Suy niệm Chúa Nhật XXXIII Thường niên B - Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Chủ nhật - 07/11/2021 21:02  539
CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN
Theo truyền thống, Giáo Hội dành thời gian kết thúc Năm Phụng Vụ để nhắc nhở các tín hữu thời Cánh Chung, thời kết thúc vận mệnh con người, nhưng cũng là thời con người hội ngộ với Thiên Chúa của mình trong cuộc sống đời đời.
Đn 12: 1-3
Bài Đọc I, trích từ sách Đa-ni-en, khẳng định rõ nét cuộc phục sinh các vong nhân và sự biến đổi hình dạng của những người được sống lại.
Dt 10: 11-14, 18
Thư gởi tín hữu Do thái nêu bật tính hiệu quả hy tế độc nhất của Đức Giê-su qua đó Ngài thông truyền cho nhân loại sự thánh thiện của Ngài. Trong vinh quang bên cạnh Chúa Cha, Ngài chờ đợi việc thiết lập Nước Trời vào lúc cuộc chiến thắng vĩnh viễn trên các thế lực của sự ác.
Mc 13: 24-32
Tin Mừng Mác-cô gợi lên thời gian nan, nhưng đó cũng là thời cứu độ, thời chuẩn bị cuộc Quang Lâm của Đức Ki-tô và cuộc tập hợp những người ưu tuyển vào thời chung cục.
BÀI ĐỌC I (Đn 12: 1-3)
Bản văn Cựu Ước này thuộc thế kỷ II trước Công Nguyên khẳng định cách rõ nét nhất cuộc phục sinh của các vong nhân và sự biến đổi hình dạng của những người ưu tuyển trong cuộc sống đầy ánh sáng. Đây là lần đầu tiên xuất hiện trong Kinh Thánh diễn ngữ: “phúc trường sinh”.
Thật ra, bản văn Đa-ni-en này rất gần với sấm ngôn của I-sai-a:
“Các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên.
Này những kẻ nằm trong bụi đất,
hãy chỗi dậy, hãy reo mừng!
Vì lạy Chúa, sương Ngài ban là sương ánh sáng,
và đất sẽ cho các âm hồn được hồi sinh” (Is 26: 19).
Tuy nhiên, như sấm ngôn của Ê-dê-ki-en về cuộc hồi sinh các bộ xương khô (37: 1-11), người ta không loại trừ sấm ngôn của I-sai-a này có liên hệ đến những người lưu đày tại Ba-by-lon, họ gởi nấm xương tàn của mình ở nơi đất khách quê người. Qua đó, vị ngôn sứ loan báo cuộc giải thoát của họ và cuộc tái thiết đất nước của họ.
1.Niềm hy vọng lớn lao:
Dù thế nào, sấm ngôn của I-sai-a và sấm ngôn của Ê-dê-ki-en đã góp phần hướng tầm nhìn của con người về viễn cảnh cánh chung. Nhưng để Mặc Khải được phát triển và niềm hy vọng được rộng mở phải có một chấn động tâm lý sâu xa. Đó là cuộc bách hại mà người Do thái tại Pa-lét-tin phải chịu do vua Xy-ri-a là An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê tiến hành. Làm thế nào người ta có thể tưởng tượng rằng những người phải đối mặt với những nỗi khốn khổ cùng cực, ngay cả cái chết để nhất mực trung thành với Thiên Chúa, cũng vào cõi Âm Ty là nơi cư ngụ đời đời như bao người khác được chứ? Thánh vịnh gia đã hát ca rồi niềm hy vọng mà những người công chính được vui sống bên cạnh Thiên Chúa, trong khi bọn ác nhân bị ném vào nơi tối tăm, hay bị tiêu diệt.
Tác giả sách Đa-ni-en biên soạn tác phẩm của mình, trong những năm bách hại. Mục đích của ông là củng cố lòng trung tín của các tín hữu và đem lại cho họ, khi phải đối mặt với cuộc bách hại, những động lực cho sự can đảm và hy vọng. Ông mượn tên Đa-ni-el, một thiếu niên Do thái anh hùng xưa kia bị lưu đày tại Ba-by-lon đã dám cưỡng kháng lại vua ngoại giáo là Na-bu-cô-đô-nô-so. Trong phần thứ nhất của sách Đa-ni-en, tác giả xây dựng câu chuyện khuyến thiện và mẫu mực, đôi khi được phóng đại đến mức không thực: tác giả biến Đa-ni-en không chỉ một người Do thái trung thành cách mẫu mực, nhưng còn một nhà thấu thị giải mã lịch sử và phát hiện những ý định của Thiên Chúa trong lịch sử đó.
2.Thời chung cục:
Phần thứ hai của sách thuộc loại văn chương khải huyền mà tác giả khai mạc. Thể loại văn chương khải huyền sẽ nở rộ sau này (được vài bản văn của I-sai-a, Giô-en, Ê-dê-ki-en, Da-ca-ri-a chuẩn bị trước). Bản văn hôm nay được trích dẫn từ đoạn cuối của phần thứ hai này. Nhà thấu thị vừa mới báo trước cái chết gần kề của kẻ bách hại là vua An-ti-ô-khô, đồng lúc cuộc giải thoát của Ít-ra-en. Từ cuộc giải thoát này, tác giả hình dung ơn cứu độ của Dân Thiên Chúa vào thời chung cục.
Đây là thời ngặt nghèo nhưng cũng là thời chan chứa hy vọng dưới quyền bảo trợ của “Mi-ca-en, ngài là vị chỉ huy tối cao, là đấng vẫn thường hằng che chở dân Người” (12: 1). Vào thế kỷ II trước Công Nguyên, khoa thiên thần học rất phát triển trong Do thái giáo. Văn chương khải huyền ban cho mỗi quốc gia một thiên thần làm đấng bảo trợ. Có bốn tổng lãnh thiên thần: Mi-ca-en có nghĩa “ai sánh bằng Thiên Chúa”, Gáp-ri-en có nghĩa “người của Thiên Chúa”, Ra-pha-en có nghĩa “Thiên Chúa cứu chữa” và Ou-ri-en có nghĩa “ánh sáng của Thiên Chúa”. Tổng lãnh thiên thần Mi-ca-en là đấng bảo trợ đặc biệt của Ít-ra-en, chính ngài, trong sách Khải Huyền của thánh Gioan, chiến đấu chống lại Con Rồng.
Một đàng, vào lúc tiên báo cuộc phục sinh của các vong nhân, các người công chính Ít-ra-en đang chờ đợi hưởng phúc trường sinh. Xem ra, thị kiến của vị ngôn sứ chưa dự kiến toàn thể nhân loại, nhưng chỉ những người tử đạo thời vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê, cũng như “các hiền sĩ”, tức những người đã hiểu sứ điệp tôn giáo của Ít-ra-en và đã trung thành với Đức Chúa, và “những thầy dạy đàng công chính”, tức là “những ai làm cho người người nên công chính”. Qua biểu tượng ánh sáng, ngôn sứ loan báo cuộc thay hình đổi dạng của những người hưởng phúc trường sinh.
Đàng khác, đây là lần đầu tiên Kinh Thánh gợi lên cuộc phục sinh của những kẻ tội lỗi để chịu xử án. Trước đây các ngôn sứ hay các hiền nhân nhắm đến việc tiêu diệt bọn ác nhân, chẳng hạn như lời cầu nguyện này:
“Lạy Đức Chúa, tay Ngài giơ lên, chúng chẳng thấy,
nhưng sẽ thấy Ngài yêu thương nồng nhiệt dân này,
khiến chúng phải thẹn thùng xấu hổ;
lửa dành cho thù địch của Ngài sẽ thiêu đốt chúng” (Is 26: 11).
Trong Tin Mừng Mác-cô hôm nay, khi tiên báo thời chung cục, Đức Giê-su định vị mình vào hàng của những lời tiên báo Cựu Ước: thời ngặt nghèo báo hiệu thời cứu độ. Tuy nhiên có những khác biệt lớn lao. Thời chung cục được đánh dấu bởi cuộc Quang Lâm của Đức Ki-tô. Vì thế, công trình cứu độ và cuộc phục sinh của Đức Ki-tô đã mở ra đến vô tận những viễn cảnh chan chứa hy vọng.
BÀI ĐỌC II (Dt 10: 11-14, 18)
Cùng với đoạn trích hôm nay, chúng ta đọc hết các đoạn trích dẫn quan trọng trong Thư gởi tín hữu Do thái suốt bảy tuần qua.
1.Tính hữu hiệu hy tế duy nhất của Đức Giê-su:
Chương 10 được định vị vào phần kết của phân đoạn trung tâm được dâng hiến cho chức tư tế của Đức Giê-su. Tác giả tóm lược đề tài đã được khai triển dài: tính vô hiệu chức tư tế và các hy tế của Cựu Ước, các lễ tế này “chẳng bao giờ xóa bỏ được tội lỗi”, và tính hữu hiệu hy tế duy nhất của Đức Giê-su, Người vừa là tư tế vừa là tế vật, lễ tế này “vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo”.
Trong sự gợi ý sau cùng này, tác giả nhắm đến không còn chỉ vị Thượng Tế, nhưng tất cả các tư tế trong việc phục vụ hằng ngày của họ, để bao gồm tính vô hiệu của tất cả hệ thống lễ tế và nghi lễ của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.
Còn Đức Ki-tô, sau khi đã tự hiến để đền tội cho nhân loại, Người đã vào trong vinh quang, vinh quang này sẽ viên mãn khi mà thế lực của sự ác bị đánh bại vĩnh viễn vào thời chung cục. “Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân Người”, câu này xuất xứ từ Tv 110, thánh vịnh Mê-si-a vương đế mà tác giả đã nhiều lần trích dẫn.
Ở lòng vinh quang này, Đức Ki-tô theo đuổi công trình cứu độ của Người, vì lễ tế của Người luôn luôn hữu hiệu bên cạnh các tín hữu để thánh hóa họ và dẫn họ đến cùng một vinh quang này.
2.Thánh Lễ tái hiện hiến lễ của Đức Giê-su:
“Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo”. Câu nói nổi tiếng này đã gây nên những tranh luận. Anh em Tin Lành dựa trên bản văn này để từ chối Thánh Lễ là hy tế, nhưng chỉ là tưởng niệm. Các tín hữu Công Giáo cho rằng Thánh Lễ là tái diễn hy tế duy nhất, hy tế Thập Giá, chứ không một hy tế mới; vì thế, Thánh Lễ không đơn thuần tưởng niệm, nhưng tái hiện hiến lễ duy nhất của Đức Giê-su trên đồi Sọ. Không ai chối cãi hy tế mà Đức Giê-su đã thực hiện trên Thập Giá một lần là đủ, nhưng hy tế ấy phải được tái hiện để đem ơn cứu độ đến với mọi người ở mọi thời cho đến ngày Người trở lại, chứ không chỉ dành riêng cho một nhóm người vào một thời gian nhất định.
TIN MỪNG (Mc 13: 24-32)
Thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu đều định vị diễn từ này của Đức Giê-su vào giờ phút được xác định đem lại ý nghĩa phong phú cho bài diễn từ: Đức Giê-su giảng dạy lần cuối cùng trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem; Ngài sẽ không còn quay lại chỗ này nữa và Ngài báo cho các môn đệ biết Đền Thờ sẽ bị phá đổ thành bình địa “sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (13: 2). Các môn đệ sửng sốt. Lúc đó, Đức Giê-su cho các ông biết rằng phải biết đọc ra trong những biến cố này một dấu chỉ: dấu chỉ của một thế giới mới mà Ngài đã đến thiết lập, và Ngài sẽ trở lại, vào thời chung cuộc, để hoàn tất công trình này. Cũng vậy, trước khi từ giả các ông, Đấng Phục Sinh đã long trọng hứa với các ông là Ngài sẽ trở lại.
Cuộc trở lại sẽ xảy ra chỉ khi thế giới đã trải qua thời gian nan. Đoạn, Đức Giê-su đề cập đến viễn cảnh chung cục; Ngài sử dụng những kiểu nói Kinh Thánh và từ vựng khải huyền, kiểu nói này dễ hiểu đối với các môn đệ của Ngài và các Ki-tô hữu tiên khởi, nhưng thật khó hiểu đối với chúng ta. Vì thế, bài diễn từ chứa đựng nhiều điều khó hiểu này.
