Lời Của Thinh Lặng.

Chủ nhật - 20/12/2020 21:50  791
Lòng xao xuyến con chẳng nói nên lời “ (Tv 76/77,5)
– không miệng lưỡi nào nói nổi – tranh không lời…
Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường nghe những câu tương tự.
Khi chúng ta nói mình “chẳng nói nên lời” thì lời đã được nói ra rồi !
Tranh không lời” thì bức tranh đã thành lời rồi, và lời ấy mạnh hơn mọi lời miệng lưỡi có thể nói được.
Thánh vịnh 18/19 diễn tả lời thinh lặng ấy của vũ trụ để loan báo công trình kỳ diệu của Thiên Chúa :
2 Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
3 Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
4 Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
5mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.
Lời đầu tiên của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa nói lên chính mình là Ngôi Lời, Con Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha, hằng hữu trong Chúa Cha, hằng hướng về Cha.
Lời tạo dựng là lời Thiên Chúa phán trong thinh lặng, không có âm thanh, để cho vũ trụ và muôn loài muôn vạn vật thành hiện thực trước mặt Thiên Chúa.
Thiên Chúa dựng nên con người như một loài thụ tạo đặc biệt, đối diện với Thiên Chúa, có khả năng nghe lời thinh lặng của Thiên Chúa bằng đôi mắt, khả năng nghe lời Thiên Chúa nói với con người ; Thiên Chúa dùng những con người để nói Lời của Ngài cho anh em mình bằng lời lẽ loài người, đó là các “ngôn sứ”, những người được sai đến nói lời của Thiên Chúa.
Trời xanh “kể ra” vinh quang của Thiên Chúa, các ngôn sứ nói lời Thiên Chúa bằng lời của loài người, vẫn chưa nói được hết.
Cuối cùng Thiên Chúa muốn đích thân nói với con người bằng miệng lưỡi con người : Thiên Chúa sai Ngôi Lời, là Con-Đồng-Bản-Thể-Với-Cha, đến làm người giữa anh em của mình mà kể ra cho họ biết về Cha.
Lời của loài thụ tạo, khi được dùng để nói về Đấng Tạo Thành, thì chỉ như giọt nước trong đại dương, làm sao nói hết được. Vì thế chính Lời-đã-thành-người-phàm cũng chỉ có thể kể ra cho biết về Thiên Chúa là Cha của mình, bằng lời nói, việc làm và bằng chính đời sống, cái chết và sự tôn vinh từ trong cõi chết, để có thể nói cho chúng ta lời cuối cùng: Cha của Thầy cũng là Cha của anh em ; Thầy sẽ đưa anh em vào ở với Thầy trong Chúa Cha để anh em được chung phần trọn vẹn với Thầy trong Nhà Cha Thầy.
Thư Híp-ri tóm tắt quá trình Thiên Chúa nói với loài người bằng môi miệng con người :
1 Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; 2 nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. 3 Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. 4 Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu (1,1-4).
Lời tựa của sách Tin Mừng Gio-an tóm tắt cả quá trình Thiên Chúa nói bằng thinh lặng và bằng âm thanh của môi miệng con người, ngôn sứ đầu tiên là Mô-sê, ngôn sứ cuối cùng là Gio-an, rồi chính Lời đã trở nên người phàm để “kể ra cho chúng ta” (dịch sát) :
1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.
6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.
7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.
8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
17 Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả ;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã kể ra cho [dịch sát] chúng ta biết.
Mô-sê được sai đi nói với Pha-ra-ô và nói với dân, để đưa họ ra khỏi Ai-cập mà vào Đất Hứa. Lời đã thành người phàm để kể ra cho chúng ta nghe về Thiên Chúa và đưa chúng ta vượt qua cõi chết mà vào trong cuộc sống vĩnh cửu với Người, trong lòng Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta.
Những cái thinh lặng đáng sợ
Cái thinh lặng của xác chết, của nhà quàn, của nấm mồ, nghĩa trang… “Cõi thinh lặng ngàn thu”. Nhưng nó nói lên điều rất quan trọng mà người ta không dám, không muốn nghe hay nghĩ tới :
Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp” (Tv 48/49,12).
Vua Khít-ki-gia đã dựa vào đó mà năn nỉ Chúa thương cho khỏi chết :
18 Vì ở chốn tử vong, không người ca tụng Chúa,
và trong nơi âm phủ,chẳng ai ngợi khen Ngài.
Kẻ xuống mồ cũng dứt niềm trông cậy vào lòng Chúa tín trung.
19 Chỉ người sống, vâng chỉ người sống mới ca tụng Ngài như thể con nay.
Người cha sẽ dạy cho con cái rõ Ngài là Đấng tín trung.
20 Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài thương cứu độ. (Is 38,18-20 ; x. Tv 87/88,11-13)
Nhưng cái thinh lặng đáng sợ hơn là cái thinh lặng vì không thèm nói đến, nói với ai nữa. đó là cái thinh lặng của Thiên Chúa khi dân đã quyết liệt từ chối nghe, thinh lặng trở thành một cách trừng phạt :
Cả ngôn sứ cùng là tư tế, lang thang khắp xứ mà không hiểu biết gì” (Gr 14,18)
Ngôn sứ chẳng còn được thấy thị kiến Chúa ban cho” (Ai ca 2,9).
Dấu lạ xưa, chúng con đâu thấy nữa, ngôn sứ cũng chẳng còn” (Tv 73/74,9)
Lời thinh lặng của ngôn sứ
Sự vắng lời ngôn sứ có thể là một cách trừng phạt, nhưng có khi Thiên Chúa bắt ngôn sứ nói bằng thinh lặng :
24 Lúc ấy, thần khí nhập vào tôi, cho chân tôi đứng vững và phán với tôi.
Người phán với tôi : “Ngươi hãy đi và giam mình trong nhà ngươi. 25 Phần ngươi, hỡi con người, này có kẻ sẽ đặt dây thừng lên mình ngươi, rồi trói lại, để ngươi không xuất hiện trước mặt chúng. 26 Ta sẽ làm cho lưỡi ngươi dính với hàm và ngươi sẽ bị câm, để ngươi không còn là người khiển trách chúng nữa, vì chúng là nòi phản loạn. 27 Nhưng khi nào Ta phán với ngươi, Ta sẽ mở miệng cho ngươi và ngươi sẽ nói với chúng : ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này : Kẻ nào muốn nghe thì cứ việc nghe ; kẻ nào không muốn nghe thì cứ việc không nghe, vì chúng là nòi phản loạn." (Ed3,24-27).
Thinh lặng dùng như “khí giới”
Tôi quyết sẽ ngậm tăm, bao lâu người gian còn đối mặt. Tôi câm lặng làm thinh chẳng hé môi…” (Tv 38/39,2-3).
Tác giả thánh vịnh trên thú nhận “mà không ích lợi chi”. Nhưng Chúa Giê-su sẽ dùng vũ khí này rất hữu hiệu, khiến cả Thượng Hội Đồng Do Thái lúng túng (Mt 26,58-61), Thượng Tế Cai-pha phải dùng đến “vũ khí” cuối cùng là “Nhân Danh Thiên Chúa” mà ra lệnh (Mt 26,68), Phi-la-tô ngạc nhiên (Mt 27,14), Hê-rô-đê ngơ ngáo (Lc 23,8-9), các thượng tế và kinh sư quay cuồng (Lc 23,10).
Thinh lặng là điều kiện để nghe
Lời của thinh lặng hay lời được nói ra bằng âm thanh đều cần một khoảng không của thinh lặng để có thể vang lên và lọt vào con mắt, lỗ tai.
Trong bầu khí thinh lặng của đêm khuya, Thiên Chúa nói với Áp-ra-ham, nhưng ông không nghe lọt, vì tiếng than vãn ồn ào lòng ông :
1 Sau các việc đó, có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram trong một thị kiến rằng : “Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi ; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.” 2 Ông Áp-ram thưa : “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì ? Con ra đi mà không con cái, và người thừa tự gia đình con là Ê-li-e-de, một ngườiĐa-mát.” 3 Ông Áp-ram thưa : “Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi, và một gia nhân của con sẽ thừa kế con.” 4 Và đây có lời ĐỨC CHÚA phán với ông rằng : “Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi.”
Thiên Chúa tạo khoảng không thinh lặng bằng cách đưa ông ra khỏi lều, và ông nghe lọt :
5 Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán : “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán : “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó !” 6 Ông tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính.
Hàn Mặc Tử từng mời ta thinh lặng để nghe bằng lỗ tai và cả bằng con mắt nữa :
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều :
để nghe tơ liễu ru trong gió, và để xem trời giải nghĩa yêu.
Có thứ tiếng ồn gây nhiễu qua lỗ tai và có thứ tiếng ồn gây nhiễu qua con mắt nữa. Giữa chợ ồn ào, muốn nghe được tiếng thì thầm của người yêu, của con trẻ, ta phải tìm cách tự “lọc âm thanh” ; giữa trời nắng muốn thấy rõ ta phải nhíu con mắt. Hãy nhìn một bà mẹ dắt con đi trên phố, bà có thể đặt hết chú ý vào đứa con, không nghe gì khác ngoài tiếng đứa con, không thấy gì khác ngoài đứa con ; ngắm một cặp tình nhân dắt tay nhau đi dạo phố hay trong công viên, họ chẳng thấy gì khác, chẳng nghe gì khác, ngay cả khi họ chỉ lặng lẽ bên nhau chẳng nói gì ; không phải “để xem trời giải nghĩa yêu” mà để nghe chính tình yêu đang vang lên giữa họ như một dòng điện đi trong mạch kín.
Hãy nghe một đoạn trong Diễm Tình Ca diễn tả cái thinh lặng và âm thanh của tình yêu :
1 – Em là đoá thuỷ tiên của Sa-rôn đồng bằng,
là bông huệ thắm hồng trong thung lũng.
2 – Bạn tình tôi giữa đoàn thiếu nữ
có khác gì cánh huệ giữa bụi gai.
3 – Người tôi yêu giữa đoàn trai tráng
như cây táo giữa muôn cây rừng.
Được ngồi dưới bóng chàng, tôi thoả lòng mơ ước,
và hoa trái của chàng ngọt lịm trong miệng tôi. (2, 1-3)
Nàng nghe được tiếng chàng đang nhảy nhót trên đồi, đang núp sau tường nhà :
8 Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới,
nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi.
9 Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương, tựa hồ chú nai nhỏ.
Kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà, nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song.
Giữa âm thanh rộn rã mùa xuân, chàng thèm nghe tiếng nàng, mong thấy mặt nàng :
“Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào !
11 Tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.
12 Sơn hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời về đây.
Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta.
13 Vả kia đã kết trái non, vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào.
Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào !
14 Bồ câu của anh ơi, em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo.
Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng,
vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng.” (2,8-14)
Và cuối cùng là sự thinh lặng trong tình yêu :
16 Người tôi yêu thuộc trọn về tôi và tôi trọn vẹn thuộc về chàng (2,16 ; 6,3)
Thế là hai người yêu đã hòa trong nhau – nhưng không tan – “Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”. Người này thành lời cho người kia, lời của người kia và lời trong người kia ; một sự “hiện diện trực tiếp” giữa hai ngôi vị. Thinh lặng không còn là “dể xem trời giải nghĩa yêu” nữa mà là hiệu quả, là biểu lộ của tình yêu đã tròn đầy, no thỏa. Đó là sự thinh lặng ngọt ngào của thiên đàng.
Tôi sực nhớ lời ông “trưởng phòng chấp pháp” của Sở Công An nói với tôi về “thiên đàng” 40 năm trước đây : “Các anh bảo lên thiên đàng nhìn ngắm Chúa ? Cho anh nhìn vài ba ngày anh cũng chán chứ gì…” Tôi nghĩ thầm trong bụng : “Vậy thì sau mấy chục năm sống trong gia đình, phải nhìn mặt vợ con mỗi ngày chắc ông chán bà nhà ta và con cái lắm rồi phải không ?” Nhưng không muốn “ăn miếng trả miếng” với ông, vì biết ý đồ khiêu khích của ông để chuẩn bị nói nhiều chuyện quan trọng hơn, cần bình tĩnh, tôi nói nửa đùa nửa thật : “Ông muốn được nếm thử không ? Mà ngày trên đó bằng ngàn năm dưới đất đấy ạ…”
Khi dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, có nam có nữ (St 1,27), Thiên Chúa đã làm nên hình ảnh kỳ diệu để diễn tả phần nào sự hợp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi trong cùng một bản thể, như đọc thấy trong Tin Mừng Gio-an :
29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30 Tôi và Chúa Cha là một.”
37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng : Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” (10,29-38).
Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đósẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (14,26)
13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. (16,13-14)
Sự hợp nhất giữa Thiên Chúa và loài người trong Giao Ước : “Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, chúng sẽ là dân của ta” (Gr 31,33).
20 Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 16,20-21)
Ngôn sứ Hô-sê đã dùng hình ảnh hôn nhân để diễn tả tương quan Giao Ước này giữa Thiên Chúa và dân của Giao Ước :
16 Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.
…Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai-cập.
18 Vào ngày đó –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA– ngươi sẽ gọi Ta : "Mình ơi", chứ không còn gọi "Ông chủ ơi" nữa.
21 Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu,
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương ;
22 Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết ĐỨC CHÚA.(2, 16-22)
Sách I-sai-a sẽ loan báo Giao Ước mới bằng cùng một hình ảnh :
Vì ngươi sẽ được ĐỨC CHÚA đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.
5 Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về.
Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ. (Is 62,4-5)
Các sách Tin mừng Nhất Lãm sẽ cho thấy Chúa Giê-su thực hiện lời hứa lập Giao Ước Mới này trong bữa tiệc Vượt Qua :
26 Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói : “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” 27 Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói : “Tất cả anh em hãy uống chén này, 28 vìđây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội (Mt 26,26-28)
22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói : “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” 23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. 24 Người bảo các ông :“Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. (Mc 14,22-24)
19 Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói : “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” 20Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói : “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em(Lc 22, 19-20)
Thư 1 Cô-rin-tô cũng kể lại :
23 Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em : trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, 24 dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói : “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em ; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” 25Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói : “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy ; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (11,23-25)
Chỉ có Tin Mừng Lu-ca và thư I Cô-rin-tô nói rõ “Giao Ước Mới”, nhưng Mác-cô vàMat-thêu cũng cho thấy cái mới là Giao Ước này lập bằng máu của Chúa Giê-su chứ không phải bằng máu các con vật được sát tế như trong sách Xuất Hành (24,5-8) :
5 Rồi ông [Mô-sê] sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế ĐỨC CHÚA. 6 Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. 7 Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa : “Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.”8 Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói : “Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, dựa trên những lời này.”
Khi cử hành thánh lễ là chúng ta cử hành bí tích của Giao Ước Mới, như Chúa đã truyền : “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Và khi rước Mình và Máu Thánh Chúa là chúng ta đón nhận ơn được nên một với Chúa như Chúa đã giải thích :
51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” 53 Đức Giê-su nói với họ : “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (6,51-58).
Bài giảng về Bánh ở Ca-phác-na-um nói lên điều ngọt ngào nhất, nhưng lại đem cho Chúa nỗi đắng cay là người nghe bỏ đi, nhiều người đã từng theo làm môn đệ của Ngài cũng bỏ đi, vì “lời này chói ta quá, ai mà nghe nổi !” Chúa Giê-su cho chìa khóa để hiểu : chỉ khi Chúa đã được tôn vinh, thân xác Chúa đã trở thành “thân xác có thần khí” (x. 1 Cr 15,44) : “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63).
Tin Mừng Gio-an không kể việc Chúa lập bí tích Thánh Thể, nhưng cho chúng ta bài giảng về Bánh và trình bày cuộc Thương Khó và Phục Sinh như là chính việc lập Giao Ước Mới, Chúa ban Điều Răn Mới và giải thích cách sống tương quan với Chúa và với nhau trong cộng đồng dân của Giao Ước Mới cùng những thử thách, bách hại mà các môn đệ sẽ phải chịu going như bản thân Chúa. Nhưng Giao Ước này sẽ đưa vào cuộc sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Người kết thúc bằng lời nguyện hiến tế, tự hiến dâng để thi hành trọn vẹn ý Cha và cầu xin cho các môn đệ và những người sẽ tin nhờ lời của họ :
9 “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10 Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con ; và con được tôn vinh nơi họ. 11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian ; phần con, con đến cùng Cha.
“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta
20 “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.22Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một : 23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.” (17,9-26)
Trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được “cảm nếm” ngay tự bây giờ sự nên một với Chúa trong Giao Ước : “Người thuộc về tôi và tôi thuộc về Người trọn ven”. Như thánh Phao-lô diễn tả : 12 Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi(1 Cr 13,12).
Bây giờ chúng ta chỉ biết nhờ tin vào Lời Chúa, khi mặt giáp mặt thì không cần Lời nữa, nhưng là sự kết hợp trọn vẹn, thinh lặng đắm chìm trong Thiên Chúa.
Ngay bây giờ chúng ta đã có thể “tập” sống sự kết hợp ấy khi sống trọn tinh thần thơ ấu thiêng liêng :
Hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui. (Tv 130/131,2)
Khi trẻ thơ được mẹ ôm vào lòng thì nó hoàn toàn lặng lẽ an vui. Người sống như thế là đã bắt đầu sống thiên đàng ngay bây giờ. Sự thinh lặng lúc ấy không còn là trống rỗng, nhưng là tròn đầy.
Sự thinh lặng trong chiêm niệm
Thánh Tê-rê-xa A-vi-la dạy về sự chiêm niệm trong “Những suy nghĩ về Tình Yêu của Thiên Chúa” và nhất là trong cuốn “Lâu đài nội tâm”, dẫn đi trên con đường chiêm niệm qua bảy chặng mà Thánh nữ gọi là “bảy cư phòng”. Khởi đi từ kinh nghiệm bản thân, Thánh Nữ chỉ dẫn cách đơn sơ, cụ thể cho những ai muốn đi vào con đường chiêm niệm này, không phải cho riêng mình, nhưng để phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh. Càng tiến lên thì sự thinh lặng bên trong càng lớn. Ở cư phòng thứ sáu (đính ước thiêng liêng), thánh nữ đã nói đến tình trạng : “Linh hồn được Thiên Chúa như treo lên trong cầu nguyện bằng sự bay bổng, xuất thần, ngất trí…” Thiên Chúa đính ước bằng cách gởi tới những tình trạng bay bổng, đưa linh hồn thoát khỏi giác quan”. “Linh hồn như thể đã thật sự lìa khỏi thân xác, vì người ta nhận thấy thân xác mất khả năng sử dụng giác quan”.
Cư phòng thứ bảy là nơi “Đức Vua ngự”, vào đến đây là ơn mà Ngài gọi là “hôn phối thiêng liêng” : “Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ mình ra phân biệt rõ ràng, và nhờ một ơn hiểu biết tuyệt vời được thông cho, linh hồn biết một cách hoàn toàn chắc chắn rằng cả Ba Ngôi là một bản thể, một quyền năng, một tri thức và một Thiên Chúa duy nhất. Như vậy, điều chúng ta tin nhờ đức tin, thì có thể nói là ở đây linh hồn nhận biết bằng sự nhìn thấy… Bấy giờ Ba Ngôi Thiên Chúa tự thông ban trọn vẹn cho linh hồn, nói với linh hồn và tỏ cho linh hồn ý nghĩa của lời trong Phúc Âm, Chúa chúng ta loan báo rằng Ngài sẽ đến, cùng với Cha và Thánh Thần, ngự trong linh hồn nào yêu mến và tuân giữ các điều răn của Người” (x. Ga 14,23).
Trong ngôi đền thờ này, trong cư phòng của Thiên Chúa, chỉ mình Thiên Chúa và linh hồn hưởng lẫn nhau trong một sự thinh lặng thẳm sâu” (Cư phòng thứ bảy, c.3, s.11).
Sau khi trình bày hết bảy “cư phòng” của lâu đài, Thánh nữ nói mục đích Thiên Chúa ban những ơn đặc biệt cho một tâm hồn nào đó : không phải chỉ nhằm cho tâm hồn ấy được cảm nếm sự ngọt ngào, mà để “ban cho chúng ta ơn quý trọng hơn hết, là nên đồng hình đồng dạng với Con Yêu Dấu của Người… Những ơn này nhằm tăng sức cho sự yếu đuối của chúng ta và làm cho chúng ta có sức noi gương Con Thiên Chúa, chịu những đau khổ lớn lao… Những người gần Chúa Giê-su hơn cả là những người đã chịu những thử thách lớn lao nhất, như Thánh Mẫu của Chúa, như thánh Phao-lô, thánh Phê-rô…”.
Đừng nhắm làm ích cho cả thế giới, hãy vui lòng làm ích cho những người cùng sống chung quanh mình… Nếu nhờ lòng khiêm nhượng sâu xa, tinh thần hãm mình, lòng tận tụy, bác ai dịu dàng đối với chị em, lòng yêu mến Chúa chúng ta, chị em khơi bừng ngọn lửa từ trời này, và trở nên một sự thôi thúc không ngừng để tiến lên trên đàng nhân đức, liệu chị em tưởng thế là ít sao ? Trái lại, chị em đã làm một việc rất lớn và chị em đã dâng một việc phụng sự rất đẹp lòng Chúa… Chúa nhìn tình yêu của chúng ta khi làm hơn là sự to lớn của việc chúng ta làm” (Cư phòng thứ bảy, chương 4, s.14).

 
L.m. Giu-se Nguyễn công Đoan
Nguồn: https://ktcgkpv.org/ simonhoadalat.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập68
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại681,918
  • Tổng lượt truy cập52,850,866

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây