Trí thông minh nhân tạo, nhà văn C.S. Lewis và mối nguy hiểm của các nhà tiên tri nhân tạo

Chủ nhật - 20/10/2024 03:22  88

Trí thông minh nhân tạo, nhà văn C.S. Lewis và mối nguy hiểm của các nhà tiên tri nhân tạo

americamagazine.org, Colm O’Shea, 2024-10-11

Nhà văn C.S. Lewis (1898-1963)

Trong số nhiều điều tôi phải cám ơn YouTube YouTube giúp tôi đào sâu các tác phẩm của các nhà văn, các nhà tư tưởng tôi ngưỡng mộ bất cứ lúc nào khi tôi tập thể dục, khi tôi làm bếp. Từ một năm nay, tôi khám phá lại nhà văn C.S. Lewis, tác giả bộ truyện Narnia làm tôi mê mẩn khi còn nhỏ. Tôi mê các yếu tố ma quỷ trong thế giới của ông, các nhân vật huyền thoại của ông. Bây giờ tôi khám phá ra tác phẩm của ông có một cái gì đó phù hợp với tuổi trung niên của tôi: cái nhìn thoáng qua về một thực tại cao hơn.

YouTube là kho tàng các bản ghi âm của chính tác giả đọc tác phẩm của mình. Âm thanh giọng nói của ông cho tôi cảm giác tôi biết cá nhân ông, tin tưởng ông như người lớn tuổi. Vài tuần trước, YouTube phát bản ghi âm tôi chưa từng nghe có tựa đề “Học cách hành động như thể không có gì làm phiền bạn”.

Tôi nhấn nút và nghe giọng nói quen thuộc của ông, một pha trộn kỳ lạ giữa sự tách biệt của người giáo sư và sự ấm áp của một nhân cách mà tôi cho là chỉ có ở ông. Tuy nhiên, sau vài giây, tôi nhận ra giọng nói này đã dùng những thuật ngữ mà C.S. Lewis sẽ không bao giờ dùng – những cụm từ như “thảm họa hóa”, “để ý đến lời tự nói của bạn”, “định hình lại tình huống theo cách trung lập hơn”. Nó ủng hộ những ý tưởng mà ông sẽ không bao giờ tán thành với ngôn ngữ rỗng tuếch của sự tự lực đương đại, tự thỏa mãn bản ngã. Từ “ân sủng” được nhắc nhiều lần, nhưng theo nghĩa hoàn toàn thế tục và sáo rỗng của “ân sủng dưới áp lực”, một thứ ngạo mạn cho rằng mình kiên cường và độc lập, và có thể tự sức mình làm được mọi chuyện.

Bản ghi âm này là một deepfake (video giả mạo) do A.I. tạo ra. Trên thực tế, nó khá vô hại, tầm thường nhưng không xấu. Nhưng khi nghe một bài chắc chắn không phải của ông, tôi có cảm giác mình bị phản bội. Trong phần bình luận, phản hồi được đánh giá cao nhất là: “Tôi cô đơn, tôi không có ai để nói chuyện ngoài những chú chó của tôi và chính tôi… Tôi dựa vào những lời như thế này để giữ cho tâm trí tôi được thoải mái.”

Thế giới luôn có những tiên tri giả, nhưng bây giờ chúng ta có tiên tri nhân tạo. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta không nên ngạc nhiên: chi phí sản xuất video bằng A.I. không bao nhiêu, việc khai thác danh tiếng của một “thương hiệu” nổi tiếng như Lewis là một cách chắc chắn để có được lượt nhấp và lợi nhuận. Có thể có một cơn sóng thần “nội dung tâm linh” do A.I. tạo ra đang hướng đến chúng ta. Nhưng dù có thể lường trước được, tôi vẫn thấy lo lắng. Vì sao? Điều gì làm cho nhà tiên tri nhân tạo trở thành một viễn cảnh đáng sợ?

Tạo chỗ cho bí ẩn

Đối với các khía cạnh cơ học hơn của đức tin và giữ đạo, thật dễ dàng để thấy cách A.I. là phù hợp. Trong bối cảnh thiếu hụt linh mục, Justin, một chatbot có kiến thức về giáo lý sẽ rất hữu ích. Cũng có điều gì đó cần nói về SanTO, robot công giáo đầu tiên, ngoài việc trả lời các câu hỏi về giáo lý, robot còn lần chuỗi Mân Côi, được triển khai để giúp những người hấp hối cầu nguyện tại một bệnh viện ở Đức.

Nhưng tổng thể đức tin gồm nhiều thứ vượt qua kiến thức và logic. Đức tin cho chúng ta một nơi chốn bí ẩn, nghi thức và tất cả những gì mà lời nói không thể chứa đựng. Và đó cũng là nơi mà một hình thức trí thông minh bắt chước và khai thác dữ liệu thường xuất hiện một cách đáng buồn. Trước khi bị thế tục hóa, Justin, chatbot công giáo được gọi là “Cha Justin”, một linh mục ảo; có lẽ được đào tạo dựa trên các văn bản do các linh mục thật viết, A.I. cho rằng robot có thể tha tội và làm những việc mà người bình thường không làm được.

Tại sao một con người lại đi tìm một người khác hành động thay cho Chúa qua thẩm quyền Chúa Giêsu Kitô (là Thiên Chúa đã nhập thể) và nói lớn tiếng những điều làm lương tâm họ bối rối, để đổi mới mối quan hệ của họ với nền tảng tối hậu của sự tồn tại sao? Đó là vấn đề được đặt ra.

Dù có một sự không phù hợp buồn cười ở đây nhưng tôi không loại nguy cơ  “A.I. về mặt tinh thần” được xem trọng như một quy mô lớn, đặc biệt khi xét đến vấn đề sâu xa là tình trạng con người ở thế kỷ 21 bây giờ xa lánh những gì là thiêng liêng. Kết hợp các chiến công mà A.I. đang có hoặc sẽ có đối diện với nạn đói tâm linh lan rộng, và sân khấu được thiết lập cho một hình thức mới của một vấn đề cũ: sự sùng bái thần tượng.

Có lẽ một từ tốt hơn là chủ nghĩa sùng bái vật, vì các thực thể A.I. trong tương lai sẽ có khả năng thực hiện các hành động có vẻ giống như phép thuật, hoạt động bên trong của chúng sẽ hoàn toàn không rõ ràng với con người chứng kiến những điều kỳ diệu của chúng. Tiếp xúc rộng rãi của con người với các thực thể có trí nhớ hoàn hảo, quyền truy cập vào các cơ sở dữ liệu gần như toàn tri và khả năng tính toán vượt xa nhận thức của con người theo một thứ trật có quy mô lớn, gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một số người sẽ xem trí thông minh phi nhân loại này gần như thần thánh, đặc biệt là khi chúng nói bằng ngôn ngữ huyền thoại của các tín ngưỡng.

 

Tôi nhớ đến bộ phim ”F for Fake” của Orson Welles và cuộc điều tra của Elmyr de Hory, trong số những kẻ làm giả khác, nhân vật tự hào đã rèn luyện đôi tay của mình đủ do dự và vụng về để bắt chước thành công của họa sĩ Matisse. De Hory đã xoay sở để bán những bức tranh sơn dầu giả của Renoir và Modigliani cho các viện bảo tàng trên toàn cầu, với những người hướng dẫn và nhà sưu tập háo hức muốn mua những kiệt tác “mới”. Bộ phim của Welles tự hỏi liệu những người đi xem có xúc động trước vẻ đẹp của một tác phẩm giả hấp dẫn, có cùng một niềm vui như khi họ nhìn vào “tranh thật” hay không.

Chúng ta còn phải lo lắng bao nhiêu nữa về A.I., với khả năng tiêu thụ và xử lý vô tận, tìm ra cách hoàn hảo để bắt chước C.S. Lewis hay Alan Watts – tâm trí kỳ quặc, phép ẩn dụ bất ngờ, bước nhảy vọt khó lường của họ?

Có lẽ nếu A.I. có thể thực hiện được sự giả mạo đó – thực sự thực hiện được, để trí tuệ mà nó tạo ra không thể phân biệt được với trí tuệ của những nhà tư tưởng đó – thì nó đã vượt qua điểm quan trọng. Nhưng khi nói đến khả năng đó, tôi là người hoài nghi. Tôi không tin bằng cách sao chép cẩn thận phong cách của một nghệ sĩ khác, một người như De Hory có thể nhận ra điều kỳ diệu của ý thức con người khi tham gia nghiêm túc vào thực tế. Và tôi thậm chí còn không tin một công cụ đạo văn do con người tạo ra có thể đạt đến trạng thái kỳ diệu đó.

The Electric Monk (Nhà sư điện)

Vào khoảng độ tuổi tôi đọc bộ truyện Narnia, tôi cũng thích bộ truyện khoa học viễn tưởng dí dỏm của Douglas Adams, nổi tiếng với bộ truyện Hitchhiker’s Guide to the Galaxy. Nhân vật Adams mà tôi cho là phù hợp nhất với thời đại của chúng ta là Electric Monk trong tác phẩm Holistic Detective Agency (1987) của Dirk Gently:

Electric Monk là thiết bị tiết kiệm sức lao động, giống như máy rửa chén hoặc máy ghi hình. Electric Monk giúp bạn tiết kiệm được nhiệm vụ ngày càng trở nên nặng nề, đó là tin vào tất cả những điều mà thế giới mong đợi bạn tin.

Thảm họa xảy ra với phi hành đoàn của một con tàu vũ trụ khi kỹ sư trưởng dựa vào Electric Monk để xác định xem con tàu có thể phóng an toàn sau một vụ tai nạn hay không. Electric Monk tuyên bố rằng nó an toàn, nhưng con tàu phát nổ. Người kỹ sư nhớ lại: “Có lẽ bạn khó có thể hiểu được Electric Monk đã trấn an như thế nào. Và đó là lý do tại sao tôi đã phạm phải sai lầm chết người của tôi. Khi tôi muốn biết liệu có an toàn để cất cánh hay không, tôi không muốn biết nó có thể không an toàn. Tôi chỉ muốn được trấn an rằng nó an toàn.

Electric Monk muốn phục vụ, có nghĩa là làm hài lòng. Tôi đã từng viết trên những trang này về sự phân biệt của Philip Rieff giữa Người tâm linh, người tìm kiếm sự cứu rỗi, và Người tâm lý, người tìm kiếm sự hài lòng. Khi thực sự lắng nghe Lewis, tôi nghe thấy một nhà tư tưởng đặt ra những thách thức, thúc đẩy tôi phát triển, yêu cầu những điều mà tôi không chắc mình có thể đạt được và đã không đạt được hết lần này đến lần khác. Khi lắng nghe phiên bản Lewis của “Electric Monk”, tôi nghe thấy điều gì đó nói với tôi rằng tôi đã hoàn hảo rồi.

Thế giới hoang dã và rối rắm, và luôn như vậy. Sự nhầm lẫn là một khía cạnh cơ bản của tình trạng con người. Các nhà lãnh đạo tâm linh xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau về chất lượng trí tuệ của họ. Một số tương đương với những người làm giả tài năng như Elmyr de Hory, những kẻ bắt chước hoàn hảo, họ không có hiểu biết sâu sắc ban đầu. Những người khác thì địa ngục hơn, dẫn dắt những người cả tin vào những vùng tối tăm mà họ có thể không bao giờ thoát ra được, từng miếng một của Turkish Delight.

Là một trí óc hạn hẹp của con người, tôi không thể biết cuộc cách mạng A.I. có thể mang lại điều gì, trong giáo dục tâm linh hay bất kỳ lĩnh vực nào khác. Những rủi ro và phần thưởng có thể xảy ra khiến trí tưởng tượng của tôi phải kinh ngạc. Nhưng theo tôi, chúng ta nên lựa chọn cẩn thận về cách thức và mức độ chúng ta dựa vào những thực thể không đau khổ và không thể yêu thương.

Nói một cách đơn giản, các phép tính của A.I. bị tách biệt bởi một vực thẳm lớn so với nhận thức được thể hiện của một sinh vật sống cảm thấy đau đớn và khoái cảm. Tôi nghi ngờ cơ thể vật lý có mối liên hệ sâu sắc với điều bí ẩn mà chúng ta gọi là ân sủng – trong chừng mực chúng ta dường như đến gần nhất với điều bí ẩn này theo thuật ngữ khoa học bằng cách xem xét sự tương tác giữa não trái và não phải, nơi hai bán cầu não song sinh “đọc” thế giới để tìm kiếm những kiểu mẫu hoàn toàn khác nhau. Trong sự phân chia cơ bản tồn tại bên trong chúng ta, khiến chúng ta trở nên xa lạ với chính mình, chúng ta tìm thấy đặc tính mới nổi cuối cùng. Ân sủng xuất hiện từ một nơi nào đó mà chúng ta không thể xác định được để làm chúng ta kinh ngạc, luôn giống nhau nhưng luôn mới mẻ và đổi mới.

Tôi chỉ có thể hy vọng ân sủng như vậy sẽ giúp chúng ta khéo léo điều hướng việc triển khai các công cụ nhận thức mới này khi chúng phát triển mạnh mẽ ở đây trên Trái đất, mô tả thế giới trở lại với chúng ta bằng thứ nghe giống như giọng nói của chúng ta, nhưng được viết bởi một bàn tay ngoài hành tinh.

Colm O’Shea

Colm O’Shea dạy viết luận văn tại Đại học New York. Ông là tác giả của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Claiming De Wayke (Crossroad Press) và chuyên khảo học thuật Mandala của James Joyce (Routledge). Trang web của ông colmoshea.com.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: PHANXICÔ (18/10/2024)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay25,388
  • Tháng hiện tại594,854
  • Tổng lượt truy cập51,926,189

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây