Hãy nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ

Thứ bảy - 22/02/2025 03:01  115
HÃY NHÂN TỪ NHƯ CHA CÁC CON LÀ ÐẤNG NHÂN TỪ

 
Deacon Greg Kandra
Chúa nhật VII Thường niên C
1Sm 26,2. 7-9. 12-13. 22-23; Tv 103; 1Cr 15,45-49; Lc 6,27-38

Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Hprweb.com


Có lẽ bài Tin mừng hôm nay là đoạn Kinh thánh khá thách đố. Chúa nhật VII Thường niên C, chúng ta tiếp tục lắng nghe “Bài giảng ở chỗ đất bằng” từ Tin mừng Luca [1], với những lời dạy trực tiếp, thẳng thắn và táo bạo của Đức Kitô. Những điều chúng ta nghe hôm nay có thể xem ra rất cực đoan nhưng cũng là nền tảng của Kitô giáo vì đây là đoạn Lời Chúa mời gọi mỗi người trở nên giống Đức Kitô và hơn thế nữa, trở nên “nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ.” Đây là một nhiệm vụ nặng nề.

Hãy đi vào chi tiết lời đòi hỏi này. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho. Và ý tưởng cấp tiến và ngược đời nhất: Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi con.

Chúng ta có thể hình dung các thính giả của Chúa Giêsu đã sửng sốt thế nào khi nghe những lời ấy. Dân chúng biết rằng vua Đavid đã tha mạng cho vua Saul như được kể lại trong bài đọc I trích sách Samuel quyển thứ nhất. Tuy nhiên Đức Giêsu gợi ra điều gì đó còn hơn thế - không chỉ tha cho kẻ thù mà còn yêu thương và cầu nguyện cho họ.

Chúng ta có nhận ra những hàm ý của đòi hỏi này không?

Dành một chút thời gian để suy nghĩ về chính cuộc đời của mình. Chúng ta đều đã từng trải qua lúc này hay lúc khác, cảm giác bị tổn thương, bị phản bội và bị lừa dối. Hãy nghĩ về người bạn mà chúng ta đã từng tin tưởng nhưng lại phản bội chúng ta; về người đồng nghiệp đã thất tín; về người mà chúng ta không muốn nhớ tên vì đã làm tổn thương, hoặc xem thường ta, hay lợi dụng lòng tốt của ta. Hãy nhìn lại những người đã để lại vết bầm, sẹo trên cuộc đời của ta đôi khi chỉ bằng một lời nói hay ánh nhìn.

Cuộc sống đầy dẫy những nỗi đau, thất vọng và phiền toái có thể khiến chúng ta giận giữ hoặc căm phẫn. Nhưng rồi, hãy hình dung thực hành điều Đức Giêsu yêu cầu. Nghĩ về kẻ thù và kẻ đã ngược đãi mình và rồi yêu thương và cầu nguyện cho họ. Hãy cầu nguyện điều tốt cho họ. Cầu nguyện để ân sủng chạm đến cuộc đời họ, để mắt họ được mở ra, để trái tim họ được chữa lành. Bởi vì rất có thể, khi ai đó làm tổn thương và ngược đãi chúng ta, thì có lẽ họ cũng đã bị người khác làm tổn thương và ngược đãi. Đó là một vòng lẩn quẩn. Như Shakespear đã nói: “Tội sẽ kéo theo tội.” Hay nói cách tương tự: “kẻ tổn thương lại làm tổn thương kẻ khác.” Sự thật cơ bản này của con người– thực tại đau thương là vòng luẩn quẩn vẫn cứ tiếp diễn – có thể là lý do của lời Đức Giêsu trong bài Tin mừng cho mọi trường hợp: “Dừng lại. Đủ rồi. Hãy phá vòng luẩn quẩn và buông bỏ, hãy sống khác đi.”

Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi các con.

Điều này không dễ. Bản tính con người khiến chúng ta muốn làm điều ngược lại – ghét những ai ghét mình và nguyền rủa những ai hại mình, hân hoan trước đau khổ và thất bại của họ, và hả dạ khi thấy họ khốn cùng. Nhưng lối suy nghĩ đó không chỉ tự hủy hoại chính mình; mà còn loại bỏ đức ái, xem nhẹ khả năng của lòng thương xót và phớt lờ lời dạy căn bản của Đức Kitô là yêu thương nhau.

Đức Giêsu biết chúng ta có thể làm tốt hơn và hướng đến điều cao cả hơn. Ngài dạy chúng ta hãy trở nên hoàn thiện và nhân từ như Cha trên trời của chúng ta là Đấng Nhân Từ. Vào cuối cuộc đời Đức Giêsu, Ngài cho chúng ta thấy lòng nhân từ này. Ngài dạy chúng ta điều Ngài muốn. Xung quanh là quân thù và những kẻ hành hung, Đức Giêsu treo mình trên Thánh Giá, bị lột trần truồng, máu chảy, thở hổn hển trong khi quân lính rút thăm áo của Ngài và chờ Ngài chết. Và trong thời khắc đó, Đức Giêsu đã cầu xin cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.”

Đó chính là lòng nhân từ hay sự trọn lành Kitô giáo – một mẫu gương cho đời sống chúng ta, được biểu lộ ngay giữa cái chết. Đó chính là tình yêu không tính toán: một lời nguyện cho thế giới đổ vỡ, hoài nghi và tàn nhẫn.

Đã có lúc, mỗi người chúng ta cũng bị treo trên chính thập giá của mình, cảm thấy bất lực, hoặc vô vọng, đối mặt với sự tàn ác hoặc bất công. Có lẽ một số người đang trong tình trạng này, họ tức giận với những gì mà cuộc sống đã gây ra. Làm thế nào chúng ta cầu nguyện và yêu thương những người chúng ta có trách nhiệm? Chúng ta khởi sự từ đâu?

Emmet Fox, một mục sư Tin Lành nổi tiếng thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu (1929-1939), đã có lần giải thích điều này mà tôi nghĩ chúng ta có thể hiểu được. Nó bắt đầu với điều gì đó rất đơn giản nhưng lại rất khó: sự tha thứ. Đó là bước cần thiết đầu tiên. Emmet nói: không tha thứ chúng ta “bị trói vào thứ [chúng ta] ghét. Có lẽ, trên toàn thế giới, người mà bạn ghét nhất lại chính là người mà bạn đang tự gắn chặt vào bằng một cái móc cứng hơn thép. Đây có phải là điều bạn muốn?”

Tôi nghĩ chúng ta đều biết câu trả lời. Chúng ta cần gỡ mình ra khỏi cái móc. Rồi, và chỉ khi đó, chúng ta mới có thể bắt đầu chữa lành, yêu thương, và cầu nguyện cho những người đã làm tổn thương mình sâu sắc. Chúng ta cần khám phá khả năng tha thứ của bản thân giống như Đức Kitô, để yêu thương và cầu nguyện, cho những ai muốn hãm hại ta, như Ngài đã nêu gương.

Hôm nay, khi lên rước Mình Thánh Chúa Kitô, chúng ta hãy cầu xin để tiến đến gần hơn lòng nhân từ của Chúa Cha. Hãy cầu nguyện để gỡ mình ra khỏi những cái móc gây hại và hủy diệt cuộc sống. Hãy xin ơn để yêu thương những người khó ưa, để tha thứ những người không thể tha thứ, và để trong lời nguyện nhớ đến những người mà chúng ta muốn quên đi.

Hầu hết chúng ta còn phải nỗ lực nhiều để làm được điều này. Nhưng chỉ khi bắt đầu hành trình hướng đến tình yêu, chúng ta mới có thể dám tiếp cận sự hoàn thiện và nhân từ Đức Kitô đã nói —điều mà chúng ta không bao giờ đạt đến hoàn toàn, nhưng tất cả đều phải phấn đấu từng ngày, qua từng lời cầu nguyện.

Đức Kitô nói: Hãy nỗ lực nhiều hơn. Hãy cố gắng để trở nên hoàn thiện, như Chúa Cha. Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách thức. Sao chúng ta lại không cố gắng bước theo?



[1] Tin mừng Mt 5,1 - 7,27 gọi là Bài giảng trên núi.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm59
  • Hôm nay24,824
  • Tháng hiện tại860,318
  • Tổng lượt truy cập56,556,865

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây