ĐIỀU TRỊ TẠI CĂN MỘT HÔN NHÂN BẤT THÀNH
Trong việc hợp thức hóa một hôn nhân, Giáo Luật chỉ ra hai phương pháp để thành sự hóa một hôn nhân bất thành do có ngăn trở hoặc thiếu thể thức kết hôn:
- Thành sự hóa đơn thuần (đ. 1156-1160)
- Điều trị tại căn (đ. 1161-1165)
Điểm khác biệt căn bản của điều trị tại căn là không đòi phải lập lại sự ưng thuận như trong thành sự hóa đơn thuần. Không cần lập lại sự ưng thuận có nghĩa là không cử hành nghi thức kết hôn nữa.
1- Điều trị tại căn là gì?
Cũng nên phân biệt những khái niệm:
Hợp thức hóa một hôn nhân có thể là cử hành kết hôn một đôi đã sống chung như vợ chồng nhưng chưa có kết hôn.
Hợp thức hóa (ngôn từ thông thường) cũng có thể là thành sự hóa (ngôn từ giáo luật) một hôn nhân bất thành khi đã có kết hôn nhưng bất thành. Giáo Luật quy định hai loại thành sự hóa: đơn thuần và điều trị tại căn.
- Thành sự hóa đơn thuần có nghĩa là làm cho một hôn nhân đã cử hành bất thành trở nên thành sự qua việc lập lại sự ưng thuận, tức là cử hành lại nghi thức ưng thuận kết hôn.
- Điều trị tại căn có nghĩa là làm cho một hôn nhân đã cử hành bất thành trở nên thành sự mà không lập lại sự ưng thuận.
Điều 1161§1 quy định ý nghĩa của điều trị tại căn:
Điều trị tại căn một hôn nhân bất thành là việc thành sự hóa hôn nhân ấy mà không buộc lập lại sự ưng thuận, do nhà chức trách có thẩm quyền ban, bao hàm việc miễn chuẩn một ngăn trở, nếu có, và thể thức giáo luật, nếu đã không được tuân giữ, cũng như sự hồi tố của những hiệu quả giáo luật (đ.1161§1).
Điều trị tại căn khác với thành sự hóa đơn thuần ở những điểm:
- Không đòi phải lập lại sự ưng thuận, miễn là họ đã có sự ưng thuận và vẫn duy trì sự ưng thuận đó (đ.1162);
- Bao hàm (entail, comporta) việc miễn chuẩn một ngăn trở, nếu có; và thể thức giáo luật, nếu bị khiếm khuyết;
- Hồi tố giá trị hôn nhân;
- Được ban cho bởi nhà chức trách có thẩm quyền: Đức Giám Mục Giáo phận hay Tông Tòa.
Ví dụ: Hai người Công Giáo sau kết hôn phát hiện ra họ là anh em chú bác, có liên hệ huyết tộc 4 bậc hàng ngang. Họ đã có ngăn trở huyết tộc vì vậy hôn nhân bất thành. Nay cần thành sự hóa. Một trong hai cách đều được:
A- Thành sự hóa đơn thuần, bằng cách xin Đấng Bản Quyền địa phương chuẩn ngăn trở huyết tộc và cử hành lại nghi thức ưng thuận kết hôn (phép giao);
B- Điều trị tại căn, bằng cách làm đơn xin Giám Mục ban ơn, trong đó bao hàm việc chuẩn ngăn trở huyết tộc, không cử hành lại sự ưng thuận, nghĩa là không cử hành lại nghi thức kết hôn. Khi Đức Cha ký chấp thuận ban ơn điều trị tại căn thì hôn nhân được thành sự và có giá trị hồi tố.
2- Giải thích
a- Không buộc lập lại sự ưng thuận
Sự ưng thuận kết hôn chính là điểm cốt yếu nhất của một kết ước hôn nhân và nó phải được biểu lộ một cách công, tức là phải được biểu lộ theo những nghi thức luật định (forma canonica).
“Lập lại” có ý nói là đã thực hiện một lần rồi, bây giờ làm lại. Nếu chưa thực hiện thì không nói là lập lại. Luật quy định: không thể điều trị tại căn nếu ngay từ đầu, thiếu sự ưng thuận của cả hai bên hay một trong hai bên (đ. 1162).
Một sự ưng thuận nếu chỉ được diễn tả theo một thể thức tư (private) thì kể như là không có về mặt pháp lý, là chưa được thực hiện. Một thể thức là tư khi nó được làm tự phát mà không theo một quy định của luật hay lệ gì cả. Ví dụ hai người nam nữ kết ước hôn nhân trước tượng Đức Mẹ hay tượng Phật một cách tự phát thì kết ước này là tư. Nếu đã chỉ có ưng thuận tư thì không được công nhận, không được điều trị tại căn.
Điều trị tại căn miễn lập lại sự ưng thuận, có nghĩa là miễn cử hành ưng thuận theo thể thức giáo luật (forrma canonica). Sự ưng thuận này họ đã cử hành trong hôn nhân đã làm trước đây, nhưng hôn nhân đó đã bị vô hiệu do hà tỳ thể thức giáo luật hay do có ngăn trở tiêu hôn. Nay, khi được điều trị tại căn thì hôn nhân được sửa chữa lại cho thành sự, do quyền của Giám Mục hay Tòa Thánh mà không cần cử hành nghi thức kết hôn nữa.
b- Bao hàm (entail, comporta) việc miễn chuẩn một ngăn trở, nếu có, và thể thức giáo luật, nếu đã khiếm khuyết.
“Bao hàm” không có nghĩa là bao gồm. Vì vậy, không phải xin miễn chuẩn cho từng ngăn trở hoặc thể thức giáo luật. Không cần phải làm các đơn khác nhau: đơn xin miễn chuẩn khác đạo, đơn xin miễn chuẩn thể thức, đơn xin điều trị tại căn. Chỉ cần làm đơn xin điều trị tại căn là đủ, nhưng có nêu ra những ngăn trở hay thiếu thể thức giáo luật như những lý do để xin điều trị tại căn hôn nhân bị vô hiệu.
c- Hồi tố của những hiệu quả giáo luật
Hồi tố có nghĩa là công nhận lại những giá trị của một hôn nhân, cũng như những quyền lợi và bổn phận của một hôn nhân (bất thành) mà trước đây đã không công nhận. Khi được điều trị tại căn thì những giá trị đó được công nhận, không kể từ lúc điều trị tại căn nhưng kể từ khi kết hôn trước kia. Nói cách khác, hôn nhân được kể là hữu hiệu kể từ khi cử hành ưng thuận trước, hoặc kể từ một kết hôn bất thành, không kể từ ngày được điều trị tại căn. Trong lịch sử Giáo Hội, điều trị tại căn có ý để hồi phục quyền lợi cho những đứa con sinh ra trong cuộc hôn nhân bất thành đó. Đặc biệt là cho những đứa con trong hàng vua quan quý tộc.
Điều trị tại căn còn giúp tránh sự đối chọi với luật dân sự về việc nhìn nhận giá trị của hôn nhân, liên quan đến những quyền lợi và bổn phận, nhất là trong một quốc gia, luật kết hôn dân sự và tôn giáo có những liên kết với nhau. Ví dụ như trong một quốc gia, luật dân sự công nhận kết hôn Công Giáo. Sau một thời gian kết hôn, ví dụ 5 năm, thì mới khám phá ra hôn nhân bị vô hiệu. Những bổn phận và quyền lợi của đôi hôn nhân này, cũng như con cái, thực hiện trong 5 năm qua đối với xã hội dân sự thì được công nhận, nhưng đối với Giáo Hội thì không, vì hôn nhân bất thành. Điều trị tại căn hôn nhân đó giúp hồi tố lại gía trị hôn nhân kể từ 5 năm trước.
Cũng vì lợi ích trên, điều trị tại căn đã được sử dụng từ lâu trong Giáo Hội, nơi các quốc gia Công Giáo.
3- Quyền ban điều trị tại căn
a- Tông Tòa:
- Khi hôn nhân có những ngăn trở dành riêng cho Tông Tòa (Vd. Tội ác, chức thánh) hoặc khi đã chấm dứt ngăn trở tự nhiên (Vd. Bất lực giao hợp) hoặc thuộc luật thiết định của Thiên Chúa (Vd. Dây hôn phối).
- Ban cho nhiều trường hợp một lần. Ví dụ như ban một lần cho nhiều cặp đã kết hôn do một linh mục không có năng quyền (Vd. Do linh mục giả hiệu, hoặc do lãnh nhận chức thánh không thành sự).
b- Giám Mục Giáo Phận:
- Khi hôn nhân có những ngăn trở không dành riêng cho Tông Tòa;
- Ban cho từng trường hợp, ngay cả khi có nhiều lý do bất thành. Đối với kết hôn hổn hợp hay dị giáo, thì cần hội đủ điều kiện ở điều 1125 (điều kiện bên Công Giáo phải cam kết tránh nguy hiểm mất đức tin, giáo dục con cái …)
4- Giới hạn của việc ban điều trị tại căn
a- Tùy theo ngăn trở: Việc điều trị tại căn bao hàm chuẩn các ngăn trở nếu có, nhưng không phải có bất cứ ngăn trở nào cũng được điều trị tại căn. Có những ngăn trở không được điều trị tại căn, có những ngăn trở dược dành riêng cho Tòa Thánh.
Nếu mắc ngăn trở theo luật tự nhiên hay thiết định của Thiên Chúa, thì không được điều trị tại căn (Vd. bất lực, dây hôn phối, anh em ruột …) trừ khi các ngăn trở chấm dứt (đ. 1163§2). Trong trường hợp ngăn trở này chấm dứt thì cũng phải xin Tông Tòa ban điều trị tại căn (đ. 1165§2).
Ví dụ về mắc ngăn trở theo luật thiết định của ThiênChúa: ngăn trở dây hôn phối
Một đôi, mà sau này được phát hiện là có ngăn trở dây hôn phối (do cố tình dấu hoặc ngay cả không biết hay lầm lẫn), thì hôn nhân bất thành (có thể là kết hôn của hai người Công Giáo, hay dị giáo với phép chuẩn hôn nhân khác đạo, hoặc một đôi kết hôn hổn hợp với sự cho phép của Đấng Bản Quyền). Ngăn trở dây hôn phối không thể được miễn chuẩn nên không được điều trị tại căn. Tuy nhiên đến khi ngăn trở chấm dứt, tức là do người phối ngẫu trước chết, thì hôn nhân được điều trị tại căn.
Trong trường hợp vừa nói trên chỉ có Tông Tòa mới có quyền ban điều trị tại căn, Giám Mục không có thẩm quyền. Đấng Bản quyền địa phương vì vậy, chỉ có thể cho thành sự hóa hôn nhân đơn thuần, nghĩa là phải cử hành lại nghi thức ưng thuận.
b- Tùy theo thể thức
Một hôn nhân bất thành do hà tỳ thể thức giáo luật thì có thể được điều trị tại căn (đ. 1163). Điều này có nghĩa là một cử hành hôn nhân (Công Giáo, hổn hợp, dị giáo) được phát hiện là bị hà tỳ (defected) do thể thức giáo luật mà khiến việc cử hành bị vô hiệu. Ví dụ như cha chứng hôn thiếu năng quyền, thiếu một nhân chứng, kết hôn qua người đại diện bị thiếu điều kiện thành sự … khiến việc cử hành bị bất thành thì có thể được điều trị tại căn.
Trong điều trị tại căn có bao hàm việc miễn chuẩn thể thức, nhưng nếu gặp trường hợp mà theo luật, thể thức không được phép miễn chuẩn thì không được điều trị tại căn. Đó là trường hợp hôn nhân của hai người Công Giáo, theo luật thì Đấng Bản Quyền không được miễn chuẩn thể thức cho họ.
Hôn nhân hổn hợp (bí tích) hay dị giáo (không là bí tích) lại có thể được miễn chuẩn thể thức, chiếu theo điều 1127 và 1129. Vì vậy Đấng Bản Quyền có thể cho phép điều trị tại căn hai loại hôn nhân này. Chú ý là trong việc miễn thể thức ưng thuận thì điều 1127#2 thì phải cử hành một thể thức công nào đó, tôn giáo hay dân sự để thay thế, việc miễn chuẩn mới được hữu hiệu.
Vì vậy đối với hôn nhân hổn hợp hay dị giáo mà họ đã có cử hành kết hôn theo một thể thức công nào đó, dân sự hay tôn giáo thì họ được điều trị tại căn. Trong điều trị tại căn này có bao hàm việc miễn chuẩn thể thức. Sự ưng thuận thành vợ chồng trong thể thức công của dân sự hay tôn giáo khác của họ được công nhận, không cần lập lại sự ưng thuận theo giáo luật, và có giá trị hồi tố. Trong đơn xin cần phải ghi rõ thể thức công đó. Hoặc ghi ngày và nơi chứng nhận kết hôn của chính quyền dân sự (xã, huyện …), hoặc ghi ngày làm đám cưới theo tục lệ địa phương, miễn là sự ưng thuận kết hôn đó đã không bị rút lại.
5- Điều kiện để điều trị tại căn
Để điều trị tại căn một hôn nhân bất thành, luật đòi hỏi phải biết chắc chắn là đôi bên muốn duy trì đời sống vợ chồng (đ. 1161§3).
Nếu họ chưa dứt khoát duy trì đời sống vợ chồng thì cứ để tình trạng rối hôn phối tiếp diễn.
Nếu họ muốn chia tay, thì Giáo Hội có thể tuyên bố hôn nhân của họ bất thành và cho chia tay, không tiến hành điều trị tại căn.
6- Ngay cả khi cả hai bên hoặc một bên không biết
Điều 1164 quy định: “Điều trị tại căn có thể được ban thành sự, ngay cả khi hai bên hoặc một bên không biết, nhưng chỉ được tuân giữ vì một lý do quan trọng”.
Việc điều trị tại căn có thể xảy ra mà không cần có sự xin hay biết của một bên hay của hai bên. Thông thường, đó là vì hôn nhân vô hiệu do lỗi của cha chứng hôn, như cử hành thể thức bị khiếm khuyết khiến bị vô hiệu hoặc cha thiếu năng quyền. Nếu cho đôi hôn nhân biết thì họ có thể bị bối rối lương tâm (không biết mình có kết hôn thành sự hay không?). Vì lý do quan trọng này, cha làm đơn xin điều trị tại căn hôn phối mình đã cử hành, mà không cần cho đôi hôn nhân biết.
7- Một giải pháp tránh bất tiện hay khó khăn
Điều trị tại căn, như trên đã nói, tránh được sự gây bối rối cho đôi bạn kết hôn, tránh được thắc mắc và phê bình của tín hữu về phía giáo quyền, khi lỗi gây bất thành là do phía linh mục chứng hôn.
Trong trường hợp khác có thể xảy ra là một ngăn trở được khám phá sau khi hai vợ chồng đang sống hạnh phúc với những đứa con đã lớn. Việc lập lại nghi thức kết hôn quả là gây ra sự bất bình an, thắc mắc và phê bình. Điều trị tại căn sẽ giúp tránh những sự bất ổn này.
Ở Việt Nam có những trường hợp hôn nhân khác đạo chỉ được cử hành theo luật dân sự vì bên người lương không chịu đến nhà thờ hoặc gặp linh mục chứng hôn để tiến hành nghi thức. Điều trị tại căn giúp hợp thức hóa hôn nhân cho họ.
8- Những ví dụ mục vụ cụ thể
a- Điều trị tại căn hôn nhân vô hiệu do hà tỳ (vizio, defected) thể thức kết hôn
Ví dụ 1: Sau khi cử hành hôn phối được nhiều năm, cha sở được phát hiện là cha giả. Những đôi cha đã chứng hôn đều vô hiệu vì cha không có năng quyền chứng hôn. Nhiều đôi hôn phối có thể được điều trị tại căn một lúc bởi Tòa Thánh. Đơn xin được làm bởi cha quản xứ hoặc Đấng Bản quyền, không cần phải bởi những đôi hôn phối.
Ví dụ 2: Sau khi cử hành hôn phối được nhiều năm, cha sở được phát hiện là cha chưa được rửa tội. Do đó, cha đã chịu chức không thành sự và những đôi cha đã chứng hôn đều vô hiệu. Nhiều đôi hôn phối có thể được điều trị tại căn một lúc bởi Tòa Thánh. Đơn xin được làm bởi Đấng Bản quyền, không cần phải bởi những đôi hôn phối.
Phản ví dụ : Hai người Công Giáo vì tránh sự cấm cách của cha mẹ hoặc của vì lý do nào khác đã không kết hôn theo thể thức giáo luật, chỉ đăng ký và được chứng nhận kết hôn dân sự tại HĐND xã. Họ không được điều trị tại căn. Họ chỉ được thành sự hóa đơn thuần bằng cách cử hành thể thức kết hôn theo giáo luật.
b- Điều trị tại căn hôn nhân vô hiệu do có ngăn trở tiêu hôn
Ví dụ 3: Một bà Công Giáo đã kết hôn dân sự với một người lương đã lâu. Nay bà xin giúp bà hợp thức hóa hôn nhân để an tâm giữ đạo. Người chồng lương, tuy vẫn muốn duy trì đời sống vợ chồng, nhưng lại không chấp nhận cử hành nghi thức hôn nhân dù ở nhà thờ hay tại nhà tư. Trong trường hợp này nên xin Đức Giám Mục Giáo phận ban ơn điều trị tại căn, bao hàm việc miễn chuẩn ngăn trở khác đạo và chuẩn thiếu thể thức giáo luật. Tuy nhiên bà phải tuyên bố tránh xa nguy hiểm đức tin ... theo quy định của điều 1125.
Quy định của điều 1125 này, theo nguyên tắc, đòi buộc người Công Giáo phải hứa xa tránh nguy hiểm mất đức tin …và phải thông báo cho bên kia biết. Trong trường hợp thấy bất lợi cho người Công Giáo hay có khó khăn thì có thể miễn thông báo cho bên không Công Giáo biết. Vì theo nguyên tắc, điều trị tại căn có thể tiến hành mà không cần cho các bên biết. Thực tế, có những trường hợp, do bên kia ghét đạo, bên Công Giáo phải lén lút giữ đạo và âm thầm cho con được rửa tội. Cha sở nên giúp bên Công Giáo được điều trị tại căn miễn là thấy họ có thành tâm và có ý muốn giữ đạo tốt.
Ví dụ 4: Một tu sĩ đã khấn khiết tịnh vĩnh viễn được phép xuất ra ngoài dòng sống nhưng chưa được giải lời khấn. Sau một thời gian, người này tiến tới kết hôn, hoặc tưởng rằng mình đã được miễn chuẩn lời khấn hoặc cố tình dấu diếm. Người này xin và đã được cha sở cử hành hôn nhân. Sau đó, hôn nhân được khám phá ra là bất thành hiển nhiên do có ngăn trở lời khấn dòng. Khi ngăn trở khấn dòng đã được giáo quyền miễn chuẩn, đôi này có thể được hợp thức hóa đơn thuần bằng cử hành lại nghi thức ưng thuận kết hôn, hoặc cũng có thể điều trị tại căn.
Nếu tu sĩ đó đã mưu toan kết hôn khi chưa được giải lời khấn thì bị vạ cấm chế tiền kết (đ. 1394#2), hệ quả là bị cấm ban và nhận các bí tích. Người này phải được Đấng Bản Quyền tha vạ cấm chế trước khi được thành sự hóa hôn nhân.
c- Kết hôn mới với miễn chuẩn thể thức, không với điều trị tại căn
Tương tự như ví dụ 3, nếu một đôi muốn kết hôn dị giáo hay hổn hợp và bên không Công Giáo không muốn cử hành một nghi thức nào của bên Công Giáo, thì có thể xin miễn chuẩn thể thức giáo luật. Đấng Bản Quyền địa phương có quyền miễn chuẩn khỏi phải giữ thể thức giáo luật cho từng trường hợp nhưng phải tham khảo ý kiến của Đấng Bản Quyền địa phương tại nơi cử hành hôn phối và phải giữ một thể thức công nào đó (dân sự, Tin Lành…). Tuy nhiên, để được miễn chuẩn thể thức thì phải có lý do khó khăn nghiêm trọng (đ. 1127#2).
Xin miễn chuẩn thể thức là để kết hôn mới chứ không phải là điều trị tại căn một hôn nhân bất thành. Một kết hôn mới thì đòi hỏi phải có những chuẩn bị như điều tra, rao báo, học giáo lý hôn nhân… Những sự chuẩn bị đều có ý là để giúp cho đôi bạn được duy trì bền vững và sống tốt đời sống hôn nhân.
Điều trị tại căn là thành sự hóa một hôn nhân, trong trường hợp này, là hôn nhân hổn hợp hay dị giáo đã được cử hành. Đôi bạn đã sống trong tình trạng vợ chồng qua một thời gian. Nếu cha sở thấy chắc chắn rằng họ sẽ vẫn tiếp tục duy trì đời sống vợ chồng và thấy cần để giúp bên Công Giáo sống đạo thì ngài cần giúp họ xin Giám Mục ban ơn điều trị tại căn hôn nhân bất thành.
Khi thấy họ đã sống trung thành với nhau, chắc chắc sẽ duy trì đời sống vợ chồng, không có ngăn trở nào khác ngoài dị giáo, thì những sự chuẩn bị dành cho một kết hôn mới như điều tra, rao báo, học giáo lý hôn nhân… có thể được miễn giảm.
d- Một phương thức khác: cử hành kết hôn cách kín đáo (đ. 1130 - đ. 1133)
Cũng nên biết hôn nhân có thể cử hành cách kín đáo, khi có lý do nghiêm trọng và khẩn cấp, với sự cho phép của Đấng Bản Quyền địa phương (đ. 1130), cho dù đó là kết hôn mới hay là hợp thức hóa. Vì vậy, trong một số trường hợp có khó khăn trong việc cử hành kết hôn theo thể thức giáo luật, có thể xin được cử hành cách kín đáo mà không xin miễn thể thức hay điều trị tại căn. Luật quy định:
Điều 1131
Phép cho cử hành hôn nhân cách kín đáo đòi buộc:
10 Phải kín đáo thực hiện việc điều tra trước hôn nhân;
20 Đấng Bản Quyền địa phương, vị chứng hôn, các nhân chứng, đôi vợ chồng, phải giữ bí mật về hôn nhân đã được cử hành (CIS 1105 ; CIO 840).
Điều 1132
Đấng Bản Quyền địa phương hết nghĩa vụ giữ bí mật được nói đến ở điều 1131, 2o, nếu việc giữ bí mật có nguy cơ sinh ra gương xấu nghiêm trọng, hoặc làm tổn thương sự thánh thiện của hôn nhân cách nặng nề, và phải thông báo cho đôi bạn biết điều đó trước khi cử hành hôn nhân (CIS 1106 ; CIO 840).
Điều 1133
Hôn nhân đã được cử hành cách bí mật phải được ghi trong sổ riêng mà thôi và sổ này phải được lưu giữ trong văn khố mật của Toà Giám Mục (CIS 1107 ; CIO 840).
Nha trang, cập nhật ngày 19-01-2016
Lm. JB Lê Ngọc Dũng
Nguồn: giaoluatconggiao.com