HỌC HỎI PHÚC ÂM
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN NĂM A
Mt 5,13-16
1. Đức Giêsu nói những lời trong bài Tin mừng này cho ai? Ngài so sánh các môn đệ với những điều gì? Những điều này có điểm nào giống nhau?
2. Theo bạn, đâu là những công dụng quan trọng của muối?
3. Đọc Mt 5,13. Tại sao muối nhạt lại bị quăng đi?
4. Trong Kinh Thánh, ai thường được coi là ánh sáng? Đọc Tv 18,12; 1 Gioan 1,5; Ga 1,9; 8,12; 9,5; 12,46; Isaia 42,6; Mt 5,14; Phi-líp-phê 2,15. Nhờ đâu mà người môn đệ được coi là ánh sáng?
5. Đức Giêsu đã “định nghĩa” môn đệ của mình hay các kitô hữu là “muối của trái đất” và là “ánh sáng cho thế giới”. Hai định nghĩa trên có gì đặc biệt?
6. Đọc Mt 5,14. “Một thành phố xây trên núi không tài nào che dấu được.” Theo bạn, thành phố này tượng trưng cho ai?
7. Đọc Mt 5,15. Bạn nghĩ có ai giấu đèn sáng dưới cái thùng không? Bởi đâu có người Kitô hữu giấu đèn sáng dưới cái thùng?
8. Đọc Mt 5,16. Để cho ánh sáng nơi mình bừng tỏa có phải là kiêu ngạo không? Tại sao? So sánh với Mt 6,1.
CÂU HỎI SUY NIỆM: Thế gian có thể làm người môn đệ của Chúa Giêsu trở nên “nhạt” không? Một người bị “nhạt” có thể “mặn” lại được không? Bằng cách nào để “mặn” lại được?
PHẦN TRẢ LỜI:
1. Bài Tin mừng này nằm ngay sau Tám Mối Phúc (Mt 5,1-12). Đức Giêsu nói những lời này chủ yếu với các môn đệ của Ngài, nhưng có thể Ngài cũng muốn nói với cả đám đông tin vào Ngài nữa (Mt 5,1-2). Trong bài Tin mừng này, Đức Giêsu dùng nhiều hình ảnh để diễn tả khuôn mặt của người môn đệ: muối, ánh sáng, một thành phố, một ngọn đèn. Tất cả những hình ảnh này đều có điểm chung là ảnh hưởng của chúng có sức lan tỏa, không che giấu được. Khi coi các môn đệ như “muối của trái đất” và “ánh sáng của thế gian”, Đức Giêsu cho thấy ảnh hưởng của họ phải lan tỏa không những trong phạm vi nước Ítraen, mà còn trên toàn thế giới (x. Mt 28,19).
2. Sách Huấn ca đã coi muối là một trong những điều “cần thiết cho cuộc sống con người” (Hc 39,26). Muối có nhiều chức năng: bảo quản thức ăn (Tôbia 6,6), dùng làm gia vị, hay tẩy sạch (2 Vua 2,19-22). Ngoài ra muối còn được dùng để “bỏ vào mọi lễ phẩm dâng tiến” (Lêvi 2,13).
Khi nói các môn đệ là muối, Đức Giêsu đã dùng một ẩn dụ (metaphor). Ngài muốn các môn đệ có những phẩm chất tốt của muối: “Muối là cái gì tốt…Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hòa thuận với nhau” (Mc 9,50). Thánh Phaolô cũng khuyên lời nói của người tín hữu nên dễ thương và “được nêm bằng muối” (Côlôsê 4,6) cho mặn mà.
3. Theo Đức Giêsu, vì một lý do nào đó, muối không còn vị mặn nữa, thì chỉ nên “quăng nó ra ngoài cho người ta chà đạp” (Mt 5,13). Thật ra không nên gọi muối nhạt là muối, vì nó đã đánh mất chính bản chất của mình, đó là vị mặn. Nó chỉ là muối khi còn giữ được vị mặn. Chẳng ai đi mua muối tốt để ướp muối nhạt bao giờ. Muối nhạt hoàn toàn vô dụng, chỉ nên quăng đi.
4. Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được coi là ánh sáng (Tv 18,12; 1 Gioan 1,5). Trong Tin mừng Gioan, Đức Giêsu Kitô được coi là ánh sáng soi thế gian (Ga 1,9; 8,12; 9,5; 12,46). Cả người tín hữu cũng được coi là ánh sáng (Isaia 42,6; Mt 5,14; Philípphê 2,15). Thật ra, người tín hữu không phải là nguồn tự mình phát ra ánh sáng. Họ là ánh sáng vì họ được hưởng ánh sáng của Chúa, nhờ đó họ tỏa sáng cho cả trần gian, cho thế giới loài người.
5. Khi định nghĩa người môn đệ Đức Kitô, hay người kitô hữu bằng hai hình ảnh “muối cho trái đất” và “ánh sáng cho thế giới”, Đức Giêsu cho thấy người kitô hữu không hề tách biệt khỏi trái đất này và thế giới này. Họ được sai đến để sống và để phục vụ cho trái đất, cho thế giới. Thế giới “nhạt và tối” này vẫn cần đến người môn đệ Chúa Kitô. Họ cho nó vị mặn mà, bảo quản nó khỏi hư hỏng và soi sáng nó trong bóng đêm. Đó là sứ mạng của họ. Để chu toàn sứ mạng được giao, họ không được phép để thế gian làm mình thành muối nhạt, để đèn tắt ngúm vì hết dầu, hay che giấu căn tính kitô hữu của mình.
6. Đức Giêsu còn dùng một hình ảnh khác để diễn tả ơn gọi của người môn đệ. Đó là hình ảnh một thành phố được xây trên một ngọn núi (Mt 5,14b). Vì núi cao, nên ai cũng thấy thành phố này, nhất là vào ban đêm khi đèn được thắp lên. Không thể nào che giấu một thành phố như thế được. Tương tự như thế, các kitô hữu cũng không thể nào che giấu cuộc sống của họ. Họ được mời gọi để mọi người nhìn thấy rõ như một thành phố nằm trên núi. Nếu không, họ sẽ đánh mất chính bản chất của họ.
7. Đức Giêsu còn ví người môn đệ với ngọn đèn dầu được người ta thắp sáng (Mt 5,15). Không ai đặt ngọn đèn sáng dưới cái đấu (dung tích cái đấu khoảng 9 lít), nhưng đặt trên đế cao để soi sáng mọi người trong nhà. Qua câu này, Đức Giêsu vừa cho thấy các môn đệ là ánh sáng, vừa đòi hỏi họ không được che giấu ánh sáng như đã nói ở câu Mt 5,14-15b. Ánh sáng của ngọn đèn phải giúp cho mọi người trong nhà có thể sinh hoạt vào ban đêm. Tuy nhiên, vẫn có những tín hữu che giấu ánh sáng của mình, vì họ hiểu sai thế nào là khiêm tốn thật sự, hay vì họ sợ gặp rắc rối khi phải dấn thân. Đọc Mt 25,14-30.
8. Đức Giêsu đòi các môn đệ phải để cho ánh sáng của họ chiếu tỏa trước mặt thiên hạ (Mt 5,16). Câu này có vẻ trái ngược với một câu khác của Đức Giêsu: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy” (Mt 6,1). Thật ra, không có sự mâu thuẫn giữa hai câu nói của Đức Giêsu. Một đằng là làm điều tốt với chủ đích là phô trương cho người ta thấy, để tìm tiếng khen cho mình nơi người đời. Một đằng là không che giấu “những công việc tốt đẹp” mình làm, để cho người ta thấy mà “tôn vinh Cha trên trời”. Như thế đích nhắm của hai việc làm trên đây rất khác nhau: tìm tiếng tăm cho mình hay tìm vinh quang cho Thiên Chúa. Hữu xạ tự nhiên hương, cuộc sống của người kitô hữu không cần màu mè giả tạo, nhưng lôi cuốn bằng chính sự mặn mà của mình, bằng chính sự tỏa sáng của cuộc sống tốt lành.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn