Ngoại biên nhưng lại rất gần - Mục vụ hôn nhân gia đình...
Chủ nhật - 02/10/2022 04:40
661
NGOẠI BIÊN NHƯNG LẠI RẤT GẦN
(Mục vụ hôn nhân gia đình cho người lương dân)
Lm. Giuse Đinh Đức Hậu
Đức thánh cha Phan-xi-cô hẳn là người ưa thích những chuyến đi, đặc biệt là những chuyến đi xa: xa khỏi nơi ở hằng ngày của mình, và xa khỏi những thói quen cũ kỹ, xa khỏi não trạng an toan... để đến với nơi Đức thánh cha gọi là vùng ngoại biên với mục đích gặp gỡ. Có thể Đức thánh cha nhận ra những điều thú vị của vùng ngoại biên, nhưng cũng là thách đố phải vượt qua, nghĩa là một cuộc thử thách chính mình.
Thật ra gọi là vùng ngoại biên đấy, nhưng đâu nhất thiết ở đâu xa xôi mà là ngay tại nơi chốn thân quen hằng ngày của chúng ta, với công việc hằng ngày nếu chúng ta để tâm một chút sẽ thấy vùng ngoại biên cần chúng ta khám phá và dấn thân. Mục vụ hôn nhân và gia đình chính là vùng ngoại biên, nơi mà chúng ta có thể gặp được những anh chị em tôn giáo bạn. Họ là những bậc làm cha mẹ của những đôi hôn phối chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hôn phối hoặc phép chuẩn khác đạo.
Những anh chị em tôn giáo bạn này có thể chưa bao giờ nghe nói về đạo Công giáo, chưa một lần tiếp xúc với các cha nhà thờ và có thể là lần đầu tiên tham dự một nghi lễ Công giáo trong thánh đường. Đây là dịp để chúng ta có thể chia sẻ niềm tin Công giáo, ý nghĩa và giá trị cao quý của hôn nhân và gia đình Công giáo, đặc biệt là cơ hội hoá giải những thành kiến về đạo Công giáo vốn tồn tại đâu đó trong suy nghĩ của họ như theo đạo là bất hiếu với ông bà cha mẹ, không được thờ cúng ông bà tổ tiên.
Để làm việc này, tôi chú trọng vào hai buổi gặp gỡ. Thứ nhất là buổi gặp gỡ làm thủ tục hôn phối, thứ hai là Thánh lễ. Trong buổi làm thủ tục hôn phối, ngoài đôi bạn trẻ, tôi mời cha mẹ của hai bên gia đình cùng tham dự buổi làm thủ tục hôn phối này. Cùng với những giấy tờ cần thiết thì quan trọng là việc trao đổi giữa hai bên, tạm gọi là cuộc thẩm vấn nhỏ trước lễ cưới.
Đầu tiên tôi thăm hỏi ý định của đôi bạn. Trước mặt cha mẹ hai bên, đôi bạn nói lên ý muốn của họ về cuộc hôn nhân này. “Anh A có muốn lấy chị B làm vợ không? Anh thấy chị có điểm tốt nào mà muốn lấy chị làm vợ?” Với chị tôi cũng có cùng một câu hỏi như thế. Điều mong muốn là đôi bạn chân thật với nhau và với cha mẹ hai bên để nói lên ước muốn được sống chung với nhau suốt đời. Đồng thời, dựa vào những điều tốt đẹp nơi bản thân đôi bạn mà tôi có lời khuyên cho đời sống hôn nhân và gia đình, hãy biết gìn giữ và duy trì những điều tốt đẹp mà đôi bạn nhận ra nơi họ, để làm cho cuộc sống gia đình được hạnh phúc. Cuối cùng tôi đặt câu hỏi rằng anh chị có hối hận hay hối tiếc về quyết định kết hôn này không, để sau này sẽ không có chuyện tại, bởi, vì nào khác khiến cho cuộc hôn nhân của họ đi đến một kết cục không hay.
Sau đó tôi đặt câu hỏi cho cha mẹ của đôi bạn với mục đích cho họ ý thức hơn nữa rằng hôn nhân của đôi bạn không chỉ là chuyện riêng của đôi bạn, nhưng còn là trách nhiệm chăm lo của cha mẹ hai bên. Những kinh nghiệm sống đời hôn nhân gia đình của chính họ, kinh nghiệm vui buồn sướng khổ và kinh nghiệm vượt thắng được những thử thách của đời sống gia đình, để có được sự trung thành, thủy chung cho đến ngày hôm nay, sẽ là bài học cho đôi bạn trẻ mới chập chững bước vào đời sống hôn nhân. Để rồi bằng trực giác của mình, họ nhận ra những bất thường trong cuộc sống hôn nhân của con cái mà có sự can thiệp trực tiếp và đúng lúc, sớm giải quyết cho con cái họ, giúp cho đôi bạn mau hoà giải, cứu vãn cuộc hôn nhân của con cái càng sớm càng tốt. Nhưng phải luôn theo chiều hướng tích cực là vun quén, hòa giải, hàn gắn, không nên chia rẽ kiểu sống không được với người ta thì về ở với mẹ thì sẽ là dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân này.
Với mong muốn như thế, tôi cho đôi bạn được nghe ý kiến của cha mẹ họ một lần nữa về sự đồng ý của cha mẹ hai bên. “Ông bà có đồng ý cho con trai (con gái) mình lấy chị (anh) này làm vợ (chồng) không? Ông bà mong muốn điều gì nơi con dâu (con rể) của ông bà? Ông bà có lo lắng gì về cuộc hôn nhân này?”. Hẳn cha mẹ nào cũng lo lắng cho con cái mình trước cuộc hôn nhân đó, nhất là khi mà tình trạng đổ vỡ xảy ra khá nhiều với những đôi hôn phối sau ngày thành hôn. Chính vì thế, tôi mời gọi hãy chuyển lo lắng sang lo liệu, nghĩa là quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của đôi bạn, thường xuyên hỏi han, khích lệ, giúp đỡ và đặc biệt là cầu nguyện cho đôi bạn.
Bên cạnh đó, tôi muốn những bậc cha mẹ nói lên nhận xét của mình người con rể, con dâu tương lai về tính cách, về lối ứng xử của họ. Một cách nào đó những bậc làm cha mẹ biết khéo léo sửa dạy con dâu con rể của mình, sẽ giúp họ thay đổi cho tốt hơn và sống hòa hợp với gia đình hai bên.
Với anh (chị) tân tòng, tôi nhắc nhớ họ biết trân trọng và gìn giữ đức tin mà họ đã lãnh nhận; đã tin là tin cho đến cùng và đã theo Chúa là theo cho đến chết, đừng bao giờ đùa cợt với niềm tin thiêng liêng của mình, đừng đùa giỡn với Chúa. Không nên coi việc theo đạo là phương tiện để đạt được mục tiêu là kết hôn, rồi khi đạt được mục đích thì vất bỏ phương tiện, nghĩa là ra nhà thờ làm lễ cưới xong thì không đi lễ, không xưng tội và rước lễ nữa. Điều đó cho thấy sự thiếu thành thật của họ với chính cuộc hôn nhân của họ và là sự đùa cợt với niềm tin thiêng liêng.
Trái lại, việc anh chị chấp nhận tin theo đạo để kết hôn là việc làm song hành với nhau, bởi vì đó là sự chọn lựa tự nguyện của họ thì họ cũng phải tôn trọng chính chọn lựa tự do của họ, và cũng bởi vì người bạn đời tương lai của họ và niềm tin của người bạn đời ấy là một, chứ không phải là hai thực thể tách biệt nhau. Một khi niềm tin mà họ chọn lựa khi kết hôn trở thành niềm xác tín cá nhân, thì họ sẽ dần dần thay đổi suy nghĩ, rằng Thiên Chúa đã quan phòng sắp đặt để họ gặp được người bạn đời có đạo này và mời gọi họ bước theo Chúa, và người bạn đời có đạo này lại chính là phương thế để họ gặp được Chúa và tin theo. Rất có thể họ lại cám ơn người bạn đời của họ.
Có được kết quả này đòi hỏi cả hai phải nỗ lực sống đức tin của mình. Nếu không được nuôi dưỡng, đức tin của họ sẽ dần phai nhạt, yếu nhược và đến một ngày nào đó rất sớm, họ không còn tha thiết và hứng thú với việc đọc kinh cầu nguyện, hoặc thấy việc tham dự thánh lễ là vô ích và mất thời gian. Đặc biệt người có đạo kết hôn với người lương dân theo đạo phải lưu ý rằng bản thân mình phải sống đạo tích cực và gấp đôi: một cho mình và một cho người bạn đời của mình, bởi vì người bạn đời tân tòng mới chập chững bước vào một đời sống còn khá mới mẻ với họ, cần được nâng đỡ và củng cố. Tuy nhiên thực tế có khi lại cho thấy một kết quả bất ngờ khác là người tân tòng ngày càng thêm xác tín và giữ đạo nhiệt thành, còn người “đạo gốc” ngày càng mất gốc, thậm chí không còn giữ đạo nữa.
Đặc biệt tôi chân thành thay mặt Giáo hội, cộng đoàn giáo xứ cám ơn cha mẹ của người tân tòng đã quảng đại cho con mình theo đạo để kết hôn với người Công giáo. Lời cám ơn này là mong muốn được hiểu biết nhau hơn từ hai phía, từ đó biết trân trọng nhau qua chính người con rể hay con dâu người Công giáo. Hy vọng cha mẹ người tân tòng tôn trọng niềm tin của người Công giáo khi người này về chung sống trong gia đình của họ. Điều này cũng là một nhắc nhớ quan trọng cho người Công giáo khi về sống trong gia đình người lương dân; sống như thế nào để người lương dân nhận ra những giá trị cao quý của niềm tin Công giáo, niềm tin vào Chúa Giê-su qua cách ăn nết ở, qua từng hành vi ứng xử, qua lời ăn tiếng nói, làm sao toát lên giá trị nhân bản là lễ phép, kính trọng và yêu thương, kết hợp với những giá trị của niềm tin là hy sinh, tha thứ, nhẫn nại, chịu đựng... Hy vọng với cuộc sống vững vàng, mạnh mẽ trong niềm tin mà những người lương dân bớt đi định kiến không hay, không tốt về người Công giáo. Hơn nữa, người Công giáo còn phải nhớ rằng mình có bổn phận truyền giáo cho chính gia đình của họ vậy. Đã có trường hợp cha mẹ, anh chị em những người lương dân xin theo đạo nhờ chứng kiến mẫu gương sống đức tin của người Công giáo là con dâu, con rể trong nhà của họ.
Hôn nhân khác tôn giáo là vấn đề khó khăn hơn nhiều. Vấn đề người lương dân chấp nhận và tôn trọng việc thực hành niềm tin của người Công giáo sống chung trong gia đình họ thì rất phức tạp và khó khăn, nhất là đối với người có thành kiến nặng nề với người Công giáo. Việc họ đến gặp chúng ta đôi khi là chuyện chẳng đặng đừng. Họ chỉ mong mau kết thúc cuộc gặp gỡ, sớm hoàn tất các thủ tục để ra về. Tuy nhiên có những người tỏ ra thiện chí, do vậy cần chúng ta khéo léo và tế nhị. Lời cám ơn vì họ đã chịu mất thời gian đến gặp chúng ta là điều cần thiết, xin lỗi vì phải làm mất thời gian của họ, mong họ thông cảm, tất cả là vì hạnh phúc hôn nhân của con cái họ.
Thường trong buổi làm thủ tục hôn phối cho hôn nhân khác đạo, tôi nhấn mạnh hai điều. Trước hết là nhắc nhớ cho người lương dân tôn trọng việc rửa tội cho con cái, dù là trai hay gái như đã viết trong tờ khai hôn phối. Nhắc nhớ cho người lương dân cũng là nhắc nhớ cho cha mẹ của họ, hãy tôn trọng cam kết của họ trước mặt gia đình hai bên, cách riêng với Giáo hội như đã được cho biết trước. Còn việc họ có giữ lời cam kết đó hay không tùy thuộc vào người Công giáo có can đảm thực hiện trách nhiệm đức tin của mình không. Do đó, việc thứ hai tôi mời người Công giáo đọc to và rõ tờ đơn xin Đức giám mục chuẩn cho hôn nhân khác đạo này, nhất là nhấn mạnh đến ba lời cam kết của họ với Giáo hội: 1. Trung thành với đức tin Công giáo; 2. Chu toàn bổn phận trong đời sống hôn nhân và tôn trọng tự do tín ngưỡng của người bạn đời; 3. Lo cho con cái được rửa tội, giáo dục con cái theo giáo lý Giáo hội Công giáo.
Qua việc làm này, một mặt khích lệ, củng cố và khơi dậy lòng can đảm sống đức tin của người Công giáo trong môi trường có khi không thân thiện về mặt đức tin, đồng thời như là một lời nhắc nhớ cho người lương dân biết tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho người Công giáo sống đức tin của mình. Có lần một bạn nữ đã khóc nức nở khi đọc xong tờ đơn xin chuẩn hôn nhân khác đạo này. Có vẻ như chị đã mường tượng ra phần nào những trở ngại trong tương lai thế nào đó khi kết hôn với người lương dân này. Điều mà chúng ta không thể nào biết và không thể nào ngờ là sau khi kết hôn thì chính người chồng hay người vợ và cả cha mẹ người lương dân này đã không giữ lời cam kết của họ. Việc làm đó gây đau khổ không ít cho người Công giáo.
Khi phải lệ thuộc về kinh tế cùng với một đức tin yếu kém, nhiều người Công giáo đã dần dần xa rời đức tin, mất luôn niềm tin và con cái không được rửa tội. Giờ đây họ chỉ biết khóc than, đau khổ nhìn thấy con cái của mình lớn lên không biết gì và cũng chẳng tha thiết gì với đức tin của họ. Họ chỉ mong phép lạ xảy ra là con cái họ nhận biết và tin theo đạo, hoặc hy hữu là con cái họ kết hôn với người Công giáo và tin theo đạo (đã có trường hợp như thế này). Thực tế đau lòng này vẫn đang diễn ra.
Mặt khác, tỷ lệ ly hôn ở những cuộc hôn nhân này khá cao, và rồi tình trạng tái hôn là hậu quả không thể tránh khỏi, bằng chứng là đã có không ít trường hợp ông bà đến xin rửa tội cho cháu. Chúng ta chỉ hy vọng và cầu nguyện cho người Công giáo được Chúa soi sáng, luôn giữ vững niềm tin và cho người lương dân biết tôn trọng những cam kết của họ mà thôi.
Sau buổi gặp gỡ để tiến hành thủ tục hôn phối là việc rao hôn phối để điều tra tình trạng không ngăn trở của đôi hôn phối. Sau ba tuần chờ đợi thì đến ngày tập dượt cho lễ cưới. Đỉnh cao là thánh lễ với việc cử hành bí tích hôn phối hay nghi thức hôn phối cho phép chuẩn khác đạo.
Trong lễ cưới này, thì dù cô dâu chú rể đều là người Công giáo, dù có người tân tòng hay phép chuẩn khác đạo thì có thể có những người khác tôn giáo đến tham dự thánh lễ. Đặc biệt là sự hiện diện của cha mẹ, họ hàng của đôi tân hôn. Có thể đây là lần đầu tiên họ bước vào một nhà thờ Công giáo, và hơn thế nữa là tham dự một lễ cưới của người Công giáo mà xem ra rất xa lạ với họ. Có khi họ ngỡ ngàng, lúng túng với các cử chỉ đứng, ngồi, quỳ trong thánh lễ. Với người có ý thức, họ sẽ dè dặt quan sát để không có những hành động quá lố lăng, phản cảm để thể hiện sự tôn trọng. Với người chưa ý thức đủ, chúng ta có thể thấy được những hình ảnh chưa đẹp trong nhà thờ, nào là nói chuyện ồn ào (rất thường xảy ra), nào là gác chân rung đùi, nào là dang tay ngồi duỗi ra như trong phòng trà, tiệm cà phê...
Thế nên, thông thường trước khi bắt đầu thánh lễ, tôi mời mọi người ngồi và nói lời chào đón hân hoan với những vị khách là những anh chị em lương dân lần đầu đến với giáo xứ, đặc biệt lần đầu tham dự thánh lễ của người Công giáo. Để cho niềm vui được trọn vẹn và để thể hiện sự tôn trọng tối thiểu, xin mọi người cố gắng tuân thủ những quy định khi tham dự thánh lễ, chẳng hạn không nói chuyện ồn ào, không sử dụng điện thoại, tuân thủ việc đứng, ngồi, quỳ khi thánh lễ đang được cử hành. Có người vì không quen quỳ nên họ chọn giải pháp ngồi và ngồi rất trang nghiêm.
Lời mời gọi này phần nào đã làm cho buổi lễ được diễn ra trang nghiêm. Phần lớn họ tôn trọng và tuân thủ đúng các quy định trên. Nói thêm là đến phần rước lễ, tôi cũng nhắc để tránh trường hợp vì tò mò có những anh chị em lương dân đã lên rước lễ, rồi gây ra sự ồn ào không hay lúc rước lễ: “Sau đây là phần rước lễ, dành riêng cho người Công giáo. Anh chị em tôn giáo bạn xin ngồi tại chỗ. Xin cám ơn”.
Trong phần giảng lễ, tôi chọn bài Tin Mừng theo thánh Matthêu 19,3-6, nói về cuộc tranh luận giữa người Pha-ri-sêu và Chúa Giê-su về việc có được phép rẫy vợ không. Dựa vào hai đặc tính của hôn nhân Công giáo là đơn hôn và vĩnh hôn, tôi giúp đôi hôn phối xác tín vào lời cam kết thủy chung trong đời sống hôn nhân và gia đình. Bằng việc trao đổi hỏi đáp qua lại, tôi mong muốn đôi bạn nói lên suy nghĩ của mình về những gì liên quan đến thực tế đời sống sau ngày cưới. Bởi lẽ hôn nhân không phải lúc nào cũng sáng như bình minh, đẹp như bông hồng, sẽ có những ngày mây đen bao phủ, sẽ có những gai góc nảy sinh đe dọa đến hạnh phúc và sự bền vững của gia đình. Cần nhìn nhận thực tế và nắm chặt tay nhau vượt qua thử thách.
Một hiểu lầm lớn và tai hại tồn tại từ lâu rằng theo đạo là bất hiếu, không được thờ cúng ông bà cha mẹ, tổ tiên. Sự hiểu lầm tai hại này đến từ hai phía: người Công giáo thì không giải thích đến nơi đến chốn, và cũng có thể do cách sống của người Công giáo ít quan tâm đến bổn phận thảo hiếu với ông bà cha mẹ mới dẫn đến việc hiểu lầm này; về phía người lương dân ít tìm hiểu mà chỉ nghe đồn đại, lại sẵn có thành kiến nên mới có suy nghĩ tiêu cực về bổn phận đạo hiếu này.
“Vì thế người nam sẽ lìa cha mẹ mà kết hợp với vợ mình”. Có thể câu Lời Chúa này gây hiểu lầm về bổn phận hiếu thảo chăng? Đôi bạn trẻ hiểu thế nào về câu Lời Chúa này? Phải chăng theo đạo là bất hiếu với cha mẹ như thế này sao? Đôi bạn hẳn hiểu rằng họ cần đến sự nâng đỡ của cha mẹ. Hơn nữa, giới răn thảo hiếu cha mẹ vẫn còn đó, và Chúa Giê-su không bao giờ cổ xuý cho một thực hành trái với lương tâm như thế. Do đó anh chị em lương dân cần biết và hiểu rõ về vấn đề hiếu thảo này.
Còn về vấn đề người nam lìa cha mẹ để kết hợp với vợ mình không có nghĩa là từ bỏ cha mẹ, mà phải hiểu là lìa bỏ tính trẻ con, dựa dẫm vào cha mẹ, lìa cha mẹ là lìa bỏ tính trẻ con đó để sống trưởng thành, sẵn sàng kiến tạo một gia đình mới với tất cả trách nhiệm của mình. Bởi lẽ rồi đây mình sẽ là những người cha người mẹ trong gia đình mới đó và sẽ hiểu được những công khó của cha mẹ mình như thế nào với mình, thì giờ đây mình cũng có trách nhiệm với gia đình và con cái như thế.
Theo đạo Công giáo là không bao giờ được phép từ bỏ hay bất hiếu với ông bà cha mẹ, vì đó là điều luật cấm, vi phạm là một trọng tội. Trái lại, người Công giáo khi lập gia đình càng phải thảo hiếu với ông bà cha mẹ khi các ngài còn sống cũng như đã qua đời. Bởi vì đó là điều răn buộc phải tuân giữ bằng những thực hành riêng biệt của đạo Công giáo như kính trọng và yêu thương, chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ lúc đau yếu, già nua. Khi các ngài qua đời thì lo hậu sự cho nghiêm túc, đọc kinh cầu nguyện, xin lễ cầu hồn không chỉ vào những ngày giỗ, mà là mọi ngày nếu được.
Những thực hành thảo hiếu đó rất khác với thực hành của người lương dân. Đừng vì thấy khác biệt không giống như mình, hoặc không thấy mâm cơm cúng quả thì kết án người Công giáo là bất hiếu. Điển hình là trong nghi thức đón dâu bao giờ cũng có nghi thức gia tiên báo hiếu ông bà cha mẹ tại tư gia, rồi trong thánh lễ có lời cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Việc kính nhớ ông bà cha mẹ là điều không thể thiếu, không được quên, bởi đó là thành phần thiết yếu làm nên hôn nhân và gia đình Công giáo nữa.
Phần trang trọng nhất của buổi lễ là phần cử hành bí tích hôn phối, hay nghi thức chuẩn khác đạo. Trang trọng là bởi vì lúc này đôi bạn chính thức và công khai nói lên lời cam kết vô cùng linh thiêng của họ cho cuộc hôn nhân của họ, do đó bất cứ một phản bội hay bất trung nào đều là sự xúc phạm đến chính họ, làm tổn thương người bạn đời, phá vỡ hạnh phúc gia đình và đẩy cuộc hôn nhân đến bờ vực sụp đổ. Vì thế, hãy ý thức những gì đang cử hành lúc này, từng câu, từng chữ cần được diễn tả rõ ràng, mạch lạc, nếu thuộc lòng càng tốt.
Những đôi bạn nào ý thức họ làm rất nghiêm túc việc này. Tránh hết sức việc đùa giỡn, thiếu tôn trọng bản thân và những người có mặt. Mọi người đang chăm chú quan sát nhất cử nhất động của họ, lắng nghe từng lời họ nói lên trong giây phút trang trọng này. Có thể xuất hiện nụ cười, nhưng là nụ cười ý nhị của hạnh phúc và mãn nguyện, chứ không phải là ngả nghiêng đùa cợt thì không hay.
Có lần tôi tiến hành thủ tục hôn phối cho một đôi bạn trẻ. Bạn gái là người Công giáo, trình độ thạc sỹ. Bạn nam là lương dân có trình độ kỹ sư. Họ được coi là những người trí thức trong xã hội. Vì là người Công giáo, nên mẹ của bạn nữ này đã biết các nguyên tắc trong nhà đạo nên không có vấn đề gì. Riêng người mẹ của bạn nam, có thể chưa biết gì nhiều nên chỉ trả lời nhát gừng. Trước đó, tôi hỏi thăm về gia cảnh, về nơi ở, và tôi phần nào hiểu lý do bạn nam này không theo đạo. Gia đình họ sống trong một khu dân cư cao cấp được coi là bậc trung lưu của xã hội, đặc biệt họ là những bậc trí thức nữa.
Rất có thể họ cũng có thành kiến với người có đạo. Cách xưng hô của người mẹ này cho thấy bà còn nghi ngại nào đó khi tiếp xúc với cha nhà thờ nhỏ bé, có thể thiếu kinh nghiệm chăng. Đến buổi cử hành nghi thức chuẩn khác đạo, tôi đặt câu hỏi trao đổi qua lại với đôi hôn phối liên quan đến hôn nhân gia đình để họ trả lời. Điều làm tôi ngạc nhiên là sau khi kết thúc nghi thức hôn phối, cả hai bà mẹ đến cám ơn. Riêng bà mẹ của chú rể đã thay đổi cách xưng hô từ “tôi - cha” sang “con - cha”. Bà cho biết đây là lần đầu bà tham dự một lễ cưới thật ấm cúng, gần gũi với những lời khuyên bảo chân thành của cha sở dành cho con cái họ. Mặc dù đôi bạn có học thức, nhưng cũng cần phải lắng nghe những lời khuyên của người có trách nhiệm. Rất có thể bà đã nhận ra phần nào ý nghĩa và giá trị của hôn nhân Công giáo. Bà cám ơn vì đã cho bà một kỷ niệm đáng nhớ trong ngày thành hôn của con trai bà.
Qua những việc làm trên, tôi cố gắng gặp gỡ, lắng nghe và phân định với những anh chị em tôn giáo bạn. Hy vọng chuyển tải sứ điệp Tin Mừng qua mục vụ hôn nhân gia đình cho người lương dân. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu, vấn đề mục vụ sau ngày cưới là điều quan trọng hơn nữa, cần được tiếp tục suy nghĩ và có giải pháp cụ thể để theo dõi, khích lệ, quan tâm đến các gia đình mới này. Việc những anh chị tân tòng có giữ được đức tin của mình hay không phụ thuộc nhiều vào chính người Công giáo, cũng như sự quan tâm của giáo xứ. Nếu không tất cả những nỗ lực trên cũng tan theo mây gió.
Để làm việc này, bước đầu tôi lập danh sách các anh chị em tân tòng trong giáo xứ đến xin rao hôn phối. Cuối năm tôi nhờ quý chức khu họ liên hệ theo số điện thoại họ có để hỏi thăm đã làm lễ cưới chưa, hiện đang sống ở đâu, nếu ở trong giáo xứ thì nhắc họ mau gia nhập giáo xứ, tham gia các sinh hoạt của khu họ và giáo xứ; nếu đang sống ở giáo xứ khác thì nhắc họ mau mắn gia nhập giáo xứ đó.
Trước đây tại giáo xứ tôi làm phụ tá có một thực hành khá hay để quy tụ các gia đình trẻ tân tòng. Đó là hằng tuần vào thánh lễ Chúa nhật cuối cùng trong ngày, các gia đình trẻ tân tòng này thay phiên nhau dâng lễ vật trong thánh lễ. Và người phụ trách phân công này lại là một tân tòng lâu năm. Anh có khả năng dạy giáo lý nên có uy tín với chính những anh chị em lương dân. Anh dễ dàng quy tụ họ và nối kết họ với giáo xứ, coi họ là thành phần đáng được quan tâm nhất của giáo xứ.
Ngoại biên của mục vụ hôn nhân và gia đình dành cho người lương dân còn rất rộng lớn, cần chúng ta quan tâm và tìm ra những phương thế hữu hiệu, để có thể tiếp cận và gặp gỡ với những anh chị em tôn giáo bạn khi họ đến với Giáo hội để có được sự hướng dẫn cho cuộc hôn nhân của họ. Hãy xem đây là cơ hội để chúng ta chia sẻ niềm tin của mình. Ngoại biên của mục vụ hôn nhân và gia đình cho người lương dân đã đang và vẫn là một thách đố cho chúng ta, những người thao thức truyền giáo.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 129 (Tháng 5 & 6 năm 2022)
Nguồn: hdgmvietnam.com