Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ XXIX thường niên năm A, kể lại việc Chúa Giêsu trả lời cho những người đặt câu hỏi để gài bẫy Ngài.
Đức Thánh cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin mừng Chúa nhật hôm nay (xc. Mt 22,15-21), trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu chống lại sự giả hình của những người chống đối Ngài. Họ ca ngợi Ngài nhiều điều nhưng rồi đặt một câu hỏi gài bẫy để gây khó khăn và để làm Ngài bị mất uy tín trước mặt dân. Họ hỏi Ngài: “Có được phép nộp thuế cho hoàng đế Xêda hay không?” (v.17). Thời đó tại Palestina, sự thống trị của đế quốc Roma không được dân dung thứ, vì họ là những người xâm lăng, và cũng có lý do tôn giáo nữa. Vệc tôn thờ hoàng đế, cũng được làm nổi bật với hình của ông in trên đồng tiền. Đối với dân chúng, đó thực là một điều xúc phạm đến Thiên Chúa của Israel. Những người đối thoại với Chúa Giêsu xác tín rằng không có lối thoát nào cho vấn nạn của họ: hoặc là đồng ý hoặc là không. Nhưng Chúa biết sự nham hiểm của họ và Ngài thoát khỏi cạm bẫy. Ngài yêu cầu họ cho xem một đồng tiền thuế, Ngài cầm tiền trong tay và hỏi xem hình in trên đồng tiền là của ai. Họ trả lời là của Xêda. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời: “Vậy hãy trả cho Xêda những gì thuộc Xêda và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” (v.21).
Với câu trả lời như thế, Chúa Giêsu đặt mình lên trên cuộc tranh luận. Một đàng, Ngài nhìn nhận cần trả thuế cho Xêda vì hình trên đồng tiền là của ông; nhưng nhất là Ngài nhắc nhớ rằng mỗi người đều mang trong mình một hình ảnh khác, hình ảnh Thiên Chúa, và vì thế, mỗi người đều mắc nợ cuộc sống của mình đối với Chúa và chỉ mình Chúa mà thôi.
Trong phán quyết ấy của Chúa Giêsu, không những có tiêu chuẩn phân biệt giữa lãnh vực chính trị và tôn giáo, nhưng còn cho thấy những đường hướng rõ ràng trong sứ mạng của các tín hữu thuộc mọi thời đại, cả thời nay nữa. Trả thuế là một nghĩa vụ của công dân, cũng như việc tuân giữ những luật lệ công chính của quốc gia. Đồng thời, cần khẳng định quyền tối thượng của Thiên Chúa trong đời sống con người và trong lịch sử, tôn trọng quyền của Chúa trên những gì thuộc về Ngài.
Từ đó phát sinh sứ mạng của Giáo hội và các tín hữu Kitô là nói về Thiên Chúa và làm chứng về Chúa cho những người nam nữ trong thời đại của mình. Mỗi người, do bí tích Rửa tội, được kêu gọi trở thành một sự hiện diện sinh động trong xã hội, linh hoạt xã hội bằng Tin mừng và bằng nhựa sống của Chúa Thánh Linh. Vấn đề ở đây là khiêm tốn dấn thân, và đồng thời can đảm đóng góp phần của mình vào việc xây dựng nền văn minh tình thương, trong đó có công lý và tình huynh đệ hiển trị.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “xin Đức Mẹ Maria rất thánh giúp tất cả chúng con xa tránh mọi sự giả hình và trở thành những công dân lương thiện và xây dựng. Xin Mẹ giúp chúng con thành những môn đệ của Chúa Kitô trong sứ mạng làm chứng cho Thiên Chúa là trung tâm và là ý nghĩa của cuộc sống.”
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh cho các tín hữu, Đức Thánh cha nói: “Hôm nay, chúng ta cử hành Ngày Thế giới truyền giáo, có chủ đề là: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8). Những người kết dệt tình huynh đệ”. Thật là đẹp từ “những người kết dệt”: mỗi Kitô hữu được kêu gọi trở thành những người dệt nên tình huynh đệ. Đặc biệt là các thừa sai nam nữ, linh mục, giáo dân, tu sĩ, đang gieo vãi Tin mừng trong cánh đồng rộng lớn của thế giới. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và nâng đỡ cụ thể cho họ.”
“Trong bối cảnh này, tôi cũng cảm tạ Chúa vì sự giải thoát từ lâu cho cha Pierluigi Maccalli - chúng ta hãy chào mừng cha bằng tràng pháo tay - cha bị bắt cóc cách đây hai năm tại Niger. Chúng ta cũng vui mừng vì cùng được trả tự do với cha cũng có ba con tin khác. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho các thừa sai và các giáo lý viên, cho cả những người bách hại họ hoặc bị bắt cóc tại nhiều nơi trên thế giới.”
Linh mục thừa sai Maccalli 59 tuổi, người miền bắc Italia, thuộc Hội Thừa sai Phi châu (SMA), được trả tự do hôm 9/10 vừa qua.
Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Tôi muốn gửi một lời khích lệ và nâng đỡ các ngư phủ bị bắt từ hơn một tháng nay tại Libya và gia đình họ. Với lòng tín thác nơi Đức Mẹ là Sao Biển, họ hãy giữ vững niềm hy vọng có thể sớm gặp lại những người thân yêu.
“Tôi cũng cầu nguyện cho các cuộc thương thảo đang tiến hành trên bình diện quốc tế, để các hoạt động này quan trọng đối với tương lai của Libya. Anh chị em thân mến, đã đến lúc ngưng mọi hình thức thù nghịch, đố kỵ và dành ưu tiên cho cuộc đối thoại mang lại hòa bình, sự ổn định và thống nhất của đất nước Libya. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong thinh lặng cho các ngư phủ và cho Libya.”
Đức Thánh cha cũng chào thăm tất cả các tín hữu hành hương và đặc biệt là cộng đoàn các tín hữu người Peru ở Roma. Họ đã mang ảnh Chúa làm phép lạ đến Quảng trường thánh Phêrô để dự buổi đọc kinh Truyền tin.
Sau cùng cầu chúc mọi người một Chúa nhật tốt đẹp và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.
Cử hành Ngày Thế giới truyền giáo
Chúa nhật 18/10/2020, toàn Giáo hội cử hành Ngày Thế giới truyền giáo lần thứ 94, với chủ đề là câu trích từ sách Ngôn sứ Isaia: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8).
Trong sứ điệp nhân ngày này, Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Chúng ta có sẵn sàng được sai đi khắp nơi để làm chứng về niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa là Cha thương xót, để công bố Tin mừng cứu độ của Chúa Giêsu, để chia sẻ cuộc sống thần linh của Chúa Thánh Linh, qua việc xây dựng Giáo hội hay không? Như Mẹ Maria, chúng ta có sẵn sàng, không chút dè dặt, phục vụ thánh ý Thiên Chúa (xc. Lc 1,38) hay không? Thái độ sẵn sàng nội tâm này rất quan trọng để có thể thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con” (xc. Is 6,8).
Và Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Cử hành Ngày Thế giới truyền giáo cũng có nghĩa là tái khẳng định việc cầu nguyện, suy tư và sự giúp đỡ vật chất do những đóng góp của anh chị em là những cơ hội để tham gia tích cực vào sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Ngài. Đức bác ái được biểu lộ qua những cuộc lạc quyên trong các thánh lễ Chúa nhật thứ ba của tháng Mười, có mục đích hỗ trợ công việc truyền giáo được Các Hội Giáo hoàng truyền giáo thực hiện nhân danh tôi, để đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng và vật chất của các dân tộc và các Giáo hội trên toàn thế giới, vì phần rỗi của tất cả mọi người”.
Sáng ngày 16/10 vừa qua, hai vị Tổng giám mục Tổng thư ký Bộ truyền giáo: Protase Rugambwa và Giampietro Dal Toso và cha Nowak, Phó Tổng thư ký, đã mở cuộc họp báo tại Vatican để trình bày ý nghĩa Ngày Thế giới truyền giáo, đồng thời cũng nói đến những gì các tín hữu có thể giúp đỡ cụ thể cho các xứ truyền giáo.
Đặc biệt, Đức Tổng giám mục Dal Toso cho biết Quỹ Tương Trợ trong kỳ đại dịch do Bộ truyền giáo thành lập, nhân danh Đức Thánh cha đã tài trợ 250 dự án tại các Giáo hội địa phương bị thử thách nhiều vì coronavirus, tổng cộng gần một triệu 300.000 Mỹ kim và gần 473.500 Euro. Số tiền này đến từ các cuộc lạc quyên tại 120 quốc gia, do các vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo hoàng truyền giáo gửi tới, đặc biệt Tây Ban Nha, Pháp, Nam Hàn đóng góp nhiều nhất, nhưng cả các nước nghèo như Rwanda và Bangladesh cũng cổ chức lạc quyên để hỗ trợ quỹ tương trợ.
(Rei 16-10-2020)
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn