Suy niệm Tuần XXXII thường niên B - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thứ bảy - 06/11/2021 22:26
705
Thứ Hai tuần XXXII Tn
Hôm nay tin mừng trình bày Đức Giêsu vừa nghiêm khắc vừa khoan dung. ‘Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã. Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà xô xuống biển’; nhưng ‘nếu người anh em một ngày xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: Tôi hối hận, thì anh cũng phải tha cho nó’.
Trong cuộc sống ta luôn rơi vào tình trạng phải có những thái độ đối nghịch và sự khôn ngoan giúp ta có được sự biện phân đúng đắn. Thái độ thông thường tự nhiên thì ngược lại với điều mà Tin mừng đề nghị với ta. Dĩ nhiên ta khoan dung với chính mình và khi ta gây ra cớ vấp phạm, ta thường chẳng thấy, ta cảm thấy an tâm vì cho rằng chẳng có lý do gì mà lên án chính mình. Ta đưa ra nhiều lý do biện minh để làm điều ta muốn, cớ vấp phạm hình như là điều không có ý nghĩa. Nhưng ta trở nên nghiêm khắc khi có điều đụng đến lợi ích của mình, phẩm giá của mình. Nếu có ai xúc phạm đến ta, trở nên như là điều của thế giới khác: ta không thể tha thứ, ta không thể quên. Thực sự những tương phản nơi ta là điều trái ngược đối với những điều ngay chính, và ta khoan dung với điều mà Chúa xét cách nghiêm khắc, trong khi ta nghiêm khắc với những điều mà Chúa tỏ ra khoan dung.
Ta cần phải cầu xin cho được ơn biết đoán xét mọi việc cách đúng đắn, vì đó là con đường duy nhất đúng. Ta nên tiếp tục sửa đổi cách xét đoán của ta: đây là điều căn bản, vì nếu những đoán xét của ta sai lạc, ta tiếp tục sai lạc trong hành động. Nếu ngược lại ta tìm để có cách xét đoán của Chúa, ta cũng có thể sai lạc, nhưng ta sẽ nhận biết ngay và dần dà ta sửa mình, nhờ Chúa giúp.
+++
Trong sách Khôn Ngoan có đoạn viết: ‘Đức Khôn Ngoan là thần khí hằng yêu mến con người’ (Kn 1,6). Thật đẹp: sức mạnh này hướng dẫn cách dịu dàng và mạnh mẽ, dạy ta con đường đạt đến Thiên Chúa và tìm thấy những tương quan đúng đắn với tha nhân.
‘Đức Khôn Ngoan là thần khí hằng yêu mến con người’. Ta có trải nghiệm này khi ta suy tư trước mặt Chúa: nếu ta đặt mình theo trường dạy khôn ngoan, đức khôn ngoan sẽ gợi hứng cho ta những điều tốt đẹp, cho dù lúc khởi đầu chúng làm cho ta khó chịu, nhưng rồi ta sẽ nhận ra chúng mang đến cho ta điều thiện hảo đích thật.
Hãy xin Chúa cho ta sự khôn ngoan của Chúa, soi chiếu cuộc đời ta ánh sáng ngay chính của lời Ngài thay vì những ánh sáng gian dối của bản tính tự nhiên của ta.
Cớ vấp phạm, đức tin và sự tha thứ
Tất cả những gì là tội, điều dữ trong tất cả những biểu hiện bên ngoài của nó, cấu thành nguyên do của cớ vấp phạm. Bởi lẽ những trải nghiệm đáng buồn này làm nên thành phần cuộc sống đời thường của ta; ngay cả người công chính cũng phạm tội mỗi ngày bảy lần, thì các cớ vấp phạm theo một mức độ nào đó là điều không thể tránh được, chính Đức Giêsu xác định. Khốn cho ai có trách nhiệm về điều xấu khủng khiếp này. Tựa như một hạt giống ác độc được gieo chung với hạt giống tốt. Sẽ sinh ra cỏ dại có nguy cơ bóp nghẹt lúa tốt. Đức Giêsu tuyên án cách nặng lời đối với người gây cớ vấp phạm: ‘Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã’. Là một tội nặng khi cớ vấp phạm xảy ra cho những kẻ bé nhỏ, do còn nhỏ tuổi hoặc do sự yếu đuối tinh thần họ không có khả năng tự bảo vệ mình. Ngày nay những phương tiện truyền thông xã hội hiện đại và mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội tuyệt vời nhưng đồng thời cũng có thể được xử dụng để phát tán sự xấu cám dỗ những kẻ bé nhỏ, làm vấy bẩn sự thơ ngây của các em bé. Đó là chưa kể đến những nạn nhân đáng thương của nạn khiêu dâm, ấu dâm và hàng ngàn điều nhơ bẩn gây ra cho mọi người khắp nơi.
Thật khẩn trương phải tạo nên những ngăn chặn bảo vệ chống lại những cuộc tấn công bẩn thỉu này. Cần phải huấn luyện lương tâm và kích hoạt những biện pháp cẩn trọng tốt đẹp hơn. Việc sửa lỗi anh em, là chủ đề phụ của đoạn tin mừng hôm nay, xuất phát từ sự cẩn trọng và lòng mến. Dạy bảo cách đúng đắn thường có nghĩa là làm lợi cho Chúa một người anh em, chính Đức Giêsu quả quyết điều này: ‘Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em’ (Mt 18,15tt). Tất cả đều phải xuất phát từ lòng tin, nhân đức đối thần mở ra cho ta cửa trời. Là một ơn nhưng không nhưng ta có thể và cần phải làm cho nó lớn mạnh lên nhờ lời cầu nguyện và việc làm. Đức tin mang lại sự sáng suốt cho linh hồn, đã bị làm mờ do tội nguyên tổ và do tội riêng ta phạm.
Thứ Ba tuần XXXII Tn
Cung Hiến Thánh Đường Latêranô
Khi hoàng đế la mã Constantinô có cảm tình với kitô giáo, khoảng năm 312, đã hiến cho Đức Giáo Hoàng Milziade điện Latêranô mà ông đã cho xây dựng cho hoàng hậu Fausta. Năm 320, xây dựng thêm ngôi thánh đường, thánh đường Latêranô. Là thánh đường tiên khởi, xét theo niên hiệu trong các thánh đường Phương Tây. Được xem như thánh đường mẹ của các thánh đường trong thành (Rôma) và trên toàn thế giới.
Được Đức Giáo Hoàng Sivestrô thánh hiến vào ngày 9 tháng 11 năm 324, với tước hiệu là Vương Cung Thánh Đường Đấng Cứu Thế. Vào thế kỷ XII, do giếng rửa tội ở đây cổ xưa nhất Rôma, nên được cung hiến với danh hiệu thánh Gioan Tẩy Giả. Từ đó người ta quen gọi là Vương Cung Thánh Đường thánh Gioan Latêranô. Là nơi cư ngụ của các giáo hoàng trong vòng hơn 10 thế kỷ và cũng nơi đây diễn ra 250 công đồng, trong số đó có 5 công đồng chung. Bị hỏa hoạn và chiến tranh tàn phá phân nửa, sau đó được tái thiết dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIII và được tái cung hiến vào năm 1726.
Là thánh đường mẹ của các thánh đường trên thế giới, là dấu chỉ hữu hình của chiến thắng đức tin kitô trên ngoại giáo tây phương. Trong thời bách hại, trải dài ba thế kỷ đầu của lịch sử giáo hội, bất cứ một biểu tỏ nào về đức tin đều nguy hiểm, nên các kitô hữu đã không thể cử hành việc tôn thờ Thiên Chúa cách công khai. Đối với các kitô hữu vừa thoát ra từ các hang toại đạo, vương cung thánh đường Latêranô là nơi mà họ có thể tôn thờ Đức Kitô Cứu Thế cách công khai. Tòa nhà bằng đá này được xây dựng để tôn thờ Đấng Cứu Thế, là biểu tượng của chiến thắng, là nhân chứng của vô số các vị tử đạo. Dấu chỉ hữu hình của đền thờ thiêng liêng là tâm hồn của kitô hữu, khuyến khích mọi người tín hữu làm vinh danh Đấng đã làm người, đã chết và đã sống lại.
Ngày kỷ niệm việc cung hiến thánh đường này, đầu tiên chỉ dành riêng cho Rôma, sau đó được tất cả các cộng đoàn kitô theo nghi lễ rôma kính mừng. Ngày lễ hôm nay cần phải làm mới lại trong chúng ta tình yêu và sự gắn bó với Đức Kitô và với Giáo hội của Ngài. Mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng đến trần gian không phải để xét xử nhưng để cứu độ (Ga 12,47), phải nung nấu tâm hồn chúng ta, và việc làm chứng bằng đời sống hoàn toàn phục vụ Chúa và anh em, nhắc nhớ cho thế giới sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, tốt hơn muôn lần một tòa nhà bằng đá có thể làm được.
+++
Sách Khôn Ngoan mời gọi ta biết nhìn mọi sự cách sâu xa và đừng để mình bị lừa vì dáng vẻ bề ngoài: ‘Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa...Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi...nhưng thực ra họ đang hưởng an bình. Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chan chứa hy vọng được trường sinh bất tử’. Đây là ảo tưởng của kẻ xét đoán theo vẻ bên ngoài: tin rằng những kẻ bị chống đối, bách hại hành hạ bởi người đời là kẻ vô phúc, trái lại người ở trong tay Thiên Chúa, kết hiệp với Người, thì tràn đầy hy vọng và an bình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Người nhìn thấy chiều sâu mọi việc được cảnh báo rằng ngược lại không có hạnh phúc trong việc vui hưởng thế gian này, nhưng là một trống rỗng khủng khiếp, và chính điều này gây cho người ta chạy đi tìm lạc thú, trong hy vọng tìm gặp được thỏa mãn và sự sống tràn đầy.
Một nhà truyền giáo bị bắt tại Trung quốc vào những năm cách mạng Mao, và bị xem như kẻ thù của nhân dân. Sau khi bị tra khảo, hành hình thể xác và tinh thần, ngài bị đưa ra cho dân chúng xét xử. Ngài nói rằng cho dù bị bao nhiều là sỉ nhục và vu khống, Ngài vẫn cảm thấy một niềm vui thật lớn lao: biết rằng mình chưa bao giờ được kết hiệp với Đức Giêsu khổ nạn cho bằng lúc này. ‘Người đời nghĩ rằng họ bị trừng phạt nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử’.
Sách Khôn Ngoan viết tiếp: Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với Người. Người đã tinh luyện họ như người ta luyện vàng trong lò lửa và đón nhận họ như của lễ toàn thiêu’.
Trong từng đau khổ chúng ta đừng dừng lại nơi vẻ bề ngoài, hãy tìm thánh ý của Thiên Chúa, luôn là một ý muốn tình yêu: Người tinh luyện ta như luyện vàng trong lửa, để ta được thanh sạch, để đưa ta vào một tình yêu sâu thẳm hơn, vô vị lợi hơn. Nếu Thiên Chúa cho ta hiểu được điều này, ta sẽ được an bình cho dẫu có phải bị đau khổ lớn đến đâu đi nữa.
Chúng ta luôn ở trong tay Chúa, Người nhìn chúng ta bằng đôi mắt tình yêu trong khi cho phép ta bị thử thách bằng đau khổ: nên ta hãy luôn trung thành với Người trong mọi hoàn cảnh và ta sẽ được hưởng sự sống tràn đầy: ‘Những ai trung thành sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người’.
+++
Tin mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn, chỉ thấy có nơi Luca. Dụ ngôn có ý dạy rằng cuộc đời chúng ta phải được xác định bằng thái độ phục vụ. Dụ ngôn khởi đầu bằng ba câu hỏi và kết thúc bằng câu trả lời của Đức Giêsu.
Lc 17, 7-9: Ba câu hỏi của Đức Giêsu. Ba câu hỏi rút từ cuộc sống thường ngày, do đó làm các thính giả phải suy nghĩ và trả lời, mỗi người theo kinh nghiệm của riêng mình. Câu thứ nhất: ‘Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: Mau vào ăn cơm đi?’. Tất cả sẽ trả lời là ‘Không’. Câu thứ hai: Chứ không bảo: hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau? Tất cả sẽ trả lời là ‘Đúng vậy’. Câu ba: Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó làm theo lệnh truyền sao? Tất cả sẽ trả lời là ‘Không’. Cách thức đặt câu hỏi của Đức Giêsu làm chúng ta hiểu ngay Ngài muốn hướng ta về phía nào rồi. Ngài muốn chúng ta phục vụ lẫn nhau.
Lc 17, 10: câu trả lời. Cuối cùng Đức Giêsu rút ra kết luận, tiềm ẩn sẵn trong các câu hỏi: ‘Đối với anh em cũng vậy, khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi’. Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho chúng ta: ‘Con Người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ’ (Mc 10,45). Phục vụ là chủ đề thiết thân đối với Luca. Phục vụ cho thấy cách thức những người nghèo thời Đức Giêsu (anawim) chờ mong Đấng Cứu Thế: không phải như một ông vua vinh quang, như vị thượng tế hay quan án, nhưng như Người Tôi Tớ của Giavê, mà Isaia đã loan báo (Is 42,1-9). Maria, Mẹ Đức Giêsu, đã thứa với sứ thần: ‘Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa. Xin hãy thành sự cho tôi như lời sứ thần truyền’ (Lc 1,38 ). Tại Nagiarét, Đức Giêsu sống như người tôi tớ, mà Isaia miêu tả (Lc 4,18-19/Is 61,1-2). Trong phép rửa và trong việc biến hình, Ngài đã được Chúa Cha xác nhận, (sử dụng cùng những từ nói về Người Tôi Tớ) (Lc 3,22; 9,35/Is 42,1). Và đối với những kẻ theo Ngài: ‘Ai muốn làm lớn, hãy làm đầy tớ mọi người’ (Mt 20,27). Đây tớ vô dụng! Là định nghĩa của người kitô hữu. Phaolô cũng nói với các thành viên trong cộng đoàn Côrintô: ‘Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên. Người trồng, kẻ tưới chẳng là gì cả, Thiên Chúa làm cho mọc lên mới đáng kể’ (1 Cor 3,6-7). Phaolô và Apollô chỉ là những dụng cụ Thiên Chúa dùng.
Phục vụ và được phục vụ. Trong bản văn này, người đầy tớ phục vụ ông chủ, chứ không phải ngược lại. Nhưng trong một bản văn khác, Đức Giêsu lại nói ngược lại: ‘Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ’ (Lc 12,37). Ông chủ phục vụ đầy tớ. Trong bản văn thứ nhất, Đức Giêsu nói đến thời hiện tại. Trong bản văn hai, Ngài muốn nói đến tương lai. Ai phục vụ Thiên Chúa trong cuộc đời này, sẽ được Thiên Chúa phục vụ trong cuộc sống mai sau!
Thứ Tư tuần XXXII Tn
Thánh Lêô Cả
Câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ, Ngài cũng tiếp tục đặt ra cho mỗi người chúng ta, để hướng chúng ta chiêm ngưỡng và đào sâu hơn mầu nhiệm của Ngài: ‘Các con bảo Thầy là ai?’ Thánh Lêô Cả, lên ngôi giáo hoàng vào thế kỷ V, với đức tin sáng suốt đã quả quyết thiên tính của Đức Kitô và nhân tính của Ngài: Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và là con Đức Maria, là con người như chúng ta. Ngài đã không chấp nhận rút gọn mầu nhiệm lại theo một hướng, hoặc hướng này hoặc hướng kia, và Công đồng Calcêđônia đã tìm công thức phù hợp với mạc khải. Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta nơi Người Con, và Người Con ấy là con người thật sống giữa chúng ta, đã đau khổ, đã chết và đã sống lại.
Thư do thái đã nói rằng Thiên Chúa thuở xưa đã nhiều lần, nhiều cách nói với cha ông qua các ngôn sứ. Isaia đã la lên: ‘Lạy Chúa, xin hãy mở trời mà xuống’. Và Thiên Chúa đã xuống, hiện diện nơi Chúa Con: ‘Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Người Con’.
+++
Trong bài tin mừng Đức Giêsu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc biết ơn. Ngài đã chữa lành mười người phong cùi, nhưng chỉ có một người ngoại giáo quay trở lại để cảm ơn Ngài. Những người khác quá quen với những ân ban của Thiên Chúa, tưởng rằng mình có quyền hưởng và cho rằng chẳng cần phải cám ơn.
Chúng ta lãnh nhận biết bao điều từ Thiên Chúa, nhưng nhiều lần ta ít biết ơn hơn những kẻ sống xa cách Người, khi họ nhận ra họ được đầy những việc lạ lùng do lòng nhân hậu của Người. Nếu ta cứ để lòng mình đi theo thói quen không biết cám ơn, ta sẽ xa cách Thiên Chúa, vì việc tạ ơn cần thiết để hoàn tất ân ban của Thiên Chúa. Chỉ với người ngoại giáo quay trở lại tạ ơn mà Đức Giêsu mới có thể nói: ‘Đức tin con đã cứu chữa con’. Những người khác đã nhận được sự chữa lành, ra đi hạnh phúc vì được lành bệnh, nhưng không có liên hệ với Thiên Chúa, không có đức tin để được cứu độ.
Việc cám ơn, theo một nghĩa nào đó, khép kín vòng tròn với Thiên Chúa, liên kết với Người và đó là điều quan trọng. Nhận lãnh một ơn huệ là điều thứ yếu: quan trọng là mối tương quan với đấng thi ân, với đấng tặng ban. Một đứa trẻ cần phải nhận được tất cả những gì nó cần, nhưng trên bình diện vật chất, nó nhận điều đó từ người này hay kẻ khác, không quan trọng; quan trọng là nó cảm nhận mình được mẹ yêu, nếu không lòng của nó sẽ không được triển nở, không thể lớn lên trong tình thương. Vì nó thiếu vắng mối tương quan với một người yêu thuơng nó.
Thiên Chúa muốn chúng ta cảm nhận tình yêu của Người, muốn chúng ta biết ơn Người, không phải Người ganh tị nhưng chính vì Người không chỉ muốn ban cho ta ơn huệ: Người còn muốn tặng ban chính mình Người. Cảm tạ những ơn huệ của Người giúp ta sống tương quan với Người, bổ túc vào mối liên hệ mà Người đã khởi sự và không thể hoàn hảo nếu thiếu sự cộng tác của ta. Do đó việc tạ ơn là quan trọng, vì nhìn nhận Thiên Chúa yêu thương ta, thay vì hưởng thụ cách ích kỷ những ơn huệ của Người bằng cách khép kín mình. Là lương thực cho linh hồn khi biết lợi dụng mọi ơn huệ của Thiên Chúa để đến gần Người hơn, vui hưởng tình yêu và lòng nhân hậu của Người.
Và chính niềm vui ấy mà Đức Giêsu mời gọi ta phải biết ơn. Rõ ràng là việc biết ơn, đặt ta trong thái độ đúng đắn, là một trợ giúp lớn lao trong đời sống thiêng liêng. Ai không biết ơn sẽ tất nhiên rơi vào trong tính ích kỷ kiêu căng, trong khi người biết ơn được giải thoát khỏi những cám dỗ này. Ta cần phải biết ơn không phải chỉ khi ta nhận một ơn huệ, nhưng trong mọi hành động của ta, giống như Đức Giêsu không ngừng cảm tạ Chúa Cha. Ngay cả trong cuộc thương khó Ngài cũng cảm tạ Chúa Cha, nên cuộc thương khó là hy lễ tạ ơn, Thánh Thể (Eucaristia). Đức Giêsu cảm tạ Thiên Chúa, nhận từ Thiên Chúa cuộc khổ nạn như ơn huệ tuyệt vời của Người, qua đó Chúa Cha tôn vinh Chúa Con và để cho Chúa Con tôn vinh Người.
Chúng ta cũng có thể cảm tạ Thiên Chúa khi nhận nơi Người mọi hành động của ta, dễ cũng như khó: như thế ta sống trong tương quan đúng đắn với Người và được giải thoát khỏi những thiếu thốn của con người, nhưng bất toàn của con người, khỏi những cám dỗ. Khi mọi sự bình thường, nếu ta không cảm tạ Thiên Chúa, nếu ta không nghĩ rằng đó là một ơn ban tuyệt vời giúp ta lớn lên trong tình yêu đối với Người và đối với tha nhân, tự nhiên ta tự tôn vinh chính mình và làm biến dạng ân huệ mà Thiên Chúa vừa ban tặng cho ta, thay vì sống trong tình yêu. Và khi mọi sự không xảy ra tốt đẹp, nếu thay vì thất vọng nản chí ta mở mắt đức tin để nhận ra rằng Thiên Chúa đang hoạt động nơi chúng ta để biến ta nên giống Con của Người, đấng đã chịu đau khổ và do đó đã được tôn vinh, lòng ta sẽ được biến đổi. Thay vì gặm nhấm trong sự cay đắng, ta quay nhìn về ánh sáng đích thực và như thế ta tìm gặp nguồn mạch của lòng yêu thương quảng đại. Sự quảng đại đích thực không phải là sức mạnh làm ta nên anh hùng; sự quảng đại đích thực được Thiên Chúa ban cùng với lòng biết ơn và tình yêu.
Hãy cầu xin Chúa đặt trong lòng ta ước muốn cảm tạ Ngài luôn mãi, ước muốn mà trong thánh lễ ta đọc: ‘Hãy cảm tạ Chúa là Thiên Chúa chúng ta. Thật là chính đáng’. Thánh tông đồ Phaolô không ngừng nhắc nhở các tín hữu phải cảm tạ Thiên Chúa luôn luôn và chính Ngài làm gương: khởi đầu các bức thư của ngài, tâm hồn ngài luôn rộng mở trong tâm tình cảm tạ vì mọi ơn lành Thiên Chúa đã thực hiện qua ngài và hội thánh. Hãy xin Chúa cho ta biết sống từng ngày như là Thánh Thể (Eucaristia) nghĩa là tạ ơn: ‘Của ăn của Thầy là làm theo ý muốn của Cha Thầy’.
+++
Thánh sử Luca lại nhắc đến việc Đức Giêsu hành trình lên Giêrusalem. Khi Ngài vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đến gặp Ngài. Đây là lần thứ hai Luca thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành bệnh phong cùi (lần thứ nhất: Lc 5,12-14). Lần này khác với lần trước, những người phong hủi đứng từ xa mà lớn tiếng kêu van Đức Giêsu chữa lành. Là tiếng kêu cất lên từ bao miền đất xa xôi, để van xin giúp đỡ, hỗ trợ. Đức Giêsu đã nghe và đã bảo họ đi trình diện với các tư tế. Trên đường đi họ đã được chữa lành. Nhưng chỉ có một người quay lại tạ ơn Chúa, mà người ấy lại là người Samaria, một dân ngoại. Chín người kia đã được chữa lành nơi thân xác, nhưng tâm hồn họ vẫn còn đau bệnh. Việc chữa lành bệnh hoàn toàn xảy ra cho người Samaria, người đã quay trở lại với Đức Giêsu để tỏ bày lòng tri ân vì không muốn cách xa nguồn suối cứu độ. Là gương mẫu cho các môn đệ để mỗi ngày biết quay trở lại dưới chân Chúa mà tạ ơn vì những hồng ân Ngài tặng ban.
Thứ Năm tuần XXXII Tn
Thánh Martinô Giám Mục
Thánh Martinô, sinh tại Pannonia năm 316 và chết tại Candes, Pháp năm 397. Ngay khi còn trong quân đội và là người dự tòng, lòng mến của Ngài đã thúc đẩy Ngài cắt nửa chiếc áo choàng trao cho người nghèo đang run lạnh. Sau khi được rửa tội, Ngài được thánh Hilariô hướng dẫn và lập tại Poitiers một đan viện (360), đan viện đầu tiên tại Tây Phương. Được thụ phong linh mục, rồi Giám Mục thành Tours năm 372, Ngài trở thành tông đồ cho những người dân quê. Song song với việc rao truyền tin mừng, là việc không ngừng nâng cao đời sống của những người nông dân và những mục tử. Vị thánh được mọi người kính yêu, là vị thánh đầu tiên không tử đạo được kính nhớ trong phụng vụ.
+++
‘Triều đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được...vì này triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông’.
Đức Giêsu kêu gọi luôn tỉnh thức và an tâm, để nhận ra ánh sáng và tình yêu của Thiên Chúa trong những điều thường tình mỗi ngày. Chính Đức Giêsu là triều đại Thiên Chúa hiển hiện như một con người giữa mọi người, không bày tỏ vinh quang của mình như Con Thiên Chúa, nhưng từ Chúa Cha đến để dạy chúng ta con đường khôn ngoan. Chính ngài là Sự Khôn Ngoan!
Các người khôn ngoan thời Cựu Ước đã nhận ra rằng sự khôn ngoan không đến từ con người nhưng đến từ Thiên Chúa: ‘Nơi Đức Khôn Ngoan có một thần khí tinh tường và thánh thiện, duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ...tỏa ra từ quyền năng Thiên Chúa...phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu’. Ánh sáng tinh khiết xuyên thấu mọi vật mọi loài, nhưng cũng là ánh sáng tinh thần giúp nhận biết con người, đưa con người sống tương quan với chính Thiên Chúa và ‘đi vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa’. Đây là một mạc khải hết sức quý giá; đời sống tinh thần của ta là sự tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.
Trong Tân ước Đức Khôn Ngoan được bổ túc và siêu vượt nhờ mạc khải của Đức Giêsu, Khôn Ngoan của Thiên Chúa chiếu soi mọi tình huống cuộc sống con người và giúp ta sống liên hệ hoàn toàn với thiên Chúa. Không chỉ là ‘tỏa ra từ quyền năng Thiên Chúa’ nhưng như được diễn tả trong thư Do Thái, còn là ‘phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa, đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật’ (Dt 1,3). Đây là ân huệ của Thiên Chúa, triều đại của Thiên Chúa ở giữa chúng ta: chính mình Ngài.
Cần phải đón tiếp Ngài, như thế thực hiện khao khát mà Đức Giêsu đã diễn tả trong lời nguyện với Chúa Cha trước cuộc khổ nạn: ‘Con ở trong họ và Cha ở trong Con...để tình Cha yêu Con ở trong họ và Con cũng ở trong họ...’
+++
Chúa vẫn hiện diện
Dân Israel vào thời Đức Giêsu, mỏi mệt vì lưu đày và đàn áp. Áp lực tâm lý làm tổn thương niềm kiêu hãnh là dân tuyển chọn, được Thiên Chúa yêu thương. Nên họ nghĩ và mong đợi một Đấng cứu thế, đầy quyền uy đến giải phóng họ bằng những việc làm hiển hách. Trong bối cảnh đó ta mới hiểu được câu hỏi của những người biệt phái: bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến? Đức Giêsu lập tức sửa sai họ ngay: ‘Triều đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! Hay ở kia kìa! Vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông’. Hành động của Chúa không tỏ ra cách ngoạn mục cho người ta xem. Người ta nhận ra Ngài dưới ánh sáng của niềm tin, Chúa không thu phục con người qua những giác quan, nhưng Ngài khuấy động những tâm hồn sẵn sàng đọc ra những dấu chỉ của Thiên Chúa. Vẫn còn đó cám dỗ chờ đợi Chúa đến trong những công trình ngoạn mục theo cách thức loài người hay làm. Trong sách thứ nhất Các Vua, ta đọc thấy: ‘Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không ở trong cơn gió bão’. Ngài đã tỏ mình ra cho Êlia trong gió nhẹ hiu hiu.
Ngài tỏ mình đặc biệt cho những người khiêm tốn, cho những tấm lòng thanh sạch và cho những ai cháy sáng lửa đức tin. Nếu ngày nay, có ai đó lên tiếng trách móc Thiên Chúa vì sự thinh lặng của Ngài, ta cần kết luận rằng điều đó là do tình trạng mù điếc của con người. Cũng đã xảy ra như thế thời Đức Giêsu; Ngài ở đó giữa họ, đã bắt đầu cuộc đời rao giảng: ‘Hãy ăn năn sám hối và tin vào tin mừng. Nước Thiên Chúa đã đến gần’. Tiếng nói ấy đối với nhiều người đã rơi vào khoảng không. Người ta tìm kiếm Ngài nơi này, nơi kia và không biết nhận ra rằng Ngài đang sống động ở giữa chúng ta, đang chia sẻ những thăng trầm của lịch sử.
Khi niềm tin yếu kém và việc phục thờ Thiên Chúa trở nên nặng nề, người ta hối hả đi tìm và sáng nghĩ ra những kitô giả hiệu để lấp đầy khoảng trống tâm hồn, và để rồi lại rơi vào những ảo tưởng tệ hại hơn. Đức Kitô đang sống động trong lịch sử chúng ta, Ngài muốn sống trong tâm hồn mỗi người chúng ta.
Thứ Sáu tuần XXXII Tn
Luôn sẵn sàng
Vào thời Đức Giêsu các người Do thái ước mong Triều Đại Nước Thiên Chúa tỏ hiện. Chính Chúa Giêsu cũng đã được hỏi về lúc nào Nước Thiên Chúa đến, về ngày của Con Người, Đấng hoàn tất chương trình công chính của Thiên Chúa, nhưng ngài không cho biết lúc nào nhưng lại khuyến khích họ luôn sẵn sàng. Những lời nói của Đức Giêsu không rõ ràng và người ta có thể hiểu là Ngài có ý ám chỉ đến việc Giêrusalem bị bao vây và thất thủ. Tuy nhiên Đức Giêsu không có ý nói những lời tiên tri lạ thường như vậy; Ngài muốn cho ta hiểu rằng cần phải sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa trong đời mình, trong những biến cố bình thường cũng như lạ thường. Cần phải luôn chuẩn bị cho ngày Chúa đến, thường đến lúc bất ngờ. Ai không chuẩn bị sẽ bị bắt chợt: ‘Như đã xảy ra thời ông Noe, cũng xảy ra như vậy thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất, mà không chờ đón Thiên Chúa. Và khi Ngài đến, không tìm thấy có người sẵn sàng. Bởi lẽ việc Thiên Chúa đến không chỉ liên hệ đến những biến cố liên lụy đến cả một dân tộc và thường xảy ra cách bất ngờ. Cũng thế trong cuộc đời ta, việc gặp gỡ Thiên Chúa xảy ra cách bất ngờ. Cái chết, ngay cả những cơn bệnh nguy kịch, cũng đến cách bất ngờ. Người ta chờ ngày này sang ngày khác, nhưng lúc không ai ngờ đến, thì nó lại đến: thấy có vẻ khá hơn, mọi sự đã ổn rồi…và thình lình cái chết ập đến.
Chúng ta cần phải sẵn sàng. Như thế nào? Sẵn sàng không có nghĩa là thay đổi công việc; nhưng là một thái độ nội tâm. Cách thức chúng ta thực hiện những công việc của ta là cách thức chúng ta chờ đợi Chúa. Nếu tất cả những gì chúng ta làm, đều làm cùng với Ngài, chúng ta đang chờ đón Ngài; nếu chúng ta sống tuân giữ các giới răn của Ngài và trong tình yêu mến Ngài, việc Ngài đến sẽ không bắt chợt chúng ta và chúng ta sẽ vui sướng vì Ngài gọi ta đến ở cùng với Ngài mãi mãi.
Tiểu sử thánh Louis Gonzaga thuật lại một hôm đang nô đùa với các bạn, có người đưa ra câu hỏi: Con làm gì, nếu hai phút nữa con sẽ chết? Tất cả đều tìm câu trả lời hay nhất, ví dụ: con sẽ chạy vào nhà thờ để cầu nguyện, chuẩn bị chết. Còn Louis thì trả lời: ‘Con vẫn tiếp tục chơi’. Việc chơi đùa là điều mà Thiên Chúa muốn con làm lúc này đây; điều mà tình yêu Chúa bảo làm, đó là niềm vui sướng: còn gì hơn thế, nếu không phải là điều làm đẹp lòng Chúa lúc này đây?
Một bài học ích lợi cho ta.
+++
‘Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hóa Công’.
Suy tư của tác giả thánh vẫn còn có giá trị. Cho dù các yếu tố của thực tại có thay đổi thì suy tư này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Ngàn năm qua, vì yêu sách thờ phượng ăn rễ sâu trong tâm hồn, con người thờ phượng điều mà họ nhận thấy trong tạo thành: lửa, gió, nước, tinh tú bầu trời. ‘Chúng say mê những vẻ đẹp đó mà coi là thần minh’ và thần thoại ngày nay nói cho ta về điều đó, tỏ cho ta biết những sự kiện của một thực tại thờ ngẫu tượng. Các vị thần bị thay đổi nhưng vẫn không đổi thực tại thờ ngẫu tượng này. Ngày nay chúng ta không còn thờ lửa, bầu trời tinh tú và những điều như thế nữa nhưng sự thủ đắc khoa học trong nhiều lãnh vực khác nhau, những tiềm năng gia tăng trong nhiều lãnh vực nghiên cứu, kinh tế, công nghiệp, năng suất. Mọi sự tự bản chất đều tốt. Nhưng chúng trở thành hủy diệt khi chúng ta đặt chúng làm thần tượng. Say mê quyền năng của chúng như sách thánh nói đến. Hãy nghĩ rằng Đấng tạo dựng nên chúng còn quyền năng hơn biết bao! Thực tế, các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Đấng tạo thành (4-5).
Thứ Bảy tuần XXXII Tn
Cầu nguyện không phải là liệt kê một danh sách dài những điều ta cần cho Thiên Chúa biết để ngài ban cho. Đàng sau ý tưởng ấy, thường rất phổ biến là một định kiến sai lạc: ta biết rõ hạnh phúc của ta ở nơi đâu, nơi Thiên Chúa và cầu nguyện giống như một cố gắng mua chuộc vị Thiên Chúa (độc tài) để có thể can thiệp cứu giúp ta, vì ngài đang đảng trí và không nghe lời ta xin.
Trái lại Đức Giêsu nói với ta rằng vị Thiên Chúa mà chúng ta cầu nguyện là một người cha, biết rõ điều gì làm ta hạnh phúc, muốn và thực hiện (luôn với sự cộng tác của ta) cho ta được thỏa mãn. Ta hãy cầu xin và cầu nguyện xin Chúa những ơn huệ, ân sủng, nhưng hãy ngỏ lời với một người cha, biết rõ trong lòng mỗi người chúng ta. Và nếu ta không được nhậm lời thì người cha ấy biết tại sao và ngài mời gọi ta tin tưởng phó thác và nhẫn nại. Duy nhất chỉ có một lần trong tin mừng Đức Giêsu tỏ ra nóng giận: khi ngài thấy những kẻ buôn bán trong đền thờ, bởi vì đàng sau việc làm ấy là ý tưởng mua bán, hối lộ và tìm cách thuyết phục Thiên Chúa. Dụ ngôn bà góa quấy nhiễu nhắc ta sự cần thiết kiên trì trong lời cầu nguyện. Hãy thêm đức tin để có thể tin rằng Chúa biết rõ mỗi người chúng ta và nâng đỡ ta. Hãy giữ vững lòng tin trong những lúc cảm thấy khô khan trong tâm hồn…
+++
Sống khôn ngoan
Trong những ngày này chúng ta nghe đọc sách Khôn Ngoan; Mẹ Maria, chúng ta khấn cầu Mẹ như tòa sự khôn ngoan. Chính Mẹ cũng nói: ‘Muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phúc’; ‘Ngài đã đoái trông đến phận hèn tớ nữ’. Các tin mừng lưu giữ rất ít lời của Mẹ, nhưng có một lời khuyên mà Mẹ muốn trao cho mọi người: ‘Hễ Ngài bảo gì thì hãy làm theo’. Và tại Cana, nước đã hóa thành rượu ngon. Đó chính là luật thiết yếu cho đời sống người kitô hữu.
Ngày qua ngày, vô nghĩa, buồn chán: chẳng khác nào ‘nước’ đang chảy đi, chẳng để lại chút dấu vết gì. Nhưng có thể biến thành rượu ngon, rượu cưới, nếu biết sống vâng phục thánh ý Chúa, tiến bước trong tình yêu của Ngài.
Chúng ta có thể nghĩ đến một lời khuyên bảo khác của Đức Giêsu, mà Mẹ Maria cũng muốn dùng để kêu mời ta: ‘Hãy ở lại trong tình yêu’. Hãy ở lại trong tình yêu như Mẹ đã thực hiện: như thế mọi hành động của bạn, dù là những điều vô nghĩa và nhàm chán nhất cũng biến thành rượu cưới.
Hãy ở gần bên Mẹ để cho ánh sáng tinh tuyền sự khôn ngoan của Mẹ có thể chiếu soi chúng ta: chúng sẽ thấy những việc diệu kỳ Thiên Chúa tiếp tục thực hiện giữa chúng ta như Ngài đã làm cho dân Ngài. Chúng ta cũng sẽ thấy những việc diệu kỳ tay Ngài thực hiện nơi chúng ta, nếu chúng ta thực sự nghe theo lời khuyên của Mẹ: ‘Hễ Ngài bảo gì thì hãy làm theo’. Và giống như Mẹ, chúng ta cũng sẽ cất cao lời ca tụng tình thương vĩ đại của Thiên Chúa.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thánh Anrê Dũng Lạc và Các Bạn Tử Đạo Việt Nam
Vào thế kỷ XVI tại Đàng Ngoài, Annam và Đàng Trong – Việt Nam ngày nay –Tin mừng lần đầu tiên được rao giảng, công trình của những vị thừa sai trung kiên. Tử đạo càng làm cho mùa gặt được bội thu, trên mãnh đất bé nhỏ Á châu này. Từ 1625 đến 1886, trừ một ít thời gian yên lành, là giai đoạn những cuộc bách hại mà các vua quan đã thực hiện bằng mọi hình thức xảo trá và tinh ranh để đè bẹp giáo hội non trẻ. Số các vị tử đạo, trong vòng ba thế kỷ lên đến 130.000 người. Sự tàn ác của các lý hình không khuất phục được sự kiên cường của các vị chứng nhân đức tin: chém đầu, đóng đinh, thắt cổ, cưa chặt thân thể, chịu nhiều cực hình khủng khiếp trong ngục tù và trong những việc nặng nhọc, họ làm sáng tỏa vinh quang của Chúa, ‘Đấng biểu tỏ quyền năng trong những điều yếu hèn và ban cho những người yếu đuối sức mạnh tử đạo’. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày Chúa Nhật 19.06.1988 đã tuyên phong hiển thánh 117 vị tử đạo thuộc nhiều quốc gia và hoàn cảnh xã hội khác nhau: linh mục, chủng sinh, giáo lý viên, giáo dân trong số đó có một người mẹ và nhiều người cha gia đình, lính, nông dân…Anrê Dũng Lạc, linh mục, tử đạo năm 1839 và được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII phong chân phúc năm thánh 1900. Ngoài ra, chúng ta cũng không quên Chân Phúc Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi.