KẾT HÔN BẤT THÀNH DO LẦM LẪN (Đ. 1097)
Điều 1097 quy định như sau:
Can. 1097
§ 1. Error in persona invalidum reddit matrimonium.
§ 2. Error in qualitate personae, etsi det causam contractui, matrimonium irritum non reddit, nisi haec qualitas directe et principaliter intendatur. |
Điều 1097
#1. Sự lầm lẫn về nhân thân làm cho hôn nhân bất thành.
#2. Sự lầm lẫn về tư cách của một người, ngay cả khi tư cách ấy là nguyên nhân của khế ước, không làm cho hôn nhân bất thành, trừ khi tư cách ấy được nhắm đến cách trực tiếp và chính yếu.
|
Vấn đề cần được giải thích là chữ “nhân thân” có nghĩa là gì trong triệt số 1. Theo triệt 2 thì hôn nhân chỉ có thể bất thành khi lầm lẫn một tư cách đã được nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu. Ý niệm “trực tiếp và chính yếu” được hiểu như thế nào?
A- Lầm lẫn về nhân thân (persona), đ. 1097#1
Chữ nhân thân (
persona) ở đây thường chỉ giới hạn trong nghĩa thể lý, một con người vật lý. Ví dụ như muốn kết hôn với cô tên là Tuyết và cứ tưởng người đó là Tuyết nhưng khi kết hôn thì Tuyết là cô em chứ không phải là cô chị mà anh chàng ta muốn kết hôn.
Tuy nhiên án lệ không giới hạn chữ “nhân thân” trong nghĩa thể lý nữa mà còn mở rộng thêm ý nghĩa, được nói cách tóm tắt là “lầm lẫn về tư cách đến mức độ lầm về con người”. Ví dụ một cô tin rằng anh A không có uống rượu và sau kết hôn cô thấy mình bị lầm, vì thật sự anh A có tật uống rượu. Cô này đã lầm về một phẩm tính hay tư cách của anh A. Tuy nhiên xét đến toàn thể nhân cách của anh A thì sự sai lầm về một phần thì cũng chưa đủ để gọi là lầm anh A với một người có nhân cách khác.
Một trường hợp khác: Cô gái biết và tin rằng anh A là người có ăn học, đàng hoàng, là một phó giám đốc của một công ty nhưng sau kết hôn thì cô mới biết anh A thật sự là một công nhân, mới học lớp ba, chuyên nghề lừa đảo. Cô ta đã lầm đến độ anh A mà cô biết lúc trước kết hôn khác hẳn anh A sau kết hôn. Cũng là anh A thể lý đó, thân hình đó, gương mặt đó nhưng anh A đã biến sang một con người với những phẩm chất khác. Anh A ban đầu là một phó giám đốc, có ăn học đàng hoàng, khác hẳn với một anh A công nhân, thất học, lừa đảo. Để diễn tả án lệ dùng kiểu nói “lầm lẫn về tư cách đến mức độ lầm về con người”.
Trong lịch sử án lệ Rota, đã có sự tiến triển trong cách hiểu mở rộng này.
Năm 1970, Salvador Canals, một thẩm phán tòa Rota, xác định lầm về tư cách đến mức độ lầm về con người khi “tư cách được định nơi một người” và “ khi một tư cách pháp lý – luân lý - xã hội gắn liền con người vật lý mà khi tư cách này thiếu vắng, thì kết quả là một con người vật lý hoàn toàn khác” (Coram Canals, 21-4-1970, 62,371,2). Lý thuyết của Canals được chấp nhận rộng rãi trong án lệ tòa Rota.
Jarawan trong quyết định 1991 (83-77) đã nhận định: “Từ những năm 70, việc xác định một nhân thân (persona) trong án lệ Rota không còn định nghĩa bởi những tiêu chuẩn và những lý lẽ hầu như là vật lý, nhưng cũng bao gồm cả những phẩm chất pháp lý, luân lý, xã hội”
[1] .
Những năm sau đó, án lệ chấp nhận những quy tắc sau:
Khi xét là lầm thì không cần đòi hỏi:
a- người kết hôn phải không biết người sắp cưới, nghĩa là, không đòi phải không biết người kia thì mới kết luận là lầm; hoặc
b- tư cách hay phẩm chất chỉ là những cách thế hay phương tiện để nhận biết người khác và để phân biệt người đó với những người khác, nghĩa là, không đòi tư cách mà bị lầm phải có tầm quan trọng như một cách để biết người đó.
Nhưng đòi hỏi:
a- không biết hoặc lầm lẫn về tư cách hay phẩm chất người kia, nghĩa là, có lầm một điều gì về người kia nói chung, không cần phải quan trọng đến mức để phân biệt người này với người kia.
b- tư cách hay phẩm chất đó phải được nhắm (qualitas prae persona), nghĩa là, nó phải được nhắm đến trực tiếp và chính yếu đến phẩm chất hay tư cách hơn là con người (minus principaliter persona).
[2]
Thực ra, lý thuyết đã được mở rộng trên trong lịch sử đã được bộ Giáo luật 1983 đã thu nhận và quy định rõ ràng trong điều 1097#2. Nó không dùng khái niệm “lầm về tư cách đến mức độ lầm về con người (person)” mà diễn tả cách rõ hơn: “
tư cách ấy được nhắm đến cách trực tiếp và chính yếu”.[3]
B- Lầm lẫn tư cách, đ. 1097#2
1
- Lầm lẫn về một tư cách không làm hôn nhân bất thành
Tư cách được dịch từ chữ La tinh “qualitas”, có nghĩa là
quality: phẩm chất, đặc nét, đặc tính, tài năng, năng lực, đức tính, đặc trưng, cái mà người ta sở hữu…
Tư cách của một người có thể bao gồm nhiều đặc điểm về đạo đức luân lý, địa vị hay tương quan xã hội, tương quan gia đình, thể lý, tài năng, tâm lý, hoàn cảnh giàu nghèo… Trong án lệ có thể có những sự lầm lẫn như:
- người đạo đức - gian dối, lừa đảo
- có địa vị xã hội như chủ tịch, thủ trưởng - thường dân, công nhân
- Giàu sang - nghèo hèn
- Nết na, ít nói, thật thà - ba hoa, gian dối
- Có vẻ tốt - có những tật xấu trầm trọng: rượu chè, cờ bạc, nghiện hút
- Đạo đức bình thường - làm nghề điếm
- Con của người bình thường - con của một người bê tha rượu chè
…
Giáo luật xác định: “Sự lầm lẫn về tư cách của một người, ngay cả khi tư cách ấy là nguyên nhân của khế ước, không làm cho hôn nhân bất thành”.
Trong thực tế, khi hai người quen nhau thường tỏ lộ ra những ưu điểm và che dấu những khuyết điểm của mình khiến cho người sắp kết hôn tưởng lầm. Vì vậy, đôi bạn hiểu lầm lẫn nhau là chuyện bình thường. Sau kết hôn mới thấy có những điều không ưng ý nơi người bạn đời cũng là chuyện thường hay xảy ra như:
Sức khỏe không tốt, hay có bệnh vặt; rượu chè, cờ bạc; lười biếng; tham lam tiền bạc; nóng tính; hay ghen; nhiều chuyện; miệng mồm quá đáng; hổn hào; hút thuốc quá nhiều; cha mẹ tham lam; mẹ chồng quá dữ dằn; lẳng lơ …
Sự lầm lẫn nói chung là không được tòa án xét là mà cho hôn nhân vô hiệu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt, mà luật diễn tả: “trừ khi tư cách ấy được nhắm đến cách trực tiếp và chính yếu”.
Vậy thì khi một tư cách “được nhắm tới một cách trực tiếp và chính yếu” thì làm cho sự ưng thuận kết hôn bị hà tỳ và làm cho hôn nhân vô hiệu.
Ngoài ra còn có sự lầm lẫn do lừa gạt có thể gây vô hiệu hôn nhân, được nói đến ở điều luật 1098.
2-
Lầm về một tư cách hay phẩm chất được trực tiếp và chính yếu nhắm đến
“Trực tiếp” ở đây có nghĩa là tư cách nhắm đến không phải là điều trung gian hay phương tiện. Ví dụ như khi kết hôn cũng đồng thời nhắm đến người chồng trong tương lai có sức khỏe. Sức khỏe trong trường hợp này chỉ là điều nhắm tới cách gián tiếp.
[4]
“Chính yếu” ở đây có nghĩa là trước hết, ưu tiên hơn hết cái khác (suppratutto).
Ví dụ 1: Anh A muốn sức khỏe của người mình kết hôn phải tốt. Sức khỏe phải là điều tiên quyết. Anh muốn kết hôn với người có sức khỏe hơn là muốn chính người đó. Sức khỏe đối với người này còn quan trọng hơn cả con người được chọn kết hôn. Anh ta chọn kết hôn không phải vì chính người đó mà vì người đó có sức khỏe tốt.
[5]
Ví dụ 2: Cô gái có chủ ý kết hôn với một bác sỹ. Nếu anh ta không là bác sĩ thì cô không kết hôn. Cô ta coi địa vị bác sĩ hơn là con người có địa vị đó. Tư cách bác sĩ đã được cô nhắm tới một cách trực tiếp và chính yếu.
Ví dụ 3: Chàng trai khi quyết định kết hôn nhắm đến cô gái Công Giáo, thực hành đạo. Nếu như cô ta không là người Công Giáo đạo hạnh thì anh ta không kết hôn. Tư cách Công Giáo đạo hạnh đã được chàng trai nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu.
Ví dụ 4: Đến ở trong một xóm có tật hay chơi bài, anh rất ghét bài bạc vì gia đình anh đã không đốn vì cha mình có tật cờ bạc. Anh quen một cô gái mà anh thấy không chơi bài. Anh tự nhủ nếu cô chơi bài anh sẽ không kết hôn. Không bài bạc đối với anh ta là một phẩm cách được nhắm đến trực tiếp và chính yếu.
3. Tính chất của chủ ý
Sự nhắm tới hay chủ ý về tư cách cũng có nhiều khác biệt. Cần phải xét đến mức độ của sự chủ ý như thế nào hoặc là cái ý định của người đó về phẩm chất, tư cách có mạnh mẽ hay không. Nó thực sự là nhắm đến hay chỉ là một sự mong muốn hay mơ ước. của người do chủ ý là đủ hay không đủ để vô hiệu hôn nhân. Wrenn, trong tác phẩm “
The Invalid Marriage” đã đề nghị một sự phân biệt như sau
[6]
- Những chủ ý không đủ để được xét hôn nhân vô hiệu
- Chủ ý được suy đoán (presumed intention): là ý định mà không biết là có hay không, chỉ có dựa vào hoàn cảnh để suy đoán. Ví dụ: “Cô ấy là người Công Giáo đạo đức, vì thế cô ấy chỉ muốn lấy người có đạo và giữ đạo”. Không thể vì thấy cô ta đạo đức (một hoàn cảnh) mà thẩm phán suy đoán suy đoán rằng cô ta đã có chủ ý kết hôn với người có đạo và giữ đạo. Tương tự, không thể vì thấy anh ta ghét bài bạc mà ta có thể suy đoán rằng anh ta nhắm đến kết hôn một cô gái không bài bạc.
- Chủ ý giả tưởng (interpretive intention): là ý định có được là do nghĩ tưởng mà thôi, chứ thực ra không có chủ ý rõ ràng. Ví dụ: “Nếu tôi đã biết anh ấy không giữ đạo, tôi đã không lấy anh ấy”. Giả tưởng tức là điều được tưởng tượng ra, giả thiết là có, nhưng nó đã không có thực, thường được diễn tả bằng chữ “nếu”, “giả như”, “nếu biết rằng”. Sự nhắm đến phỉa là có thực trước kết hôn hay khi kết hôn chứ không là một giả tưởng có sau kết hôn.
- Ý định chung chung (generic intention): Ví dụ: “ Tôi thích lấy người Công Giáo giữ đạo hơn”. Thông thường ai cũng muốn điều tốt, không muốn một điều xấu nơi người mình sắp kết hôn. Một ước muốn, hay ý định chung chung như vậy không đủ để xét hôn nhân là vô hiệu.
- Ý định theo thói quen (habitual intention): Ví dụ: “Khi tôi kết hôn, tôi sẽ lấy một người Công Giáo giữ đạo”. Xét ước muốn theo thói quen hay, lệ thường, tục lệ thì khác với xét một điều được nhắm đến một cách riêng biệt
- Những chủ ý không cần đòi hỏi phải có để xét hôn nhân vô hiệu
Thẩm phán cũng giữ sự quân bình, không đòi hỏi qua nghiêm khắc. Sự chủ ý hay nhắm tới một tư cách được xác nhận là có, mà không cần phải:
a- Chủ ý có ngay lúc kết hôn. Ví dụ: “Khi tôi đứng đó, trong buổi lễ kết hôn, lúc tôi trao đổi ưng thuận kết hôn, tôi kết hôn chỉ vì anh ấy là người Công Giáo giữ đạo thật sự”.
b- Chủ ý rõ ràng (explicit intention): ý định được nói rõ ra.Ví dụ: ‘Tôi chỉ kết hôn hữu hiệu với điều kiện là anh ấy phải là người Công Giáo giữ đạo”.
- Những ý định cần và đủ để xét hôn nhân vô hiệu
- Chủ ý tích cực (possitive intention): Nó hơn là một ý định được suy đoán, được giả tưởng hay theo thói quen.
- Chủ ý thực sự (virtual intention): ý định không nổi lên ngay khi kết hôn nhưng kéo dài và là như một phần của ưng thuận.
- Chủ ý hàm ẩn (implicit intention): ý định được tỏ ra nhưng không trực tiếp. Trong thực tế, có hai dạng thức: Thứ nhất, ý định được bày tỏ bằng lời nói nhưng chỉ gián tiếp.Ví dụ: Chàng trai nói: “Tôi không hề muốn sống chung với người vợ nào mà đòi quản lý hết mọi tiền bạc trong gia đình”. Thứ hai: ý định không được diễn tả bằng lời, nhưng bằng hành động. Ví dụ: Cô gái thấy bạn trai của mình uống rượu, cô không nói gì cả, nhưng sau đó cô tránh không làm quen nữa.
Tóm lại, sự lầm lẫn một tư cách mà làm vô hiệu hôn nhân chỉ khi:1- tư cách ấy được nhắm đến bằng một ý muốn hay chủ ý tích cực mà ít nhất là có biểu lộ ra hoặc hàm ẩn; và 2- được trực tiếp và chính yếu nhắm đến.
3. Chứng cứ về lầm lẫn[7]
- Sự lầm lẫn phải được chứng tỏ bởi những bằng chứng có từ sự thú nhận của người bị lầm và những nhân chứng đáng tin cậy.
- Hành động hay phản ứng của người bị lầm trước và sau hôn nhân là rất quan trọng để chuẩn đoán điều gì thật sự xảy ra trong tâm trí người đó. Không xác nhận được sự lầm lẫn của một người nếu sau kết hôn khi biết được tư cách (nhắm đến) người ấy phản ứng hoàn toàn thụ động.
- Có quan tâm tìm biết đến điều kiện hay tình trạng của tư cách đó không? Ví dụ, nếu một người nhắm đến có được một người vợ sinh con nối dõi, thì người ấy phải tìm biết những dấu chỉ người vợ khỏe mạnh; nếu một cô gái nhắm đến lấy người giàu có, thì cô ấy phải tìm biết về tài sản của anh ta trước kết hôn.
- Cần thấy rõ nguyên nhân hay động lực nào đã khiến nạn nhân lầm lẫn đã có ý nhắm tới tư cách đó. Ví dụ. Người đứng tuổi, đã có vợ trước đã chết mà không con, nay chỉ nhắm đến có con ngay nên vội vã kết hôn vì tưởng rằng người tình mới đã có thai với mình.
- Không thể tin là lầm, nếu người ấy đã yêu ngay lần gặp mặt đầu tiên, ăn nằm với người yêu, nói rằng mình đã gặp người lý tưởng và đã nhanh chóng đòi kết hôn.
- Nếu người lầm than van nhiều tư cách và trong tâm trí anh ta chẳng có ý tưởng rõ ràng thì phải kết luận là chẳng có tư cách nào được nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu.
- Cũng cần phân biệt tư cách được nhắm đến với điều kiện kết hôn. “Kết hôn với điều kiện về tương lai thì bất thành” (đ. 1102#2).
4. Lầm lẫn theo điều 126[8]
Nhân tiện, cũng nên biết sự lầm lẫn có thể gây vô hiệu việc kết hôn còn được xét theo quy tắc chung của điều 126:
“
Một hành vi được thực hiện do không biết hoặc do lầm lẫn về yếu tố cấu thành bản chất của hành vi, hoặc về điều tất yếu thì vô giá trị; …”
Khi kết hôn, nếu bị lầm lẫn hay không biết những yếu tố cấu thành hôn nhân, thì hôn nhân vô hiệu. Các yếu tố đó (đ. 1055) được kể như sau:
- Sự hiệp thông trọn đời (permanent consortium);
- Giữa một người nam và một người nữ;
- Được hướng về sự sinh sản con cái;
- Bằng những phối hợp thân xác nào đó;
- Của người nam và người nữ biết nhau về mặt thể lý.
Khi không biết hay lầm lẫn một trong những yếu tố cấu thành bản chất hôn nhân trên, hôn nhân vô hiệu, mà không đòi thêm về chủ ý. Ví dụ khi kết hôn mà không biết hay lầm lẫn hôn nhân là một sự hiệp thông trọn đời (
permanent consortium) thì hôn nhân vô hiệu. Không đòi người kết hôn phải có chủ ý là không trọn đời để kết luận hôn nhân vô hiệu.
Tuy nhiên khi không biết hay lầm lẫn một trong những yếu tố khác không phải là yếu tố cấu thành bản chất hôn nhân thì hôn nhân không vô hiệu. Sự duy nhất và bất khả phân ly dù là đặc tính chính yếu (đ. 1056), chứ không phải là yếu tố cấu thành, cho nên lầm hay không biết về những đặc tính này không làm hôn nhân vô hiệu (đ. 1099).
5. Vụ án điển hình về lầm lẫn kết hôn
Sau đây là một số trong những vụ án về lầm lẫn mà tòa Thượng Thẩm Roma đã xử, hoặc xác nhận (Affirmative) hoặc phủ nhận (Negative) sự vô hiệu của hôn nhân, được A. Mendonca ghi tóm tắt lại trong quyển
Rotal Anthology. An Annotated Index of Rotal Decisions from 1971 to 1988.
1)
Tưởng lầm là bác sỹ (
Coram Di Felice, Dec 69 (1987) 147-156, Turin, Pháp)
[9]
Nguyên đơn đã muốn cưới một bác sĩ và bị đơn đã nói rằng anh ta là bác sĩ, nhưng thực ra anh ta không phải là như vậy.
Ở tòa cấp I, hai nguyên nhân tiêu hôn được đề nghị: “điều kiện và lầm lẫn về phẩm chất”. Tòa cấp I đã ra phán quyết đã xác nhận hôn nhân vô hiệu nhưng chỉ xác nhận là lầm lẫn về phẩm chất. Thẩm phán Di Felice của tòa cấp II Rota cũng xác nhận như vậy. Trong vụ này, sự ưng thuận không tùy thuộc vào một điều kiện “là bác sĩ” vì nó đã không được đặt ra. Sự ưng thuận là do lòng muốn kết hôn một bác sĩ nhưng đã bị lầm lẫn.
2)
Tưởng lầm là anh hùng chiến sỹ (
Coram Di Felice 70 (1988) 13-20, Cambrai, Pháp)
[10]
Trước khi kết hôn, chồng đã diễn tả mình như một kẻ mồ côi và một chiến sĩ anh hùng. Nguyên đơn cảm thấy khâm phục và đồng ý kết hôn. Trong năm đầu sau khi kết hôn bị đơn bị đi ở tù. Thật ra, anh ta không phải là một kẻ mồ côi mà là một kẻ trộm. Nguyên đơn xin tòa án dân sự hủy bỏ hôn ước và đã được chấp nhận với lý do lầm lẫn về căn tính (
identity) của chồng. Năm 1948 với đơn xin tiêu hôn vì lý do lầm lẫn, tòa án cấp I ở Cambrai đã phủ quyết. Tòa cấp II năm 1970 cũng phủ quyết. Tòa cấp III Rota tòa cũng đã phủ quyết.
Với thư giới thiệu của Đức Tổng Giám Mục địa phương Cambrai, Pháp, bị đơn khẩn xin Đức Thánh Cha cho tái xét xử. Luật sư đã biện hộ và thẩm phán Di Felice đã ra phán quyết xác nhận hôn nhân vô hiệu do lầm lẫn về phẩm chất một người. Trong trường hợp này phẩm chất chiến sĩ anh hùng được coi là điều được nguyên đơn nhắm tới trực tiếp và chính yếu.
[11]
3)
Tưởng lầm vợ còn trinh (Coram Pompedda Dec 72(1987) 522-528, Goa – Daman, Ấn Độ)
[12]
Trong nố này, người chồng khiếu nại rằng anh ta đã muốn kết hôn với một trinh nữ chân thực. Những sự kiện cho thấy tư cách người vợ không đúng với ý muốn trước khi kết hôn của anh, cô ta đã không còn trinh.
Thẩm phán Pompedda đã thẩm định sự lầm lẫn về tư cách chỉ khi một bên kết ước nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu hơn là nhắm đến con người. Tuy nhiên, sự thẩm tra cho thấy tư cách ấy đối với nguyên đơn, chỉ là gián tiếp hay phụ thuộc. Vì thế, thẩm phán phủ nhận hôn nhân vô hiệu.
4)
Lầm lẫn vì vợ có bệnh kinh niên (
Coram Stankiewicz, Dec 76 (1989), Turin, Italia)
[13]
Trong vụ án này, nguyên đơn, người chồng khiếu nại: anh ta đã biết rằng người vợ không hề có bệnh động kinh (
epilepsy). Thật ra, người vợ đã bị chứng động kinh từ khi 7 tuổi.
Thẩm phán Stankiewicz giải thích rằng sự lầm lẫn về tư cách chỉ đạt tới lầm lẫn về nhân thân chỉ khi tư cách ấy được nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu, và khi tư cách ấy tự bản tính là cần thiết để thực hiện những quyền lợi, nghĩa vụ của hôn nhân, và sự thiếu vắng phẩm chất ấy có thể gây xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng. Phán quyết, vì thế, phủ nhận hôn nhân vô hiệu.
Bài được bổ túc và cập nhật ngày 20-01-2016
JB. Lê Ngọc Dũng
[1] Trong L. G. WRENN,
The Invalid Marriage, Washington DC 1998,100.
[2] Cf. L. G. WRENN,
The Invalid Marriage, Washington DC 1998,100.
[3] Cf
. Ibidem, 104.
[4] Cf. S.I. HILBERT, “
Error qualitate in personae (can. 1097#2)
”, trong U. NAVARRETE,
Errore e simulazione nel matrimionio canonico, E.P.U.G, Roma 1998, 434.
[5] Cf.
Ibidem, 435.
[6] Cf. L. G. WRENN,
The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 100-101.
[7] Cf. L.G. WRENN,
The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 105; P. BIANCHI,
Quando il matrimonio è nullo?, Ancora, Milano 1998, 54-55.
[8] Cf. L.G. WRENN,
The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 102-103.
[9] Cf. A.MENDONCA,
Rotal Anthology. An Annotated Index of Rotal Decisions from 1971 to 1988, Washington, DC 1992, 115.
[10] Cf.
Ibidem, 115-116.
[11] Cf.
Ibidem, 113, 116
[12] Cf.
Ibidem, 118.
[13] Cf.
Ibidem.
Tác giả : Lm JB. Lê Ngọc Dũng
Nguồn: giaoluatconggiao.com