Thứ Hai tuần XXXI Tn
Lễ Các Thánh Nam Nữ 01.11
Hôm nay Giáo hội mời gọi ta mừng kính lễ Các Thánh Nam Nữ được ghi trong niên lịch phụng vụ, nhất là những vị không được biết đến vì không có tên trong lịch, nhưng tất cả đều được hưởng nhan Thiên Chúa ‘diện đối diện’. Vì Thiên Chúa là đấng duy nhất có thể khám phá ra sự thánh thiện nơi mà con người không ngờ có thể tìm thấy.
Thánh là một từ ít được dùng trong thời đại chúng ta trong khi những năm xưa xem đó như một ơn gọi, mà mỗi người tín hữu được kêu gọi và nhờ đó mà họ được Thiên Chúa tạo dựng.
Ơn gọi nên thánh được Thiên Chúa đòi buộc, trong sách Lêvi: ‘Các ngươi hãy nên thánh vì ta là Đấng thánh’.
Sự thánh thiện là ơn gọi dành cho tất cả mọi tín hữu. Không dành riêng cho một ít người ưu đãi, nhưng là điều tạo sự phát triển đức tin và tình yêu của tín hữu: nơi Thiên Chúa Cha, nơi Con của Người là Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, trong Giáo hội thánh, trong sự hiệp thông các thánh…
Thánh Gioan, tác giả sách Khải Huyền, nơi chương 7,2-4.9-14, diễn tả ‘lễ hội trên trời của những người được ghi dấu ấn’ như là lễ hội của vô số người không thể đếm xuể và thuộc mọi quốc gia và sắc tộc. Đó là các tín hữu đã ‘giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên’, nghĩa là họ được dìm vào trong cái chết thánh hóa của Đức Giêsu Kitô.
Tác giả thánh vịnh cầu nguyện: để trèo lên núi Chúa, cần phải có tay sạch lòng thanh, nghĩa là như Đức Giêsu nói với phụ nữ Samari: ‘Thiên Chúa là thần khí và những kẻ thờ phượng Người, phải thờ phượng trong thần khí và sự thật’. Chỉ với những điều kiện ấy, người tín hữu mới có thể nhìn thấy Thiên Chúa.
Bài đọc hai hôm nay trích từ thư thứ nhất của Thánh Gioan. Vị tông đồ mà Đức Giêsu yêu, cho ta tham dự vào một niềm hân hoan lớn lao, được mặc khải cho ngài, bằng cách cho ta biết rằng sự thánh thiện là một ân sủng của Thiên Chúa, đấng kêu gọi chúng ta làm con cái của Người và ngay từ lúc này, được tham dự vào sự sống và sự thánh thiện của Người. Hôm nay là ngày lễ hội của gia đình, gia đình Thiên Chúa: ‘Anh em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào, Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự chúng ta là con Thiên Chúa’. Do đó hôm nay, không phải chỉ hôm nay, các thánh trên trời cầu nguyện cho chúng ta đang còn ở dưới đất, các vị biết các việc làm và cuộc sống chúng ta, những đau khổ của ta. Các vị bầu cử cho chúng ta trước tòa Đấng Trung Gian duy nhất, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, để Thiên Chúa khấng thương chúng ta. Ta vui mừng và biết ơn các ngài.
Bài tin mừng hôm nay trích từ sách tin mừng thánh Matthêô, bài giảng trên núi, các mối phúc. Đây là một diễn từ hướng dẫn kẻ tin con đường đạt đến sự thánh thiện: thánh sử viết, Đức Giêsu lên núi, các môn đệ đến gần bên, Ngài lên tiếng dạy. Từ đầu tiên của diễn từ là ‘makarios’ (phúc thay) dịch từ ashré của do thái có nghĩa là ‘phong nhiêu, hạnh phúc’. Có hai cách để nói rằng một người nào đó hạnh phúc. Hạnh phúc cho ai thỏa mãn một điều kiện, nghĩa là do những công nghiệp của riêng mình: ‘Phúc thay kẻ lưu tâm đến người nghèo khổ’ (Tv 40,1), nhưng người đó cũng hạnh phúc, nhờ một hành vi nhưng không của lòng Chúa thương xót: ‘Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung… Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội’ (Tv 31,1.2). Trong bài diễn từ trên núi theo thánh Matthêô, tác giả nhấn mạnh nhiều đến những đức tính làm người cần thiết để được hạnh phúc, là một điều kiện tất yếu mà Chúa gợi lên cho dân chúng và các môn đệ, là những người luôn kề cận bên ngài. Đối với Mathhêô, Đức Giêsu là Môsê mới, đấng ban cho Israel lề luật tối hậu và cho biết những cung cách cần thiết để sống như con cái Thiên Chúa.
Từ câu 3-11 diễn tả 9 mối phúc, nhưng tất cả các nhà chú giải đồng ý chỉ có tám thôi, xét mối phúc thứ chín như là khai triển chủ đề của mối thứ tám.
Mối phúc thứ nhất và thứ tám có cùng một nguyên do: ‘vì Nước Trời là của họ’. Hơn nữa mối phúc thứ nhất đề cập đến những người ‘có tâm hồn nghèo khó’, nghĩa là những kẻ vượt trên những người nghèo về kinh tế, là những người bé nhỏ khiêm nhường (nghèo kinh tế và sự khiêm nhường bé nhỏ có cùng một căn ngữ trong tiếng do thái).
Mối phúc thứ hai đề cập đến những ‘người hiền lành’, nghĩa là những người dấn thân làm cho thế giới sống tình huynh đệ. Mối phúc này chắc đã được gợi hứng từ Thánh vịnh 37,11: ‘Còn kẻ nghèo hèn được đất hứa làm gia nghiệp và vui hưởng cảnh an lạc chan hoà’.
Mối phúc thứ ba đề cập đến những người sầu khổ, than khóc, nghĩa là những ai chờ mong Thiên Chúa đến lau khô giọt lệ trên mắt họ: họ khóc vì phu quân của họ bị cất đi, họ ăn năn đền tội trong khi đợi chờ Đấng Messia trở lại.
Mối phúc thứ tư đề cập những người khao khát nên người công chính, họ sẽ được phúc bởi vì cộng tác trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa.
Mối phúc thứ năm đề cập đến những ai biết xót thương người. Xót thương là một từ ngữ không có ở số nhiều trong tiếng do thái, muốn nói rằng lòng thương xót là một nhân đức thuộc về một mình Chúa và trong một tình huống duy nhất thuộc về đấng công chính (Đấng Cứu Thế).
Mối phúc thứ sáu đề cập những người có tâm hồn trong sạch, những người đơn sơ, họ được phúc vì chỉ có họ mới có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa.
Mối phúc thứ bảy đề cập đến những người xây dựng hòa bình…được gọi là con Thiên Chúa.
Mối phúc thứ tám đề cập những người bị bách hại, những người tin tưởng Thiên Chúa sẽ đứng ra bênh vực sự vô tội của họ.
Đây là thái độ của Đức Giêsu và của người tự xem mình là môn đệ ngài nếu muốn bước đi trên hành trình nên thánh và vui mừng lễ cùng các thánh trên trời
Xét mình: + Khi tôi tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật, tôi có mang theo tâm tình này vào trong nhà thờ không? + Ngày lễ hôm nay có nói cho tôi biết rằng tôi cần phải hiệp cùng ca đoàn các thánh để tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa, đấng ban cho tôi được sống cùng với Người? + Ta có xác tín rằng sự thánh thiện là tình trạng mà ta cần phải sống ngay từ bây giờ, lúc này trong cuộc sống?
+++
Ta thấy Đức Giêsu hết sức tự nhiên, tự phát trong đoạn tin mừng hôm nay; có vẻ nghịch lý, để cho ta thấy tư tưởng của Ngài khác biệt với chúng ta. Lời khuyên của Ngài thật không ngờ: ‘Khi nào ông đãi khách ăn trưa hoặc ăn tối, thì đừng mời bạn bè anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi’. Thật lạ lùng! Theo lẽ tự nhiên ta mời ăn trưa bạn bè, anh em hay bà con để cũng được đáp lễ. Lời khuyên thứ hai cũng lạ lùng không kém: ‘Trái lại khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ không có gì đáp lễ và như thế ông mới được có phúc’. Thông thường cái phúc đến từ việc lãnh nhận, nhưng Đức Giêsu nói điều ngược lại, đặt ta trên con đường của sự nhưng không, của tình yêu vô vị lợi: niềm vui đích thực nằm ở chỗ này. Nếu ta đi tìm niềm vui trong sự đáp trả, ta đi sai đường rồi; nếu ngược lại ta trao ban cho người không có khả năng trả lễ, ta đi vào con đường tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu không mua không bán.
Bài đọc thứ nhất giúp ta suy nghĩ về tính nhưng không của tình yêu Thiên Chúa. ‘Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Tất cả mọi người, do thái cũng như ngoài do thái, tất cả chúng ta đều là những kẻ bất tuân, nhưng Thiên Chúa ‘đã giam hãm mọi người trong tội không tuân phục, để thương xót mọi người’. Chúng ta hoàn toàn ở trong cái lôgích tình yêu nhân hậu, vô vị lợi. Hãy cầu xin Chúa biến đổi lòng trí chúng ta để chúng ta có tâm tư và tình yêu của Người.
+++
Tin mừng là trường dạy sự chung sống. Đức Giêsu không muốn ngăn cấm chúng ta tiếp đón những người thân: cha mẹ, bạn hữu, thân nhân. Nhưng, trong câu chuyện ngài được mời dùng bữa, ngài lưu ý đến tính vô vị lợi của việc làm ơn. Chúng ta đã được phần thưởng rồi từ những người mà chúng ta quen biết, yêu thương và họ yêu thương lại chúng ta: tình cảm và sự kính trọng của những người trong vòng quen thân gia đình.
Không nên quên những người cách xa chúng ta về khoảng cách không gian và hoàn cảnh xã hội (những người không nhà, di dân, bị loại trừ…) Tất cả họ là hình ảnh và là số phận của Đức Kitô. Qua cung cách của ta đối xử với họ mà ta bị xét xử trong ‘ngày các kẻ lành sống lại’. Và cũng chính trong viễn ảnh này ta nói đến tính vô vị lợi. Nếu ta đối xử yêu thương với những người anh em, không phải là để sau này nhận sự đáp trả; nhưng chính là để được Thiên Chúa tiếp đón. Tin mừng hôm nay là lời nhắc nhở phải sống ngay từ bây giờ cuộc sống yêu thương. Ngay từ bây giờ, ta đã được phần thưởng rồi, phần thưởng của những ai ứng xử như con cái Đấng Tối Cao, con cái của đấng nhân lành ngay cả với những người vô ơn và tội lỗi.
Thứ Ba tuần XXXI Tn
Lễ Các Đẳng
Cho đến khi Chúa Giêsu ngự đến trong vinh quang, và khi sự chết bị tiêu diệt, mọi việc đều quy phục Người, thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Nhưng hết thảy mọi người đều hiệp thông trong cùng một đức mến của Thiên Chúa. Bởi vậy sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong an bình của Đức Kitô không hề bị gián đoạn, nhưng trái lại, Giáo hội xưa nay vẫn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được vững mạnh hơn nhờ việc thông truyền cho nhau những của cải thiêng liêng (x. Lumen Gentium,49).
Ngay từ những thế kỷ đầu, Giáo hội vẫn luôn thực hành việc đạo đức tưởng nhớ những kẻ qua đời, dâng lời cầu nguyện cho họ. Trong nghi thức an táng, Giáo hội cử hành với lòng tin tưởng mầu nhiệm phục sinh, tin rằng tất cả những ai nhờ bí tích rửa tội trở nên chi thể của Đức Kitô bị đóng đinh và sống lại, sẽ cùng Ngài bước qua sự chết để vào hưởng sự sống vĩnh cửu. Tại Roma, việc cử hành lễ Các Đẳng bắt đầu từ thế kỷ XIV.
+++
Những người qua đời và sự chết
Ngày 1 và 2 tháng 11 hàng năm chia thế giới thành hai phần. Những người tin và những người không tin. Đứng trước sự chết là bằng chứng của lửa đức tin và chủ nghĩa vô thần.
Một người vô thần chỉ thật sự vô thần khi nhìn cái chết với tất cả tuyệt vọng.
Một người tín hữu chỉ thật sự là tín hữu khi nhìn sự chết với bình thản và hy vọng.
Nhưng ngày mai các bạn sẽ thấy có những người vô thần đi chăm sóc ngôi mộ của những người thân của họ với hoa tươi biểu tượng sự sống, thánh giá biểu tượng sự sống lại, kinh nguyện biểu tượng niềm tin, mạn đàm biểu tượng hy vọng.
Và bạn cũng sẽ nhìn thấy có những kitô hữu với những giọt lệ trên mắt hình ảnh sự tuyệt vọng, bên cạnh một người phụ nữ với khuôn mặt mỏi mệt vì đau khổ không được an ủi, biểu tượng của chủ nghĩa vô thần, cùng với sự sợ hãi biểu tượng thiếu vắng niềm tin và hy vọng.
Đó là lý do vì sao nói rằng cái chết là bằng chứng của đức tin và chủ nghĩa vô thần nhưng chỉ xảy ra như thế nếu có người suy nghĩ hơn 10 phút về điều đó. Nếu không có ai thì đó chỉ là vở diễn bi hài về tính bất nhất của con người.
Chiều nay và ngày mai xin bạn đừng giẫm lên mảnh đất thánh thiêng đối với các kitô hữu, chăm sóc các xương tro có ý nghĩa đối với người kitô hữu, không cần biết đức tin của bạn như thế nào hãy quyết định sống nhất quán hơn.
Nếu tôi chăm sóc một nấm mộ là vì tôi tin rằng những người thân của tôi vui thích. Nếu tôi tin là vì tôi tin rằng họ vẫn còn đang sống. Nếu họ vẫn còn đang sống, có nghĩa là cuộc đời này không phải là tất cả, nhưng chỉ là một cuộc vượt qua, một kỳ thi.
Nhưng nếu cuộc đời này không phải là tất cả, nhưng chỉ là một cuộc vượt qua hoặc là một kỳ thi, tôi chờ đợi gì mỗi ngày, mỗi giờ và nói điều gì cho người bên cạnh để biến đổi cả một cách sống, lối suy nghĩ và ăn nói? Trong Đức Kitô tất cả chúng ta sẽ có sự sống.
+++
Chối từ dự tiệc
Đức Giêsu cho ta biết sự ngu muội của ta, sự nhỏ nhoi của một con tim không sẵn sàng đón nhận ơn huệ của Ngài. Điều Ông chủ trong bài tin mừng hôm nay đã làm, thực sự ông không buộc phải làm như thế, nhưng ông đã làm vì lòng quảng đại: Ngài muốn đổ tràn lòng ta biết bao ơn huệ của lòng quảng đại, nhưng chúng ta lại ưa thích những điều bủn xỉn.
Bữa tiệc long trọng là bữa tiệc của tình mến của Thiên Chúa dành cho những ai có tấm lòng quảng đại, chứ không phải cho người chỉ gắn bó với của cải trần gian bằng một tình yêu chiếm hữu.
‘Tôi mới mua thửa đất…tôi mới tậu năm đôi bò…tôi mới lấy vợ…’ Đều là những tình cảm có giới hạn của chúng ta: chiếm hữu, bận tâm lo lắng.
Thiên Chúa, trái lại, mời gọi chúng ta đến dự bữa tiệc của lòng mến phổ quát. Chúng ta sống mỗi ngày tiệc Thánh Thể, nếu chúng ta biết tham dự với tất cả lòng rộng mở, với những bận tâm thiêng liêng và sẵn sàng đón nhận với niềm vui và lòng biết ơn.
Như thế chúng ta sẽ cảm nghiệm không phải như là một bổn phận nặng nề, nhưng như một cần thiết của tình yêu phục vụ kẻ khác với những ân huệ riêng mà ta lãnh nhận, theo lời khuyến dụ của Phaolô: ‘Được làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo, ai khuyên răn thì cứ khuyên răn. Ai phân phát thì cứ chân thành. Ai chủ tọa thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm’.
Thứ Tư tuần XXXI Tn
Đoạn tin mừng hôm nay bắt đầu bằng những lời này: ‘Khi ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ rằng: ‘Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được’. Và thánh Luca, thánh sử của lòng khiêm nhường diễn tả bằng những lời như thế yêu sách của Đức Giêsu. Chúng ta phải ‘ghét’, là lệnh truyền của Đức Giêsu…Là những lời làm chúng ta khó chịu. Đúng ra Đức Giêsu muốn cất mọi ảo tưởng ra khỏi đầu óc của đám đông theo sau Người. Thật dễ hiểu khi một ai đó nói rằng: Không có lề luật nào khác ngoài tình yêu, tình yêu gồm tóm tất cả mọi lệnh truyền; như thế sẽ mang lại khoan khoái, hài lòng và cả những ảo tưởng, bởi lẽ tất cả chúng ta đều có khả năng yêu thương: chỉ cần yêu thương, đủ rồi! Như thế Đức Giêsu chỉ cho ta một con đường không chút khó khăn gì.
Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo: ‘Ai đến với tôi…Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được’. Là một yêu sách mạnh mẽ, và Đức Giêsu đưa ra hai ví dụ của những con người biết suy nghĩ chín chắn trước khi bắt tay hành động. Ai muốn xây dựng cái gì, trước tiên phải tính toán phí tổn xem thử mình có đủ kinh phí để hoàn thành không; kẻ muốn đi giao chiến cần phải xem thử mình có đủ quân lính và trang thiết bị để chiến thắng không.
Đâu là kinh phí cần thiết để xây dựng xong tòa tháp, đâu là trang thiết bị đầy đủ để có thể chiến thắng? Đức Giêsu bảo: điều kiện là từ bỏ tất cả những gì mình có. ‘Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi’.
Ta đang ở trong một loại đối nghịch giữa tình yêu và từ bỏ. Nếu suy nghĩ kỹ, ta thấy Đức Giêsu không làm gì khác hơn là chỉ cho ta những điều kiện của tình yêu đích thực. Ta đừng ảo tưởng: tự sức riêng mình ta không có khả năng yêu thương, vì tình yêu đòi hỏi kỷ luật, đòi hỏi từ bỏ sâu thẳm, từ bỏ hoàn toàn. Thông thường khi ta tưởng rằng mình đang yêu, thực sự ta yêu vì tư lợi riêng mình, ta không yêu thực sự tha nhân cũng như Thiên Chúa. Ta tìm thỏa mãn chính mình, niềm vui cho mình, thay vì đi tìm hạnh phúc cho người khác trong sự kết hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Thánh Luca là thánh sử của lòng thương xót, nhưng chính trong tin mừng của ngài ta lại đọc thấy những lời này: ‘Nếu ai đến với tôi mà không ghét bỏ, thì không thể làm môn đệ tôi’. Tại sao vậy? Vì thánh Luca cũng là thánh sử nhấn mạnh hơn hết về sự yêu sách của người môn đệ đối với Thầy mình.
Thánh Mathêô diễn đạt lời của Đức Giêsu một cách khác. ‘Nếu ai đến với Ta mà yêu cha mẹ mình hơn ta, thì không xứng đáng với Ta’. Ta biết cũng là điều giống như trong tin mừng thánh Luca, tuy nhiên cách diễn tả của Luca rõ ràng hơn.
Rõ ràng là không có ý muốn đề cập đến vấn từ bỏ bất cứ tình yêu nào; vấn đề là từ bỏ tình yêu vị kỷ chiếm hữu. Đức Giêsu không chỉ đòi phải ghét cha mẹ con cái mà còn phải ghét chính sự sống mình nữa. Điều thêm vào này làm cho ta hiểu yêu sách của Ngài đi về hướng nào: Ngài đòi hỏi phải từ bỏ mọi tình yêu chiếm hữu.
‘Ai không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được’.
Tìm kiếm thoải mái trong cuộc sống: thoải mái tình cảm, thỏa mãn lòng mình. Đức Giêsu đòi hỏi ta từ bỏ loại tình yêu này. Chính mình Ngài cũng đã làm như thế, theo nghĩa của tin mừng thì Ngài đã ‘ghét bỏ’ mẹ và anh em mình. Điều gây ấn tượng là trong tin mừng mỗi lần đề cập đến mẹ Ngài hay các anh em Ngài, hình như đều được nghe một lời có vẻ cứng cỏi, từ chối. ‘Mẹ và anh em Thầy đang ở bên ngoài muốn gặp Thầy…Mẹ và anh em Thầy là những ai làm theo ý muốn của Thiên Chúa’. ‘Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy…Còn có phúc hơn ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành’.
Đức Giêsu thực sự đã đi rất xa trong thái độ này. Theo cái nhìn thuần nhân loại, người ta cho rằng Ngài ‘không tôn kính’ mẹ mình. Không tôn kính mẹ khi không bày tỏ tình yêu đối với mẹ; không tôn kính mẹ khi chấp nhận chết như một tên tội phạm…Đức Giêsu thực sự đã từ bỏ hoàn toàn tình yêu chiếm hữu, như thế dạy ta con đường của tình yêu đích thực, của tình yêu quảng đại, tình yêu sẵn sàng hy sinh tất cả, tình yêu hiến dâng mạng sống, chấp nhận sự tự hủy để hoàn tất chương trình của Thiên Chúa. Đây mới chính là tình yêu đích thực. Không còn là một ảo tưởng về tình yêu, là tình yêu mà ta có thể mở lòng mình và đổ tràn niềm vui, vì tình yêu đến từ Thiên Chúa.
Thứ Năm tuần XXXI Tn
Thánh Carôlô Bôrômêô
Một mục tử tốt lành là ân ban tuyệt vời cho Hội Thánh, Thánh Carôlô đã như thế cho Hội Thánh tại Milanô và toàn thể Hội Thánh. Được tấn phong Giám Mục lúc 25 tuổi, dâng hiến cả đời mình cho việc phục vụ dân chúng, chịu khó nhọc và đền tội. Ngài kiên tâm áp dụng đường lối của Công Đồng Trentô, với ưu tư cho việc đào tạo các linh mục thánh và đầy nhiệt tâm.
Tình yêu đối với Đức Giêsu chịu đóng đinh là mẫu mực cho đời sống của Ngài. Thánh Carôlô là con người của cầu nguyện, của nước mắt, của chay tịnh đền tội không được xem như là việc làm anh hùng nhưng như việc tham dự cách mầu nhiệm vào những đau khổ của Đức Kitô, Đấng đi vào trong thế giới tội lỗi cho đến độ vỡ nát con tim và linh hồn.
Hôm nay chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng, mục tử nhân lành kiên trung, thăm viếng và rao giảng khắp nơi, tiếp nhận mọi người, biết loan báo cách can đảm và thẳng thắn chân lý của Tin mừng trong mọi hoàn cảnh và bất cứ nơi đâu.
+++
Chia sẻ tinh thần
Đoạn tin mừng hôm nay cho biết ‘các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng’. Những người biệt phái và các kinh sư xầm xì với nhau: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng’. Cung cách của các biệt phái tỏ ra thiếu tinh thần khó nghèo, là điều cần thiết để có thể chia sẻ những tâm tình của Đức Giêsu và đồng tình với Ngài. Thái độ của họ thì trái ngược lại: cái này là của tôi và chỉ thuộc về tôi, không thể chia sẻ với bất cứ một ai khác. Các biệt phái và kinh sư tin rằng Thiên Chúa là của riêng họ chứ không phải của những người khác: những kẻ khác ấy đều là phường tội lỗi. Họ làm chủ Thiên Chúa, làm chủ ơn cứu độ, làm chủ đời sống thiêng liêng nên đã xì xầm chống lại Đức Giêsu vì Ngài ‘đón tiếp phường tội lỗi và ngồi ăn uống với chúng’, bởi vì họ cho rằng là điều bất công khi thi ân cho ai điều gì mà họ không có quyền sở hữu. Đức Giêsu, trái lại, dạy cho họ hiểu rằng để kết hiệp với Thiên Chúa, thì không được đóng kín mình trong sự ích kỷ, nhưng phải mở lòng ra cho người khác, ngay cả cho những người xem ra bất xứng, bởi chính đó là cung cách hành xử của Thiên Chúa. Lòng quảng đại của Thiên Chúa không bị giới hạn, Ngài quan tâm chăm sóc hết mọi người, nhất là những người thiếu thốn, nghĩa là những ai đang ở trong tình trạng khốn khổ thiêng liêng đang cần nâng đỡ và thêm sức mạnh.
Ai có tinh thần nghèo khó thì ước ao điều thiện hảo cho kẻ khác, muốn chia sẻ với kẻ khác những ơn huệ mình nhận được, vì biết rằng chúng sẽ được nhân lên khi đem ra phân phát; đó là hoàn cảnh thuận lợi nhất cho việc kết hiệp với Thiên Chúa.
Những của cải thiêng liêng được sánh với ngọn lửa. Ngọn lửa không mất đi khi thông truyền, nhưng càng tăng hơn sức nóng và tỏa sáng hơn. Người muốn đặt nó an toàn vào chỗ đậy kín, sẽ làm cho nó chết vì thiếu oxy.
Hãy cầu xin Chúa cho ta thấu hiểu thái độ tinh thần này, để ta đừng tự phụ, đừng tin tưởng nơi mình, nhưng biết phó thác trong tay Chúa toàn thể con người của ta, tất cả những gì chúng ta làm, vì biết rằng tất cả từ Chúa mà đến, và nếu chúng ta biết san sẻ cho nhau, Ngài sẽ càng gia tăng nơi ta ân huệ của Ngài.
Thứ Sáu tuần XXXI Tn
Con cái ánh sáng
Đức Giêsu kết thúc dụ ngôn: ‘Quả thế, con cái đời này khôn ngoan hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại’. Ngài không khen tên quản lý vì sự bất lương, nhưng vì sự tinh khôn của anh ta, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà đã tìm ra được cách giải quyết để có thể tiếp tục sống thoải mái và ích kỷ.
Là con cái sự sáng, chúng ta có sáng tạo trong việc phục vụ Thiên Chúa không? Chúng ta không gặp thấy khó khăn trong dự án của chúng ta, và nếu có, chúng ta cũng không tìm cách để vượt qua, vì chúng ta cảm thấy thỏa mãn rồi; còn những gì liên quan đến Thiên Chúa và tha nhân, thì bất cứ khó khăn nào cũng đều bất khả vượt qua, chúng ta than trách, thậm chí còn cảm thấy mình bị bách hại nữa: Không thể như thế được…với hạng người này, trong cái xã hội này!
Các thánh không hành động như thế: những nghịch cảnh ‘kích hoạt’ các ngài tìm ra cách giải quyết, và đã tìm được, bởi vì các ngài chỉ quan tâm đến Nước Thiên Chúa và tình yêu của họ là một tình yêu vô vị lợi, quảng đại, sáng tạo. ‘Nước lũ cũng không thể dập tắt được tình yêu’.
Xin Chúa cho chúng ta học biết bài học tình yêu mà Ngài chỉ dạy cho ta hôm nay: chỉ như thế chúng ta mới có sự sống và đáng được gọi là con cái sự sáng: chúng ta sẽ sống trong ánh sáng, bởi lẽ chúng ta sống trong tình yêu.
Thứ Bảy tuần XXXI Tn
Điều cao trọng trước mặt Chúa
Ngày thứ bảy hôm nay, tin mừng cho ta cơ hội suy niệm về lòng khiêm cung và trung thành của Đức Mẹ. Đức Giêsu nói với những người biệt phái: ‘Các ông là những kẻ làm bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa’.
Thiên Chúa cũng thấu biết tâm hồn khiêm cung của Mẹ Maria: ‘Người đã nhìn đến phận hèn tớ nữ của Người’, và đã tuyển chọn Mẹ để làm nên đền thờ của Thánh Thần, để Chúa Con mặc lấy xác thịt trong lòng Mẹ. Tâm hồn khiêm cung và trung tín, trong những việc nhỏ và trong những việc lớn dệt nên cuộc đời Mẹ.
Mẹ Maria sống trung tín trong những bổn phận hằng ngày: những việc âm thầm, những việc người ta cho là bình dị, nhiều lúc là nặng nề vì cứ lập đi lập lại mỗi ngày. Mẹ hoàn toàn trung tín với Chúa trong những biến cố vĩ đại của cuộc đời Mẹ: vĩ đại, nhưng âm thầm: ‘Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo như lời Ngài truyền’. Và đã thực hiện nơi Mẹ biến cố vĩ đại của lịch sử nhân loại, nhưng nào ai có biết?
Và thiên sứ cáo biệt Mẹ. Cuộc sống của Mẹ Maria vẫn tiếp tục ‘vắng bóng thiên sứ’: Các sứ giả từ nay, đối với Mẹ sẽ là người chị họ Elisabet, các mục tử Bêlem, cụ già Simeon. Nhưng lòng trung tín của Mẹ vẫn bền vững cho đến đồi Calvê, khi Mẹ dâng lên Chúa Cha của lễ quý giá nhất của lòng Mẹ, là người Con yêu: trung tín trong những cử chỉ nhỏ mọn của tình yêu và trung tín trong cử chỉ đỉnh cao của cuộc đời.
Cầu xin Mẹ, Đấng nhờ lòng khiêm cung và trung tín, đã được chọn làm Mẹ Đức Giêsu và Mẹ Giáo Hội, cho chúng ta biết tham dự vào những ơn huệ này, biết giữ gìn và làm tăng trưởng, để có thể ‘trung tín trong việc nhỏ cũng như trong việc lớn’.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Cung Hiến Thánh Đường Latêranô
Khi hoàng đế la mã Constantinô có cảm tình với kitô giáo, khoảng năm 312, đã hiến cho Đức Giáo Hoàng Milziade điện Latêranô mà ông đã cho xây dựng cho hoàng hậu Fausta. Năm 320, xây dựng thêm ngôi thánh đường, thánh đường Latêranô. Là thánh đường tiên khởi, xét theo niên hiệu trong các thánh đường Phương Tây. Được xem như thánh đường mẹ của các thánh đường trong thành (Rôma) và trên toàn thế giới.
Được Đức Giáo Hoàng Sivestrô thánh hiến vào ngày 9 tháng 11 năm 324, với tước hiệu là Vương Cung Thánh Đường Đấng Cứu Thế. Vào thế kỷ XII, do giếng rửa tội ở đây cổ xưa nhất Rôma, nên được cung hiến với danh hiệu thánh Gioan Tẩy Giả. Từ đó người ta quen gọi là Vương Cung Thánh Đường thánh Gioan Latêranô. Là nơi cư ngụ của các giáo hoàng trong vòng hơn 10 thế kỷ và cũng nơi đây diễn ra 250 công đồng, trong số đó có 5 công đồng chung. Bị hỏa hoạn và chiến tranh tàn phá phân nửa, sau đó được tái thiết dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIII và được tái cung hiến vào năm 1726.
Là thánh đường mẹ của các thánh đường trên thế giới, là dấu chỉ hữu hình của chiến thắng đức tin kitô trên ngoại giáo tây phương. Trong thời bách hại, trải dài ba thế kỷ đầu của lịch sử giáo hội, bất cứ một biểu tỏ nào về đức tin đều nguy hiểm, nên các kitô hữu đã không thể cử hành việc tôn thờ Thiên Chúa cách công khai. Đối với các kitô hữu vừa thoát ra từ các hang toại đạo, vương cung thánh đường Latêranô là nơi mà họ có thể tôn thờ Đức Kitô Cứu Thế cách công khai. Tòa nhà bằng đá này được xây dựng để tôn thờ Đấng Cứu Thế, là biểu tượng của chiến thắng, là nhân chứng của vô số các vị tử đạo. Dấu chỉ hữu hình của đền thờ thiêng liêng là tâm hồn của kitô hữu, khuyến khích mọi người tín hữu làm vinh danh Đấng đã làm người, đã chết và đã sống lại.
Ngày kỷ niệm việc cung hiến thánh đường này, đầu tiên chỉ dành riêng cho Rôma, sau đó được tất cả các cộng đoàn kitô theo nghi lễ rôma kính mừng. Ngày lễ hôm nay cần phải làm mới lại trong chúng ta tình yêu và sự gắn bó với Đức Kitô và với Giáo hội của Ngài. Mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng đến trần gian không phải để xét xử nhưng để cứu độ (Ga 12,47), phải nung nấu tâm hồn chúng ta, và việc làm chứng bằng đời sống hoàn toàn phục vụ Chúa và anh em, nhắc nhớ cho thế giới sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, tốt hơn muôn lần một tòa nhà bằng đá có thể làm được.
Thánh Lêô Cả
Câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ, Ngài cũng tiếp tục đặt ra cho mỗi người chúng ta, để hướng chúng ta chiêm ngưỡng và đào sâu hơn mầu nhiệm của Ngài: ‘Các con bảo Thầy là ai?’ Thánh Lêô Cả, lên ngôi giáo hoàng vào thế kỷ V, với đức tin sáng suốt đã quả quyết thiên tính của Đức Kitô và nhân tính của Ngài: Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và là con Đức Maria, là con người như chúng ta. Ngài đã không chấp nhận rút gọn mầu nhiệm lại theo một hướng, hoặc hướng này hoặc hướng kia, và Công đồng Calcêđônia đã tìm công thức phù hợp với mạc khải. Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta nơi Người Con, và Người Con ấy là con người thật sống giữa chúng ta, đã đau khổ, đã chết và đã sống lại.
Thư do thái đã nói rằng Thiên Chúa thuở xưa đã nhiều lần, nhiều cách nói với cha ông qua các ngôn sứ. Isaia đã la lên: ‘Lạy Chúa, xin hãy mở trời mà xuống’. Và Thiên Chúa đã xuống, hiện diện nơi Chúa Con: ‘Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Người Con’.