NGƯỜI PHỤ NỮ SAMARIA KHÔNG CÒN TRÁNH NÉ TƯƠNG QUAN GẦN GŨI NỮA
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật III Mùa Chay năm A.
Xh 17,3-4; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42.
Trong một bài viết gần đây, cha Timothy Radcliffe khuyên các Kitô hữu rao giảng Nước Trời bằng cách vươn tới tình bằng hữu. Cha viết: “Ngày nay, các mối tương quan giữa nam và nữ thường trở nên khó khăn, khó chịu và nặng nề. Các nghiên cứu cho thấy ở Hoa Kỳ, nam giới và nữ giới trở nên sợ sự thân mật. Chúng ta cần rao giảng Nước Trời bằng cách vươn tới tình bằng hữu” (“The Art of Friendship,” The Tablet, 04/02/2023).
Sự gần gũi là tâm điểm bài Tin mừng theo thánh Gioan của Chúa nhật III mùa Chay, trong đó chúng ta nhận ra một cuộc trao đổi nhẹ nhàng giữa Chúa Giêsu và một người Samaria bên giếng nước. Cuộc gặp gỡ ôn hòa giữa một người đàn ông Do Thái và một người phụ nữ Samaria sẽ trở thành tia sáng dẫn đến một sự biến đổi đầy ý nghĩa.
Tuy nhiên, bài Tin mừng hôm nay cũng nhắc nhớ người đọc về sự căng thẳng giữa hai nền văn hóa: “Vì người Do Thái không giao thiệp gì với người Samaria” (Ga 4,9). Những câu đầu của bài Tin mừng cho biết Chúa Giêsu đến Sykar, một thị trấn ở Samaria. Sykar là một thành phố trên đường từ Galilêa lên Giêrusalem. Theo sách Sáng thế, địa điểm này được biết đến với tên gọi là Sikhem, ngày nay nằm ở ngoại ô thành phố Nablus của Palestine ở Bờ Tây. Vào thời Chúa Giêsu, đó là một khu định cư quan trọng của người Samaria. Giữa Samaria và Giuđêa có sự tách biệt cả về mặt địa lý lẫn văn hóa. Các tín hữu Do Thái nhìn nhận núi Sion ở Giêrusalem là nơi thờ phượng đích thực, duy nhất. Trái lại, người Samaria tôn kính núi Garizim, một địa điểm ở phía bắc Giêrusalem và rất gần Sykar. Dù cả hai nhóm đều tuân giữ Luật Môsê, nhưng cách giải thích luật thanh sạch khác nhau đã dẫn đến sự tách biệt nghiêm trọng giữa hai dân tộc này.
Các độc giả thời xưa hẳn đã nhận thức được hai đặc điểm quan trọng trong bài Tin mừng. Trước hết, họ biết rằng giữa người Do Thái và người Samaria có sự căng thẳng. Thứ nữa, họ nhận ra tầm quan trọng của thời gian và địa điểm trong câu chuyện này. Chúa Giêsu gặp người phụ nữ Samaria vào buổi trưa tại một giếng nước công cộng. Hai người xa lạ bước vào một cuộc đối thoại thân mật giữa thanh thiên bạch nhật khi mà bất kỳ người qua đường nào cũng có thể thấy được họ. Với các độc giả thời xưa, khung cảnh giếng nước thậm chí còn gợi lên nhiều điều khi liên kết hình ảnh giếng nước với các cuộc gặp gỡ “có hậu”.
Chẳng hạn, trong Cựu ước, các cuộc gặp gỡ bên giếng nước thường dẫn đến hôn nhân. Môsê gặp được bảy cô con gái của thầy tư tế xứ Mađian gần giếng nước của gia đình họ, nơi ông đã bảo vệ họ khỏi những tên chăn chiên lừa đảo (x. Xh 2,17-22). Bảy cô con gái đã giải thích với cha: “anh còn múc nước giùm chúng con và cho chiên uống nữa” (Xh 2,19). Sau đó, Môsê kết hôn với Xíppôra, một trong bảy người phụ nữ mà ông ra tay bảo vệ. Một cuộc gặp gỡ quan trọng khác bên bờ giếng là cuộc gặp gỡ lãng mạn giữa Giacóp và Rakhen (St 29,1-30), khởi đầu cho cuộc tìm kiếm kéo dài mười bốn năm dẫn đến sự ra đời của dân Israel. Đó là những hệ quả từ các cuộc gặp gỡ bên bờ giếng trong Kinh thánh.
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaria giấu tên bên bờ giếng sẽ được những đọc giả tiên khởi của Gioan lưu ý đến. Họ sẽ nhạy cảm với cách câu chuyện chuyển từ ý tưởng lãng mạn sang ý tưởng thân mật thiêng liêng để làm sáng lên tình bạn giữa Đức Kitô và người phụ nữ. Người phụ nữ trở thành nhà truyền giáo đầu tiên, đã nói với những người khác về Chúa Giêsu: “Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Phải chăng ông đó là Ðấng Kitô?” (Ga 4,29). Sự thân mật mang tính hỗ tương khi Chúa Giêsu bỏ qua lịch sử hôn nhân của cô và thay vào đó chia sẻ những chân lý vĩnh cửu về đời sống trong Thánh Thần. Cuộc gặp gỡ này đã thay đổi người phụ nữ. Cô ấy đã thành thật chia sẻ câu chuyện này với những người trong thành.
Người phụ nữ Samaria vốn bị gạt ra bên lề xã hội vì ô uế theo Luật, đã trở thành hình mẫu cho mọi Kitô hữu.
CẦU NGUYỆN
Điều gì đang cản trở chúng ta thể hiện sự gần gũi hơn với những người khác?
Tình bằng hữu giúp chúng ta rao giảng về Nước Trời như thế nào?
Hôm nay chúng ta có thể sẻ chia cho ai sự thân mật mà Chúa Kitô đã chia sẻ cho ta?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (08/3/2023)