Thứ hai Tuần I Mùa Chay (Lv 19,1-2.11-18; Mt 25,31-46)
Làm cho chính Ta
Đoạn Tin Mừng hôm nay thật rõ: chúng ta sẽ được Thiên Chúa xét xử dựa trên tình yêu. Đức Giêsu chỉ cho ta thấy nhiều cách thức để thực thi tình bác ái huynh đệ. Và Ngài còn thêm những lời lạ lùng này: ‘Mỗi khi các ngươi làm những điều này cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta’. Ngài, Con Thiên Chúa, đã muốn sinh ra, sống và nhất là chết trong sự nghèo hèn đến tận cùng, đồng hóa mình với mọi người nghèo, mọi kẻ bé mọn. Người kitô hữu muốn sống cách nghiêm túc đoạn tin mừng này, phải nhìn từng người nghèo gặp thấy trên đường đời mình bằng đôi mắt mới mẻ. Chúng ta thường quan tâm nhiều đến một thành viên nào đó thuộc gia đình chúng ta ví dụ đang thất nghiệp, hoặc ở tù. Nhưng chúng ta có cảm thấy đau cùng mức độ như vậy khi đọc trên nhật báo hay nghe tin tức, biết được những đau khổ khủng khiếp đang vùi dập bao nhiêu người khác không? Ít ra, chúng ta có cầu nguyện cho họ giống như Chị Thánh Têrêxa Lisieux đã làm, cầu nguyện cho anh tội phạm được ơn hoán cải không? Đức Giêsu nói: ‘Những anh em của Ta’ chứ không nói ‘những anh em của các ngươi’.
Suốt Mùa Chay này, nếu ta muốn trung thành với lời thề hứa khi lãnh nhận phép Rửa, hãy nhớ rằng Giáo Hội là gia đình thứ nhất của chúng ta, không chỉ của những người đã được thanh tẩy, mà của tất cả mọi người, bởi lẽ Đức Giêsu đã chết cho mọi người. Ít ra trong kinh nguyện, chúng ta hãy mở lòng mình ra quan tâm đến những khốn khổ của anh chị em. Hãy dâng hy sinh cho những ai đang đau khổ. Hãy là người Samaritanô nhân hậu đối với người lân cận mà Đức Giêsu đặt trên đường ta đi.
Thứ Ba Tuần I Mùa Chay (Is 55,10-11; Mt 6,7-15)
Lạy Cha chúng con
Mùa Chay là thời gian ưu tiên cho việc cầu nguyện, và Giáo Hội muốn chỉ ngay cho ta biết đâu là mẫu gương cần phải noi theo: Đức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện để dẫn họ vào tôn giáo mới Ngài mang đến. Điều hoàn toàn mới mẻ Ngài mang lại chính là giúp ta nhìn lên Thiên Chúa không chỉ như Đấng Tạo Hóa đầy quyền năng mà còn như Người Cha của chúng ta. Thiên Chúa là Cha chúng ta. Danh xưng ‘Cha’ chỉ có thể xuất phát từ những tâm hồn tôn thờ Ngài. Nên chúng ta không theo vết xe của dân ngoại: họ nghĩ rằng phải nói nhiều mới được nhận lời. Không còn sợ hãi, lo lắng: chỉ cần tín thác! Chúng ta có một người Cha thấu rõ những nhu cầu của chúng ta. Nên chi chúng ta có thể cùng với Đức Giêsu thưa những lời hoàn toàn vô vị lợi khi cầu nguyện, chỉ nghĩ đến vinh danh Cha, đến vương quyền và thánh ý Cha.
Đức Giêsu nói rõ: Cha của ‘chúng con’. Ngài nhấn mạnh đến tình huynh đệ giữa mọi người mà Ngài được sai đến để cứu độ qua cái chết thập giá. Lạy Cha Chúng Con là lời kinh nguyện của những người con thảo hiếu, nhưng cũng là lời kinh đượm tình huynh đệ tuyệt hảo nhất. Vì thế Đức Giêsu nhấn mạnh nhiều đến việc tha thứ. Dù mỗi người chúng ta là tội nhân, gian ác nhưng tất cả đều có thể thưa với Thiên Chúa Lạy Cha Chúng Con. Miễn là chúng ta thật lòng muốn tha thứ tất cả, không chút thù oán trong tâm hồn. Chỉ như thế chúng ta mới thật là con cái của Cha.
Thứ tư Tuần I Mùa Chay (Gn 3,1-10; Lc 11,29-32)
Điềm lạ Giona
Đừng ganh tị với thế hệ những người đương thời của Đức Giêsu. Ngài đã gọi họ là thế hệ gian tà, bởi vì họ vẫn còn ở dưới ảnh hưởng của thần dữ và đòi những dấu lạ thay vì hoán cải theo lời của Ngài. Đức Giêsu từ chối ban cho họ điềm lạ ngoài điềm lạ của Giona. Đức Giêsu là dấu chỉ lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho mọi người. Nếu đức tin là tuân phục Thiên Chúa thì ngược lại với đức tin là việc đòi hỏi Thiên Chúa vâng theo chúng ta. Điều đó xảy ra khi ta quan hệ với Thiên Chúa theo lối ‘tống tiền’, luôn đòi những bằng chứng mới và xác đáng hơn, mà chẳng hề quyết định tin vào tình yêu của Ngài. Thiên Chúa ban cho ta dấu chỉ để giúp ta tin. Tất cả những dấu chỉ mà Thiên Chúa ban cho qua Đức Giêsu cô đọng nơi dấu chỉ Giona: ông là dấu chỉ về một Thiên Chúa nhân từ hay thương xót, hay động lòng thương.
Đức Giêsu là Thầy sự khôn ngoan, nơi Ngài người tín hữu có thể chắc chắn tỉm gặp những điều làm thỏa lòng hơn những điều mà Nữ Hoàng Saba đã nghe từ miệng Salomon. Ơn cứu độ tùy thuộc vào lời ta đáp trả lại tình thương của Đấng cao cả hơn Salomon và Giona, hơn cả các nhà thông thái và các tiên tri.
Thứ năm Tuần I Mùa Chay (Est 14, 1.3-5.12-14; Mt 7,7-12)
Ai gõ cửa sẽ mở cho
Ông ơi, tôi đứng ngoài cửa và gõ cửa. Tôi gõ vào các cánh cửa sổ nhà ông để van xin…
Chúa đã gây rắc rối cho con bằng câu nói: ‘Mỗi lần các ngươi làm những điều ấy cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi làm cho chính Ta’. Con đã nhận lời quả quyết đó từng chữ một. Và đây con đã không dám đuổi đi một ai đó đang xin con giúp đỡ vì danh Ngài, mà trước đó không giúp đỡ họ. Con nghĩ rằng Ngài đang đứng đó, trước mặt con, mắt đẩm lệ, trong sự nghèo nàn. Con tin chính Ngài đã viết những lá thư đầy van xin, mỗi ngày gởi đến đầy bàn viết của con. Và con đã thưa ‘Vâng’ mỗi lần mà Ngài đến gặp con để xin con điều gì. Vì mỗi giúp đỡ của tôi chỉ nhằm đến Ngài, đang đau khổ nơi Giáo Hội bị bách hại.
Điều đó đã xảy ra suốt 14 năm rồi. 14 năm Ngài luôn gõ cửa lòng các bạn hữu, các nhà hảo tâm để họ đổ đầy đôi bàn tay của con, để con có thể phân phát tất cả những gì con đã hứa vì tình yêu Ngài.
Nhưng Ngài đến với con thường xuyên, lạy Chúa, với quá nhiều yêu cầu. Ngài quấy rầy con quá nhiều và liên tục với những lời than van qua đôi môi của người hành khất. Ngài bắt con hứa nhiều hơn những gì con có thể thực hiện.
Ngài biết rõ, lạy Chúa, con chỉ là một con người yếu đuối và hạn hẹp. Ngài biết con mệt mỏi biết bao vào buổi chiều và không chợp mắt ban đêm, vì luôn tìm những phương cách mới để cung cấp cho những người thiếu thiốn trong giáo hội của Ngài. Ngài biết là con đã kiệt lực và làm hết khả năng rồi. Từ trời cao, Ngài hãy kiểm tra kế toán của con xem và còn một cột dài những lời hứa không giữ.
Thứ sáu Tuần I Mùa Chay (Ed 18,21-28; Mt 5,20-26)
Luật tình yêu
Đức Giêsu muốn chúng ta cùng ‘lên’ Giêrusalem với Ngài: Ngài không muốn chúng ta dừng lại ở dưới ‘đồng bằng’. Ngài muốn chúng ta ‘hoàn thiện như Cha chúng ta’! Có khả thi? Sự hoàn thiện mà Đức Giêsu bày tỏ cho ta, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu thấu cách đầy đủ, nó không nằm trên bình diện của sự công bình: sự hoàn thiện không có ý nói đến việc thực thi tất cả các nhân đức luân lý, không phạm bất cứ lỗi lầm nào trong luật Chúa. Vì quả thật chúng ta bất lực! Đúng hơn có ý đề cập đến việc bắt chước Chúa Cha: bắt chước Ngài yêu thương không giới hạn.
Ở đây muốn đề cập đến việc chúng ta cần có những tình cảm của người con đích thực của Chúa Cha. Thế nên, Đức Giêsu đòi chúng ta một sự nhạy cảm cao độ trong tương quan với anh em. Đừng giận dữ với anh em, đừng xem anh em là ngu, dù chỉ trong ý nghĩ. Nhưng Đức Giêsu Đấng hiểu rõ lòng Chúa Cha, nêu lên tầm quan trọng của tình yêu thương huynh đệ, đến độ khuyên chúng ta ‘để của lễ lại trên bàn thờ’ mà đi làm hòa với người anh em trước đã. Thực ra, nhiều lúc chúng ta mang cả một gánh nặng trĩu trong lòng: Thiên Chúa hình như thật xa cách; có thể chúng ta đang còn giữ mối căm hờn, tức giận, hiềm thù với anh em. Và Thiên Chúa chờ đợi chúng ta tha thứ cho họ. Đây là luật bất di bất dịch của tình yêu: chúng ta sẽ được Cha yêu thương trong mức độ ta yêu thương anh em mình. Chỉ với tình yêu vô biên trong lòng, chúng ta mới có thể làm được điều đó.
Thứ bảy Tuần I Mùa Chay (Đnl 26,16-19; Mt 5,43-48)
Thiên Chúa mời gọi ta nhiều hơn thế
Khi đọc đoạn Tin Mừng hôm nay, việc trước hết ta cần làm là cầu nguyện, van xin Đức Giêsu để có thể sống như Ngài cách trọn vẹn. Hãy van nài Thánh Thần biến đổi lòng ta đến mức có thể tha thứ và yêu thương như Đức Giêsu, Đấng đã ban cho ta bằng chứng hùng hồn nhất của tình yêu qua cái chết thập giá.
Là con người, tự nhiên ta không thể yêu kẻ thù mình. Khó khăn lắm chúng ta mới tránh khỏi trả lại họ những điều họ đã làm hại mình, và như thế đã là nhiều lắm rồi! Nhưng Đức Giêsu mời gọi chúng ta nhiều hơn thế. Ngài dạy chúng ta phải ‘yêu thương và cầu nguyện cho họ’. Thiên Chúa dựng nên con tim chúng ta theo một cách thức mà nó không thể đứng trung lập. Khi chúng ta thờ ơ đối với một ai đó, ta không thể khám phá ra điều gì tốt đẹp nơi họ cả, không thể tha thứ cho họ thực sự được. Nên cần phải bắt chước Cha chúng ta trên trời, không phải quyền năng như Ngài nhưng khôn ngoan và thông minh như Ngài, tốt lành và nhân hậu như Ngài. Ngài, Đấng không chỉ ‘khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương’, nhưng còn hy sinh cả Người con yêu dấu của mình cho Giuđa cũng như cho tên trộm lành và cho mọi người.