Suy niệm Thánh Vịnh 130 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ bảy - 04/11/2017 22:56  2616
Suy Niệm Thánh Vịnh 130
1 Ca khúc lên Đền. Của vua Đa-vít.
            Lòng con chẳng dám tự cao,
            mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi !
            Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
            việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu ;
2          hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng,
            giữ sao thanh bình.
            Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
            trong con, hồn lặng lẽ an vui.
3          Cậy vào CHÚA, Ít-ra-en ơi, 
            từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.
Khiêm tốn…không kiêu căng…trong lòng, trong đôi mắt, trong hành động
Hình ảnh: trẻ thơ trong vòng tay mẹ. Tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa, như người mẹ yêu thương ta.
Cùng Đọc Với Israel
Đây là một thánh vịnh hành hương. Người ta hát để diễn tả sự thỏa mãn của khách hành hương, sau những lễ nghi ồn ào, giờ đây một mình trước mặt Thiên Chúa trong thinh lặng. Khi lên Giêrusalem, người do thái không thể không cảm thấy nổi nhớ nhung thương tiếc những thời huy hoàng ngày xưa dưới triều Đavít và Salomon. Khi cầu xin thanh bình cho Giêrusalem, vẫn còn trong lòng giấc mơ về sự thống trị. Đấng Messia tương lai không phải là khôi phục lại nền quân chủ Đavít sao?
Ở đây ta nghe một Israel thanh thản, khước từ mọi hy vọng bành trướng chính trị, và chỉ bằng lòng được làm dân yêu quý của Thiên Chúa. Khước từ cả những việc lạ lùng thời Xuất Hành tái thực hiện làm nên ích lợi. Chỉ hạnh phúc được làm một trẻ thơ được yêu.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Mầu nhiệm Noel rất quen thuộc với hình ảnh mẹ-con.
Chẳng bao giờ ta có thể suy ngắm cách đầy đủ hình ảnh này! Dù quen thuộc, thân quen nhưng hình ảnh ấy không chút tầm thường, dưới bầu trời, nơi mọi dân tộc, nơi kẻ giàu cũng như người nghèo. Một em bé trong vòng tay mẹ, điều ấy hình như rất tự nhiên, trần tục. Nhưng từ khi Con Thiên Chúa làm người nằm trong vòng tay Mẹ Maria, thực tại khiêm tốn ấy đã mặc lấy một đặc tính thánh thiêng: mạc khải về Thiên Chúa ẩn chứa trong hình ảnh thánh này.
Sau này, Đức Giêsu đã giải thích mạc khải này khi trình bày Thiên Chúa như một người cha, như một người mẹ: ‘Đừng lo…hãy lo tìm Nước Thiên Chúa, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho…vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của người cho anh em’ (Lc 12,22.32).
Ta nhớ Đức Giêsu khuyên bảo những người trưởng thành là mỗi người chúng ta phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa như một trẻ thơ: ‘Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời’ (Mt 18,3).
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Hòa bình, thanh thản, yên lặng. Thế giới hiện nay là một thế giới của bạo lực, của tiếng động, của tốc độ gia tăng. Có lẽ chính đó là lý do mà nhiều người khao khát sự thanh thản.
Khổ thơ đầu của thánh vịnh cũng đề cập đến hòa bình, mời gọi ta sống thực tế. Hòa bình đòi hỏi một thứ chinh phục. Thanh thản tâm hồn được xây dựng bằng việc loại trừ những giao động. Cần phải từ bỏ lòng tự cao, mắt tự hào, việc diệu kỳ vượt sức. Cần từ bỏ những lo âu quá sức, những ước ao làm xao động tâm hồn. Bình an của Thiên Chúa trước tiên không phải là điều xuất phát từ một cuộc sống không có lo âu và thử thách. Nhưng là điều xuất phát từ những hoàn cảnh phá hủy. Một sự thất vọng đè bẹp tôi. Một thất bại, một mất mát, một bệnh tật, một tang chế. Sự cay đắng xâm chiếm lòng ta lâu dài. Đó là tất cả những gì đang tấn công nột tâm ta và có thể phá hủy sự an bình của ta. Chính ngay giữa những hoàn cảnh ấy mà cần phải để phát sinh hòa bình từ trời cao.
Lời cầu nguyện thinh lặng.  Trong thư thứ ba của cộng đoàn những người trẻ Taizé, một sứ điệp gởi đến chúng ta:
‘Những ai đã chọn Đức Kitô biết rõ đâu là nguồn mạch cần phải kín múc để sống đối mặt với nguy hiểm: ‘Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất’ (Mc 8,34). Vì Đức Kitô, hoặc có tất cả hoặc mất tất cả.
‘Cầu nguyện không bao giờ chỉ là một tiến trình của tri thức. Nó đòi hỏi phải dấn thân toàn thể con người. Cầu nguyện cúi đầu chạm đất là nối kết sự phục lạy của hàng ngàn con người muốn diễn tả ý muốn hiến dâng cả xác, hồn mình.
‘Nơi một góc riêng, dù rất bé nhỏ, cũng là cửa mở vào sự cầu nguyện. Quan trọng không kém khi ta tìm cho mình trong một nhà thờ một không gian riêng như một ốc đảo cho việc cầu nguyện.
Thiên Chúa không yêu cầu ta tài ăn nói. Đặt mình trong những giờ thinh lặng dài, trong đó hình như chẳng có gì xảy ra, nhưng thực sự ta đang tự xây dựng nội tâm chính mình, có khả năng đi vào những giây phút sau cùng của Đức Kitô…’ (Mt 27,45-54; Lc 23,33-49).
Điều mà các người trẻ này đã khám phá và khuyến dụ ta chính là điều mà thánh vịnh này đã nêu lên: hồn con…giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình.
Trong nhà ta có một góc dành riêng cho việc cầu nguyện không? Có khi nào ta tìm cho mình một tư thế cầu nguyện và giữ tư thế ấy trong an bình trước mặt Thiên Chúa không?
Tuổi thơ. Đây là một trong những đề tài ưa thích trong văn chương mọi thời, cách riêng trong thời đại chúng ta. Tính đơn sơ, thơ ngây, vô tội của trẻ thơ. Nhưng nhất là thái độ rất đặc biệt của trẻ thơ nép mình lòng mẹ, ngay khi một nguy hiểm thực sự hay tưởng tượng xuất hiện. Em bé biết mình sẽ được bảo vệ, che chở, an toàn.
Khoa phân tâm học đã phân tích cách tuyệt vời việc ‘trở về lòng mẹ’ này, nơi ấm áp, sống động, đầy chất dinh dưỡng, Chouraqui ưa lập lại rằng, đối với Israel Thiên Chúa là lòng mẹ bao la từ đó phát xuất mọi sự sống. Nếu ta cầu nguyện với thánh vịnh này, ta tự đặt mình như một trẻ thơ nép mình lòng mẹ. Quả thực là thế vì chúng ta luôn ở trong lòng của Thiên Chúa.
Người mẹ ru con trong vòng tay mình. Những mối tương quan gia đình có thể nói với ta nhiều về Thiên Chúa. Ngay cả những cử chỉ âu yếm của các con vật mẹ, cũng có thể nói với ta về Thiên Chúa.
Mọi người mẹ trong thế giới đều cố gắng mang hạnh phúc cho con mình, đều hy sinh cho người mình yêu, đều chẳng thấy nặng nhọc, suốt cả ngày đời mình nhằm phục vụ người khác…đang làm điều mà Thiên Chúa không ngừng thực hiện. Những bổn phận hàng ngày này có thể trở nên môi trường thuận lợi cho sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Chẳng mong ước gì ngoài Thiên Chúa. Một trong những bài học mà hình ảnh trẻ thơ nép mình lòng mẹ mang lại cho ta, đó là nó chẳng ước mong gì khác: nó đang sống tốt.
Thế giới phật giáo đông phương có thể giúp ta giảm thiểu những ao ước của ta. Đôi lúc ta nghĩ xấu về thái độ này. Đừng quên rằng thái độ này đã giúp cho hàng triệu người đói khổ sống và họ chứng tỏ họ hơn hẳn những người tây phương khi sống như những con người của hòa bình, của thanh thản. Ta biết rằng nhiều đau khổ của ta đến từ những ao ước không được thỏa mãn. An bình tâm hồn có được nhờ việc làm chủ và giảm thiều những ao ước vô ích của ta.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome II
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
 
 
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập233
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm215
  • Hôm nay29,695
  • Tháng hiện tại648,821
  • Tổng lượt truy cập51,061,428

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây