Thứ hai Tuần III Mùa Vọng
Sự Thật và là nguyên do của tất cả
Sau khi thanh tẩy đền thờ, Đức Giêsu giảng dạy và các đầu mục trưởng lão trong dân hỏi Ngài: Ông lấy quyền gì mà làm những điều đó? Ai đã cho ông quyền đó? Họ vặn hỏi Đức Giêsu không phải để đi tìm chân lý nhưng để làm cho Ngài phải lúng túng với lối lý luận vòng vo và ác ý của họ. Họ muốn dẫn Ngài đến chỗ chống đối lại lề luật.
Biết rõ ý họ, Đức Giêsu vào ‘cuộc chơi’ và Ngài cũng đặt ra cho họ một câu hỏi: ‘Phép rửa của Gioan bởi đâu mà đến? Bởi trời hay bởi loài người? Để trả lời cho những câu hỏi ấy, không thể không đưa ra một lập trường, ủng hộ hay chống lại Gioan, mà dân chúng xem như là vị ngôn sứ của Thiên Chúa. Cũng là thách đố cho con người, theo Đức Giêsu hay chống lại Ngài. Đức Giêsu lợi dụng mọi cơ hội để bày tỏ căn tính đích thực của Ngài, nhưng thủ lãnh các tư tế và trưởng lão vẫn khép kín trong chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi của họ.
Ngày ngày họ nghe giáo huấn của Ngài, nhìn thấy phép lạ Ngài làm, thấy chứng từ của Gioan và họ còn thông hiểu kinh thánh nữa, thế nhưng họ không biết giải thích ‘ngày hôm nay’ của Thiên Chúa. Sự mù lòa trầm kha nhất là sự mù lòa của ý muốn: họ không muốn thấy vì họ cho rằng mình đã biết quá rõ về Đức Giêsu.
Hãy suy tư về những cách thức Đức Giêsu đến gặp ta mỗi ngày và nói với ta, với tất cả quyền năng của Ngài: trong Thánh Thể, trong Kinh Thánh, qua những con người và những biến cố. Ta hãy khiêm tốn cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con ánh sáng để con nhận ra Ngài là Sự Thật và là nguyên do của tất cả.
Thứ ba Tuần III Mùa Vọng
Lời nói và hành động
Cuộc đối thoại ngày hôm qua của Đức Giêsu với các tiến sĩ luật, được tiếp nối trong đoạn tin mừng hôm nay: dụ ngôn hai người con. Phản ứng đầu tiên của ta khi nghe câu chuyện trên: Có thì nói có, không thì nói không. Hình như chẳng có ai theo.
Một người con nói ‘Vâng, vâng’ nhưng không làm gì cả, còn người kia nói ‘không’ nhưng sau đó lại hồi tâm suy nghĩ rồi đi làm. Thực hiện công việc mà cha anh giao cho anh. Xét kết quả, ta nhận ra ngay rằng Đức Giêsu luôn thi hành ý Chúa Cha. Các luật sĩ đứng trước một tấm gương soi. Một sự biện phân đạo đức hay một diễn văn thánh thiện có ích chi khi vẫn còn thiếu nhất quán giữa lời nói và hành động?
Thứ tư Tuần III Mùa Vọng
Thánh Gioan Thánh Giá sinh tại Fontiveros, Tây ban Nha, năm 1542. Chết tại Ubeda ngày 14.12.1591. Là một trong những vị thầy dạy vĩ đại và chứng nhân của đời sống thần nhiệm. Vào dòng Kín, Ngài được huấn luyện nhân bản và thần học. Cùng chia sẻ với Thánh Têrêxa Avila chương trình canh tân Dòng Kín. Chúa đã để cho Ngài chịu đựng thử thách là những thiếu thông cảm từ nơi các anh em trong dòng. Trong cuộc hành trình thập giá này, Ngài chấp nhận tất cả chỉ vì tình yêu, ngài đã có những thị kiến được diễn tả qua các tác phẩm ‘Lên núi Carmel’, ‘Đêm tối tâm hồn’, ‘Bài ca của tâm hồn’, ‘Cháy lửa tình yêu’. Là nhà hướng dẫn nhiều thế hệ các tâm hồn đến chiêm niệm và kết hiệp với Thiên Chúa.
Đấng phải đến
Gioan Tẩy Giả bị giam tù. Có lẽ ông ít nhiều cam chịu cái chết. Nhưng vấn nạn dày vò ông là muốn biết tất cả những gì ông làm và giảng dạy có ý nghĩa gì không? Đấng mà ông chuẩn bị dọn đường cho thực sự có phải là Đức Giêsu Nagiarét. Vì thế mà ông sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu.
Điều đó cho thấy không phải ông Gioan hoàn toàn nghi ngờ, nhưng điều ông muốn là phải hoàn toàn chắc chắn, bảo đảm. Nên ông sai môn đệ đi hỏi: ‘Ngài có phải là Đấng phải đến không? Đức Giêsu không trả lời bằng một câu đơn giản ‘vâng chính ta đây’, nhưng ngài lại gợi cho các môn đệ về những việc Ngài làm. Là những tín hữu biết rõ kinh thánh, họ hiểu ngay là giờ cứu độ đã đến. Việc Đấng Messia đến và khởi đầu thời gian ơn cứu độ được loan báo bằng những dấu chỉ mà Isaia đã nói trước.
Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng
Gioan Tẩy Giả là ai đối với Đức Giêsu và những người đồng hương của ngài? Người ta đi tìm gì trong hoang địa?
Đức Giêsu tìm cách đề cao nhân vật Gioan Tẩy Giả, nghĩa là làm cho dân chúng có khả năng trả lời cho câu hỏi này. Ngài hỏi họ ba lần: Người ta mong chờ xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Hẳn là không, chẳng ai quan tâm điều ấy. Điều người ta mong chờ nơi Gioan Tẩy Giả cũng không phải là một con người nịnh hót họ nhưng trái lại, là lời mời gọi sám hối của ông tận sâu bên trong. Họ cũng không thể mong chờ một con người ăn mặc xa hoa, họ chắc phải tìm gặp một con người như thế ở nơi khác. Nên họ đi tìm gặp một con người của Thiên Chúa, một vị ngôn sứ. Và Đức Giêsu quả quyết: còn hơn cả ngôn sứ nữa! Là người sau cùng đến chuẩn bị cho ngài một con đường. Đức Giêsu càng nhấn mạnh đến sự cao trọng của Gioan bao nhiêu thì ngài càng muốn lưu ý đến sự khác biệt giữa ngài và Gioan bấy nhiêu.
Gioan ở đây là vì Đức Giêsu chứ không phải ngược lại. Nhưng điều quan trọng là lời loan báo Nước Thiên Chúa.
Thứ sáu Tuần III Mùa Vọng
Trong tin mừng hôm nay chúng ta còn gặp một lần nữa nhân vật Gioan Tẩy Giả, và sự khác biệt giữa Đức Giêsu và ông.
Đức Giêsu vẫn diễn tả sự cao trọng và tính cách độc đáo của Gioan và lời chứng của ông vì tình yêu Thiên Chúa và loài người. Bởi lẽ lời chứng này giúp họ nhận biết Đấng Cứu Thế đích thực, hoặc sự thật hiện diện nơi Đức Giêsu và các công việc ngài làm. Vì thế hình ảnh sánh ví Gioan như ngọn đèn. Bởi vì Gioan có sứ mạng soi sáng cho những người đương thời, ông chỉ là ngọn đèn chứ không phải là ánh sáng thế gian. Ông thu hút mọi người đến với ông, nhìn vào ông…nhưng sự vui thỏa ấy không kéo dài lâu. Chỉ như ánh lửa rơm. Ánh sáng đích thực và trường tồn chính là Đức Giêsu.
Thứ bảy Tuần III Mùa Vọng
Ngày 17.12
Đấng Khôn Ngoan
Từ ngày 17 đến 23 tháng 12 các điệp ca tin mừng của giờ Kinh Chiều khởi đầu bằng một tán thán từ ‘Lạy Đấng..’, để diễn tả tâm tình tán tụng, ngợi khen. Là những lời khẩn cầu tha thiết của Giáo Hội dâng lên Đấng Cứu Độ mình. Hàm chứa tất cả cốt tủy phụng vụ Mùa Vọng. Là những lời ca tụng những khía cạnh thiên sai khác nhau của Đức Giêsu.
Hôm nay chúng ta chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Thế là Đấng Khôn Ngoan Thượng Trí. Xin Ngài hướng dẫn chúng ta trên con đường khôn ngoan.
Mười bảy câu đầu tiên của tin mừng Mathêô gồm một danh sách dài tên các nhân vật. Gia phả bắt đầu từ tổ phụ Abraham, người cha trong đức tin, cho đến Đức Kitô, dòng tộc Davít. Theo ngôn ngữ kinh thánh, nên biết rằng đàng sau mỗi cái tên là cả một lịch sử, xem chừng ra rời rạc, đan xen những lo toan, đau khổ, của sự thánh thiện và của những lần bội phản, của mong chờ và hy vọng, nhưng kết thúc bằng một cái nhìn thần học về lịch sử, tất cả đều gắn kết vào một biến cố, vào một con người, Đức Kitô. Những dự tính của Thiên Chúa đều có những lối đường riêng, đi vào giữa cuộc sống đời thường của con người, có nhiều lúc xem ra bị đảo lộn, bị bóp méo đi, nhưng cái kết thúc trong đức tin vẫn luôn là một: điều Thiên Chúa muốn, Ngài thực hiện cả dưới đất cũng như trên trời. Thiên Chúa là Chúa của lịch sử và mỗi một Noel đến, thực tại ấy lại càng hiển nhiên hơn. Khi lịch sử cuộc đời mỗi người chúng ta hầu như rơi vào vực thẳm của sự dữ, chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa cứu chúng ta, sẽ can thiệp và cứu thoát chúng ta, dù ta đang phải sống trong tình trạng tồi tệ nhất.