1.Khúc dạo đầu cho một thế giới mới:
 Trong Cựu Ước, những đảo lộn của vũ trụ là những hình ảnh ước lệ được dùng để giới thiệu cuộc can thiệp vĩnh viễn của Thiên Chúa, bày tỏ sự siêu việt của Ngài: quyền năng của Thiên Chúa trên các yếu tố là dấu chỉ quyền năng của Ngài trên mọi biến cố. Chính qua hình ảnh như vậy mà các ngôn sứ loan báo cuộc sụp đổ của các đế quốc, sự trừng phạt của các quốc gia ngoại giáo hay của dân bất trung. Giờ chung cục, giờ Thiên Chúa xử án, “ngày của Thiên Chúa” được mô tả theo cùng một cách thức như vậy: “Ngày của Đức Chúa đến rồi, ngày ấy đã kề bên. Ngày tối tăm u ám, ngày mây mù tối đen…Mặt trời mặt trăng tối sầm lại, tinh tú không còn chiếu sáng nữa…Bấy giờ, hết những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được ơn cứu độ” (2: 2, 10; 3: 5). Bởi lẽ đó sẽ là ngày thịnh nộ.
Phải lưu ý rằng trong diễn từ của Đức Giê-su, như thánh Mác-cô trình thuật, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa cũng như cuộc xử án không được nhắc đến, nhưng chỉ gợi lên viễn cảnh bình an và vinh quang của những người ưu tuyển tụ tập chung quanh Con Người. Từ những hình ảnh hoàn vũ truyền thống, thánh ký chỉ giữ lại ý nghĩa của chúng như khúc dạo đầu cho một thế giới mới sắp được khai sinh, sánh ví với một mùa hè sắp đến gần khi thấy cây vả đâm chồi nẩy lộc. Vì thế, những hình ảnh này xuất hiện như một thị kiến đảo ngược về một cuộc tạo dựng đầu tiên. Chuyện tích của sách Sáng Thế đã nhấn mạnh ánh sáng. Thiên Chúa đã sáng tạo ánh sáng trước mọi thụ tạo, đoạn những tinh tú được chỉ định vai trò của chúng. Nếu trật tự sáng tạo này bị đảo lộn, đó không phải là cuộc sáng tạo đang qua đi sao? (“Trời đất sẽ qua đi…”.
Thánh Mát-thêu sử dụng những ẩn dụ này trong bài trình thuật của mình về cuộc Tử Nạn, để nói rằng cuộc Tử Nạn của Đức Giê-su thiết lập một sự thay đổi tận căn: “Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín…Đất rung đá vỡ” (Mt 27: 45-52).
Mặt khác, chúng ta nên nhớ rằng trong từ vựng của các sách khải huyền kiểu nói “các tinh tú từ trời rơi xuống” là cách diễn tả cuộc sụp đổ của Xa-tan. Chắc chắn Đức Giê-su đã ám chỉ đến điều này khi nói: “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống” (Lc 10: 18). Nhưng phải chăng chúng ta có thể đưa thêm một lời giải thích tổng quát hơn về sự rung chuyển của những thế lực thiên giới báo hiệu một trật tự mới? Đây là một trong những khó khăn của bản văn. Dù thế nào, cuộc khải hoàn chung cục của Đức Ki-tô giả sử cuộc sụp đổ này của Xa-tan.
2.Cuộc tụ tập đoàn người ưu tuyển:
“Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời”. Chắc chắn đoàn người ưu tuyển này thì rất đông, bởi vì không nói chi đến những người khác. Khi ngự đến lần thứ nhất, Đức Giê-su tự hạ mình thành một người giữa mọi người; khi ngự đến lần thứ hai, ngược lại, Người nâng con người lên cho đến Người để dẫn đưa nhân loại vào trong vinh quang của Người.
3.Ngày và giờ:
Ngay ở đầu câu chuyện, các môn đệ đã hỏi: “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi tất cả sắp đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước?” (Mc 13: 4). Họ hỏi Ngài về ngày giờ và điềm báo cuộc sụp đổ Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.
Trong câu trả lời của Đức Giê-su, Ngài lập lại từ ngữ của họ: “Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra”, nhưng bao hàm ở đó văn mạch diễn từ của Ngài, nghĩa là cuộc Quang Lâm tương lai của Ngài: “Anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa”. Vả lại, trong hậu ý của các môn đệ, cuộc tàn phá Đền Thờ - Đền Thờ này quá thân thiết với các ông và các ông sẽ còn đến đó để cầu nguyện và rao giảng hằng ngày vào đầu sứ vụ tông đồ của mình - cuộc tàn phá này có thể được trộn lẫn với thời chung cục của thế giới, điều này xem ra khá nhạy cảm tại thánh Mát-thêu.
“Thế hệ này chẳng qua đi , trước khi mọi điều ấy xảy ra”. Theo nghĩa hẹp, chúng ta có thể hiểu rằng chính các môn đệ và những người đương thời sẽ chứng kiến cuộc sụp đổ Đền Thờ; nhưng theo nghĩa rộng, cả toàn thể nhân loại. Ở đây chúng ta còn cảm thấy ảnh hưởng kiểu nói khải huyền. Những viễn cảnh được lồng vào nhau đến mức kỷ nguyên thiên sai và kỷ nguyên cánh chung trộn lẫn vào nhau.
Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”. Câu nói này làm tốn biết bao giấy mực. Trước tiên, chúng ta hãy nêu lên rằng từ “Con” được dùng ở đây cách tuyệt đối, điều này họa hiếm tại các Tin Mừng Nhất Lãm (hai lần tại Tin Mừng Mát-thêu trong bài trình thuật song đối ở 24: 30 và một lần khác ở 11: 27; một lần duy nhất tại Tin Mừng Lu-ca ở 10: 22): câu này bao gồm một lời Đức Giê-su khẳng định tính siêu việt của Ngài và mối liên hệ tròn đầy với Chúa Cha. Ấy vậy, lời khẳng định này xem ra mâu thuẫn khi Ngài thú nhận rằng chính Ngài cũng không biết ngày và giờ về thời chung cục của thế giới.
Về sự hiểu biết giới hạn của người Con, người ta đưa ra hai lời giải thích: lời giải thích thứ nhất cho rằng nhân tính mà Đức Giê-su đã đảm nhận giới hạn tầm nhìn của Ngài, chính nhân tính hữu hạn này đã có thể che khuất vài điểm về kế hoạch của Chúa Cha. Lời giải thích thứ hai đối chiếu với những lời công bố khác của Đức Giê-su theo cùng ý nghĩa. Đức Giê-su trả lời cho lời cầu xin của hai người con ông Dê-bê-đê được ngồi ở bên hữu bên tả của Ngài trong vương quốc: “Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được” (Mt 20: 23).
Sau khi Đức Giê-su sống lại, các môn đệ hỏi: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?”. Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1: 7). Câu trả lời này rất gần với câu nói trong bài diễn từ cánh chung của Đức Giê-su và soi sáng cho chúng ta hiểu câu nói đó. Vả lại, trong suốt sứ vụ công khai của mình, Đức Giê-su đã không ngừng nhấn mạnh sự phụ thuộc của Ngài đối với Chúa Cha: chính từ nơi Chúa Cha mà Đức Giê-su đã đón nhận mọi sự, chính Chúa Cha đã thông truyền trọn vẹn tình yêu của mình cho Ngài, chính Chúa Cha là nguồn mạch của mọi ân phúc: Đức Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện bằng cách thân thưa: “Lạy Cha chúng con”. Tuy vậy, với vai trò là Con, Chúa Giê-su không thể truyền đạt cho con người những bí mật của Chúa Cha về thời chung cuộc.
Bản văn này của thánh Mác-cô dâng hiến một trong những bức tranh tích cực nhất của sách Tin Mừng. Thị kiến sáng tỏ về thời chung cục này, trong đó công trình của Đức Giê-su được hoàn tất và vận mệnh của con người được hoàn thành, được định vị trong hàng Mặc Khải: Đức Ki-tô đã đến, không để xử án thế giới, nhưng để cứu độ thế giới (Ga 3: 17). Thánh Phao-lô không ngừng lập đi lập lại điều đó.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập106
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm75
  • Hôm nay19,319
  • Tháng hiện tại216,255
  • Tổng lượt truy cập50,628,862

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây