CHÚA NHÂT XIII THƯỜNG NIÊN A
Đạo công giáo chúng ta đề cao lòng hiếu khách: kinh “thương người có 14 mối”có một mối liên can tới sự hiếu khách đó là “Thứ năm cho khách đỗ nhà”. Trong Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy: “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy và kẻ nào đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
Chúng ta thấy hai môn đệ đi làng Emmaus có lòng hiếu khách khi mời Chúa Giêsu bằng lời như sau: “Mời Ông ở lại với chúng tôi vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Chúa Giêsu thưởng công cho lòng hiếu khách của hai môn đệ nên đã vào nhà với hai ông nhất là còn bẻ bánh trao cho hai ông, nhờ vậy hai ông mới nhận ra Chúa và lòng hai ông đang buồn sầu thất vọng được sốt sắng lên và tràn đầy niềm vui (Cf Lc 24, 13-35)
Chúa Giêsu cho biết đón tiếp môn đệ cũng là đón tiếp chính Chúa và Chúa còn đẩy cao hơn tới mức tối đa là được đón tiếp Đấng sai Chúa Giêsu tức là tiếp chính Chúa Cha.
Tuy nhiên việc đón tiếp cũng đòi chúng ta phải hi sinh, có thể là hi sinh về thời giờ, công sức và có khi tiền của nữa, nhưng thế nào cũng được Chúa thưởng: Chúa không để kẻ đón tiếp phải chịu thiệt thòi nhưng sẽ đền bù cho họ nhiều hơn điều họ mong đợi như trong bài đọc thứ nhất chúng ta nghe chuyện một bà sang trọng ở Sunam đón tiếp tiên tri Êlisê cách chân tình và trọng thị nên đã được tiên tri cầu xin Chúa cho điều bà mong mỏi nhất là có được đứa con trai. Chúa quả quyết: cho môn đệ Chúa một bát nước lã cũng được Chúa trả công xứng đáng. Chúa Giêsu đi qua nơi nào thì Chúa thi ân giáng phúc tới nơi đó; các môn đệ thay mặt Chúa cũng đem ơn phúc đến cho những người đón tiếp họ, đặc biệt là ơn bình an khi Chúa dạy tới nhà nào thì hãy chúc Bình an cho nhà đó!
Nếu ta tài hèn sức mọn không thể rao giảng, không thể lãnh đạo được nhưng ta có thể giúp các môn đệ Chúa được, có khi Chúa đồng hóa họ với những kẻ bé mọn thậm chí là các trẻ em nữa cho nên Chúa nói trong Tin Mừng hôm nay: “Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính”. Cha Hồ Thông giải thích đón tiếp tiên tri tức là nay khi chúng ta đón tiếp các linh mục, tu sĩ đi truyền giáo và đón tiếp người công chính là đón tiếp những giáo dân tham gia việc truyền giáo. Đón tiếp họ được Chúa ban phần thưởng ngang bằng với họ.
Đón tiếp các môn đệ Chúa trong thời buổi bình an có lẽ không khó lắm nhưng nếu đón tiếp trong thời kì Đạo Chúa bị bách hại cấm cách thì quả là hi sinh rất lớn! Thánh Anrê Kim Thông và bà thánh Inê Đê vì đón tiếp cho cha cố trú tại nhà mình nên đã bị vua quan bắt và cả hai đã được phúc tử đạo. Nhưng cũng nhờ đó mà Giáo hội Việt nam có thánh Anrê Kim Thông được chọn làm Bổn mạng Hội đồng Mục vụ và thánh Inê Đê hiện là vị thánh nữ duy nhất được phong thánh và nhiều nơi cũng nhận làm bổn mạng hội Bà Mẹ Công giáo.
Câu chuyện: Thánh Madalena Moranô: ngày 05/11/1994 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước cho Madalena Moranô, một nữ tu dòng Đức Mẹ Phù hộ. Hồi còn nhỏ gia đình em gặp nạn lớn là chỉ trong một tháng cả cha và chị cả đều qua đời để lại mẹ và 4 đứa con. Khi đó Madalena mới có 8 tuổi, em an ủi mẹ: “Mẹ đừng khóc nữa, con sẽ giúp mẹ”. Rồi em đã ngồi vào bàn dệt tơ thay cho chị. Nhưng may mắn sau có một linh mục là anh họ của mẹ thấy hoàn cảnh như vậy đã giúp đỡ gia đình và trả học phí cho Madalena đi học, 10 năm sau Madalena tốt nghiệp và trở thành cô giáo đi dạy học có lương giúp mẹ và các em, hơn nữa trong suốt những năm dạy học, cô còn dành dụm được số tiền mua một mảnh vườn có đất trồng nho và trồng rau mà mẹ chị rất mong ước. Nhưng thật bất ngờ sau khi tặng vườn nho cho mẹ thì cô xin đi tu khi đó 30 tuổi. Mẹ cô rất tiếc nuối nhưng vẫn phải gạt nước mắt để con đi theo Ơn gọi của mình. Năm 1881, Sr được Nhà Dòng gởi tới đảo Sicilia lo việc giáo dục và đã đem lại nhiều kết quả cho các thanh thiếu nữ, các phụ nữ nghèo thuộc tầng lớp lao động. Sr mở trường học, nguyện xá, lưu xá và trường dạy nghề trên đảo này. Sr qua đời năm 61 tuổi sau 30 năm tu trì kết thúc cuộc đời làm sáng danh Chúa và giúp ích cho những người nghèo khổ.
Thánh Phanxicô Assidi đã nói lên cảm nghiệm của ngài: “chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh”. Mỗi người kitô hữu chúng ta đón nhận lời Chúa dạy có lòng hiếu khách không chỉ vì xã giao mà tin rằng đón tiếp các môn đệ của Chúa và cũng là đón tiếp chính Chúa nơi các người truyền giáo và nơi những anh em nghèo khổ, những người bị bỏ rơi như lời Chúa dạy: “Mỗi lần các con làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta (Mt 25,40)”. Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn