Liên đới trong đức ái: Một khái niệm nền tảng hôm nay

Thứ bảy - 18/01/2025 07:58  74
LIÊN ĐỚI TRONG ĐỨC ÁI: MỘT KHÁI NIỆM NỀN TẢNG HÔM NAY


Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật II Thường niên C
Is 62,1-5; Tv 96; 1 Cr 12,4-11; Ga 2,1-11

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Americamagazine.org


Trong những ngày gần đây, hình ảnh thành phố Los Angeles chìm trong “bão lửa”  đã lan truyền khắp thế giới. Ngay cả Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã gửi những lời phát biểu cá nhân đến thành phố hiện đại tuyệt vời này, và cầu nguyện cho tất cả các nhân viên cứu hộ và những ai cần sức mạnh nơi Chúa. Sự tàn phá vẫn tiếp tục là một điều khó hiểu đối với nhiều người. Chúa ở đâu trong mọi biến cố như vậy? Tuy nhiên, điều dễ dàng hơn là nhận ra sự hiện diện của Chúa qua hành động của mỗi thành viên trong xã hội, những người sẵn lòng chung tay góp sức để tái thiết cộng đồng này. Lửa thật sự là sự tàn phá, nhưng từ lâu đã được Kinh thánh sử dụng như một biểu tượng của Chúa Thánh Thần tuôn đổ xuống để củng cố cộng đoàn.

Trong bài đọc II của Chúa nhật tuần II mùa Thường niên, thánh Phaolô viết cho một cộng đoàn Kitô hữu sơ khai sống tại thành phố cổ Côrintô rộng lớn. Ngài quan tâm đến sự hiệp nhất của các Kitô hữu như một thân thể duy nhất của Đức Kitô. Ngài nhấn mạnh rằng các ơn huệ của Chúa Thánh Thần phải giúp cộng đoàn hiệp nhất lại thành một thân thể. Tuy nhiên, sự cạnh tranh và hiểu lầm về các ơn huệ này lại đe dọa chia rẽ cộng đoàn. Bằng cách giúp các tín hữu Côrintô nhận thức rõ vai trò của họ như là những chi thể trong một thân thể, thánh Phaolô tiếp tục dạy cho các Kitô hữu hôm nay về sự kiên cường và tinh thần cộng tác.

Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô là một bức thư quý giá cho thấy cái nhìn vô giá về đời sống trong Giáo hội sơ khai. Mục đích chính của thư này là đề cập đến các chia rẽ trong Giáo hội, trả lời các câu hỏi và đối diện với các vấn nạn khi qui tụ cử hành phụng vụ. Sau phần nói về Bí tích Thánh Thể, thánh Phaolô bắt đầu đề cập đến vấn đề các ơn huệ thiêng liêng, được gọi là “các đặc sủng” theo tiếng Hy Lạp. “Có nhiều hồng ân khác nhau,” thánh Phaolô dạy, “nhưng vẫn là một Thánh Thần” (1Cr 12,4). Các ơn huệ được nhắc đến ở đây là những ơn được ban cho một cách nhưng không và là ân sủng từ trời cao. Các tín hữu Côrintô thấy khó giải quyết với một ơn huệ đặc biệt, đó là ơn nói tiếng lạ, liên quan đến khả năng tiên tri và giải thích sứ điệp. Thánh Phaolô nói: “Có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng, người khác được ơn giải thích các thứ tiếng” (1Cr 12,10). Nhưng cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều đó.

Ngay cả ngày nay, có những Kitô hữu thuộc các nhóm tôn giáo tìm kiếm các ơn huệ Thánh Thần trong các cộng đoàn cầu nguyện đặc sủng. Tôi nhớ đã tham dự các hội nghị đặc sủng ở Los Angeles, nơi tôi lớn lên. Những buổi qui tụ này nhấn mạnh về cầu nguyện và đời sống tâm linh, và họ thường trích dẫn bài đọc II của Chúa nhật này như một lý do biện minh cho ơn nói tiếng lạ, xem đó là một hình thức cầu nguyện cộng đoàn. Tuy nhiên, thiếu sót trong lối sử dụng Kinh thánh này là thường không đề cập đầy đủ bối cảnh trong thư Phaolô. Một mặt, thánh Phaolô nhắc nhở cộng đoàn lúc bấy giờ và hôm nay rằng họ phải "tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất" của Thánh Thần. Mặt khác, thánh Phaolô nhanh chóng tiếp nối lời khích lệ đó bằng một lời mời gọi sâu sắc hơn: "Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả" (1Cr 12,30-31). Chỉ khi đó, ngài mới mô tả về tình yêu Agape, đôi khi gọi là đức ái, tình yêu hy sinh đặc trưng của người môn đệ Chúa Kitô (1Cr 12,31-13,13).

Mối quan tâm của thánh Phaolô là sự hiểu lầm của các tín hữu Côrintô về các ơn huệ thiêng liêng của sự phân định và cầu nguyện. Thánh Phaolô cảnh tỉnh họ hãy ghi nhớ tình bác ái. “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến,” Ngài tiếp tục, “thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng” (1Cr 13,1). Lòng bác ái đối với tha nhân có khả năng che lấp nhiều thiếu sót trong một cộng đoàn. Ngay cả trong Tin mừng của Chúa nhật này kể về tiệc cưới tại Cana, chúng ta thấy một cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Mẹ Ngài, trong đó Ngài ngần ngại không muốn tỏ mình khi chưa sẵn sàng. Mẹ Maria vẫn hy vọng vào tình yêu bác ác của Chúa Giêsu đối với các khách mời trong tiệc cưới, “Người bảo gì, anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Điều này đã thúc đẩy Chúa Giêsu hành động thay mặt bạn hữu của Ngài, và Ngài bảo người phục vụ bữa tiệc: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi” (Ga 2,7).

Sự tàn phá lịch sử của thành phố Los Angeles kêu gọi sự hy sinh bác ái. Tình yêu thương đối với anh chị em cao quý hơn tất cả các ơn huệ thiêng liêng mang vẻ thần bí về bản chất. Thực tế, bác ái được thực hành trong cộng đoàn là dấu chỉ chân thật về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới vật chất. Ước mong chúng ta, những người mang Thánh Thần trong một thân thể duy nhất của Chúa Kitô, cùng nhau chăm sóc những anh chị em đang chịu đau khổ.



Cầu nguyện:
Thực hành cầu nguyện nào giúp chúng ta mở rộng trái tim đối với anh chị em của mình?

Làm thế nào để lời cầu nguyện dẫn đưa chúng ta đến tình yêu thương với anh chị em ?

Tình yêu bác ái có thể vừa thực tế  vừa thần bí siêu nhiên được không?

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập88
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm68
  • Hôm nay13,220
  • Tháng hiện tại425,104
  • Tổng lượt truy cập54,325,513

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây