NÉT ĐẸP NƠI CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận xét Giáo Hội Việt nam giống như Giáo hội Roma cùng phải trải qua hơn 300 năm cấm đạo và con số các vị tử đạo cũng nhiều tương tự. Thực vậy từ những năm Đạo Chúa được truyền giảng ở Việt nam vào đời Hậu Lê cho tới thời Nguyễn, thế kỉ 16 tới thế kỉ 19, Giáo hội Việt nam phải trải qua những cuộc bách hại đạo liên tiếp có khi ngặt nghèo có khi được khoan giãn và con số tử đạo đã lên tới 130.000 vị. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà ngày nay chúng ta nhận ra được những nét đẹp nơi các vị tử đạo của cha ông chúng ta. Trong số này, đã có 117 vị được Đức Giáo Hoàng Yoan Phaolô II phong thánh vào ngày 19.6.1988 và sau đó có thêm thầy giảng Anrê Phú yên được phong chân phước vào 5.3.2000
Trước hết khi ra trước quan quyền, các ngài đều được yêu cầu bỏ đạo bằng cách bước qua Thánh giá: rất đơn giản nếu bước qua thì được tha về ngay có khi còn được phần thưởng nữa. Nhưng các ngài đã kiên vững, cương quyết không chối Chúa. Có vị vì không chịu bước qua nên quan cho lính khiêng qua Thánh giá như ông Antôn Nguyễn Đích đã co chân lên để không đụng vào thánh giá, có vị thì sau đó tuyên bố rằng tôi bị miễn cưỡng lôi qua chứ tôi không cố ý đạp lên Thánh giá. Thánh Anrê Kim Thông nói với quan: “Thánh Giá tôi tôn thờ làm sao tôi đạp lên được”. Có khi quan dụ dỗ “chỉ cần bước qua để được tha, rồi về nhà đi xưng tội, hãy xem trường hợp ông Phêrô chối Chúa ba lần mà sau vẫn được làm lớn trong đạo”. Nhưng các ngài không bị lung lạc vì lời dụ dỗ này. Ba thánh binh sĩ Antôn Huy, Nicôla Thể và Đaminh Đạt vì bị quan áp lực lên gia đình làng họ nên đã bước qua Thánh giá, nhưng về nhà thấy bất an trong lương tâm nên đã tới lại công đường xưng đạo ra và cuối cùng được triều đình cho chém đầu. Thánh Thêphanô Ven linh mục thừa sai Pháp mới 31 tuổi trả lời với quan: “Suốt đời tôi thờ kính và rao giảng về Thánh giá làm sao tôi lại bước qua được”
Tại Hà tĩnh quan cho vẽ hình thánh giá lên đất để các tín hữu dễ bước qua nhưng dù thánh giá bằng gỗ hay chỉ đơn giản là hình vẽ trên đất các ngài cũng không bước qua
Thánh linh mục Anrê Dũng Lạc đang coi xứ thì bị bắt, bà con giáo dân chung góp tiền để chuộc về lần I, rồi lần II cũng thế, tới lần III, giáo dân cũng định làm như vậy, cha không cho và nói: “Ý Chúa muốn tôi chịu chết vì đạo, xin đừng tốn tiền chuộc về, hãy để tôi vâng theo ý Chúa”
Thánh Micae Nguyễn huy Mỹ được chịu đòn thay cho cha vợ là ông Antôn Nguyễn Đích vì ông đã già yếu để rồi cả hai cha con cùng được tử đạo
Cha Gioan Đạt trong thời gian bị giam trong ngục, ông Đốc cai ngục rất quí trọng Cha vì cha đạo đức và khôn ngoan, nên ông muốn kết bạn huynh đệ với Cha nhưng vì cha có án tử, nên nói với cha là xin tặng cha bộ áo quan tức là chiếc quan tài để tỏ lòng mến cha
Ông Micae Hồ đình Hy có chức quan trong triều đình phụ trách nghành dệt cả nước vì theo Đạo, nên bị Vua kết tội khinh luật nước. Ông chấp nhận mất chức và mất mạng sống vì Chúa. Trước khi bị xử, ông bình tĩnh xin lí hình cho hút hết điếu thuốc. Ông Đaminh Phạm trọng Khảm cũng vui lòng mất chức Chánh án và dâng hiến mạng sống mình cho Chúa
Thánh Tôma Thiện, Phaolô Bột và thầy giảng Anrê Phú Yên là thanh niên còn rất trẻ nhưng đã can đảm xưng đạo ra và được phúc tử đạo
Thánh Phaolô Trần văn Hạnh có thời gian sống với giới giang hồ ở Chợ Quán, nhưng anh bất bình khi thấy các bạn giang hồ bắt một một thiếu nữ và cướp đoạt tài sản, nên anh buộc họ phải trả lại cho chị ấy, họ bực tức nên tố cáo với quan: anh là người theo đạo Chúa và còn vu cáo là đã tiếp tay với quân Pháp nên Phaolô Hạnh bị bắt giam. Anh chỉ nhận mình là Kitô hữu chứ không nhận theo Pháp. Anh bị chém đầu tại Chí hòa ngày 28/5/1854, năm 32 tuổi
Thánh Anê Lê thị Thành là một bà mẹ Công giáo bị bắt vì cho các cha cố trú tại nhà mình. Cô út Nụ khai trước tòa án phong thánh là mẹ cô lo dạy dỗ con cái chữ nghĩa và cả giáo lý Xưng tội rước lễ , khuyên con cái giữ đạo Chúa cho nên. Bà bị giam tù và chịu đánh đòn. Cô Nụ vào tù thăm mẹ thấy áo mẹ dính máu loang lổ nên khóc. Bà nói con đừng khóc, mẹ được chịu khó vì Chúa và được mặc áo hoa hồng đấy! Lính bỏ rắn độc vào trong áo bà nhưng bà không động đậy nên rắn chui ra. Bà chết trong tù năm 60 tuổi.
Thời Văn thân ở Biên hòa và Bà rịa có tới 846 người có đạo bị nhóm Văn thân giết hoặc bị nhốt vào trong nhà thờ và cho thiêu sống, ngoài ra còn nhiều tín hữu Chúa phải đầy lên nơi rừng thiêng nước độc và có những vị phải chịu khắc hai chữ “tả đạo” lên má
Chúa Giêsu nói: “Ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ (Mt 10,22)” Các vị tử đạo là bằng chứng hùng hồng nhất về sự bền đỗ đến cùng, nên các ngài đã được ơn cứu độ và xứng đáng là những vị thánh. Chúng ta cảm nghiệm đúng như lời ông Tertulianô: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh nhiều kitô hữu”. Giáo hội Việt Nam có được con số đông các người tin theo Chúa như ngày nay cũng là nhờ máu các thánh tử đạo đã đổ ra trên quê hương đất nước chúng ta. Chúng ta nguyện nối gót các thánh tử đạo cha ông tổ tiên sống đức tin làm chứng cho Chúa và để gia tăng số người tin kính Chúa. Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn