Giáo lý về thánh Giuse
Giới thiệu với quí độc giả loạt bài giáo lý về thánh Giuse của Đức Giáo hoàng Phanxicô
BÀI 1
THÁNH GIUSE VÀ MÔI TRƯỜNG NGÀI ĐÃ SỐNG
Anh chị em thân mến
Ngày 8 tháng 12 năm 1870, Chân phước Piô IX tuyên bố Thánh Giuse là bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ. 150 năm sau biến cố đó, chúng ta đang trải qua một năm đặc biệt dành riêng cho Thánh Giuse, và trong Tông thư Patris corde, tôi đã tuyển chọn được một số suy tư về hình ảnh của ngài. Chưa có bao giờ như hôm nay, trong thời điểm được đánh dấu bởi một cuộc khủng hoảng toàn cầu với nhiều thành phần khác nhau, Thánh Giuse có thể là người hỗ trợ chúng ta, an ủi và hướng dẫn chúng ta. Vì vậy, tôi đã quyết định dành loạt bài giáo lý về ngài, điều mà tôi hy vọng rằng sẽ giúp chúng ta nhiều hơn để chúng ta được soi sáng nhờ mẫu gương và chứng tá của ngài. Chúng ta sẽ nói về thánh Giuse trong vài tuần.
Trong Kinh thánh có hơn mười nhân vật mang tên Giuse. Người quan trọng nhất trong số đó là con trai của Giacóp và Rachel, là người mà qua nhiều thăng trầm khác nhau, từ một nô lệ trở thành người quan trọng thứ hai ở Ai Cập sau Pharaô (x. St 37-50). Tên Giuse trong tiếng Do Thái có nghĩa là "Chúa gia tăng, Chúa làm cho lớn mạnh". Đó là một điềm tốt, một phúc lành được thiết lập dựa trên sự tin tưởng vào sự quan phòng và đặc biệt liên quan đến khả năng sinh sản và nuôi dạy con cái. Thật vậy, chính cái tên mạc khải cho chúng ta một khía cạnh cốt yếu nơi nhân cách của thánh Giuse thành Nazarét. Ngài là người tràn đầy niềm tin vào sự quan phòng : ngài tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, ngài có niềm tin vào Thiên Chúa quan phòng. Mọi hành động của ngài, như Tin mừng kể lại, được đòi buộc từ sự chắc chắn rằng Thiên Chúa “làm cho lớn lên”, làm cho “gia tăng”, Chúa “thêm vào”, nghĩa là Thiên Chúa cung cấp để tiếp tục thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Và ở đây, thánh Giuse thành Nazaret rất giống với Giuse ở Ai Cập.
Ngay cả những tham chiếu địa lý chính yếu liên quan đến Giuse: Bêlem và Nazarét, cũng đóng một vai trò quan trọng để hiểu về gương mặt của ngài.
Trong Cựu Ước, thành phố Bêlem được gọi với cái tên Beth Lechem , tức là "Ngôi nhà bánh", hay còn gọi là Ephratha, theo tên bộ tộc định cư nơi vùng đất đó. Tuy nhiên trong tiếng ARập, tên này có nghĩa là “Ngôi nhà thịt”, có thể là vì số lượng lớn chiên và dê nằm trong khu vực. Thực vậy, không phải ngẫu nhiên mà khi Chúa Giêsu ra đời, các mục đồng là những nhân chứng đầu tiên của biến cố (Lc 2, 8-20). Dưới ánh sáng của sự kiện về Chúa Giêsu, những lời ám chỉ về bánh và thịt dẫn đến mầu nhiệm Thánh Thể: Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống (x. Ga 6, 51). Chính Ngài đã nói về mình: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ có sự sống đời đời (Ga 6, 54).
Bêlem được nhắc đến nhiều lần trong Kinh thánh, bắt đầu từ sách Sáng thế. Bêlem cũng được liên kết với câu chuyện của bà Rút và Naômi, được thuật lại ngắn gọn trong sách Rút nhưng rất tuyệt vời. Rút sinh một người con trai gọi là Obed, rồi đến lượt ông sinh ra Jesse, cha của vua Đavít. Và chính từ dòng dõi của Đavít mà Giuse sinh ra, là cha nuôi của Chúa Giêsu. Và rồi tiên tri Mikha đã tiên báo những điều vĩ đại về Bêlem: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Ephratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel” (Mk 5, 1). Thánh sử Matthêu sẽ lấy lại lời tiên tri này và kết nối nó với câu chuyện về Chúa Giêsu như một sự ứng nghiệm hiển nhiên.
Thực ra, Con Thiên Chúa không chọn Giêrusalem làm nơi nhập thể của mình, mà là Bêlem và Nazarét, hai làng ngoại biên, cách xa những tiếng ồn ào thời sự và quyền lực của thời đại. Tuy nhiên, Giêrusalem lại là thành phố được Chúa yêu thương (x. Is 62,1-12), là “thành thánh” ( Đn 3,28), được Chúa chọn làm nơi cư ngụ (x. Zac 3,2; Tv 132,13) ). Thực ra, đây là nơi ở của các tiến sĩ luật, kinh sư và người Pharisêu, thủ lãnh các thượng tế và các kỳ lão trong dân ( xem Lc 2,46; Mt 15,1; Mc 3,22; Ga 1,19; Mt 26,3).
Đây là lý do tại sao việc chọn Bêlem và Nazarét cho chúng ta biết rằng vùng ngoại biên và bên lề xã hội đều được Thiên Chúa ưu ái. Chúa Giêsu không sinh ra ở Giêrusalem, trong cung điện, không, Ngài ra đời ở vùng ngoại biên, đã trải qua cuộc đời mình ở đó cho đến năm 30 tuổi. Ở vùng ngoại biên đó ngài làm thợ mộc, giống như thánh Giuse. Đối với chúa Giêsu, những vùng ngoại biên và ngoài lề xã hội thì được ưu ái hơn. Không coi trọng kiện này tương đương với việc không coi trọng Tin mừng và công trình của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục tỏ mình nơi các vùng ngoại biên địa lý và hiện sinh. Chúa luôn hành động một cách kín đáo nơi các vùng ngoại biên, kể cả trong linh hồn chúng ta, nơi vùng ngoại biên của tâm hồn, của những cảm giác, có lẽ là những cảm giác mà chúng ta xấu hổ; nhưng Chúa ở đó để giúp chúng ta tiến tới. Thiên Chúa tiếp tục tỏ mình nơi các vùng ngoại biên, vừa địa lý và vừa hiện sinh. Cụ thể, Chúa Giêsu đi tìm các tội nhân, vào nhà của họ, nói chuyện với họ, kêu mời họi hoán cải. Và Ngài cũng bị khiển trách vì điều này: “Nhưng hãy nhìn xem, Thầy này – các tiến sĩ luật nói – hãy nhìn xem này: ông ấy ăn uống với những người tội lỗi, bẩn thỉu”. Ngài cũng đi tìm những người dù không làm điều gì ác cả nhưng đã chịu đựng: những người ốm đau, nghèo đói, nhỏ hèn. Chúa Giêsu luôn hướng về các vùng ngoại biên. Và điều này phải đem lại cho chúng ta nhiều xác tín hơn, vì Chúa biết vùng ngoại biên của tâm hồn chúng ta, của con tim chúng ta, vùng ngoại biên của xã hội, thành phố, gia đình chúng ta, tức là phần u tối một chút mà chúng ta không thể hiện ra ngoài, có lẽ là xấu hổ.
Về mặt này, xã hội thời đó không khác chúng ta là mấy. Ngày nay cũng vậy, vẫn còn có một trung tâm và một vùng ngoại biên. Và Giáo hội biết rằng mình được kêu gọi để loan báo Tin mừng bắt đầu từ ngoại biên. Thánh Giuse là thợ mộc thành Nazarét và ngài là người tin tưởng vào chương trình của Thiên Chúa dành cho vị hôn thê trẻ tuổi của mình và cho chính mình, ngài nhắc nhở Giáo hội lưu ý đến điều mà thế giới cố tình phớt lờ. Hôm nay thánh Giuse dạy cho chúng ta điều này: “Đừng quá nhìn vào những gì thế gian ca tụng, hãy nhìn vào những góc khuất, những bóng tối, những vùng ngoại biên, những thứ mà thế giới không muốn”. Ngài nhắc nhở mỗi người trong chúng ta hãy quí trọng những gì người khác bỏ đi. Theo nghĩa này, thánh Giuse thực sự là một bậc thầy về điều cốt yếu: Ngài nhắc nhở chúng ta rằng điều thực sự có giá trị không thu hút sự chú ý của chúng ta, nhưng đòi hỏi sự phân định kiên nhẫn để được khám phá và đánh giá. Khám phá giá trị của nó. Chúng ta nguyện xin thánh Giuse cầu bầu, để toàn thể Giáo hội phục hồi được cái nhìn này, khả năng biện phân này, khả năng đánh giá điều cốt yếu này. Chúng ta cùng bắt đầu lại từ Bêlem, từ Nazarét.
Hôm nay tôi muốn gửi một sứ điệp đến tất cả mọi người đang sống ở vùng ngoại biên địa lý bị thế giới lãng quên hay đang sống trong hoàn cảnh bị gạt bên lề cuộc sống. Mong sao anh chị em có thể tìm thấy nơi thánh Giuse chứng từ và hãy nhìn lên người bảo vệ ấy. Chúng ta có thể dâng lên ngài lời cầu nguyện này, một lời nguyện “tự làm ở nhà”, nhưng xuất phát từ cõi lòng:
Lạy Thánh Cả Giuse,
là người luôn tín thác vào Thiên Chúa
và đưa ra những chọn lựa theo sự hướng dẫn của Chúa quan phòng
xin dạy chúng con biết đừng trông cậy quá nhiều vào những dự tính của mình,
nhưng vào chương trình của tình yêu của Chúa.
Ngài đến từ vùng ngoại biên,
xin giúp chúng con biết biến đổi cách nhìn của MÌNH
và yêu thích điều mà thế giới loại bỏ và bị gạt bên lề xã hội.
Xin an ủi những người cảm thấy cô đơn
và giúp đỡ những người đang dấn thân trong âm thầm
để bảo vệ cuộc sống và phẩm giá con người. Amen.
Bài 2 : Thánh Cả Giuse trong lịch sử cứu độ
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 24/11/2021 tại Vatican, Đức Thánh cha Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Giuse. Hôm nay ĐTC nhấn mạnh đến vai trò của Thánh Giuse, mặc dù không được chú ý nhiều, nhưng ngài đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử cứu rỗi.
Anh chị em thân mến,
Thứ Tư tuần trước chúng ta đã bắt đầu chu kỳ những bài giáo lý về Thánh Giuse – năm dành cho ngài sắp kết thúc -. Hôm nay chúng ta tiếp tục lộ trình này bằng cách tập trung vào vai trò của ngài trong lịch sử cứu rỗi.
Các Tin mừng đã chỉ rõ Chúa Giêsu là “con của ông Giuse” ( Lc 3,23; 4,22; Ga 1,45; 6,42) và “con của bác thợ mộc” ( Mt 13,55; Mc 6, 3). Khi kể về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, các thánh sử Matthêô và Luca dành không gian cho vai trò của Thánh Giuse. Cả hai đều tạo ra một “gia phả” nhằm làm nổi bật tính lịch sử của Chúa Giêsu. Trước hết, thánh sử Matthêô nói cho người Do thái theo Kitô giáo, bắt đầu từ Abram cho đến Giuse, được cho là “chồng của bà Maria, là mẹ của Chúa Giêsu cũng được gọi là Đấng Kitô” (Mt 1, 16). Trong khi thánh sử Luca bắt đầu trực tiếp từ Chúa Giêsu, “là con của ông Giuse”, đi ngược lên đến Ađam, nhưng xác định: “coi Người là con ông Giuse” (Lc 3, 23). Vì thế, cả hai thánh sử đều trình bày Thánh Giuse không phải là cha ruột, nhưng dù sao ngài được xem như là người cha chính thức của Chúa Giêsu. Qua Thánh Giuse, Chúa Giêsu hoàn tất lịch sử giao ước và cứu rỗi diễn ra giữa Thiên Chúa và loài người. Đối với Matthêô, lịch sử này bắt đầu với Abraham, với Luca lịch sử bắt đầu từ chính nguồn gốc của nhân loại, tức là với Ađam.
Thánh sử Matthêô giúp chúng ta hiểu rằng nhân vật Giuse, mặc dù có vẻ ngoài lề, kín đáo, thuộc hàng thứ yếu, nhưng được trình bày như một phần chính yếu trong lịch sử cứu rỗi. Thánh Giuse sống vai chính của mình mà không bao giờ muốn chiếm sân khấu. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, “cuộc sống của chúng ta được đan dệt và nâng đỡ bởi những người bình thường – thường bị lãng quên – là những người không xuất hiện trên các tiêu đề của các tờ báo và tạp chí [...]. Biết bao bậc cha mẹ, ông bà, thầy cô chỉ dạy cho con cái chúng ta, bằng những hành động nhỏ nhặt, những cử chỉ thường ngày, cách đối mặt và vượt qua khủng hoảng bằng cách điều chỉnh những thói quen, bằng cách nhìn về phía trước và khuyến khích cầu nguyện. Có biết bao người đang cầu nguyện, hy sinh và chuyển cầu vì thiện ích của tất cả mọi người” (Tông thư Patris Corde, 1). Và vì vậy, ai cũng có thể nhìn thấy nơi Thánh Giuse, con người không được nhận biết, con người của hiện diện hằng ngày, hiện diện trong chừng mực và kín đáo, một người chuyển cầu, nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn. Ngài nhắc nhở chúng ta biết rằng tất cả những người xem ra âm thầm hay thuộc “hàng thứ yếu” đều là những nhân vật chính vô song trong lịch sử cứu rỗi. Thế giới cần những con người như vậy: những người thuộc hàng thứ yếu, nhưng lại là những người hỗ trợ cho sự phát triển của cuộc sống chúng ta, của mỗi người chúng ta, là những người bằng lời cầu nguyện, bằng gương sáng, bằng lời chỉ dạy của họ, nâng đỡ chúng ta trên nẻo đường của cuộc sống.
Trong Tin mừng Luca, Thánh Giuse xuất hiện với tư cách là người trông nom Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Và vì lý do này, ngài ta cũng là “Người trông nom Giáo hội”: nhưng nếu đã là người trông giữ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thì giờ đây, ở trên trời, ngài làm việc và vẫn tiếp tục làm người trông coi, trong trường hợp này của Giáo hội; bởi vì Giáo hội là Nhiệm thể nối dài của Chúa Kitô trong lịch sử, và đồng thời tình mẫu tử của Giáo hội cũng được phản chiếu trong tình mẫu tử của Mẹ Maria. Thánh Giuse, vẫn tiếp tục bảo vệ Giáo hội – anh chị em đừng quên điều này: ngày nay, Thánh Giuse vẫn tiếp tục bảo vệ Giáo hội – tiếp tục bảo vệ Hài nhi và Mẹ của Ngài” (x. ibid số 5) Khía cạnh bảo vệ này của Thánh Giuse là câu trả lời tuyệt vời cho trình thuật Sáng thế. Khi Chúa yêu cầu Cain giải trình về mạng sống của Abel, anh ta trả lời : “Tôi có phải là người canh giữ anh tôi đâu?” (St 4,9). Với cuộc đời của ngài, dường như thánh Giuse muốn nói với chúng ta rằng chúng ta luôn được mời gọi để cảm thấy mình là người bảo vệ anh chị em của mình, bảo vệ những người thân cận, những người Thiên Chúa giao phó cho chúng ta qua nhiều hoàn cảnh của cuộc sống.
Một xã hội chẳng hạn như của chúng ta, được xem như là “chất lỏng”, bởi vì dường như nó không chắc chắn. Tôi sẽ sửa lại định nghĩa nhà triết học đã đặt ra và tôi sẽ nói : nó còn hơn chất lỏng, là chất khí, một xã hội chất khí đúng nghĩa. Xã hội lỏng và khí này tìm thấy trong câu chuyện của thánh Giuse một dấu hiệu rõ ràng về tầm quan trọng của các mối tương quan nhân loại. Thực vậy, Tin mừng kể cho chúng ta về gia phả của Chúa Giêsu, không chỉ vì lý do thần học, mà còn để nhắc nhở mỗi người chúng ta biết rằng cuộc sống của chúng ta được tạo nên từ những mối dây liên kết đi trước và đồng hành với chúng ta. Con của Thiên Chúa, khi đến trần gian, Ngài đã chọn con đường của những mối dây ràng buộc, con đường lịch sử: Ngài không bước vào trần gian cách thần diệu, không. Ngài đã thực hiện con đường lịch sử mà tất cả chúng ta đang thực hiện.
Anh chi em thân mến, tôi nghĩ đến nhiều người đang gặp khó khăn để tìm lại những mối quan hệ có ý nghĩa trong cuộc sống của họ, vì vậy mà họ cảm thấy cô độc, không có sức mạnh và dũng khí để tiếp tục tiến tới. Tôi muốn kết thúc bài giáo lý bằng lời cầu nguyện để giúp họ và giúp tất cả chúng ta tìm thấy nơi Thánh Giuse một đồng minh, một người bạn và một người bảo trợ.
Lạy Thánh Cả Giuse,
người đã gìn giữ mối dây liên kết với Mẹ Maria và Chúa Giêsu,
xin giúp chúng con biết chăm sóc các mối dây liên kết trong cuộc sống của chúng con.
Xin đừng để ai phải trải qua cảm giác bị bỏ rơi
bắt nguồn từ sự cô đơn.
Xin cho mọi người được hòa giải với lịch sử của riêng mình,
với những người đi trước,
và biết nhận ra những sai lỗi đã phạm
để qua đó việc Chúa Quan phòng được thành tựu,
và điều ác không có lời cuối cùng.
Xin hãy tỏ ra như người bạn với những người đang gặp khó khăn nhất,
như ngài đã nâng đỡ Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong những lúc khó khăn,
xin cũng nâng đỡ chúng con trên hành trình của mình. Amen.
Tóm tắt lời của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến
Trong bài giáo lý tiếp theo về Thánh Giuse, giờ đây chúng ta xem xét vai trò quan trọng của ngài trong lịch sử cứu rỗi. Gia phả trong các Tin mừng Matthêô và Luca trình bày Chúa Giêsu là “con ông Giuse” ( Lc 3:23), và khẳng định rằng, mặc dù không phải là cha ruột, nhưng thánh Giuse vẫn thực hiện vai trò của một người cha đích thực. Thánh sử Matthêô cho thấy rằng Thánh Giuse, mặc dù là một nhân vật có vẻ ngoài lề, nhưng thực tế lại đóng vai trò trung tâm trong việc mở ra lịch sử cứu độ và thực hiện các lời hứa của Thiên Chúa. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cũng được kêu gọi đóng góp vai trò nhỏ bé của mình trong việc rao truyền sứ điệp cứu độ của Tin Mừng.
Thánh sử Luca mô tả Thánh Giuse là người bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài cũng đảm nhận vai trò này với tư cách là người bảo vệ Giáo hội hoàn vũ, sự nối dài Nhiệm thể của Chúa Kitô trong lịch sử. Gia phả của Thánh Giuse cũng nhắc nhở thế giới thường bị rạn nứt của chúng ta hiểu hơn về tầm quan trọng của các tương quan nhân loại đi trước và theo sau chúng ta. Khi tìm cách củng cố những mối quan hệ đó và bảo vệ những anh chị em dễ bị tổn thương của mình qua các công việc bác ái huynh đệ, chúng ta hãy tin tưởng vào lời cầu nguyện của Thánh Giuse, noi gương khiêm nhường và trung thành của ngài trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.
Bài 3 - Giuse người công chính và là hôn phu của Đức Maria
Anh chị em thân mến,
Chúng ta tiếp tục hành trình suy tư về hình ảnh của Thánh Giuse. Hôm nay tôi muốn đào sâu hơn về hình ảnh người công chính và là hôn phu của Đức Maria, rồi từ đó đưa ra một thông điệp cho tất cả các cặp đôi đã đính hôn và cả những đôi vợ chồng mới cưới. Trong các trình thuật của Phúc âm ngụy thư đầy dẫy những câu chuyện liên quan đến thánh Giuse, tức là những sách không thuộc qui điển, cũng đã ảnh hưởng đến nghệ thuật và nhiều địa điểm thờ phượng khác nhau. Các tác phẩm không có trong Kinh thánh này - là những câu chuyện do người Kitô hữu thời đó viết ra - đáp ứng cho khát vọng lấp đầy khoảng trống của các trình thuật Tin mừng thuộc qui điển, những sách có trong Kinh thánh, cung cấp cho chúng ta tất cả những điều cơ bản về đức tin và đời sống Kitô giáo.
Thánh sử Matthêu - Đây là điều quan trọng - Tin mừng nói gì về Thánh Giuse? Không phải những gì mà các phúc âm ngụy thư này nói đều là cái gì đó xấu xa hay tồi tệ; chúng là điều tốt, nhưng chúng không phải là Lời Chúa. Thay vào đó các Tin mừng, các sách thuộc Kinh thánh, là Lời Chúa. Trong số các thánh sử thì Matthêu xác định Thánh Giuse là người “công chính”. Chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện của ngài: “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 18-19). Vì khi người bạn gái của mình không chung thủy hay mang thai thì những bạn trai phải tố giác người ấy. Và những người nữ vào thời đó bị ném đá. Nhưng Thánh Giuse là người công chính. Ngài nói: “Không, tôi sẽ không làm điều này. Tôi giữ im lặng”.
Để hiểu được cách cư xử của thánh Giuse với Đức Maria, thật hữu ích khi nhớ lại các phong tục hôn nhân của dân Israel. Cuộc hôn nhân bao gồm hai giai đoạn được xác định rõ ràng. Lần thứ nhất giống như một cuộc đính hôn chính thức, bao gồm cả một tình huống mới: cách riêng với người nữ, trong khi vẫn còn sống ở nhà cha mẹ ruột thêm một năm nữa, nhưng thực ra người nữ đó được xem là “vợ” của người đã hứa hôn với cô. Dù họ không sống chung với nhau, nhưng người nữ ấy như thể là vợ của anh ta. Hành động thứ hai là rước dâu từ nhà gái về nhà chồng. Điều này được diễn ra với đoàn đưa dâu, kết thúc lễ cưới. Và những người bạn của cô dâu đã tháp tùng cô đến đó. Dựa vào phong tục này, sự kiện “trước khi về chung sống với nhau, Maria đã mang thai”, đã vạch trần người Trinh nữ về tội gian dâm. Và tội này, theo luật xưa, phải bị trừng phạt bằng ném đá (x. Đnl 22, 20-21). Tuy nhiên, một cách giải thích ôn hòa hơn đã được áp dụng trong cách thực hành của người Do Thái sau này, vốn chỉ yêu cầu hành động từ chối với các hậu quả dân sự và hình sự đối với người phụ nữ chứ không phải ném đá.
Tin mừng nói rằng Thánh Giuse là người “công chính” bởi vì ngài phải tuân giữ lề luật như bao nhiêu người Israel ngoan đạo khác. Nhưng tự trong lòng ngài, tình yêu và sự tin tưởng dành cho Đức Maria đã gợi lên một cách để ngài vừa tuân giữ lề luật vừa cứu lấy danh dự của người bạn đời: ngài quyết định từ chối trong âm thầm, không gây ồn ào, không để cho Đức Maria phải chịu sỉ nhục trước công chúng. Ngài chọn con đường kín đáo, không kiện cáo hay trả thù. Thánh Giuse thánh khiết biết bao! Còn chúng ta, khi vừa có một chút thông tin về chuyện tầm phào hay điều gì xấu về người khác chúng ta liền đi rêu rao ngay lập tức. Trái lại, Thánh Giuse im lặng.
Nhưng ngay sau đó thánh sử Matthêu liền thêm vào : "Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21). Tiếng nói của Thiên Chúa can thiệp vào trong sự phân định của Giuse qua một giấc mơ, mở ra cho thánh nhân thấy một ý nghĩa quan trọng hơn so với sự công chính của ngài.
Và thật quan trọng đối với mọi người chúng ta khi biết vun trồng một cuộc đời công chính và đồng thời luôn cảm thấy mình cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa, để có thể mở rộng tầm nhìn của chúng ta và xem xét các hoàn cảnh của cuộc sống từ một quan điểm khác, rộng lớn hơn. Nhiều lần chúng ta cảm thấy mình như những tù nhân đối với những gì đã xảy ra cho chúng ta: “Hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra cho tôi vậy”, và chúng ta vẫn là những tù nhân của những điều tồi tệ, vốn đã xảy ra cho chúng ta; nhưng thực sự khi đối mặt với một số hoàn cảnh của cuộc sống, mà thoạt đầu có vẻ bi thảm, nhưng một ơn Quan Phòng ẩn giấu sẽ được hình thành theo thời gian và soi sáng ý nghĩa cũng như đau khổ vốn đã chạm vào chúng ta. Sự cám dỗ đó là khép mình trong nỗi đau, trong suy nghĩ rằng những điều tốt đẹp không bao giờ xảy ra cho chúng ta. Và điều này thật sự không ổn. Điều này dẫn đến buồn bực và cay đắng. Tâm hồn cay đắng thì thật tệ.
Tôi muốn mọi người dừng lại và suy gẫm về một chi tiết của câu chuyện được Tin mừng kể lại mà chúng ta thường bỏ qua. Đức Maria và Thánh Giuse là cặp đôi đã đính hôn, có lẽ họ đã ấp ủ những ước mơ và kỳ vọng cho cuộc sống và tương lai của mình. Thật bất ngờ, Chúa dường như đã tự chen mình vào cuộc sống của họ và dẫu cho lúc đầu điều đó gây khó khăn cho họ, cả hai đều mở rộng trái tim cho thực tại đang diễn ra trước mắt họ.
Anh chị em thân mến, nhiều khi cuộc sống của chúng ta thường không như chúng ta tưởng. Nhất là trong các mối quan hệ yêu đương, tình cảm, chúng ta khó có thể chuyển từ cái luận lý si tình sang tình yêu trưởng thành. Và chúng ta cần phải chuyển từ sự si tình sang tình yêu trưởng thành. Những đôi vợ chồng mới cưới, các bạn hãy suy nghĩ kỹ về điều này. Giai đoạn đầu luôn được ghi dấu bằng một thứ mê hoặc nào đó, vốn làm cho cuộc sống ngập chìm trong hư ảo thường không tương xứng với thực tại của các sự việc. Nhưng chỉ khi nào sự si mê với những mong đợi của nó xem ra kết thúc, thì ở đó tình yêu thực sự mới có thể bắt đầu. Thực vậy, tình yêu không phải là mong người kia hay đợi cuộc sống tương hợp với trí tưởng tượng của chúng ta; đúng hơn có nghĩa đó là chọn lựa hoàn toàn tự do để chịu trách nhiệm về cuộc sống như nó đã được trao tặng cho chúng ta. Đây là lý do Thánh Giuse đã đưa ra cho chúng ta một bài học quan trọng, ngài chọn Đức Maria với “đôi mắt rộng mở”. Và chúng ta có thể nói "với mọi rủi ro". Anh chị em nghĩ xem, trong Tin mừng Gioan, những lời khiển trách mà các tiến sĩ luật dành cho Chúa Giêsu là: “Chúng tôi không phải là những đứa con xuất thân từ đó”, ám chỉ đến việc mại dâm. Nhưng vì họ biết Đức Maria mang thai như thế nào và họ muốn làm nhơ bẩn mẹ của Chúa Giêsu. Đối với tôi, đây là đoạn dơ bẩn nhất, ma quỷ nhất trong Tin mừng. Và sự liều lĩnh của Thánh Giuse dạy cho chúng ta bài học này: cuộc sống đến thế nào thì hãy đón lấy như vậy. Thiên Chúa có can thiệp vào đó không? Tôi sẽ nhận lấy nó. Và Thánh Giuse đã làm theo lời sứ thần truyền: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1, 24-25).
Các cặp đôi kitô giáo sắp cưới được kêu mời làm chứng cho một tình yêu như vậy, một tình yêu có đủ can đảm để chuyển từ sự trạng thái si tình sang tình yêu trưởng thành. Và đây là một lựa chọn khắc khe, thay vì giam cầm cuộc sống thì có thể củng cố tình yêu để nó được bền vững trước những thử thách của thời đại. Tình yêu lứa đôi cứ thế tiếp diễn trong cuộc sống và trưởng thành từng ngày. Tình yêu thời gian đính hôn là một tình yêu - cho phép tôi dùng chữ này - có chút lãng mạn. Anh chị em đều trải qua điều này, nhưng rồi tình yêu trưởng thành bắt đầu, rồi từng ngày, công việc, con cái sẽ đến, vì vậy đôi khi sự lãng mạn cũng bị phai nhạt dần. Nhưng đó không phải là tình yêu đúng không? Phải, nhưng tình yêu trưởng thành. “Nhưng cha có biết nhiều lần chúng con cãi nhau…”. Điều này xảy ra từ thời ông Ađam và Eva cho đến hôm nay: Các đôi vợ chồng cãi nhau là chuyện thường như cơm bữa. “Nhưng không cần phải cãi nhau sao?” À có thể chứ. “Và thưa cha, đôi khi chúng con to tiếng nữa” - “điều đó đã xảy ra”. “Ngay cả nhiều lần chén đĩa cũng bay theo”. Nhưng làm sao để điều này không phá hỏng đời sống hôn nhân? Các bạn hãy nghe cho kỹ: đừng bao giờ để một ngày kết thúc mà không làm hòa. Chúng ta đã cãi nhau. Tôi đã nói với bạn những lời nói không hay, nói những điều tồi tệ. Nhưng giờ đây một ngày đang kết thúc: tôi phải làm hòa. Anh chị em biết tại sao không? Bởi vì chiến tranh lạnh sau ngày đó thì thật là nguy hiểm. Đừng để xảy ra chiến tranh ngày sau đó. Vì thế cần phải làm hòa trước khi đi ngủ. Anh chị em hãy luôn nhớ: đừng để một ngày kết thúc mà không có bình an. Và điều này sẽ giúp cho đời sống hôn nhân của anh chị em. Con đường từ si mê đến tình yêu trưởng thành là một lựa chọn thật khắt khe, nhưng chúng ta phải đi theo con đường đó.
Và lần này chúng ta cũng kết thúc bằng lời nguyện với Thánh Giuse:
Lạy Thánh Giuse
người đã yêu mến Mẹ Maria bằng sự tự do
đã chọn từ bỏ ảo tưởng của mình để nhường chỗ cho sự thật,
xin giúp mỗi người chúng con biết ngạc nhiên trước Thiên Chúa
và chấp nhận cuộc sống không phải là một điều gì đó không lường trước được để tự bảo vệ mình,
nhưng như một mầu nhiệm che giấu bí quyết của niềm vui thực sự.
Xin cho các cặp đôi kitô giáo sắp cưới có được niềm vui và biết dấn thân,
đồng thời luôn ý thức rằng chỉ có lòng xót thương và tha thứ thực sự mới có thể đem lại tình yêu.
Amen.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn: gpquinhon.org