560. Hỏi: Con đường cầu nguyện của chúng ta là con đường nào?
Thưa: Con đường cầu nguyện của chúng ta là chính Ðức Kitô. Lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Thiên Chúa, Cha chúng ta, nhưng chỉ lên tới Ngài khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu, ít nhất là cách mặc nhiên. Nhân tính của Chúa Giêsu là con đường duy nhất, qua đó Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện lên Cha của chúng ta. Vì thế các lời kinh Phụng vụ đều kết thúc bằng công thức: “Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”.
561. Hỏi: Chúa Thánh Thần có vai trò gì trong việc cầu nguyện của chúng ta?
Thưa: Chúa Thánh Thần là bậc Thầy nội tâm của kinh nguyện Kitô giáo và “chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8,26), nên Hội thánh khuyến khích chúng ta kêu cầu và van nài trong mọi hoàn cảnh: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!”
564. Hỏi: Các thánh là những người dẫn đường cầu nguyện như thế nào?
Thưa: Các thánh là những mẫu gương cho chúng ta về cầu nguyện và chúng ta cũng van xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta và cho toàn thế giới nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời chuyển cầu của các ngài là việc các ngài phục vụ một cách cao cả nhất cho kế hoạch của Thiên Chúa. Trong mầu nhiệm các thánh thông công, đã có nhiều đường hướng linh đạo phát sinh suốt dòng lịch sử Hội thánh, để dạy chúng ta cách sống và thực hành việc cầu nguyện.
565. Hỏi: Ai có thể dạy chúng ta cầu nguyện?
Thưa: Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên để dạy cầu nguyện. Hội thánh đặc biệt khuyến khích các gia đình nên cầu nguyện hằng ngày, vì đó là chứng từ đầu tiên của đời sống cầu nguyện của Hội thánh. Việc huấn giáo, những nhóm cầu nguyện, việc linh hướng tạo thành một trường học và một sự nâng đỡ cho việc cầu nguyện.
566. Hỏi: Những nơi nào thuận tiện cho việc cầu nguyện?
Thưa: Chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, nhưng việc chọn một nơi thích hợp sẽ giúp ích hơn cho việc cầu nguyện. Nhà thờ là nơi dành riêng cho kinh nguyện Phụng vụ và việc tôn thờ Thánh Thể. Những nơi khác cũng có thể giúp chúng ta cầu nguyện, chẳng hạn “một góc cầu nguyện” trong gia đình, một tu viện, một đền thánh.
567. Hỏi: Thời gian nào thích hợp nhất cho việc cầu nguyện?
Thưa: Mọi thời điểm đều thích hợp cho việc cầu nguyện. Nhưng Hội thánh đề nghị cho các tín hữu những chu kỳ cố định để nuôi dưỡng việc cầu nguyện liên tục: kinh sáng và kinh chiều, trước và sau khi dùng cơm, Các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh lễ ngày Chúa nhật, kinh Mân Côi, các lễ mừng trong năm Phụng vụ.
“Chúng ta phải nhớ đến Chúa, thường hơn là chúng ta hít thở” (thánh Grêgôriô thành Nazianze).
568. Hỏi: Có mấy hình thức diễn tả đời sống cầu nguyện?
Thưa: Truyền thống Kitô giáo đã lưu giữ ba hình thức chính để diễn tả và sống việc cầu nguyện: khẩu nguyện, suy niệm và cầu nguyện chiêm niệm. Ðặc điểm chung của cả ba hình thức này là tập trung tâm trí.
569. Hỏi: Khẩu nguyện có đặc tính gì?
Thưa: Khẩu nguyện liên kết thân xác chúng ta với lời cầu nguyện nội tâm. Ngay cả lời cầu nguyện thầm kín nhất cũng phải cần đến khẩu nguyện. Trong mọi trường hợp, khẩu nguyện phải luôn xuất phát từ đức tin của bản thân người cầu nguyện. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta một công thức tuyệt hảo của khẩu nguyện, đó là kinh Lạy Cha.
578. Hỏi: Ðâu là nguồn gốc của kinh Lạy Cha?
Thưa: Chúa Giêsu đã dạy chúng ta lời kinh không thể thay thế được của Kitô giáo, đó là kinh Lạy Cha, khi một môn đệ thấy Người cầu nguyện, đã xin Người “dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11, 1). Truyền thống Phụng vụ Hội thánh luôn dùng bản văn của thánh Mátthêu (6, 9-13).
579. Hỏi: Kinh Lạy Cha có vị trí nào trong Sách Thánh?
Thưa: Kinh Lạy Cha là “bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng” (Tertullianô), là “lời cầu nguyện tuyệt hảo” (thánh Tôma Aquinô). Kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm Bài giảng trên núi (Mt 5-7), và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện.
Trích Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của HĐGM Việt Nam, 2011
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn