Thứ Hai Tuần VI Tn
Người biệt phái đòi một dấu lạ để tin. Cả chúng ta cũng đòi Thiên Chúa làm dấu lạ. Cám dỗ lớn hơn chống lại đức tin là nói: Tại sao Thiên Chúa không can thiệp? Tại sao Người không tỏ mình ra cách hiển nhiên hơn? Tại sao Người không bước vào lịch sử con người với nhiều sức mạnh hơn, bằng cách thay đổi những hoàn cảnh bất công, giải thoát những kẻ bị đàn áp, hoán cải những tấm lòng cứng cõi? Chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi tội lỗi và yếu đuối: tại sao Thiên Chúa không biến đổi chúng ta và không làm cho ta nên tốt hơn?
Đức tin sống trong bóng tối. Chúng ta không hiểu được những nẻo đường của Thiên Chúa, đấng bất khả xâm phạm, bất khả tri, mầu nhiệm. Thiên Chúa cho chúng ta biết bao lý do để tin và thật nhiều những lý do để không tin. Người để chúng ta hoàn toàn tự do, không muốn áp đặt chúng ta cũng không muốn chiến thắng chúng ta bằng sức mạnh. Ta chỉ hiểu được Thiên Chúa trong đức tin và tình yêu. Đức tin đồng nghĩa với tin tưởng phó thác hoàn toàn.
Việc không nhìn thấy hiệu quả đức tin là khó khăn lớn nhất của việc tin. Kitô giáo hình như không có hiệu quả trong lịch sử loài người: hình như không thay đổi điều gì cả, ý nguyên như cũ trước đây. Con đường tin mừng của việc hoán cải tâm hồn và việc bất bạo lực hình như thường thua thiệt, mất mát. Chủ nghĩa Macxít, từ nhiều thập niên qua hình như đã mang lại hiệu quả hơn để giải quyết những vấn nạn xã hội và giải phóng các dân tộc. Ngày nay không còn như thế nữa: lịch sử đã chứng minh điều đó.
Thứ Ba Tuần VI Tn
Đức Giêsu đi theo một hướng khác biệt với hướng các môn đệ của Ngài. Tất cả họ đang thiếu lương thực: Đức Giêsu ngược lại cảnh giác họ đừng khép kín trong cái nhìn của mình, trở thành một hướng hành động sai lạc.
Nếu ta muốn áp dụng đoạn tin mừng này vào đời sống mình, ta cần phải sửa chữa cái nhìn lé lác của mình: một con mắt thì dõi theo đời sống của Đức Giêsu, con còn lại nhìn theo những vấn nạn bé nhỏ của ta. Cần phải dõi theo Đức Giêsu bằng cả hai mắt, bằng cả hai tai để lắng nghe, bằng con tim rộng mở (Mc 8,17-18): nhìn ngắm và hiểu hành động của Ngài, để đưa Ngài vào trong cuộc sống thường ngày. Hãy sống ‘dưới đất cũng như trên trời’.
Nhìn ngắm Ngài, lời hằng sống của Chúa Cha, ta sẽ tránh sai lạc khép kín mình trong những lo toan hoặc tệ hơn nữa, xét đoán hành động của Ngài theo cái nhìn của riêng mình, và ta sẽ học để có đôi mắt để chiêm ngắm như từ trên cao tấm vải mà Chúa Cha đã thêu dệt nên cho ta và cho anh em ta, để cuối cùng trở thành tấm thảm tình yêu.
Hãy mở lòng ra cho Lời Chúa, nhất là lời khuyên bảo ta yêu thương anh em: sẽ là cách tốt nhất để chuyển hướng ý nghĩ của ta và để có ‘đôi mắt nhìn thấy, đôi tai biết lắng nghe, con tim đập theo nhịp đập của Chúa.
Thứ tư Lễ Tro
Chay tịnh, dấu chỉ thế giới mới
Phụng vụ thứ tư Lễ Tro được ghi dấu trong lịch sử như khởi đầu thời kỳ sám hối công cộng, thời kỳ gia tăng việc giáo huấn các dự tòng, những người sẽ được rửa tội trong đêm Vọng Phục sinh, mở ra thời gian cứu độ của Mùa Chay.Tinh thần cộng đồng cầu nguyện, chân thành quay về với Chúa mà các bài sách Thánh hôm nay trình bày, được diễn tả cách tượng trưng trong nghi thức xức tro trên đầu, nói lên lòng khiêm cung đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Vượt lên trên ý nghĩa tập tục nơi các tôn giáo khác, người kitô hữu tiếp tục sống ý nghĩa những thực hành đền tội của thời Cựu Ước, như dấu chỉ chay tịnh của cuộc hành trình thiêng liêng mùa chay, và để nhận rằng, thân xác chúng ta, dựng nên từ cát bụi, sẽ trở về cát bụi, như một hy lễ dâng lên Thiên Chúa của sự sống, kết hiệp với cái chết của Con Một Ngài. Do đó mà ngày thứ tư lễ Tro, cũng như suốt mùa chay còn lại, tự nó không có ý nghĩa gì, nhưng dẫn đưa chúng ta đến biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu, mà chúng ta cử hành với niềm hy vọng rằng chúng ta cũng sẽ được biến đổi như ngài.
Việc canh tân phục sinh được các người tin vào Đức Kitô loan báo rằng, noi gương Thầy chí thánh, họ thực hành chay tịnh những của cải và những cám dỗ thế gian, rằng Ma quỷ là tên lừa bịp chúng ta rơi vào cám dỗ. Việc tiết chế ăn uống phần xác là dấu chỉ việc người kitô sẵn sàng nghe theo hành động của Thánh Thần và việc chúng ta liên đới với những người mong chờ trong tinh thần nghèo khó bữa tiệc vui vĩnh cửu. Như vậy việc từ bỏ những vui thích và những thỏa mãn chính đáng bổ túc cho đòi hỏi của việc chay tịnh, biến đổi thời gian ân sủng thành một lời loan báo về một thế giới mới, được giao hòa với Chúa.
Thứ năm sau lễ Tro
Cứu hay mất mạng sống
Đức Giêsu là người tôi tớ đau khổ hiến mình cho Thiên Chúa Cha. Thập giá là điều ô nhục, đòi hỏi một sự sám hối sâu xa và liên tục. Niềm tin và việc chọn lựa đi theo Đức Kitô được ghi dấu trên hành trình thập giá. Đức Giêsu mạc khải mầu nhiệm ý định của Thiên Chúa mà con người không thể nghĩ ra cũng không thể chấp nhận được. Đức Giêsu không phải là Đức Kitô theo kiểu người đời mong chờ, nhưng là Con Người đi theo hành trình của người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa. Đó là việc tự mạc khải đầu tiên của Đức Giêsu, cốt lõi của niềm tin kitô, mầu nhiệm cái chết và sự sống lại của Ngài. Ý muốn của Thiên Chúa là đổ tràn tình yêu của Ngài trên chúng ta là những tội nhân. Thiên Chúa phải chết trên thập giá vì chúng ta, vì Ngài yêu chúng ta. Mầu nhiệm Đức Giêsu là sự đau khổ của Người tôi tớ Thiên Chúa, đấng yêu mến Chúa Cha và anh em mình. Thập giá là sự dữ của ta mà Ngài gánh lấy vì yêu ta.
Đức Giêsu không tự cứu mình (x. Lc 23, 34-39), nhưng đã chết vì liên đới với chúng ta những kẻ đáng chết: Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, liên đới với đau khổ của chúng ta để đưa chúng ta vào vương quốc của Ngài (x. Lc 23,40-43). Đức Giêsu mời gọi: Ai muốn theo Ta.. là một lời mời gọi cùng với Ngài đi vào con đường dẫn đến Chúa Cha. Để chung chia số phận của Đức Giêsu trên hành trình tiến về Chúa Cha, cần phải từ bỏ chính mình và vác lấy thập giá mình mỗi ngày. Từ bỏ chính mình là chấp nhận cuộc đời mình như là hồng ân lãnh nhận chứ không phải như là chủ nhân, vác thập giá mình mỗi ngày là vác gánh nặng của việc phục vụ anh em và việc tự hiến cuộc sống cho kẻ khác, gánh nặng của những thử thách, của những chống đối và bách hại. Con đường Nước Trời là con đường thập giá, vì Đức Kitô và vì các kitô hữu.
Vấn đề nền tảng duy nhất là cứu hay mất mạng sống mình. Vậy theo Đức Giêsu và từ bỏ chính mình là vấn đề then chốt của cuộc sống: là vấn đề sinh tử. Con người không thể tự cứu mình, không tự mình là nguồn mạch sự sống cho chính mình. Không phải là Đấng Tạo Hóa nhưng chỉ là tạo vật. Ơn cứu độ là chấp nhận Thiên Chúa Đấng luôn yêu và nghĩ đến tôi. Con người tự hoàn thiện bằng tình yêu. Nhưng để yêu cần phải được yêu. Người kitô hữu có thể yêu Đức Giêsu và mất mạng sống vì Ngài bởi vì Ngài là người đầu tiên đã yêu và đã tự hiến vì họ (x. Gal 2,20). Người tín hữu phó thác cho Ngài, trong sự sống cũng như trong sự chết, vì Đức Kitô đã chết vì tất cả mọi người, chiến thắng mọi ngăn trở của sự dữ và sự sợ hãi.
Ích gì nếu được lời lãi cả và thế gian mà thiệt mất linh hồn mình? Cám dỗ đầu tiên của con người để cứu chính mình là thu tích của cải. Thấy mình bị giới hạn nên con người lấy của ăn và sự sống làm bảo đảm bằng cách chiếm hữu, tích trữ và vơ vét tất cả. Của cải là thứ bảo đảm giả tạo (x. Lc 12,15-21; Tv 49). Tham vọng của cải sẽ dẫn đến hư mất: ‘bám víu vào tiền của là cội rễ mọi sự dữ (1 Tm 6,10). Những thiện hảo duy nhất mà chúng ta được nơi vĩnh cửu chính là những điều chúng ta trao ban vì lòng thương yêu trong cuộc sống hiện tại này.
Thứ sáu sau lễ Tro
Tình yêu thì hơn việc ăn chay
Tuân giữ việc đền tội như dấu chỉ và ý muốn hoán cải tâm hồn, đặc biệt trong tình yêu cụ thể là chia sẻ của cải mình với những kẻ khác. Việc canh tân tâm trí chúng ta nằm trong những chọn lựa của ta. Tin mừng hôm nay nói cách riêng về việc các môn đệ Đức Giêsu không ăn chay, bởi vì họ hiểu rằng có điều gì đó, hay đúng hơn có một ai đó, vượt trội hơn việc giữ chay: Chúa Giêsu. Khi Ngài không còn hiện diện hữu hình nơi trần gian này với họ nữa, khi đó họ ăn chay, nghĩa là những chứng nhân trung thành trong sự đau khổ và bách hại. Việc giữ chay của ta có liên hệ đến sự thương khó của đức Kitô. Ngài mời gọi chúng ta thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Đối với kitô hữu, việc giữ chay là cơ hội để làm chứng sức mạnh tinh thần. Trong một quyển sách rất cổ kính của giáo hội, quyển Giáo Huấn của các Tông Đồ (Didaché), khuyên các kitô hữu không ăn chay vào các ngày mà người do thái ăn chay, nhưng vào ngày thứ sáu, để nhớ đến sự thương khó của Đức Giêsu. Nên khi chúng ta thực hiện một việc hãm mình, chay tịnh, luôn phải liên kết với Chúa. Vì khi ta liên kết với sự thương khó của Chúa, chúng ta sẽ khó có thể tự hào vì những việc tiết chế của mình. Sự thương khó của Đức Kitô không được thực hiện như một nghi lễ đền tội, nhưng như một hành vi yêu thương. Sự thương khó của Ngài vừa là sự vâng phục Chúa Cha vừa là cử chỉ yêu thương tột đỉnh, liên đới với tất cả chúng ta. Trong sự thương khó, Đức Kitô tháo cởi những xiềng xích bất công, ích kỷ và kiêu căng của ta…Ngài chia sẻ cơm bánh với người đói khát, với kẻ cơ bần. Hãy múc lấy nơi Đức Kitô lòng mến chân thật, và lòng chúng ta sẽ rộng mở cho mọi người; lòng mến của chúng ta thật là một mùa chay thánh, vì chúng ta biết quan tâm đến kẻ khác hơn là chính mình, chúng ta sẽ sẵn sàng để làm điều lành.
Thứ bảy sau lễ Tro
Ý thức mình là tội nhân
Đoạn tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu chờ đợi ta hoán cải: cần nhìn nhận mình là tội nhân và đến với Ngài như với Đấng cứu độ; cần nhìn nhận mình là người đau bệnh để đến với Ngài như vị lương y…Điều tệ hại là chúng ta tin rằng mình là kẻ công chính, nghĩa là tự hài lòng về mình, chẳng có gì đáng trách cả: vì với việc làm đó chúng ta tự tách mình xa khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhưng khi chúng ta nhìn nhận mình là tội nhân, chúng ta có thể ngay tức khắc đi vào trong trái tim của Đức Giêsu. Ngài không chờ chúng ta hoàn hảo rồi mới mời gọi ta theo Ngài. Ngài kêu gọi chúng ta dù biết rõ rằng chúng ta là những tội nhân đáng thương, yếu đuối. Điều quan trọng là trong đáy lòng ta vẫn còn liên kết với Ngài. Tội lỗi của chúng ta sẽ không bao giờ là ngăn trở cho việc kết hiệp với Thiên Chúa, nếu chúng ta ý thức mình là những tội nhân đáng thương, nghĩa là những tội nhân sám hối, khiêm cung, phó mình cho lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không dựa vào sức riêng mình.
Suốt Mùa Chay chúng ta được mời gọi để hối cải quay về trong tình yêu và khiêm cung, để gặp gỡ Đấng Cứu Độ của chúng ta. Tất cả chúng ta đều cần phải sám hối và cần được chữa lành và chúng ta hiện đang thế nào thì Đức Giêsu đón nhận chúng ta như thế ấy. Với ánh mắt nhân từ chúng ta cũng phải nhìn anh em chúng ta, không lên án như người con trưởng trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, không lấy làm xúc phạm vì thấy lòng nhân lành bao la của Cha dành cho những đứa con lỗi tội.
Tác giả: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn