CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN A
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm A nhấn mạnh “Mến Chúa và Yêu Người là một”.
Xh 22: 20-26
Trong Bài Đọc I, trích từ “Bộ Luật Giao Ước” của sách Xuất Hành, Thiên Chúa đòi hỏi dân Ngài phải thực hành đức ái đối với những người khốn khổ nhất: ngoại kiều, mẹ góa con côi, người túng thiếu. Ngài tự đồng hóa mình với họ: “Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ”.
1Th 1: 5-10
Thánh Phao-lô khích lệ các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca và ca ngợi đức tin kiên vững của họ: dù chỉ vừa mới đón nhận Tin Mừng, họ đã phải chịu trăm chiều gian nan thử thách.
Mt 22: 34-40
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su hiệp nhất hai giới luật mến Chúa và yêu người làm một.
BÀI ĐỌC I (Xh 22: 21-27)
Bản văn nầy được trích từ “Bộ Luật Giao Ước” của sách Xuất Hành. Bộ luật nầy phản ảnh thời kỳ dân Do thái không còn sống cuộc đời du mục nữa, nhưng định cư lập nghiệp ở đất Ca-na-an. Vì thế, Người ta có thể ấn định niên biểu của bộ luật này vào thời hậu Mô-sê, chính xác hơn vào những giai đoạn đầu tiên của thời kỳ định cư, trước khi tổ chức thành một quốc gia, tức vào thời Thủ Lãnh, khoảng năm 1200 và 1030 trước Công Nguyên. Đây là luật của một xã hội chăn nuôi và nông nghiệp. Bộ luật được đặt vào trong bối cảnh “Trên núi Xi-nai, Chúa phán với dân Ít-ra-en”. Đây là hư cấu văn chương được dùng để nhấn mạnh rằng bộ luật nầy vẫn ở trong tinh thần Luật Mô-sê và chỉ là khai triển Luật Mô-sê.
Trên bình diện hình thức, “Bộ Luật Giao Ước” nầy có nhiều quan hệ thân cận với các luật của miền Cận Đông xưa như Bộ Luật Hammourabi, vua Ba-by-lon, vào năm 1700 trước Công Nguyên, trong đó luật cũng được diễn tả theo biểu thức điều kiện: “Nếu ngươi làm điều nầy, nếu người làm điều nọ”. Một biểu thức khác, hiếm hơn trong những bản văn luật thời xưa, nhưng thường gặp trong Cựu Ước, đó là biểu thức mệnh lệnh thường nhất được diễn tả theo hình thức lệnh cấm: “Ngươi không được…”, như trong Thập Giới (Xh 20: 3-17), trong đó chỉ có hai giới răn được diễn tả theo hình thức lệnh truyền: “Ngươi hãy…”. Trong bản văn của chúng ta, hình thức lệnh cấm cũng chiếm ưu thế.
Trên bình diện nội dung, Bộ Luật Giao Ước phân biệt rõ nét với các bộ luật ngoại quốc có cùng xuất xứ. Sự độc đáo của Bộ Luật Giao Ước ở chỗ chính Thiên Chúa đứng ra đảm bảo luật luân lý, vì thế vi phạm luật đồng nghĩa xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Đức Ái được đề cao như luật cốt yếu của cuộc sống xã hội, vì thế, hai giới luật: mến Chúa và yêu người, vốn đã được liên kết cùng nhau rồi.
1. “Người ngoại kiều”.
Ở Ít-ra-en, có nhiều quy chế liên quan đến ngoại kiều. Trước hết, “ngoại kiều cư trú” được hưởng một quy chế khá thuận lợi (nhất là người làm thuê ngụ ở nhà chủ mình). Đoạn, “ngoại kiều vãng lai” được hưởng truyền thống hiếu khách. Cuối cùng, “ngoại kiều nhập cư” phải chịu một quy chế khắc khe. Chính hoàn cảnh của “ngoại kiều nhập cư” nầy mà Bộ Luật Giao Ước lưu ý. Nguyên do được nêu lên là tính lịch sử: “vì chính các người đã là ngoại kiều ở Ai-cập”. Phải nhấn mạnh rằng các luật pháp của miền Cận Đông xưa không bao giờ nêu lên nguyên do của các luật lệ được ban hành. Vì thế, đây là nét đặc thù của Kinh Thánh.
2. “Mẹ góa con côi”.
Thân phận của người phụ nữ ở Ít-ra-en vào thời xưa là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Vì thế, người phụ nữ góa chồng khó có thể tìm được nơi nương tựa. Nếu không có của cải, người phụ nữ nầy có thể lâm vào một cuộc sống khốn khổ, nhất là phải gánh vác trách nhiệm nuôi nấng con cái. Những cảnh ngộ thương tâm như thế rất thường trong những xã hội thời xưa. Thế nên, luật pháp quan tâm đến cảnh ngộ mẹ góa con côi nầy như phần kết của Bộ Luật Hammourabi: “Ta đã viết những lời nầy trên bia đá ngỏ hầu kẻ mạnh không ức hiếp người yếu và trả lại sự công bình cho mẹ góa con côi”.
Như chúng ta đã nói trên, nét độc đáo của luật Kinh Thánh chính là viện dẫn Thiên Chúa như Đấng bênh vực bảo vệ tình cảnh mẹ góa con côi. Thiên Chúa sẽ đích thân can thiệp và “sẽ cho gươm giết các ngươi”, nghĩa là các ngươi sẽ bị giết chết trong chiến tranh. Một cách nào đó, đây là luật “ân oán phân minh”, nghĩa là vợ con của họ cũng sẽ trở thành góa bụa đơn côi.
3.Cho vay nợ.
Mối quan hệ của mọi thành viên dân Thiên Chúa là cốt nhục tình thâm, vì thế không được để cho bất cứ một ai trong anh chị em mình phải sống trong cảnh nghèo khổ túng thiếu. Phải cho anh chị em vay mượn nhưng không đòi trả lãi.
Tại các dân tộc lân cận, người ta cho vay để lấy lãi. Bộ Luật Giao Ước cấm cho vay lấy lãi như thế. Việc vay lấy lãi được trình bày như đối lập với luật yêu thương anh chị em chủng tộc mình. Quả thật, sách Đệ Nhị Luật xác định: “Người nước ngoài, anh em được cho vay lấy lãi, còn người anh em của anh thì không được cho vay lấy lãi; như vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh sẽ chúc phúc cho anh trong mọi công việc tay anh làm, trên đất anh sắp vào chiếm hữu” (Đnl 23: 20-21).
Đức Giê-su sẽ hủy bỏ quan niệm yêu thương bị giới hạn chỉ trong vòng anh em chủng tộc nầy. Phải nhận ra luật “Cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả” được mở rộng đến hết mọi người, bởi vì mọi người trong bốn bể đều là anh em.
Để tránh người vay lạm dụng, người cho vay có thể lấy áo choàng làm vật thế chấp. Bản văn đưa ra một ví dụ ý nhị. Người chăn chiên nằm ngủ ngoài trời cần chiếc áo choàng làm chăn đắp. “Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ”. Lại một lần nữa, bản văn khẳng định rằng Thiên Chúa bao hàm trong tình yêu tha nhân. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su khẳng định mến Chúa và yêu người chỉ là một.
BÀI ĐỌC II (1Th 1: 5-10)
Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
1.Tấm gương của những người loan báo Tin Mừng.
Thánh nhân nói đến cách sống của mình và của những người bạn đồng hành của mình là ông Xin-va-nô và ông Ti-mô-thê: “Anh em biết khi ở với anh em chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em”, mà không nêu ra bất kỳ một chi tiết cụ thể nào. Sau nầy, thánh nhân sẽ đề cập vấn đề nầy một cách cụ thể và rõ ràng hơn như tấm lòng ưu ái mà ngài dành cho họ. Trong đoạn trích dẫn hôm nay, thánh nhân ca ngợi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca vì “noi gương các vị mục tử của họ và bắt chước Chúa”.
Chúng ta đừng quên rằng lúc nầy thánh Phao-lô đang ở Cô-rin-tô, một cộng đoàn Ki-tô hữu mà ngài vừa mới thành lập. Sau nầy ngài viết cho các tín hữu Cô-rin-tô cùng một lời khuyên như vậy: “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Kitô” (1Cr 11: 1) và cả cho các tín hữu Phi-líp nữa: “Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh em.” (Pl 3: 17).
2.Tấm gương của các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
Những người loan báo Tin Mừng, dù đã phải kinh qua biết bao gian truân, họ vẫn cảm thấy niềm vui vì thấy thành quả của Tin Mừng ở nơi các tín hữu nhờ tác động của “Thánh Thần”. Quả thật, các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, dù đón nhận Tin Mừng trong một thời gian ngắn và phải chịu trăm chiều thử thách, trở nên tấm gương sáng chói cho mọi người:“Từ nơi anh em, Lời Chúa được vang ra; không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa…”
3.Dân ngoại đón nhận đức tin.
Thánh Phao-lô diễn tả niềm vui của ngài vì dân ngoại mở rộng lòng đón nhận đức tin: “Anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa như thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống và chân thật”. Như các ngôn sứ thời xưa, thánh Phao-lô đối lập các ngẫu tượng có mắt có tai mà không nghe không thấy với Thiên Chúa hằng sống và chân thật. Thánh nhân ca ngợi họ đã hiểu ý nghĩa cuộc sống Ki-tô hữu: phụng sự Thiên Chúa hằng sống và chân thật và chờ đợi ngày quang lâm của Con Thiên Chúa, Đấng phục sinh từ cõi chết, cứu độ chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi cơn thịnh nộ đang đến.
Ở đây, thánh nhân tóm gọn điều cốt yếu lời rao giảng của ngài. Lời rao giảng nầy theo cùng cung giọng với lời rao giảng của Giáo Hội tiên khởi, như chúng ta gặp thấy trong sách Công vụ.
TIN MỪNG (Mt 22: 34-40)
Câu chuyện nầy được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật. Tuy nhiên, chỉ một mình thánh Mát-thêu đặt câu chuyện nầy vào trong bối cảnh người Pha-ri-sêu tranh luận với Chúa Giê-su ngỏ hầu họ có thể hãm hại Ngài.
1.Vấn nạn nhóm Pha-ri-sêu nêu lên:
Theo thánh Mát-thêu, sau khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng về vấn đề kẻ chết sống lại, nhóm Pha-ri-sêu lại xuất hiện và bày mưu tính kế hãm hại Đức Giê-su. Trước đây, họ đã liên minh với nhóm Hê-rô-đê để giăng bẫy Ngài về vấn đề chính trị: “Có được phép nộp thuế cho Xê-da không?” (Mt 22: 15-22), nay về vấn đề tôn giáo: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, giới luật nào là giới luật quan trọng nhất?”. Quả thật, sách Luật Mô-sê, tức bộ Ngũ Thư, chứa đựng vô số những lệnh truyền và lệnh cấm, tổng cộng đến 613 điều phải tuân giữ. Làm thế nào nhận ra trong muôn vàn giới luật nầy giới luật nào quan trọng nhất để rồi từ đó chú tâm tuân giữ giới luật quan trọng bậc nhất này là có thể chu toàn các giới luật còn lại? Trong một thời gian dài từ thế hệ nầy đến thế hệ khác, các nhà thông luật tranh luận với nhau nhưng không đưa ra một giải pháp nào thỏa đáng cả. Vì thế, đây là một vấn đề có tính thời sự vào lúc đó, nhưng trong hoàn cảnh nầy, vấn đề được nêu ra là nhằm gài bẫy Đức Giê-su, điều đó cho thấy ác tâm của nhóm Pha-ri-sêu nầy.
2.Câu trả lời của Đức Giê-su.
Đức Giê-su không xuất thân từ trường lớp nào của các kinh sư. Ngài có thái độ khá tự do đối với các giới luật như Ngài sẵn sàng vi phạm huấn lệnh ngày sa-bát (huấn lệnh quan trọng, thậm chí rất quan trọng nữa) vì con người, Ngài và các môn đệ Ngài không thực hành việc rửa tay trước bữa ăn, cũng như Ngài giao du với những người tội lỗi mà người Pha-ri-sêu tránh tiếp xúc để giữ mình khỏi ô uế. Tuy nhiên, Đức Giê-su khẳng định rằng Ngài không đến để hủy bỏ Lề Luật và lời dạy của các ngôn sứ, nhưng đề xuất những quan niệm của riêng mình. Trước vấn nạn mà người Pha-ri-sêu nêu ra, Ngài sẽ trả lời như thế nào? Rốt cuộc, câu trả lời của Ngài sẽ cung cấp cho những con người ác tâm nầy lý do để buộc tội Ngài chứ?
Trước hết, Chúa Giê-su trả lời khi trích dẫn giới luật “mến Chúa” trong sách Đệ Nhị Luật: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (6: 4-5). Giới luật nầy trở thành kinh nguyện của người Do thái (được gọi là kinh Shema: “Nghe đây”), luôn luôn đứng hàng đầu trong các kinh nguyện Do thái, và được đọc mỗi ngày hai lần. Kinh nguyện nầy nói lên niềm hãnh diện của dân Ít-ra-en, qua đó họ khẳng định dân tộc của họ khác với các dân tộc khác: không chỉ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất và hữu vị, nhưng còn yêu mến Ngài trọn cả tấm lòng của mình. Tiếp đó, Đức Giê-su trích dẫn giới luật “yêu người” trong sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (19: 18). Chúa Giê-su đem đến cho vấn nạn mà người Pha-ri-sêu nêu lên một lời giải đáp thật sự mới mẽ:
Trước hết, giới luật yêu thương người thân cận được trích dẫn trong sách Lê-vi chỉ giới hạn ở nơi dân tộc Do thái, trong khi Đức Giê-su mở rộng ra với hết mọi người. Trong cùng một câu chuyện, thánh Lu-ca đã khai triển điểm mới mẽ nầy khi để cho thầy thông luật nêu lên vấn đề: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” và Chúa Giê-su trả lời bằng dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành, người mà người Do thái xem là kẻ thù không đội trời chung, và cuối cùng mời gọi thầy thông luật nầy hãy làm như người Sa-ma-ri để được sự sống đời đời làm gia nghiệp (Lc 10: 29-37).
Thứ nữa, hai giới luật nầy được trích dẫn từ hai sách khác nhau: giới luật mến Chúa trong sách Đệ Nhị Luật (6: 4-5), còn luật yêu người thân cận trong sách Lê-vi (19: 18). Người Do thái cũng đã nhận biết giới luật yêu người thân cận là quan trọng vì đây là luật của Thiên Chúa, vì thế vi phạm giới luật nầy là xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Nhưng trong lời dạy của truyền thống kinh sư, luật mến Chúa được đặt lên hàng đầu, vì thế rất dễ bỏ qua hay thậm chí hy sinh luật “yêu người” vì “mến Chúa”, như những lời phê phán của Đức Giê-su trong những cuộc tranh luận của Ngài với những giai cấp lãnh đạo Do thái về ngày sa-bát. Nét độc đáo trong câu trả lời của Chúa Giê-su không chỉ vì Ngài trích dẫn hai giới luật nầy như là hai giới luật quan trọng bậc nhất, nhưng Ngài còn liên kết hai giới luật thành một.
3.Sự duy nhất của luật “mến Chúa và yêu người”.
Việc hiệp nhất hai giới luật mến Chúa và yêu người là nét đặc trưng của Kitô giáo: vì mỗi người đều được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa (St 1: 26-27) mà Công Đồng Va-ti-can II gọi là “thiên chức toàn vẹn của con người” (“Niềm Vui và Hy Vọng”, 11). Hơn nữa, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, tự đồng hóa mình với mỗi người, đặc biệt là những người nghèo khổ, những người thấp cổ bé miệng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25: 40, 45). Như vậy, hai giới luật cùng nhau hình thành nên nền tảng cuộc sống của người Ki-tô hữu. Giới luật yêu người chỉ gặp thấy điểm quy chiếu và ý nghĩa trọn vẹn của nó chỉ trong giới luật mến Chúa. Trong toàn bộ Tân Ước, thánh Gioan cho chúng ta lời giải thích ngắn gọn nhất và dễ hiểu nhất về sự duy nhất của mến Chúa và yêu người:
“Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’
mà lại ghét anh em mình,
người ấy là kẻ nói dối;
vì ai không yêu thương
người anh em mà họ trông thấy,
thì không thể yêu mến Thiên Chúa
mà họ không trông thấy” (1Ga 4: 20).
Lm. Inhaxiô Hồ Thông.