Đức Thánh cha đưa ra lời kêu gọi trên đây trong diễn văn hôm 28/02 vừa qua, tại phiên họp chót của khóa họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, với chủ đề: “Số học “tốt”? Trí tuệ nhân tạo: luân lý đạo đức, luật pháp và sức khỏe”.
Phiên họp chót diễn ra tại Thính đường ở đường Hòa Giải với sự tham dự của 450 nhân vật, trong đó có ông David Sassoli, Chủ tịch Nghị Viện Âu châu và ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), Tổng giám đốc tổ chức Lương nông quốc tế, gọi tắt là FAO, ban lãnh đạo công ty Microsoft và IBM, và các chuyên gia đa ngành.
Vì Đức Thánh cha bị cảm nhẹ nên không đến gặp gỡ các tham dự viên khóa họp, nên diễn văn của ngài đã được Đức Tổng giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về sự sống, tuyên đọc thay.
Trong bài này, Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng kỹ thuật trong “giải ngân hà” kỹ thuật số là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng nó cũng là một nguồn tài nguyên có những khía cạnh phức tạp, trong đó cần phải nghiên cứu kỹ sự đóng góp thực sự của con người và những tính toán tự động, vì không luôn dễ dàng dự đoán trước các hậu quả và xác định trách nhiệm của chúng.
Đức Thánh cha Phanxicô nhìn nhận những lợi điểm của kỹ thuật, của các khoa sinh học được sự đóng góp rất nhiều của trí tuệ nhân tạo, nhưng ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng ta cần dấn thân bảo vệ và thăng tiến, không những chiều kích cấu thành của nó về mặt sinh học, nhưng cả trong chiều kích chất lượng, không thể coi nhẹ”.
Trong lãnh vực này, Đức Thánh cha kêu gọi “đặt con người ở trung tâm, chứ không phải ở ngoài lề những chinh phục của con người. Liên quan đến các máy móc kỹ thuật, điều này có nghĩa là không những cần để ý đến lương tâm của những người phát minh các máy móc, nhưng còn phải để ý đến việc huấn luyện lương tâm của những người sử dụng các kỹ thuật ấy”.
Cuối phiên họp, các tham dự viên đã ký vào Văn bản lời kêu gọi, được gọi là “Hiến chương về luân lý đạo đức trí tuệ nhân tạo”, hay gọi tắt là “Algor-etica”. Đức Tổng giám mục Paglia hy vọng đây là bước đầu để các chính phủ cũng như các xí nghiệp lớn sẽ tham gia vào cuộc thảo luận được Hội nghị này mở ra, để chiều kích luân lý đạo được để ý tới và tôn trọng trong những diễn biến to lớn của trí tuệ nhân tạo, với tất cả những hậu quả của nó. Cụ thể là sẽ có những qui luật rõ ràng được đề ra để các quyền căn bản của con người được tôn trọng (Vatican News 28-2-2020).
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn