Thần học với việc tìm chứng lý.

Chủ nhật - 13/12/2020 22:36  1245
Thần học hiểu như một thứ khoa học đào sâu tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa (xem “Dẫn vào Thần học” của Lm N.v.Tuyên) trong bấy lâu nay thực chất không hơn không kém cũng vẫn chỉ là một thứ triết học về vũ trụ (philosophie de la nature). Lẽ ra đối tượng của Thần Học phải là Thiên Chúa nhưng tại sao lại là vũ trụ?
cross.jpg
Để trả lời cho câu hỏi này ta phải xét đến mục đích của nó và đây là định nghĩa của Kinh viện học “Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” (La philosophie est la science des choses par leurs causes suprêmes) Qua câu định nghĩa này ta thấy Thiên Chúa đã được đồng hóa với cái gọi là ”Nguyên nhân tối cao”. Thiên Chúa là nguyên nhân tối cao. Ngược lại, nguyên nhân tối cao là Thiên Chúa. Như vậy vấn đề của Thần Học cũng chẳng khác gì của triết, đó là tìm cho biết về cái căn nguyên của vũ trụ vạn vật.

Từ rất lâu xa vào thời thượng cổ, các triết gia Hylạp đã tìm cách giải nghĩa về căn nguyên ấy. Thàles [624-547] nói “Tất cả là nước”. Anaximandre [610-545] nói “Tất cả đều bất định” Anaximene [585-528] nói là khí. Còn Phytagore [570-496] nói là ”Hòa âm”(cosmos) Heraclite [544-484] nói là Lửa v.v….Cố nhiên không ai ngây thơ hiểu những yếu tố mà các triết gia nói tới ở đây như = nước, lửa, khí…. theo nghĩa đen mà các nhà tư tưởng cổ đại ấy chỉ muốn nói lên một điều rằng tất cả vạn vật đều được phát sinh từ một bản thể duy nhất. Dẫu vậy cuộc truy tìm căn nguyên ấy chỉ đến khi có sự xuất hiện của hai tên tuổi lớn là Platon [427-347] và học trò của ông là Aristote [384-322] thì nó mới thực sự đi vào hệ thống hóa trong đó bao gồm hai môn, một là Siêu Hình Học (Metaphysics) và hai là Vật Lý Học (Physics) nghiên cứu về hiện tượng.

 Ảnh hưởng của hai triết gia này đối với Âu Châu Công Giáo hết sức là lớn. Thế nhưng cũng có thể nói chính là nhờ vào giáo hội thời đó mà triết học của hai nhà tư tưởng lớn này mới có cơ tồn tại cho tới ngày nay. Thoạt đầu khi mới du nhập, triết Hylạp cách riêng là Aristote đã gặp phải những phản ứng gay gắt. Vào năm 1210 Tgm Sens và nhiều giám mục khác nhóm họp công đồng tại Paris đã lên án cấm chỉ đọc đọc Aristote, đặc biệt là những tác phẩm về Thiên nhiên học và Siêu hình học của ông. Ấy vậy mà ngay vào giữa thế kỷ 13, giáo hội dần dà tự kiểm thảo lại và đã đồng ý cho mở những giảng trình công khai về Aristote tại Paris và năm mươi năm sau triết gia này đã trở thành trụ cột về tư tưởng của giáo hội đến nỗi bất cứ ai chủ trương ngược lại đều không thể không bị nghi ngờ là tà đạo … Aristote đã được trọng vọng đến nỗi đã được xưng tụng là “Tiền Hô của Đức Kitô trong những gì thuộc lãnh vực thiên nhiên không khác gì Jean Baptit trong lãnh vực ân sủng” (Proecursor Christi in rebus naturalibus sicut Joannes Baptistain rebusgratuitis).

Giống như Jean Baptite, Tiền hô là người đi trước dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Vậy thì tiền hô trong lãnh vực thiên nhiên Aristote có là kẻ dọn đường và dọn đường cho ai? So sánh như trong trường hợp này thật quá ư khập khiễng và vô nghĩa. Tuy vậy ở đây người ta chỉ muốn nói lên tính chất vô cùng quan hệ của Aristote đối với giáo hội thời đó, một giáo hội đã và đang bị tràn ngập bởi vô số tà thuyết phiếm thần do ảnh hưởng của Platon để lại. Nguyên do bởi đâu mà Aristote một kẻ vô giáo nghĩa là hoàn toàn đối nghịch với Kinh Thánh và đức tin lại được tuyên dương như vị tiền hô cho Đấng Cứu Thế ? Đó là bởi triết học ấy có một điểm rất quan hệ trùng khớp với lập trường giáo hội = Sự tách biệt triệt để giữa Đấng Sáng Tạo và các tạo vật ”Thomas luôn luôn bảo trì sự tách biệt giữa Đấng Tạo Hoá và tạo vật. Hơn nữa với quan niệm một Thiên Chúa siêu việt có quyền năng vô hạn do đó được quan niệm như có khả năng sáng tạo vạn vật cách phi thường từ hư vô, thừa hưởng được từ Do Thái giáo” (L.T. Nghiêm SĐD).

Đấng Thần linh Tạo Hoá hoàn toàn cách biệt với tạo vật, với con người. Đấng ấy có hiện hữu hay không, đó là điều cần phải được chứng minh. St Thomas d’Aquin đưa ra năm chứng lý còn gọi là năm con đường (Quinque viae). Với năm lý chứng này theo những nhà Thomisme đã là quá đủ, có thể chỉ cần một thôi cũng được “…Tất cả những dữ kiện trên cho phép ta gặp đặc tính tổng quát đầu tiên của cả năm con đường vừa nói trên là phải khởi sự từ một hiện hữu. Vì chỉ cần chấp nhận lý do tồn tại túc lý cho một hiện hữu bất cứ trong kinh nghiệm thường nghiệm … thì cũng đủ để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa” (L.T.N. SĐD).

Với kinh nghiệm thường nghiệm thì ai cũng thấy trái núi sừng sững kia hiện hữu mà một hạt cát nhỏ li ti đây cũng hiện hữu. Thế nhưng đó chỉ là “Thường nghiệm” tức cái nhìn của … người đời. Còn với khoa học thì trái núi hay hạt cát không đơn thuần là trái núi hay hạt cát mà đó là tổng thể của các đơn chất (nguyên tử). Vật nọ vật kia có vẻ hiện hữu thật đó nhưng chỉ là hiện hữu theo cái nhìn thường nghiệm. Đi tìm nguyên nhân cho những cái gọi là “vật nọ, vật kia” để rồi kết luận tất yếu phải có đấng tạo ra chúng. Kết luận ấy phải chăng là vô bằng ?

1/- CÓ VẬT HAY KHÔNG VẬT?

Có ba cái nhìn về “vật”. Một là của thường nghiệm. Hai là của vật lý cổ điển và ba là của vật lý hiện đại. Về cái nhìn thường nghiệm thì như trên vừa nói đó là của người đời. Bất luận là ai dù thuộc ngôn ngữ nào, trình độ học vấn ra sao, có tôn giáo hay không có tôn giáo đều như vậy cả. Chính là với cái nhìn như thế mà con người ta yêu thương nhau và cũng thù hằn ghét bỏ nhau. Chấp lấy cái nhìn “thường nghiệm” thì đó là si mê, là lương tri mờ ám, từ đó mà phát sinh lòng tham, lòng giận, lòng ghét… Nhỏ thì người này người khác, nhà này nhà khác nhóm này nhóm khác. Lớn thì chủng tộc này chủng tộc khác, quốc gia này quốc gia khác mâu thuẫn xung đột chỉ hòng cấu xé tiêu diệt nhau. Đối với người đời đã vậy, với đạo cũng chẳng hơn gì. Chính là với cái nhìn thường nghiệm như thế mà tôn giáo thay vì giải thoát lại giam hãm con người trong các giáo điều khô cứng. Với cái nhìn thường nghiệm thì dường như ai cũng thấy trái đất đứng yên bất động còn mặt trời, mặt trăng thì quay chung quanh nó. Thế nhưng thật sự đâu phải vậy = Corpecnic rồi Gallileo nói lên sự thật và rồi đã bị nặng nề kết án. Đạo là Sự Thật, đạo ấy không cần phải chứng minh mới là Đạo. Sự thật ví như mặt trời nó đâu cần phải có tiếng gà gáy mới….mọc lên? Vả lại với cái nhìn thường nghiệm thì thấy “vật” hiện hữu nhưng cái gọi là “vật” ấy có thật sự hiện hữu hay không?

1/-”Vật”theo quan điểm của vật lý cổ điển.

Với hàng trăm tác phẩm đồ sộ bàn về đủ loại vấn đề từ sinh vật học, thiên văn học, khí tượng học cho đến vật lý học luận lý học, triết học, thần học v.v… Đề tài nào cũng được nghiên cứu bàn giải một cách thấu đáo. Aristote quả thật là nhà bác học theo đúng cái nghĩa của nó, đồng thời cũng là một triết gia thực thụ. Tuy nhiên có lẽ cũng chính vì tài năng bác học kiệt xuất như thế mà cái “học” mới thành ra quá ư  ôm đồm và mặt khác theo quan điểm hiện đại ông không phải là một nhà khoa học thực sự bởi đã có sự lẫn lộn giữa vật lý học và triết học. Hay nói cách khác triết học Aristote chỉ là trá hình của khoa học thực nghiệm, một thứ vật lý học của thời kỳ phôi thai. Sự lẫn lộn ấy ta thấy rõ nhất ở câu định nghĩa về triết học của ông “Triết học tìm hiểu vật thể xét theo vật thể là cái gì.” Tiếp ngay đó câu trả lời lại càng làm cho khó hiểu phức tạp hơn bởi nó lại đưa ra một câu định nghĩa khác “Cái đó có nghĩa là vật thể tính của vật tính là gì?” Mặc dầu triết / khoa học Aristote rất chi hàm hồ như thế nhưng nó vẫn được sùng thượng cho mãi tới thời Gallileo mới chấm dứt. Trong suốt thời kỳ này, câu hỏi vật thể tính là gì vẫn phải đeo dính với triết học để rồi chẳng một ai biết thế nào là “vật”. Dẫu vậy, cứ xét trên phương diện lý luận thì có thể định nghĩa “vật” bao hàm trong bốn nguyên nhân không thể tách rời đó là : thể chất, mô thức, tác thành và chủ đích. Trong đó thể chất chính là “vật”.

 Quan điểm về “vật” như vậy vẫn cứ mù mờ cho tới thời của Isaac Newton (1642-1727) với học thuyết “cơ học” mới thực sự được khai thông. Theo thuyết này thì tất cả hiện tượng trong thiên nhiên đều vận động theo một cơ chế vận hành chặt chẽ gọi là “vạn vật hấp dẫn”. Vũ trụ là một hệ thống cơ giới khổng lồ, từ các thiên thể lớn lao như mặt trời, mặt trăng các ngôi sao cho đến những “hạt vật chất” đều hấp dẫn nhau trong một thế tương tác chặt chẽ (lực trọng trường) có thể tính toán trước bằng các phương trình toán học.

Theo quan điểm của Newton thì cái nền của vật chất chính là các “hạt vật chất” được Thiên Chúa tạo nên “Tôi cho rằng có lẽ mới đầu CHÚA tạo vật chất bằng những hạt cứng chắc dầy đặc, không thể xuyên qua, di động với dạng hình với tính chất và tương quan nhất định với không gian. Phù hợp nhất với mục đích mà Ngài muốn tạo ra và những hạt đơn giản này là thể rắn cứng hơn bất kỳ vật thể xốp nào khác, chúng cứng đến độ không bao giờ hao mòn không vỡ, không có một lực nào có thể chia cắt nó. Vật mà trong ngày đầu tiên Chúa đã sáng tạo”(Fritjof Capra- Đạo của vật lý). Theo quan điểm của Newton vật chất thuộc thể rắn và nhỏ đến độ không thể phân chia. Có thể nói “vật” ở đây chính là một thứ dạng “nguyên tử” trong lý thuyết của Democrite (460-370). Dù nhỏ không thể phân chia thế nhưng “vật” vẫn có một vị trí trong không gian (thể rắn). “Vật” dưới cái nhìn thường nghiệm chẳng hạn như trái núi … hạt cát, con vật … thì sự hiện hữu của chúng là hiện hữu bởi giác quan (thấy nghe, nếm ngửi, xúc chạm). Còn “vật” trong vật lý cổ điển thì không hiện hữu bởi giác quan thô phù nhưng là bởi Ý (suy tư, lý luận). Dù hiện hữu bởi giác quan thô phù hay bởi Ý thì “vật” vẫn cứ là “vật”. Điều này khác hẳn với quan điểm của vật lý mới = “vật” không hề hiện hữu như là “vật”.

2/-”VẬT”theo quan điểm của vật lý mới

Vật lý cổ điển cho rằng “vật” là những hạt nguyên tử rắn chắc không thể phân chia. Điều ấy cho thấy “vật” có một tự thể và tự thể này hoàn toàn độc lập với không gian và thời gian. Nói cách khác không gian đối với :vật” chỉ là một khoảng không hoàn toàn trống rỗng, còn thời gian thì cũng không thể có bất cứ ảnh hưởng gì trên “vật”.Nếu thời gian mà có ảnh hưởng trên “vật” thì “vật” làm sao mà có thể rắn chắc, không thể chia phân được nữa ? Tính chất độc lập của “vật” đã đặt vật lý học cổ điển ở vào thế “TĨNH” hoàn toàn trái ngược với thế “ĐỘNG”của vật lý mới. Lịch sử tư tưởng nhân loại ghi dấu ba cuộc cách mạng lớn= Một là thiên văn học với Corpecnic, hai là sinh vật học với Darwin và ba là vật lý học với Albert Einstein(1879- 1955) Tính chất cách mạng trong vật lý học ở chỗ Einstein là người đầu tiên trên thế giới đã chỉ ra rằng vật thể (khối lượng) không là gì khác hỏn là một dạng của năng lượng. Khi vật thể tan biến hết mức thì đó là năng lượng. Ngược lại khi năng lượng cô đọng (tụ hội) lại hết mức thì nó là vật thể. Sự biến đổi từ vật chất biến thành năng lượng được diễn tả bằng công thức nổi tiếng sau đây: E=MC 2 trong đó E là năng lượng, M là khối lượng và C là vận tốc ánh sáng. Khi khối lượng (vật) được phóng đi với vận tốc ánh sáng 300.000 km/giây thì nó sẽ biến thành năng lượng.

Để có được sự chuyển hoá này thì điều kiện tiên quyết là ‘vật”không thể hiện hữu ở cái thể rắn chắc như trong vật lý cổ điển . Đồng thời cũng chẳng ở cái dạng “hạt” dù rằng “hạt”chỉ nhỏ bằng 1/100.000. nguyên tử.Sự hiện hữu của “vật” nếu có thể nói thế, nó vừa ở dạng hạt lại vừa ở dạng sóng. Ở dạng hạt thì nó là “vật” còn ở dạng sóng thì nó lại là “Trường”. Hiểu như vậy thì giữa “vật”, không gian và thời gian có một mối liên hệ vô cùng khăng khít, không khi nào có “vật” mà lại không có không gian, thời gian đi liền.Việc tách không, thời gian với vật thể,giữa vật giới (vật chất) với lý giới (thế giới tinh thần) là một sai lầm nghiêm trọng của vật lý cổ điển, đồng thời cũng là của Siêu Hình Học Tây phương từ bấy lâu nay.

Nếu”vật”chỉ được quan niệm như là “vật” dẫu “vật” ấy có là… nguyên tử đi nữa thì nó vẫn cứ còn là thể “TĨNH”. Nói một cách chính xác hơn thì cái gọi là “vật” ấy thuần tuý chỉ là một thứ khái niệm chết khô của duy lý chẳng hề dính dáng chi tới thực tại luôn là cái biến chuyển (ĐỘNG) không một phút giây nào ngừng. “VẬT”của vật lý hiện đại luôn gắn chặt với không gian, thời gian để làm nên một tiến trình và trong tiến trình ấy có một yếu tố không thể thiếu đó chính là TÂM.

 
Phùng Văn Hóa
Nguồn: conggiao.info

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập154
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm116
  • Hôm nay12,126
  • Tháng hiện tại624,148
  • Tổng lượt truy cập46,308,184

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây