Suy niệm Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam - Lm. Xuân Hy Vọng

Thứ năm - 16/11/2023 07:36  419
NOI GƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM: CAN ĐẢM LÀM CHỨNG CHO ĐỨC TIN

Nhớ lại Năm Đức Tin được chính thức bắt đầu vào 11/11/2012 và sẽ kết thúc vào lễ Chúa Ki-tô là Vua Vũ trụ vào ngày 24/11/2013, chúng ta cùng với toàn thể Giáo hội hân hoan đón mừng và sống Năm Đức Tin được Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI ban hành qua Tông thư Tự sắc Porta Fidei (Cánh Cửa Đức Tin). Quả thật đây là một thời khắc quý báu cho chúng ta đọc lại, nhìn lại và sống tinh thần canh tân đổi mới (aggiornamento) của Công Đồng Va-ti-can II. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội thuận lợi cho chúng ta tìm hiểu, đào sâu, sống đức tin chân chính từ Kho Tàng Đức Tin (depositum Fidei) của Mẹ Giáo Hội. Và gắn liền với đức tin, chúng ta không thể không nói đến việc làm chứng đức tin, đặc biệt hôm nay Giáo Hội Việt Nam mừng kính trọng thể lễ 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam; chúng ta vui mừng hân hoan dấn thân, bước theo chân các Thánh Tử Đạo trở nên nhân chứng hiên ngang cho đức tin trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Giáo Phụ Ter-tu-li-an khẳng định rằng: “máu các vị tử đạo là hạt giống sản sinh các Ki-tô hữu” (‘sanguis martyrum semen christianorum’, trích từ Apologeticum số 50). Quả thật, nhờ máu các tổ phụ, cha ông chúng ta đổ ra trên quê hương thân yêu, mà đức tin Ki-tô giáo được bén rễ sâu vào nguồn cội cùng đích – Đức Giê-su Ki-tô. Các ngài đã không quản ngại khó nhọc của đời thường nhật, những gánh nặng, trách nhiệm trong gia đình, cộng đoàn mà quên đi ơn gọi cao quý: sống và làm chứng cho đức tin. Hơn nữa, các ngài đã hy sinh, hiên ngang sống chứng tá trong mọi hoàn cảnh, thậm chí những lúc cấm cách khốc liệt, những khi mà dường như sức con người không thể chịu đựng nỗi, mặc cho số phận đưa đẩy, trôi nổi theo  thời thế, những dụ dỗ ngon ngọt của vua chúa, quan quyền. Nhưng vì được mang danh Chúa Ki-tô, được ơn mặc lấy con người mới – Ki-tô hữu, trở nên con cái Thiên Chúa, các thánh tử đạo đã không ngần ngại phản biện qua gương sống đức tin hùng hồn, đã không làm hổ danh Chúa Ki-tô, không chùn bước, luồn cúi để được nhàn hưởng đời sống chóng qua trên trần gian này; trái lại các ngài đã anh dũng tuyên xưng đức tin và xác tín vào Thiên Chúa. Là con cháu các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta học được gì nơi các ngài? Chúng ta phải làm gì để nối tiếp truyền thống làm chứng cho đức tin mà các ngài để lại như gia sản quý báu cho mỗi người chúng ta?

Kính thưa quý ông bà, anh chị em rất thân mến! Thoạt nghe hai chữ “tử đạo”, chúng ta thường liên tưởng đến máu, huyết, bỏ mạng và chết vì đạo. Vì thời các ngài, ơn tử đạo gắn liền với sự kiện cấm cách, bắt đạo với vô số khuôn cách giết chóc, hủy hoại. Tuy nhiên, theo nghĩa rộng và nguyên gốc của từ ‘tử đạo’ (mártys trong tiếng Hy Lạp và martyr trong tiếng La-tin) có nghĩa là làm chứng, trở nên chứng tá. Cụ thể, khi đề cập đến ơn tử đạo, các ngài đã mạnh mẽ, gan dạ đáp lại lời mời gọi trở nên nhân chứng cho tình yêu Chúa Ki-tô mà các ngài đã cảm nghiệm qua cuộc sống hằng ngày, trong đời sống đức tin, thậm chí phải đổ máu đào vì Chúa. Vì thế, mỗi người trong chúng ta đều được Thiên Chúa kêu mời sống tử đạo, sống đời làm chứng tá cho Ngài trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, kể cả phải dùng mạng sống mình chết cho đức tin vì “...không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Trong số 117 Thánh tử đạo, chỉ có một thánh nữ, đó là bà thánh An-nê Thành (hay thường được gọi là bà Thánh Đê), mẹ của 6 người con. Bà là tấm gương cho các bà mẹ Công Giáo về lòng đạo đức và giáo dục con cái sống đạo. Bà quý mến và hết lòng giúp đỡ các linh mục trong cơn cấm cách. Vì lý do ấy, bà bị bắt. Trong thời gian cầm tù, bị tra khảo, đòn roi, nhưng bà rất cam đảm, không hề sờn lòng. Các con đến thăm (đứa nhỏ 2 tuổi, đứa lớn 10 tuổi) khóc thương mẹ, vì thấy mẹ chịu nhiều thương tích roi vọt, bà liền âu yếm vỗ về “các con cứ về cầu nguyện cho mẹ”. Chồng bà cũng đến khuyên bảo bà nên nghĩ đến con mà về coi sóc chúng, thì bà trả lời: “Anh hãy về lo cho con, hãy trông cậy Chúa phù hộ cho anh đủ sức nuôi dưỡng chúng, còn phần em, em sẽ phó thác và theo Chúa đến cùng.” (trích Tiểu Sử 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam của tác giả Nguyễn Ngọc Lan, do Nguyệt San Đức Mẹ HCG xuất bản tại California tháng 3/1990). Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy hoàn cảnh, trách nhiệm gia đình, những người thân tín...đôi khi vì tình thương, cảm thấy xót xa trước những đau thương ta đang chịu, hầu làm nhân chứng cho Chúa Ki-tô, mà vô hình dung chưa đồng cảm, hay không nâng đỡ ta trung thành làm chứng tá cho đức tin. Noi gương bà Thánh Đê, mỗi người chúng ta, đặc biệt các bà mẹ Công Giáo luôn biết đặt niềm tin vào Chúa, vừa hăng say công việc giáo dục con cái, chăm lo gia đình, vừa năng nỗ hy sinh, làm chứng cho đức tin Ki-tô giáo.

Thứ đến, đọc lại tiểu sử các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta thấy tấm gương một chủng sinh sinh tại Trung Quán, Quảng Bình đáng được ngẫm suy, đó là: thánh Tô-ma Thiện. Ngày 6.6.1838, lính vây bắt cha Candalh (Cố Kim), nhưng Ngài đã trốn kịp, lính liền bắt 1 số giáo dân và lúc đó 2 chị em Tô-ma Thiện vừa đến Di Loan, cậu cũng bị bắt luôn. Thấy ngài tuấn tú khôi ngô, nói hoạt bát, thông thạo chữ Nho, quan liền dụ dỗ: “cậu là con nhà nho sĩ, tương lai rất sáng sủa, nếu cậu bỏ đạo, tôi sẽ gã con gái tôi cho cậu, và lo liệu cho cậu làm quan”. Tô-ma Thiện ngửa mặt lên chỉ trời và nói: “Bẩm quan lớn, tôi ước ao chức tước trên trời, còn phẩm hàm đời này tôi chẳng màng tới”. (trích Tiểu Sử 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, như trên). Tiền, tài, tình, danh vọng đời này là của chóng qua; nhưng chúng có sức mạnh ghê gớm, và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống làm chứng tá, đời sống đức tin của chúng ta. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, dường như mọi thứ đều được quy ra vật chất, bị chi phối bởi danh vọng, quyền lực, chức tước. Liệu chúng ta có can đảm như thánh Tô-ma Thiện tuyên tín vào Chúa Ki-tô là nguồn mạch sự sống chăng?

Nói làm sao cho hết những gương sống chứng tá của các bậc tiền bối đã không ngần ngại đổ máu vì danh Đức Ki-tô. Trong bối cảnh Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng, các thành viên trong một gia đình có thể không đồng đạo với nhau. Tiến xa hơn nữa, trong lối xóm, làng giếng, chúng ta không thể không chung sống với những anh chị em khác tôn giáo, khác tín ngưỡng. Và thiết nghĩ rằng: đây là môi trường thuận lợi cho việc sống làm chứng đức tin qua lời nói, việc làm, chia san, cảm thông. Là thời khắc quý báu cho chúng ta noi gương thánh linh mục An-rê Dũng Lạc, vốn là con trai của một gia đình ngoại đạo; nhưng vì hết lòng thờ kính Thiên Chúa, Ngài đã được ơn trở nên con cái Chúa và dâng trọn cuộc đời mình cho sứ vụ rao truyền Tin Mừng như lời của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói về cha trong ngày phong hiển thánh như sau: “Cha An-rê Dũng Lạc, cha mẹ của ngài vốn là những người ngoại đạo, rất nghèo túng. Từ thuở nhỏ ngài được ký thác cho một thầy giảng và sau ngài trở thành linh mục vào năm 1833, rồi làm cha sở và làm nhà truyền giáo ở nhiều nơi khác nhau tại Việt Nam. Nhiều lần bị lao tù, nhưng vẫn được các gia đình tốt lành đem tiền chuộc về, trong khi bản thân ngài mong chờ được chết vì Chúa, ngài thường nói: ‘những người chết vì đức tin thì được đem lên trời, thế mà chúng ta cứ tiếp tục trốn tránh, chi phí tiền bạc để đút lót cho quan quyền bách hại mình, thà để chúng tôi bị bắt và rồi được tử đạo có hơn không?’” (trích Tiểu Sử 117 Thánh Tử Đạo VN)

Thay cho lời kết, xin ông bà, anh chị em hiệp lời cầu nguyện với toàn thể Giáo hội Việt Nam, cùng nhau dâng lên Thiên Chúa lời kinh cầu các thánh Tử đạo: “...Các ngài đã hy sinh tất cả vì đức tin, xin cầu cho mọi Ki-tô hữu biết sống và chia sẻ niềm tin của mình. Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các ngài biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc chúng con được hợp tiếng với các ngài ca ngợi tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. A-men.”


Lm. Xuân Hy Vọng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập68
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm56
  • Hôm nay24,817
  • Tháng hiện tại653,662
  • Tổng lượt truy cập52,822,610

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây