ĐẤNG CỨU THẾ KHÔNG NHƯ LOÀI NGƯỜI NGHĨ TƯỞNG
Ông Gioan ngồi trong tù, nghe biết những việc Đức Giêsu làm, liền sai hai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi phải đợi ai khác?”(Mt 11,2-3).
Thánh Gioan là vị tiền hô, báo trước, dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Chắc chúng ta cảm thấy lạ lùng và thắc mắc, tại sao Gioan lại phải hỏi Đức Giêsu có phải là Đấng Cứu Thế hay không.
Quả là có nhiều sai lệch với những lời mà Gioan đã công bố trước dân chúng, rằng: Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và đã làm chứng cho Ngài: “ Tôi đã thấy Thánh Linh như thể bồ câu bởi trời mà xuống và đậu trên Người.”(Ga 1,33). Gioan cũng đã giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” cho hai môn đệ.
Vậy thì lý do gì mà Gioan nay đang ở trong tù lại hỏi Đức Giêsu có phải là Đấng phải đến hay không?
Tôi đọc một số chú giải thần học Kinh Thánh, thì một số tác giả nói là: Gioan chỉ giả vờ hỏi mà thôi, chứ ngài biết rõ Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Ngài chỉ giả vờ và sai các môn đệ đi hỏi để cho các môn đệ được gặp gỡ trực tiếp, tai nghe mắt thấy việc Chúa Giêsu làm mà tin vào Ngài; đồng thời Gioan cũng làm cho các môn đệ của mình không còn đem lòng ghen tỵ với các môn đệ của Chúa Giêsu. Giải đáp thứ nhất này cho rằng Gioan Tẩy giả chỉ giả vờ cho đi hỏi chứ Gioan biết rõ Đức Giêsu là Đấng cứu thế. Giải thích này không làm cho những lời chứng của Gioan về Chúa Giêsu không bị trái ngược.
Tuy nhiên, với sự khảo sát Kinh Thánh chặc chẻ sâu xa hơn, các nhà thần học thấy rằng giải thích trên không thực tế, có vẻ khôn ngoan hay thần thánh hóa một vị tiên tri như Gioan. Trở về với bối cảnh lịch sử thời đó thì thấy câu hỏi của Gioan là một câu hỏi thành thật, chứ không giả vờ. Câu hỏi của Gioan phản ảnh đúng tâm trạng băn khoăn lo lắng của một sứ giả của Thiên Chúa.
Trong tù khi “nghe biết những chuyện Đức Giêsu làm” thì Gioan bỡ ngỡ. “Bỡ ngỡ” vì những chuyện Đức Giêsu làm không đúng như điều Gioan đã biết, đã nghĩ tưởng. Hình ảnh một Đấng cứu thế trong tâm trí của Gioan thật khác hẳn. Theo những lời tiên tri mà Gioan căn cứ vào thì Đấng Cứu Thế sẽ chiến thắng vinh quang, sẽ trừng phạt, tiêu diệt kẻ hung ác, tiêu diệt sự bất công, mở ra một Nước Thiên Chúa, nước thái bình thịnh vượng và công bằng trên quả đất này.
Chính Gioan đã mạnh mẽ rao giảng rằng Nước Thiên Chúa đã gần bên, phải ăn năn sám hối ngay tức khắc mới được ở trong Nước Chúa, còn nếu không sẽ bị tiêu diệt. “Cái rìu đã đặt sát gốc cây; thóc tốt sẽ thu vào lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lữa không hề tắt” (x. Mt3,10-12). Lời cảnh báo của Gioan rất mạnh mẽ và dân đã tin vào Gioan. Dân Do Thái tuôn đến nghe Gioan rao giảng và xin chịu phép rửa ở sông Gio-đan, kể cả các quân lính và các luật sĩ, biệt phái.
Hình ảnh Đấng Cứu Thế nơi Gioan cũng giống như ở những người Do Thái khác. Đó là một Đấng đến trong mạnh mẽ oai hùng đầy quyền lực. Vì thế Gioan đâm ra nghi ngờ thắc mắc khi nghe biết về những việc Chúa Giêsu đang làm. Ngài đã không làm những điều mà Gioan nghĩ đến và mong đợi. Cụ thể như Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế thì hẳn Ngài đã giải thoát Gioan ra khỏi ngục tù và giết vua Hêrôđê, đầy tội ác kia đi chứ. Cái rìu đã đặt sát gốc cây, sao Đấng cứu thế không chặt, nếu Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Sao Đấng Cứu thế không trừ gian diệt bạo, không trừng phạt ai. Ngược lại, Ngài còn ngồi cùng bàn ăn uống với kẻ tội lỗi. Gioan rất băn khoăn thắc mắc, và tự hỏi: Phải chăng mình đã sai lầm lớn, và đã gây một sai lầm lớn cho dân. Gioan không chịu đựng được sự dày vò trong tâm trí mình nữa nên sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu “Ngài có phải là Đấng phải đến không, hay còn chờ một Đấng nào khác”.
Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của Gioan là “phải”hay là “không phải”. Ngài nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe” Câu trả lời của Chúa Giêsu gợi ý cho Gioan thấy Ngài chính là Đấng dân Do Thái mong đợi nhưng đồng thời cũng cho thấy Ngài là “một Đấng khác”, rất khác với hình ảnh Đấng Cứu Thế mà họ mong chờ.
Câu trả lời của Chúa Giêsu mời gọi Gioan suy nghĩ đến lời ngôn sứ Isaia tiên báo về Đấng Cứu Thế: “Kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Nếu như Gioan đã căn cứ vào một số lời tiên tri mong đợi một Đấng Cứu Thế trừng phạt, quyền năng vinh quang, thì Chúa Giêsu cũng chỉ cho Gioan thấy, căn cứ trên những lời tiên tri Isaia, thì Đấng Cứu Thế cũng là Đấng Đầy tình thương và tha thứ. Cuối cùng Chúa Giêsu cũng gợi ý cho Gioan thấy rằng một Đấng Cứu Thế khiêm tốn như thế có thể gây vấp phạm: “Phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.
Chúa Giêsu quả là một Đấng Cứu Thế kỳ lạ. Ngài không giống như là một Đấng Cứu Thế mà người ta mong đợi: Đấng Cứu Thế trừng phạt kẻ gian ác, lật đổ áp bức bất công, đem lại những giải pháp kinh tế tuyệt hảo để mau giàu có; Đấng Cứu Thế có chiến lược an ninh tốt nhất để bảo đảm hòa bình hạnh phúc. . . Câu hỏi của Gioan và các môn đệ cũng là câu hỏi của nhiều thế hệ trong lịch sử nhân loại mong đợi Đấng Cứu Thế, dù đó có thể là Đấng Cứu thế của triết học, của chính trị hay xã hội. Câu hỏi của Gioan cũng là câu hỏi của những người đang yếu đức tin, hay của những người mong đợi một câu trả lời cho những băn khoăn thắc mắc của mình về sự cứu độ trong những tôn giáo khác. Câu trả lời duy nhất về Đấng Cứu Thế chỉ có thể có trong chương trình tình thương của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Đấng đã đến gặp gỡ tiếp xúc và liên đới với những người nghèo đói, người đau khổ, kẻ tội lỗi... để mang lại cho họ niềm vui của Tin Mừng Cứu Độ.
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng
Nguồn giaoluatconggiao.com