KẾT HÔN VÔ HIỆU DO SỢ HÃI, Đ. 1103
Can. 1103
Invalidum est matrimonium initum ob vim vel metum gravem ab extrinseco, etiam haud consulto incussum, a quo ut quis se liberet, eligere cogatur matrimonium. |
Đ. 1103
Hôn nhân bất thành, nếu vì bạo lực hay sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài, mặc dầu không cố tình gây nên, người ta buộc phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát. |
I- Ý nghĩa
Gian Francesco Zuanazzi trong bài biết chuyên đề “Hà tỳ ưng thuận ‘
od vim vel metum’: khía cạnh tâm lý” đã giải thích ý nghĩa của
vis và
metus như sau:
1- Vis (violenza), bạo lực, được thực hiện trên thân xác của một bên do một người khác với mục đích có được dấu hiệu bên ngoài của sự đồng ý.
Trong thực tế ngày nay, cưỡng ép người khác kết hôn bằng bạo lực ít khi xảy ra. Vì thế, chúng ta sẽ khai triển nhiều về
metushơn.
2- Metus (timore), sự sợ hãi, “là một sự xáo trộn tâm hồn (
turbamento dell’animo) gắn với sự chờ đợi đau khổ của một sự thiệt hại tiềm ẩn: một cảm thức đến việc việc sắp xảy ra.”
[1]
Trong nghĩa này, sự sợ hãi bao gồm những xúc cảm khác nhau: xấu hổ (
vergogna), sợ (
paura), bồn chồn lo lắng (
ansia o angoscia).
[2]
Trong tiếng Ý,
Timore cũng được tự điển De Mauro định nghĩa như sau:
1a- một cảm thức bồn chồn lo lắng, lo sợ, sự lưỡng lự về điều mà sắp xảy ra, có thực hoặc giả định, của một nguy hiểm, của một thiệt hại, hoặc của một biến cố đau khổ.
1b- sự lo lắng bận tâm về việc làm một điều gì mà không muốn hoặc không thích hợp.
G. F. Zuanazzi phân biệt: Sợ (
paura) thì luôn là sợ về một điều gì và liên hệ tới một đối tượng trong mối tương quan đến một điều gì đó đang hiện hữu, nhưng tình trạng bồn chồn lo lắng (
ansia) lại biểu lộ một sự đối nghịch nhau trong tâm hồn, không liên hệ tới một đối tượng bên ngoài.
Bồn chồn lo lắng (
ansia) không phải là làm nặng thêm sự sợ mà là sự sợ mạnh mẽ không có đối tượng. Sự bồn chồn lo lắng thì luôn trông đợi điều gì đó nguy hại mà không biết rõ. Ví dụ như sự bồn chồn lo lắng xảy ra cho một người khi có người thân chưa về nhà như thường lệ, mà không biết là có chuyện gì xảy ra và người đó nghĩ rằng đó là điều không tốt (tai nạn?).
Vì thế, chúng ta coi là sợ hãi trong những sự sợ một điều xấu không chỉ được biết đến rõ ràng nhưng còn không được rõ ràng, như trong sự kính sợ cha mẹ.
3- Người ta buộc phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát
Quy định này không có ý nói là thụ nạn nhân bị buộc phải kết hôn với một người mà chỉ nói buộc phải chọn hôn nhân.
[3] Như vậy, khi vì sợ, nạn nhân phải kết hôn với một người đã được chỉ định hoặc phải kết hôn với bất cứ một người nào khác, thì sự ưng thuận vẫn bị hà tỳ. Ví dụ: Cô gái bị một tên du đảng ve vãn nên lo sợ. Cô quyết định chọn kết hôn với một chàng trai hàng xóm mới đi bộ đội về, người mà cô không yêu để tự giải thoát khỏi nỗi sợ.
Cũng cần phân biệt sự không muốn hôn nhân (marriage) với sự muốn hay không thích một người (person). Theo điều 1103, đó là sự không muốn hôn nhân. Vì vậy, sự không thích một người (person) không luôn đòi phải có để chứng minh sự ưng thuận bị hà tỳ.
[4]
Ví dụ, cô gái nói trên, bị một tên du đảng ve vãn nên lo sợ. Cô quyết định chọn kết hôn với một chàng trai hàng xóm mà cô có cảm tình, có thể làm bạn cho vui, nhưng cô lại không muốn kết hôn với anh hàng đó. Cô ta không ghét anh ấy, hoặc vẫn có thể thích anh ấy về những điều này điều kia nhưng cô ta lại không muốn kết hôn, vì không yêu anh ấy. Tuy nhiên, cô ta lại kết hôn với anh chỉ vì sợ anh du đảng có thể gây ra cho cô một điều xấu nghiêm trọng. Thẩm phán không lấy chứng cứ về sự có cảm tình, hay sự có thích anh hàng xóm để khẳng quyết rằng cô này không hề bị sợ hãi.
4- Sợ hãi nghiêm trọng từ bên ngoài (ad extrinseco)
Giáo luật đòi sự sợ hãi phải do bên ngoài gây ra (
ad extrinseco), không do bên trong như do tự tưởng tượng, quá cẩn trọng, ám ảnh, cuồng nhiệt, mê sảng… không một tình huống đặc biệt như chiến tranh, động đất …
Chính xác hơn là sợ hãi được coi là trực tiếp khi gây ra từ một người khác do đưa ra một hành vi đe dọa. Tuy nhiên, sự đe dọa thôi thì chưa đủ, đương sự phải biết đó là đe dọa, nghĩa là phải biết trước những nguy hại và nghĩ rằng chỉ có kết hôn mới tránh thoát được.
Luật không đòi tác nhân gây sợ hãi phải cố ý, bởi vì sự sợ hãi nổi lên ngoài ý muốn. Trong trường hợp này sợ hãi là gián tiếp (
metus indirecte incusus). Vì thế, nạn nhân sợ hãi nhiều khi nghĩ rằng đã bị đe dọa kết hôn chỉ bởi những thái độ của người khác, nhưng thật ra, không hề có đe dọa.
G. F. Zuanazzi giải thích rằng trong trường hợp sợ hãi gián tiếp, nguyên nhân gây sợ hãi vẫn là bên ngoài nhưng hiệu quả của nó lại là yếu tố bên trong. Sự thiệt hại do đe dọa được nhận thức từ bên trong tâm tư nạn nhân, chứ không do tác nhân bên ngoài.
Trong ví dụ nói trên, cô gái không hề bị chàng du đảng đe dọa. Chàng chỉ ve vãn và không cho chàng trai khác làm quen với cô. Sự sợ hãi của cô là sự sợ hãi gián tiếp, tự phát trong lòng, nhưng vẫn có nguồn gốc từ bên ngoài. Trong trường hợp này, kết hôn của cô với anh hàng xóm được xét là vô hiệu, do sợ hãi để tự giải thoát.
5- Mặc dầu không cố tình gây nên
Tác nhân gây sợ hãi thường cố ý và thực hiện bằng sự đe dọa, nhưng nếu tác nhân không cố ý mà thụ nhân vẫn bị sợ hãi, thì sự sợ hãi này vẫn gây hà tỳ ưng thuận và vì thế kết hôn vô hiệu. Trong trường hợp thứ hai, sợ hãi là gián tiếp (
metus indirecte incusus).
Vì thế, đôi khi nạn nhân sợ hãi tưởng rằng đã bị đe dọa chỉ bởi những thái độ của người khác, nhưng thật ra, không hề có đe dọa. Ví dụ, người cha khi nghe con gái mình có bầu, liền tức giận và đòi giết chàng trai, người gây ra cái bầu. Trong cơn tức giận ông nói như vậy nhưng không có ý đòi chàng trai này phải cưới con gái mình. Tuy nhiên chàng trai nghe nói như vậy, tưởng cha cô gái đe dọa, đòi phải cưới con gái, nên sợ, kết hôn với cô gái.
[5]
II- Sự kính sợ (timor reverentialis)
Khi bàn đến sự sợ hãi gây tiêu hôn, các nhà chuyên môn không khỏi không nói đến
timor reverentialis. Nó kể như một dạng đặt biệt của sự hãi cần lưu ý và thường xảy ra.
Các tác giả như Conte a Coronata, Wernz-Vidal, Cappello, Gasparri đã phân biệt sự khác nhau giữa
kính sợ (
timore reverentialis) với sự
sợ hãi (
metus gravi). Trong những trường hợp thông thường, được coi như kiểu mẫu kinh điển của sự
sợ hãi: sợ bị mất quyền thừa kế, sợ bị đuổi ra khỏi nhà, sợ bị tổn thương cơ thể… Trong khi đó, sự
kính sợ, đúng như diễn tả của Abate, là một sự sợ gây ra từ một loại điều xấu, xảy ra cho đương sự và đặc điểm của điều xấu này là sự không hài lòng hay tức giận của cha mẹ.
[6]
Trong La ngữ,
reverentia có nghĩa là kính trọng, sợ, khuất phục. Đó là một yếu tố tình cảm, như quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đối với một số tác giả nó là “một ràng buộc về sự lệ thuộc tình cảm và tâm lý, có thể tìm thấy giữa cha mẹ và con cái, giữa người chăm sóc và người được chăm sóc, giữa thầy và trò”, trong đó, sự sợ không là sợ một điều xấu vật lý mà sợ đau khổ, sợ mất lòng và từ đó dẫn một người đến việc chọn kết hôn để tránh thoát.
[7]
Sự kính sợ cha mẹ phát xuất từ tâm tình hiếu thảo của người kết hôn, không muốn làm phiền lòng cha mẹ khi cha mẹ tỏ ý muốn. Trong trường hợp này, cha mẹ không đưa ra những đe dọa mạnh mẽ nhưng người con cảm thấy nếu mình không kết hôn theo ý muốn của cha mẹ thì sẽ xảy ra những điều xấu như: một bầu khí lạnh lùng và giận ghét, hay bị trách mắng… cho nên đương sự sợ và phải kết hôn. Sự kính sợ cha mẹ mà làm khiếm khuyết sự ưng thuận đòi phải là một sự kính sợ do có tai hại nghiêm trọng tiềm ẩn và phải có những biểu hiện ra bên ngoài, có thể kiểm chứng được.
[8]
Như vậy, sự sợ hãi, theo kinh điển, là một sự sợ hãi có tính khách quan và đơn giản. Ví dụ như cha đe dọa giết con gái nếu con gái không chịu kết hôn với một chàng trai mà ông ta chọn làm rễ. Trong khi đó, sự kính sợ, có tính chủ quan, nẩy sinh từ chính cảm thức của chính chủ thể. Nó không gây ra bởi sự đe dọa hoặc do đe dọa có kèm theo điều xấu nghiêm trọng gây ra bởi người khác.
Suy diễn một cách rộng hơn, G. F. Zuanazzi và một số tác giả cho thấy sự kính sợ này xảy ra nơi quan hệ giữa bề trên và cấp dưới, trong lãnh vực nghề nghiệp, làm ăn hay trong quân đội. Cấp dưới cảm thất bị tai hại hay bị điều xấu khi làm mất lòng cấp trên, làm mất đi sự tin tưởng, tình thương, thiện cảm. Những cảm nhận này nó không thuộc về pháp lý nhưng thuộc về tình cảm và là điều thông thường và không thể tránh khỏi. Quan hệ giữa bề trên và cấp dưới như vậy có thể gây ra những hiệu quả giống như sự đe dọa và cảm nhận đe dọa lại tùy thuộc vào cấp dưới.
[9]
Sự kính sợ không do một lời nói hay cử chỉ nào có tính đe dọa nhưng đôi khi phát sinh ra từ một thái độ không hài lòng, một câu nói tỏ ý mong muốn của cha mẹ, của cấp trên. Sự kính sợ đó như
metus indirectus và
suspicio metus, có giá trị là nguyên nhân tiêu hôn.
[10]
Như chúng ta đã khảo sát, con người có thể sợ hãi trong nhiều cách thức khác nhau và tùy thuộc vào cảm nhận và phản ứng khác nhau của mỗi người. Sự xem xét khách quan, đúng đắn không phải chỉ dựa vào những tiêu chuẩn thông thường nhưng còn dựa vào những yếu tố có tính chủ quan nơi người vì sợ hãi mà kết hôn.
Vấn đề “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”: Sabattani, thẩm phán tòa Rota, đã khẳng định: “Một hôn nhân của con cái được xếp đặt bởi cha mẹ thì không vô hiệu, nếu con cái chấp nhận hứa hôn và kết hôn. Nhưng nếu con cái không muốn chấp nhận hứa hôn và vì thế miễn cưỡng kết hôn vì sợ hãi, hôn nhân vô hiệu” (c. Sabattani, 20-12-1963).
Do đó, như đề ra một nguyên tắc để thẩm xét, thẩm phán Cormac Burke nói : “
Câu hỏi pháp lý cần phải xác định là: phải chăng một người hoặc cuối cùng tự do chấp nhận hôn nhân được đề nghị, không do tình yêu, mà do tôn trọng kinh nghiệm lớn hơn, …; hoặc ‘người chấp nhận’ hôn nhân đã đi ngược lại với ý muốn riêng của mình, và chỉ do sợ hãi những hậu quả của sự không ưng thuận thúc đẩy” (Coram Cormac Burke, 20-1- 1994).
Đây là nguyên tắc rất cần thiết để xác định sự vô hiệu: 1- Nếu chấp thuận ý kiến cha mẹ một cách tự do, hôn nhân không vô hiệu. 2- Nếu việc chấp thuận kết hôn lại đi ngược với ý muốn bên trong của họ và chỉ vì sợ một điều xấu xảy đến nếu không chấp thuận thì hôn nhân vô hiệu.
III- Chứng cứ
Có hai chứng cứ căn bản trong vụ án kết hôn vì sợ hãi:
Trực tiếp: chứng cứ về sự cưỡng ép;
Gián tiếp: chứng cứ về sự không muốn, miễn cưỡng.
Việc thẩm cứu cần biết hoặc nhắm tới:
- Sự xác thực của các lời khai của các bên và các nhân chứng;
- Sự tương hợp giữ nỗi sợ và hoàn cảnh cá nhân bên bị ép hôn: tuổi tác, khả năng, nghề nghiệp, tính khí…
- Mối liên hệ giữa người ép và bị ép.
- Động lực của sự cưỡng ép hay sợ hãi. Ví dụ: Cha mẹ sợ con gái hư hỏng, ép nó lấy chồng sớm; kết hôn để khỏi đi nghĩa vụ quân sự …
- Khi lời khai, hoàn cảnh và động lực ép buộc tương hợp với nhau thì mới có thể xác nhận hôn nhân vì sợ hãi.
IV- “Sợ hãi” hay “sợ hãi nghiêm trọng”?
Trong bản dịch Việt ngữ hiện hành, điều Đ. 1103 được viết như sau:
Hôn nhân bất thành, nếu vì bạo lực hay sợ hãi nghiêm trọng (metum gravem) từ bên ngoài, mặc dầu không cố tình gây nên, người ta buộc phải lựa chọn hôn nhân để tự giải thoát.
“Metum gravem” trong văn bản La Tinh đã được dịch là “
sợ hãi nghiêm trọng”. Đề nghị thay đổi,
metum gravem được dịch là:
- Sợ hãi
- Lo sợ nghiêm trọng
- Sợ nghiêm trọng
Lý do có thể thấy được là khái niệm “
sợ hãi nghiêm trọng” diễn tả một mức độ sợ hãi rất mạnh mẽ. Nếu dịch như vậy sẽ gây hiểu lầm cho thẩm phán. Khi căn cứ vào mặt chữ
sợ hãi nghiêm trọng và thẩm phán cứ hiểu như vậy thì vụ án hôn nhân về sự sợ hãi rất khó mà được thẩm phán xác nhận là vô hiệu. Trong khi đó án lệ tòa Thượng Thẩm Roma, đã từ lâu, chấp nhận ngay cả “kính sợ” (timore reverentialis) cũng có thể gây hà tỳ ưng thuận và xác nhận hôn nhân vô hiệu.
Chữ “sợ hãi” tuy không có mặt chữ “nghiêm trọng” (gravem), nhưng đã được chữ “hãi” thay thế. Vì vậy, dịch chữ “metum gravem” là “sợ hãi” thì cũng đủ nghĩa, không cần thêm chữ “nghiêm trọng”.
Thật ra, ngay cả chữ “hãi” (kinh hãi, hãi hùng) cũng đã diễn tả còn hơn cái “sợ nghiêm trọng” rồi. Chữ “metum gravem” có nghĩa đơn giản là “sợ nặng”, để đối lại với
sợ nhẹ,
sợ vu vơ. Đã “hãi” rồi mà lại thêm “nghiêm trọng” thì quả là đẩy lên quá mức độ mà luật muốn nói.
Vì vậy, không dùng chữ “sợ hãi nghiêm trọng”, chỉ nên dùng chữ “sợ hãi” hoặc chữ “lo sợ nghiêm trọng” hay “sợ nghiêm trọng” để dịch chữ “metum gravem”.
V- Những trường hợp điển hình
A- Tòa án địa phương
1- Sợ mất việc trong công ty[11]
Henry là một sinh viên nghèo, mới tốt nghiệp Ðại học vài năm và được nhận vào làm việc tại một công ty lớn. Vì giỏi dang và siêng năng, Henry được đề cử vào chức vụ Giám đốc một chi nhánh của công ty. Một bữa tiệc mừng được tổ chức tại nhà của ông Tổng Giám Ðốc, tại đây Henry gặp Sonia, con gái ông. Hai người bị tiếng sét ái tình với nhau. Qua thời gian tìm hiểu, Henry nhận thấy vì Sonia được gia đình nuông chiều quá đáng nên tỏ ra hách dịch và cô giao thiệp với rất nhiều bạn trai. Mẹ của Sonia còn hách dịch hơn cả cô nữa.
Nhận thấy Henry trẻ có tương lai, bà mẹ của Sonia muốn bắt làm rể, nên đề nghị hai người làm đám cưới. Bà đứng ra lo liệu việc đính hôn và tổ chức đám cưới.
Henry thật tâm không muốn mặc dù anh có yêu Sonia, nhưng vì e ngại chức vụ của mình trong công ty sẽ bị đe dọa nên chấp nhận.
Khi được tin, gia đình của Henry vui mừng và cũng muốn Henry làm đám cưới với Sonia vì tương lai của chàng. Henry cho gia đình biết rằng chàng không yêu thương Sonia nhiều lắm và tính nết của nàng không thích hợp với chàng. Gia đình chàng buồn bã ra mặt. Suy đi tính lại, vì tương lai của chính mình, vì gia đình khuyến khích. Henry xúc tiến việc đám cưới. Lễ cưới và tiệc cưới diễn tiến bình thường, vui vẻ.
Ngay trong tuần trăng mật, hai người đã có những xích mích và hơn một năm sau đó, họ chia tay nhau. Sonia đệ đơn nơi Tòa Án Hôn phối xin tháo gỡ hôn nhân với lý do Henry không thật lòng khi nói lên lời ưng thuận đồng ý kết hôn. Những chứng cớ được thu thập từ Henry, mẹ chàng và cha mẹ của Sonia. Tòa Án đã tháo gỡ hôn phối của họ.
2- Sợ tai tiếng vì đã mang thai[12]
Peter và Mary, cả hai người đều 17 tuổi lúc họ gặp nhau. Mary là con nuôi trong một gia đình khá giả. Tuy nhiên, tình cảm giữa Mary và bà mẹ nuôi không được tốt đẹp lắm. Mary luôn cho rằng vì cô là con nuôi nên không thể nào có được tình thương như con ruột.
Gặp Peter, lúc ban đầu hai người rất thâm mật với tình yêu thương đậm đà, nhưng dần dần tình yêu phai lạt, hờ hững. Cuối cùng hai người chia tay nhau. Hai tháng sau, Mary mới biết mình đã mang thai với Peter. Cô liên lạc lại với anh và hai người đồng ý cho hai bên gia đình biết.
Hai gia đình buồn rầu ra mặt, nhưng sự thể đã lỡ làng biết giải quyết thế nào, họ để tùy hai người trẻ quyết định. Nếu hai người muốn làm đám cưới, hai bên gia đình sẵn sàng đứng ra lo liệu, nhược bằng họ quyết định chia tay, bên gia đình ba má nuôi Mary sẽ cáng đáng việc thai nghén, sanh đẻ của Mary. Mary quyết định làm đám cưới, nhưng không tỏ lộ sự sốt sắng hay rộn rã của một người con gái sắp về nhà chồng.
Dù ngại ngùng, nhưng hai gia đình vẫn thu xếp hôn phối của hai người khá tươm tất với lễ cưới, tiệc tùng v.v...
Sau đám cưới, ngoại trừ một vài lần miễn cưỡng ưng thuận, Mary từ chối không chung chạ với chồng. Cô tuyên bố cô sẽ ở với Peter cho đến khi sanh, để khi sanh, con cô là đứa con có cha và để cho mọi người chung quanh khỏi dị nghị. Sau khi sanh, cô ở lại với Peter được vài tháng, sau đó dọn về nhà cha mẹ nuôi và cuối cùng dọn ra riêng ở một mình với đứa con nhỏ.
Peter nộp đơn ra Tòa Án hôn phối xin tháo gỡ hôn nhân giữa anh và Mary. Dựa trên căn bản việc Mary chỉ ưng thuận nói lên lời kết hôn vì đứa con sắp sinh, vì lời dị nghị của người chung quanh chứ không phải vì yêu thương Peter và muốn sống với Peter suốt đời. Chứng cớ được thu thập từ những nhân chứng, Tòa Án hôn phối tuyên bố hôn nhân giữa Peter và Mary không thành sự.
3-
Sợ mất tương lai, sợ mất gia tài[13]
Roger là một bác sĩ y khoa trẻ khá nổi tiếng về nghề nghiệp cũng như về sinh hoạt chính trị. Anh có hoài bão sau này sẽ trở thành người lãnh đạo lớn. Roger gặp Penelope, con gái của một chính trị gia, đồng thời cũng là một nhà triệu phú. Penelope sau khi tốt nghiệp trung học, được gửi sang Thụy sĩ theo học một trường Ðại học nổi tiếng của Âu Châu. Hai người thật xứng đôi vừa lứa, nhưng thật ra hai người chỉ là bạn với nhau mà thôi. Roger đã có tình với một người con gái khác là Candida.
Trong một lần tiễn chân Penelope lên đường sang Thụy sĩ sau kỳ hè, nhà triệu phú tổ chức một bữa tiệc tiễn chân con gái, Roger cũng được mời tham dự. Có lẽ vì cả hai người đều quá chén chăng, nửa đêm ông triệu phú bắt gặp Roger và con gái yêu của mình đang làm chuyện tồi bại trong phòng ngủ của con gái ông.
Ðùng đùng nổi giận, ông bắt Roger và Penelope phải lấy nhau, ông là người thủ cựu, không quan niệm khác được. Khi hai người nhận lỗi và phản đối việc cưới hỏi,
ông tuyên bố rằng ông sẽ làm ầm ỹ lên và tương lai của cậu bác sĩ chính trị gia sẽ chỉ là đống bọt ngoài bãi biển, và tương lai của con gái ông là sẽ không được ghi tên trong bản di chúc của ông sau này, nghĩa là mất phần gia tài kếch sù của ông để lại.
Hai người gượng vui làm đám cưới, cười cười, nói nói trong lễ cưới và tiệc cưới, nhưng trong lòng thì tan nát dở dang.
Một năm sau, hôn nhân tan rã. Roger nộp đơn xin tháo gỡ. Tòa Án tuyên bố hôn phối vô hiệu dựa trên căn bản của việc sợ hãi và cưỡng ép khi nói lời ưng thuận kết hôn.
B- Tòa Thượng Thẩm Roma về hôn nhân do kính sợ (timor reverentialis)
Trong quyển
Rotal Anthology. An Annotated Index of Rotal Decisions from 1971 to 1988, Washington, DC 1992 , biên soạn bởi Augustine Mendonca, đã ghi lại tóm tắt những Quyết Định của Tòa Thượng thẩm Roma từ năm 1971 đến năm 1988. Sau đây là một số trường hợp điển hình về sự kết hôn do kính sợ:
Coram Agostoni, Dec 63 (1980) 372-381, Turin, Italy
Người nữ mang bầu sau khi bị cưỡng hiếp. Cha của cô mắng chưởi và buộc cô phải kết hôn. Rõ ràng là cô ta không thích chàng ấy. Cơ sở phán quyết xác nhận vô hiệu (
affirmative) cho vụ này của Rota là dựa trên sự kính sợ cha mẹ.
[14]
Coram Ferraro, Dec 63 (1980), Naple, Italy
Người nữ khai rằng cô ta đã kết hôn vì mẹ cô ta cứ năn nĩ mãi (
insistence). Điều này được chứng tỏ qua những sự kiện miễn cưỡng của cô ta và được chứng minh qua những lời chứng. Rota tuyên bố hôn nhân vô hiệu dựa trên sự kính sợ cha mẹ.
[15]
Coram Pompedda, Dec 64 (1981) 294-299, Ravena, Italy
Hai người nam nữ quen thân nhau, nhưng sau đó người nữ thay đổi ý kiến, không muốn kết hôn. Tuy nhiên, vì sự nài nĩ (
insistence) của mẹ nên cô đành kết hôn. Rota tuyên bố hôn nhân vô hiệu dựa trên sự kính sợ cha mẹ.
[16]
Coram Fiore, Dec 63 (1980) 620-624, Caroline Islands[17]
Thẩm phán Fiore tòa Rota đòi sự kính sợ cha mẹ phải là nghiêm trọng, được chứng tỏ qua chứng cứ trực tiếp và gián tiếp. Chứng cứ trực tiếp là chứng cứ từ người gây sợ hãi; gián tiếp là chứng cứ về sự không muốn kết hôn của người bị ép. Trong vụ án này chứng cớ đã không đủ nên tòa phủ nhân hôn nhân vô hiệu.
Bài viết được bổ túc và cập nhật ngày 20-01-2016
JB. Lê Ngọc Dũng
[1] Cf. G. F. ZUANAZZI, “Vizio del consenso’od vim vel metum’: aspetti psicologici”, trong AA.VV.,
La vis vel metus nel consenso matrimonial canonico (can.1103), (SG LXXI), Vaticano 2006, 97.
[2] Cf.
Ibidem.
[3] Cf.
Ibidem.
[4] Cf.
Ibidem,.165
.
[5] Cf. L. G. WRENN,
The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 164.
[6] Cf. A. ABATE,
Il Matrimonio nella legislazione canonica, Urbaniana University Press-Paideia Editrice, Roma-Brescia 1979, 488.
[7] Cf. G. F. ZUANAZZI, “Vizio del consenso’od vim vel metum’: aspetti psicologici”, trong AA.VV.,
La vis vel metus nel consenso matrimonial canonico (can.1103), (SG LXXI), Vaticano 2006, 108.
[8] A. D'AUREA,
Il timore grave nell'attuale legislazione canonica, UUP, Città del Vaticano 2003, 62-63..
[9] G. F. ZUANAZZI, “Vizio del consenso’od vim vel metum’: aspetti psicologici”, trong AA.VV.,
La vis vel metus nel consenso matrimonial canonico (can.1103), (SG LXXI), Vaticano 2006, 109.
[10] Cf. Ibidem.
[11] BÙI Đức Tiến,
Tòa án hôn phối. Tháo gỡ hôn nhân Công Giáo.
[12] Cf
Ibidem,
[13] Cf
Ibidem,
[14] Cf. A.MENDONCA,
Rotal Anthology. An Annotated Index of Rotal Decisions from 1971 to 1988, Washington, DC 1992, 307.
[15] Cf
. Ibidem, 308.
[16]Cf.
Ibidem, 310.
[17] Cf.
Ibidem, 308.
Lm.JB. Lê Ngọc Dũng
Nguồn: http://giaoluatconggiao.com/