Thứ Hai Tuần XXX Tn
Các bài đọc phụng vụ hôm nay nhấn mạnh đến sự tự do. ‘Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử’, thánh Phaolô đã viết như thế và còn viết nơi khác: ‘Nơi nào có Thần Khí Chúa, nơi đó có tự do’. Trong tin mừng ta thấy Đức Giêsu giải thoát một người phụ nữ ‘bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm’: ‘Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền’ và phẩn nộ trước thái độ ngạo mạn của ông trưởng hội đường, chỉ lo đến việc không tuân giữ luật ngày sabát.
Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta sự tự do đích thực, sự tự do mà Thánh Phaolô đã chỉ cho ta điều kiện cần có, có vẻ có chút trái nghịch nhau: ‘Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa’. Sự tự do đích thực không phải là sự phóng khoáng, cũng không phải là tinh thần độc lập, nhưng là sự tuân phục Thần Khí Thiên Chúa, trong tin tưởng và trong đơn sơ: qua việc tuân phục Thần Khí Thiên Chúa ta được giải thoát khỏi sự nô lệ thế gian và tội lỗi.
Ta có thể bị nô lệ thế gian trong nhiều điều: nô lệ thời trang, chủ nghĩa thích nghi, không chỉ trong phong cách ăn mặc nhưng còn trong lối sống nữa. Biết bao người không có can đảm sống như mình muốn, vì ‘không hợp thời’, không hợp với tinh thần thế gian, của ‘con người cũ’, như thánh Phaolô viết. Các kitô hữu ngược lại được mời gọi để sáng nghĩ ra một phong cách sống mới mẻ, không nô lệ theo điều người ta làm hay không làm, tìm ra những đường lối và cách thế để làm điều thiện, để là con cái Thiên Chúa trong tự do, trong tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha. Ta có thể sai lầm trong trong những ý hướng riêng tư, nhưng nếu ta hành động theo Thần Khi Thiên Chúa, sự sai lầm không đi xa đâu, sẽ được sửa chữa và biến nên tốt lành theo chương trình của Thiên Chúa.
Một người kitô hữu cần phải tự do không chỉ đối với những thói tục của thế gian, nhưng còn trong cách sống như con cái Thiên Chúa nữa. Mỗi ơn gọi đều độc đáo, không thế có hai ơn gọi giống nhau như đúc. Có khi ta cho rằng một người là đạo đức khi làm tốt việc noi theo trong mọi sự vị thánh này hay thánh kia, nhưng điều đó là không đúng cho lắm, đó không phải là sự tự do kitô giáo. Mỗi vị thánh có ơn gọi riêng của mình và cuộc sống của họ có thể cảm hứng cho ta những điều tuyệt vời, nhưng chúng ta không được noi theo cách tuyệt đối bất cứ vị thánh nào. Chúng ta tốt hơn nên tìm ra con đường đi cho chính mình, theo tất cả những gì mà Thần Khí nói trong chúng ta: đó là đa nguyên kitô giáo.
Đức Giêsu trong bài tin mừng hôm nay, không chỉ quan tâm giải thoát người phụ nữ, nhưng còn hành động như một người hoàn toàn tự do, qua việc chữa lành vào ngày sabát, dù biết rằng việc làm tốt lành của của ngài sẽ bị chỉ trích và lên án cách nặng nề. Sứ vụ cứu độ của ngài thúc đẩy ngài thực hiện việc chữa lành đó, và ngài làm cách hoàn toàn tự do. Hãy cầu xin Ngài giúp ta tìm ra con đường thánh thiện mà ngài đặt để nơi ta, trong sự thân tình tuân phục Thần Khí của ngài.
+++
Lời của Đức Giêsu, giáo huấn của Ngài là sức mạnh cho đời sống. Làm cho ngay thẳng lại những điều cong queo nơi con người chúng ta.
Ngài chữa lành tất cả những gì kìm hãm, cản trở sự sống toàn vẹn. Người phụ nữ còng lưng, không thể ngẩng đầu lên được, và ông trưởng hội đường, giận dữ vì lòng thương xót của Đức Giêsu, cả hai, dù với lý do khác nhau, khép mình trong niềm vui chúc tụng. Người phụ nữ bị còng trong thân xác, đau khổ đè bẹp khiến bà không thể đứng thẳng trước mặt Thiên Chúa. Đức Giêsu nhìn và nói với bà và mang lại niềm vui sống cho bà. Ông trưởng hội đường bị còng vì sự cứng lòng của mình. Nếu chính ông đứng trước mặt Thiên Chúa, mặt đối mặt, lẽ nào ông chẳng nhận ra nơi việc chữa lành lòng nhân hậu của Thiên Chúa? Đạo đức giả! Đức Giêsu không chỉ ám chỉ một mình ông. Ngài muốn tháo cởi mọi ràng buộc khiến con người không thể sống cách toàn vẹn. Ngài đến giải thoát lòng nhân của con người khỏi mọi ràng buộc, để trong tình yêu vô biên con người tìm gặp được Thiên Chúa.
Thứ Ba Tuần XXX Tn
Qua hai dụ ngôn mà chúng ta nghe trong bài tin mừng hôm nay điều đáng lưu ý là Chúa mời gọi tất cả mọi người nam cũng như nữ hãy nhẫn nại và hy vọng thật sự. Hai dụ ngôn hôm nay nói đến năng động của Nước Thiên Chúa, vừa hình như chẳng là gì cả vừa là một sức mạnh quyền năng. Một hạt cải nhỏ bé nhưng lại mang trong mình một sức sống mãnh liệt, trở thành cây lớn đến nỗi chim trời có thể đậu trên cành lá. Men được vùi vào trong bột xem ra chẳng là gì cả, nhưng nó lại làm dậy lên tất cả và trở thành bánh. Cũng như vậy đối với đời sống chúng ta: cần phải tiếp nhận nơi ta Nước Thiên Chúa, Lời Chúa, là điều ít oi như một lời nói vào không khí. Nhưng sức mạnh của nó có thể làm biến đổi cả cuộc sống chúng ta. Thế nhưng chúng ta cần phải có cả hai sự kiên nhẫn và lòng tin tưởng, phó thác. Kiên nhẫn vì phép lạ không xảy ra trong tích tắc. Một khi hạt giống được gieo vào đất, cần phải chờ đợi, bởi vì có lúc nó bị xem như không còn hiện hữu nữa; men một khi vùi vào trong bột, nếu không cho nó thời gian làm dậy bột, thì chẳng có gì xảy ra cả. Tôi còn nhớ lúc nhỏ mẹ tôi khi làm bánh, đã vùi men vào bột và mẹ căn dặn chúng tôi không được lại gần khối bột ấy vì sợ làm nó ngưng quá trình dậy men, và như thế là không còn được ăn bánh nữa.
Là một ví dụ về lòng kiên nhẫn: vô ích khi muốn đốt thời gian. Điều tương tự như thế xảy ra cho đời sống thiêng liêng của ta. Ta muốn thấy ngay sự biến đổi và nếu điều ấy không xảy ra thì ta gắng sức đốt giai đoạn, thay vì tin tưởng phó thác vào Chúa, thay vì chờ đợi cách an bình. Ta biết rằng sức mạnh, men, Ngài đã vùi vào trong cuộc sống của ta và do đó ta sẽ vượt qua khó khăn, điều tốt lành sẽ xảy ra. Ta chỉ cần tin tưởng phó thác, thay vì nghĩ rằng nếu ta làm hết cả sức lực, ta sẽ thấy kết quả: thực ra đó là thiếu phó thác. Kiên nhẫn và phó thác: Chúa chỉ muốn điều đó.
Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma cũng nói điều tương tự, một cách khác theo cách thức của ngài: ‘muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại…trong khi chờ đợi’, nhưng đó là những tiếng rên la của người đàn bà sắp sinh, tràn đầy hy vọng. Cần phải là những tiếng rên hy vọng, vì nếu không gặp thấy niềm tin và hy vọng Thiên Chúa không thể thực hiện điều Ngài muốn trong cuộc sống của mỗi người và toàn thể tạo vật. Nếu ngược lại ta tin tưởng vào lời của ngài và tiếp nhận trong thinh lặng và kiên nhẫn, ta có thể nói như thánh Phaolô: ‘Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quanh mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta’.
Thứ Tư Tuần XXX Tn
Trong Cựu Ước, những người của Thiên Chúa như Mikêa (Mk 3,5), Giêrêmia (Gr 14,13) hoặc Êdêkien (Ed 13,16) từ chối sử dụng những hình ảnh đẹp để nói về hạnh phúc đang chờ đợi chúng ta. Họ loan báo hình phạt để thúc đẩy dân chúng hối cải. Những địch thù của các ngài, những kẻ loan báo loại hạnh phúc rẻ tiền, đã dùng loại ngôn ngữ thật khác: ‘Chúng bô bô: Bình an vô sự, để xoa dịu thương tích của dân Ta, trong khi chẳng có bình an chi cả’ (Gr 6,14). Họ trấn an, khích lệ và lừa dối dân chúng. Dòng giống của họ ngày nay vẫn còn.
Sự sống không phải là một gánh quá nặng cho người thời nay sao? Cần gì phải thêm vào để đè nặng trên họ những đòi hỏi của Kinh Thánh? Những nguyên tắc trật tự xã hội và hòa bình không đương nhiên là bổn phận và nghĩa vụ sao? Vì vậy các nhà rao giảng ngày nay không hăng say loan báo điều mà Gioan Tẩy Giả ngày xưa làm: Hãy làm việc lành cho xứng với lòng thông hối. ‘Tội’ là từ ngữ mà người ta ngại nhắc đến ngày nay trong khi rao giảng. Có người còn tự hỏi: ‘Ta có cần đẩy những tín hữu ‘rốt cùng’ đi xa thêm nữa không với một hình thức mục vụ quá ư khắc khe?
Đức Giêsu dùng một ngôn ngữ hoàn toàn khác khi rao giảng. Cửa cứu độ không tự mở. Chắc chắn không thể đi vào người tự giới hạn mình bằng việc thi hành ý Chúa cách qua loa và bằng lòng với việc mình không làm điều gì bất công. Kẻ khác sẽ chiếm lấy chỗ của họ trong Nước Trời. Điều đó cũng xảy ra cho người không sẵn sàng lắng nghe, nghĩ rằng mình đã tính toán tốt rồi và đã xếp đặt để đi vào đó rồi: người đó đã tính toán mà không hề nghĩ gì đến chủ nhà.
Đức Giêsu cũng theo vết chân của các ngôn sứ Cựu Ước. Ngài nhắc ta đừng quên sự thánh thiện và mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đừng tự hào vì mình có Thiên Chúa luôn yêu thương đứng về phía mình, để rồi yên tâm không phải làm gì nữa. Thiên Chúa là mầu nhiệm khôn dò. Cần biết lắng nghe và thực hành lời Chúa.
Đừng có ai quên câu nói ‘Cút đi cho khuất mắt ta, tất cả những quân làm điều bất chính’. Lời của Thánh Phaolô sẽ là lời giáo huấn hữu ích cho ta: ‘Anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ’ (Pl 2,12)
Thứ Năm Tuần XXX Tn
Chúng ta được mời gọi nên thánh. Khi suy tư về điều này, ta có thể nhầm lẩn xem sự thánh thiện như là tổng thể các nhân đức. Trong tiến trình phong thánh người ta khởi đầu bằng việc xét xem người đó đã có thực hành những nhân đức một cách trổi vượt không và lời tuyên bố đầu tiên là về cách sống anh hùng những nhân đức ấy. Tuy nhiên sẽ rất thiếu sót và thiếu chính xác nếu nhầm lẩn sự thánh thiện với sự hoàn hảo.
Trong thư gởi tín hữu Roma thánh Phaolô cho biết sự thánh thiện hệ tại đâu khi ngài nói không phải là tách biệt khỏi tình yêu của Thiên Chúa, không phải tách biệt khỏi Thiên Chúa nhưng là kết hiệp với Thiên Chúa và hiệp thông với Thiên Chúa chí thánh. Kinh Thánh gọi Thiên Chúa là thánh, đây là định nghĩa hay nhất về Thiên Chúa, Thiên Chúa ba lần thánh. Điều này có nghỉa là Người khác biệt với ta và để đạt đến Người ta cần phải biến đổi nên giống Người, nghĩa là nên thánh.
Trong tôn giáo cổ, sự thánh thiện này không nhầm lẩn với cố gắng luân lý, ta biết nó thuộc bình diện khác. Nỗ lực của con người không bao giờ có thể đạt đến tầm mức Thiên Chúa; để con người trở nên thánh, cần Thiên Chúa hành động và làm cho con người nên giống Người: sự thánh hóa trước tiên là hành động của Thiên Chúa trong ta. Chính là điều Phaolô viết: Thiên Chúa đã làm tất cả để đem chúng ta lại gần Người, để ta được hiệp thông với Người, để chúng ta nên thánh. ‘Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta…lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?’ Do đó chúng ta hãy tin tưởng không phải vào chúng ta nhưng là vào tình yêu của Thiên Chúa, đấng đưa ta lên gần bên Người, thánh hóa ta, ban cho ta sự thánh thiện do lòng tốt lành của Người.
Thánh Phaolô kêu lên: ‘Chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta’: sự thánh thiện là chiến thắng vĩ đại. Trong sách Khải Huyền có viết rằng phần thưởng được hứa ban cho kẻ chiến thắng và chúng ta còn hơn là kẻ chiến thắng, vì Đức Kitô đã chiến thắng và thông ban cho ta chiến thắng của Ngài. Và Thiên Chúa khi ban cho ta Con của Người, đã vượt mọi trở ngại tách biệt ta xa Người, Thiên Chúa của lòng thương xót, đã giao hòa thế gian với Người trong cái chết và sự sống lại của Con Người, như ta đọc thấy trong công thức tha tội, Thiên Chúa tràn đầy nhân lành muốn thông ban chính mình Người và đã tìm ra phương thế để thực hiện điều ấy.
Đây là hành trình nên thánh. Trước hết cần mở lòng cho tác động thánh hóa của Thiên Chúa, mở lòng cho tình yêu mãnh liệt hơn tất cả. Như thế ta nhận lãnh chiến thắng của Thiên Chúa nơi ta. Ta chắn chắn rằng không một trở ngại nào ngăn cản ta ở với Thiên Chúa, bởi vì Người đã có mặt trong suốt hành trình này: ‘Cho dẫu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào…không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta’. Để tiến triển trong sự thánh thiện ta cần phải kiên trì đào sâu đức tin của mình vào tình yêu của Thiên Chúa ban cho ta.
Các thánh đã tin vào tình yêu của Thiên Chúa, vào tình yêu của Người đối với ta và tình yêu mà Người đặt trong lòng ta, các vị đã nhận ra tình yêu đó nơi tất cả những chúc lành của Người và trong cả những đòi hỏi của Người. Những giới luật của Thiên Chúa không đàn áp chúng ta, nhưng đưa ta đến hiệp thông với Người, trong tình yêu thực sự. Những bằng chứng mà thánh Phaolô viết: ‘gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo’ không còn là trở ngại, vì Thiên Chúa biến đổi chúng, nhờ thập giá Đức Kitô, thành thể hiện tình yêu Người dành cho ta, và tình yêu của ta dành cho Người.
Tất cả những gì đối nghịch và sỉ nhục ta, xem ra có vẻ chống lại những dự định của ta, phải được nhìn cách tích cực, vì biết rằng là khí cụ Thiên Chúa dùng để làm sự hiệp thông giữa ta với Người nên mật thiết hơn, nghĩa là biến ta nên thánh. Thiên Chúa làm tất cả; ta cần mở lòng tiếp nhận tình Người ban cho.
+++
Tên Giêsu có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Ngay từ khởi đầu, con đức trinh nữ làng Nagiarét đã được gán cho những tước hiệu: Đấng Messia, Đấng Cứu độ (x. Lc 1,47). Đó là ý nghĩa con người và sứ vụ của Đức Giêsu. ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật’. Ngài đã nói như thế về chính mình và sứ vụ của mình trong tin mừng hôm nay. Đó là những dấu hiệu đi theo vị ngôn sứ mang Lời Thiên Chúa cho con người.
Đức Giêsu không đơn thuần là một vị tiền hô chuẩn bị cho một trật tự mới đến tốt đẹp và nhân bản hơn. Ngài muốn quy tụ con cái Giêrusalem như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh: ngài muốn sự thông hiệp, hy sinh mạng sống mình để lôi kéo người đương thời về với ngài. Và khi ngài khóc thương họ (x. Lc 19,41), không chỉ là tình cảm ủy mị: đúng ra là cách diễn tả cuộc chiến đấu thiêng liêng quan trọng mà ngài thực hiện để mang lại ơn cứu độ cho họ. Ngài muốn quy tụ họ lại, như gà mẹ ấp ủ con mình, nuôi dưỡng và bảo vệ chúng. Ngài muốn nên tất cả cho họ, vì họ không nơi nương tựa và hoàn toàn lệ thuộc vào ngài. Bằng mọi giá, ngài hy sinh mạng sống mình.
Tình thương của Đức Giêsu không chỉ thể hiện cho Giêrusalem mà thôi mà còn cho tất cả mọi người qua mọi thời đại. Ngự bên hữu Chúa Cha, ngài vẫn còn mời gọi ta khi ta lắng nghe lời ngài.
Thứ Sáu Tuần XXX Tn
Lễ Kính Thánh Simon và Giuđa Tông Đồ
Lễ các Tông đồ là dịp giúp ta ý thức hai chiều kích không thể tách rời của Giáo hội, thân thể Đức Kitô và đền thờ của Thánh Thần, không thể có cái này mà thiếu cái kia. Là ảo tưởng nếu nghĩ rằng có thể nhận lãnh Thánh Thần mà không thuộc về thân thể Đức Kitô, bởi lẽ Thánh Thần là Thần Khí của Đức Kitô và ta nhận lãnh Ngài trong thân thể Đức Kitô. Giáo hội như thân thể Đức Kitô cũng có một khuôn mặt hữu hình: vì thế Đức Giêsu đã chọn Nhóm Mười hai và theo dòng thời gian, Ngài chọn những đấng kế vị, để làm nên cấu trúc hữu hình của thân thể ngài, như là tiếp tục mầu nhiệm nhập thể. Thuộc về thân thể của Ngài, ta có thể nhận lãnh Thần Khí của ngài và kết hiệp mật thiết với ngài trong chỉ một thân thể và một Thần Khí.
Bài đọc thứ nhất gởi tín hữu Êphêsô diễn tả rõ hai chiều kích này. ‘Anh em đã được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là Đức Giêsu Kitô’: là khuôn mặt hữu hình của thân thể Đức Kitô, là một cơ quan với cấu trúc riêng. Và trong Đức Kitô ‘toàn thể công trình ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa’: mỗi một chi thể đều có chức năng và vị trí riêng. Thánh Phaolô còn viết: ‘và chính Người (Đức Kitô) đã ban ơn cho kẻ này làm Tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo tin mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ…’ Mỗi người lãnh nhận ân sủng tùy theo mức độ Đức Kitô ban cho.
Còn đây là chiều kích thứ hai, chiều kích vô hình: ‘Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí’. Trong thư thứ nhất gởi Corintô thánh Phaolô cũng nêu bật quan niệm này: ‘thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô…thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần’ (1Cr 6,15.19)
+++
Phụng vụ hôm nay cho ta hai ví dụ về lòng yêu thuơng của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã vội vã chữa lành bệnh nhân, lòng thương thúc đẩy ngài không chờ đến ngày thứ nhất trong tuần để thực hiện việc thiện này. Như thế ngài đã chữa lành bệnh trong ngày sabát, dù biết rõ sẽ bị chỉ trích và lên án. Đó là lý do mà giới cầm quyền dân chúng đưa ra để tố cáo ngài: những hành vi tốt lành và nhân hậu được thực hiện tức khắc, không tôn trọng truyền thống do thái. Đối với Chúa không phải là con bò hay con lừa rơi xuống giếng, mà là một người con. Cần phải kéo nó lên tức thì. Lòng của ngài tràn đầy tình yêu xuất phát từ Chúa Cha và việc Đức Giêsu làm là chỉ vâng theo thánh ý tình yêu này.
Một ví dụ khác về tình yêu thánh Phaolô viết trong thư gởi tín hữu Roma. Ngài đã nhận từ những đồng bào của ngài nhưng chống đối mãnh liệt, những bách hại thực sự, ta nhận thấy trong các thư và sách Công vụ. Tuy nhiên ngài không có sự báo thù hay đố kỵ nào, chỉ ước mong dẫn đưa anh em ngài đến ơn cứu rỗi. ‘Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi’, vì đồng bào của ngài không tin Đức Kitô, lìa xa Chúa. Và thánh nhân đi đến cùng tận: ‘vì đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô thì tôi cũng cam lòng’. Tình yêu cho đến cùng tận.
Hãy mở lòng mình ra, chúng ta là những kẻ nhỏ nhen và ích kỷ, để Thiên Chúa có thể đặt vào đó một đau khổ dài ngày vì phần rỗi của biết bao người chung quanh chúng ta, chưa tin nhận Chúa và chưa bước đi trên con đường cứu độ.
Thứ bảy Tuần XXX Tn
Chỗ cuối
Đức Giêsu trong tin mừng hôm nay nêu lên một khía cạnh của việc nên thánh: để đạt đến sự thánh thiện chúng ta cần phải ‘đi xuống thấp’. Hãy nghe lời tuyên bố của Phaolô: ‘Trong mọi sự, chúng ta toàn thắng’, tự nhiên ta nghĩ ngay đến một hành trình đi lên đến đỉnh vinh quang. Thật đúng như vậy. Nhưng Đức Giêsu nói với chúng ta rằng hành trình đi lên ấy trong thực tế lại được thực hiện bằng việc đi xuống: hãy vào chỗ cuối, chọn chỗ cuối. Điều này vừa làm ta yên tâm lại vừa yêu sách ta. Làm yên tâm vì không đòi chúng ta những cuộc ‘leo trèo ngoạn mục’, tựa những nhà leo núi, sử dụng những phương tiện hoàn hảo nhất, và sau một cuộc thao luyện gian khổ, đạt đến đỉnh Hy Mã Lạp sơn. Ở đây chỉ yêu cầu chúng ta khiêm tốn đến chỗ thấp nhất có thể. Ai lại không có khả năng đến chỗ thấp nhất? Luôn vừa tầm cho mọi người.
Nhưng chúng ta cũng biết rằng điều đó đòi hỏi nhiều, đòi hỏi vì tính ích kỷ của ta, vì lòng kiêu căng của ta, làm cho ta không dễ dàng đặt mình ở bên dưới cái địa vị mà ta nghĩ mình đáng được. Chúng ta thường thích chiếm một chỗ dù chỉ hơi cao hơn một chút so với ‘chỗ đúng’ dành cho mình.
Đức Giêsu nhận xét thật tế nhị và đưa ra một lý luận phù hợp với não trạng của chúng ta: nếu anh chiếm một chỗ tốt hơn chỗ dành cho mình, anh có nguy cơ bị bẽ mặt: ngược lại, nếu anh đến chỗ thấp hơn, anh sẽ được tôn lên.
Đặt mình ở chỗ cuối đúng là khó, vì ai lại không yêu mình. Là đòi hỏi, nhưng Đức Giêsu cho ta thấy thật đơn giản và mọi việc rất ổn thỏa, không gây tranh chấp. Đừng mơ tưởng những việc lạ thường, nhưng hãy tiến bước trong khiêm tốn, nhìn nhận mình yếu hèn, bất toàn, quá nhiều lần bất trung, và đừng ngã lòng, nhưng hãy gia tăng lời chúc tụng Thiên Chúa vì lòng nhân lành thương xót của Ngài. Đó là con đường đi xuống nhưng nó nâng chúng ta lên với Ngài.
Hai viễn ảnh cần phải kết hợp lại: một viễn ảnh hoành tráng tương ứng với lời kêu gọi của Thiên Chúa, Đấng muốn chúng ta nên thánh, không tì vết, không chút nhăn nheo, như Phaolô viết về Giáo Hội, trong thư gởi tín hữu Êphêsô; và một viễn ảnh của sự khiêm tốn, đơn sơ, tin yêu phó thác, như trẻ thơ không hề nghĩ đến địa vị cao sang, nhưng chấp nhận ở chỗ cuối, cho đến khi được Cha mời lên cao với Ngài.
Cầu xin Mẹ Maria dạy cho ta con đường nên thánh đích thực.