HÃY QUÊN ĐI “NHỮNG NÉN BẠC” CỦA MÌNH ĐỂ NHƯỜNG CHỖ CHO LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật XXXIII Thường niên A.
Cn 31,10-31; Tv 128; 1Tx 5,1-6; Mt 25,14-30
Dụ ngôn những nén bạc trong Tin mừng Matthêu có lẽ đã trở nên quá quen thuộc. Người ta có thể đọc đoạn văn này và vội vàng đưa ra kết luận là đừng biếng nhác và hãy làm sinh lời những món quà mà Thiên Chúa ban cho mình. Chẳng hạn, các nhà lãnh đạo Giáo hội có thể bị cám dỗ để kết luận rằng họ sử dụng “những tài năng” của họ để làm gia tăng số giáo dân tham dự Thánh lễ Chúa nhật. Một cái nhìn hạn hẹp khác về dụ ngôn này khiến những người lãnh đạo giáo xứ khuyến khích các tín hữu dành thời gian, tài năng hay của cải cho Giáo hội. Những cám dỗ như thế phần nào cũng đúng với người lãnh đạo nhưng có một cách khác để hiểu bài Tin mừng Chúa nhật XXXIII thường niên. Điều làm sứ vụ của Giáo hội trở nên nghèo nàn là đánh mất lòng nhiệt thành cá nhân với những giá trị gần gũi trái tim Thiên Chúa hơn hết.
Ngôn ngữ trong bài Tin mừng nêu bật sự tương phản giữa “đầy tớ tốt lành và trung tín” với “đầy tớ hư thân và biếng nhác”. Trong dụ ngôn này, khi đi xa trở về, ông chủ vui mừng khi thấy những nén bạc của ông đã sinh lời, như câu trả lời hài lòng của ông với hai người đầy tớ trung thành cho thấy “Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt người làm những việc lớn” (Mt 25,21-23). Một nén bạc thực ra là một số tiền rất lớn, nên việc xử lý số tiền lớn như thế không phải “việc nhỏ”, nhưng sự lạ thường nơi các dụ ngôn là có ý khơi lên trí tưởng tượng của người nghe.
Matthêu là thánh sử duy nhất sử dụng từ "nén bạc" với ý nghĩa biểu tượng trên. Mặc dù nguyên nghĩa của từ “nén bạc” [talent] là một số tiền lớn, nhưng dụ ngôn không chỉ nói đến việc sinh lời tài sản của người chủ. Cách Matthêu sử dụng đơn vị đo lường này trong dụ ngôn người Đầy tớ bất lương giúp chúng ta hiểu tư tưởng của thánh sử. Trong dụ ngôn đó, tên “đầy tớ độc ác” là người thiếu lòng thương xót với người bạn nợ anh một số tiền nhỏ. Điều đặt biệt đau lòng ở chỗ anh đã thiếu lòng thương xót mặc dầu chính anh ta được tha món nợ “mười ngàn nén bạc” vốn không thể trả được (x. Mt 18,24). Điều này cho chúng ta một hướng khác để diễn giải dụ ngôn tuần này. “Những nén bạc” mà những người đầy tớ trung tín được giao chính là những trách nhiệm phải làm trong tư cách người môn đệ của Chúa Kitô. Điều đó trở thành trách nhiệm của cộng đoàn các môn đệ để làm gia tăng những gì mà Thiên Chúa quý chuộng nhất.
Trong dụ ngôn Chúa nhật này, ông chủ đã “giao phó tài sản” cho cả ba người đầy tớ. Trong bối cảnh các sách Tin mừng, dường như lòng thương xót chính là tài sản quý giá của Thiên Chúa. Như Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót với tất cả mọi người, món quà quảng đại này sẽ tăng thêm giá trị và “sinh lợi” khi chúng ta chia sẻ với người khác. Đây chính là nhiệm vụ của người môn đệ.
Thánh Mátthêu dùng từ “biếng nhác” để chỉ người đầy tớ hư thân đã không chịu làm gì với món quà hào phóng của chủ. Ông chủ nói: “Vậy lẽ ra ngươi phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời?” (Mt 25,27). Việc không chịu làm gì cho thấy người đầy tớ này thoái lui trách nhiệm của mình. Người đầy tớ biếng nhác theo nghĩa anh đã do dự, dè dặt và thiếu nhiệt thành đối với công việc được giao. Thánh Phaolô đã cảnh báo hãy coi chừng việc do dự như vậy nơi thư của ngài, “đừng biếng nhác, phải phục vụ Chúa với tin thần hăng hái” (Rm 12,11).
Một cách khác giúp suy nghĩ về sự lười biếng là xem xét những nhận định sâu sắc của Thánh Tôma Aquinô. Vị thầy tu đức này không xem ‘mối tội đầu’ lười biếng như là “những người lười nằm một chỗ”. Đúng hơn, đối với Aquinô sự lười biếng là quyết định cố ý không theo đuổi điều thiện sau khi bản thân đã nhận thức được chúng. Tài sản quý giá mà Chúa Giêsu nói đến hôm nay là lòng thương xót của Thiên Chúa. Một khi nhận thức được điều tốt đẹp này, Chúa mời gọi chúng ta nhân đôi giá trị của điều tốt đẹp đó với những người xung quanh đang cần đến nhiều nhất. Như bài đọc I mô tả: “Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng” (Cn 31,20). Bài Tin mừng Chúa nhật tuần này không chỉ là “dụ ngôn những nén bạc”, mà còn là dụ ngôn về lòng thương xót.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta nhận thấy mối bận tâm lớn nhất của Chúa với thế giới là gì?
Trong tuần này, chúng ta sẽ bày tỏ lòng thương xót ở đâu?
Xã hội hôm nay đang lãng quên sự tốt lành của lòng thương xót Chúa ở nơi nào?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (15/11/2023)