Suy niệm Lời Chúa, Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm A
Đọc và suy niệm Tin mừng hôm nay (Ga 4,5-42) giúp cho chúng ta khám phá ra nguồn ơn thánh cứu độ mà Thiên Chúa thương ban, đó chính là: “Sự biến đổi của con người qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô”.
Trước hết, sự biến đổi này chính là nhờ vào tình yêu thương và công nghiệp của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã đi bước trước khi chọn đi vào vùng đất của dân ngoại, Ngài đã “vượt ranh” để đến với con người, vì theo luật thì Ngài không được phép làm. Không những thế, lại còn là điều cấm kỵ, khi Ngài tiếp xúc, gặp gỡ, trò chuyện với một người phụ nữ Samaria. Điều sai trái hơn, khi Ngài còn xin nước và uống nước từ vò đựng nước của người đàn bà này để uống. Nếu xét theo luật, là một thầy Rabi Do Thái, Chúa Giêsu phải biết đây là điều cấm kỵ, không được làm, vì hành động này gây nên sự ô uế và tội lỗi. Điều sai trái, điều luật cấm, thì tại sao Chúa lại làm? Thưa vì, đây chính là hành động yêu thương, đây là sứ vụ trao ban và làm lan tỏa tình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Vì yêu thương, vì muốn cứu những con người tội lỗi, Chúa Giêsu đã không dùng lý trí để biện minh, lý luận theo kiểu con người, nhưng Ngài đã để cho Thánh Thần thúc bách với con tim yêu thương đầy tinh tế nhạy cảm, để cứu lấy, để gánh lấy tội lỗi của con người hầu cho tất cả mọi người được ơn giải thoát.
Thứ đến, sự biến đổi của người phụ nữ Samaria tội lỗi, chị bị mọi người coi là người tội lỗi vì cách sống của chị: “Bà có năm đời chồng rồi, và người đàn ông đang chung sống với bà bây giờ không phải là chồng bà”. Trong xã hội thời bấy giờ và ngay cả hôm nay, không ai có thể chấp nhận một con người phụ nữ tội lỗi, sống lăng loàn như vậy được. Chính bản thân chị cũng nhận ra điều đó, thế nên, chị phải “đến giếng lấy nước vào giờ thứ sáu”, nghĩa là giờ trưa, giờ ít có ai biết và nhận ra, để người ta khỏi phải bàn tán, xầm xì hay chỉ trích về chị.
Đối diện với một con người tội lỗi bị xã hội ruồng bỏ xa lánh như vậy, thế nhưng, tại sao khi chị được gặp Đức Giêsu thì cuộc đời của chị lại được biến đổi? Chúng ta hãy nhìn vào sự biến đổi rất kỳ diệu này. Trước hết, sự biến đổi qua cách xưng hô của chị với Chúa Giêsu: từ “Ông, đến Ngài, và Ðấng Kitô”. “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?... Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước?... Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Ðấng Kitô?” Còn đặc biệt hơn, khi sự biến đổi đến trong cả con người và nhân cách của chị. Từ một con người sợ hãi, trốn tránh để lánh xa sự dòm ngó, bàn tán của mọi người trong cộng đoàn, giờ đây chị đã trở nên người của quần chúng khi chị chạy về báo tin cho mọi người trong thành biết về cuộc gặp gỡ của chị và Chúa Giêsu. Thật lạ lùng vì từ một con người tội lỗi, lại trở nên “một con người Truyền Giáo”. Đó chính là vì: Chị đã để cho Chúa Giêsu tiếp xúc với mình, chị đã tận dụng được “cơ hội vàng” khi mở lòng để cho Chúa ban ơn đức tin, ban hồng ân cứu độ. Thật vậy, chị đã không tránh né, trốn chạy hay từ chối Chúa, nhưng khiêm tốn mở lòng trước ơn ban của Thánh Thần, để cầu xin ơn Chúa, dẫu rằng chưa hiểu thấu điều mình khẩn nguyện cầu xin.
Sau khi chúng ta đã suy niệm về hình ảnh, con người và sứ vụ của Chúa Giêsu, là Tình Yêu của Thiên Chúa Cha, Đấng tỏ lòng khoan dung nhân hậu với những người bị bỏ rơi, người bị loại ra bên ngoài, chúng ta lại càng thấy hình ảnh của người phụ nữ Samaria nơi con người yếu đuối đầy giới hạn và tội lỗi của mỗi người chúng ta. Đây chính là hai hình ảnh rất ý nghĩa, đã và đang được gợi lên trong suốt cả Mùa Chay. Hai con người gặp gỡ nhau, làm nên một câu chuyện của ân sủng, câu chuyện của tình yêu thương, tha thứ, cảm thông, câu chuyện của sự chấp nhận nhau để được ơn hoán cải và biến đổi.
“Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng … Số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế”. Thưa ACE, đây chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu cũng đang tha thiết mời gọi chúng ta: Một khi chúng ta hôm nay hay trong mùa chay này, khi đã gặp được Chúa Giêsu, khi được lãnh nhận ân sủng của Chúa ban cho thì chúng ta cũng hãy để Chúa dùng chúng ta như khí cụ ơn thánh, để Chúa làm cho chúng ta trở nên người truyền giáo cho ACE mình. Mong ước rằng những người trong gia đình của chúng ta, những người mà chúng ta gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, chúng ta cũng hãy giới thiệu Chúa cho họ qua đời sống chứng tá, qua những mẫu gương bác ái, hy sinh, phục vụ, nhờ đó mà mọi người cũng được Chúa ban ơn chúc phúc cho.
Có một điều rất tinh tế và thú vị khi Tin mừng đề cập đến địa danh của cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ, đó chính là tại Sika. Trong Cựu Ước, có Giếng Giacop nằm trong phần đất Sika, Sika chính là nơi mà tổ phụ Apraham đã tin và thờ phượng Chúa. Giếng Giacop là nơi mà Giacop đã ẩn náu sau khi chạy trốn sự lùng bắt của Esau anh mình, tại nơi đây ông đã mơ thấy cây thang được dựng lên cho tới trời. Đây chính là phần đất rất linh thiêng, đất của hy vọng và ơn giải thoát.
Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã cho chúng ta đang được sống trên phần đất có các chứng nhân đức tin, các anh hùng tử vì đạo, thế thì giờ đây, chúng ta có sống đúng với căn tính mà chúng ta đã lãnh nhận đó là sống chứng tá cho niềm tin của chúng ta vào Chúa, trở nên khí cụ và làm lan tỏa ơn thánh Chúa cho ACE mình hay chưa?
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con, hôm nay khi được Lời Chúa và các bí tích ban ân sủng nâng đỡ, ban ơn giúp sức, xin cho chúng con biết khiêm tốn mở lòng với ơn đức tin để được ơn hoán cải và ơn biến đổi, nhờ đó, chúng con sẽ luôn làm tôn vinh danh Chúa qua sứ vụ yêu thương, phục vụ của chúng con. Amen.