238. Hỏi: Ðâu là mối liên hệ giữa cử chỉ và lời nói trong việc cử hành Bí tích?
Thưa: Trong việc cử hành Bí tích, cử chỉ và lời nói liên hệ với nhau chặt chẽ. Thật vậy, dù các cử chỉ tượng trưng tự chúng đã là một thứ ngôn ngữ, nhưng vẫn cần có các lời thuộc nghi thức kèm theo và làm cho chúng sinh động. Trong Phụng vụ, lời đọc và cử chỉ không thể tách rời nhau vì chúng vừa là dấu chỉ vừa là giáo huấn; chúng cũng không thể tách rời nhau vì chúng thực hiện điều chúng biểu thị.
239. Hỏi: Bài ca và âm nhạc có vai trò trong việc cử hành Phụng vụ theo những tiêu chuẩn nào?
Thưa: Bài ca và âm nhạc liên kết chặt chẽ với hành vi Phụng vụ. Vì vậy, phải tôn trọng các tiêu chuẩn sau đây: các bản văn phải phù hợp với giáo lý công giáo, ưu tiên rút từ Thánh Kinh và các nguồn Phụng vụ; vẻ đẹp diễn cảm của lời cầu nguyện; phẩm chất âm nhạc; sự tham gia của cộng đoàn; sự phong phú về văn hóa của dân Thiên Chúa; đặc điểm thánh thiêng và trang trọng của việc cử hành. “Hát là cầu nguyện hai lần” (thánh Augustinô).
Mục đích của các ảnh tượng thánh là gì?
240. Hỏi: Mục đích của các ảnh tượng thánh là gì?
Thưa: Ảnh tượng Ðức Kitô là ảnh tượng phụng vụ cách tuyệt hảo; các ảnh tượng thánh khác trình bày Ðức Trinh Nữ và các thánh, biểu lộ Ðức Kitô được tôn vinh nơi các ngài. Các ảnh tượng này công bố chính sứ điệp Tin Mừng mà Thánh Kinh chuyển đạt bằng lời. Các ảnh tượng thánh góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu.
241. Hỏi: Trung tâm của thời gian Phụng vụ là gì?
Thưa: Trung tâm của thời gian Phụng vụ là ngày Chúa Nhật, nền tảng và cốt lõi của cả năm Phụng vụ. Năm Phụng vụ có chóp đỉnh là lễ Phục sinh, ngày “lễ của các ngày lễ.”
(Trích Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của HĐGM Việt Nam, 2011).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn