ Đức Giêsu. Ngài chính là vị tiên tri của Thiên Chúa, là Đấng ôm trọn vẹn tất cả mọi lời sứ ngôn. Ngài là chìa khóa của sự hiểu biết: ‘Không ai biết Con trừ ra Cha và cũng không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho’. Tội nặng nhất của các tiến sĩ luật là: không nhận biết Đức Giêsu, mà còn ngăn trở không cho dân chúng nhận biết Ngài. Căn nguyên tội của họ ở việc họ chuộng sự khôn ngoan người phàm hơn là khôn ngoan của Thiên Chúa, được biểu tỏ nơi Đức Giêsu.
Cha ông của họ đã giết các ngôn sứ để khỏi phải hối cải và bây giờ chính họ tìm cách giết Đức Kitô. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa luôn bị bách hại, chối từ, bởi lẽ đó là sự khôn ngoan của thập giá. Sự gian ác của con người đạt đến đỉnh cao trên đồi Calvê, nhưng cũng chính là giây phút Đức Giêsu đạt đến đỉnh cao lòng nhân lành của Thiên Chúa. Máu của Abel, người công chính đầu tiên bị giết chết, đã từ đất kêu thấu đến trời cao (St 4,10), thì máu của Đức Giêsu rửa sạch mọi vết nhơ. Dacaria, vị ngôn sứ cuối cùng trước khi chết đã thốt lên: ‘Chúa sẽ tính sổ với chúng’, nhưng Đức Giêsu trên thập giá lại xin: ‘Lạy Cha, xin tha cho chúng’ (Lc 23,24).
Các tiến sĩ luật đã cất bỏ chìa khóa mở vào sự nhận biết Thiên Chúa, vì họ trình bày một vị Thiên Chúa không có lòng thương xót. Chính họ cách xa Thiên Chúa đã đành, mà họ còn làm cho kẻ khác cũng xa cách Ngài. Thập giá là chìa khóa để đi vào sự hiểu biết Thiên Chúa.
Thứ Sáu tuần XXVIII Tn
Trong số những lời khuyên nhủ của Đức Giêsu, hôm nay ta dừng lại lời khích lệ đừng sợ của Ngài. Ta biết rõ sự sợ hãi làm ta tê liệt như thế nào. Đừng sợ những kẻ giết thân xác nhưng hãy sợ đấng có thể kết án ta chết đời đời. Lẽ dĩ nhiên ai cũng sợ chết. Đức Kitô muốn ta lưu ý đến những hệ quả của đời sống hiện nay trên cuộc sống tương lai. Cần phải lưu tâm để không đánh mất Sự Sống ngay trong cuộc sống đời này: nhân danh giá trị này, là Sự Sống vĩnh hằng, mà không cần phải sợ mất sự sống đời này. Con người cần phải quan tâm tìm cho được sự sống vĩnh hằng ấy ngay trong đời này. Đối với Thiên Chúa mỗi người là một hữu thể độc đáo. Để cứu họ khỏi chết đời đời, Thiên Chúa sai Con của Người. Đây là lý do mà ta không phải sợ, nhưng luôn tỉnh thức vì có quá nhiều địch thù ngăn cản ta lãnh nhận hạnh phúc vĩnh cửu.
+++
Một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.
Ta đang mong chờ thực hiện cách trọn hảo ơn cứu độ của ta: được tha thứ khỏi tội lỗi, ta hiểu được căn tính cao trọng của mình. Ta là dân mà Thiên Chúa, nhờ mầu nhiệm Đức Giêsu chết trên thập giá và sống lại, không chỉ giải thoát ta khỏi sự dữ mà còn ban cho ta xứng đáng là những kẻ sống để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa.
Hãy tìm kiếm những bảo đảm cho sự sống đời đời, nhưng nhất là hãy để mình được an ủi bằng cách cầu xin Thánh Thần đấng luôn nhắc nhớ cho ta những giáo huấn của Đức Giêsu và kiên trì hy vọng phần gia nghiệp là hạnh phúc vĩnh cửu.
Lạy Chúa xin ban cho con những ngày sống được dọi sáng bằng Lời của Chúa. Xin ban cho con ‘ấn dấu của Thánh Thần’ ngài, đấng giúp con sống tốt và là bảo đảm cho con niềm vui vĩnh cửu.
+++
Được kể là công chính vì đã tin
Trong truyền thống do thái, Abraham được xem là mẫu gương sự vâng phục đức tin, là người công chính tuyệt vời, bởi vì ông đã chẳng ngại dâng đứa con duy nhất mình làm hy lễ cho Thiên Chúa. Phaolô lý luận: Abraham được công chính hóa trước khi dâng Isaác làm hy tế, vì ông đã được công chính hóa nhờ lòng tin vào lời hứa của Thiên Chúa, cho dù xem ra chẳng còn gì để mà hy vọng.
Phaolô viết: ‘Thánh kinh nói gì? Ông Abraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính’. Tính nhưng không của sự công chính mà Thiên Chúa ban tặng cho kẻ tin vào Ngài, lại càng hiển nhiên hơn nữa trong trường hợp một người tội lỗi. Thánh Kinh viết: ‘Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung’. Để được cứu thoát, cần gắn bó với Thiên Chúa bằng hành vi đức tin. Là thái độ căn bản trong đời sống thiêng liêng: tin rằng không phải những việc chúng ta làm đáng giá, nhưng chính là sự thánh thiện của Thiên Chúa mà ta đón nhận với lòng tin.
Rồi sau mới đến các việc ta làm, lúc này các việc làm là các việc làm của đức tin, những việc làm nhờ ân sủng chúng ta mới có thể thực hiện được.
‘Anh em đừng sợ, hỡi đoàn chiên bé nhỏ, Cha anh em biết điều gì anh em cần’. Nếu ta sống bé nhỏ trước mặt Thiên Chúa, ta sẽ luôn sẵn sàng xin ngài tha thứ; nếu ta sống phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, đấng mặc đẹp cho hoa đồng nội và nuôi sống chim trời..thì niềm tin của ta sẽ là nền tảng chắc chắn để tiến bước về phía trước. Ngược lại, đức tin của ta sẽ chỉ là những thực hành bề ngoài, hay còn tệ hơn nữa chỉ như nhúm men hư, làm hại cả đấu bột.
Cảm tạ tình yêu Chúa và xin Ngài gia tăng đức tin cho chúng con. Tin cậy vào Chúa, con không còn lo sợ nỗi gì!
Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi
Trước đám đông vây quanh để nghe, Đức Giêsu ngỏ lời cách riêng cho các môn đệ, ‘anh em hãy coi chừng men pharisêu, tức là thói đạo đức giả’. Những lời khích lệ của Đức Kitô được đặt trong một bối cảnh bách hại và chống đối là hiện trạng của các môn đệ. Họ được khích lệ không làm theo như các biệt phái, vì lời nói của các biệt phái không phù hợp với điều họ nghĩ. Họ được mời gọi làm chứng cho niềm tin của họ bằng bất cứ giá nào, bởi vì không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra. Đức Giêsu đến để cất khỏi con người những chiếc màn dối trá và phục hồi cho con người chân lý của người con, hoàn toàn được Chúa Cha yêu mến. Chắc chắn những kẻ tin thấy sợ hãi khi đứng trước nguy hiểm của cuộc bách hại, của một việc làm chứng khó khăn. Tuy nhiên chỉ có một sự mất mát không thể tìm lại được: ‘Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục’. Thái độ căn bản của những kẻ tin không đặt nền trên sự sợ hãi. Phải tỉnh thức để bảo vệ. Thiên Chúa chăm sóc cả những con chim sẻ. Lý nào Người lại quên các môn đệ của ngài. ‘Ngay cả tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi’. Điều đó muốn nói rằng ta đang sống trong một thế giới của tình yêu và phó thác. Thiên Chúa yêu thương ta, nâng đỡ ta bằng cánh tay mạnh mẽ của ngài, như nâng đỡ Đức Giêsu trên trần thế. Tuy nhiên lời sau cùng là lời này: ‘Anh em đừng sợ’.
Thứ Bảy tuần XXVIII Tn
Thánh Phaolô một lần nữa nhấn mạnh đến trật tự đúng đắn của mọi vật: không phải ưu tiên là các việc làm của ta làm nhưng là hành động của Thiên Chúa. Tất cả đều bắt đầu từ một lời hứa của Thiên Chúa. Trong lịch sử cuộc đời tổ phụ Ápraham, đã có lời Thiên Chúa hứa, trước khi Ápraham làm được công việc gì. ‘Không phải chiếu theo Lề Luật mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Ápraham’, vì lề luật chưa có, và thánh Phaolô còn viết rõ hơn nữa trong thư gởi tín hữu Galát: bốn trăm năm sau đó lề luật mới được ban cho. Điều tiên quyết không phải là việc tuân giữ lề luật nhưng là đón nhận lời hứa với niềm tin: như thế ta để cho Thiên Chúa tự do hành động theo cách thế tốt nhất cho ta. Điều kiện mở lòng ra cho Thiên Chúa đó là tin vào Người, chứ không phải tin vào chính mình chúng ta.
Trong bài tin mừng Đức Giêsu nói: cần phải tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người để được Thiên Chúa đón tiếp vào Nước Trời: ‘Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa’. Tòan bộ cuộc đời của ta không phải là một cố gắng để lập công nghiệp, nhưng là một minh chứng niềm tin vào Đức Giêsu, vào Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô.
Tuy nhiên tin mừng cảnh báo cho ta đừng vội vàng lên án những kẻ không chứng tỏ niềm tin: ‘Bất cứ ai nói phạm đến Con Người thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha’. Đó là hai khía cạnh của đức tin. Đó là một sự bày tỏ ra bên ngoài, nhưng đức tin được đặt trên nền tảng nội tâm của Thánh Thần. Đôi lúc có người khó khăn trong việc tuyên xưng đức tin, chấp nhận những bày tỏ đức tin ra bên ngoài. Ta không thể nói rằng họ không thể được tha; không tha thứ đối với kẻ cưỡng lại Thánh Thần, nghĩa là không đón nhận trong lòng mình chứng cứ của Thiên Chúa, đấng thúc đẩy ta đến với Chúa Con. Sự tuân phục Thiên Chúa chuẩn bị và làm phát triển đức tin. Ai tuân phục Thiên Chúa thì đến với Ánh sáng.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập128
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay22,342
  • Tháng hiện tại676,856
  • Tổng lượt truy cập52,845,804

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây