Suy Niệm Thánh Vịnh 146 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ sáu - 02/02/2018 03:24  1454
Suy Niệm Thánh Vịnh 146
Alleluia!
Hãy ca ngợi Chúa đi!
Đàn hát mừng Thiên Chúa chúng ta, thú vị dường nào!
Được tán tụng Người, thỏa tình biết mấy!
Chúa là Đấng xây dựng lại Giêrusalem, quy tụ dân Israel tản lạc về.
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,
Những vết thương băng bó cho lành.
Người ấn định con số các vì sao,
Và đặt tên cho từng ngôi một.
Chúa chúng ta thật là cao cả,
Uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường!
Kẻ thấp hèn Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác Người hạ xuống đất đen.
 
Hãy dâng Chúa bài ca cảm tạ,
Gãy khúc hạc cầm mừng Thiên Chúa chúng ta.
Chúa kéo mây bao phủ kín cả bầu trời,
Người chuẩn bị cho mưa rơi xuống trên mặt đất.
Chúa khiến mọc cỏ xanh trên miền đồi núi,
Và các loài thảo mộc cho người thế hưởng dùng.
Chúa cho loài gia súc có đầy đủ thức ăn,
Bầy quạ non kêu đói cũng luôn được no mồi.
Vó ngựa phi Chúa không ưa chuộng,
Chẳng thích gì chân kẻ chạy nhanh,
Nhưng ưa chuộng những ai kính sợ Chúa, và trông cậy ở tình thương của Người.
 
Cùng Đọc Với Israel
Lòng đạo đức bình dân do thái (và của nhiều người thuộc các nền văn hóa khác nhau) được diễn tả qua bài Thánh vịnh này, liệt kê một vài phẩm tính của Thiên Chúa khiến người ta phải thốt lên lời cảm tạ, tụng ca Người. Ta lưu ý thứ tự lộn xộn những sự kiện lịch sử (Thiên Chúa can thiệp để cứu dân Người: cuộc hồi hương của những người lưu đày, tái thiết lại tường thành Giêrusalem, nâng đỡ những người nghèo, lật đổ những kẻ gian ác) và những biến cố vũ trụ (can thiệp của Thiên Chúa trên thiên nhiên:  sao, mây, thảo mộc, gia súc, con người). Cái thứ tự xem ra lộn xộn ấy làm cho ta cái cảm giác rằng thi sĩ không biết làm sao thinh lặng: những kỳ công của Thiên Chúa hiện ra chen chúc nhau trong đầu của ông.
Trong văn bản do thái, mỗi động từ đều ở thể phân từ (participe), vang lên như những tiếng chuông thánh thót, trong một toàn thể chuyển động được lập đi lập lại: Đức Chúa-xây dựng lại Giêrusalem-quy tụ những kẻ lưu đày-chữa trị cõi lòng tan vỡ-băng bó vết thương-đếm số tinh tú-đặt tên cho từng ngôi-nâng dậy kẻ thấp hèn-hạ bệ bọn gian ác-chuẩn bị cho mưa rơi-phủ mây che kín bầu trời-khiến mọc cỏ xanh.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Thật đánh động khi thấy những tương đồng trong cách dùng ngôn ngữ thật đơn sơ khi nói về Thiên Chúa và cách Đức Giêsu dùng để nói về Chúa Cha, ‘Đấng cho mặt trời mọc lên trên người lành kẻ dữ’ (Mt 5,45)…’Hãy xem chim trời…Cha anh em vẫn nuôi chúng’ (Mt 6,26). Đừng quên rằng Đức Giêsu đã được nuôi dưỡng bằng chính những vần thơ này. Nên chẳng lạ gì mà Ngài sử dụng chính những từ ngữ ấy. Nhưng nhất là, Đức Giêsu là đấng đến để thực hiện những hành động của Thiên Chúa mà thánh vịnh ca tụng: chính Ngài tái thiết lại nhân loại…chính Ngài quy tụ những người tản mác…chính Ngài chữa lành và tha thứ những tâm hồn tan vỡ…chính Ngài chúc phúc cho kẻ bé nhỏ thấp hèn…chính Ngài hạ bệ những kẻ kiêu căng…chính Ngài trao ban chính mình Ngài làm của ăn để cho chúng ta được sống.
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Hãy có tâm hồn trẻ thơ để biết chiêm ngưỡng. Con người phương tây ngày nay có cái gì đó đối kháng lại với kiểu nói này: cho rằng nó hơi quá ngây ngô và lạc quan. Bên cạnh những thành tựu của thiên nhiên, chúng ta nhạy cảm với những thất bại trong thiên nhiên. Có lẽ những khủng hoảng các nền văn minh của chúng ta phải đưa chúng ta về gần lại với thiên nhiên, để chúng ta tìm nhận thấy sự kỳ diệu. Phải chăng vì sống trong một khung cảnh nhân tạo nên chúng ta không biết cảm nếm sự tươi mát của cơn mưa xuân làm xanh tươi đồng cỏ, những mơn man của ánh nắng làm mọc lên những cây lúa mạch vào tháng tư, muôn vàn loại hạt tràn đầy nuôi bầy chim chóc! Phải chăng cần một thiên tai mới để chúng ta hiểu, khi mà phải sống trong sự khan hiếm, rằng mình đang ngập lút trong những kệ hàng rau quả! Các dân tộc đói khổ có lẽ có điều đáng để nói với chúng ta. Đừng giống như những đứa trẻ đường phố, chỉ biết nói vọn vẹn tiếng ‘cám ơn’.
Các ngôi sao và cuộc sống. Ngôn ngữ bình dân và hầu như của con trẻ trong thánh vịnh này mang đầy sự khôn ngoan và thông thái. Có hai lãnh vực trong đó chúng ta không làm chủ: lãnh vực các tinh tú và lãnh vực sự sống. Ngày mai khi thức dậy…con người không thể làm nên một ngôi sao, chỉ một cái cũng không. Trên cao kia, có hàng tỷ ngôi sao, được đặt để đúng vị trí của chúng. Không thể đếm xuể! Nhưng tác giả thánh vịnh viết chính Thiên Chúa ấn định con số các vì sao, biết rõ và đặt tên cho từng ngôi một…Điều này có thật sự mang tính trẻ con không! Hoàn toàn mang tính khoa học! Nhà thiên văn lỗi lạc nhất thế giới không thể biết được số các vì sao. Chính người mê say Thiên Chúa có lý: Người thật vĩ đại, uy quyền, làm chủ mọi sự. Vâng, hãy nhìn lên bầu trời đầy sao một buổi chiều. Hãy để cho cảnh hùng vĩ xâm chiếm tâm hồn bạn!
Còn lãnh vực sự sống, cũng ngoài tầm hiểu biết của ta. Một tế bào nhỏ chứa chất diệp lục còn mạnh hơn chúng ta nhiều, vì nó biết tổng hợp các chất đạm từ những khoáng chất…nghĩa là làm nên những chất hữu cơ, sống động từ những chất vô sinh…điều mà không có con vật nào biết làm! Và chúng ta, cho dù rất thông minh, nếu ta không có chất đạm để ăn, chúng ta sẽ chết. Tác giả thánh vịnh, chắc chắn không biết chân lý khoa học này, đã có ý nghĩ về điều đó: ‘loài thảo mộc cho người thế hưởng dùng’. Ta biết rằng, nếu không có các loài thảo mộc, mọi hình thái sự sống sinh vật sẽ bị tiêu diệt…
Khi cầu nguyện không cần thiết phải loại bỏ mọi hiểu biết của ta. Ta có thể lợi dụng chúng để thêm sức mạnh cho những quan sát ngây ngô của cha ông chúng ta. Họ biết hơn chúng ta sự tùy thuộc vào mùa màng, vào mưa nắng…vào Thiên Chúa!
Và vị Thiên Chúa mạnh mẽ ấy lại quan tâm chăm sóc những kẻ bé mọn yếu hèn. Hãy suy nghĩ câu chế nhạo những kẻ vênh vang trước mặt Thiên Chúa: ‘Vó ngựa phi Chúa không ưa chuộng, chẳng thích gì chân kẻ chạy nhanh’. Gồng bắp thịt lên trước mặt Thiên Chúa, chẳng đáng gì! Thật nực cười! Ơn cứu độ không phải là vấn đề của vai u thịt bắp. Ta không có quyền chiếm đoạt Thiên Chúa: ta chỉ đón nhận Người…vì Người tự hiến cho ta. Thiên Chúa ưa chuộng những ai kính sợ và trông cậy ở tình thương của Người. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người không phải là sức mạnh, nhưng là một từ chìa khóa trong Thánh Kinh Hessed, tình thương.
 
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome II
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập140
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm118
  • Hôm nay33,068
  • Tháng hiện tại649,615
  • Tổng lượt truy cập49,407,679

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây