Kinh Truyền Tin và Thánh lễ nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 93

Chủ nhật - 20/10/2019 21:40  975
Nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi toàn thể Giáo Hội làm mới lại cam kết truyền giáo của mình.
 
d

Ngày Thế Giới Truyền Giáo là một cơ hội tốt để tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải cộng tác vào việc loan báo Nước Thiên Chúa bằng việc làm mới lại cam kết của mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như thế trong buổi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 93.

Đức Thánh Cha suy tư về một đoạn trích từ Bài đọc thứ hai trích thư thánh Phaolô gửi ông Timôthê: “hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.” Giọng điệu của thánh Phaolô rất chân thành. Ngài cho thấy Timôthê cần phải thấy có trách nhiệm trong việc loan báo Lời Chúa.

Một động lực mới

Nhắc lại Tông Thư Maximum illud của Đức Giáo hoàng Benedict XV, Đức Thánh Cha cho thấy toàn thể Giáo Hội cần có một động lực mới đối với trách nhiệm truyền giáo. Ngài nhấn mạnh: “trong bối cảnh đã có nhiều thay đổi như ngày nay, thông điệp của Đức Giáo hoàng Benedict XV vẫn khuyến khích chúng ta vượt qua cám dỗ của bất kỳ thứ khép tín tự diễn biến và bất kỳ hình thức bi quan mục vụ nào, để biết mở ra với sự mới mẻ vui tươi của Tin Mừng.”

Điều này có nghĩa là cần phải lắng nghe lời kêu gọi của sứ mạng hướng tới tất cả mọi người, tất cả những ai đang sống tại những vùng biên. Sống tình huynh đệ không phải là sống trong vòng tròn khép kín của chính chúng ta và bót nghẹt con đường của Thần Khí, - Đấng mời gọi chúng ta loan báo cho tất cả mọi người rằng Chúa Kitô là bình an của chúng ta, và nơi Người, mọi chia rẽ đều được nối liền, chỉ nơi Người mới có ơn cứu độ cho tất cả mọi người và mọi dân tộc.

Cầu nguyện, điều kiện không thể thiếu cho sứ mạng

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng điều kiện không thể thiếu của việc sống sứ mạng chính là cầu nguyện. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy cầu nguyện sốt sắng và không ngừng nghỉ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “cầu nguyện chính là điều đầu tiên Dân Chúa có thể giúp đỡ các nhà truyền giáo”.

Ngày Thế Giới Truyền Giáo hôm nay là một dịp tốt để chúng ta tự hỏi chính mình: Tôi có cầu nguyện cho các nhà truyền giáo hay không? Tôi có cầu nguyện cho những người đi đến những nơi xa xôi để rao giảng Lời Chúa bằng chứng tá của họ không?

Và Đức Thánh Cha kết thúc buổi đọc kinh Truyền Tin bằng lời cầu nguyện: “xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của các dân tộc, đồng hành và bảo vệ các nhà truyền giáo mỗi ngày.”

Trần Đỉnh, SJ

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2019
Chúa nhật 20/10/2019 là Ngày Thế Giới truyền giáo lần thứ 93 và cũng là cao điểm trong Tháng Đặc Biệt về Truyền Giáo đang được Giáo Hội hoàn vũ cử hành với cùng chủ đề là: “Được rửa tội và sai đi: Giáo Hội của Chúa Kitô đang thi hành sứ mạng trên thế giới”.

Trong ý hướng đó, lúc 10 giờ sáng ngày 20/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô cùng với 70 hồng y, 120 giám mục, 250 linh mục, trước sự hiện diện của gần 9 ngàn tín hữu ngồi chật thánh đường.
Bài giảng thánh lễ
Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa ý nghĩa 3 từ rút từ các bài đọc của Ngày Thế Giới truyền giáo: “núi”, “leo lên”, và sau cùng “tất cả”: là làm cho “tất cả” mọi dân nước trở thành môn đệ của Chúa.
Núi
Đức Thánh Cha nhận xét rằng trong bài đọc thứ nhất (Is 2,1-5), ngôn sứ Isaia loan báo “Mọi dân nước sẽ lên núi Chúa”: Núi là nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ quan trọng giữa Thiên Chúa và con người, và cũng là nơi Chúa Giêsu đã trải qua nhiều giờ để cầu nguyện (Xc Mc 6,46), liên kết giữa đất và Trời, nối kết các em của Ngài với Chúa Cha... Núi nói với chúng ta rằng: “Chúng ta được mời gọi đến gần Thiên Chúa và tha nhân: gần Thiên Chúa, Đấng Tối Cao, trong thinh lặng, kinh nguyện, xa tránh những chuyện tầm phào, thói tục “ngôi lê mách lẻo” làm ô nhiễm. Chúng ta cũng được kêu gọi đến gần tha nhân, những người mà, từ trên núi chúng ta nhìn họ trong một góc cạnh khác, theo viễn tượng của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi mọi dân nước: từ trên cao, ta nhìn thấy tha nhân trong một toàn cảnh với nhau, và khám phá thấy rằng sự hòa hợp của vẻ đẹp chỉ có được qua sự kiện cùng chung với nhau”.




Leo lên
Động từ thứ hai, Đức Thánh Cha muốn quảng diễn là “leo lên”. Ngôn sứ Isaia nhắn nhủ chúng ta: “Hãy đến, chúng ta leo lên núi Chúa” (Is 2,3). Chúng ta không sinh ra để ở dưới đất, để hài lòng với những chuyện tầm thường, trái lại, chúng ta sinh ra để đạt tới nơi cao, để gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em. Nhưng để được vậy cần leo lên, cần từ bỏ một cuộc sống nằm ngang, chiến đấu chống lại hấp lực của tính ích kỷ, thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi của mình...
Đức Thánh Cha nói: “Cũng như ta không thể leo núi an toàn nhanh nhẹn nếu mang theo những đồ kềnh càng nặng nề, cũng vậy trong cuộc sống, cần loại bỏ những gì không hữu dụng. Đó cũng là bí quyết của việc truyền giáo: để ra đi cần bỏ lại, để loan báo cần từ bỏ. Lời loan báo đáng tin cậy không phải bằng những lời hoa mỹ, nhưng là bằng cuộc sống tốt lành: một cuộc sống phục vụ, biết từ bỏ bao nhiêu thứ vật chất thu hẹp con tim, làm ta dửng dưng và khép kín vào mình. Một cuộc sống từ bỏ những điều vô ích thường làm cho con tim bị ngộp và nhờ đó chúng ta tìm được thời giờ cho Thiên Chúa và tha nhân...”
Tất cả
Từ thứ 3 Đức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa là tĩnh từ “tất cả”, tất cả các dân tộc. Thánh Phaolô đã viết: Thiên Chúa muốn “tất cả các dân tộc được cứu độ” (2 Tm 2,4), và Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng: “Các con hãy ra đi làm cho mọi dân tộc trở nên môn đệ của Thầy” (Mt 28,19): Tất cả không trừ một ai”. “Tất cả mọi người, vì không ai bị loại trừ khỏi con tim, khỏi ơn cứu độ của Chúa... Đây chính là ý nghĩa việc truyền giáo: leo lên núi cầu nguyện cho tất cả mọi người và xuống núi để trở thành hồng ân, thành món quà cho tất cả mọi người.”
Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng Chúa dạy các môn đệ làm cho các dân nước trở thành “môn đệ của Ngài”, của Chúa chứ không phải của chúng ta. Giáo Hội chỉ loan báo tốt đẹp nếu sống như một đệ của Chúa. Và môn đệ hằng ngày theo Thầy, chia sẻ với tha nhân niềm vui được làm môn đệ. Không chinh phục, không ép buộc, không chiêu dụ tín đồ, nhưng làm chứng, đặt mình ở cùng trình độ, môn đệ với môn đệ, với tình thương trao tặng tình thương chúng ta đã nhận lãnh”.



Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:
“Anh chị em thân mến, mỗi người chúng ta có và là “một sứ mạng trên trái đất này (E.G 273). Chúng ta ở đây là để làm chứng, chúc lành, an ủi, đứng lên, thông truyền vẻ đẹp của Chúa Giêsu. Hãy can đảm lên, Chúa đang mong đợi rất nhiều nơi bạn! Chúa lo lắng cho những người chưa trở thành con cái được Chúa Cha yêu thương, thành những người anh em mà Chúa đã hiến mạng và ban Thánh Linh. Bạn có muốn làm dịu bớt nỗi lo âu của Chúa Giêsu không? Với lòng yêu thương, bạn hãy đến với mọi người và đời bạn là một sứ mạng quý giá: đó không phải là một gánh nặng phải chịu, nhưng là một món quà để trao tặng. Hãy can đảm lên, đừng sợ: chúng ta hãy đến với tất cả mọi người!”
Lời nguyện giáo dân
Trong phần lời nguyện giáo dân, với các ý nguyện bằng 5 thứ tiếng, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho đức giáo hoàng, các giám mục và linh mục được ơn say mê Tin Mừng và phần rỗi của mỗi người; cầu cho các chính quyền để họ lắng nghe tiếng kêu của các nạn nhân của bất công, oán ghét và bạo lực; cầu cho những người nghèo và người đau khổ để họ được ơn an ủi của Chúa và cho họ biết chắc chắn Chúa không bao giờ ngoảnh mặt đi, không nhìn con cái của Ngài; cầu cho các thừa sai để họ được ơn kiên vững trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ và là vị duy nhất giải thoát con người; cầu cho tất cả các gia đình để họ được niềm vui hiến thân cho nhau và có khả năng tăng trưởng trong sự chung thủy và tha thứ.

G. Trần Đức Anh, O.P
Nguồn: Đài Chân Lý Á Châu

 

Đức Thánh Cha: Sứ mạng cuộc đời không phải là gánh nặng mà là một quà tặng để trao ban
Trong bài giảng thánh lễ nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 93, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: Kitô hữu cần phải ra đi và đến với người khác bằng tình yêu. Sứ mạng cuộc đời không phải là một gánh nặng phải mang lấy nhưng là một quà tặng để trao ban.

 

d

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha suy tư với ba từ được lấy trong các bài đọc trong phụng vụ hôm nay: một danh từ, một động từ và một tính từ.

“Ngọn núi” cho ta thấy đâu là điều quan trọng nhất

Danh từ mà ngài chọn là “ngọn núi” được sách Isaia và sau đó là các sách Tin Mừng đề cập tới. Núi là nơi yêu thích Thiên Chúa dùng để gặp gỡ con người. Bắt đầu từ núi Sinai, Cát-Minh, đến ngọn núi Chúa Giêsu chọn giảng về các Mối Phúc, đến Tabor, Calvario, và Oliu. Những ngọn núi cũng là nơi Chúa Giêsu dành để cầu nguyện hàng giờ, nơi nối trời và đất, nối kết chúng ta là những anh chị em với nhau, và với Chúa Cha.

Từ “ngọn núi” muốn nói gì với chúng ta? Chúng ta được mời gọi đến gần Thiên Chúa và tha nhân. Đến với Thiên Chúa Tối Cao trong thinh lặng và cầu nguyện. Đến với tha nhân, những người chúng ta có thể nhìn bằng một cái nhìn rất khác: cái nhìn của Thiên Chúa – Đấng kêu gọi hết thảy mọi người. Từ trên cao, tha nhân có thể được thấy như một cộng đoàn mà vẻ đẹp hài hoà của nó chỉ có thể được nhận thấy trong cái nhìn toàn thể và bao quát. Ngọn núi nhắc nhở chúng ta rằng anh chị em của chúng ta không phải được lọc lựa, mà phải được ôm ấp, không chỉ bằng cái nhìn, nhưng bằng cả cuộc sống. Ngọn núi liên kết Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta trong một cái ôm duy nhất, đó là lời cầu nguyện. Núi mời gọi chúng ta hướng lên, và xa tránh những thứ mau qua, mời gọi chúng ta tái khám phá đâu là điều thiết yếu, quan trọng và vững bền: Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Sứ mạng khởi đi từ ngọn núi: nơi đó, chúng ta nhận ra điều gì thực sự có giá trị. Trong tháng truyền giáo này, chúng ta hãy tự hỏi mình: đâu là điều thực sự có giá trị trong cuộc đời tôi? Tôi muốn leo lên ngọn núi nào?

“Đi lên” đòi hỏi phải từ bỏ

Đức Thánh Cha tiếp tục bài giảng của mình với một động từ gắn liền với danh từ “ngọn núi”: động từ “đi lên”.

Như tiên tri Isaia đã từng khuyến khích chúng ta: “Nào ta cùng lên núi Chúa” (Is 2,3), chúng ta được sinh ra không phải để yên vị trên đất, để thoả mãn những điều tầm thường, nhưng là hướng tới những điều cao cả. Và ở đó, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và những người anh chị em của mình. “Đi lên” nghĩa là chúng ta phải bỏ lại một điều gì đó, để kháng cự lại sức nặng của thói quy kỷ, để thực hiện một cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi của mình. "Đi lên" đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Và chỉ khi đến đỉnh núi, người ta mới có thể có được cái nhìn toàn cảnh và đẹp nhất. Và Đức Thánh Cha nói đến “bí quyết của sứ mạng”.

Để leo núi, người ta không thể mang quá nhiều thứ. Cũng vậy, chúng ta phải đánh liều bỏ lại những điều không cần thiết. Bí quyết của sứ mạng là: để có thể ra đi, người ta phải bỏ điều gì đó lại phía sau, để có thể rao giảng, người ta phải từ bỏ. Một lời rao giảng đáng tin không phải được thêu dệt bằng những từ hoa mĩ văn chương, nhưng bằng một đời sống gương mẫu: một đời sống phục vụ, một đời sống biết chối từ những thứ vật chất gây nguy hại cho tâm hồn hoặc khiến người ta trở nên vô cảm, thờ ơ; Một đời sống gương mẫu là một lối sống dám từ bỏ để có thể dành giờ cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Chúng ta tự hỏi mình: Tôi đang nỗ lực leo lên thế nào? Tôi có biết chối từ những bao bị mang tính thế gian, vừa nặng nề vừa vô ích, để leo lên núi Chúa hay không?

Đến với “tất cả” bằng tình yêu

Nếu ngọn núi nhắc nhớ chúng ta điều gì là quan trọng – Thiên Chúa và tha nhân – còn động từ “đi lên” cho chúng ta biết phải làm thế nào để đạt tới điều ấy, thì từ thứ ba còn quan trọng hơn, nhất là trong ngày lễ hôm nay: tính từ “tất cả”. Đây chính là từ mà Thiên Chúa không mỏi mệt nhắc đi nhắc lại. Isaia nói với “toàn dân” (Is 2,2), Thiên Chúa muốn “tất cả được cứu” (1 Tm 2,4), con thầy Giêsu nói: “hãy đi và làm cho tất cả các dân tộc trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

Thiên Chúa cố tình lặp lại từ “tất cả”, vì Ngài biết chúng ta luôn sử dụng từ “tôi” hoăc “chúng tôi”, ví dụ: những thứ của tôi, dân tộc tôi, cộng đoàn chúng tôi ... Ngài liên tục sử dụng từ “tất cả”, bởi không ai bị loại khỏi con tim và ơn cứu độ của Ngài. “Tất cả” để con tim của chúng ta vượt ra khỏi những ranh giới con người và chủ nghĩa đặc thù vốn chỉ dựa trên sự quy kỷ. “Tất cả”, bởi mọi người là một kho tàng quý giá, và ý nghĩa cuộc đời được tìm thấy chỉ khi biết trao tặng kho tàng ấy cho người khác. Đây chính là sứ mạng của chúng ta: lên núi để cầu nguyện cho mọi người và xuống núi để trở nên món quà trao ban cho tất cả.

Cuộc đời Kitô hữu luôn chuyển động, một chuyển động hướng ra ngoài. “Hãy đi!” là mệnh lệnh của Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Mọi người đều mong đợi những điều từ người khác, nhưng Kitô hữu đi đến với người khác. Người làm chứng về Chúa Kitô là người đi ra và đến với tất cả, không chỉ quanh quẩn với những người thân quen, hay với nhóm nhỏ của mình. Thiên Chúa cũng đang mong chờ nơi anh chị em một lời chứng mà không ai có thể làm thay anh chị em được.

Chỉ dẫn sống truyền giáo

Khởi đi từ câu hỏi "đâu là điều Thiên Chúa chỉ dẫn chúng ta khi đến với người khác?", Đức Thánh Cha chỉ ra rằng “Chỉ có một điều thôi, một điều rất đơn giản: làm cho họ trở thành môn đệ. Nhưng hãy chú ý, môn đệ của Thầy, chứ không phải môn đệ của chúng ta.”

Giáo hội loan báo Tin Mừng chỉ khi Giáo Hội sống cuộc đời của một môn đệ. Một môn đệ đi theo Thầy của mình mỗi ngày và chia sẻ niềm vui làm môn đệ với người khác, không phải bằng cách chinh phục, ép buộc hay kết nạp, mà bằng lời chứng, bằng cách hạ mình và trao  hiến với tình yêu mà chính chúng ta đã nhận được. Đây là sứ mệnh của chúng ta: mang lại sự tươi mới và trong trẻo cho những ai đang đắm chìm trong sự ô nhiễm của thế giới, mang đến bình an tràn ngập niềm vui mỗi khi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa trên núi khi cầu nguyện, cho thế giới thấy rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả và không bao giờ mỏi mệt với bất kỳ ai.

Mỗi chúng ta đều có và đều là một sứ mạng trên mặt đất này (Evangelii Gaudium, 273). Sứ mạng của chúng ta là làm chứng, chúc lành, an ủi, nâng dậy và làm tỏ rạng vẻ đẹp của Chúa Giêsu. Hãy can đảm lên! Thầy Giêsu mong đợi rất nhiều từ anh chị em. Cuộc đời của anh chị em là một sứ mạng cao quý: sứ mạng cuộc đời không phải là gánh nặng phải mang lấy, nhưng là một quà tặng để cho đi. Hãy can đảm và đừng sợ đi đến với tất cả mọi người!

Trần Đỉnh, SJ
Nguồn: vaticannews.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập98
  • Máy chủ tìm kiếm53
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay25,334
  • Tháng hiện tại738,414
  • Tổng lượt truy cập52,907,362

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây