Một kho tàng trường tồn: Hiến chế Pastor Aeternus và định tín ơn bất khả ngộ của giáo hoàng

Chủ nhật - 17/07/2022 20:54  1495
 

MỘT KHO TÀNG TRƯỜNG TỒN: HIẾN CHẾ PASTOR AETERNUS
VÀ ĐỊNH TÍN ƠN BẤT KHẢ NGỘ CỦA GIÁO HOÀNG

David Werning
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Osvnews.com (07/2/2022)

 

 

Nếu đề cập đến Công đồng Vatican I, bạn có thể nghe đáp lại: “Ồ! Đó là khi giáo hoàng nói rằng ngài không thể sai lầm”. Lời nhận xét này không hoàn toàn sai, nhưng nó cũng không đúng hoàn toàn.

Ơn bất khả ngộ của giáo hoàng được định tín tại Công đồng Vatican I qua Hiến chế Tín lý Pastor Aeternus (Mục tử đời đời, 18/7/1870). Tuy nhiên định tín này không do một mình Đức giáo hoàng Piô IX (1846–1878); nhưng phần đông giám mục cũng đã bỏ phiếu thuận.

Tuy nhiên, Hiến chế này không chỉ xem xét vấn đề bất khả ngộ của giáo hoàng mà thôi. Thật vậy, mục đích chính của văn kiện là định rõ giáo hoàng có thẩm quyền hành động với tư cách mục tử và thầy dạy tối cao của Giáo hội – hay nói cách khác, thi hành trọn vẹn thừa tác vụ Phêrô do Đức Giêsu thiết lập: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).

Bối cảnh
Khi Đức Piô IX bắt đầu triều đại giáo hoàng vào 21/6/1846, thì những ý tưởng về việc phân tách triệt để giáo hội–nhà nước cũng như về ưu quyền của chủ nghĩa quốc gia trên đức tin vốn đã đánh dấu bằng cuộc Cách mạng Pháp 1789 vẫn còn vang vọng khắp Âu châu. Ở Ý, những người theo chủ nghĩa quốc gia muốn tước bỏ mọi quyền lực trần thế của giáo hoàng. Giáo hoàng lánh nạn khỏi Vatican năm 1848 và trở về 2 năm sau đó khi quyền cai quản được phục hồi. Tuy nhiên, nó chỉ kéo dài được 20 năm khi, năm 1870, Giáo hội đã mất toàn bộ mọi lãnh thổ vào tay Vương quốc Ý (1861–1946), ngoại trừ thành phố Vatican.

Những thay đổi này đã ảnh hưởng đến giáo sĩ và giáo dân khắp Kitô Giới [Christendom: các nước theo Kitô giáo], nhiều người trong số họ tranh luận Giáo hội nên được điều hành như thế nào và ai là người có quyền hành tối cao trong Giáo hội.

Những người ủng hộ chủ trương công đồng lập luận rằng giáo hoàng không thể đưa ra những quyết định mà không tham vấn toàn thể các giám mục. Chủ nghĩa Pháp giáo [French Gallicanism: đề cao quyền lợi quốc gia trên giáo hội], cũng giống thuyết Duy công đồng, giảm thiểu hết mức có thể thẩm quyền của giáo hoàng trên giáo hội ở các quốc gia và ràng buộc quyền giảng dạy của ngài vào sự ưng thuận của người dân. Những nhà lãnh đạo thế tục xem đây là một lợi thế bởi vì họ có thể gây ảnh hưởng đến Rôma bằng việc tác động đến ý kiến cộng đồng.

Những người khác, giáo sĩ cũng như giáo dân, đã mệt mỏi với những cuộc cách mạng và hy vọng Rôma trở thành chiếc neo vững chắc giữa cơn sóng gió. Được gọi là “những người Duy La Mã” (ultramontanists) bởi vì họ tìm kiến sự hướng dẫn từ “bên kia dãy núi Alps [núi phân tách bán đảo Ý ở phía nam và phía bắc là Pháp, Đức, v.v.]), họ muốn giáo hoàng khẳng định quyền lực để đem lại trật tự cho quê nhà của họ. Một giáo hoàng với thẩm quyền tối thượng có thể làm dịu những cuộc nổi dậy ở bên ngoài – và giải quyết những khác biệt ở bên trong là Giáo hội.

Đức Piô IX thận trọng để ý đến sự hỗn loạn của thời cuộc, và ngài đã sớm cân nhắc đến việc triệu tập một công đồng để giải quyết tình hình ngay từ năm 1849. Con đường mà thế giới hướng đến, đặc biệt là sự hạ thấp giá trị tôn giáo, đã thuyết phục ngài rằng Giáo hội cần làm rõ giáo huấn của mình. Sau khi tham khảo các giám mục trên thế giới, Đức Piô mở Công đồng Vatican I vào 08/12/1869. Nó đột ngột tạm hoãn vào 20/8/1870, sau khi Vương quốc Ý chiếm thành Rôma của giáo hoàng. Chỉ có hai Hiến chế được Công đồng ban hành: Dei Filius (24/4/1870) về đức tin và lý trí; và Pastor Aeternus xác định thẩm quyền giáo hoàng.

Nội dung
Thật ngạc nhiên, bản văn Hiến chế Pastor Aeternus rất ngắn – chỉ gồm 4 chương với 38 đoạn. Phần giáo thuyết được định tín cũng súc tích, đó là “sự thiết lập, tính trường tồn và bản chất của quyền tối thượng thánh thiêng và tông truyền”. Tuy nhiên, độc giả sẽ tìm thấy nhiều quy chiếu thuyết phục từ Thánh kinh, Thánh truyền và các công đồng của Giáo hội. Quả thật, chúng ta không thể nắm bắt đầy đủ ý nghĩa của Hiến chế này nếu không nhìn nó trong mối liên hệ đến đời sống giáo hội qua nhiều thế kỷ.

Bắt đầu với khẳng định mạnh mẽ việc Đức Giêsu thiết lập quyền tối thượng tông truyền, Hiến chế nói rằng Chúa trao ban “quyền tối thượng tài phán trên toàn thể Giáo hội của Thiên Chúa” cho một mình Phêrô. Bản văn Kinh thánh trích từ Ga 1,42; Mt 16,16–19. Trong những bản văn này, Đức Giêsu đề cập trực tiếp đến Phêrô, trao cho ông trách nhiệm dẫn dắt Dân Thiên Chúa.

Sau đó, Hiến chế tiếp tục tuyên bố quyền tối thượng về tài phán của Phêrô tồn tại mãi mãi qua sự kế vị giáo hoàng. Đức Giêsu có ý định thiết lập một Giáo hội tồn tại cho đến ngày tận thế (x. Mt 7,25; Lc 6,48). Vì vậy, thừa tác vụ Phêrô được Đức Kitô thiết lập mang tính trường tồn nhờ chìa khóa Nước Trời được giao cho Phêrô cũng như cho “những ai kế thừa ngai tòa của Phêrô” theo như ý định của Đức Giêsu.

Về bản chất của quyền tối thượng giáo hoàng, Hiến chế trở về với giáo huấn của Công đồng Florence nhấn mạnh rằng giáo hoàng Rôma cai quản Giáo hội phổ quát. Quyền bính này là thông thường và trực tiếp; giáo hoàng có quyền cai quản trên tất cả các giám mục khác và các giáo hội địa phương. Để thực thi thẩm quyền này, ngài không cần viện đến bất kỳ ai, kể cả nhà cầm quyền dân sự. Mọi giáo sĩ và giáo dân phải phục tùng giáo hoàng Rôma trong vấn đề đức tin và luân lý cũng như kỷ luật và quyền cai quản Giáo hội, một sự phục tùng mà nhà cầm quyền dân sự phải tôn trọng.

Chương cuối của Hiến chế này xem xét “quyền giáo huấn tối thượng” của giáo hoàng Rôma, bao gồm khái niệm ơn bất khả ngộ. Mặc dù người ta có thể nghe thấy ý kiến cho rằng ơn bất khả ngộ là điểm chính của Hiến chế, thì việc xem nó như một khía cạnh của thẩm quyền giáo huấn của giáo hoàng và việc giới hạn phạm vi áp dụng nó trong những tình huống cụ thể cho thấy rằng ít nhất các nghị phụ công đồng xem nó là thứ yếu.

Quyền giáo huấn của giáo hoàng có nguồn gốc từ việc Đức Giêsu chọn Phêrô như là nền tảng vững chắc của Giáo hội. Hơn nữa, nhiều công đồng – Công đồng Constantinôp IV (869–870), Công đồng Lyons II (1272–1274), và Công đồng Florence (1431–1449) ­– nhất quán lưu ý rằng đức tin nhận lãnh từ Đức Giêsu đã được gìn giữ khỏi sai lầm và trước những tấn công nhờ những phán quyết của Tòa Thánh.

“Quả vậy, Thánh Thần đã không được hứa ban cho các Đấng kế vị Phêrô để các ngài được linh hứng mà công bố một giáo thuyết mới, nhưng là để các ngài được Thánh Thần trợ giúp mà kính cẩn gìn giữ và trung thành trình bày mặc khải các Tông đồ truyền lại, nghĩa là kho tàng đức tin” [1].

Từ đó, vì để phục vụ quyền giảng dạy của giáo hoàng mà vấn đề bất khả ngộ được xác định, một định tín khá giới hạn, trái ngược với các quan điểm phổ thông: “. . . chúng tôi giảng dạy rằng tuyên bố dưới đây là một tín điều do Thiên Chúa mặc khải: Giám mục Rôma, khi lên tiếng ex cathedra, nghĩa là khi chu toàn nhiệm vụ của mình là chăn dắt và dạy dỗ tất cả các Kitô hữu, khi người lấy thẩm quyền tông truyền tối thượng của mình mà quyết định rằng một giáo thuyết về đức tin và nếp sống phải được toàn thể Giáo hội tuân theo, thì nhờ ơn trợ giúp Thiên Chúa hứa ban cho Người nơi bản thân Thánh Phêrô, Người được hưởng tính bất khả ngộ mà Đấng Cứu Thế đã muốn trang bị cho Giáo hội của Người, khi Giáo hội phải định tín giáo lý về đức tin và luân lý [2]. Vì thế, các định tín của Giám mục Rôma tự thân đã là bất khả cải hoán chứ không phải dựa vào sự ưng thuận của Giáo hội” [3].

Trong thời hiện đại, giáo hoàng đã sử dụng đến ơn bất khả ngộ khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội (Ineffabilis Deus) năm 1854 và Đức Mẹ Hồn Xác lên trời (Munificentissimus Deus) năm 1950. Tuy nhiên giáo hoàng cũng giảng dạy không thể sai lầm khi, như thường xảy ra, ngài tái khẳng định một giáo lý nào đó hoặc những giáo lý đã được thiết lập rõ ràng như là chân lý được mặc khải và thuộc về đức tin Giáo hội.

Lời kêu gọi
Hiến chế Pastor Aeternus kêu gọi mọi thành viên trong Giáo hội vâng phục giáo hoàng như là mục tử và thầy dạy tối cao – nghĩa là khi ngài phát biểu về đức tin và luân lý hoặc những công việc nội bộ của Giáo hội.

Có lẽ không giống như một tuyên bố quan trọng nhưng xét rằng những nhà lãnh đạo thế tục đôi lúc muốn điều khiển Giáo hội – từ việc chỉ định các giám mục cho đến việc qui định giáo thuyết – thì nội dung của Hiến chế Pastor Aeternus nhắc nhở thế giới rằng quyền lực nhà nước có những giới hạn. Trên thực thế, Giáo hội tuyên bố sự độc lập đối với quyền bính dân sự. Một trăm năm sau, với Công đồng Vatican II, Giáo hội dựa trên những tuyên bố của Vatican I để khẳng định mỗi người có quyền tin và thực hành đức tin của mình như mệnh lệnh của lương tâm mà không chịu sự can thiệp của nhà nước. 

David Werning viết từ Virginia.

 
Đọc thêm:
Ineffabilis Deus (8/12/1854): Hiến chế của Đức Piô IX định tín chính thức và với thẩm quyền việc Đức Trinh Nữ Maria được thụ thai tinh tuyền [tức được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ]. Nên lưu ý rằng với tuyên tố này, giáo hoàng thực thi ơn bất khả ngộ của thừa tác vụ Phêrô trước khi có Hiến chế Pastor Aeternus.
Quanta Cura (8/12/1864): Thông điệp của Đức Piô IX kết án những sai lầm như chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa dửng dưng tôn giáo. Nó bao gồm một phụ lục, Bản mục các sai lầm (Syllabus of Errors), mô tả ngắn gọn 80 lạc thuyết.
Aeterni Patris (29/6/1868): Tông chiếu của Đức Piô IX triệu tập Công đồng Vatican I. Nó nêu lý do mở Công đồng là sự thù nghịch Giáo hội, tuy nhiên khẳng định Giáo hội có khả năng chiến thắng mọi đối thủ bởi Đức Giêsu hứa sẽ ở cùng Giáo hội luôn mãi.
Dei Filius (24/4/1870): Hiến chế được Vatican I ban hành cùng với Hiến chế Pastor Aeternus bảo vệ tính hợp lý của đức tin và sự tương hợp giữa đức tin và lý trí.
 
[1] Trích từ H. DENZINGER, Lm. Nguyễn Văn Hòa O.P. chuyển ngữ (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2019), 3070.
[2] Ibid., 3073–4. Người chuyển ngữ bài này dùng từ “luân lý”  thay cho từ “nếp sống” của dịch giả Nguyễn Văn Hòa.
[3] Ibid., 3073–4.


Xem thêm: Một kho tàng trường tồn: Tổng quan
Một kho tàng trường tồn: Thông điệp Rerum Novarum và việc bảo vệ giai cấp công nhân

Nguồnhttps://stellamaris.edu.vn

 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm58
  • Hôm nay24,621
  • Tháng hiện tại683,272
  • Tổng lượt truy cập52,852,220

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây