Suy Niệm Thánh Vịnh 33 và 116 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ năm - 20/10/2016 22:42  1782
Suy Niệm Thánh Vịnh 33
 
Thánh Vịnh 33: Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành bíêt bao !
 
1          Của vua Đa-vít. Khi ông giả điên trước mặt vua A-vi-me-léc, ông bị đuổi và ra đi.
2          Tôi sẽ không ngừng chúc tụng CHÚA,
câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.
3          Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA
xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.
4          Hãy cùng tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.
5          Tôi đã tìm kiếm CHÚA, và Người đáp lại,
giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.
6          Ai nhìn lên CHÚA sẽ vui tươi hớn hở,
không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi.
7          Kẻ nghèo này kêu lên và CHÚA đã nhận lời,
cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn.
8          Sứ thần của CHÚA đóng trại chung quanh
để giải thoát những ai kính sợ Người.
9          Hãy nghiệm xem CHÚA tốt lành biết mấy :
hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người !
10        Kính sợ CHÚA đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.
11        Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ,
còn ai tìm kiếm CHÚA chẳng thiếu của gì.
12        Các con ơi, hãy đến mà nghe,
ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ CHÚA.
13        Ai là người thiết tha được sống,
ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan ?
14        Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa ;
15        hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà.
17        CHÚA đối đầu với quân gian ác,
xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời,
16        nhưng để mắt nhìn người chính trực
và lắng tai nghe tiếng họ kêu.
18        Họ kêu xin, và CHÚA đã nhận lời,
giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.
19        CHÚA gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
cứu những tâm thần thất vọng ê chề.
20        Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân,
nhưng CHÚA giúp họ luôn thoát khỏi.
21        Xương cốt họ đều được CHÚA giữ gìn,
dầu một khúc cũng không giập gãy.
22        Quân gian ác chết vì tội ác,
kẻ ghét người lành chuốc án phạt vào thân.
23        CHÚA cứu mạng các người tôi tớ,
ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.
 
 
 
Cùng Đọc Với Dân Israel
Thánh vịnh theo mẫu tự, mỗi câu mở đầu bằng một mẫu tự Do Thái. Thánh vịnh nói về ai? Ai là người được mời để chúc tụng Chúa? Những người nghèo, “Xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên”.Vâng, kẻ bần cùng, người khiêm cung, những tấm lòng tan vỡ được tuyên bố là những người hạnh phúc, trong khi kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ.
 
Cùng Đọc với Đức Giêsu
Phúc cho kẻ nghèo vì Nước Trời là của họ. Qua những lời như Thánh vịnh này, chúng ta mới thấy rõ Đức Giêsu đã thấm nhuần lời kinh nguyện của dân tộc Ngài như thế nào… cũng như Mẹ Maria với lời kinh Magnificat. Chúc tụng là tâm hồn của Đức Giêsu. Mỗi một lời kinh nguyện của Ngài đều mang sắc thái của Thánh vịnh này: Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. (Lc 10,21).
Thánh sử Gioan đã trích dẫn Thánh vịnh này khi muốn giải thích sự kiện Đức Giêsu bị đâm thủng cạnh sườn thay vì bị đánh bể ống chân: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh dập (Ga 29,36) để lời kinh thánh được ứng nghiệm. Đức Giêsu người nghèo nhất, mời ta lắng nghe lời tạ ơn của Ngài vì Chúa Cha gìn giữ xương cốt Ngài dầu một khúc cũng không dập gãy. Một lần nữa ta thấy Thánh Kinh mời ta hãy đọc một cách sâu xa. Lời hứa hạnh phúc tràn đầy trong Thánh vịnh không thể hiểu là được thực hiện ngay tức khắc, mang tính vật chất. Nên nghĩ đến Đức Giêsu khi ta nghe tác giả Thánh vịnh nói: Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi. Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn dầu một khúc cũng không dập gãy. Chỉ sự phục sinh mới hoàn thành lời hứa này.
 
Cùng đọc với người thời nay.
Người khốn khổ kêu cầu: Chúa đã nghe. Xã hội hiện nay quan tâm đến người nghèo.  Con người muốn có sự bình đẳng trong các tầng lớp xã hội, người ta đề ra nhiều phương án để giúp đỡ những lớp người cùng khổ, các trẻ em không được đến lớp…Cho dù chưa có hiệu quả cao, nhưng cũng là một dấu chỉ của thời đại. Những ai không muốn lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, là tự đặt mình bên ngoài chương trình của Thiên Chúa. Kẻ nghèo kêu lên và Chúa đã nhận lời. Nói lên câu này, lắm lúc ta lại bị tố cáo là “làm chính trị”. Nghĩ thế là hoàn toàn không biết gì về mạc khải trong Thánh Kinh. Kẻ không đứng về phía những người nghèo, chống lại những bất công, bất bình đẳng, không thể được gọi là người đạo đức. Một thế đứng trong thế giới làm cho người ta buộc theo một lựa chọn nhất định nào đó và tìm mọi phương cách thực hiện cho bằng được mục đích ấy. Đừng quên rằng những vấn đề xã hội nóng bỏng thuộc thế kỷ 20 không trước tiên nằm bên trong những những hệ thống của các nước phương Tây, nhưng là nơi mọi xã hội kỹ nghệ hóa (đã chiến thắng nạn đói) và nơi những nước thuộc thế giới thứ ba (đang kêu cứu vì đói). Hãy đọc lại Thánh vịnh 33 trong viễn cảnh ấy. Và bạn sẽ có được một sức mạnh phi thuờng để cầu nguyện giữa lòng thế giới.
Lời mời gọi hành động để giải phóng, để cứu thoát, để hủy diệt cái khổ. Làm thế nào khỏi phải giả hình khi ta đọc câu “xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên” nếu không phải là dấn thân với tất cả khả năng của mình để cho người nghèo được bớt nghèo hơn?
Lời hứa hạnh phúc. Ai muốn hạnh phúc phải lánh xa sự dữ, làm lành, kính sợ Thiên Chúa, tìm kiếm Ngài. Quá ngây thơ, một số người nghĩ thế! Nhưng sự thật lại đúng như thế ! Những người hạnh phúc thật chính là những người mà Thánh vịnh nhắc đến. Bạn hãy thử sống để cảm nghiệm.
 
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours,Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch

Suy Niệm Thánh Vịnh 116
1          Muôn nước hỡi, nào ca ngợi CHÚA,
            ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người !
2          Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,
            lòng thành tín của Người bền vững muôn năm. Ha-lê-lui-a.
 
Cùng Đọc Với Israel
Cấu trúc của Thánh vịnh ngắn này thật rõ ràng: lời mời gọi tất cả mọi người trên trái đất hãy ca ngợi Chúa. Diễn tả nội dung của lời ca ngợi này như một câu đáp: Vâng, vì tình thương Chúa thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.
Xin nhắc lại thể song đối trong thi ca do thái. Các câu thơ đối nhau từng đôi một. Một tư tưởng được nêu lên bằng hai câu cân đối nhau. Điều đó tạo nên một hiệu quả cân bằng về mặt thanh âm nhất là người do thái vừa đọc những câu thơ này vừa lắc lư người từ phải sang trái, dường như một loại hình thánh vũ êm dịu (ngày nay ta còn thấy trong các hội đường hoặc trước bức tường Than Khóc tại Giêrusalem).
Điều nhận xét về văn phong này giúp ta hiểu một điểm quan trọng trong nền thần học kinh thánh. Ta thấy hai từ ngữ Tình Thương Thành Tín được đặt song song với nhau. Thể song đối, chứng tỏ cho ta thấy chân lý về Thiên Chúa không chỉ thuộc trật tự tri thức, nhưng còn thuộc trật tự tình yêu, sự thành tín trong tình yêu. Cả hai từ này, ta bắt gặp đi song song với nhau hàng nghìn lần để diễn tả chủ đề Giao ước.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Đây là một Thánh vịnh mà Đức Giêsu thường lặp đi lặp lại. Và vì ngắn, tại sao chính chúng ta lại không thuộc nằm lòng: nó diễn tả điều cốt yếu của niềm tin chúng ta.
Phổ quát tính là thái độ thiết yếu của Đức Giêsu…Tin Mừng không gì khác hơn là sự trải rộng khắp muôn dân, đến với mọi người, Giao ước trước đây dành riêng cho ‘dân tuyển chọn’. Và thánh Gioan sẽ tóm tắt toàn công trình của Đức Kitô khi nói rằng Ngài đến và chết là ‘để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối’. Đây là một công thức chính yếu đã được Công đồng đưa vào một trong những kinh nguyện thánh thể.
Thiên Chúa Tình Yêu Trung Tín là một trong những chủ đề chính của tư tưởng Đức Giêsu: mạc khải Thiên Chúa như là ‘Cha chúng con’ là sự tiếp nối dòng chảy của Thánh vịnh này.
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Một thánh vịnh dành cho kỳ nghỉ.  Khi chúng ta đi nghỉ, thường là để mở rộng vòng tròn chập hẹp của những quan hệ thường ngày của ta: ta sẽ gặp những khuôn mặt mới, ta có thể gặp những nền văn hóa mới, ta đi qua biên giới các quốc gia, và ta khám phá ra có nhiều quốc gia khác với đất nước chúng ta. Đi ra nước ngoài, là cơ hội để mở mang tâm hồn. Trái đất hình như ở ngay trước cửa nhà chúng ta với tốc độ nhanh chóng hiện nay của các phương tiện chuyển tải.
Tại sao, chúng ta là kitô hữu, lại không nhận ra qua hiện tượng này, đặc biệt cho thời đại hiện nay, một tỏ bày dự định của Thiên Chúa? Tình Yêu của Người muốn nối kết mọi người, là con cái của Người, để họ gặp nhau thật sựnhư anh em, cho dù họ không biết điều này.
Chỉ có một Thiên Chúa. Chỉ có thể có một Thiên Chúa mà thôi. Cho dẫu hiện nay người ta gán cho vị Thiên Chúa họ tôn thờ bằng nhiều tên gọi khác nhau, thì quả thực, muôn nước và ngàn dân đã được tiền định để chỉ tôn thờ cùng một Thiên Chúa, là Đấng Duy Nhất, mà họ tôn thờ trong những phụng tự riêng biệt khắp nơi trên thế giới. Do đó ta cần tôn trọng mọi hình thức diễn đạt tôn giáo.
Đi nghỉ, cũng có thể là sự khám phá ra những cách thức cầu nguyện khác nhau: khắp nơi đều có những con người khao khát cầu nguyện và ca tụng. Ta có trái tim đủ rộng không? ‘Muôn nước…Ngàn dân’.
Một Thánh vịnh để mở rộng tầm nhìn và con tim. ‘Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ’. Đó là trương độ của sứ mạng nung nấu con tim của Đức Kitô. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta co cụm lại cách lạnh nhạt trong những vòng tròn chập hẹp, những môi trường xã hội, những quận huyện, những chủ nghĩa quốc gia, những chủ nghĩa chủng tộc của chúng ta. Tất cả những điều đó thật sự chật hẹp bên cạnh dự tính của Thiên Chúa! Ngày nay, một phong trào làm gia tăng chiều hướng này: những tổ chức quốc tế nhằm giúp những người thuộc các nền văn hóa và ý thức hệ khác nhau hiểu biết nhau hơn, để tôn trọng và giúp đỡ nhau (ONU, UNESCO…) Cầu nguyện với Thánh vịnh 116 này là dấn thân phục vụ cho mọi người, là mở rộng những chân trời của ta.
Tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt. Nêu bật một điểm quan trọng trong giáo lý tâm linh. Trong tiếng do thái, từ ngữ ‘mạnh, mãnh liệt, thống trị’ mang ý nghĩa chiến đấu. Thiên Chúa là Đấng Anh hùng chiến binh, chính Người chiến thắng mọi quân thù (chủ đề thường gặp). Không nên loại bỏ điều này khỏi Kinh thánh, cũng không nên tìm cách làm giảm nhẹ lại. Nhưng cần phải hiểu rõ. Thiên Chúa chúng ta không phải là đấng thống trị ‘đàn áp’ theo nghĩa thông thường. Thiên Chúa không có liên quan gì đến một kẻ chuyên chế tìm cách tiêu diệt đối phương. Người chẳng phải là ‘người cha’ toàn năng mà con cái chỉ có một cách duy nhất là biến khỏi mặt Người.
Người là ‘tình yêu toàn năng’. Thánh vịnh này nói cho ta biết chính tình yêu của Người thống trị, chính tình thương của Người mãnh liệt. Hãy coi chừng những hình ảnh vô thức giữa các từ ngữ. Đức Giêsu  đã cho ta một chìa khóa để giải thích những công thức này khi Ngài yêu cầu ta nên giống Thiên Chúa, làm đầy tớ phục vụ anh em mình, không như những kẻ làm lớn trong thế gian hành quyền trên những kẻ thuộc cấp. Phải nói điều này vì chính Ngài đã nói, Ngài là Thiên Chúa, tự trở thành Người tôi tớ. Ngài là tình yêu phục vụ, và đó là điều mạnh mẽ nhất không thể đánh bại nơi Ngài. Hình ảnh duy nhất của Thiên Chúa chính là Đức Giêsu trên thập giá: ‘Vâng tình yêu của Ngài dành cho ta thật mãnh liệt’.
Lòng thành tín của Ngài bền vững muôn năm. Trung tín! Chúng ta chẳng trung tín chút nào! Chúng ta bất nhất, hay thay đổi. Chúng ta có thể yêu một chút, thi thoảng…Và rồi tình yêu của chúng ta phai dần, tan biến mất. Những tình cảm tốt đẹp mất đi hương vị, những dấn thân phục vụ mất đi sự quảng đại, cùng với thời gian! Lòng trung tín, kiên trì, là những đức tính đối thần. Ngay cả khi ta bất trung với Thiên Chúa, thì Người, Người vẫn luôn thành tín.
Ta có một ý nghĩa hết sức sâu xa về bí tích hôn phối: lời thề hứa trung thành trong bí tích là một ân sủng, một ân huệ Chúa ban để chữa lành tính hay thay đổi và những chán chường của chúng ta.

 
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập154
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm115
  • Hôm nay18,692
  • Tháng hiện tại673,206
  • Tổng lượt truy cập52,842,154

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây