Trên nóc một ngôi nhà thờ ở bên Đức, người ta nhìn thấy bức tượng hình con chiên được tạc bằng đá. Nguồn gốc bức tượng ấy như sau: Một anh công nhân đang làm việc trên mái nhà thờ này thì dây an toàn bị đứt, thế là anh ta bị rớt xuống sân. Mà sân thì lại đang chất toàn những đống đá lớn. Thế nhưng anh ta không bị thương nặng, chỉ vì lúc bấy giờ có một con chiên đang gặm cỏ giữa hai đống đá. Anh ta rớt xuống trên con chiên, đè nó chết nhưng anh ta thì lại được sống. Để nhớ ơn, anh ta đã chạm trổ một con chiên bằng đá và đặt ở trên nóc nhà thờ, anh nghĩ đó là một cách tốt nhất để bày tỏ lòng biết ơn đối với con vật đã cứu mạng cho anh mà nó lại chẳng hề biết.
Với chúng ta cũng vậy, chúng ta phải biết ơn sâu xa đối với Đức Kitô, con Chiên Thiên Chúa đã cứu chúng ta khỏi cái chết đời đời. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã hy sinh mạng sống như lời thánh Gioan Tiền Hô đã xác quyết: Đây Con Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian.
Với người Do Thái thời bấy giờ, con chiên trong Cựu Ước thường được dùng làm hy tế. Khi Gioan giới thiệu Chúa Giêsu là Con Chiên, thì có nghĩa là Ngài sẽ trở thành lễ vật hiến tế để giao hoà con người với Thiên Chúa.
Hình bóng của Cựu Ước đã được nên trọn vẹn nơi Tân Ước. Không chỉ qua đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta mới thấy Đức Kitô được gọi là con chiên. Hơn thế nữa, thánh Gioan trong sách Khải Huyền đã gọi Đức Kitô là con chiên những 27 lần, ngoài ra thánh Gioan còn xác quyết: Đức Kitô đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta.
Giáo Hội ngay từ thời sơ khai cũng đã nhiều lần dùng hình ảnh con chiên để nói về Đức Kitô trong những tác phẩm của mình. Đặc tính của con chiên là sự ngây thơ, hiền lành, nhẫn nhục, trong sạch. Đó là những đức tính quý báu của Đức Kitô, con chiên không tì vết.
Là người kitô hữu, chúng ta không ngừng cầu khẩn Ngài với danh hiệu con Chiên Thiên Chúa. Lát nữa đây, trước khi rước lễ, chúng ta sẽ hát lên: Lạy Chiên Thiên Chúa. Anh công nhân Đức đã tạc tượng kỷ niệm để nhớ ơn con chiên đã cứu mạng cho anh mà nó chẳng hề sẵn sàng. Còn Đức Kitô vì yêu thương chúng ta, đã sẵn sàng chịu chết vì chúng ta.
Thế nhưng chúng ta đã làm được những gì để biểu lộ lòng biết ơn và lòng yêu mến của chúng ta đối với Ngài?
Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, Gioan Tiền Hô đã giới thiệu Chúa Giêsu: Đây Chiên Thiên Chúa. Thế nhưng hình ảnh con chiên có ý nghĩa gì trong Kinh Thánh?
Trong sách Samuel quyển thứ 2, tiên tri Nathan có kể cho vua Đavít nghe câu chuyện như sau: Có hai người trong một thành phố. Một người thì giàu sang và thế lực. Còn một người thì nghèo túng và hèn mọn. Gã giàu sang có một đàn chiên đông đảo, trong khi anh nhà nghèo chỉ có một con chiên nhỏ bé. Đứa con của anh nhà nghèo rất thương con chiên ấy và chơi đùa với nó suốt ngày. Thế rồi bữa kia, gã nhà giàu có khách, hắn truyền cho đám tôi tớ qua nhà anh nghèo, bắt con chiên mà giết thịt để đãi khách.
Câu chuyện trên rất thích hợp để áp dụng cho Chúa Giêsu. Ngài cũng được yêu mến, nhưng đồng thời cũng đã bị bọn người độc ác giết chết một cách tàn bạo. Tuy nhiên, trong tâm trí của Gioan Tiền Hô, còn có một hình ảnh khác khi giới thiệu Chúa Giêsu: Đây Chiên Thiên Chúa. Đó là hình ảnh những con chiên bị sát tế mỗi ngày trong đền thờ, làm lễ vật dâng tiến cho Thiên Chúa như Maisen đã quy định: Mỗi ngày các ngươi hãy hiến tế trên bàn thờ hai con chiên được một tuổi. Một con vào buổi sáng còn một con vào buổi chiều. Máu của chiên đổ ra có sức tẩy xoá tội lỗi cho dân chúng.
Trước Gioan Tiền Hô, các tiên tri cũng đã nói về người tôi tớ Thiên Chúa phải đau khổ và phải chết như một con chiên. Tiên tri Isaia đã mô tả: Ngài như con chiên bị đưa tới lò sát sinh, mà không hề thốt lên một lời. Ngài chết vì tội lỗi chúng ta. Còn tiên tri Giêrêmia thì nói: Tôi giống như con chiên bị đem đi giết và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi. Và như thế hình ảnh con chiên gợi lên những hy sinh và đau khổ. Sau cùng thánh Gioan trong sách Khải Huyền, ngoài những đặc tính trên, còn thêm vào đó nét vinh quang và khải hoàn của Con Chiên Thiên Chúa. Chẳng hạn, nơi chương 5, thánh Gioan đã mô tả: Muôn dân vây quanh và ca ngợi Con Chiên bằng bài hát như sau: Ngài đã bị giết và nhờ cái chết hy tế của mình, Ngài đã mua chuộc về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia và mọi chủng tộc. Ngài đã biến họ trở thành vương quốc của các tư tế để phụng sự Thiên Chúa chúng ta. Rồi các thiên thần tiến đến vây quanh Ngài và hát vang: Con Chiên bị giết đáng được lãnh nhận danh vự, vinh quang và tán tụng... Tóm lại, hình ảnh Con Chiên Thiên Chúa gợi lên 3 hình ảnh. Hình ảnh của sự yêu mến, hình ảnh của sự đau khổ và hình ảnh của sự vinh quang. Đây cũng là con đường mà mỗi người chúng ta cần phải đi qua trong cuộc sống, đó là để được Chúa yêu thương và chúc phúc, chúng ta cũng phải bước qua gian khổ, thử thách và thập giá, nhờ đó mà tiến tới vinh quang phục sinh.
3. Đây Chiên Thiên Chúa
Vào một buổi tối năm 1741, người ta thấy người nhạc sĩ già Hallmen lang thang trong một phố nghèo lênh đênh bên Anh Quốc. Người nhạc sĩ già như đang nuốt từng nỗi đắng cay mà triều đình đã dành cho ông. Từ hơn 40 năm qua, ông đã đem tất cả tài năng và sự hăng say của mình để phục vụ triều đình. Thế nhưng, giờ đây ông cảm thấy mình giống như một trái chanh đã vắt hết nước.
Bốn năm trước đó, ông đã bị chứng xuất huyết não làm cho ông bị bại hẳn một bên, khiến ông không còn đi đứng bình thường và sáng tác được. Nhưng dần dần nhờ ý chí sắt đá, ông đã thu hồi được khả năng đi lại và bắt đầu sáng tác lại. Nhưng giờ đây với cái tuổi 60 và với khí trời lạnh như cắt của nước Anh, ông cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Tình cờ, khi đi qua một ngôi Thánh Đường, ông bỗng nghe vọng lên trong tâm hồn ông chính tiếng kêu của Chúa Giêsu: Lạy Chúa con, lạy Chúa trời con. Sao Chúa bỏ con".
Như có một sự thôi thúc lạ lùng, người nhạc sĩ quay về nhà, trong đám giấy vứt ngổn ngang trên bàn làm việc, ông đọc được câu Kinh Thánh như sau: "Người đã bị khinh bỉ và bị mọi người phế bỏ". Nguồn cảm hứng tưởng đã cạn nay lại trải cuộn trên từng trang giấy, hết trang này đến trang khác, những nốt nhạc cứ thế mà tuôn trào. Sau hai mươi bốn ngày làm việc liên lỉ, nhạc sĩ Hallmen đã hoàn thành tác phẩm để đời tựa đề là: "Đấng Cứu Thế". Từ đó, cứ mỗi dạo Giáng Sinh và Phục Sinh người ta lại có dịp nghe được tác phẩm tuyệt trác để đời.
Anh chị em thân mến!
Người ta thường ví sự chào đời của một tác phẩm với sự cưu mang, cũng như một người mẹ mang nặng đẻ đau thì nhà nhạc sĩ cũng cưu mang ý tưởng để rồi với không biết bao nhiêu nhọc công và cố gắng, tác phẩm mới được chào đời. Hơn bất cứ ai trong trường hợp nào, tiếng khóc Đấng Cứu Thế đã được nhạc sĩ Hallmen cưu mang để rồi sinh ra với muôn nghìn đớn đau của ông. Hơn ai hết, chính khi cảm nghiệm được thế nào là sự bỏ rơi để có thể diễn tả được tâm tình ấy, đúng hơn ông đã để cho chính sự bỏ rơi của Chúa Giêsu được nhập thể trong tâm hồn ông, nên một với nỗi lòng của ông.
Tin Mừng hôm nay có lẽ cũng mời gọi chúng ta hãy cưu mang những tâm tình ấy. Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với chúng ta hai tước hiệu tóm gọn với tước hiệu Nhập Thể: "Chúa Giêsu vừa là Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian vừa là Con Thiên Chúa". Chúa Giêsu, Người là Đấng Cứu Thế bởi vì Ngài vừa là Con Người, vừa là Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm trọng đại mà chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm trong suốt Mùa Giáng Sinh này. Thiên Chúa đã trở thành một con người, Thiên Chúa đã sống trọn vẹn kiếp sống của con người, Thiên Chúa đã từng cảm nghiệm được những niềm vui nỗi khổ của con người và cuối cùng Ngài đã chết như một con người.
Đó là tất cả những gì chúng ta có thể nói khi suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể. Mầu nhiệm Nhập Thể một cách nào đó cũng được hiểu qua cuộc sống của người tín hữu. Thánh Phaolô đã diễn tả tuyệt hảo chân lý đó khi Ngài nói: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Để cho Chúa Giêsu sống trong chúng ta, có nghĩa là kết hiệp với Ngài qua các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Để cho Ngài sống trong chúng ta có nghĩa là trong từng tâm hồn, từ những suy nghĩ và hành động, chúng ta luôn mặc lấy chính tâm tình của Ngài. Một cách cụ thể trong mỗi một phút giây, người tín hữu nên một với Đức Kitô đến độ luôn tự hỏi: Nếu Đức Kitô là tôi thì trong giây phút này đây Ngài sẽ làm gì, suy nghĩ gì và hành động như thế nào?
Nguyện cho Đấng đã sinh ra cách đây hơn 2.000 năm cũng sinh lại trong tâm hồn chúng ta để chúng ta cùng được lớn lên với Ngài và đạt được tầm mức viên mãn của Ngài. Amen.
4. Đây Là Chiên Thiên Chúa – R. Veritas
(Trích từ ‘Sống Tin Mừng’)
Chủ đề của Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật thứ II Mùa Thường Niên, có thể nói là: "Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi thánh ý Cha". Đó là chủ đề về việc làm chứng cho Chúa.
Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia làm chứng cho Người Tôi Tớ Thiên Chúa là Chúa Kitô, Đấng sẽ đến sau đó khi tới thời gian đã định trong lịch sử cứu rỗi.
Trong bài đọc thứ II, thánh Phaolô đã giới thiệu mình như là người tông đồ của Chúa Kitô, người làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người.
Một cách đặc biệt trong bài Phúc âm thánh Gioan (x. Ga 1,29-34), nhắc lại cho chúng ta lời chứng của Gioan Tiền Hô về Chúa Giêsu: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian". Thiết tưởng chúng ta nên dành một vài phút để suy niệm về dung mạo của người làm chứng cho Chúa Kitô phải như thế nào? Qua mẫu gương của thánh Gioan Tiền Hô, một mẫu gương đã được diễn tả một cách ngắn ngủi nhưng thật đầy đủ những yếu tố căn bản sau đây:
Trước hết, sở dĩ thánh Gioan làm chứng cho Chúa Kitô là vì Ngài đã nhận được Lời chứng từ Thiên Chúa Cha: "Phần tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng Đấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai thì đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần, và tôi đã thấy và tôi làm chứng, chính Ngài là Con Thiên Chúa".
Người làm chứng là kẻ vâng lời và vâng theo ơn soi sáng của Thiên Chúa. Không có Thiên Chúa sai đi trước, không có Thiên Chúa chỉ dạy cho ta trước thì chúng ta không thể làm chứng cho Chúa Kitô. Làm chứng cho Chúa Kitô là một hồng ân nhưng không từ Thiên Chúa Cha và đồng thời cũng là một bổn phận đáp lại lời chứng của Thiên Chúa Cha. Chúng ta có biết sống trong thái độ lắng nghe lời chứng của Thiên Chúa Cha về Chúa Giêsu Kitô hay không?
Từ đó sang điểm thứ hai, lời chứng của thánh Gioan: "Tôi đã thấy và tôi làm chứng, chính Ngài là Con Thiên Chúa". Lời chứng này phù hợp với lời chứng của Thiên Chúa Cha về Chúa Giêsu trong biến cố phép rửa, trong biến cố Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa trước đó có tiếng từ trời phán: "Này là Con Ta yêu dấu", mà Chúa Nhật vừa qua khi cử hành Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta đã đọc lại đoạn Phúc Âm này.
Từ đó một kết luận cho chúng ta là, lời chứng của người làm chứng cho Chúa Kitô phải phù hợp với lời chứng của Thiên Chúa Cha về Chúa Kitô. Chỉ có một sự thật về Chúa, sự thật mà Thiên Chúa đã mạc khải, và người làm chứng cho Chúa Kitô nếu muốn thật sự lời chứng của mình có giá trị thì phải nói lên sự thật đó, không làm méo mó nó bằng những ý kiến riêng tư của mình. Chúng ta cần phải trình bày giáo lý tinh tuyền của Giáo Hội căn cứ trên lời chứng của Thiên Chúa Cha, chứ không phải là giáo lý do sáng kiến riêng của chúng ta chế ra. Thánh Gioan vâng lời Thiên Chúa Cha và trung thành với lời chứng của Thiên Chúa Cha, dù phải chấp nhận hy sinh trở nên bé nhỏ đi để Chúa Kitô lớn lên trong tâm hồn kẻ khác.
Điểm thứ ba, thái độ của người làm chứng đối với Chúa Kitô: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng cứu rỗi thế gian, hãy theo Người, còn tôi, tôi không phải là Đấng phải đến". Người làm chứng không cho mình chiếm chỗ của Chúa Kitô, không che khuất Chúa Kitô, nhưng mà chỉ cho mọi người nhìn thấy Chúa Kitô: "Ngài đến sau tôi nhưng đã có trước tôi và cao trọng hơn tôi". Thánh Gioan nhìn nhận sự thấp hèn của mình trước Chúa Kitô và đó cũng là thái độ nêu gương cho những ai muốn làm chứng cho Chúa Kitô.
Thánh Gioan làm chứng cho Chúa Kitô và muốn cho mọi người đến với Chúa: "Tôi đến làm phép rửa để mạc khải Người cho dân Israel". Sứ mạng của người làm chứng có mục đích hướng dẫn người ta đến gặp Chúa, và khi người nghe đã gặp được Chúa rồi thì người làm chứng phải rút đi, vai trò của mình đã xong, hãy để cho Chúa Kitô trực tiếp hướng dẫn các linh hồn trên con đường mà Ngài muốn. Người làm chứng biết là Chúa Kitô trọng tự do lương tâm của người nghe. Hai người môn đệ của Gioan đã theo Chúa và ở lại với Chúa, họ đã quên đi Gioan để rồi đến phiên họ, họ cũng làm chứng cho Chúa: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian".
Gặp gỡ với Chúa Kitô luôn luôn mời gọi mọi người chúng ta làm chứng cho Ngài, và cuối cùng vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất người làm chứng với Chúa Kitô, Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn cho người làm chứng được mỗi ngày một trở nên giống như Chúa Kitô hơn.
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta được lòng nhiệt tâm, sốt sắng trong dịp cử hành Thánh Lễ này và từ đây trong suốt cuộc sống của mình luôn luôn là người làm chứng cho Chúa. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta được mỗi ngày trở nên giống Chúa Kitô hơn để chúng ta trở nên xứng đáng là người làm chứng cho Chúa, người làm chứng biết lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa Cha, lắng nghe lời mạc khải của Thiên Chúa Cha và sống vâng phục ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, người làm chứng biết nhường chỗ cho Chúa Kitô trong tâm hồn anh chị em mình. Xin Chúa giúp chúng ta được trưởng thành trong đức tin. Amen.
5. Con Chiên đền tội – Lm. Ignatiô Trần Ngà
(Trích từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’)
Mùa hè năm nào vua Duy Tân cũng ra nghỉ mát ở cửa Tùng, một cửa biển đẹp, yên tĩnh, bãi tắm bằng phẳng, cát trắng mịn màng.
Một hôm nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay còn dính cát, viên thị vệ bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay. Nhà vua vừa rửa vừa hỏi đùa:
- Tay bẩn lấy thì lấy nước mà rửa, còn 'nước' bẩn lấy gì mà rửa?
Viên thị vệ lúng túng chưa biết trả lời sao thì Vua hỏi tiếp:
- "Nước bẩn thì làm thế nào cho sạch?".
Người thị vệ vẫn không trả lời được. Vua Duy Tân bèn nói:
- Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!"
Nhà vua khéo chơi chữ, chuyển từ nước rửa tay sang một thứ nước khác ngàn lần đáng quý trọng là đất nước, là quê hương.
Khi đất nước bị làm nhục, làm bẩn bởi ngoại bang, không có thứ nước nào có thể rửa được, mà phải rửa bằng máu. Về sau, vua Duy Tân đã đứng lên hô hào toàn dân khởi nghĩa, lấy máu đào rửa cho sạch cái nhục vong quốc.
* * *
Nhìn theo góc độ thánh kinh, tội lỗi cũng là một vết nhơ trầm trọng không có thứ nước nào có thể tẩy xoá được mà phải cần đến... máu!
Chiên đền tội
Trong thời Cựu ước, người có tội cần nhờ đến một con bò, dê hay chiên đổ máu đền tội thay cho mình. Sách Lêvi chép: "Nếu một người vô ý phạm tội, làm một trong những điều mà Đức Chúa cấm làm... thì vì tội đã phạm, nó sẽ đưa đến một con dê (hoặc chiên) làm lễ tiến. Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu con vật và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ.... Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, và người ấy sẽ được tha. (Lê-vi 4, 27-32)
Nhưng thực ra, máu bò, máu chiên không thể trừ khử được tội lỗi của mọi thời, thế nên, Ngôi Hai Thiên Chúa chấp nhận đầu thai xuống thế làm người, trở nên một Con Chiên, Chiên của Thiên Chúa, đổ máu mình rửa sạch tội lỗi thế gian:
"Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. (Dt 10, 4-7)
Ngay từ đầu, ông Gioan Tẩy giả đã nhận ra vai trò làm Chiên đền tội của Chúa Giêsu nên "khi thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi." (Gioan 1, 29-30)
Thế là Chúa Giêsu cam phận làm Chiên mới để hiến thân chịu chết và đổ máu mình rửa sạch tội lỗi thế gian.
Chiên Vượt Qua
Để giải phóng dân Ít-ra-en thoát khỏi kiếp nô lệ bên Ai-cập, Mô-sê truyền cho dân Ít-ra-en, mỗi nhà giết một con chiên đực, lấy máu bôi lên khung cửa nhà mình. Đến nửa đêm, thiên thần sẽ rảo qua toàn cõi Ai-cập, sát hại mọi con đầu lòng người Ai-cập; còn dân Ít-ra-en, nhờ vết máu được bôi lên khung cửa làm dấu, thiên thần sẽ vượt qua và để cho họ được an toàn.
Thế là nhờ máu chiên vượt qua mà con đầu lòng dân Ít-ra-en được cứu sống và toàn dân thoát khỏi kiếp nô lệ Ai-cập. (Xuất hành, 12, 1-13)
Thánh Phao-lô nhận ra Chúa Giêsu chính là Chiên Vượt Qua mới, ngài viết: "Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta" (I Corinto 5,7)
Mang thân phận chiên vượt qua, Chúa Giêsu chịu đổ máu để rửa chúng ta khỏi vết nhơ tội lỗi, chịu sát tế để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Thế nên, vào đúng thời điểm dân Ít-ra-en thọc tiết chiên để mừng lễ vượt qua vào chiều thứ sáu, thì trên thập giá, Chiên Vượt Qua mới là Chúa Giêsu cũng bị tên lính đâm thủng cạnh sườn. (Gioan 19, 34)
* * *
Hôm nay, tội lỗi của riêng bản thân chúng ta cũng như của nhân loại còn đang chất ngất. Thế nên, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiến mình làm chiên xoá tội trong hy tế thánh thể hằng ngày. Trong mỗi thánh lễ, khi nâng cao Mình thánh Chúa Giêsu cho tín hữu tôn thờ, linh mục dùng lại lời của thánh Gioan tẩy giả để giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Mới đang tiếp tục hiến tế cứu độ thế gian: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian".
Được trở thành chi thể của Chúa Giêsu nhờ bí tích rửa tội, được hiệp thông nên một với Chúa Giêsu qua hy tế thánh lễ mỗi ngày và nhất là được thông dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở nên chiên Thiên Chúa với Chúa Giêsu, để cùng Ngài dâng hiến cuộc đời chúng ta làm hy tế cứu độ thế gian.
Trở nên chiên Thiên Chúa để cùng hiến tế với Chúa Giêsu không chỉ là một lời mời gọi mà là một sứ vụ không thể tách lìa của mỗi người kitô hữu.
Lạy Chiên Thiên Chúa, xin giúp chúng con thực hiện sứ mạng rất cao quý và cũng rất nặng nề nầy.
6. Khiêm hạ và hy sinh – Lm Jos Tạ Duy Tuyền
(Trích từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)
Người đời thường ham danh, hám lợi. Địa vị và bổng lộc luôn là cơn cám dỗ của con người qua mọi thời đại. Đời nào cũng có những Thạch Sanh và Lý Thông. Đời nào cũng có những tranh giành ảnh hưởng dẫn đến loại trừ lẫn nhau. Vì ham danh, hám lợi nên người ta thường tìm vinh quang cho bản thân của mình, người ta thường đề cao chính mình một cách kiêu hãnh, đôi khi ảo tưởng về bản thân của mình. Nhất là trong những thành công là dịp để kẻ ham danh hám lợi tự dương tự đắc về mình. Đôi khi lại còn cướp công trạng người khác. Khi thành công người ta đua nhau báo cáo công trạng. Ai cũng muốn dành lấy công trạng về mình, ai cũng cho rằng mình có công, có sức để đem lại thành công. Ngược lại, khi thất bại hay khi công việc không êm xuôi, người ta thường đổ lỗi lên nhau và thoái thác trách nhiệm. Ở Việt Nam trong năm vừa qua rất nhiều công trình đang làm dở dang đã bị đổ xập hoặc chưa nghiệm thu đã xuống cấp thê lương, thế nhưng có mấy ai dám nhận lấy lấy trách nhiệm để sửa sai, có mấy đoàn thể hay cơ quan nào đã dám đấm ngực thú nhận vì lỗi của mình mà hàng tỷ đồng cùng với bao nhiêu nhân mạng phải chôn vùi dưới cát bụi cuộc đời? Thảm hoạ lớn nhất của Việt Nam chính là tai nạn giao thông. Theo thống kê nằm 2010 có hơn 11,000 người chết và hơn 10,000 người tàn phế suốt đời. Gọi là thảm hoạ vì trung bình 1 tháng có hơn 2,000 người chết và tàn tật. Nhưng đáng tiếc là không ai dám nhận trách nhiệm về thảm hoạ này? Phải chăng xã hội mà chúng ta đang sống đã không còn những con người can đảm nhận lãnh trách nhiệm trước cái sai về mình? Phải chăng chỉ có những con người bé mọn mới phải gánh chịu những phận số hẩm hiu và những cay nghiệt của dòng đời?
Lời Chúa hôm nay, gợi lên cho chúng ta hai hình ảnh thật đẹp về hai lối sống mà xem ra xã hội hôm nay đã không còn. Đó chính là lối sống khiêm nhường của thánh Gioan và hình ảnh Chiên gánh tội của Chúa Giêsu. Thánh Gioan Baotixita tượng trưng cho sự khiêm tốn còn Chúa Giêsu tượng trưng cho lòng quảng đại hy sinh. Thánh Gioan đã biết chỗ đứng của mình chỉ là kẻ dọn đường. Ngài không tìm vinh quang cho mình. Ngài đã chấp nhận mình cần nhỏ bé để Chúa được lớn lên trong Ngài. Ngay chính lúc ngài được nhiều người ngưỡng mộ, ngài vẫn can đảm quên đi cái tôi của mình để nói về Chúa cho anh em: "Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi". Còn Chúa Giêsu đã được Gioan giới thiệu như là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian. Ngài là Thiên Chúa nhưng đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người. Ngài mang lấy thân phận con người nên cũng đồng hoá mình với các tội nhân. Ngài không có tội nhưng lại mang tội vì chúng ta. Ngài đã đi vào kiếp người để gánh chịu những đau khổ thể xác và tinh thần như là hậu quả của tội tổ tông. Ngài đã thực sự sống một kiếp người truân chuyên để nên đồng hình đồng dạng với chúng ta, qua đó Ngài chuyển giao ơn thánh đến cho con người, để từ nay con người nhờ sự kết hợp với Ngài cũng được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong tư cách là con Thiên Chúa. Vì Ngài là Thiên Chúa đã mang lấy thân phận con người để con người trở thành con cái Thiên Chúa (I-rê-nê).
Cuộc đời của Thánh Gioan là một cuộc đời đẹp vì Ngài sống để tìm vinh quang cho Thiên Chúa. Cuộc đời ngài càng rạng rỡ hơn khi ngài khiêm tốn quên mình để Chúa tỏ hiện ra trong cuộc sống của ngài.
Cuộc đời Chúa Giêsu là cuộc đời đẹp vì ngài đã dám mang lấy tội nhân gian. Ngài có thể đứng ngoài cuộc. Ngài không nhất thiết phải là người mới có thể cứu độ con người. Thế nhưng, Ngài đã mang lấy thân phận con người để đền tội nhân gian. Ngài đi vào kiếp người để chia sẻ những đắng cay ngọt bùi cũng chỉ vì yêu thương nên muốn nên một với chúng ta.
Đó cũng là cách sống mà Chúa đang mời gọi chúng ta hãy sống cho thế giới hôm nay. Một thế giới có quá nhiều kẻ ham danh, ham lợi mà lại quá ít kẻ dám gánh lấy trách nhiệm. Một thế giới có quá nhiều kẻ kiêu hãnh, thích ăn trên ngồi chốc thiên hạ nhưng lại quá ít người khiêm tốn để phục vụ tận tụy và hy sinh. Một thế giới có quá nhiều kẻ tham lam ích kỷ, chỉ lo vun quén cho bản thân mà lại quá ít người rộng lượng đế cứu nhân độ thế. Xem ra người tốt chỉ là những ánh sao lẻ loi trên bầu trời đêm tối mà mây đen che kín khung trời. Dầu vậy, một ánh sao vẫn đủ để xoá tan bóng đêm của sợ hãi lo âu và khơi lên một niềm hy vọng, vì "sau cơn mưa trời lại sáng".
Thế giới hôm nay không cần kẻ kiêu hãnh, vì người kiêu hãnh chỉ làm hại người hại đời. Thế giới hôm nay rất cần những con người khiêm tốn mới có thể dễ dàng cúi mình phục vụ anh em trong mọi nơi, mọi lúc và mọi công việc. Thế giới hôm nay rất cần những con người dám sống liên đới trách nhiệm với nhau để xây dựng một thế giới công bằng và yêu thương. Ước gì là người kytô hữu chúng ta dám sống như Gioan luôn khiêm tốn sống với anh em và như một Giêsu, dám hy sinh cả mạng sống mình vì hạnh phúc của anh em. Ước gì lời mời gọi của Thầy Giêsu "hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng" luôn là kim chỉ nam cho đời kytô hữu sẵn lòng hiến dâng để phục vụ tha nhân. Amen.
7. Đây Chiên Thiên Chúa…
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc)
Trong những ngày này, ngang qua Lời Chúa trong các bài Tin Mừng, Giáo Hội tiếp tục trình bày cho chúng ta chân dung của thánh Gioan Tẩy Giả, như là chứng nhân của Đức Kitô, Đấng là Sự Sống và Ánh Sáng.
Xin Chúa cũng khơi dậy nơi chúng ta lòng ước ao trở thành chứng nhân của Đức Kitô, bằng cách đón nhận sự sống mỗi ngày của chúng ta từ Ngôi Lời, và sống sự sống của chúng ta như là ánh sáng, thay vì như là bóng tối. Bởi vì Ngôi Lời là Sự Sống và ở nơi Người Sự Sống là Ánh Sáng.
* * *
Trả lời cho câu hỏi về căn tính “ông là ai?”, thánh Gioan tuyên bố thẳng thắn, mình không phải là Đấng Kitô. Nhưng điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên, đó là ông cũng không tự cho mình là Elia hay là một ngôn sứ:
Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không? ” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? ” Ông đáp: “Không”.
Trong khi đó, Đức Giêsu sẽ nói về ông như là vị ngôn sứ lớn nhất và như chính ngôn sứ Elia trở lại: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả… Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến (Mt 11, 11-15 và 17, 10-13). Nhưng về phần thánh Gioan, ngài chỉ tự nhận mình như là tiếng hô hoàn toàn hướng về Đức Chúa: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói”. Xin cho chúng ta có lòng ước ao có được tâm tình khiêm tốn này của thánh Gioan:
Như thánh Gioan đã trở thành điều mà lời ngôn sứ Isaia đã loan báo. Cũng vậy, chúng ta được mời gọi để cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm nơi cuộc đời của mình. Xin cho Lời Chúa mà chúng ta đọc, lời nguyện Thánh Vịnh mà chúng ta hát dâng lên Chúa hàng ngày cũng được ứng nghiệm, được thực hiện nơi cuộc đời và trong mỗi ngày sống của chúng ta.
Như thánh Gioan, chúng ta được mời gọi sống sự sống của mình, sống thời gian Chúa ban, sống đời mình và ơn gọi của mình như một lời mời gọi, không phải mời gọi qui về mình, nhưng là qui về Đức Kitô.
Như thánh Gioan, chúng ta cũng tự mình không thể biết Đức Kitô, nhưng đó là ơn huệ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực vậy, thánh nhân nhấn mạnh:
Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước”,“Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”.
Như thế, sự hiểu biết Đức Kitô của thánh Gioan hoàn toàn là ơn huệ: của chính Thiên Chúa Chúa Cha, vì Người đã thúc đẩy thánh Gioan đi tìm kiếm Đức Kitô; của Chúa Thánh Thần, vì dấu chỉ để nhận biết Đức Kitô, là sự hiện diện của Thần Khí; và cuối cùng là của chính Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đến tỏ mình ra cho thánh Gioan:
Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”.
Cũng vậy, lời chứng của chúng ta về Đức Kitô, cũng hoàn toàn đến từ kinh nghiệm được đích thân gặp gỡ Đức Kitô và giới thiệu Người cho mọi người, như thánh Gioan sẽ giới thiệu Đức Kitô cho hai môn đệ của mình: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”.
* * *
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Lời tuyên xưng này chất chứa cả một mầu nhiệm cứu độ và vì thế, trở thành bất hủ, vì được tuyên xưng tới bốn lần trong mỗi Thánh Lễ: sau khi chúng bình an, cộng đoàn phụng vụ đọc hay hát: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian…” (3 lần); tiếp đến, linh mục chủ tế dâng cao Mình Thánh trên chén (hoặc dĩa) thánh, long trọng công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”.
Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên vô tội, nhưng lại mang vào mình mọi tội lỗi của từng người và loài người chúng ta, như Người Tôi Tớ Đau Khổ, để ban cho chúng ta sự vô tội của Ngài.
Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên vô tội bị sát tế, để bày tỏ sự tín thác tuyệt đối vào đức công chính và sự sống mạnh hơn sự chết nơi Thiên Chúa, và để trở thành đường đi và sự sống cho chúng ta.
Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên hiền lành, diễn tả khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi.
Như thánh Gioan, xin cho chúng ta cũng khao khát gặp gỡ, hiểu biết và yêu mến Đức Kitô, để có thể nói cho mọi người, ngang qua chính đời sống hằng ngày của chúng ta: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”.
(Trích từ http://vi.radiovaticana.va – Suy niệm của Hà Thanh Bình)
Trong thời buổi mà người ta ngóng trông Đấng Cứu Thế, Gioan đã xuất hiện, rao giảng và làm phép rửa. Mọi người đều ngỡ rằng ông Gioan là đấng phải đến, đấng Mê-si-a họ hằng mong đợi. Tuy nhiên, Gioan đã không dùng uy tín đó để nâng cao chính mình, ngược lại, ông đã dùng uy tín của ông để làm chứng và giới thiệu Đức Giêsu cho người khác.
Chúa Giêsu không cần lời chứng từ một con người, nhưng vì lợi ích của con người, Ngài cần có một người làm chứng. Ngài nói: Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ (Ga 5,34). Dưới mắt con người, uy tín của những người danh giá vẫn giá trị hơn nhiều lời của những con người chưa có một tiếng tăm nào.
Khi Đức Giêsu mới ra mắt dân chúng thì Gioan đã có một uy tín khá lớn. Vì thế, lời chứng của Gioan hết sức giá trị. Uy tín của Gioan đã được chứng thực bởi chính đời sống của ông. Đời sống đó đã làm chứng cho ông về những công việc ông làm và những lời ông rao giảng. Khi đã có được uy tín đối với dân chúng, ông dùng chính uy tín đó để thi hành sứ mạng. Thay vì ngày càng tích lũy uy tín và vụ lợi cho riêng mình, Gioan đã dùng nó để lót đường chuẩn bị cho Đấng thật sự phải đến.
Gioan làm chứng với uy tín của ông, nhưng ông đã không làm chứng cho Đức Giêsu nhân danh con người, nhưng nhân danh Thiên Chúa. "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần". Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn". Ông đang rao giảng về Thiên Chúa và giờ đây ông nhân danh Thiên Chúa để giới thiệu và làm chứng về một Con Người được Thiên Chúa tuyển chọn.
Gioan đã giới thiệu ai và giới thiệu gì để ông phải tuyên bố long trọng đến thế? Quả thật, Gioan đã giới thiệu một người với một nội dung chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Ông nói về Đức Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Hình ảnh con chiên gợi lên cho người ta nhiều điều.
Trước hết, lùi lại thời Thiên Chúa giải phóng dân Israel ra khỏi Ai Cập, nhờ máu chiên bôi trên cửa mà các con trai đầu lòng của Israel được bảo vệ. Trong đêm họ thoát khỏi Ai Cập, thiên sứ đã đi sát hại các con đầu lòng người Ai Cập, và máu của con chiên bôi trên cửa nhà là dấu chỉ để biết là có người Israel ở đó, và thiên sứ sẽ vượt qua; nhờ đó họ thoát được cơn hủy diệt (Xh 12, 11-13). Đức Giêsu được ví như Chiên Thiên Chúa, và chỉ một mình Ngài mới có thể giải thoát cho chúng ta.
Kế đến, hình ảnh con chiên gợi nên hy lễ mỗi ngày được hiến tế trong Đền Thờ. Dù đời sống có bao nhiêu thiếu thốn, người ta vẫn hiến tế chiên con trong Đền Thờ mỗi ngày để làm lễ chuộc tội. Con chiên được đem đi hiến tế để đền tội thay cho dân. Vì thế, Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, hiến tế chính mình để trở nên lễ đền tội thay mọi người.
Thêm vào đó, nét đặc trưng của con chiên là sự hiền lành. Ngôn sứ Isaia đã loan báo về Đấng Mê-si-a hiền lành: Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng (Is 53, 7). Điều này sẽ được ứng nghiệm cách hoàn hảo trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Ngài trở thành một con Chiên hiền lành bị đem đi làm thịt mà không một tiếng kêu ca. Ngài lại còn xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,34).
Đức Giêsu quả thật là Chiên Thiên Chúa, Ngài còn là Đấng xóa bỏ tội trần gian. Ngài đã gánh vào mình tội lỗi của tất cả nhân loại, để qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài, Ngài đã xóa đi gánh nặng tội lỗi đè nặng lên con người.
Có một câu chuyện thương tâm rằng: Một cô gái đang có người yêu bị một kẻ lạ mặt hãm hiếp và đã có thai. Cô khổ tâm vô cùng vì bị người yêu khước từ và gia đình ngờ vực. Cô đã đến gặp Đức Cha Fulton Sheen than thở với ngài và hỏi ngài: "Tại sao con phải ra nông nỗi này?" Sau khi lắng nghe với tất cả sự cảm thông, Đức Cha ôn tồn trả lời cô gái: "Vì chị đã phải gánh tội của một người". Rồi Đức Cha Sheen kết luận: Nếu chỉ vì phải gánh tội của một người mà cô gái kia phải đau khổ buồn sầu như thế, thì khi phải gánh chịu tội của cả nhân loại Chúa Giêsu đã phải chịu đau khổ buồn sầu biết chừng nào!
Gánh lấy hết tội lỗi con người mà mang vào thân mình, đó là cái giá mà Con Thiên Chúa đã phải trả cho tình yêu đối với con người. Chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, Đấng đã trở nên Chiên Thiên Chúa để xóa bỏ tội trần gian, chúng ta cũng được mời gọi tháp nhập vào Con Chiên Giêsu để trở nên những con chiên của Thiên Chúa, và sống xứng đáng với ơn gọi của mình là một con chiên của Thiên Chúa.
9. Đức Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại
(Suy niệm của Lm. Duy Khang)
Thánh Gioan tẩy giả là vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước, và ông rất vinh dự được làm người dọn đường cho Đấng Cứu Thế sắp đến. Hôm nay, khi thấy Đức Giêsu đến với ông, ông đã mạnh mẽ công bố với mọi người Do Thái rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.
Ông Gioan tẩy giả làm chứng về Đức Giêsu đích thực là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha tuyển chọn, thánh hiến bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần để thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại, trong tư cách là Đấng Messia.
Ông Gioan tẩy giả đã sử dụng đến hai biểu tượng tuyệt đẹp, đó là con chiên: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Con chiên là một con vật quen thuộc đối với dân Do Thái ngày xưa, được nhắc nhiều lần trong Kinh Thánh. Hình ảnh con chiên rất có ý nghĩa, nhằm mô tả Đức Giêsu là con chiên chiến thắng, con chiên như người tôi trung, và con chiên như con chiên trong Lễ Vượt Qua.
Đức Giêsu là con chiên chiến thắng. Theo sách Khải Huyền thánh Gioan tông đồ, con chiên đã chiến thắng quyền lực sự dữ trên trái đất (x. Kh 17,14). Thánh Gioan còn khẳng định: “Bây giờ anh em biết Đức Giêsu đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi” (1Ga 3,5); và “Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ đã làm” (1Ga 3,8). Như vậy, quả không sai khi ông Gioan tẩy giả mô tả Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa là Đấng phá bỏ tội lỗi của thế gian.
Đức Giêsu là con chiên như người tôi trung, như sách ngôn sứ Isaia mô tả trong chương 42 và 53. Người Tôi Trung đã gánh hoặc chuộc những tội lỗi của nhiều người (x.Is 53,4-12). Cũng vậy, bằng cái chết của Người, Chúa Giêsu đã xóa tội hoặc đã gánh tội cho thế gian. Nhờ những vết thương của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn và sự chết của Người, đã chữa lành tội lỗi của chúng ta (1Pr 2,25; Is 53,5).
Đức Giêsu là con chiên như con chiên trong Lễ Vượt Qua. Đức Giêsu bị kết án tử vào ngày lễ Vượt Qua (Ga 19,14). Người là con chiên mà dân Do Thái bôi lên cửa, làm dấu để được cứu thoát, nói đến trong sách Xuất Hành (12,46), con chiên đã hy sinh (Kh 5,9), con Chiên đổ máu mình trên thập giá tẩy rửa tội lỗi nhân loại và giải thoát khỏi sự chết.
Tóm lại, con chiên được ông Gioan tẩy giả mô tả, như một lời giới thiệu về Đức Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại. Mặc dầu Người vô tội, nhưng lại chấp nhận gánh lấy tội lỗi của nhân loại vào thân thể của Người, đến độ, Người đã dùng chính cái chết của mình để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết. Hôm nay, Gioan tẩy giả đã làm chứng và lời chứng của ông đã thành hiện thực trong công trình cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô.
Hôm nay, trong mỗi Thánh lễ, chủ tế đều nhắc lại lời của thánh Gioan tẩy giả: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”, và mời gọi người Kitô hữu đón nhận Mình Máu Thánh Chúa. Chúng ta có Chúa Kitô ngự trong lòng, và sự sống của Người ở trong chúng ta.
Chúng ta hãy chiêm ngắm tình yêu của Đức Giêsu Kitô đã dành cho chúng ta đến độ chết vì chúng ta. Chúng ta hãy làm chứng về tình yêu cứu độ của Người cho nhân loại. Chúng ta hãy sẵn sàng cộng tác với Giáo Hội bằng cách giúp đỡ cho người ta được thoát khỏi sự dữ và tội lỗi đang lan tràn trong gia đình, trong xã hội. Chúng ta hãy giúp cho những người xung quanh chúng ta sống niềm tin và hy vọng vào Chúa Giêsu là Đấng giải thoát và cứu chuộc của mọi người.
Có một câu chuyện đời xưa, mang tên “cây kiếm gỗ”, nội dung thế này:
Ngày xưa, có một vị vua ngày đêm lo lắng về sự an nguy cho vương quốc của mình, về kho báu của mình, và đặc biệt về ngai vàng của mình. Ông không tìm thấy bình an trong cuộc sống; các vị quan trở nên mối nghi ngờ, và tương lai trở nên nỗi ám ảnh sợ hãi cho ông.
Từ chốn cung điện nhìn xuống đám dân nghèo, ông cảm thấy như thèm muốn được như họ, vì ông thấy họ toát lên nỗi đơn sơ, chất phát và không lo lắng cho tương lai. Quá tò mò lối sống của dân nghèo, vị vua quyết định hóa trang thành người ăn mày để tìm hiểu nguyên nhân nào đã làm cho những dân nghèo được bình an và không lo lắng.
Ngày kia, vị vua giả dạng người ăn mày gõ cửa một người nghèo để xin ăn. Người nghèo mời người ăn mày vào và cùng chia sẻ một ổ bánh mì với thái độ hạnh phúc và yêu đời.
Vị vua giả dạng hỏi:
- “Điều gì đã làm ông hạnh phúc như vậy?”
Người nghèo đáp:
- “Tôi có một ngày rất tốt. Tôi sửa giày và kiếm đủ tiền để mua ổ bánh cho buổi tối nay.”
Vị vua giả dạng hỏi tiếp:
- “Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu ngày mai ông không kiếm đủ tiền mua bánh mì?”
- “Tôi có niềm tin vào mỗi ngày. Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.” Người nghèo đáp.
Sau khi ra về, vị vua muốn thử niềm tin người thợ giày. Ông ra lệnh cấm những người sửa giày dép hành nghề. Khi biết mình bị cấm hành nghề sửa giày dép, người thợ giày nhủ thầm: “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.” Ngay lập tức ông thấy một vài phụ nữ đang gánh nước ra chợ bán rau, ông xin được gánh nước thuê cho họ. Và hôm đó, ông kiếm đủ tiền để mua bánh mì cho buổi tối.
Tối đến, vị vua dưới dạng người ăn mày thăm người nghèo. Người nghèo vẫn thái độ ung dung, hạnh phúc với ổ bánh mì của mình. Hôm sau, vua ra lệnh cấm không cho phép hành nghề gánh nước thuê. Và cứ như thế, người nghèo đã thay đổi nhiều nghề khác nhau, nhưng nơi ông vẫn luôn có sự bình an và tin tưởng vào triết lý sống từng ngày cùa mình. Còn vị vua vẫn không thể nào hiểu nổi sự bình an và niềm tin của người nghèo kia. Mỗi lần bị cấm hành nghề, người nghèo vẫn thản nhiên tin rằng, “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.”
Vì quá tò mò trước triết lý sống của người nghèo này, vị vua ra lệnh và dàn xếp để người nghèo làm lính cho cung điện. Thật đáng thương, người nghèo không được phát lương hằng ngày, nhưng hằng tháng. Dầu vậy, ông đã bán lưỡi gươm và có đủ tiền để mua bánh mì cho một tháng. Tối đến, ông vẫn có bánh mì và vẫn hạnh phúc.
Vị vua giả dạng thăm ông và hỏi:
- “Hôm nay ông làm nghề gì mà kiếm tiến mua bánh mì?”
- “Tôi được làm lính cho vua.” Người nghèo đáp. Ông cũng đơn sơ kể rằng: “Làm lính nhận lương mỗi tháng, nên tôi đã bán lưỡi gươm thật và đủ tiền để mua bánh mì cho một tháng. Sau khi có lương, tôi sẽ chuộc lại lưỡi gươm và như thế tôi sẽ có cuộc sống tốt hơn. Hiện nay tôi đang dùng lưỡi gươm bằng gỗ.”
Nhà vua giả dạng hỏi tiếp:
- “Nhưng nếu ông phải rút gươm ra vào ngày mai thì sao?” Người nghèo vẫn thản nhiên, “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.”
Quả thật, hôm sau người ta bắt được một tên trộm và bị kết án xử chém. Vua yêu cầu người nghèo trong trang phục lính thực hiện việc này. Vì nhà vua biết rằng, với lưỡi kiếm gỗ, người nghèo này sẽ không thể thực hiện được việc này, và như thế để xem thử niềm tin vào triết lý sống từng ngày của ông có thể giúp ông hay không.
Tên tử tội quì mọp xuống chân anh lính và thống thiết van xin được tha mạng vì còn vợ và con nhỏ. Anh nhà nghèo trong tranh phục lính nhìn đám đông xung quanh và hô lớn tiếng:
- “Lạy Đấng Tối Cao, nếu người sắp bị hành quyết này là người có tội, thì xin cho con được phép thi hành lệnh của vua. Nếu người này vô tội, xin hãy biến lưỡi gươm này thành gươm gỗ.”
Ngay tức khắc, anh rút lưỡi gươm và lưỡi gươm anh cầm trên tay là lưỡi gươm gỗ. Đám đông đồng thanh la lên:
- “Đây là phép lạ,” và người bị kết án được tha.
Vị Vua truyền lệnh tha tên ăn trộm đồng thời tiến đến người lính nghèo thú nhận rằng:
- “Trẫm chính là người ăn mày mỗi tối tại nhà ngươi. Từ nay trở đi, trẫm muốn ngươi là bạn và là quân sư cho trẫm”.
Dòng đời bất an.
Trong cuộc sống, thế nào cũng có lúc ta cảm thấy bơ vơ, lạc lỏng giữa dòng đời. Điều đó khó có thể tránh được, nhất là những lúc ta đau khổ. “Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì’. Người ta cố gắng đi tìm ý nghĩa đích thực của kiếp người ngắn ngủi, nhưng xem ra, tiếng than thở thì nhiều, niềm vui không có bao nhiêu. “Ngày vui ngắn chẳng tày gang” (ND), thế nên, triết lý sống hiện tại là “hưởng thụ”. Hưởng thụ để bù lại những thiệt thòi mất mát vì sự hữu hạn của kiếp người, để tự tạo cho mình thứ hạnh phúc tạm bợ chóng qua thay vào hạnh phúc khát vọng mà con người không thể nào với tới được.
Nhưng càng chạy theo hưởng thụ, con người càng hụt hẫng, chới với. Tham vọng thì vô bờ, và cuối cùng, đời người là tiếc nuối.
Tìm hạnh phúc chỉ với hưởng thụ, chỉ với sở hữu vật chất, con người không thể nào có hạnh phúc. Dấu hiệu của sự vắng bóng hạnh phúc là sự bất an. Sự bất an ở trong lòng mỗi người đi đến bất an của nhân loại, bất an của thế giới.
Ai cho ta sự bình an?
Trong thế giới đã từng có những vĩ nhân góp phần thay đổi thế giới. Thay đổi bằng nhân sinh quan mới mẽ hay bằng chiến tranh chinh phục. Thay đổi bằng những phát minh khoa học, những khám phá phát triển kinh tế, những sáng kiến thành lập những tổ chức toàn cầu để cuộc sống con người được tốt đẹp hơn.
Rõ ràng, thế giới đã có nhiều thay đổi: giàu có hơn, văn minh hơn, gần gũi nhau hơn... Nhưng, thật đáng tiếc, thế giới cũng bất an hơn: vũ khí tân tiến hơn, phương tiện chiến tranh hiện đại hơn, tốc độ phát triển vũ khí giết người hàng loạt nhanh hơn, tranh chấp, phân tán, chia rẻ nhiều hơn, khủng bố, giết người... Bất an đáng sợ nhất đó là đạo đức sa đọa ngày một cao hơn: thứ bình an trong tội lỗi!
Thế nên, điều cần làm ngay, đó là con người cần thay đổi chính mình.
Thay đổi theo đường hướng nào? Theo chỉ nam nào? Theo mẫu mực nào? Con người cần có một vị Thầy dạy dỗ và dìu dắt.
Người đó chính là Ngài – Giêsu.
Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.”(Ga.1,29).
Chỉ với một lời giới thiệu ngắn gọn, chứa đựng trọn vẹn chân lý cuộc sống và niềm hy vọng của con người.
Ở nơi Giêsu - Con Người là “Chiên Thiên Chúa” - nhân loại nhận ra bài học của Thầy chí Thánh Giêsu bài học Tình Yêu. Đấng dạy cho nhân loại Tình yêu Thiên Chúa, giá trị nhân phẩm của con người là Con Thiên Chúa, và bình an của con người là tình huynh đệ cùng là con Thiên Chúa.
Ở nơi Giêsu, nhân loại nhận biết và tin vững con người từ đâu đến, sống để làm gì, và rồi, con người sẽ đi về đâu.
Ở nơi Giêsu, con người thấu hiểu được vì sao nhân loại bất an, và hạnh phúc phù phiếm chóng qua. Con người biết mình phải làm gì để thoát khỏi tuyệt vọng.
Ở nơi Giêsu, con người mới thấy đâu là chân giá trị kiếp nhân sinh, vì con người bước đi trong ánh sáng.
Ở nơi Giêsu, con người tìm thấy tất cả những câu giải đáp cho thân phận của mình.
Và, con người vững tin nơi Giêsu, vì bài học của Giêsu không phải là bài học lý thuyết suông được viết bằng giấy mực, mà được viết bằng chính cuộc đời của Ngài. Một cuộc đời yêu thương con người, và chết cho con người. Đó là một cuộc đời Hiến Tế vì nhân loại và cho nhân loại. Ngài là Đấng Cứu Thế. Giêsu, “Đây là Chiên Thiên Chúa”.
Người đó chính là Ngài – Chúng ta bước theo Ngài. “Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu” (Ga.1,25).
Người đó chính là Ngài – Ta an tâm phó thác. “Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người, và kìa biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền. Nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!”. Đức Giêsu nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ” (Mt.8,23-26).
Người đó chính là Ngài – Ta vững lòng cậy trông. “Khi đến Đồi Sọ, họ đóng đinh Người vào Thập Giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. (Lc.23,33-34).
Người đó chính là Ngài – Ta về đến bến bờ hy vọng. “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang với con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian đã tạo thành” (Ga.17,24).
Người đó chính là Ngài – Giêsu, Hạnh phúc đời ta. Không có ai khác, hay bất cứ điều gì khác có thể thay thế được Ngài. “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga.6,68).
Và, bên Giêsu, ta bình an thanh thản tâm hồn xiết bao!
Lạy Chúa Giêsu, Chiên Thiên Chúa!
Lòng con bình an trong Chúa.
Con tin vào Ngài. Amen.
(Suy niệm của Lm. Giuse Lê Quan Trung)
Trong thời buổi mà nhiều người còn có tâm hồn trung nghĩa hôm nay, ngày ngày vẫn phải rên than là “vàng thau” đang quá trời “lẫn lộn” này, thì với một người có đủ điều kiện và thừa sức mạo xưng danh tánh của người khác! Mạo phạm sự nhân nghĩa của người khác! Mạo nhận những thành công của người để vơ vào làm của mình, thì cách minh định của thánh Gioan Tẩy giả trước sự xuất hiện của Chúa Giêsu khi khởi đầu sứ vụ của Người, quả thật vẫn mang tính thời sự cần thiết cho tới hôm nay: xác định đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình: “không đánh lận con đen”. Không nhập nhằng để người khác ngộ nhận. Không dùng những quỷ kế để bảo vệ uy tín của mình. Không nuôi tham vọng để triệt hạ người khác. Và cũng sẵn sàng lùi bước, chấp nhận cuộc sống ẩn dật mà không hề tiếc nuối, kể công: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Chính Người là Đấng mà tôi đã nói: có người đến sau tôi, nhưng có trước tôi, vì Người cao trọng hơn tôi. Phần tôi, tôi đã không biết Người, nhưng để Người tỏ mình ra cho dân Israel nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước” (Ga 1, 25-31). Một gương khiêm tốn lạ lùng! Hiếm có! Không chỉ cần trong thời gian xa xưa đó, mà ngay chính trong cuộc sống hôm nay, bài học ấy lại còn rất cần, rất thiết thực hơn bao giờ hết! Tôi chợt nghĩ cho mình:
I/ Để biết khiêm tốn: phải hiểu chính mình:
Gần năm năm sống với cha sở An Long, giáo hạt Cao Lãnh, giáo phận Mỹ Tho, tôi luôn tâm đắc một điều mà với tình anh em đồng hướng, ngài đã từng tâm sự với tôi: “Trung ơi! Anh nói thiệt với em, điều đáng sợ nhất trong cuộc sống hôm nay, không chỉ cho riêng hai anh em mình, mà còn cho bất cứ ai trong bất cứ cương vị, chức vụ, tuổi tác, giới tính nào đi nữa, anh vẫn thấy không gì nguy hiểm cho bằng mình không hiểu được vị trí của mình! Không biết khả năng thật sự đang có của mình! Không ý thức được vai trò trách nhiệm bổn phận và tầm ảnh hưởng của mình trong phong cách, trong ngôn từ, trong ứng xử đối với người trên mình, người ngang mình, người dưới mình mà mình quan hệ, giao tiếp, ứng xử hàng ngày… sơ hở một chút là dễ dàng bị sụp đổ lắm em! Đành rằng ước muốn thì ai cũng muốn tốt, nhưng cá tính nếu không được nhìn lại, được rèn giũa, được tự nguyện uốn nắn thường xuyên, nhiều khi tự ái nổi lên, mình trở tay không kịp vì không lường trước tác hại của nó đâu em!”- Một kinh nghiệm xương máu mà đời tôi cũng đã không ít lần nếm trải! Giờ được một linh mục đàn anh chia sẻ, tôi càng hiểu chính tôi hơn!
II/ Để sống khiêm tốn: phải biết ứng dụng:
Rất nhiều người thích nghe kinh nghiệm của người khác, nhưng lại quá tự tin, tự tôn, tự cao, tự đại, để rồi có lúc phải ngã bật ngửa! Phải vấp ngã mang thương tích. Phải sụp hố sâu đến lút đầu lút cổ chính từ những kinh nghiệm mà mình đã từng được tâm sự, từng được nhủ khuyên, từng được ngăn ngừa! Nghe nhiều, đọc nhiều, mà không hiểu đúng, hiểu sâu, nên không biết đường ứng dụng! Rồi thêm sự kiêu căng bởi tự phụ cho là những khó khăn mà thiên hạ vướng vấp chỉ là chuyện nhỏ! Mình đủ sức đối đầu! Dư sức khắc phục! Thừa bản lĩnh vượt qua! Bởi “sóng sau cao hơn sóng trước” mà! Tại họ khoái “lớn thuyền” nên mới bị “lớn sóng” vậy thôi! Ai biểu họ “thuyền đua, bè sậy cũng đua; thấy rau muống vượt, rau dừa vượt theo” làm chi cho khổ? Mình cứ tà tà “liệu cơm gắp mắm” là khỏe re! Nhưng họ quên một điều: “lỗ nhỏ đắm thuyền”! không gì nguy hiểm bằng mình tự phụ mà mình không hay! Mình tự kiêu mà mình không biết! Mình đang tự đào lỗ chôn mình mà mình không ngờ! Sống khiêm tốn không dễ chút nào nếu chỉ biết nghe, biết nhìn, biết đọc mà không biết ứng dụng kịp thời, đúng lúc, hợp tình! Kiến thức vững phải khởi đi từ chiều sâu kinh nghiệm, từ nền tảng ban sơ, từ vấp váp khiếm khuyết, lỡ lầm của người đi trước để lại. Bản lĩnh là ở chỗ đó! Trưởng thành là ở chỗ đó! Thành công cũng là ở chỗ đó. Khiêm tốn là nét đẹp! Nhưng cũng mang lại những kết quả vượt sức ta mong chờ, hy vọng.
Thánh Gioan Tẩy giả đã giúp tôi ý thức thân phận của mình hơn: không mặc cảm! Không trục lợi! Không sang đoạt! Không oán trách! Không chà đạp! Mình sống và làm việc bằng chính nén bạc Chúa trao và phấn đấu để đạt được đồng lời Chúa muốn phát sinh tương xứng với đồng vốn ấy! Không ganh tỵ! Không cản đãng! Không chỉ trích! Không mạo danh mạo nhận mạo phạm tới bất cứ ai! Thợ làm vườn nho cho Chúa: sáng- trưa- chiều, đồng lương vẫn như nhau. Chúa không đòi tôi chạy theo chỉ tiêu để rồi “dụng mưu vận kế” để lấy của người khác làm thành quả của mình, rồi lên mặt dạy đời thiên hạ. Những người mà họ thừa khả năng dạy cho tôi những bài học nhớ đời mà tôi cứ tưởng họ dở, họ khùng, họ đui, họ điếc! Họ không hề hay biết sự háo danh, háo thắng của tôi. Bởi tôi dẽo miệng, tôn vinh, ca ngợi cấp trên và sẵn sàng “bán bụi tre, đè bụi hóp” để “diễu võ dương oai”, mắng mỏ, chụp mũ, đâm thọc cho người ngang, kẻ dưới phải bị dập vùi hầu tôi dễ tiến thân mà quên “đời không cho không ai bất cứ điều gì không xứng tầm với họ”. Giá phải trả vô lường!
Thấm thía hơn cho tôi là ở một lần khác trước đó, vị Tiền Hô đã nói: “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người” (Mt 3, 13). Đến bao giờ, tôi mới đủ khiêm tốn để hiểu được chính tôi ? Để sống đúng cương vị Chúa định cho tôi ? Để bài ca yêu thương sẽ xóa tan mọi đảo phách bất hợp lý vẫn đang luân chuyển trong Tâm Khúc đời tôi?
12. Thấy, Biết rồi Làm Chứng – R. Veritas
Trong cuộc sống, chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.
Gioan cũng thế, trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, hai lần ông khẳng định: "Tôi đã không biết Người" (Ga.1,31-33). Cho đến khi làm phép rửa cho Đức Giêsu, Gioan thú nhận mình vẫn chưa “biết” Ngài.
Dù Đức Giêsu là bà con họ hàng của ông (Lc.1,36), dù ông đã có một số thông tin về Ngài, và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (Mt.3,14), nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.
Được Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ. Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá ra Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là “Đấng Thiên Chúa Tuyển Chọn”. Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Đức Giêsu lúc Ngài được ông làm phép rửa. Bây giờ ông mới có thể nói: ông đã biết Đức Giêsu. Ông đã “biết” sau khi ông đã “thấy”.
Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm, thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn. Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh luyện. Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Đức Giêsu. Làm chứng cho Đức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng. Ông vui khi giới thiệu Đức Giêsu cho môn đệ của mình. Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga.3,26). Ông sung sướng khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật lên (Ga.3,30).
Từ cái biết nhờ thấy, Gioan đã trở nên người làm chứng cho Đức Giêsu. Hành trình chứng nhân của Gioan cũng là của bạn và tôi hôm nay: “thấy, biết rồi làm chứng”.
Biết một người là chuyện khó. Biết Đức Giêsu còn khó hơn. Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người Giêsu, Đấng đã là đích điểm giao hòa giữa trời và đất; Đấng là tạo hóa nhưng lại hòa đồng với tạo vật, và cũng là Đấng đã liên kết giữa thần linh thánh thiện và con người tội lỗi.
Để biết Đức Giêsu, ta cần thấy Ngài tỏ mình ra. Nhưng không phải ta sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng. Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng. Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, qua những con người đơn sơ ta vẫn gặp. Ta cần tập nhìn thấy Ngài tiềm ẩn sau lớp vỏ bọc xù xì của thực tế đời thường.
Cần thường xuyên làm mới lại “cái biết” về Đức Giêsu để mối tương quan của ta với Ngài mỗi ngày trở nên thâm trầm hơn, thân mật hơn. Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư, là hiệp thông, là gặp gỡ, là chia sẻ chính cuộc đời của Ngài, là để “ta sống trong Ngài và Ngài sống trong ta”, thì cái biết đó phải là nỗ lực của cả một đời người Kitô.
Và lúc này đây, mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy dành ra đôi ba phút ngắn ngủi để đi vào lòng mình; để tìm gặp khuôn mặt Giêsu: Ngài đang ở đâu, ở chỗ nào trong cuộc sống của tôi? Tôi phải làm gì để nhận ra Ngài, bắt gặp Ngài đang sống bên tôi trong cuộc đời tạm bợ này?
Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian."(Ga.1,29). Còn bạn và tôi, chúng ta sẽ giới thiệu Đức Giêsu như thế nào cho những người xung quanh ta hôm nay?
***
Lạy Chúa Giêsu!
Xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ vô nghĩa.
Xin cho con cảm nhận tình Chúa thật bao la sâu thẳm, để con luôn được sống trong tình yêu thương sâu thẳm bao la ấy.
Xin cho con biết Chúa thật nhân từ và bao dung, để mỗi khi con vấp ngã trên đường đời, con luôn biết chỗi dậy và trở về cùng Chúa.
Giêsu ơi! Xin Ngài hãy đến và cư ngụ trong lòng con luôn mãi, để không còn là con nữa, mà là chính Ngài đang sống trong con. Amen
13. Đây Chiên Thiên Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Trong Thánh Lễ, ta đọc Chiên Thiên Chúa nhiều lần. Có lẽ ít người hiểu được ý nghĩa của cụm từ “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng khi Gioan Baotixita giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Do Thái: “Đây là Chiên Thiên Chúa” thì người Do Thái hiểu rõ ý nghĩa của từ ngữ.
Trong Kinh Thánh, chiên được dùng làm biểu tượng cho những người hiền lành, đạo đức. Trong dụ ngôn về ngày phán xét, Chúa đã tách chiên ra khỏi dê. Chiên ở bên phải, dê ở bên trái.
Thế nhưng chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn. Hằng năm, vào Lễ Vượt Qua của người Do Thái, mỗi gia đình có tục lệ ăn thịt một con chiên. Phải lựa con chiên non dưới một năm tuổi, tốt đẹp, không tì vết. Người Do Thái ăn thịt Chiên Vượt Qua, không phải để mừng mùa đông đã qua và mùa xuân vừa mới khởi đầu. Nhưng là để kỷ niệm ngày Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập.
Lễ Vượt Qua được cử hành vào đầu mùa xuân. Người Do Thái nhớ đến con chiên. Con chiên đã chết cho họ được sống. Máu chiên đã đưa họ ra khỏi mùa đông tăm tối, tiến vào mùa xuân tươi sáng. Máu chiên đã giúp giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, đưa họ về miền Đất Hứa, sống trong tự do.
Chúa Giêsu đã chịu tử hình vào dịp Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Bữa tiệc ly chính là tiệc Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu ăn với các môn đệ. Chịu chết vào dịp Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu chính là con chiên của Thiên Chúa bị sát tế để cứu nhân loại.
Chúa Giêsu là con chiên hiền lành, không hé môi khi bị đem đi xén lông. Người khiêm nhường gánh lấy tội lỗi nhân loại.
Bản tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Từ ngữ “xóa” là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ ‘airein’, tiếng La tinh dùng từ ‘tollit’ có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy. Có lẽ nên dịch là Chiên Thiên Chúa, Đấng ‘gánh’ lấy tội nhân loại thì đúng hơn. Xóa là đứng ngoài cuộc. Đức Giêsu không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người, và nhất là gánh lấy tội lỗi của con người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người, Đấng hoàn toàn trong sạch, vô tội đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò với họ, ăn uống đồng bàn với họ. Nhưng nhất là chính vì gánh lấy tội nhân loại mà Người phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ, như những người trộm cướp.
Người gánh lấy tội của ta để ta được tha thứ. Người hạ mình xuống để ta được nâng lên. Người trở nên nghèo hèn để ta được giàu có. Người làm con loài người để ta được làm con Thiên Chúa. Người trở nên yếu hèn để ta được nên mạnh mẽ. Người chịu nhục nhã để ta được vinh quang. Người nhận lấy thân phận nô lệ để ta được tự do. Người cam lòng chịu chết để trả lại cho ta sự sống.
Người tín hữu thường được gọi là “Con chiên của Chúa”. Danh hiệu đó ngầm chứa một lời cầu chúc: Mong cho người tín hữu được xếp vào loại ‘chiên’ trong ngày phán xét. Được đứng bên hữu Vua Thẩm Phán. Được vào hưởng vinh quang trong nước Chúa.
Nhưng danh hiệu đó phải chăng cũng gợi lên một ước mong. Ước mong người tín hữu sống theo gương của Chiên Thiên Chúa. Ước mong những con chiên con nối gót theo chiên mẹ đầu đàn đi vào con đường hiền lành khiêm nhường. Ước mong đoàn chiên tự hiến đời mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa. Và ước mong đoàn chiên gánh lấy số phận của người khác, để yêu thương, đoàn kết, liên đới, chia sẻ với anh em tất cả mọi niềm vui nỗi buồn của họ.
Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội con, xin thương xót con.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) “Chiên Thiên Chúa” gợi lên những ý tưởng nào nơi bạn?
2) Là ‘con chiên của Chúa’ bạn phải sống thế nào cho xứng đáng danh hiệu ấy?
3) Thánh Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với tất cả ý nghĩa sâu xa của danh hiệu “Chiên Thiên Chúa”. Hôm nay, nếu phải giới thiệu Chúa Giêsu cho người chung quanh, bạn sẽ dùng danh hiệu nào?
14. Giới thiệu Chúa Kitô – ĐGM. Vũ Duy Thống
Nếu khởi đầu Mùa Quanh Năm là sự nhận diện thiên tính của Chúa Giêsu khi Người chịu phép Rửa nơi sông Giođan và cũng là nhận diện phẩm giá Kitô hữu khởi đi từ ngày họ lãnh phép Rửa Tội, thì Chúa Nhật thứ hai Thường Niên được xem như một khai triển phẩm giá ấy về mặt sứ vụ. Thật vậy, đảm nhận cuộc sống làm người và đón nhận cuộc đời làm con Chúa, tín hữu không chỉ sống đơn lẻ mà còn sống giữa những người khác, thế nên nét tươi tắn nhất trong sứ vụ của họ là giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ xung quanh mình. Nhưng vấn đề là phải làm sao để giới thiệu Chúa Kitô cho có hiệu quả.
Dựa trên trang Tin Mừng hôm nay về việc Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô cho những kẻ đương thời, ta gặp thấy những tiêu chuẩn xác định hiệu quả cho việc giới thiệu ấy.
1) Giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân
Đây là tiêu chuẩn quan trọng có khả năng đi vào lòng người, bởi lẽ “con người hôm nay ít thích nghe những lời dạy cho bằng nghe những chứng tá” (Gioan Phaolô II). Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một học thuyết, thì dẫu chủ quan mình có nắm vững và say mê, Đức Kitô ấy vẫn chỉ là một lý tưởng còn xa lạ chưa đụng chạm thiết thực với đời người. Nếu chỉ giới thiệu Đức Kitô như một hệ thống tín điều, thì dù cho có xác tín đến đâu, Đức Kitô ấy vẫn còn xa vời, chưa phải là điểm quy chiếu thiết thân cho cuộc sống.
Thế nên, tiêu chuẩn hàng đầu là cần giới thiệu Đức Kitô như một Đấng mà mình đã tiếp cận, gặp gỡ và kết thân. Hiện nay mình đang sống trong Người như kiểu nói của thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, và do thúc bách bởi sự sống ấy mà mình giới thiệu Người cho người khác. Người là khởi điểm đồng thời cũng là đích điểm cho việc giới thiệu này.
Với kinh nghiệm bản thân, ta giới thiệu sự xác tín của ta vào Đức Kitô và đó cũng chính là sự khả tín của điều ta giới thiệu.
Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã không làm điều gì khác ngoài việc giới thiệu qua chứng từ về một kinh nghiệm ở ngôi thứ nhất số ít: “Tôi đã thấy và tôi xin làm chứng”.
2) Giới thiệu Đức Kitô là Đấng Cứu Độ
Có một thực tế không thể phủ nhận là khi giới thiệu Đức Kitô, thường ta hay rơi vào một trong hai thái cực:
Hoặc quá chủ quan: giới thiệu một Chúa Kitô không như Người là mà như mình tưởng, mình nghĩ. Coi chừng! Thiên Chúa tạo dựng con người “giống hình ảnh Thiên Chúa”, nhưng xem ra con người lại có khuynh hướng nắn đúc một Thiên Chúa theo như mình nghĩ, “giống hình ảnh con người”. Có lẽ chuyện dân Do Thái ở Ai Cập năm xưa lấy hình ảnh bò vàng làm tượng thờ phải được xem như một kinh nghiệm đau lòng.
Hoặc quá chung chung: giới thiệu một Chúa Kitô không minh bạch xác đáng, có nguy cơ giản lược đánh đồng coi Kitô giáo cũng chỉ là một trong nhiều tôn giáo ngang hàng và Đức Kitô không còn là Đấng Cứu Độ duy nhất nữa. Có lần đến thăm nhà một tân tòng, tôi gặp thấy cảnh tổng hợp nhiêu khê: truyền thống gia đình ông bà cha mẹ theo Phật Giáo, con trai theo Tin Lành, cô gái vào Công Giáo, còn cậu em là đối tượng một đảng nên không theo tôn giáo nào. Bà mẹ gia đình nói trổng như muốn phân bua về việc tự do chọn lựa niềm tin của con cái: “Ôi! Đạo nào cũng tốt, đều dạy ăn ngay ở lành cả ấy mà”. Trong suy nghĩ của người mẹ này, Đức Kitô cũng ngồi chung chiếu với những vị cổ võ đạo đức nhân sinh. Thế thôi.
Thiết nghĩ, giới thiệu Đức Kitô là phải trình bày cho thấy Người là Thiên Chúa cứu rỗi nhân loại, là Đấng Cứu Độ trần gian, là Đấng từ trời xuống để đem ơn giải thoát đến tất cả mọi người và đạt tới từng người. Nét độc sáng của Kitô giáo chính là đây. Và Đức Kitô sở dĩ thiết thân đối với người đời bởi Người chính là Đấng Cứu Thế.
Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dứt khoát giới thiệu Đức Kitô cho dân chúng bằng một hình ảnh đặc biệt cho thấy Người là Đấng Cứu Độ: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.
3) Giới thiệu Đức Kitô nhờ Thánh Thần
Giới thiệu Đức Kitô là công cuộc dài hơi, thậm chí là công việc một đời, vì thế đòi hỏi người giới thiệu không chỉ như kẻ chào hàng tiếp thị, mà phải đầu tư để học biết và học hiểu, học tập và học hành, học ngang và học dọc, học tới và học lui; nghĩa là phải nỗ lực hợp tác với ơn thánh bằng vận dụng hết công suất những khả năng Chúa ban mà chu toàn nghĩa vụ cũng là ý nghĩa cuộc đời mình. Ngày nào còn là Kitô hữu, ngày đó còn phải gắn bó và giới thiệu Đức Kitô cho người khác. Đó là yếu tố thuộc về căn tính.
Giới thiệu Đức Kitô cũng là một công trình thuộc về sứ vụ truyền giáo của mọi thành viên trong Giáo Hội, nghĩa là thuộc về lẽ công bình. Ai đã nhận được lẽ sống Đức Kitô thì cũng canh cánh bên lòng một đòi buộc phải tiếp nối sứ mạng giới thiệu sự sống ấy cho những người mình gặp gỡ trong mọi cảnh ngộ cuộc đời. Chả thế mà sứ vụ cũng đồng nghĩa với sự lên đường. Đồng quà tấm bánh có thể giữ lại chứ sự sống mà giữ lại thì cũng đồng nghĩa với sự thui chột ngột ngạt ngay trong vòng tay ôm chặt của người sở hữu.
Giới thiệu Đức Kitô như thế cũng là cuộc hiến thân làm chứng, đón nhận hy sinh, chấp nhận thiệt thòi, quên mình xóa mình, thao thức miệt mài, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”. Không dễ dàng, không dễ dãi và không dễ chịu. Thế nên đó là một công trình sức người tự mình không làm nổi ngoài ơn của Thánh Thần. Vả chăng chính Thánh Thần mới giữ vai trò chủ động trong công trình lớn lao này, còn con người dẫu hết lòng hết sức cũng chỉ là dụng cụ góp phần.
Nếu hôm qua Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng đã dựa vào dấu chỉ Thánh Thần để nhận biết Đấng Cứu Thế: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì đó chính là Đấng làm phép Rửa trong Thánh Thần”, thì hôm nay tín hữu cũng dựa vào Thánh Thần để chu toàn sứ mạng giới thiệu Đức Kitô cho người đồng thời với mình.
Tóm lại, giới thiệu Chúa Kitô bằng kinh nghiệm bản thân, giới thiệu Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và giới thiệu Chúa Kitô nhờ Thánh Thần. Đó là những tiêu chuẩn giúp cho việc giới thiệu này mang lại hiệu quả mong muốn.
Vì thế, Kitô hữu không chỉ là người mang Chúa Kitô trong mình, không chỉ thuộc về Chúa Kitô mà còn là người phải giới thiệu Chúa Kitô cũng như biết cách giới thiệu Chúa Kitô làm sao cho có hiệu quả nữa. Như một người chào hàng không mệt mỏi, như một chứng nhân luôn trung thành, và như một lẽ sống hạnh phúc, ta quyết chí lên đường.
Trong buổi chia sẻ của những tân tòng lớp trước dành cho lớp sau, một cô gái mười sáu tuổi đã chân thành cho biết lý do mình gia nhập đạo Công Giáo: “Tôi theo đạo vì lúc nhỏ học chung với một người bạn Công Giáo. Bạn ấy rủ tôi đi lễ, tôi đi theo dẫu chẳng hiểu gì. Nhưng vì bạn ấy đối xử tốt với tôi, nhất là trong những lúc ngặt nghèo, nên qua gương sống đức tin của bạn ấy, dần dà tôi hiểu ra lẽ đạo và cuối cùng tôi tìm đến với lớp giáo lý khai tâm, và hôm nay được nhận Bí tích Thanh Tẩy”.
Mong rằng đây không chỉ là chuyện cá biệt mà là chuyện điển hình đã được nhân lên trong mọi cộng đoàn tín hữu.
(Trích từ ‘Manna’)
Suy Niệm
Biết một người là đi vào một mầu nhiệm.
Chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, hai lần Gioan khẳng định: "Tôi đã không biết Người" (cc 31-33). Cho đến khi làm phép rửa cho Đức Giêsu, Gioan thú nhận mình vẫn chưa biết Ngài là Mêsia. Dù Đức Giêsu là bà con họ hàng của ông (x.Lc 1,36), dù hẳn ông đã có một số thông tin về Ngài.
Và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (x.Mt 3,14), nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.
Được Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ.
Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.
Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là Mêsia.
Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Đức Giêsu lúc Ngài được ông ban phép rửa.
Bây giờ có thể nói ông đã biết Đức Giêsu. Ông đã biết sau khi ông đã thấy.
Từ cái biết nhờ thấy, do ơn Thiên Chúa ban, Gioan đã trở nên người làm chứng trung tín.
Ông vui lòng giới thiệu Đức Giêsu cho môn đệ mình. Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga 3,26). Ông vui khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật (Ga 3,30).
Làm chứng cho Đức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng. Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Đức Giêsu.
Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm, thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn. Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh lọc.
Hành trình của Gioan cũng là của tôi: thấy, biết, làm chứng.
Biết một người là chuyện khó.
Biết Đức Giêsu Kitô còn khó hơn nhiều.
Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người độc đáo này, nơi giao nhau giữa trời và đất, giữa Tạo Hóa và thụ tạo.
Để biết Đức Giêsu, tôi cần thấy Ngài tỏ mình. Không hẳn tôi sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng. Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng. Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những chuyện đời thường, qua những con người đơn sơ tôi vẫn gặp.
Tôi cần tập thấy Ngài ẩn sau lớp vỏ xù xì của thực tế. Cần thường xuyên làm mới lại cái biết về Đức Kitô, để có tương quan thâm trầm hơn, thân mật hơn với Ngài.
Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư, là hiệp thông, gặp gỡ, chia sẻ chính cuộc đời Ngài, là để mình sống trong Ngài và Ngài sống trong mình, thì biết là nỗ lực của cả một đời Kitô hữu.
Gioan đã làm chứng cho dân về Đấng họ đang đợi.
Con người hôm nay đang đợi ai?
Đức Giêsu do chúng ta trình bày và sống có đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của họ không?
Tôi cần thấy và biết Ngài hơn, để làm chứng tốt hơn.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, thế nào là biết một người? Có bao nhiêu mức độ khác nhau trong việc biết một người? Bạn biết Đức Giêsu ở mức độ nào?
Gioan giới thiệu Đức Giêsu là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian." Còn bạn sẽ giới thiệu Đức Giêsu như thế nào cho con người hôm nay?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la, để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu, để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho con thật mạnh mẽ, để không nỗi thất vọng nào còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp, để ngay cả một ước muốn nhỏ cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ, để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động, để không phải là con, mà là chính Ngài đang sống.
16. Ý nghĩa của tình liên đới
(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Bài Phúc Âm nói đến ‘ngày hôm sau’, tức là ngày sau khi Gioan Tẩy Giả trả lời cho người Do Thái đến hỏi về sứ mệnh của ngài, và tuyên bố rằng ngài không phải là Đấng Cứu Thế, nhưng là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ngài nói: “Ở giữa các ông có một người mà các ông không biết. Đấng ấy đến sau tôi” (1,26). Danh từ ‘Con Chiên Thiên Chúa’ rất thông thường trong ngôn ngữ thánh sử Gioan, nhất là trong sách Khải Huyền của tác giả. Nó chỉ Đấng Cứu Thế, Đức Giêsu Kitô hiến tế mình để giải phóng và hồi sinh nhân loại. Cách gọi này rất nhiều ý nghĩa đối với môn đệ Gioan là những người biết rõ nghi thức ăn tiệc chiên Vượt Qua và việc sát tế hằng ngày một con chiên trong Đền thờ, làm của lễ đền tội cho dân chúng. Con Chiên gánh tội trần gian là con chiên tự hiến làm lễ giải phóng dân chúng, theo như các bài ca của ngôn sứ Isaia về Người Tôi Tớ Giavê. Điều này không có nghĩa là các môn đệ hiểu rõ ngay. Nhưng Gioan Tẩy Giả dùng cách nói trên chuẩn bị cho họ hiểu rõ sau này.
Trong đời ta, có khi ta nghe một lời nói, hay trải qua một biến cố mà ngay lúc đó ta chưa thấy rõ tất cả ý nghĩa; chỉ về sau Chúa mới cho ta khám phá ra tất cả tầm mức của nó. Ở đây ta lưu ý tới hai điểm:
1) Tội trần gian.
Trần gian có nghĩa là nhân loại. Tác giả Phúc Âm dùng tiếng ‘tội’ ở số ít (không phải ‘các’ tội lỗi). Như thế ông làm nổi rõ sự liên đới của mọi người trong tai họa sự ác. Nhưng tình liên đới đó trở nên yếu tố thuận lợi cho sự cứu rỗi. Tất cả mọi người đều đồng hưởng ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại. Ơn cứu độ rộng mở đón nhận bất cứ ai. Điều tiên quyết đòi hỏi nơi họ là không từ chối lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, ít ra không từ chối một cách tội lỗi. Không được tẩy xóa khỏi tội lỗi, thì nhân loại sẽ bị kết án. Nhờ Đức Kitô, nhân loại được cứu thoát.
Một khi đã ý thức về tình liên đới của ta trong tai họa tội lỗi, chúng ta hãy cố gắng lật ngược ý nghĩa của tình liên đới ấy bằng cách đi sâu vào con đường hiệp nhất với Đức Giêsu Kitô Cứu Chúa.
2) Phần tôi, tôi đã không biết Người.
Thế ra trong thời gian lâu dài, Gioan đã làm việc, giảng thuyết với ý thức đơn giản là để tuân theo một sứ mệnh mà không biết rõ Đấng mà ngài loan báo. Phải chăng đó là một trong những nét của một ơn gọi chân chính? Người có sứ mệnh chuẩn bị cho Đức Kitô đến trong một linh hồn, một môi trường, trong thế gian phải chấp nhận trường hợp có thể xảy ra là chính mình lại không thấy hiển nhiên rằng Đức Kitô đang ngự đến đó. Phải kiên nhẫn làm việc trong đức tin. Hãy để cho Chúa tự do chọn lựa thời giờ mà một dấu hiệu xảy tới, nếu có, báo tin Đức Thánh Linh ngự xuống.
17. Đền đáp ân tình
Huyền thoại Ấn Độ kể rằng: Thuở trái đất này còn hoang sơ, có một con thỏ tên là Pôlixa rất thương người, ai xin gì cũng cho, không bao giờ từ chối người nào.
Ngày kia, một lão ông lom khom chống gậy tới than thở với thỏ Pôlixa:
- Suốt mùa nước lũ vừa qua, lão không có gì để ăn, đói lả người, chắc lão sẽ chết nay mai thôi. Trước khi chết, lão chỉ xin một miếng thịt thỏ mà lão rất thèm thuồng bấy lâu. Vậy thỏ Pôlixa có cho lão được không?
Thỏ Pôlixa nhìn ông lão hom hem yếu đuối, tội nghiệp, liền nói:
- Được rồi, ông chờ cháu một lát.
Thế là Pôlixa vội đi kiếm củi, xếp thành đống, mồi lửa và nói:
- Ông chờ thịt cháu chín, rồi ông lấy àm ăn nhé!
Nói xong, thỏ chụm chân nhảy vào lửa. Bỗng nhiên, lửa tắt, ông lão biến mất. Thì ra đó là một vị thần được sai tới để thử lòng thỏ. Về sau để thưởng công, Thượng Đế đã cho thỏ Pôlixa về vui đùa mãi mãi bên mặt trăng.
Huyền thoại nào cũng mang một sứ điệp cho con người. Nếu thỏ Pôlixa là hình ảnh của những ai biết hy sinh thân mình cho kẻ khác, thì “Con Chiên” trong Tin Mừng hôm nay chính là hiện thân của Đấng đã hiến thân vì nhân loại. Đó là Đức Giêsu Kitô mà Gioan đã giới thiệu với các môn đệ của ông: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29).
Chỉ có Con Chiên thanh sạch, hiền lành, bị sát tế không một lời thở than, mới đền thay được tội lỗi.
Chỉ có Đấng vô tội mới có thể chết thay cho các tội nhân.
Chỉ có Phép rửa trong Thánh Thần, chính là Máu Đức Giêsu mới có thể tẩy xóa tội lỗi và ban ơn thánh hóa.
Qua lời chứng của Goan Tẩy giả, Giáo hội mời gọi chúng ta yêu mến và đền đáp công ơn cứu chuộc của Đức Giêsu. Đồng thời, cũng kêu gọi chúng ta hãy đi làm nhân chứng cho Người.
Tình yêu đáp lại tình yêu, ân tình đền đáp ân tình, đó là qui luật cơ bản nhất của con người. Niềm tin của người tín hữu Kitô thiết yếu là sự đáp trả ân tình của Chúa.
Đáp trả ân tình của Chúa không chỉ là thiết tha yêu mến Người, mà còn là quyết tâm sống hiến thân như Người đã sống.
Đáp trả ân tình của Chúa không chỉ là nhìn nhận những ân huệ Người ban, mà còn luôn biết mở rộng lòng ra để sống quảng đại với anh em.
Đáp trả ân tình của Chúa không chỉ là biết yêu thương con người, mà còn là yêu thương không mong đền đáp, là cho đi không tính toán thiệt hơn.
Những người quảng đại đáp trả ân tình của Chúa cũng là những chứng nhân. Làm chứng cho Đức Giêsu là để cho Người nói năng và hành động qua chúng ta. Làm chứng cho Đức Giêsu là để cho Người dùng cuộc sống chúng ta để tha thứ và yêu thương. Làm chứng cho Đức Giêsu là để cho Người mượn con người của chúng ta để tiếp tục hiến thân cho nhân loại.
18. Ngài thật là Con Thiên Chúa
Có một người là Giêsu người Nagiarét đi về phía chúng ta. Và Gioan Tẩy Giả lôi kéo sự tò mò của chúng ta. - Người này đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi.
Làm sao không nghĩ đến đoạn mở đầu? “Ban đầu đã có Ngôi Lời”. Thật là mầu nhiệm! Một người nói về một người khác: Ngài đến sau tôi nhưng đã có trước tôi. Gioan Tẩy Giả thú nhận dứt khoát: “Tôi không biết Ngài”. Và mặc dầu Chúa Giêsu là em họ ông.
Chúng ta cũng thế, cho đến cuối đời chúng ta sẽ phải nói: tôi không biết Ngài. Đây là một điều gì đó của mầu nhiệm Nhập Thể, tức Ngôi Lời làm người, sẽ luôn luôn thoát khỏi chúng ta. Nhưng Tin Mừng được trao ban cho chúng ta để chúng ta nhận biết Chúa Giêsu Kitô để nhờ đó chúng ta được sống cuộc sống vĩnh cửu, nghĩa là cuộc sống thật sự, chính là nhận biết Thiên Chúa trong khi nhận biết Chúa Giêsu Kitô (Ga 17,3). Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta tiếp xúc lần đầu tiên bằng mệnh từ khá làm cho chúng ta bối rối: “Đây là Chiên của Thiên Chúa”. Đây không phải là ngôn ngữ của chúng ta và chúng ta có nguy cơ lặp lại điều này một cách máy móc: thế thì chúng ta nói gì về Chúa Giêsu? Vô tội, hiền lành chăng? Phải, nhưng máu và vinh quang nữa. Vô tội, Ngài đã gánh lấy tội lỗi của muôn người và giải thoát chúng ta khỏi sức nặng đè bẹp các cuộc đời. “Chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian”.
Thật là một xác thực kỳ lạ! Một trong những sự xác thực làm chúng ta bừng lên niềm vui nhận biết Chúa Giêsu và tin vào Ngài. Nhờ chiên này mà người ta có thể tránh được tội lỗi. Tội lỗi sẽ luôn luôn tồn tại, đó là bóng tối của tự do của chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu có thể luôn luôn nâng đỡ chúng ta, sự cứu độ hiện diện ở trong cái luôn luôn này. Tội lỗi là một mối nguy, một sự cố trên đường đi, chứ không bao giờ là sự chết chóc, không bao giờ là ngục tù, chúng ta không thể phạm tội mà không được tha thứ bao lâu chúng ta tin tưởng rằng Chúa Giêsu, Chiên vô tội và quyền năng, xóa bỏ tội lỗi.
Quyền năng sao? Đây là tiếng nhiệm mầu biết bao nói lên đều đó: “Ngài có trước tôi”. Ngài có trước Gioan Tẩy Giả, Ngài có trước mọi người. Ngài là Đấng đang có, đã có và đang đến. Đây là nhũng tiếng dùng để giới hạn Đấng vô cùng: “Tôi đã thấy Thánh Thần ngự xuống trên Ngài và tôi làm chứng: Đây là Con Thiên Chúa”.
Một ngày kia, đã có một người tiến về phía những người khác và con người đó là Thiên Chúa.
Đứng trước một điều khẳng định này đi qua mà không đốt cháy trái tim và cuộc đời của họ. Họ tiếp tục sống bên ngoài Chúa Giêsu. Họ đã đọc Tin Mừng, nhưng họ đã không gặp được Chúa Giêsu.
Có những người đã thực sự găp Ngài và họ mong ước sống trong tình yêu mãnh liệt với Ngài. Họ đọc nhiều, họ tìm kiếm sự gặp gỡ Chúa trong việc suy niệm Tin Mừng và trong bài giảng, họ nói “Lạy Chúa! Lạy Chúa!”. Nhưng họ vẫn mù loà và bất động trước sự dấn thân của anh em, ít ý thức về nhiệm vụ của con người, không can đảm lắm trong những bất trắc. Khi họ tuyên bố Chúa Giêsu là Thiên Chúa thì họ chỉ làm trò cười mà thôi: ‘Nhìn vào cuộc sống của ngươi, người ta thấy Chúa Giêsu của ngươi là Thiên Chúa ở đâu?’.
Cũng có những người vĩ đại. Họ nói tương tự như trên: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con”, nhưng họ sống với Chúa Kitô một cuộc đời đầy việc kỳ diệu. Họ rất thân tình, vững mạnh và khiêm hạ khi gánh nặng quá sức họ. Cuộc sống của họ là một kinh nghiệm về Chúa Giêsu. Đối với họ, Ngài mới thật là Con Thiên Chúa.
Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Gioan lại giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, “Đấng xoá tội trần gian”? Ý nghĩa sâu xa của những từ ngữ đó thế nào?
2. Vai trò của Gioan Tẩy Giả đối với Đức Giêsu như thế nào? Tư cách của ông có xứng với vai trò hay sứ mạng của ông không? Tư cách ấy là gì?
3. Qua tư cách và hành động của Gioan, bạn có thể rút ra kết luận gì cho cuộc đời ngôn sứ của bạn? (nên nhớ mỗi Kitô hữu phải là một ngôn sứ!)
Suy niệm
1. Lời giới thiệu đầu tiên của Gioan về Đức Giêsu
Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai của Ngài bằng nghi thức sám hối thay cho cả nhân loại qua phép rửa của Gioan, và kết thúc cuộc đời công khai của Ngài bằng nghi thức đền tội thay cho cả nhân loại qua cái chết thê thảm trên thập giá. Và hôm nay, ít ngày sau khi Gioan rửa tội cho Đức Giêsu, ông liền giới thiệu cho dân chúng biết Ngài là ai, và một phần nào báo trước cái chết của Ngài: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian!”. Muốn hiểu hết ý nghĩa lời giới thiệu ấy, ta cần biết tập tục sau đây của người Do Thái:
Theo truyền thống Do Thái trong sách Xuất Hành (Xh 29,38-42), thì mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối, các tư tế trong đền thờ phải sát tế mỗi buổi một con chiên nhỏ cỡ một tuổi làm của lễ toàn thiêu để đền tội thay cho dân chúng. Như vậy tội lỗi của cả dân chúng mỗi buổi đều đổ hết lên đầu con chiên, và con chiên gánh tội ấy phải chết để đền tội thay cho dân chúng, hầu dân chúng được khỏi tội trước Thiên Chúa. Tội lỗi của dân chúng đối với Thiên Chúa đáng lẽ phải trả giá bằng sinh mạng của chính con người, nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận để con chiên chết thay con người. Đức Giêsu đã trở thành chiên hy sinh như thế: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7)
Lời giới thiệu của Gioan còn ngầm nói lên bản tính Thiên Chúa của Đức Giêsu: “Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”. Theo lời thiên thần nói khi truyền tin cho Đức Ma-ri-a, ta biết khi Đức Ma-ri-a thụ thai thì bà Ê-li-sa-bét, đã có thai Gioan được 6 tháng (x. Lc 1,36b). Nghĩa là xét về mặt thể chất, Gioan đã ra đời trước Đức Giêsu nửa năm. Nhưng Gioan lại giới thiệu Đức Giêsu là Đấng “có trước” mình. Như vậy từ ngữ “có trước” ở đây không thể hiểu theo nghĩa thể chất, mà phải theo nghĩa tâm linh, nghĩa là ông ám chỉ nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu.
2. Gioan, người dọn đường cho Đức Giêsu
Để chuẩn bị xa cho việc Đức Giêsu đến với nhân loại, Thiên Chúa đã nhờ các ngôn sứ tiên báo biến cố ấy hàng mấy trăm năm trước, bằng cách này hay cách khác. Để chuẩn bị gần, Ngài dùng một người tiền hô, có nhiệm vụ dọn đường và giới thiệu. Người đó là Gioan Tẩy Giả.
Gioan là bà con với Đức Giêsu, vì mẹ của ông Gioan là chị họ của Đức Giêsu (x. Lc 1,35a). Vì thế, chắc chắn ông Gioan và Đức Giêsu đã quen biết nhau, nhưng Gioan không biết hoặc biết không chắc chắn Giêsu là Đấng Thiên Sai. Chỉ khi Đức Giêsu đến với ông xin chịu phép rửa và sau đó có những dấu chứng từ trời cao, ông mới biết điều đó cách chính xác. Vì chính Thiên Chúa đã báo trước cho ông điều ấy: “Chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần"“. Khi đã biết đích xác Đức Giêsu là ai, Gioan bắt đầu làm chứng về Ngài.
3. Những ngôn sứ của Thiên Chúa
Câu Kinh Thánh vừa trưng dẫn cho ta thấy: những người làm ngôn sứ trong các thời đại, luôn luôn có sự giao tiếp với Thiên Chúa, và được chính Thiên Chúa kêu gọi, sai phái, không nhất thiết phải qua một trung gian người nào (xem Is 6,1-12; Gr 1,5-19). Lời kêu gọi đó có những trường hợp khó có thể chối từ như trường hợp của ngôn sứ Gio-na (x. Gn 1,1-2,11). Các ngôn sứ cũng được Ngài soi sáng, cho biết hết kế hoạch của Ngài (x. Am 3,7), được Ngài hướng dẫn cụ thể những việc phải làm (rất nhiều câu bàng bạc trong các sách ngôn sứ chứng tỏ điều ấy). Nhờ sự rõ ràng đó, các ngôn sứ mới tin tưởng vào sứ mệnh và lời chứng của mình, và lời chứng của họ mới có sức mạnh thuyết phục. Nếu không, lời chứng của họ chỉ là những xác quyết thiếu căn cứ, dựa trên những tin tưởng rất chủ quan, hoặc chỉ là những lời tuyên xưng xuông (không thực tín). Nếu chỉ dựa trên những tin tưởng chủ quan, không dựa trên những nền tảng chắc chắn mà lại dám lấy cả mạng sống mình để làm chứng thì thật là ngu dại, thậm chí có thể khiến những kẻ nghe mình đi vào sai lầm trầm trọng.
Tương tự như Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả, các ngôn sứ thường không thuộc hàng chức sắc trong tôn giáo. Nhiều trường hợp, các ngôn sứ còn lên tiếng quở trách, kết án, chỉ dẫn và sửa sai chẳng những hàng chức sắc này (x. Is 56,10-12; Gr 23,1-4; Ed 34,1-31; 44,15-31; Hs 4,4-10; 5,1; đặc biệt Mt 23,13-32), mà cả vua chúa quan quyền nữa (x. Is 10,1-3; 10,5.12; 14,24-27, đặc biệt Mt 14,4). Điều này chứng tỏ không phải cứ thuộc hàng chức sắc trong tôn giáo thì ngoại trừ bề trên mình là chức sắc cao cấp hơn, không còn ai có quyền chỉ dạy hay sửa sai mình.
Và đã là ngôn sứ thật, thì phải dám nói lên tiếng nói của chân lý, công lý và tình thương, đồng thời dám chịu đau khổ và dám chết vì lời chứng của mình giống như Gioan. Đó là đặc điểm không thể thiếu của những ngôn sứ thật đến từ Thiên Chúa. Người vì sợ liên lụy đến bản thân nên không dám bênh vực cho Thiên Chúa và tha nhân, cho chân lý, công lý và tình thương, thì chắc chắn không phải là ngôn sứ thật, dù họ có mang danh là đại ngôn sứ đi chăng nữa! Đó là dấu chứng chắc chắn để phân biệt thật giả. Và cũng chính vì yếu tố đặc trưng này mà luôn luôn số phận của các ngôn sứ thật là bị “ném đá” và bạc đãi, còn ngôn sứ giả thì được ưu đãi, trọng vọng, được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi do những thế lực phản công lý dành cho để thưởng công cho sự im lặng rất lợi hại của họ (xem Lc 6,22.26).
4. Ngôn sứ phải sống vì Thiên Chúa và tha nhân, không vì mình
Trong cách giới thiệu của Gioan về Đức Giêsu, ta thấy ông luôn luôn làm cho Đức Giêsu nổi bật lên, đồng thời tự làm cho mình lu mờ đi: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3,30). Chẳng hạn: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”, “Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người” (Ga 3,28), “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,27). “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi” (Mt 3,11), “Tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,8). Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, Gioan rút lui vào bóng tối, để Đức Giêsu đóng trọn vẹn vai trò của Ngài.
Đây cũng là một dấu chứng của ngôn sứ thật. Người ngôn sứ thật phải từ bỏ được chính “cái tôi” của mình, và thể hiện được tinh thần quên mình, tự hủy như Đức Giêsu (Pl 2,6-8). “Không làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình; không tìm lợi ích cho riêng mình, mà tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,3-4). Một người coi cái tôi của mình quá lớn chắc chắn không phải là ngôn sứ thật. Họ không thể sống vì Chúa, vì tha nhân được, mặc dù họ có thể tạo được cái vẻ như vậy: “có vẻ yêu Chúa, có vẻ yêu người”.
Rất nhiều người làm ngôn sứ, làm tông đồ, rao giảng Tin Mừng, làm nhiều việc lành phúc đức, bố thí một cách rộng rãi… nhưng không do lòng yêu mến Chúa hay tình thương đối với tha nhân thúc đẩy, mà do tính ham được tiếng khen, lời ca tụng, muốn nổi danh là đạo đức, là có lòng thương người, v.v… Họ đã dùng danh nghĩa Thiên Chúa để tạo nên danh thơm tiếng tốt cho mình, để có những cấp bậc cao sang trong Giáo Hội và xã hội. Tâm lý này đã được Đức Giêsu vạch mặt: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen” (Mt 6,1), Và thánh Phao-lô cho biết sự vô giá trị của những hành động như vậy: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3). Tính chất khoa trương, thích “phình to bản ngã” này, Đức Giêsu gọi là “men Pha-ri-siêu”: “Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả” (Lc 12,1, x. Mt 16,6.11; Mc 8,15). Là người Kitô hữu, là ngôn sứ, chúng ta cần phải tránh loại “men” rất khó tránh này.
Cầu nguyện
Lạy Cha, Đức Giêsu đã đến để thiết lập Giáo Hội, tức một dân tộc ngôn sứ cho Cha ở trần gian. Giáo Hội không chỉ có sứ mạng “tư tế” (thờ phượng Thiên Chúa), mà còn có sứ mạng “vương đế” (làm chủ bản thân, tập thể, ngoại cảnh, lịch sử), và sứ mạng “ngôn sứ” (làm chứng cho Thiên Chúa, cho chân lý, công lý và tình thương) nữa. Nhưng Giáo Hội đã làm tròn sứ mạng “ngôn sứ” ấy trước mặt các dân tộc chưa? Xin cho chính bản thân con, cũng như mọi Kitô hữu khác ý thức được sứ mạng “ngôn sứ” tức “làm chứng” của mình trong môi trường mình sống, trong xã hội và Giáo Hội, nhất là khi chân lý, công lý và tình thương bị coi thường, bị chà đạp. Xin cho con đức can đảm phải có của một ngôn sứ như Gioan Tẩy Giả, để con thực hiện tốt sứ mạng ngôn sứ của mình. Amen.
20. Chứng nhân Đức Kitô
Như chúng ta đã biết: ngay từ thời niên thiếu, Gioan tiền hô đã vào hoang địa, sống một cuộc sống khắc khổ, ăn châu chấu với mật ong rừng. Ông xuất hiện bên bờ sông Giócđan. Ông tiếp nhận mọi người, không phân biệt, không loại trừ, không sợ hãi. Ông trao ban phép rửa sám hối. Đây không phải là một bí tích, nhưng chỉ là một nghi thức chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Đấng Cứu Thế.
Với tất cả sự khiêm tốn, ông đã trả lời cho những kẻ đến hỏi ông là ai: - Tôi chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc: hãy dọn đường Chúa đến.
Khi được hỏi về vai trò và chỗ đứng của mình, ông đã xác quyết: - Phần tôi, tôi rửa trong nước, nhưng giữa các ông có một Đấng mà các ông không biết…Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Ngài.
Được chọn giữa muôn người để là sứ giả, làm tiền hô, kêu gọi mọi người dọn đường, tức là chuẩn bị tâm hồn đón nhận Đấng Cứu Thế, ông đã không huênh hoang tự đắc, trái lại luôn khiêm tốn ý thức vai trò và địa vị nhỏ bé của mình. Ông không bao giờ muốn giữ người khác lại cho riêng mình. Trái lại, ông đã thẳng thắn tuyên bố:
- Ngài cần phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.
Và rồi khi thấy Chúa Giêsu tiến đến với mình, ông đã long trọng giới thiệu Ngài với đám đông dân chúng:
- Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.
Khi long trọng giới thiệu như thế, ông làm cho chúng ta liên tưởng tới lời tiên báo của Isaia về một Đấng Cứu Thế đau khổ, Ngài giống như một con chiên bị dẫn tới lò sát sinh, hay như một con chiên không mở miệng kêu la khi bị xen lông.
Ba chữ “tội trần gian” có ý muốn nói tới tội chung của nhân loại, cũng như tội riêng của mỗi người chúng. Từ đó, vị tiền hô đã chỉ cho chúng ta thấy rõ khía cạnh đau khổ của Chúa Giêsu, và đó cũng là khía cạnh cao cả nhất của Ngài trong cuộc sống nơi dương thế.
Đúng vậy, Chúa Giêsu đến trong thế gian, không phải để chiếu tỏa vinh quang của Ngài, cũng không phải để nắm giữ một vai trò đầy quyền uy hầu chuộc lại tội lỗi chúng ta. Trái lại, Ngài đã cứu độ chúng ta, đã gỉa thoát chúng ta khỏi án phạt của tội lỗi bằng việc đổ máu, bằng hy lễ của thập giá.
Lời giới thiệu của Gioan tiền hô phải chăng đã gồm tóm toàn bộ sứ mạng của Chúa Giêsu nơi trần gian. Vì thế, Giáo hội cũng đã muốn lặp lại lời giới thiệu trang trọng này trên môi miện các linh mục, trước khi chúng ta lên rước lễ.
Bấy giờ, vị linh mục cầm lấy Mình Thánh, giơ lên trước cộng đoàn và nói:
- Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc chiên Thiên Chúa.
Trở lại với Gioan tiền hô, chúng ta thấy chính lúc cử hành nghi thức sám hối, ông đã được mạc khải và đã nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi.
Noi gương Gioan tiền hô, chúng ta cũng hãy dành cho Chúa Giêsu chỗ nhất trong trái tim cũng như trong cuộc sống của chúng ta.
Rồi sau đó, bằng lời rao giảng và nhất là bằng chứng tá của một cuộc sống ngập tràn tình bác ái yêu thương, chúng ta hãy giới thiệu khuôn mặt đích thực của Đức Kitô cho những người chung quanh, nhờ đó bản thân chúng ta sẽ trở nên những tiền hô, dọn đường Chúa đến, cũng như sẽ trở nên những chứng nhân cho Chúa giữa lòng cuộc đời.
Ngọn núi Mount Rushmore, tọa lạc trên những rặng đồi Black Hills của tiểu bang South Dakota, nổi tiếng vì có những bức điêu khắc khổng lồ khuôn mặt của bốn vị tổng thống Hoa Kỳ: George Washington, Thomas Jeffrson, Abraham Lincoln và Theodore Roosevelt. Mỗi bức tượng đầu người có chiều cao khoảng 18 mét, và toàn thể cấu trúc cao tới 1945 mét, trên mặt đất. Phải mất 14 năm để thực hiện công trình này. Khi được hỏi ông đã thực hiện công trình này như thế nào, điêu khắc gia Gutzon Borglum trả lời với một ánh mắt sáng ngời: “Ôi, những bức hình đó đã ở đấy 40 triệu năm nay rồi. Tất cả những điều tôi phải làm là cho nổ mìn 400.000 tấn đá để mọi người nhìn thấy chúng mà thôi”.
Chúng ta, là những người con cái của Thiên Chúa cũng đã hiện diện trong tâm trí Ngài từ ngàn đời. Từ đời đời, Ngài đã tạo nên chúng ta và cứu chuộc chúng ta qua Đức Giêsu Kitô.
William Barlay, nhà chú giải Thánh Kinh rất được ưa thích hiện nay, có lần đã nói rằng có hai ngày quan trọng nhất trong đời người: “Ngày chúng ta được sinh ra và ngày chúng ta khám phá ra tại sao chúng ta đã được sinh ra”.
Trong bài Phúc âm hôm nay, Gioan Tẩy Giả nói về ngày ông đã biết tại sao mình được sinh ra. Đó là khi: “Tôi đã nhìn thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Người… Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. Lý do Gioan được sinh ra là để loan báo và sửa soạn cho dân chúng đón nhận “Chiên con của Thiên Chúa xóa tội lỗi trần gian”.
“Như thế Gioan tỏ cho thấy Chúa Giêsu vừa là người Đầy Tớ Đau Khổ, im lặng, để người ta dẫn tới lò sát sinh gánh tội lỗi của nhiều người, vừa là chiên con của lễ Vượt Qua, biểu tượng của sự cứu chuộc của Israel… Tất cả cuộc đời của Chúa Kitô nói lên sứ mạng của Ngài: “Phục vụ và thí mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Con chiên là một con vật hiền lành được nuôi ở nông trại để xén lông làm áo len. Thịt nó rất thơm ngon. Con trừu khi còn nhỏ gọi là con chiên (lamb), lớn lên gọi là trừu hay cừu (sheep).
Con chiên, ngoài đặc tính cụ thể là cho len và thịt, nó còn tượng trưng cho sự hiền lành, thanh khiết và vô tội. Có lẽ vì những đặc tính này, qua một hình thức có tính cách biểu tượng, người ta đã đặt tội lỗi lên con chiên để hiến dâng cho Thiên Chúa như một lễ vật. Vào ngày lễ Vượt Qua, người Do Thái đã chọn một con chiên đực mang đi giết, ăn thịt chiên quay để tưởng nhớ cuộc giải phóng khỏi tình trạng nô lệ bên Ai Cập xưa kia.
Tại Werden nước Đức, có một con chiên bằng đá được đặt ngay trên nóc nhà thờ. Câu chuyện kể lại rằng, xưa kia có một ông thợ đang sửa lại mái nhà thờ. Thình lình sợi dây đai an toàn bị đứt, ông bị rơi ngã xuống đất. Khu vực phía dưới xung quanh nhà thờ chất đầy gạch đá. Nhưng may mắn cho ông, có một con chiên đi ăn cỏ, lạc vào khu vực nhà thờ. Ông đã rơi xuống ngay trên mình con chiên. Con chiên bị chết ngay tại chỗ, nhưng ông thợ đã sống sót. Sau đó người thợ này đã tạc một con chiên bằng đá, đặt trên mái nhà thờ để nhớ ơn con chiên đã cứu mạng sống của mình.
Giống như con chiên không những hiền lành, lại còn cung cấp món ăn ngon, Chúa Giêsu đã mang lấy tội lỗi của nhân loại, Ngài còn trở nên lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta qua bàn tiệc Thánh Thể.
Trích lại lời của Công đồng Vatican, sách Giáo lý Công giáo số 1323 nói rằng: “Trong bữa tiệc sau hết, đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Giáo Hội việc tưởng nhớ cái chết và sự sống lại của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt qua “trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tinh thần ta được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho ta, một vinh quang tương lai”.
Sách Khải Huyền của thánh Gioan còn diễn tả sự cử hành phụng vụ ở trên trời với một vị ngự trên ngai. Đó là Đức Chúa Trời. Rồi người ta thấy Chiên Con bị sát tế đứng đó: Đó là Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá và đã phục sinh. Ngài vừa là Đấng tế lễ, và bị hiến tế, là Đấng ban và được ban phát.
Mang hình ảnh của con chiên hiến tế, Chúa Giêsu Đấng được chỉ định phải đến để xóa tội trần gian và mang lại sự sống cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Vậy thái độ đáp trả của chúng ta là gì?
Con Chiên Thiên Chúa mang tội lỗi của chúng ta đi, với điều kiện chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ tội lỗi của mình ra để cho Ngài mang đi. Chiếc xe hốt rác sẽ không giúp ích gì được cho dân chúng nếu họ không chịu đem rác ra để ở nơi đã chỉ định. Đôi khi lấy tội lỗi ra khỏi chúng ta cũng giống như lấy đồ chơi ra khỏi trẻ con. Trẻ em thường không muốn vứt bỏ đồ chơi đi, nếu chưa chán. Nếu chúng ta đã quen vui vẻ thoải mái với tội lỗi đến nỗi nghĩ rằng mình không thể sống mà không có nó, cũng như trẻ con không thể sống mà không có đồ chơi, thì Đức Giêsu cũng không thể nào lấy tội lỗi đi cho chúng ta được! Chính chúng ta phải từ bỏ trước.
Các nhà đạo đức thường ví tình trạng tội lỗi như một vũng bùn sình lầy đen đũi, thối tha và dơ bẩn. Nhưng những con trâu lại thích đằm mình vào đó trong những buổi trưa hè nóng nực. Bởi nó mang lại sự mát mẻ và thoải mái. Sống trong tình trạng tội lỗi cũng như thế, chúng ta không muốn đứng lên từ bỏ vũng bùn tội lỗi mà cất bước ra đi, chỉ vì sợ mất khoái cảm thoải mái, cho dù biết rằng nó xấu xa tội lỗi. Bước khởi sự cho việc từ bỏ đàng tội lỗi là lòng ăn năn sám hối với sự hoán cải và đổi mới đời sống.
22. Gánh tội tha nhân- Lm. Phạm Quốc Hưng
"Này là Chiên của Thiên Chúa, Đấng khứ trừ tội của thế gian".
Trong Tin mừng hôm nay, Gioan Tiền Hô đã công khai giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người: "Này là Chiên của Thiên Chúa, Đấng khử trử tội của thế gian" (Ga 1:29). Với câu nói này, Gioan đã cùng một lúc chỉ ra hai thực tại lớn lao về Chúa Giêsu: Ngài là Chiên của Thiên Chúa và Ngài là Đấng khử trừ tội của thế gian.
Khi gọi Chúa Giêsu là "Chiên của Thiên Chúa", Gioan xác nhận sự vô tội và tinh tuyền thánh thiện của Chúa Giêsu.
Khi nói Chúa Giêsu là "Đấng khử trừ tội của thế gian", Gioan chỉ cho mọi người thấy Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu thế, Đấng Messia, là "tôi tớ đau khổ của Giavê" như tiên tri Isaia từng nói đến trong Cựu ước.
Hai thực tại này gắn liền với nhau nơi con người và sứ mạng của Chúa Giêsu. Chính vì là Con Chiên vô tội của Thiên Chúa Chúa Giêsu mới có thể khử trừ tội của thế gian. Như con chiên được dùng làm của lễ đền tội trong Cựu ước phải chịu sát tế, Chúa Giêsu cũng phải chịu đau khổ và chịu chết để trở nên của lễ hy sinh đền tội cho nhân loại. Con chiên hiến tế của Cựu ước chỉ là hình bóng và dấu hiệu của Chúa Giêsu là "Chiên Thiên Chúa", Đấng duy nhất thực sự khử trừ tội của con người, Đấng duy nhất đem lại ơn cứu độ, nghĩa là sự tha thứ tội lỗi.
Chúa Giêsu khử trừ tội của thế gian bằng cách gánh vào mình Người tội lỗi của tất cả nhân loại, từ tội của nguyên tổ Adong cho đến tội của người sau hết trong nhân loại. Với cuộc khổ nạn và cái chết đau thương tủi nhục trên thập giá, Người đã đền thay tội lỗi của tất cả nhân loại.
Nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, Thiên Chúa đã chỉ cho ta thấy ác quả kinh hoàng của tội lỗi vì nó dẫn đến sự đau khổ tột cùng và cái chết đau thương của Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, và tình yêu vô biên của Thiên Chúa khi chính Người đã chấp nhận chịu đau khổ để giải thoát ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và khỏi chết đời đời.
Câu chuyện sau sẽ giúp chúng ta hiểu biết sâu xa hơn về sự đau khổ kinh hoàng mà Chúa Giêsu phải chịu để chuộc tội cho chúng ta. Từ đó, chúng ta cảm nhận cách thấm thía hơn tình yêu vô biên của Người dành cho ta.
Một cô gái đang có người yêu bị một kẻ lạ mặt hãm hiếp và đã có thai. Cô khổ tâm vô cùng vì bị người yêu khước từ và gia đình ngờ vực. Cô đã đến gặp Đức Cha Fulton Sheen than thở với ngài và hỏi ngài: "Tại sao con phải ra nông nỗi này?" Sau khi lắng nghe với tất cả sự cảm thông, Đức Cha ôn tồn trả lời cô gái: "Vì chị đã phải gánh tội của một người".
Rồi Đức Cha Sheen kết luận: Nếu chỉ vì phải gánh tội của một người mà cô giái kia phải đau khổ buồn sầu như thế, thì khi phải gánh chịu tội của cả nhân loại Chúa Giêsu đã phải chịu đau khổ buồn sầu biết chừng nào!
Là những người Kitô hữu, chúng ta chẳng những được mời gọi để hưởng ơn cứu độ của Chúa Cứu thế nhưng còn được kêu mời để trở nên những "Chúa Cứu thế khác". Đức Cha Fulton Sheen nói rằng chúng ta được cứu chuộc bằng cách trở nên những con người cứu chuộc. Điều này như một sự lập lại lời Chúa Giêsu khi Người dạy chúng ta đọc kinh Lạy Cha "Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".
Thế giới hôm nay phải đau khổ trăm chiều vì con người càng sa đoạ, càng lún sâu vào vũng bùn tội lỗi. Làm thế nào để khử trừ hay ít ra là làm giảm bớt tội lỗi trên thế giới hôm nay?
Chắc chắn không có cách nào tốt hơn, hoàn hảo hơn đường lối Chúa Giêsu đã thực hiện để trở nên "Đấng khử trừ tội của thế gian."
Để đi theo đường lối của Chúa Giêsu, trước hết chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu là "Chiên của Thiên Chúa" qua việc cố gắng sống thánh thiện và xa lánh mọi tội lỗi. Kế đến, chúng ta phải nổ lực trở nên giống Ngài là "Đấng khữ trừ tội lỗi của thế gian" bằng cách vui nhận những khó khăn, đau khổ, thử thách trong cuộc sống để kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu và cầu nguyện xin Chúa tha thứ tội lỗi cho tha nhân, nhất là những người đang làm ta đau khổ cách này hay cách khác.
Bao lâu chúng ta chưa biết xa lánh tội lỗi, chưa biết nhìn nhận trách nhiệm về tội lỗi của chính mình, chưa biết noi gương Chúa Giêsu quảng đại tha thứ cho những người xúc phạm đến mình, chưa dấn thân lãnh lấy trách nhiệm đền tội thay cho tha nhân, bấy lâu chúng ta chưa phải là những người tín hữu đích thực của Chúa Kitô.
Trong mỗi Thánh lễ, trước khi hiệp lễ, chúng ta cầu xin với Chúa Giêsu bằng lời nguyện "Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con." Liền sau lời nguyện đó, linh mục chủ tế cũng giới thiệu Chúa Giêsu Thánh thể cho chúng ta bằng những lời như Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu với dân chúng năm xưa: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian..." Lúc ấy, chúng ta hãy sốt sắng hiệp cùng Mẹ Maria nài xin Chúa Giêsu Thánh Thể mà ta sẽ rước vào lòng cho ta biết kết hợp mật thiết với Người, để nhờ Người và trong Người ta sẽ sống như những con chiên đích thực của Chúa, những con người biết sống yêu thương tha thứ và hiệp nhất trọn vẹn với tha nhân.
Ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình...
Như ba Tin Mừng nhất lãm, Tin Mừng của Gioan mở đầu sứ vụ của Đức Giêsu bằng sứ vụ của Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Giođan. Những, như những Thánh sử khác, và còn hơn thế, Gioan khởi đi từ sự kiện lịch sử này (xảy ra khoảng năm 27) để cho chúng ta một suy tư thần học (mà ngài có thời gian nghiền ngẫm đến chín muồi đến khoảng năm 95 lúc biên soạn).
Gioan không mô tả "phép rửa" của Đức Giêsu, ngài chỉ dùng một từ để gợi ra ý đó." Gioan không nói rộng việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả kêu gọi hoán cải. Sau phần lời tựa (Ga 1,1-18) là một thứ thi ca về Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, Gioan "xây dựng" một thứ "tuần lễ đầu tiên" của Đức Giêsu, nhắc lại tuần lễ cao trọng đầu tiên của việc Sáng Thế: ngày đầu tiên (Ga 1,19): chứng từ tiêu cực của Gioan Tẩy Giả: tôi không Phải là Đấng Kitô... nhưng kìa người đến ở giữa các ông". ngày thứ hai (Ga 1,29): chứng từ tích cực của Gioan Tẩy Giả đây là một đoạn Tin Mừng chúng ta đọc hôm nay. Ngày thứ ba (Ga 1,35): theo sự chỉ dần của Gioan Tẩy Giả, bốn môn đệ của ông đi theo Đức Giêsu. Ngày thứ tư (Ga 1,43): ơn gọi của Philípphê. Và của Na-tha-na-en. Ngày thứ bảy (Ga 2,1): "Ba ngày sau những cảnh diễn ra ở bờ ông Giođan gần với Gioan Tẩy Giả, có tiệc cưới ở Cana miền Galilê và Mẹ Đức Giêsu cũng ở đó, và Đức Giêsu cũng được mời các môn đệ" "Dấu chỉ" đầu tiên!
Trong suốt tuần lễ khai mạc này, và chắc chắn không phải bởi sự ngẫu nhiên, Gioan tích lũy những "tước hiệu” thần học mà những Tin Mừng khác tiết lộ tuần tự sau này.
Qua lởi tựa, Gioan đã tức khắc kéo chúng ta lên đỉnh cao. Đức Giêsu là "Ngôi Lời đã trở thành người phàm" (Ga 1,1-2-14) "Ánh sáng của thế gian” (Ga 1,4-9) "Con Một của Thiên Chúa Cha mà không một ai đã thấy bao giờ” (Ga 1,14-18) "Chiên Thiên Chúa" (Ga 1,29-36) “Đấng có trước" (Ga 1,15-30) "Con của Thiên Chúa có Thần Khí từ trời xuống và ngự trên Người" (Ga 1, 32.33.34) “Thầy hay Rápbi” (Gioan 1,38-49) "Đấng Mêsia hay Kitô" (Ga 1,41) "Đức Giêsu Nagiarét con ông Giuse" (Ga 1,45) "Đấng mà Luật pháp vàcác Ngôn sứ đã nói" (Ga 1,45) "Con Thiên Chúa và Vua Israel" (Ga 1,49); và sau hết là Con Người (Ga 1,51). Bản văn rữc rỡ này, hoàn toàn đốt mọi giai đoạn mà các môn đệ phải từ từ khám phá ra căn tính của Đức Giêsu; nó báo cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể giữ mãi một cách đọc và lý giải nông cạn và có tính giai thoại.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con vượt qua những vẻ bề ngoài. Biết bao lần, chúng ta không biết nhìn những người sống với chúng ta, và khư khư với những sự đánh giá mặt ngoài.
Rất nhiều người vào thời Đức Giêsu. đã không hiểu Người là ai. Vậy chúng ta hãy lắng nghe những chứng từ của Gioan Tẩy Giả kèm theo một loại "phát xạ" bổ sung mà Gioan nhà thần học và là chứng nhân đã đưa vào bằng sự suy niệm lâu dài của ngài. Bởi vì lúc đó, Gioan Thánh sử cũng có mặt trên bờ sông Giođan ấy.
Ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.
"Đây là" không chỉ là môt tiếng bình thường, một từ dùng để chỉ. Từ gốc Do Thái " in neh" hoặc "zeh" là một từ ngữ Kinh Thánh rất thường gặp để chỉ "một mặc khải", bắt người ta phải tin: Chúng ta không trông mong gì, nhưng rồi đây là "Này (Đây là) trinh nữ sẽ thụ thai" (Is 7,14). "Đây là Môsê, chúng ta không biết điều đã xảy đến với ông" (Xh 32,1). "Đây là người sẽ nắm quyền trên dân Ta" (1 Sm 9,17).
“Chiên Thiên Chúa" "Đấng xóa bỏ tội trần gian"
"Chiên"! "Tội"! Hai tiếng ấy không đi vào trong những phạm trù trí tuệ của con người hiện đại hậu công nghiệp. Những từ mà chúng ta lặp lại và ca hát nhiều lần ở mỗi thánh lễ. Tuy nhiên, đó là những từ "phát xạ" nếu như chúng ta biết nhận ra sự tỏa sáng của chúng. Những từ dùng để tuyên xưng đức tin của các cộng đoàn đầu tiên.
Những từ chứa đựng cả một nền thần học cả một quan điểm về lịch sử và về con người. Những từ mà người ta không thể chỉ lấy ý nghĩa ngây thơ của chúng: sự hiền lành, yếu đuối và âu yếm của con chiên nhỏ. Những từ ấy chỉ có thể hiểu được trong sự sâu sắc của Kinh Thánh, bằng việc chấp nhận nền văn hóa mà những từ ấy chuyển chở. Chúng ta hãy thử để cho mình được "chiếu xạ" bởi sức chứa nóng bỏng của chúng, nhưng vẫn luôn ở trong hiện tại.
Đối với các thính giả Do Thái, sự ám chỉ về "chiên” xuất hiện rõ ràng ở đền thờ Giêrusalem, mỗi ngày, người ta hiến sinh một con chiên để thanh tẩy tội lỗi của dân. Với máu của một con chiên vượt qua bị cắt cổ vào mùa xuân khi sự sống hồi sinh sau mùa đông, người ta bôi máu đó lên cửa nhà; để nhớ lại kỷ niệm bồn chồn của ngày giải phóng khỏi sự áp bức của Ai Cập (Xh 12). Theo sau Giêrêmi, các ngôn sứ đã so sánh Israel bị lưu đầy với chiên con vô tội để người ta đem đi sát tế mà không mở miệng nói một lời nào (Is 53,7; Gr 11,19). Các giáo trưởng đã giới thiệu Đấng Mêsia sẽ đến như một con cừu đực vinh quang, với cặp sừng mạnh mẽ, sẽ quật ngã những kẻ thù của Thiên Chúa. Phải chăng chúng ta không còn có những chuồng chiên dịu dàng. Chúng ta bị chìm ngập trong tính thời sự khắp nơi. Bạo lực, đàn áp đủ loại. Mọi thời đại và thời đại của chúng ta cũng thế, niềm hy vọng giải phóng luôn chỗi dậy: NGÀY HÔM NAY. Khoa học tiến bộ kỹ thuật, những cuộc đấu tranh xã hội và chính trị được đẩy tới mức huyền thoại hóa những lãnh tụ đấu tranh thành những người cứu độ. Than ôi! Những cuộc cách mạng, khi đã hoàn thành thường chỉ là đổi chỗ những bất công và những sự chuyên chế áp bức. Và con người vẫn còn mãi đói khát một sự giải phóng, một sự cứu độ triệt để.
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian". Cơ cấu áp bức bên ngoài chỉ là sự biểu hiện một sức mạnh khác ở nội tâm: cái xấu, ác ở bên trong; trong tôi, trong bạn, trong họ. Tôi ở đây là danh từ dùng ở số ít, không phải là chuyện nhỏ mà phải hiểu là toàn thể! Đức Giêsu sẽ gánh lấy, và làm biến mất toàn thể tội lỗi của thế gian trong một cuộc chiến đấu đẫm máu, Người sẽ đổ hết máu mình làm vật hiến tế trước những tay đao phủ. Đức Giêsu, Cứu Chúa của chúng ta! Đấng cất bỏ tội lỗi. Ơ đây Thánh Gioan dùng một từ ngữ Hy Lạp có nghĩa kép mà thánh sử thích dùng cả hai: “airein”, vừa có nghĩa “gánh vác, lãnh nhận” vừa có nghĩa “cất đi, lấy đi làm biến mất” Đức Giêsu không phát triển công cuộc giải phóng bằng cuộc chiến đấu bên ngoài theo kiểu “đội đặc công” trả đũa áp bức bằng bạo lực; nhưng bằng cách lãnh nhận trên chính người, bằng cách chịu đựng trong sự liên đới với mọi người bị áp bức của thế giới.
Bạn hỡi! khi bạn hát đến những lời này trong thánh lễ, bạn hãy để cho những lời ấy làm bạn tỏa sáng, mà chớ dừng lại ở bề mặt các từ ngữ và cử chỉ. Đồng thời, nếu bạn làm một cử chỉ chúc bình an hãy nghĩ đến sự súc tích của cử chỉ ấy: Sự hòa giải chân thật, tình huynh đệ chân thật tình yêu thương chân thật với người đối diện. Mọi nỗ lực hiểu biết người khác không ở trong tầm tay của bạn, dù khi bạn luôn giơ tay mình ra. Đó là một ơn mà bạn phải nhận từ Thiên Chúa và mọi nỗ lực của bạn tuy cần thiết cũng không thể kiến tạo sự hiểu biết ấy. Bạn hãy mở bàn tay bạn ra. Bạn hãy nhận lấy Mình Chúa bi nộp vì bạn. Bạn hãy tiếp nhận Golgotha vào lòng bạn.
Chính Người là Đấng mà tôi đã nói tới khi bảo rằng: "Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người. Nhưng để Người được tỏ ra cho dân Israel. tôi đến để làm phép rửa trong nước".
Về mặt lịch sử và con người, Gioan Tẩy Giả đã được thụ thai và sinh ra trước Đức Giêsu. Nhưng phải vượt qua những vẻ bề ngoài, những sự hiển nhiên duy lý. Đức Giêsu đến từ nơi khác. Nếu Người có thể “cứu chúng ta một cách triệt để, bởi vì Người hơn một con người. Lấy lại sự suy niệm của lời tựa, Gioan nói lại với chúng ta sự có trước của Ngôi Lời. "Nhờ Người, vạn vật được tạo thành", được Chúa Cha sinh ra từ thuở đời đời. Đức Giêsu thực hiện lại hành động Sáng Thế. Vũ trụ, bị tội lỗi làm hư hỏng, bị bao lực làm tổn thương, bị sự không có tình yêu làm cho nhiễm độc; sẽ được "tái tạo" toàn bộ, từ đầu đến cuối: Đó là “tuần lễ đầu tiên" của sự canh tân. "Tôi đã không biết Người" Gioan Tẩy Giả nói. Tuy nhiên đó là em họ của ông. Chúng ta không biết Đức Giêsu chừng nào chúng ta vẫn còn ở lại trên bình diện con người.
Ông Gioan còn làm chứng: tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuồng và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần".
Đàng sau vẻ bề ngoài tầm thường của con người Nagiarét, Cả một mầu nhiệm được che giấu. Người được xức dầu, thánh hiến, được thấm nhuần. Thần Khí của Thiên Chúa xuống trên Người và ở lại trong Người! Sự hiện diện không ai biết. được che giấu. Tôi đã không biết Người. "Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng đón nhận" (Ga 1,5-10). Đôi khi chúng ta thường nghĩ rằng mình biết Đức Giêsu, thật ra chúng ta không bao giờ hết chấm phá ra Người. Chúng ta phải hoàn toàn nhỏ bé, nghèo khó, hoàn toàn mở ra cho sự mạc khải.
Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.
Một vài thủ bản cho bản văn mà các nhà chú giải thấy đúng hơn và bản dịch tiếng Việt theo bản văn đó: “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" thay vì "Con Thiên Chúa". Cách diễn tả này tương đương với "Người yêu dấu” "Con yêu dấu” "Con Một"; ám chỉ đến các bài thơ của Người Tôi Tớ mà chúng ta đọc hôm nay và Chúa nhật vừa qua trong bài đọc một (Is 42,1 - 49,5).
Bạn hỡi, vào lúc mà con yêu dấu bắt tay thực hiện một sự sáng thế mới, giải thoát mọi người khỏi tội lỗi đã bắt sự sáng thế đầu tiên phải hàng phục, lúc ấy bạn sẽ để cho mình được tái tạo. Phải chăng bạn sẽ chấp nhận Đức Kitô tái tạo bạn. Bạn sẽ chấp nhận phép rửa và sự nhúng chìm mình trong Chúa Thánh Thần, bạn sẽ để mình đổi mới từ bên trong; bạn sẽ để mình được nhân bản hóa đến cùng trong sự "tham dự vào bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Ngày nay, hai thanh niên gặp nhau đó là Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu. Một thế giới mới bắt đầu; một thế giới của tình yêu thương.
Nguồn: gpcantho.com