Học hỏi Phúc âm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Thứ ba - 09/11/2021 21:11  818

  Lời Chúa: Lc 9,23-26

23Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 26Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Học hỏi:

  1. So sánh Lc 9,22 và Lc 9,23-26. Số phận của Đức Giêsu và số phận của các môn đệ Ngài có nét nào giống nhau không?
  2. Đọc Lc 9,22. Bạn có thấy bàn tay của con người và bàn tay của Thiên Chúa trong cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Giêsu không? [Bản dịch tiếng Việt thiếu chữ “được” trỗi dậy. Đây là do bàn tayThiên Chúa].
  3. So sánh Lc 9,23 với Mc 8,34. Tìm một điểm khác biệt giữa hai đoạn văn trên.
  4. Đọc Lc 9,23. Vào thời Đức Giêsu, ai là người phải vác thập giá? Vậy theo bạn, “vác thập giá của mình mỗi ngày” nghĩa là gì? “Từ bỏ chính mình” là chuyện có thể làm một lần là xong không? Tại sao?
  5. Đọc Lc 9,23. Đức Giêsu có ép người ta làm môn đệ của Ngài không? Ngài có mời chúng ta vác thánh giá của người khác không? Người kitô hữu có cô đơn khi vác thập giá của mình không? 
  6. Đọc Lc 9,24. Thử tìm một định nghĩa về thánh tử đạo trong câu này.
  7. Đọc Lc 9,25. Câu này cho thấy điều gì có giá trị hơn cả thế gian này?
  8. Đọc Lc 9,26. Người kitô hữu còn phải chịu nhiều đau khổ ở đời này. Ai là niềm hy vọng của chúng ta?
  9. Bạn có biết tiểu sử một vị thánh tử đạo Việt Nam không?
  10. Trong thời bách hại, thánh tử đạo là người làm chứng cho Chúa bằng cái chết. Theo ý  bạn, trong thời đại vật chất lợi danh, làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống có dễ không?

Lời Chúa: Ga 17, 11b-19

11bLạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều nàylúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

Học hỏi:

1. Đọc cả chương Ga 17. Chương này mấy lần nói đến việc Đức Giêsu cầu xin Cha?

2. Đọc Ga 17,11-19. Đức Giêsu dâng cầu nguyện này khi nào, cho ai? Đọc thêm Ga 17,20, cho biết Đức Giêsu còn cầu nguyện cho ai nữa. Tại sao Ngài cầu nguyện cho họ?

3. Đọc Ga 17,11b-16. Hãy cho biết Đức Giêsu cầu xin gì với Chúa Cha.

4. Đọc Ga 13,3 và 17,11a.13a. Đức Giêsu coi cái chết sắp đến của Ngài là gì?

5. “Thế gian” được nhắc đến nhiều lần trong chương 17. Để ý đến những từ “thế gian” trong các câu sau: Ga 17,6.11.14.15.16.18. Các câu này có mâu thuẫn với nhau không?

6. Để ý đến những từ “thế gian” trong các câu sau, và cho biết Ga 15,19 có mâu thuẫn với Ga 17,15.18 không? Ga 17,9 có mâu thuẫn với Ga 17,21.23 không?

7. Đọc Ga 17,11b.17-19. Kể tên “các Đấng thánh” trong các câu trên.

8. “Lời Cha là sự thật” (17,17). Nhưng tìm “Lời Cha” ở đâu? Đọc Ga 17,6. 8.14.20.

9. Theo ý bạn, tại sao đoạn Phúc âm này được dùng trong ngày lễ Giáo hội mừng kính Các Thánh tử đạo Việt Nam?

10. Theo ý bạn, làm chứng cho Chúa thời xưa và thời nay, thời nào dễ hơn?

***                      

Lời Chúa: Ga 17, 11b-19

  1. Đọc kỹ toàn bộ bài Tin Mừng này.Theo ý bạn, tại sao bài Tin Mừng này được dùng trong ngày lễ mừng kính Các Thánh tử đạo Việt Nam? Trong bài này, Đức Giêsu cầu xin Cha cho ai, khi nào?
  2. Đọc cả chương Ga 17. Chương này mấy lần nói đến việc Đức Giêsu cầu xin Cha?
  3. Đọc Ga 17,11b-19. Hãy cho biết Đức Giêsu cầu xin những điều gì với Chúa Cha.
  4. Đọc Ga 13,3 và 17,11a.13a. Đức Giêsu coi cái chết sắp đến của Ngài là gì?
  5. Đọc Ga 17,6.9. Đức Giêsu có cái nhìn thế nào về các môn đệ?
  6. Đọc Ga 17, 11-14.18-19 và cho biết khi ở với các môn đệ, Đức Giêsu đã làm gì cho những người mà Ngài yêu mến?
  7. Đức Giêsu sai các môn đệ vào trong thế gian (Ga 17,18), nhưng lại nhấn mạnh hai lần, họ không thuộc về thế gian (Ga 17,14.16). Theo bạn, thế nào là thuộc về thế gian?
  8. Đọc Ga 17,11b.17-19. Trong các câu trên, những ai được gọi là thánh?

GỢI Ý SUY NIỆM: Khi đọc bài Tin Mừng này, bạn có thấy mối quan tâm của Đức Giêsu đối với các môn đệ khi Ngài sắp lìa đời không? Các thánh Tử đạo là những môn đệ Đức Giêsu bị thế gian thù ghét. Nhưng bạn có thấy họ được Cha và Con cùng nhau gìn giữ không? Đọc Ga 17,11.12.15.

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Bài Tin Mừng theo Thánh Gioan ở chương 17 là một lời nguyện của Đức Giêsu dâng lên Cha để cầu cho các môn đệ, khi Ngài biết đã đến giờ Ngài “đến cùng Cha”, “về với Cha” qua cái chết. Bài này được chọn để đọc trong lễ kính Các Thánh Tử đạo Việt Nam, vì ta thấy bài này nói đến những gian khổ các môn đệ sẽ phải chịu sau khi Đức Giêsu về với Cha. Cuộc bách hại đã bắt đầu rồi: “thế gian đã thù ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian” (Ga 17,14). Trước một thế gian thù ghét và bách hại, Đức Giêsu cầu xin Cha “gìn giữ họ trong danh Cha” (Ga 17,11b), và “gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15).
  2. Chương 17 nhiều lần nói đến việc Đức Giêsu cầu xin Cha cho các môn đệ. Động từ “cầu xin” (erôtáô) được nhắc đến trong Ga 17,9.15.20. Đây là những lời cầu xin hơn là những lời cầu nguyện. Rõ nhất là ở Ga 17,15: “Con không cầu xin (erôtô) Cha đem họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.” Ở Ga 17,20 ta cũng thấy một lời cầu xin khác. Ở đây Đức Giêsu cầu xin Cha cho tất cả các môn đệ hiện tại và tương lai được ơn nên một, cũng như được ơn ở trong Cha và Con. Ở Ga 17,9 Đức Giêsu nói một điều làm chúng ta ngạc nhiên: Ngài không cầu xin cho thế gian, vì thế gian là một thế lực luôn chống đối Thiên Chúa (Ga 7,7; 15,18-19; 16,8-11). Nó được cầm đầu bởi tên “Thủ lãnh thế gian” (Ga 12,31; 14,30; 16,11). Tuy nhiên ở Ga 17, 20-23 ta cũng thấy niềm hy vọng: đó là nhờ gương sáng của các tín hữu mà thế gian sẽ nhận biết và tin vào Đức Giêsu là Đấng được Cha sai (Ga 17,21.23).
  3. Trong Ga 17,11b-16 Đức Giêsu cầu xin với Cha ba điều sau đây. Trước hết Ngài xin Cha gìn giữ những kẻ Cha đã ban cho Ngài, để họ nên một như Cha và Con (Ga 17,11b). Như thế khi sắp về với Cha, điều Đức Giêsu quan tâm là sự hiệp nhất giữa các môn đệ. Ngài ước mong họ nên một theo mẫu mực như Cha và Con: “Tôi và Cha, chúng tôi là một” (Ga 10,30). Sau đó Ngài xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần (Ga 17,15). Vì khi Đức Giêsu về với Cha, các môn đệ vẫn còn ở trong thế gian, vẫn bị thế gian thù ghét (Ga 17,14), và vẫn bị đe dọa bởi ác thần, nên Đức Giêsu xin Cha gìn giữ họ như chính Ngài đã gìn giữ họ lúc còn sống ở đời. Cuối cùng, Ngài xin Cha dùng sự thật mà thánh hiến họ (Ga 17,17).
  4. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu có cái nhìn nhẹ nhàng về cái chết sắp đến của mình. Ngài coi đây là “Giờ Ngài đi qua từ thế gian này về với Cha” (Ga 13,1), là thời điểm Ngài “đi về cùng Thiên Chúa” (Ga 13,3). Ngài về “nhà Cha” trước để “dọn chỗ” cho các môn đệ (Ga 14,2). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài cũng coi cuộc ra đi sắp tới như chuyển động “đến cùng Cha” (Ga 17,11a.13a).
  5. Đức Giêsu quý các môn đệ của mình. Họ là “những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con” (Ga 17,6), chính vì thế họ không thuộc về thế gian (Ga 17,16). Đức Giêsu coi môn đệ là quà tặng Cha ban cho mình (Ga 17,6.9.24). Ngài luôn khẳng định “họ thuộc về Cha” (Ga 17,6.9), và Cha đã ban họ cho Ngài, nên bây giờ họ thuộc về Ngài (Ga 13,1).
  6. Vào giờ phút biệt ly, Đức Giêsu cho thấy Ngài yêu các môn đệ, và yêu họ đến cùng (Ga 13,1).  Trong bài Tin Mừng này, ta thấy Ngài đã làm nhiều điều cho các môn đệ khi Ngài sống bên họ. Ngài gìn giữ họ để họ nên một (Ga 17,11-12), canh giữ để không ai bị hư mất (Ga 17,12). Ngài đã đem đến cho họ niềm vui trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13). Vì Ngài là Ngôi Lời, Ngài đã ban lời của Cha cho họ (Ga 17,14). Ngài sai họ vào trong thế gian (Ga 17,18). Cuối cùng, Ngài đã thánh hiến chính mình để các môn đệ cũng được thánh hiến trong sự thật (Ga 17,19).
  7. Như Thiên Chúa Cha đã sai Đức Giêsu, là Con Thiên Chúa và là Ngôi Lời nhập thể, vào trong thế gian (Ga 3,17), thì Đức Giêsu cũng sai các môn đệ vào trong thế gian (Ga 17,18). Thế gian này là thế giới tội lỗi, cần đến ơn cứu độ, nên được Thiên Chúa yêu thương và ban Người Con Một (Ga 3,16). Nhưng thế gian này cũng là thế gian từ khước Đức Giêsu (Ga 1,10-11) , làm những điều xấu xa (Ga 7,7), thù ghét môn đệ của Ngài (Ga 15,18-19) và chống đối Thiên Chúa. Dĩ nhiên các môn đệ không thể thuộc về một thế gian như thế (Ga 17,14.16). “Họ thuộc về Cha” (Ga 17,6.9).
  8. Đức Giêsu đã gọi Chúa Cha là “Cha chí thánh” (Ga 17,11b). Ngài đã xin Cha chí thánh làm cho các môn đệ được thánh hiến trong sự thật (Ga 17,17). Chính Đức Giêsu cũng nhận mình là Đấng được Cha thánh hiến (Ga 10,36). Nhưng ở Ga 17,19, Đức Giêsu lại nói đến việc tự thánh hiến chính mình với cùng mục đích như Cha: để nhờ đó các môn đệ được thánh hiến trong sự thật. Như thế Chúa Cha và Chúa Giêsu đều là Đấng thánh, và đều muốn làm cho các môn đệ được thánh hiến, được nên thánh. Được thánh hiến là để được sai vào thế gian.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập285
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm253
  • Hôm nay27,500
  • Tháng hiện tại584,179
  • Tổng lượt truy cập50,996,786

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây