Luca 18: 1-8
CẦU NGUYỆN
Kiên tâm cầu nguyện không ngừng,
Thân tâm kết hợp, vui mừng phó dâng.
Dụ ngôn Chúa dậy xin vâng,
Chớ đừng chán nản, đỡ nâng phận người.
Một người thẩm phán biếng lười,
Coi thường đạo lý, nhạo cười người ta.
Minh oan chẳng xét nhiều ca,
Thời gian trì hoãn, thật là bất công.
Thương thay bà góa chết chồng,
Nài van kêu cứu, thông đồng ém đi.
Ngày qua tháng lại hoài nghi,
Thành tâm kiên nhẫn, ngại gì thời gian.
Quấy rầy nhức óc quí quan,
Yêu cầu thẩm phán, giải oan sớm chiều.
Bất lương cũng phải biết điều,
Định ngày minh xử, đừng khiêu khích lòng.
Các con cầu khẩn trông mong,
Thành tâm phó thác, ẩn trong tâm hồn.
Một lòng thờ phượng kính tôn,
Chúa thương chúc phúc, ơn khôn đổ tràn.
Bài Phúc âm nói về người đàn bà góa xin ông thẩm phán minh oan cho khỏi tay kẻ thù. Qua một thời gian lâu dài, ông không đáp lời nhưng vì sự nài nỉ quấy rầy của bà, ông đã giải quyết cho bà. Qua câu truyện kiên tâm chờ đợi của người đàn bà góa, Chúa dạy chúng ta bài học kiên trì trong sự cầu nguyện. Cầu nguyện là tâm tình và thưa truyện với Chúa.
Muốn có sự liên hệ thông cảm lẫn nhau, chúng ta cần có những cầu nối. Giữa dòng điện nối tiếp nhau, chúng ta có cầu giao và cầu chì. Giữa con người với nhau chúng ta cũng cần bắc một chiếc cầu, gọi là cầu thông cảm. Giữa con người với các thánh nhân, chúng ta có sự liên hệ gọi là cầu bầu, cầu khẩn hay cầu xin. Giữa Thiên Chúa và con người có một khoảng cách xa vời, muốn đến với Chúa, chúng ta có thể bắc một chiếc cầu bằng những kinh nguyện, gọi là cầu nguyện.
Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện qua Kinh Lạy Cha. Kinh Lạy Cha là mẫu mực của tất cả các kinh nguyện. Qua đó chúng ta có thể thân thưa với Chúa. Cầu nguyện không phải là kể lể hay kinh kệ dài dòng mà được nhiều ơn. Cốt lõi của sự cầu nguyện là gặp gỡ thân mật với Chúa. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương của sự cầu nguyện. Chúa thưa truyện với Chúa Cha hằng ngày, đặc biệt trong những biến cố lớn như chọn lựa các Tông đồ, Chúa cầu nguyện thâu đêm. Thường khi cầu nguyện chúng ta qùi gối khiêm hạ cầu xin hoặc ngước nhìn lên Chúa, đó là thái độ trút bỏ mọi sự để hướng lòng lên cùng Chúa. Gặp gỡ Chúa phải là sự gặp gỡ thực sự, thân mật và nội tâm.
Khi cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy lòng ta lắng xuống và tâm hồn thư thái nhẹ nhàng vì Chúa chính là nguồn ủi an, là suối an bình và là nguồn tươi mát cho tâm hồn. Chúng ta có thể cầu nguyện mọi nơi mọi lúc. Có một anh hỏi rằng: Khi cầu nguyện có được hút thuốc không? Tôi trả lời: Không nên, vì cầu nguyện là chúng ta tâm sự với Chúa nhưng trái lại, trong khi anh hút thuốc anh vẫn có thể cầu nguyện. Chúng ta có thể cầu nguyện khi đi bộ, khi lái xe, khi chờ đợi, khi làm việc, trong công xưởng, ngoài đường, tại nhà và tốt nhất cầu nguyện chung trong nhà thờ. Chúng ta nhớ thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã cầu nguyện trong mọi viêc làm hằng ngày, từ những mái chổi quét nhà tới việc giặt quần áo nhỏ mọn.
Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Cầu nguyện liên lỉ đừng chán nản. Chúa Giêsu nói rằng: Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao?
Chúa Nhật Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo
Mt 28, 16-20
MẦU NHIỆM.
Ba Ngôi một Chúa nhiệm mầu,
Ai mà thấu hiểu, cao sâu tầng trời.
Ngước nhìn vũ trụ tuyệt vời,
Muôn ngàn tinh tú, bầu trời bao la.
Tôn thờ Thiên Chúa, Ngôi Cha,
Tạo nên muôn vật, hải hà trùng dương.
Ngôi Hai Con Một mở đường,
Yêu thương mạc khải, tinh tường trí khôn.
Loài người có xác có hồn,
Muôn loài thụ tạo, kính tôn Chúa Trời.
Giê-su giáng thế làm người,
Ban ơn cứu độ, cho người Chúa yêu.
Ai tin nhận lãnh thiên triều,
Chối từ, luận phạt, tự kiêu phí đời.
Nhân Danh Con Một cao vời,
Trung gian giao kết, mọi người với Cha.
Tình yêu phát xuất Ngôi Ba,
Thánh Thần Phù Trợ, ngợi ca muôn đời.
Ba Ngôi mầu nhiệm cao vời,
Phụng thờ kính mến, đời đời hát khen.
Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao cả nhất trong đạo. Cao siêu nhưng gần gũi nhất vì ai trong chúng ta cũng có thể đọc và suy niệm. Mỗi ngày nhiều lần, chúng ta làm dấu thánh giá tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là mầu nhiệm cội rễ trong đạo.
Chúng ta không thể hiểu tường tận về mầu nhiệm này nhưng chúng ta cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Chúa Cha đã yêu thương sáng tạo chúng ta nên giống hình ảnh của Ngài. Chúa Con đã hạ mình giáng thế trở nên giống chúng ta để ban ơn cứu độ. Chúa Thánh Thần là ngọn lửa mến thôi thúc chúng ta liên kết với nhau trong tình yêu Chúa. Hiểu được tình yêu là hiểu được Thiên Chúa trong Ba Ngôi. Ba Ngôi được biểu hiện qua cây Thánh Giá. Từ Cha xuống Con ngang qua Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm của tình yêu.
Đây là hình ảnh tuyệt hảo của tình yêu.
Qua những cảnh vật và con người chung quanh, chúng ta có thể nhận ra và gặp gỡ được Thiên Chúa Ba Ngôi. Dấu vết Thiên Chúa hiện hữu khắp nơi trong muôn vật và nơi con nguời. Nếu đánh mất Chúa trong trái tim của chúng ta. Hãy đi tìm Chúa trong vũ trụ, chúng ta sẽ gặp Ngài. Thế giới chính là đền thờ của Thiên Chúa và trái tim con người là cung thánh của Ngài.
Ngày xưa khi Christopher Columbus, người đã khám phá ra Châu Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 15. Ông có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi các đặc biệt. Trong chuyến du hành thứ ba. Columbus đã dâng kính danh hiệu Chúa Ba Ngôi phần đất ông đã khám phá đầu tiên. Vì thế, hòn đảo mà ông đặt chân xuống đầu tiên trong cuộc thám hiểm Tân thế giới, đến nay vẫn gọi là Trinidad (Chúa Ba Ngôi).
Trong cuộc đời, chúng ta có kinh nghiệm gần gũi với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong tất cả các sinh hoạt trong đạo qua các Bí Tích đều có biểu hiện của Thánh Giá, đó chính là dấu chỉ tình yêu của Ba Ngôi.
Thánh Giá là gia sản của đạo. Trong Thánh Giá có tủi nhục, có khổ đau, có vinh quang và có tình yêu. Xin tình yêu của Chúa Ba Ngôi sưởi ấm tâm hồn chúng con để chúng con biết tôn thờ Chúa trong mọi nơi và mọi lúc.
THỨ HAI, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 13-21).
GIA TÀI
Có người thưa Chúa xin rằng:
Lạy Thầy xin bảo, công bằng phân chia.
Gia tài cha mẹ đã lìa,
Anh em gây gỗ, của kia dự phần.
Ai nên quan xét nợ nần,
Hồi môn chia cắt, đòi phần hơn thua.
Chúa rằng của cải phân bua,
Coi chừng mọi thứ, tranh đua ở đời.
Tham lam gom góp của hời,
Giầu sang phú quí, cũng rời xa ta.
Một người phú hộ sa đà,
Chất đầy kho lẫm, đường tà vui chơi.
Nghỉ ngơi ăn uống thú đời,
Linh hồn an hưởng, một thời sướng thay.
Hỡi người ngu dại thế này,
Bạc vàng chất đống, đêm nay gọi hồn.
THỨ BA, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 35-38).
TỈNH THỨC
Các con tỉnh thức đợi chờ,
Thắt lưng đứng sẵn, vào giờ không hay,
Cầm đèn cháy sáng trong tay,
Như người đợi chủ, mở ngay cửa chào.
Chủ về gõ cửa bước vào,
Phúc cho đầy tớ, việc trao chu toàn.
Cuộc đời chi phối lo toan,
Trăm công nghìn việc, đa đoan phân trần.
Mỗi người trách nhiệm một phần,
Chu toàn bổn phận, tinh thần tỉnh tao.
Canh ba canh bốn có sao,
Chăm nom săn sóc, việc trao hoàn thành.
Kẻ nào trung tín thi hành,
Vui thay đầy tớ, phúc lành trao ban.
Cuộc đời muôn nỗi gian nan,
Ai mà thức tỉnh, bình an tâm hồn.
THỨ TƯ, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 39-48).
SẮN SÀNG
Các con học biết điều này,
Hãy luôn tỉnh thức, hăng say nhiệt tình.
Tâm thần sáng suốt bình sinh,
Tương lai hiện tại, anh minh rạng ngời.
Sự gì xảy đến trong đời,
Mấy ai dự liệu, mọi nơi sẵn sàng.
Chúa thương dậy bảo dân làng,
Coi chừng kẻ trộm, nó đang khoét tường.
Con Người sẽ đến bất thường,
Ngày giờ không biết, tứ phương ngóng chờ.
Là người quản lý đúng giờ,
Phân chia lúa thóc, trông nhờ gia nhân.
Chủ về quan sát trong dân,
Hoàn thành trách nhiệm, chia phần quản cai.
Phúc thay đầy tớ miệt mài,
Thưởng công thăng chức, hiền tài phát huy.
THỨ NĂM, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 49-53).
LỬA THIÊNG
Thầy đem lửa xuống trần gian,
Mong sao lửa cháy, tràn lan mọi miền.
Lửa thiêng nung nấu triền miên,
Xả thân cứu độ, cửa thiên đón mời.
Hoàn thành phép rửa trong đời,
Biết bao khắc khoải, cao vời hiến thân.
Thầy đem phân rẽ trong dân,
Năm người chia rẽ, thành phần mỗi nơi.
Hai ba chống đối, hỡi ơi,
Con trai chống lại những lời của cha.
Tính tình con gái kiêu sa,
Nàng dâu chống mẹ, chạm va gia đình.
Hy sinh đòi hỏi hiến mình,
Bước đi theo Chúa, tâm linh rạng ngời.
Tu thân cắt bỏ sự đời,
Hãm mình dẹp xác, gọi mời chứng nhân.
THỨ SÁU, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 54-59).
DẤU CHỈ
Phía Tây mây nổi dật dờ,
Cơn dông sắp tới, mây mờ trở mưa.
Gió Nam thổi đến giữa trưa,
Khi trời nóng bức, lại vừa nắng oi.
Các ngươi nhận diện ngắm coi,
Chuyển vần trời đất, rạng soi cận kề.
Giả hình hiểu biết mọi bề,
Tiến trình thời đại, chẳng hề lưu tâm.
Tận tình suy nghĩ trầm ngâm,
Nhận ra dấu chỉ, đường lầm tránh xa.
Nước Trời xuất hiện bên ta,
Quyền uy dấu lạ, mưa sa phúc lành.
Thức thời nhận biết thi hành,
Cảm thông hòa giải, tranh dành bỏ qua.
Khôn ngoan tính toán trước tòa,
Công bằng xá giải, thứ tha lỗi lầm.
THỨ BẢY, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 13, 1-9).
HỐI CẢI
Có người tự thuật truyện này,
Tế sinh các vật, hòa ngay máu đào.
Số người bị giết hôm nao,
Nhục hình khinh dể, khơi mào gớm ghê.
Nghĩ rằng ngược đãi ê chề,
Là người tội lỗi, bội thề xấu xa.
Chúa khuyên nhắc nhủ người ta,
Ăn năn hối cải, xin tha lỗi lầm.
Si-lô đổ xuống chôn ngầm,
Số người mười tám, chết bầm xót xa.
Không phải tội lỗi hơn ta,
Nếu không hối cải, cả nhà suy vong.
Trong vườn cây vả hằng mong,
Sinh hoa kết quả, trong lòng vui thay.
Cây nào không trái năm nay,
Bón phân tưới nước, cơ may sống còn.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng